Tập tỉnh thức
Hiện hữu trong thời đại văn minh, chạy đua với thời gian và công việc, khiến nhiều người lắm lúc quên đi bản thân, quên đi tâm thức của chính mình, quên cái gọi là từ tốn, tự tại, vững chãi và thảnh thơi.
May thay có Chánh pháp Như Lai, Ngài đã chỉ bày biết bao pháp môn phương tiện nhằm một mục đích chung, giúp cho mỗi người nhận chân ra rằng, Trí tuệ Vô sư nơi ai cũng sẵn có, trở về tâm chân thật ta sẽ có cái nhìn, cách sống đúng đắn trong thực tại, biết cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ và tha thứ cho nhau, dùng tâm từ với lòng thương lớn để chuyển hóa mọi ngóc ngách, góc khuất nơi tâm hồn của những người đang chung sống bên ta. Hãy tin tưởng một điều rằng: “Nhân chi sơ tánh bổn thiện” tất cả đều không ra ngoài định luật nhân quả, tin để sống thật tốt, tỉnh thức và tự tại trong từng phút giây ta đang hiện hữu giữa chốn tạm này!
“Tin đi anh để đời nhẹ tênh
Tin quanh ta là Phật không à
Sát na thôi, mê “tâm” ngộ “tánh”
Sống tự tại giữa cõi Ta bà.
Huynh đệ ta vui hòa an tu
Tỉnh rõ biết cười tươi vào nhà
Thầy trò tương thông cùng an trú
Pháp lạc kết hoa hoa dâng Thích Ca”.
Lấy Chánh pháp của Phật làm mực thước, kim chỉ nam để chúng ta tu theo, thông qua sự giáo dưỡng của những bậc Tôn sư, lớn lên trong vòng tay bảo bọc dạy dỗ của Thầy tổ và đại chúng là một điều vô cùng hạnh phúc đối với người tu sĩ. Theo lẽ thường tình, phần lớn thích cuộc sống thoải mái, tự do nhưng lắm lúc ta quên rằng, mình đã buông lung, nuôi dưỡng tính thiếu kỷ luật của bản thân. Khó khăn nghiêm khắc với mọi người mà lại dễ dãi với bản thân đó là một tai họa lớn trong sự nghiệp tu hành, dễ đưa chúng ta lầm đường lạc lối.
“Tăng ly chúng Tăng tàn
Hổ ly sơn hổ bại”.
Được sự bảo hộ của Thầy tổ, của Tăng thân thì còn hạnh phúc nào hơn? Hỡi những ai đang có, hãy biết trân trọng, giữ gìn, đừng để những vọng khởi dẫn dắt ta phải rời xa môi trường tốt, đang mài dũa, trui rèn những hòn đá thô sơ đầy góc cạnh thành những viên Ma ni long lanh, lấp lánh giữa hư không vô cùng vô tận. Hãy tập sống có trí tuệ, tỉnh giác, làm việc gì biết việc ấy và chu toàn, với tâm ý nhu nhuyến, hiền hòa, nhẹ nhàng mà vững chắc. Chớ yêu cầu và vọng mong quá nhiều, đó là tham vi tế của cái gọi là ngã và ngã sở (tôi và cái của tôi) của ta. Tất cả chỉ tương đối mà thôi. Hãy để trái chín tự nhiên, đủ thời tiết nhân duyên ắt sẽ tự thành tựu. Chớ vội vàng hấp tấp mà hư việc lớn, trái mà chín ép, chưa đủ ngày, đủ tháng ắt sẽ không ngon… Hãy hoàn toàn tin tưởng vào chánh pháp của Phật, tin vị Thầy hướng đạo của chúng ta, sống thật tự nhiên, thoải mái, trong khả năng tự trang nghiêm từ môi trường bên ngoài đến tâm thức bên trong. “Nơi nào mình ở, nơi đó là đạo tràng…”. Một cuộc sống ý nghĩa trong từng phút giây.
“Người tưới nước lo phần dẫn nước
Thợ cung tên lo chuốc cung tên
Thợ hồ tô vách xây nền
Cũng như người trí ngày đêm luyện lòng
Vững vàng thay! Ngọn đại sơn
Bão to gió lớn chẳng sờn chẳng lay
Người đại trí vững vàng thay
Lời khen tiếng báng chẳng lay chẳng sờn…”.
(Ni trưởng Huỳnh Liên)
Tâm ta có những lúc ngóng mong, trong tinh thần “ở núi này trông núi nọ”, ta không an vui, bằng lòng với những gì đang hiện hữu. Quên thở nhẹ và cười ở thực tại hết truy tìm quá khứ lại ước vọng tương lai ảo huyền mơ mộng, rồi cho rằng hiện tại ai đó đang đốt tuổi thanh xuân của chúng ta. Nhưng ai ngờ rằng chính bản thân mình đã từ lâu đốt cháy thanh xuân ấy bằng sự hấp tấp vọng động, mong cầu quá đỗi, rồi mãi bất an trong bất kỳ môi trường nào. Hãy trân trọng những phút giây mầu nhiệm tỉnh sáng này! Biết ta đang đi, đang dừng, đang thở và cười.
Thật sự tự do trong nhà Phật lại khác sự tự do của thế gian.
“Tự do là ung dung trong ràng buộc
Giải thoát là tự tại giữa khổ đau”.
Tập sống tỉnh thức cũng là tập làm chủ chính mình, tập quan sát tâm thức khởi gì, biết để buông, không lầm nhận khách trần mà quên đi chủ nhà đang hiện hữu giữa đến, đi, sanh, diệt. Học hiểu thấu rõ là một chuyện, nhưng trải nghiệm chúng lại là chuyện khác. Thế nên cả đời để học và hành theo lời dạy của Thế Tôn. Nguyện bền lòng vững chí không ngao ngán và mỏi mệt trên con đường tìm về quê cũ. Tin để sống tốt, tin để nhẹ buông, tin để trở về khi ta còn có thể.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm