Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 07/01/2024, 09:00 AM

Phật tử tiến hành nghi thức lễ tang cho người thân như thế nào là đúng Phật sự?

Xưa nay, lễ tang Phật giáo chưa có quy định cụ thể. Vậy thì khi nào là làm Phật sự vì người chết? Và nên tiến hành làm Phật sự như thế nào?

Làm Phật sự là làm các công việc học Phật, hoằng dương Phật pháp, đối tượng chủ yếu là con người. Đọc kinh, nghe pháp, khóa tụng, giảng kinh, bố thí, giữ giới, tu thiền, thực hành bát chính đạo, và thực hành sáu pháp Ba La Mật v.v… đều là Phật sự.

Nhưng trong sinh hoạt dân gian nói chung, không có quan niệm làm Phật sự như vậy. Thông thường khi bà con bạn bè chết họ mời các sư Tăng đến niệm Phật, tụng kinh, cầu cho vong linh người chết được siêu độ, không trực tiếp tham gia những công việc Phật sự đó, không tham gia tụng kinh niệm Phật, sám hối cùng với các chư Tăng. Họ chỉ làm công việc thù tiếp bà con thân thuộc, bạn bè đến phúng viếng, thậm chí còn đánh bài để tiếp khách khứa. Tang gia xử sự như vậy chỉ là làm theo tập tục, không phải là làm Phật sự, vừa bất kính đối với Phật pháp, vừa vô lễ đối với vong linh người chết.

Làm Phật sự phải có đầy đủ lòng thành, cung kính, nghiêm túc trang trọng. Tang gia thân thuộc của người chết phải tham gia tụng kinh niệm Phật. Khi cần thiết các chư Tăng đến làm chủ lễ chỉ đạo, hướng dẫn công việc Phật sự. Khi làm lễ không được ồn ào, mất trật tự.

Phật sự không phải là nghi thức, không được xem Phật sự như một nghi thức trong lễ tang. Bạn bè, họ hàng người chết đều nên tham gia tụng kinh, niệm Phật. Nếu không thì cũng phải đứng bên cạnh với thái độ cung kính, trang nghiêm, lắng nghe và theo dõi chư Tăng và người khác tụng kinh, niệm Phật, lễ bái. Làm Phật sự trong lễ tang tức là mời vong linh người chết đến nghe pháp, giải thoát nghiệp lực siêu sinh tịnh độ. Nếu tổ chức lễ tang và Phật sự mà tang gia không trực tiếp tham gia, thiếu lòng thành kính, thì công dụng đối với vong linh người chết chỉ có rất ít mà thôi.

Nên tổ chức làm Phật sự cho người chết trong vòng 49 ngày sau khi chết. Thông thường con người sau khi chết nếu nghiệp ác quá nặng thì lập tức đọa xuống ba cõi ác. Nếu có nhiều việc thiện thì cũng lập tức được sinh lên cõi trời. Nếu tu nghiệp thanh tịnh thì được siêu sinh tịnh độ. Dù cho người chết có bị đọa vào ba đường ác thì công dụng của Phật sự là làm giảm bớt nỗi thống khổ của người chết, cải thiện hoàn cảnh của ba cõi. Nếu được sinh lên cõi trời thì sẽ làm cho hạnh phúc của họ trên cõi trời càng thêm an lạc. Nếu được sinh ở cõi tịnh độ thì có thể nâng cao thêm thứ bậc ở đấy.

Kinh Địa Tạng chép rằng, muốn giúp cho bà con quyến thuộc được siêu sinh tịnh độ thì phải cung kính cúng dường chư Phật, Bồ Tát, đọc tụng thụ trì kinh Phật. Theo Kinh "Vu Lan Bồn" thì phải có bố thí cúng dường chúng Tăng xuất gia. Nói tóm lại, đứng trên lập trường của bà con quyến thuộc người quá cố, dùng tài sản của họ để lại làm các công việc bố thí, cúng dường Tam Bảo, cứu tế kẻ nghèo, làm phúc lợi xã hội, bố thí cho tất cả chúng sinh, khiến cho họ rời bỏ cái khổ, được an vui, điều đó có công dụng giúp cho người quá cố rời bỏ khổ, siêu sinh tịnh độ.

Trong vòng 49 ngày, kể từ phút người thân nhắm mắt nên tổ chức niệm danh hiệu Phật liên tục. Nếu khi còn sống, người thân tu pháp môn tịnh độ hàng ngày niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà thì tất nhiên, khi hộ niệm sẽ niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà…

Bà con thân thuộc người chết nên phân công luân phiên nhau niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà. Nếu người quá cố không tu pháp môn nào thì vẫn nên niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà cho họ. Còn nếu họ thường tụng một bộ kinh nào đó hoặc trì tụng danh hiệu một đức Phật hoặc Bồ Tát nào đó thì tốt nhất là thọ trì kinh đó, niệm các danh hiệu Phật, Bồ Tát đó rồi hồi hướng công đức cho họ.

Trong vòng 49 ngày, nếu ngày nào cũng làm Phật sự là tốt nhất. Bằng không thì chỉ làm Phật sự trong 7 ngày đầu hay trong 3 ngày đầu hay một ngày đầu mà thôi cũng tốt. Sắp xếp như thế nào là do điều kiện nhân lực, vật lực của gia đình.

Nói chung theo đạo Phật, cần cử hành lễ tang ngắn gọn, trang nghiêm, long trọng. Tránh mọi sự phô trương, lãng phí không cần thiết. Tài lực, vật lực, nếu có, nên dùng vào các việc cúng dường Tam Bảo, hoằng dương Phật pháp, bố thí kẻ nghèo v.v… rồi hồi hướng công đức cho người quá cố. Nếu không như vậy là không phải Phật sự mà là dựa vào nghi thức lễ tang người chết mà phô trương sự hự vinh mà thôi. Tất nhiên là không nên chôn theo người chết quần áo đắt tiền và báu vật của họ, làm như vậy không có lợi ích gì thực tế đối với người chết mà còn lãng phí của cải đồ dùng.

Phật tử xử lý xác người chết như thế nào? 

Có thể đặt trong khám, hay trong quan tài để hỏa táng hay đem chôn. Nếu là hỏa táng thì đưa tro cốt lên chùa hay là đặt trong tháp để thờ, hoặc đem chôn trong phần mộ. Nhưng dù hỏa táng hay chôn cất, cũng nên dùng các nghi thức tụng niệm, đọc kinh, hồi hướng, thay cho các nghi thức phô trương như cử nhạc hiếu và than thuê khóc mướn v.v…

Ngày xưa, ở nông thôn có tập tục, người già đều chuẩn bị sắm quan tài, áo tang để cầu sống lâu dài và cầu đại cát đại lợi. Nhưng ngày nay trong xã hội công thương nghiệp, phong tục đó cũng không còn nữa mà cũng không cần thiết nữa.

Như trên đã nói, nghi thức lễ tang theo Phật giáo cố gắng làm đơn giản, long trọng và đặc biệt là trong thời gian lễ tang không được bày chuyện sát sinh, làm cổ mặn, rượu thịt để thiết đãi bạn bè hay là để cúng tế vong linh người chết.

Ở làng tôi tại tỉnh Giang Tô, vào dịp lễ tang, nhân dân chỉ làm cổ chay để tiếp đãi những người đến tham dự, phúng viếng. Bàn thờ linh vị chỉ có hoa quả, cổ chay để cúng dường… có vòng hoa, giỏ hoa, trướng biển cũng giảm bớt hay bãi bỏ, chỉ trừ một số giỏ hoa, hay vòng hoa của bạn bè thân hữu đến như các đoàn đại biểu.

Ảnh hưởng Phật giáo trong lễ tang người Việt

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Số tiền phúng viếng ngoài phần để trang trải chi phí lễ tang và nhu cầu sinh hoạt ra (nếu tang gia thuộc hạng người nghèo) còn thì nên đem tất cả cúng dường Tam Bảo hay làm các công việc hoằng pháp lợi sinh, các công việc từ thiện, để hồi hướng cho người chết được siêu sinh tịnh độ. Cha mẹ qua đời, con cháu vì thương cảm khóc than là chuyện thường tình.

Khi đức Phật nhập Niết Bàn trừ các bậc A-la-hán đã được giải thoát ra tất cả các đệ tử đều khóc. Nhưng trong lễ tang ngày nay, nếu vì tục lệ mà tổ chức "khóc lóc để biểu thị lòng thương cảm" thì không nên. Các Phật tử nên thay khóc lóc bằng các Phật sự.

Thế thì khi nào làm Phật sự vì người chết ? Và nên tiến hành làm Phật sự như thế nào? 

Trong lễ tang nên làm các "Phật sự" như: tụng kinh, niệm Phật v.v…Nhưng trong nghi thức lễ tang hiện nay, người xuất gia chỉ tụng kinh, không đứng chủ lễ tang. Vì các nghi thức lễ tang đều do phái viên của tổ chức hội bảo trợ đảm nhiệm, Phật sự chỉ là những công việc phụ.

Theo nghi lễ tang chính thức của Phật giáo thì ngoài những người phụ trách lễ tang thì chủ thể phải là một pháp sư xuất gia tụng kinh hộ niệm cho người chết. Những người tham dự lễ tang nên có quyển kinh Phật trong tay để tụng theo pháp sư chủ lễ, bài kinh và bài kệ đọc nên ngắn gọn, như bài "Tâm kinh", "Chú vãng sinh", "Kệ tán Phật", "Niệm danh hiệu Phật", "Kệ hồi hướng". Chỉ cần đọc không cần xướng bởi vì trong số người tham dự có nhiều người không biết xướng. Sau đó vị pháp sư giới thiệu sơ lược tiểu sử, công đức học Phật, làm điều thiện của người chết rồi nói đôi lời ngắn gọn cầu cho người chết vãng sinh tịnh độ và an ủi gia đình bạn bè của người chết.

Lễ tang gia đình và lễ tang chung (dành cho bạn bè đoàn thể) nên tổ chức vào cùng một ngày cho tiện, đồng thời nghi thức lễ tang nên tổ chức giản đơn, long trọng, thời gian không quá một giờ, nhiều nhất là một giờ rưỡi. Dùng ban nhạc hay hàng rào danh dự đều là việc phô trương, hình thức. Những người không phải là Phật tử cho rằng những hình thức đó có lẽ có lúc có tác dụng an ủi người chết. Còn đối với các Phật tử thì điều đó chỉ làm nhiễu loạn tâm người chết cầu mong sinh nơi cõi Phật.

Xưa nay, lễ tang Phật giáo chưa có quy định cụ thể. Nhưng ở Trung Quốc, vốn có các nghi thức lễ tang gồm các khâu như di lưu, khi người còn sống chưa chết hẳn và sau khi chết thì có các khâu như tắm rửa, thay áo, đặt linh vị, túc trực bên linh vị, nhập quan, đưa tang, mai táng, làm lễ cúng 7 ngày cho tới lễ cúng 100 ngày, v.v…

Theo pháp môn Tịnh độ thì trong khâu "di lưu" nên mời các thiện tri thức, kể cả tại gia và xuất gia, đến hộ niệm, nói pháp, tụng kinh, niệm Phật. Và trong vòng 12 giờ sau khi đương sự chết thì tổ chức tắm rửa và tiếp tục hộ niệm.

Bất cứ cử hành nghi thức nào đều tổ chức hộ niệm cho tâm người chết hướng về vãng sinh Tịnh độ. Tốt nhất là có các chư tăng hộ niệm làm lễ, bằng không thì có thể nhờ bạn bè đồng đạo, đồng tu giúp đỡ hộ niệm.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Tâm bình thế giới bình

Kiến thức 20:34 02/05/2024

Hòa bình nghĩa là không chiến tranh, không chết chóc, không đau thương. Quan niệm hòa bình của Phật giáo là không có chiến tranh từ tâm thức đến ngoại cảnh, từ nhân cho đến qủa. Nói rõ hơn, chiến tranh có là do tâm hỗn loạn, tham lam, sân hận và si mê.

Dứt trừ được phiền não sẽ giúp người tu Tịnh độ dễ sanh về Tây phương

Kiến thức 17:00 02/05/2024

Đã là phàm phu, tất còn ở trong vòng phiền não, bị nó mê hoặc sai khiến, lắm lúc không tự chủ được. Phiền não có nghĩa: "khuất động thiêu đốt" làm cho tâm niệm không yên, ngăn trở bước tu hành, nên gọi nó là phiền não chướng.

Nghiệp chướng hôn trầm, ham mê ngủ nghỉ

Kiến thức 15:02 02/05/2024

Đức Phật dạy rằng có năm triền cái – năm trạng thái tâm lý, tình cảm làm ngăn che trí tánh của con người, còn gọi là năm phiền não nghiệp chướng, đó là: ái dục, sân hận, trạo cử, hôn trầm, nghi hoặc, làm trở ngại trên đường tu tập thiền định, phát triển trí tuệ, thành tựu Phật đạo.

Ngộ ra những điều “không thể được” để tùy duyên tiếp vật, sống tự tại an nhiên

Kiến thức 13:05 02/05/2024

Khi nhìn trẻ con khóc lóc cố đòi cho bằng được những vật ngoài khả năng sở hữu của cha mẹ nó, người lớn chúng ta hay mỉm cười cảm thông độ lượng. Chỉ có trẻ con mới cố đòi những vật “không thể được”. Khi nào lớn khôn các cháu sẽ hiểu.

Xem thêm