Tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu
Một bản chất vốn có, mọi hoạt động thân, khẩu của con người đều phát xuất từ tâm. Bởi lẽ, tâm chính là trung tâm đầu não của các hành động thiện, cũng như bất thiện. “Tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu” trong kinh Bát Đại Nhân Giác có nghĩa là “tâm là nguồn ác, thân là rừng tội”.
Cái nguồn ác và rừng tội này đều phát xuất từ việc chúng ta không biết điều phục tâm, từ đó mà tâm sẽ tác ý cho hình hành động tạo ra vô vàn tội lỗi.
Sự biến dị của các hữu thể trong thế gian được tính đếm bằng sát na, là vì chúng thay đổi nhanh chóng, không ở yên trong một trạng thái cố định. Tâm của con người còn vi tế hơn thế, vốn cũng rất vô thường, vô ngã, biến dị và hư ngụy. Vì vậy nên tâm không bao giờ đứng yên, luôn vọng động như con khỉ chuyền cành; vì tâm vọng động nên sản sinh các chất độc phiền não tham, sân, si, mạn. Rồi từ các chất độc phiền não đó lại tạo ra các thứ như là đố kỵ, ích kỷ, tranh giành… Cũng từ gốc rễ đó mà nó sanh ra hoa trái như là phẫn, hận, não, tật, bất tiếu, dãi đải, phóng dật… Cho nên mới nói tâm chính là căn bản của các phiền não, là cội nguồn sinh ra các điều ác.
Khi nói về năng dụng của tâm thì trong kinh Hoa Nghiêm đã sánh ví tâm như bậc thầy thư họa, có khả năng vẽ ra vô vàn các pháp (tâm như công họa sư, năng họa chủng chủng pháp). Và lại nữa, các nhà Nho cũng ví von chữ Tâm 心 bằng một bài thơ:
Tam điểm như tinh tượng,
Hoành câu tợ nguyệt tà.
Phi mao tùng thử đắc,
Tố Phật dã do tha”
Chữ tâm được mô tả có ba chấm như ba ngôi sao, còn móc câu nằm ngang như ánh trăng khuyết. Làm kiếp mang lông đội sừng, tức làm thân trâu, ngựa… là do tâm này, mà làm Phật cũng từ nó. Bởi thế, nên trong Duy Thức cũng có nói: “Công vi thủ, tội vi khôi”, nghĩa là luận về “Công” thì thức này có công hơn hết, còn nói về “Tội” thì nó cũng đứng đầu.
Nếu tiếp tục nhìn nhận vấn đề trên bình diện phân biệt, so sánh thì ta thấy rằng tâm ở đây, cái mà ta đang đề cập đến là tâm tiêu cực. Trong Quy Sơn Cảnh sách cũng nói tâm hình, nhưng tâm hình trong đó là tâm hình dị tục. Dị tục là không tham, sân, si theo thế tục; là tâm hình của bậc thánh hiền đã thoát tục. Còn ở đây cũng nói tâm hình nhưng là tâm và hình của kẻ phàm phu vẫn còn tham, sân, si, “tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu”. Hai bên đều nói tâm hình nhưng một bên là nói mặt tiêu cực, còn một bên thì nói mặt tích cực của tâm hình khi đã nếm được mùi vị của sự giải thoát.
Tham, sân và si đó chính là ba nghiệp dữ thuộc về ý. Như đã nói, tâm vọng động như con khỉ chuyền cành, nếu ta không có sự điều phục thì nhất định ta sẽ đau khổ vì ba nghiệp dữ. Si mê chính là gốc rễ đưa đến tham và sân. Vì do si mê nên không biết sự thật của các pháp vốn sinh diệt, biến dị, hư ngụy và vô chủ, vậy nên ta mới tác hành, khởi nên lòng tham, rồi từ lòng tham sinh ra sân hận.
Cái mà con người chúng ta ham muốn nhất đó chính là ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy (đối tượng ngoại thân). Ngũ trần dục lạc này, thật ra, vui ít mà khổ nhiều. Khi những ham muốn không thực hiện được thì sẽ bắt đầu đau khổ, sân hận. Tham những các đối tượng ngoài thân thì lại còn có sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp.
Mắt ưa xem huyễn cảnh hằng ngày,
Tai thích tiếng mật đường dua nịnh,
Mũi quen ngửi mùi thơm bất tịnh,
Lưỡi dệt thêu lắm chuyện gay go,
Thân ham dùng gấm vóc lụa là
Ý mơ tưởng bao la vũ trụ.
Tóm lại, mấu chốt là do si mê nên mới có tham và sân. Nếu hằng ngày ta tư duy và quán chiếu các điều này một cách thường trực thì khi các dục đến ta sẽ không khởi lên lòng tham. Ngược lại, hằng ngày không quán chiếu vạn hữu đều vô thường, nguy thúy, khổ không và vô ngã, tất cả đều “sanh diệt biến dị” và “hư ngụy vô chủ” thì ba nghiệp ác sẽ có nhân duyên sinh khởi, khi đã sinh khởi thì ta sẽ bị cuốn vào guồng máy luân hồi, sinh tử.
Nếu tham, sân, si sinh khởi thì nhất định chúng sẽ biểu hiện ra bên ngoài, nơi chúng biểu hiện rõ nhất chính là hình. Hình gồm có hai nghiệp là thân và khẩu. Trong thân có ba là: sát, đạo, dâm và nơi khẩu có bốn là: vọng ngữ, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu. Tâm tạo ra thập thiện nghiệp nhưng cũng đồng thời tạo ra thập bất thiện nghiệp, “nhất thiết duy tâm tạo”.
Khi con người ta bị tham lam, sân hận, si mê sai sử thì trong tâm niệm họ luôn chứa đầy những hạt giống xấu sinh sôi. Tâm họ giống như một đống rác hôi dơ, bẩn thỉu. Họ có thể nói dối để lừa gạt người khác để đáp ứng cho những ham muốn đang tuông chảy trong lòng; họ lại có thể nói thêm, nói bớt vẽ vời ra chuyện trời mây để hạ uy tính của người khác vì lòng đố kỵ, tỵ hiềm và ích kỷ; có khi, họ đi nói thế này với người kia, nói như thế kia với người này, phá hoại mối quan hệ của người khác nhằm để thỏa mãn sự ganh ghét, hơn thua; cũng có lúc họ dùng những lời hung ác ập vào người khác để thỏa mãn cơn giận đang đùng đùng dậy sóng trong lòng. Lời nói là dùng để mở lối yếu thương, để khởi nguồn hiểu biết, nhưng vì tham đắm mà con người chúng ta đã tự mở cho mình một lối vào địa ngục.
Vì tham đắm trong dục lạc mà con người không thể chế ngự con ma dâm dật đang ngang tàng vùng vẫy trong tâm, đâp vỡ hạnh phúc gia đình; vì ham muốn những món sơn hào hải vị mà ta bất chấp mạng sống của các loài vật, dù con vật ấy đang dãy dụa, thét gào vì đau đớn, sợ chết nhưng ta vẫn mặc tâm mà giết hại; Vì say sưa trong những ham muốn dục lạc nên có lúc con người cùng đường lạc lối, phải làm trộm cướp để có tiền phụng dưỡng cho những ham muốn thể xác. Hay cũng vì những hận thù mà con người chém giết lẫn nhau… Tất cả điều xuất phát từ tâm.
Về mặt thế gian, con người như thế sẽ không được xã hội dung chứa, chỉ có một nơi dung chứa họ, đó là địa ngục. Và về mặt xuất thế, đối với một người tu mà nói thì việc chính yếu đầu tiên là chuyển hóa tâm của chính mình. Tâm mà không có sự chuyển hóa thì không thể nào sống trong chúng tăng tu tập được, bởi vì sẽ bị tăng chúng xa lánh. Người xuất gia mà không biết chuyển hóa rác thành hoa thì sự tu tập chẳng có ý nghĩa gì, hoàn toàn vô ích. Là tăng sĩ mà vẫn còn vướng vào các nghiệp sát, đạo, dâm, vọng ngữ, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu thì ta không khác gì người thế tục, tự mình mở lối địa ngục, lẩn quẩn trong guồng máy luân hồi, tái sinh không dứt.
Nếu nhìn nhận các nghiệp qua ô kính giới luật thì ta sẽ thấy dâm, đạo, sát và vọng ngữ (chỉ cho đại vọng ngữ: chưa chứng thánh mà nói chứng thánh) là bốn giới lớn Ba La Di. Nếu vị Tỳ Kheo phạm giới thì không thể sám hối được và vị ấy sẽ không còn là một tỳ kheo. Dù giới lớn hay là giới nhỏ thì chúng ta cũng phải khéo mà hộ trì, nếu không biết hộ trì thì nghiệp chúng ta đã nhiều thì lại càng nhiều thêm (khổ khổ).
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ tạo tác
Nếu với ý nhiễm ô
Nói năng hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như chiếc xe theo chân con vật kéo”
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ tạo tác
Nếu với ý thanh tịnh
Nói năng hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng không rời hình”.
Tu tâm dưỡng tánh thì phước còn cao hơn nữa
Tâm chính là nơi sản sinh ra tham, sân, si và cũng là nơi sản sinh ra bao niềm tin, yêu thương… dẫu nhìn ở bất cứ phương diện nào thì tâm vẫn luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực. Vì có niềm tin vững chắc nơi tâm nên Ngài Địa Tạng mới có thể phát lên lời nguyện dõng mãnh cứu vớt chúng sinh đang đau đớn trong cõi u minh:
“Ðịa ngục vị không, thệ bất thành Phật
Chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ-đề.”
Con người, ai cũng có cái chơn tâm, chỉ là do đám mây vô minh che khuất nên họ chưa nhận ra. Con người dẫu có xấu xa, ác độc đến thế nào đi chăng nữa thì bản chất của học không phải là một con người xấu. Dẫu họ có gây ra cho ta bao điều đau khổ đi nữa thì ta cũng không phải là nạn nhân đau khổ nhất, mà nạn nhân đau khổ nhất chính là họ – họ là nạn nhân của xã hội, môi trường. Ta phải biết thương họ, vì họ chính là hiện thân của nghiệp, họ là con người đang thọ lãnh sự đau khổ từ nghiệp. Thấy được như vậy, đó là sự quán chiếu, là sự tu tập.
Tâm thức dẫn đến hành động và từ hành động sẽ dẫn đến nghiệp. Tâm thức lại luôn vọng động theo dòng nghiệp, nên nghiệp mới cũng theo đó mà thành. Vì vậy mà chúng ta cần phải luôn giữ chánh niệm để có thể quán sát và điều phục thân tâm. Chánh niệm chính là trái tim của đạo Phật, là bản chất của giới luật, chánh niệm sẽ giúp chúng ta diệt trừ gốc rễ của tội lỗi phiền não.
Tâm Thiền
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kích hoạt sự giàu có của bạn trong đời
Góc nhìn Phật tử 13:30 03/11/2024Bạn nhận ra được những giá trị nơi bản thân và có thể trao tặng những giá trị này đến cuộc đời, cuộc đời sẽ tặng bạn lại sự thịnh vượng và giàu có. Lúc bấy giờ giàu có là hệ quả tất yếu của hành động trao giá trị.
Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi
Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...
Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây
Góc nhìn Phật tử 08:30 02/11/2024Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.
Thấy rõ nhân - duyên - quả để an nhiên
Góc nhìn Phật tử 13:04 01/11/2024Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.
Xem thêm