Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 20/07/2022, 07:44 AM

Tám căn cứ lười biếng của người tu và lời chỉ dạy của Đức Phật để thoát khỏi nó

Muốn tiến tu, chúng ta không thể sống chung với con bệnh lười biếng. Ngược lại, phải dùng tuệ kiếm chặt đứt mọi ràng buộc, do vô minh chủ động vây hãm chúng ta vào những căn cứ địa thảm sầu nhất của bệnh lười biếng.

Người mới phát tâm tu tập thường siêng năng cần mẫn, chăm chú vào bổn phận và kiểm thúc thân tâm mình. Một phần vì lo sợ những sơ xuất lỗi lầm, mà có thể thầy, bạn đồng tu thường lưu ý đến, chưa biết một cách chắc chắn mình làm thế nào cho phải, nói năng làm sao cho giống người tu, nói chung là cố gắng thích nghi trong đời sống mới.

Phần khác vì nhiệt tâm ban đầu còn cháy sáng trong lòng, nên sẵn sàng tiếp nhận công tác của nhà chùa, hội, nhóm, đoàn và tinh cần tu học. Nhưng sau một thời gian, công việc tiến hành đều đặn khá thuần thục, ngày nào cũng bao nhiêu công việc ấy, đời sống đơn điệu, thầy bạn đã quen thân thì sự dễ nuôi cũng dần dần xuất hiện.

Hơn nữa những ước nguyện trước kia muốn nhanh chóng thành đạt, thì ngày nay thấy quá xa xăm, sự giác ngộ giải thoát đối với buổi sơ phát tâm thật xa khác, con đường đi đến bờ giác quá heo hút triền miên, và có thể bao nhiêu lý tưởng ban đầu bị xói mòn, thế thì chẳng bao lâu tính dễ dãi, lơ là, lười nhác, mệt mỏi từ từ lộ diện. Đó là tâm lý chung của hàng tu sĩ không giữ gìn được sơ phát tâm của mình, nên trong nhà Thiền có câu “Nhất niên Phật tại tiền, tam niên Phật thăng thiên”.

Ở đời cũng thế, người con gái mới về nhà chồng thường tự giác tìm việc mà làm và làm một cách chu đáo nhanh nhẹn, luôn áy náy bận lòng về lời nói, cái nhìn của cha mẹ, anh chị em nhà chồng, nên tự kiểm điểm lời ăn tiếng nói đi đứng nằm ngồi, ăn uống ngủ nghỉ của mình, nhờ vậy mà hoàn thành công việc một cách tốt đẹp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Người con gái lúc bấy giờ gần như hoàn toàn mới mẻ và đẹp đẽ thêm ra. Song lần lần quen với công việc, sự chung đụng hàng ngày làm cho quan hệ ban đầu trở nên cũ kỹ, nên không còn những e ngại nữa, từ đó hóa ra dễ chịu, lơi lỏng, ngon ăn ham ngủ…

Đức Phật khuyên người tu luôn giữ tâm trạng như tâm trạng của người con gái lúc mới về nhà chồng suốt đời mình.

Sự chểnh mảng lười biếng không phải chỉ xuất hiện trong những trường hợp trên, nó có thể phát sinh bất cứ lúc nào, khi có duyên sự khế hợp để làm đất nẩy mầm và bám víu. Chúng ta hãy nghe Đức Phật kể tám căn cứ lười biếng của người tu trong "Kinh Tăng Chi Bộ":

1. Ta có việc sẽ làm: Tức là khi có việc gì định làm thì con bệnh lười biếng sẽ xuất hiện. Nó nói thầm với chúng ta rằng hãy ngủ nghỉ thật kỹ cho có sức khỏe để mai làm việc.

2. Ta có việc đã làm: Vì đã làm xong việc, hãy nghỉ để lấy lại sức, cần gì phải thức đêm tu tập.

3. Ta có việc sẽ đi: Vì sẽ đi nên cần nghỉ để đi

4. Ta có việc đã đi: Đã đi nên cần nghỉ mệt

5. Đi khất thực được thức ăn không được như ý: Thiếu thức ăn trong ngày cần ngủ nghỉ kẻo đói, mệt, mất sức.

6. Khất thực như ý: Được thức ăn nhiều, ngon nên ăn no. No rồi lại bảo: No làm việc không tốt, tu không được, chờ đói sẽ tu.

7. Có ít bệnh: cần nghỉ cho khỏe, kẻo bệnh nặng thêm

8. Bệnh nhiều mới khỏi: Vì bệnh mới bình phục, nên ngủ nghỉ nhiều cho thật khỏe rồi tu.

Tám trường hợp nói trên nhìn qua đều có lý do chính đáng để người tu được ngủ nghỉ, dù rằng giờ tụng kinh hay tham thiền đang đến, nhưng xét kỹ mới thấy đó là tám điều tiềm phục rất sâu kín của bệnh lười biếng. Để tránh sự sa lầy và làm cho con bệnh lười biếng không còn nơi trú ẩn, Đức Phật đã chỉ ra tám lối thoát như sau:

1. Nếu ngày mai có việc phải làm, ta nên khởi nghĩ: Mai ta có việc làm nên phải ráng tu, để mai tu không được.

2. Nếu làm xong việc, ta nên khởi nghĩ: Hôm qua bận việc, nay đã làm xong ráng tu bù lại hôm qua tu ít

3. Ngày mai có việc đi đâu, ta nên khởi nghĩ: Hôm qua bận việc, mai sẽ không tu được nay ráng tu

4. Khi đi qua con đường dài, ta nên khởi nghĩ: Đã đi không tu được nay đi xong phải ráng tu

5. Khi nhận thức ăn không như ý, ta nên khởi nghĩ: Ăn ít bụng nhẹ dễ tu

6. Khi nhận thức ăn như ý, ta nên khởi nghĩ: Được cúng dường đầy đủ, ráng tu để khỏi nợ thí chủ

7. Khi bệnh chút ít, ta nên khởi nghĩ: Bệnh còn ít ráng tu, bệnh nhiều không tu được

8. Khi bệnh nặng đã hết, ta nên khởi nghĩ: Bệnh lâu tu không được, nay khỏi ráng tu bù lại.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Qua sự chỉ dạy trên, ta thấy Đức Phật có ép ngặt người tu không? Thực thế, Ngài biết được sự yếu đuối của con người, dễ bị hoàn cảnh tác động làm cho ý chí lung lạc, lý trí lu mờ. Hơn nữa, lười biếng là một chứng bệnh trầm kha, cố hữu, thuộc loại kinh niên, nó luôn tiềm ẩn trong tâm của chúng ta, chỉ chờ cơ hội xuất hiện, thế nên Đức Phật đã cảnh giác, bảo chúng ta phải dùng lý trí quan sát thật kỹ, đừng cho sự lười biếng phát sinh. Bệnh lười biếng không phải chỉ sinh khởi trong tám căn cứ nói trên, nó có thể nảy nở trong nhiều căn cứ địa khác nữa. Dụng ý của Đức Phật khuyên chúng ta đừng cho sự mệt mỏi lười nhác xâm nhập vào tâm trí, thích nghi trong mọi cảnh ngộ, phải tỉnh giác thẩm sát những tâm sở tiêu cực để nhận diện chúng và làm chủ chúng, nhất là đừng để thời gian trôi đi một cách trống rỗng.

Hơn nữa, phải sống trong tinh thần phấn chấn kham nhẫn: “Tiến đạo nghiêm thân, tam thường bất túc”, có như thế đạo nghiệp mỗi ngày mới sáng tỏ và bờ giác mỗi lúc một gần kề.

Đối với hàng phàm phu chúng ta, thật khó mà xác định một cách chính xác, trung thực thời gian ngủ nghỉ vừa đủ cho mình. Thường thường chúng ta hay lạm dụng thời giờ, viện cớ này cớ nọ để thoái thác công việc, chểnh mảng công phu, dung dưỡng xác thân giả tạm.

Muốn tiến tu, chúng ta không thể sống chung với con bệnh lười biếng. Ngược lại, phải dùng tuệ kiếm chặt đứt mọi ràng buộc, do vô minh chủ động vây hãm chúng ta vào những căn cứ địa thảm sầu nhất của bệnh lười biếng. Được như vậy, sự tinh tấn mới được trở về, ngọn lửa thiêng do nguyên động lực buổi đầu đốt cháy sẽ mãi mãi sáng soi từng bước chân đi đến bờ Diệu giác. Có như thế chúng ta mới không phụ lòng kỳ vọng của cha mẹ, thầy Tổ và nhất là đáp lời kêu gọi thiêng liêng tha thiết của Đức Đạo sư trước phút cuối cùng vào Đại - Niết - Bàn.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Sống một mình

Lời Phật dạy 14:55 05/11/2024

Đời sống của người phát tâm hướng thượng, ly tục tất nhiên phải là sống một mình. Người biết sống một mình là người đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật sống. Tuy vậy, không phải ai cũng đủ bản lĩnh để sống một mình mà đa phần đều sống hai mình.

Năm sự kiện người học Phật cần thấy biết

Lời Phật dạy 10:17 04/11/2024

Đức Phật nói có năm sự kiện một người tại gia hay xuất gia, nam hay nữ đều cần phải thấy biết:

Có một niềm vui nuôi dưỡng thân tâm an tịnh, hướng đến an lạc dài lâu

Lời Phật dạy 16:35 03/11/2024

Hoan hỉ là vui vẻ, sự đẹp lòng với tâm trạng hân hoan mà an tịnh, thoải mái, nhẹ nhàng và thanh thoát. Niềm vui trong cuộc sống thì có nhiều nhưng không phải niềm vui nào cũng được gọi là hoan hỉ.

Phật dạy về nhân duyên con người có thọ mạng ngắn dài

Lời Phật dạy 20:00 02/11/2024

Sống lâu, khỏe mạnh là một phước báu lớn. Nhưng không phải ai cũng có được phước báo này. Bởi xung quanh ta vô thường luôn khấy đảo, nhiều người lần lượt ra đi lúc tuổi trẻ đầu xanh.

Xem thêm