Thứ ba, 22/02/2022, 16:19 PM

Sám hối nghiệp cãi nhau và bất hiếu

Có tâm hối lỗi và biết tu là nền tảng vô cùng cần thiết. Hãy chuyển hóa biệt nghiệp trước, sau đó mới có thể chuyển hóa cộng nghiệp.

HỏiTôi viết email này với tất cả chân thành, cầu xin Đức Phật chứng minh cho tôi sám hối một tội lỗi tày trời. Tôi sinh ra trong gia đình bất hạnh, cha mẹ lúc nào cũng cãi vã, bất hòa với nhau. Một hôm cha tôi vì tức giận đã đánh tôi bầm tím mặt, sưng cả mắt. Vì còn nhỏ tuổi không hiểu biết và tức giận quá nên tôi định lấy thuốc diệt cỏ bỏ vào ly nước cho cha tôi uống. Rất may là chuyện ấy đã không xảy ra.

Bây giờ tôi đã trưởng thành, có gia đình và con cái. Nghiệp cũ của tôi vẫn đeo bám, mẹ chồng và chồng tôi lại hay cãi vã, chửi mắng lẫn nhau, thậm chí cả văng tục. Chồng tôi chẳng những độc đoán, gia trưởng với vợ mà còn bất hiếu đòi đánh cả mẹ anh nữa. Tôi thấy chồng sai nên lựa lời khuyên nhủ cũng bị chửi mắng thậm tệ. Tôi biết nghiệp lực của mình quá nặng nề, mong quý Báo chỉ cho tôi cách sám hối để tiêu nghiệp và xây dựng gia đình bình yên, hạnh phúc.

(DANH ĐÔ)

ảnh minh họa

ảnh minh họa

Bạn Danh Đô thân mến!

Theo giáo điển nhà Phật, hiện thực đời sống của mỗi cá nhân phản ánh rõ nét nhân quả -nghiệp báo của chính người ấy. Mỗi người có nghiệp riêng gọi là biệt nghiệp. Nhiều người có những nghiệp tương đồng tự chiêu cảm, kết nối lại với nhau thành nhóm, gia đình, dòng tộc gọi là nghiệp chung, cộng nghiệp.

Cuộc đời bạn từ nhỏ cho đến hiện tại, như bạn đã sẻ chia, bị khẩu nghiệp xấu ác và tội lỗi bất hiếu chi phối nặng nề. Cũng may là giờ đây bạn đã bừng tỉnh, biết được nghiệp xấu của mình, mong muốn sám hối tội lỗi để chuyển hóa. Nếu không thì nghiệp xấu cứ đeo đẳng, không những với bản thân mà con cái của bạn về sau cũng bị ảnh hưởng theo.

Trước tiên là sám hối tội có ý hạ độc và bất hiếu với cha của bạn. Cha mẹ, dù có thế nào, công ơn sinh dưỡng vốn rất sâu nặng. Thâm ân đó, dù có tận hiếu cũng không đáp đền trọn vẹn, huống chi là có ý ác, dù chỉ trong tâm tưởng nhưng tội lỗi ấy vẫn nặng nề. Giờ đây khi đã trưởng thành, có con cái thì sự cảm nhận về tội bất hiếu trong bạn càng sâu sắc hơn.

Nếu cha còn sống thì bạn nên tìm cách trực tiếp gặp cha để bày tỏ nỗi lòng ăn năn ray rứt về lỗi lầm xưa, cầu xin cha tha thứ. Bạn đủ chân thành thì sự cảm thông, tha thứ và yêu thương của cha sẽ tự đong đầy. Nếu cha bạn không còn thì bạn cũng hướng tâm về người để bày tỏ tâm thành hối lỗi cho đến khi nhẹ lòng. Bạn cũng cần hướng về Đức Phật kính lễ, bày tỏ hết những lỗi lầm trước đây và cầu xin sám hối. Bạn kiên trì thực hành lễ Phật sám hối cho đến khi thanh thản. Sau đó, bạn dũng mãnh phát nguyện từ đây về sau, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn hiếu thuận với cha mẹ hai bên.

Bây giờ bạn sống với gia đình nhỏ có mẹ chồng sống chung và vẫn không thoát được cộng nghiệp cãi vã và bất hiếu. Trong bối cảnh khá rối ren của gia đình lớn, nếu được thì gia đình nhỏ của bạn xin ra ở riêng là hay nhất. Còn nếu không ra riêng được, tự thân bạn phải kiên trì nhẫn nại, nguyện gìn giữ khẩu nghiệp của mình. Tập nói ít và nhỏ nhẹ, nói nhiều lời yêu thương, hòa giải và xây dựng. Đặc biệt là chú trọng giáo dục và bảo vệ con cái trước sự tiêm nhiễm thói quen cãi vã, chửi mắng của cha và bà nội. Đây không phải là nhiệm vụ bất khả thi nhưng quả thật cũng rất khó khăn.

Với người chồng “chẳng những độc đoán, gia trưởng với vợ mà còn bất hiếu đòi đánh cả mẹ anh nữa”, nếu không thay đổi tâm tính thì chắc chắn anh ấy khó có thể trở thành người chồng tốt, người cha mẫu mực. Nghiệp cãi vã và bất hiếu hiện đang ngấm ngầm xâm nhập vào tâm tưởng trong trắng của các con. Không nhanh chóng có biện pháp hay thay đổi gì thì nguy cơ các cháu bị lây nhiễm thói xấu từ người lớn trong gia đình là rất cao. Bạn phải suy tư thật nhiều về việc này.

Ngoài việc sám hối, nguyện tu khẩu nghiệp thiện lành, tìm cách bảo vệ con cái, bạn cần khéo léo hòa giải, khuyên nhủ chồng và mẹ chồng bớt to tiếng, cãi vã lẫn nhau. Bạn cầu xin ơn trên Tam bảo gia hộ, soi sáng cho mình có đủ sự kiên trì, nhẫn nại, chịu đựng nghịch cảnh để tu tập hoàn thiện bản thân, nuôi dạy con và chuyển hóa gia đình, hóa giải oán kết.

Bạn đã có tâm hối lỗi và biết tu là nền tảng vô cùng cần thiết. Trước mắt bạn cần chuyển hóa bản thân mình. Nguyện không nói dối, không nói thô ác, không nói chia rẽ, không nói dua nịnh. Nguyện nói đúng sự thật, lời yêu thương, hóa giải giận hờn. Hãy chuyển hóa biệt nghiệp trước, sau đó mới có thể chuyển hóa cộng nghiệp.

Chúc bạn tinh tấn!

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Theo Phật giáo, con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?

Hỏi - Đáp 17:46 18/12/2024

Thưa Ngài, theo triết học cuả Phật giáo thi con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?

Cảnh giới của "Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” như thế nào?

Hỏi - Đáp 12:27 18/12/2024

Kinh Vô Lượng Thọ có đoạn: “Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” (mạng chung mộng thấy Đức Phật A Di Đà), xin giải thích cảnh giới này như thế nào? Nếu ở trong mộng gặp A Di Đà Phật, chẳng may bị người thân quyến thuộc gọi tỉnh giấc, có phải là đánh mất cơ hội vãng sanh rồi không?

Lưu thông sách về Tây phương cực lạc sẽ tạo nghiệp ác?

Hỏi - Đáp 12:15 18/12/2024

Con đem sách Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Du Ký giới thiệu nhưng có đồng tu nói sách đó nói không đúng sự thật, lưu thông sẽ tạo nghiệp, xin lão Hòa thượng khai thị.

Dọn cơm cúng thế nào cho đúng?

Hỏi - Đáp 11:14 08/12/2024

Tôi thường thấy lúc cúng vong, có ba chén cơm để ngang nhau...

Xem thêm