NSND Bạch Tuyết: Đạo Phật là một triết lý tồn tại, là nghệ thuật sống, là tín ngưỡng tâm linh
Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết được nhiều người biết đến không chỉ là hình ảnh của một nghệ sĩ nổi danh của sân khấu cải lương mà còn bởi cô là một Phật tử thuần thành.
MC Quỳnh Hương - Người truyền cảm hứng sống tích cực theo triết lý nhà Phật
PV: Cô hoan hỷ chia sẻ nhân duyên nào đã đưa Cô đến với đạo Phật?
- NSND Bạch Tuyết: Đọc sách là một sở thích từ nhỏ của tôi và dần dần hình thành thói quen. Và sách Phật, chủ yếu là Kinh và Luận đã theo tôi từ những ngày chập chững vào nghề hát. Có sách mình thích đọc tới đọc lui, có cuốn mình vừa đọc vừa tò mò, ngạc nhiên, có tác phẩm đọc hoài vẫn không… chịu hiểu! Nhưng những thắc mắc, ưu tư, kể cả sự… nổi loạn sau cái chết của mẹ, đến khi “lần giở trước đèn” những cuốn sách gối đầu giường của Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Thanh Từ thì tôi đã được giải đáp, giải tỏa. Tôi khẳng định: Tôi đã giữ được thăng bằng (balance) cho mình trên nền tảng của triết học Phật giáo Việt Nam.
PV: Được biết, Cô là một hành giả của pháp môn thiền, vậy hoa trái mà Cô gặt hái được trong quá trình thực tập đã ảnh hưởng như thế nào đến đời sống hàng ngày và lĩnh vực hoạt động nghệ thuật?
- NSND Bạch Tuyết: Với tôi, Phật giáo là một triết học nhân sinh thì thiền học, với tư cách là một nguồn văn hóa – triết học - lại đưa tôi đến một hệ thống kỹ thuật giúp tôi điều thân và tâm một cách cân bằng và thăng bằng. Thiền mang lại cho tôi điều gì trong cuộc sống đời thường và nghệ thuật? Nếu liệt kê thì e không đủ giấy mà kỳ thực, tôi cũng không thể kể tên được, chỉ biết thiền mang đến cuộc sống của tôi, nghệ thuật của tôi một năng lượng sống dồi dào, một năng lực sáng tạo vô biên. Và nếu có thể gọi tên, tôi gọi đó là sự biết ơn những gì tôi đã và đang có.
Phật tử Hoa Phước: Yêu thương bằng trái tim tỉnh thức
PV: Như vậy, sự khác biệt lớn nhất giữa trước và sau khi Cô trở thành một người nghệ sĩ Phật tử là gì? Cô đã mang làn gió mát của đạo Phật vào loại hình nghệ thuật truyền thống như thế nào?
- NSND Bạch Tuyết: Có lẽ câu trả lời trước đã giải đáp câu hỏi này, vả lại tôi cũng ít có thói quen để nhìn ngắm, vuốt ve trở lại, để “phân biệt” giữa nghệ sĩ và Phật tử… Một ước vọng chuyển tải những giá trị triết học – văn hóa của Phật giáo đến với những khán giả cải lương và dùng sự giàu có của âm nhạc dân tộc, trong đó có âm nhạc ngũ cung để chuyển tải, vậy là tôi bắt tay thực hiện. Tôi nghĩ mình cũng chỉ dò dẫm trên con đường mà trước mình, cùng mình, sau mình bao nhiêu người vẫn đang làm đó thôi.
PV: Trong số tất cả các tác phẩm nghệ thuật cải lương Phật giáo, Cô tâm đắc nhất là tác phẩm nào? Vì sao?
- NSND Bạch Tuyết: Sự tâm đắc đã đến và sẽ đến với bạn trong quá trình bạn sáng tạo, thực hiện. Còn khi đã hoàn thành thì thuộc về quyền của người xem. Với tôi, mỗi công trình là một tấm lòng, nhiệt huyết và trách nhiệm của tôi để trả ơn Phật giáo, Tổ nghiệp, quý Thầy, người thân và công chúng. Tôi hạnh phúc trong sự biết ơn, được đền đáp công ơn của Thầy – Tổ và những người xung quanh mình.
PV: Đối với người nghệ sĩ, để nuôi dưỡng đời sống tâm linh trong cuộc sống thường ngày đặc biệt là trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật, Cô đã thực hiện như thế nào để mình không bị vướng mắc vào những chữ danh vọng bởi sự nổi tiếng ở thế gian?
- NSND Bạch Tuyết: Sự nổi tiếng, danh vọng, tiền tài… không có tội, chỉ con người – với những thiên hướng, mục đích, thái độ sống đã khiến những danh từ trên trở thành như một “cạm bẫy” ghê gớm. Tôi yêu cải lương, tôi mang ơn bộ môn nghệ thuật này đã cho tôi được ca hát, được sáng tạo, được sự yêu mến của mọi người (kể cả sự chê bai, thị phi). Mục đích và con đường tôi đi cũng như tôi đến với cải lương là như thế. Do vậy, với tôi, sự nổi tiếng hay danh vọng đỉnh cao nhất, lộng lẫy nhất chính là khi tôi được sáng tạo, được thăng hoa trong những đường ca nét diễn của mình; rời nhân vật tôi cũng như bao công dân khác, bao con người có thật khác!
PV: Trong cuộc sống thường ngày sau bức màn sân khấu, chắc hẳn cũng đã có đôi lúc Cô cảm thấy buồn hay phiền não về một điều gì đó. Vậy Cô đã chuyển hóa những hạt giống khổ đau, phiền muộn trong lòng mình bằng cách nào?
- NSND Bạch Tuyết: Vấn đề là tôi đối diện, trực diện với từng cung bậc và đi qua. Phật giáo đưa ta đến gần hơn sự chân thật, sự trung thực, sự tỉnh táo, do đó, trước sự bất công, tàn bạo, chúng ta căm phẫn và có cách xử lý. Đã là hạt giống thì có hạt giống tốt, có hạt giống ít tốt và chưa tốt, vấn đề là nguồn nước, nguồn đất, khí hậu, thổ nhưỡng, công sức người chăm bón… để hạt giống ấy nảy mầm và phát triển theo hướng có ích.
Người trẻ và sứ mệnh lan tỏa giáo lý Phật đà
PV: Với Cô, Phật giáo là một tôn giáo hay một nghệ thuật sống?
- NSND Bạch Tuyết: Với tôi, đạo Phật là một triết lý tồn tại, là nghệ thuật sống, là tín ngưỡng tâm linh…
PV: Có thể nói, Đạo Phật là đạo ứng dụng, có trí tuệ và giáo lý Phật Đà là một kho tàng triết lý sống vĩ đại của nhân loại, như vậy, trong cái được gọi là bao la của kho tàng ấy, Cô tâm đắc điều gì nhất và Cô đã ứng dụng chúng vào cuộc sống của mình như thế nào?
- NSND Bạch Tuyết: Nếu nhìn ở con mắt triết học thì nhiều tôn giáo – triết học cũng là kết quả của một quá trình tư duy, trải nghiệm và ứng dụng cho con người. Với Phật giáo, tôi nghĩ triết học này vừa là phương tiện, vừa là cứu cánh; do vậy, trước khi đáp ứng tính ứng dụng, bản thân triết học Phật giáo đã hội đủ tính cơ bản (với tư cách của một ngành khoa học). Đôi khi, soi mình qua chiếc gương của Phật giáo, tôi tự nghiệm trong bản thân vừa có sự tỉnh táo, quyết liệt và… chẳng lấy gì làm quan trọng mọi sự việc, sự vật lại vừa thênh thang trong thế giới nghệ thuật không đường biên. Bạn ạ, qua chiếc gương ấy, tôi nhìn cuộc sống và chính mình công bằng hơn mà cũng biện chứng hơn! Mà tận cùng thì cũng chẳng rõ đâu là hình, là thực, là có và đâu là bóng, là ảo, là vô cùng…
- Xin chân thành cảm ơn Cô đã hoan hỷ dành thời gian chia sẻ cùng quý độc giả, kính chúc Cô cùng gia đình luôn sức khỏe và an lạc. Sự nghiệp hoằng Pháp của Cô thông qua loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương đã đem lại lợi lạc rất lớn cho tất cả mọi người. Một lần nữa, kính chúc Cô luôn thuận duyên trên bước đường hoằng Pháp của mình. A Di Đà Phật.
NSND cải lương Bạch Tuyết tên thật là Nguyễn Thị Bạch Tuyết, sanh ngày 24/12/1945 tại làng Khánh Bình, Châu Đốc, nay thuộc xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Cô thọ tam quy ngũ giới, pháp danh là Diệu Lộc. Từ thuở ấu thơ, cô đã bộc lộ năng khiếu ca ngâm và thường được mời trình diễn tại trường vào mỗi dịp lễ Tết.
Suốt gần chục năm cống hiến cho nền nghệ thuật cải lương Việt Nam, nghệ sĩ Bạch Tuyết đã ghi dấu ấn cho nhiều vai diễn để đời như Lệ Chi trong vở “ Lá thắm chỉ hồng”, Thúy Kiều trong “Má hồng phận bạc”, cô Tần trong “Tần nương thất”, cô Lựu trong vở “Đời cô Lựu”,… Cô được kỷ lục Guinness phong tặng là người Việt Nam đầu tiên chuyển thể kinh Phật thành trường ca cải lương gồm: trường ca kinh Pháp cú, trường ca Phật giáo với dân tộc, trường ca kinh kim cương, trường ca kiến tánh thành Phật và mới đây nhất là trường ca Tam quy ngũ giới.
Năm 1985, Bạch Tuyết tốt nghiệp cử nhân ngành ngữ văn. Năm 1988, cô được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và nhận bằng tốt nghiệp khoa đạo diễn ở Viện Hàn lâm Sân khấu và Điện ảnh tại Sophia… Năm 1995, cô bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Hoàng gia Kịch nghệ Anh Quốc với đề tài “Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á và trở thành Tiến sĩ nghệ thuật học đầu tiên trong ngành cải lương Việt Nam. Năm 2012, Bạch Tuyết được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ở lần xét duyệt thứ 7 năm 2011.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Điều cần thiết nơi phẩm hạnh của người Thầy là đạo đức và tình thương”
Phỏng vấn 11:00 20/11/2024Đó là lời chia sẻ chân thành của Đại đức Thích Quảng Tịnh, trụ trì chùa Pháp Lạc ( xã Giang Điền, H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) với Phatgiao.org.vn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Voice talent Nguyễn Bình Nguyên - “Kẻ Trộm Hương”: “Sách của Thiền sư Nhất Hạnh dễ hiểu, dễ ứng dụng”
Phỏng vấn 09:51 15/11/2024Nguyễn Bình Nguyên (sinh năm 1989), nickname “Kẻ Trộm Hương” - một voice talent - vừa đọc lại cuốn sách “Đường xưa mây trắng” của thiền sư Thích Nhất Hạnh được nhiều người đón nhận.
Phật tử Phạm Trọng Đạt: “Nhờ thuyền từ Bát-nhã, con vượt qua nỗi đau mất 2 người thân nhất”
Phỏng vấn 10:33 10/11/2024Phạm Trọng Đạt, sinh năm 2001, pháp danh Pháp Hạnh - là một Phật tử thuần thành, thường làm các thiện sự và đặc biệt có duyên thân cận với các bậc tôn đức đạo cao đức trọng.
Thượng tọa Tâm Định: “Phật giáo xứ Thanh để lại dấu ấn đẹp trong lòng dân tộc”
Phỏng vấn 15:43 26/10/2024Trong hai ngày 30 và 31/10 và 1/11 tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập (1/11/1984 – 1/11/2024). Nhân sự kiện đặc biệt này Cổng thông tin Phật giáo thuộc GHPGVN (phatgiao.org.vn) đã có trao đổi cùng Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.
Xem thêm