Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 25/05/2024, 08:00 AM

“Sắc tức là không, không tức là sắc”

Học rồi để mình vượt qua ngôn ngữ văn tự chứ không phải để mình kẹt trong ngôn ngữ văn tự. Cho nên tuy Bát-nhã nói là Không, sắc tức Không; rồi thọ, tưởng, hành, thức cũng tức Không; cho đến Không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; Không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp v.v...Nhưng nói "Không" đó để làm gì?

Là để phá chấp.

Vì chúng sanh có chấp nên Phật mới nói "Không", nếu mà mỗi người không chấp thì Phật cũng không nói "Không" nữa.

Nói "Không" đó là để phá chấp thôi, giống như là thuốc trị bệnh, nên cái "Không" này chúng ta cũng không thể chấp.

Chỗ Bát-nhã thấy là chỗ vượt qua bên kia tất cả những thứ ngôn ngữ văn tự, nhưng vì chúng sanh còn sống trong cái tình phân biệt đối đãi, do đó Phật cũng phải tạm mượn ngôn ngữ phương tiện để dẫn dắt, để gợi ý.

Vậy nên, người chấp "có" thì Phật nói "không", còn người chấp "không" thì Phật nói "có", là phá chấp thôi, còn nếu chúng ta không chấp gì hết thì Phật khỏi nói, khỏi nói "có" cũng khỏi nói "không".

Hiểu nghĩa của từ “thâm” trong Bát Nhã Tâm Kinh

istockphoto-467592547-612x612

Bởi vậy, người khéo học thì phải thấy vượt qua ngôn ngữ - đây gọi là ngôn ngữ quy ước tạm thời - mà phải thật chứng cái nghĩa thật ở ngoài ngôn ngữ.

Người học nên nhớ!

Cái nghĩa thật thì nằm ngoài ngôn ngữ hay gọi là nó nằm ở bên kia ngôn ngữ; ngôn ngữ giống như là ngón tay chỉ mặt trăng, mình phải nhân ngón tay mà thấy mặt trăng chứ bám vào ngón tay làm sao thấy mặt trăng được?

Mặt trăng không nằm ở ngón tay!

Cũng vậy, nghĩa thật nằm bên kia ngôn ngữ!

Nhưng tiếc thay, người ta cứ bám vào ngôn ngữ, cứ bám vào chữ nghĩa thì không thể thấy được, cảm thông được ý của Phật, nhiều khi hiểu lầm, hiểu sai ý Phật nữa!

Do đó, ở đây chúng ta học "Không" rồi cũng phải vượt qua cái "Không" luôn.

Bởi vì cái thấy "Không" đâu có nằm trong cái chữ "Không", cho nên người học đừng có sợ "Không", chỉ sợ không được "Không".

Như trước kia, có một người đến hỏi Thượng Sĩ Tuệ Trung - Ngài là vị cư sĩ thời Trần tu hành đạt đạo; Vua Trần Nhân Tông lúc còn Thái tử đã theo học đạo với Ngài - người hỏi cũng dẫn trong Tâm Kinh Bát Nhã này:

- Trong kinh có nói "Không tức sắc, sắc tức Không", ý chỉ là thế nào?

Thượng Sĩ Tuệ Trung im lặng một lúc lâu, rồi Ngài mới hỏi lại:

- Ông có hiểu chăng?

Người đó thưa:

- Dạ chẳng hiểu.

Kế đó, Thượng Sĩ Tuệ Trung hỏi lại:

- Ông có thấy cái sắc thân này không?

Thưa:

- Dạ có.

Thượng Sĩ bảo:

- Vậy sao nói sắc tức Không?

Kế Ngài hỏi tiếp:

- Ông thấy hư không có tướng mạo chăng?

Người đó thưa:

- Dạ không.

- Vậy sao nói Không tức sắc?

Cuối cùng, người đó hỏi:

- Vậy rốt ráo là thế nào?

Thượng Sĩ Tuệ Trung đáp:

- Sắc vốn không không, không vốn không sắc.

Vị ấy liền lễ tạ.

Sau đó, Thượng Sĩ Tuệ Trung tiếp:

- Ông hãy nghe tôi nói bài kệ này:

" Sắc tức là không, không là sắc

Ba đời Như Lai phương tiện đặt.

Không vốn không sắc, sắc không không

Thể tánh sáng ngời không được mất."

"Sắc tức là không, không tức là sắc"; cái đó gọi là "Ba đời Như Lai phương tiện đặt", tức là tạm thời quyền đặt vậy thôi, tùy theo căn cơ của người, tùy bệnh cho thuốc chúng ta không nên chấp vào đó, đó là phương tiện chứ không phải thật nghĩa.

Lẽ thật thì, "không vốn không sắc, sắc không không,

thể tánh sáng ngời không được mất", thì nói gì sắc nói gì không?

Cho thấy, một vị cư sĩ mà hiểu Bát-nhã thật là thấu đáo, thật là sâu xa, không mắc kẹt ở trên chữ nghĩa, đáng phục!

Người học bây giờ ít ai dám nói vậy, kinh nói "sắc tức Không, Không tức sắc" rõ ràng thì mình nếu mà nói thì cũng nói theo đó thôi, nhưng ở đây Thượng Sĩ Tuệ Trung dám nói ngược lại "sắc vốn không không, không vốn không sắc", tuy ngược lại mà không trái với ý kinh mới là hay, còn mình nói theo ý kinh mà mắc kẹt nơi ý kinh thì thành ra là trái với ý kinh.

Như vậy, ở đây nói "sắc" nói "không" đó là phương tiện quyền lập bày, nó là thuốc trị bệnh vậy thôi, nếu hết bệnh thì thôi khỏi dùng thuốc.

Như do người chấp "có", chấp cái gì cũng thành có cho nên Phật nói "Không" để phá chấp đó; với người tâm tự tại không còn tình chấp gì hết thì trả lại sắc là sắc, Không là Không, không thêm bớt một niệm gì trong đó, không có một chút gì mê mờ trong đó, khỏi cần nói "tức".

Bởi vì với người không còn chấp gì hết, thì đâu còn bị "sắc" bị "không" làm ngăn ngại mà nói "tức" làm gì nữa, lúc này thấy sắc cũng là sáng tỏ không mê mà thấy Không cũng là sáng tỏ không mê; nên gọi là "thể tánh sáng ngời không được mất".

Ví dụ như cái bình hoa này, mình không có mê không có dính mắc gì hết, thì thấy bình hoa là bình hoa đâu có chướng ngại gì, thì cần gì nói bình hoa là không!

Hiểu vậy đó thì mình thấy đây là thuốc trị bệnh, không nên một bề cố chấp vào đó để rồi thành chướng ngại.

Đúng như tinh thần trong nhà thiền, Thiền sư Duy Tín nói:

"Trước ba mươi năm thấy núi sông là núi sông, sau khi học đạo thấy núi sông chẳng phải núi sông, cuối cùng sau ba mươi năm được chỗ an ổn rồi thì lại thấy núi sông là núi sông".

Trước đây ba mươi năm thấy núi sông là núi sông, là giống như mọi người ở đây, thấy cái gì cũng thật hết, thấy cái nhà thật, thấy cái bàn thật, cái bình bông thật, cái ly thật, mình thật, người thật v.v... "Thấy núi sông là núi sông" là vậy đó.

Rồi khi học đạo, học Bát-nhã là thấy núi sông không phải là núi sông, cái gì cũng tánh Không, sắc tức Không, thấy cái bàn cũng tức Không, cái bình hoa cũng tức Không, mình cũng tức Không, người cũng tức Không v.v...

Đó là dùng trí tuệ quán chiếu trừ những cái lầm chấp nên thấy cái gì cũng tức Không.

Rồi sau ba mươi năm được chỗ an ổn xong, thấy núi sông lại là núi sông trở lại; nhưng phải là sau ba mươi năm khi đã được chỗ an ổn, tức là đã có qua thời gian quán chiếu tu tập, đã thấy rõ qua những cái lầm đó rồi thì bây giờ tâm không còn trụ vào đâu nữa, không còn dính mắc gì nữa, bây giờ mới thấy trở lại núi sông là núi sông.

Vậy là không phá bỏ cái gì hết, giờ thì thấy cái bình hoa cũng là cái bình hoa, cái bàn cũng là cái bàn, cái nhà cũng là cái nhà nhưng bây giờ thấy cái gì cũng sáng hết, thấy cái bình hoa cũng sáng, thấy cái bàn cũng sáng, thấy cái ly cũng sáng, thấy cái nhà cũng sáng, cho đến thấy vàng cũng sáng, thấy kim cương cũng sáng luôn, vậy thì đâu có gì chướng ngại.

Còn ngược lại trước ba mươi năm mà thấy kim cương, thấy vàng là tối mò liền, nên phải nói tức không là vậy.

Trích trong: " Yếu Chỉ Tâm Kinh Bát Nhã".

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Niệm Phật là pháp môn thù thắng

Kiến thức 12:10 17/06/2024

Qua phương pháp trì danh niệm Phật, những người được lợi ích rất nhiều, kết quả vãng sanh vô số kể.

Sinh tử là hoa đốm giữa hư không

Kiến thức 11:50 17/06/2024

Mùa an cư hoàn mãn, Bụt cùng Ananda đi hành hóa khắp nơi ở trong xứ Magadha. Những chốn non xanh nước biếc Bụt đều có tới, nhưng không có nơi nào người không dừng lại để thăm viếng các trung tâm tu học để dạy dỗ và khích lệ các vị khất sĩ và nói pháp thoại cho giới cư sĩ.

Học hạnh vô tranh

Kiến thức 11:03 17/06/2024

Lục hòa là một trong những nội dung tu tập quan trọng trong giáo pháp của Thế Tôn. Thanh tịnh và hòa hợp là bản thể của Tăng-già đồng thời là cơ sở để tiến tu nhằm thành tựu giới, định, tuệ và tăng trưởng tín tâm cho tín đồ Phật tử.

Muôn vật từ duyên sinh lại từ duyên mà diệt

Kiến thức 10:32 17/06/2024

Trong thời gian ấy, nhiều người có đạo tâm tìm đến với Bụt để xin xuất gia. Đa số là những thanh niên tuấn tú. Những vị khất sĩ giỏi làm phụ tá cho Bụt đã có nhiều, nên việc tiếp nhận và giảng dạy các vị khất sĩ mới đều được họ phụ trách.

Xem thêm