Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 16/03/2012, 15:46 PM

Phần hai: Văn kiện Đại hội và Diễn văn khai mạc

Việc thông qua báo cáo, đánh giá, rút kinh nghiệm, đóng góp ý kiến, suy cử nhân sự và thông qua nghị quyết của Đại hội là vô cùng quan trọng, đòi hỏi một sự sáng suốt, một tinh thần đoàn kết, nhất trí cao độ

của Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

(do Hòa thượng Thích Từ Nhơn Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự đọc)
 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Chư tôn Hòa thượng và các vị khách quý.

Kính bạch quý Hòa thượng, Thượng tọa, Quý Ni trưởng, Ni sư và Quý Cư sĩ thành viên của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Kính thưa Quý đại biểu các Tỉnh Thành hội Phật giáo trong cả nước.

Kính thưa Quý đại diện Phật tử người Việt ở nước ngoài.

Kính thưa toàn thể Quý vị.

Hôm nay, ngày 04-12-2002 (Phật lịch 2546) được xem một trong những ngày quan trọng trong lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam. Ngày tiến hành Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, triệu tập các đại biểu Phật giáo ở khắp các Tỉnh, Thành hội trong cả nước để tổng kết Phật sự trong 5 năm qua, rút tỉa kinh nghiệm, đóng góp ý kiến và bàn thảo chương trình hoạt động trong năm tới, suy tôn, suy cử chư Tôn lãnh đạo và chư thành viên cho nhiệm kỳ V của Hội đồng trị sự. Đại hội được hân hạnh đón tiếp chư vị khách quý, những bậc tài đức đại diện Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong nước,chư vị thuộc các tổ chức, đoàn thể thân hữu ở nước ngoài, cũng như các cá nhân khả kính vẫn hằng lưu tâm thân thiết đến Phật giáo và dân tộc. Trước sự hiện diện cao quý và chân tình của chư liệt vị, chúng tôi xin thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kính gửi đến chư liệt vị lời cảm ơn chân thành, lời cầu chúc tốt đẹp nhất.

Trong không khí trang nghiêm và thắm thiết tình người, tình đạo này, chúng ta suy niệm công đức của các bậc tiền nhân đã tận tụy đóng góp cho Tổ quốc, Đất nước Việt Nam, tưởng nhớ đến chư tôn tiền đức xây dựng Phật giáo Việt Nam. Chỉ trong 5 năm qua nhiều vị Thạc đức lãnh đạo Giáo hội đã viên tịch:Cố Hòa thượng Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Mahasaray, Cố Hòa thượng Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh: Thích Tâm Thông, Cố Hòa thượng Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh: Thích Huệ Thành, Cố Hòa thượng Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự: Kim Cương Tử, Cố Hòa thượng Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự: Thích Thiện  Siêu, Cố Hòa thượng Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Nghi lễ Hội đồng Trị sự: Hòa thượng Thích Thuận Đức, Cố Hòa thượng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Thích Hộ Nhẫn, Cố Hòa thượng Trưởng Ban Kinh tế Tài chính : Thích Thanh Kiểm. Đức độ công lao của chư vị và lòng kính tiếc quyết tâm noi gương phục vụ đạo pháp của chúng ta là sức tinh tấn, là năng lực phát triển của Phật giáo Việt Nam.

Kính thưa quý vị,

Mới năm ngoái đây, Trung ương Giáo hội cũng như các Tỉnh, Thành hội đều long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Những thành tựu của Giáo hội trong 5 năm thành lập đã được tổng kết, rất nhiều bài tham luận đã nêu đóng góp những ý kiến quý báu về kinh nghiệm tổ chức và tiến hành Phật sự, về kế hoạch sắp đến, về các biện pháp khắc phục khó khăn, và đặc biệt các báo cáo đều nhận định sự đoàn kết vững mạnh, sự phát triển không ngừng của Giáo hội. Lát nữa đây, bản tổng kết hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IV Hội đồng Trị sự và kế hoạch cho nhiệm kỳ V sẽ được tuyên đọc, được bàn thảo để thông qua. Sức phát triển của Giáo hội được thể hiện rõ qua những thành tựu của các Ban, Ngành, Viện và các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội. Qua đó nhiều thành tựu nổi bật và gây ấn tượng như việc thực hiện hành chính, giải quyết, thống kê, điều hành tổ chức của Ban Trị sự. Ban Hoằng Pháp mở khóa huấn luyện Giảng sư, bồi dưỡng trụ trì, hội thảo, phổ biến tài liệu hoằng pháp.Ban Giáo dục Tăng, Ni phát triển hệ thống giáo dục, tổ chức hội thảo giáo dục, các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Sư phạm, phát triển các cơ sở Giáo dục Trung cấp, Cao đẳng, Học viện Phật học. Ban Phật giáo Quốc tế thực hiện tốt việc mở rộng Phật sự liên hệ hợp tác hữu nghị với nhiều tổ chức Phật giáo tại nhiều nước, đặc biệt là nỗ lực tạo liên hệ tốt với Tăng, Ni, Phật tử người Việt ở hải ngoại. Ban Hướng dẫn Phật tử đã ổn định việc tổ chức, sinh hoạt Gia đình Phật tử, mở nhiều khóa huấn luyện Huynh trưởng, tổ chức tốt việc tu học cho cư sĩ Phật tử. Ban Từ thiện xã hội đã thực hiện tốt chức năng của mình qua các hoạt động từ thiện, cứu trợ các đồng bào bị thiên tai hỏa hoạn, thực hiện nuôi dạy trẻ cô nhi, khuyết tật, xây dựng các công trình công ích, nhà tình thương, tình nghĩa, mở rộng mạng lưới Tuệ Tĩnh đường, tổ chức các khóa bồi dưỡng y tế … Có thể nói, với các Ban, Ngành, Viện, các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội cho đến từng cơ sở địa phương đều có nhiều nỗ lực và đều có sự thành tựu đáng kể. Số lượng và chất lượng thành tựu tùy theo hoàn cảnh, điều kiện khách quan mà có thể nhiều ít, cao thấp khác nhau, nhưng những nỗ lực để đi đến thành tựu của các Ban, Ngành, Viện từ Trung ương đến địa phương là rất đáng trân trọng, tán thán.

Những thành tựu trong 5 năm qua là một bước tiến lớn trên chặng đường hơn 20 năm qua của 4 nhiệm kỳ Hội đồng Trị sự kể từ khi thành lập Giáo hội, đồng thời là sức đẩy đầy hiệu năng cho hoạt động của nhiệm kỳ V sắp đến. Sự phát triển liên tục của Giáo hội có nguyên nhân và động lực chủ yếu là truyền thống đoàn kết hòa hợp Tăng già. Trong tu tập, trong công tác Phật sự, chúng ta vẫn lấy Lục Hòa, Tứ Nhiếp để tạo nên sức mạnh, sự ái kính, sự tôn trọng, sự chia xẻ trách nhiệm. Cũng trong tu tập và trong công tác Phật sự chúng ta quyết tâm tinh tấn để hoàn thiện bản thân, xây dựng Giáo hội góp phần tạo an vui hạnh phúc cho đời. Là những thành viên trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng, Ni, Phật tử chúng ta thực hiện sự tinh tấn, vượt qua bờ bên kia, bờ giải thoát, để tự độ, độ tha. Đây là ý nghĩa của Lục Ba la mật bao gồm ba vô lậu học Giới - Định - Tuệ vậy.

Kính thưa quý vị,

Phật giáo Việt Nam ở trong lòng đất nước, dân tộc suốt 20 thế kỷ, đã cùng nhân dân làm nên những trang sử vẻ vang trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong ý nghĩa này, Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam tin chắc rằng phục vụ Phật giáo, phát triển Giáo hội chính là góp công phục vụ và phát triển đất nước. Cũng chính trong ý nghĩa này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới đề ra phương châm “Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”. Chúng ta nhập thế, thực hành pháp thế gian với tinh thần từ bi hỷ xả, chung đụng với hình danh sắc tướng với cái tâm vô ngã vị tha nên chúng ta đã vượt qua những khó khăn trở ngại, những bất đồng dị biệt, thậm chí những ác ý xuyên tạc, để luôn luôn là một khối đoàn kết hòa hợp, phát huy sức tinh tấn và sự vô uý mà phục vụ Đạo và Đời.

Dựa vào tình hình thực tế của đất nước và của Giáo hội, bằng trí tuệ và kinh nghiệm, Đại hội sẽ bàn luận, thông qua kế hoạch cho 5 năm tới, một kế hoạch chính xác, cụ thể trong khả năng được thực hiện trọn vẹn với những thành tựu ở mức tối đa. Tại Đại hội này, một lần nữa trí tuệ tập thể lại được thể hiện. Việc thông qua báo cáo, đánh giá, rút kinh nghiệm, đóng góp ý kiến, suy cử nhân sự và thông qua nghị quyết của Đại hội là vô cùng quan trọng, đòi hỏi một sự sáng suốt, một tinh thần đoàn kết, nhất trí cao độ. Tôi nghĩ đến sức gia trì của Tam Bảo, tôi tin tưởng ở trí tuệ của chúng ta, những người con Phật đang vì lý tưởng Phật giáo mà vân tập nơi đây để kế tục sự nghiệp Phật giáo, góp phần tạo an vui hạnh phúc cho đời.

Giờ đây, giữa lúc Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam đang hướng về Đại hội, trong lòng Thủ đô Hà Nội của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hóa thân của Thăng Long nghìn năm văn vật, lịch sử oai hùng, trước sự hiện diện chư vị khách quý đại diện Đảng, Chính quyền và các tổ chức đoàn thể Ban, Ngành, chư vị Đại biểu Phật giáo, tôi xin long trọng tuyên bố khai mạc Đại hội Đại biểu Phật giáo  Việt Nam lần thứ V.

Ngưỡng cầu Tam bảo phù hộ cho đất nước, nhân dân Việt Nam, cho hết thảy chúng sinh được an lạc, hạnh phúc miên trường, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được xương thạnh. Cầu mong toàn thể Quý vị được an khang tinh tiến.

Kính chúc Đại hội thành công viên mãn.

Xin cảm ơn toàn thể Quý vị.

Nam Mô Thường Tinh Tiến Bồ Tát Ma Ha Tát 



Trích theo tài liệu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012) - Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng - Nhà xuất bản Tôn giáo 2012.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Thư của GHPGVN kính gửi Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước

Kỳ V 14:45 23/03/2012

Phát huy tinh thần đoàn kết Phật giáo Việt Nam đối với Phật giáo các nước trên thế giới, góp phần xây dựng hòa bình, ổn định nếp sống hiền thiện ở mọi nơi, đặc biệt chú trọng mối quan hệ của Giáo hội đối với Tăng, Ni, Phật tử người Việt ở hải ngoại.

Thư của Đại hội gửi Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam

Kỳ V 14:43 23/03/2012

Đại hội xin trân trọng gửi đến Ngài Chủ tịch sự biết ơn chân thành và mong Ngài cùng Chính phủ tiếp tục quan tâm giúp đỡ Giáo hội Phật giáo Việt Nam để việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội và Chương trình hoạt động nhiệm kỳ V của Giáo hội đạt được kết quả hữu hiệu.

Diễn văn bế mạc của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS

Kỳ V 17:21 18/03/2012

Được phép của chư tôn Hòa thượng chứng minh, thay mặt Đoàn Chủ tọa, tôi xin long trọng tuyên bố bế mạc Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V (2002 - 2007)

Kỳ V 17:17 18/03/2012

Đại hội nhất trí bản tham luận và đề nghị của đại diện Phật giáo Nam tông Khmer về việc tăng cường nhân sự và giúp đỡ phát triển hệ thống giáo dục của hệ phái.

Xem thêm