Sen nở trong lò lửa vẫn tươi
Viên ngọc và hoa sen Phật tánh là cái không thể hư hoại, dầu trong lửa phiền não cháy mãi của thế gian sanh tử này. Con đường để thấy và sống với viên ngọc và hoa sen Phật tánh này là con đường Khai Thị Ngộ Nhập của Kinh Pháp Hoa.
Diệu tánh trống không chẳng thể vin
Tánh Không tâm ngộ khó khăn gì
Ngọc cháy trên non màu thường thắm
Sen nở trong lò lửa vẫn tươi.
Diệu tánh hư vô bất khả phan
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận
Liên phát lô trung thấp vị càn.
Thiền sư Ngộ Ấn (1020-1088)
“Diệu tánh trống không chẳng thể vin”:
Tánh trống không (hư vô) là tánh Không. Tánh Không thì không có tướng (vô tướng), không có ý tưởng (vô niệm), nên nếu dùng tướng, dùng niệm để thấy, để suy nghĩ nó thì không thể được. Chẳng thể vịn níu, chẳng thể cầm nắm, chẳng thể thấy bằng tướng, chẳng thể biết bằng suy nghĩ.
Chính vì không có tướng, không có niệm nên không có tướng nào, niệm nào có thể phá hoại tánh Không được. Tánh Không là sự không có tự tánh của tất cả các hiện tượng, nên nơi nào có hiện tượng, nơi đó có tánh Không. Như thế tánh Không thì ở khắp tất cả, như không gian, nhưng không có cái gì có thể phá hoại tánh Không được.
“Tánh Không tâm ngộ khó khăn gì”:
Tánh Không là vô tự tánh, không thể vịn níu, không thể thấy, không thể cầm nắm, nhưng tại sao lại “tâm ngộ chẳng khó khăn gì”? Chẳng khó khăn vì sự vô tự tánh của tánh Không lại ở ngay nơi tướng, ngay nơi niệm, như đại dương tuy không có hình tướng, màu sắc lại ở ngay nơi các làn sóng.
Chẳng khó khăn vì tánh Không là vô tự tánh, vô sở hữu, bất khả đắc và tánh Không ấy chính là bản tánh của tất cả mọi sự, của tất cả mọi hiện tượng của tâm thức, nên người ta có thể tìm thấy nó nơi mọi sự, mọi hiện tượng của tâm thức. Như Bát Nhã Tâm Kinh nói, “Sắc tức là Không, Không tức là sắc. Thọ tưởng hành thức, thanh hương vị xúc pháp cũng lại như vậy”.
“Ngọc cháy trên non màu thường thắm
Sen nở trong lò lửa vẫn tươi”.
Hoa sen, biểu trưng cho một vị Bồ-tát được minh họa trong kinh Duy Ma Cật
Ngọc trên núi cháy nhưng nó không bị cháy mà màu của nó vẫn thắm, không hư hoại. Hoa sen ở trong lò lửa mà vẫn tươi mát. Ngọc và hoa sen tượng trưng cho bản tánh bất khả hoại của tất cả sự vật. Bản tánh ấy là tánh Không.
Tánh Không không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm ấy được kinh điển hệ Pali nói như sau trong Kinh Phật tự thuyết phẩm Pataligamiya, Tiểu Bộ Kinh:
“Này các Tỳ kheo, có cái không sanh, không trở thành, không được làm ra, không bị điều kiện hóa. Này các Tỳ kheo, nếu không có cái không sanh, không trở thành, không được làm ra, không bị điều kiện hóa ấy thì ở đây không thể có sự giải thoát cho cái sanh, trở thành, được làm ra, bị điều kiện hóa. Nhưng bởi vì có cái không sanh, không trở thành, không được làm ra, không bị điều kiện hóa, thế nên các ông biết có sự giải thoát cho cái sanh, trở thành, được làm ra, bị điều kiện hóa”.
Cái không sanh, không trở thành, không được làm ra, không bị điều kiện hóa ấy trong kinh điển hệ Sanskrit gọi là tánh Không. Đồng thời cũng nói Không giải thoát môn, Vô tướng giải thoát môn, Vô tác giải thoát môn, nghĩa là ba cửa giải thoát là Không, Vô tướng, và Vô tác.
Trong kinh điển hệ Sanskrit cũng thường nói đến “vào nước không chìm, vào lửa không cháy, các độc chẳng thể làm hại…”, như phẩm Quán Thế Âm Bồ tát Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa chúng ta thường tụng. Đây là nói đến tánh Không và người đã hoàn toàn chứng đắc tánh Không, nên những hiện tượng của thế gian sanh tử chẳng thể làm gì được.
Về phương diện con người, cái “tâm ngộ tánh Không” được Kinh điển gọi là Bản Tâm, Bản tánh của tâm, Tâm Không, Phật tánh…, và thường được ví như viên ngọc, hoa sen.
Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn, tâm chú của Bồ tát Quán Thế Âm, hiện được trì tụng rất nhiều trong thế giới ngày nay. Trong thần chú sáu âm ấy, có hai từ chính yếu là mani (viên ngọc) và padme (hoa sen). Ngọc và hoa sen để nói lên tánh Không hợp nhất với từ bi trong tâm của Bồ tát Quán Thế Âm.
Trong kinh Pháp Hoa có nói chúng ta đang ở trong nhà lửa. Lửa cụ thể là lửa chiến tranh, ngày nào cũng có người chết vì bom đạn. Lửa chiến tranh do từ lửa tham, sân, mê mờ, kiêu mạn, đố kỵ, nghi ngờ, tà kiến… mà bùng phát. Có lửa chiến tranh thì có người tạo nghiệp nhân và có người trả nghiệp quả. Nghiệp nhân và nghiệp quả cũng là lửa, người đốt lửa và người bị cháy.
Để khỏi bị lửa thiêu cháy thì chỉ có cách an trụ trong tánh Không và lòng bi, viên ngọc và hoa sen, đó là chỗ giải thoát cho tất cả những gì hạn hẹp, được sanh ra, được trở thành, được làm ra, bị điều kiện hóa và chính những cái này tạo ra vô số khổ đau không dứt của thân phận con người.
Viên ngọc và hoa sen Phật tánh là cái không thể hư hoại, dầu trong lửa phiền não cháy mãi của thế gian sanh tử này. Con đường để thấy và sống với viên ngọc và hoa sen Phật tánh này là con đường Khai Thị Ngộ Nhập của Kinh Pháp Hoa.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tìm lại chính mình
Kiến thức 09:00 03/11/2024Một lần Đức Phật đang tĩnh tọa ở bìa rừng thì có 30 thanh niên từ đâu chạy tới, thấy Đức Phật, họ hỏi: Thưa Sa-môn, Ngài có thấy một cô gái chạy qua đây không?
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Xem thêm