Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 28/09/2022, 09:06 AM

Tây Du Ký: Vọng và Chân

Từ lâu chúng ta đã nhận lầm tâm giả dối tạm bợ cho là mình nên quên đi nguồn cội, giống như ngài A Nan chấp bảy chỗ cho là tâm mình đều bị Phật bác không chấp nhận (kinh Lăng Nghiêm).

Vậy thì bước đầu chúng ta phải nhận định rõ đâu là chân, đâu là vọng, mới không bị lạc lối. Chân và Vọng chẳng phải hai, nhưng cũng không là một, vì hai trạng thái khác nhau. Không phải hai vì chung cùng nguồn gốc, bởi mê mới có chân, vọng; có vọng nên mới lập chân, song vọng chính từ chân phát khởi, mà chân chẳng phải vọng. Ngài Động Sơn khi đi qua cầu thấy bóng dưới nước liền ngộ làm bài kệ nói về ý này:

Rất kỵ tìm nơi khác

Xa xôi bỏ lảng ta

Ta nay riêng tự đến

Chỗ chỗ đều gặp va

Va nay chính là ta

Ta nay chẳng phải va

Phải nên như thế hội

Mới mong hợp như như.

Vọng là cái sinh diệt chợt có, chợt không, còn chân là an định sáng suốt bất động, giống như cái bóng trong gương từ gương mà có. Gương thì sáng suốt bất động, còn bóng luôn chao động thay đổi. Cho nên chúng ta phải rõ cái nào giả dối, cái nào chân thật. Nhưng khi đã thể nhận và sống được với cái chân thật thì một thể vắng lặng sáng suốt chớ không còn thấy có chân vọng gì cả.

Đây xin lược dẫn ở hồi 39 nói lên ý này.

...Tôn Hành Giả cứu vua Ô Kê... Rồi bày kế vào cung vua để đánh vua Ô Kê giả do yêu tinh biến ra... Yêu tinh đánh không lại chạy đến chỗ Đường Tăng, nó liền hóa ra một Đường Tăng nữa, khiến Tôn Hành Giả không phân biệt ra ai là Đường Tăng thật... Tôn Hành Giả bèn xin thầy đọc thần chú và nhờ Bát Giới xem ai đọc được là Đường Tăng thật, nên Đường Tăng giả bị lộ tướng biến chạy - vì bài chú “định tâm chân ngôn” đó chỉ có Đường Tăng và Bồ Tát biết mà thôi. Tôn Hành Giả đuổi theo định đánh chết yêu tinh, nhưng gặp Bồ Tát Văn Thù đến ngăn cản và xin tha mạng cho nó. Bồ Tát lấy kính chiếu yêu ra soi thì nó hiện nguyên hình là con sư tử lông xanh của Bồ Tát. Tôn Hành Giả trách Bồ Tát sao để con sư tử của Ngài trốn xuống hạ giới làm yêu tinh phá hoại người. Bồ Tát nói: “Nó đâu có trốn mà do Phật chỉ sai đấy”. Bồ Tát đọc thần chú và lên lưng sư tử từ biệt Tôn Hành Giả trở về Ngũ Đài Sơn...

so-phan-bi-tham-cua-chu-ngua-bach-long-trong-tay-du-ky-0aa645

Đây ý nói Đường Tăng thật là chỉ chân tâm. Còn Đường Tăng giả chỉ vọng tâm. Khi Tôn Hành Giả không biết ai là Đường Tăng thật, mới cầu xin Đường Tăng thật đọc thần chú cho mình đau đầu, để biết đâu thật đâu giả. Bởi bài chú là ngụ ý cho định tâm, tuy có trí tuệ nhưng chưa an định thì khó mà trưởng dưỡng tự tánh chân nên vọng cứ vẫn xen lẫn che án chân tánh. Nhưng khi tâm đã định thì cái vọng giả dối tan biến, tánh chân thật hiện bày sáng suốt như xưa.

Tâm chân thật là cái (tạm gọi) hiện đang rõ biết rỗng lặng thênh thang, nó giống như nước mặt biển mênh mông. Còn tâm vọng động thì giống như các loại sóng (sóng nổi, ngầm, lớn, nhỏ), nhưng các loại sóng đó đều là nước ở trong mặt biển cả. Nước ở sóng và nước mặt biển tuy hai tướng trạng khác nhau (sóng có cao thấp, chao động, mặt biển thì bằng phẳng không sóng), nhưng cả hai đều mang tính chất “Ướt”. Muốn biết nước biển thì hãy ngay nơi sóng mà nhận (thể ướt). Do đó thể của sóng và nước không hai, không khác, chỉ là chất ướt. Còn tướng dụng của nước thì có muôn mặt, khi đục khi trong, khi sóng lớn sóng nhỏ, khi đông đặc khi loãng, khi thành hơi, khi yên lặng bằng phẳng…. Tất cả các tướng trạng của nước ở biển là ẩn dụ cho tâm thiện, tâm ác, tâm kiêu mạn, tâm ích kỷ, tâm tật đố v.v... Nếu là tâm chân, thiện, mỹ (tất cả hành vi của thân khẩu ý đều thiện) thì xứng hợp với bổn tâm, vì biết bỏ ác theo thiện, bỏ vọng theo chân, lìa tà hợp chánh, lìa mê theo giác nên gọi là thuận dụng bổn tâm. Còn ngoài chân, thiện, mỹ ra đều là tâm tham, sân, si. Vì sao gọi tham, sân, si cũng là tâm? Vì nó mang một phần tính năng của tâm nên gọi là nghịch dụng bổn tâm, giống như các tướng trạng ở nước đều mang cái thể của nước là ướt vậy. Nếu là tâm thiện thì thuận với chánh đạo, còn tâm ác thì nghịch lại gọi là tà đạo. Song, thiện đối với ác, thuận đối với nghịch, chánh đối với tà, nhưng rốt lại tất cả pháp đối đãi đều từ bổn tâm mà ra. Nếu thuận dụng bổn tâm thì an vui giải thoát; còn nghịch dụng thì trần lao khổ sở và sa đọa.

Bởi lẽ khi còn phàm phu lúc tham sân si nổi lên lại đồng hóa hòa nhập vào tham, sân, si, họ cho tham sân si là mình nên nói tôi tham, tôi sân, tôi si, vì vậy họ chỉ làm càn theo bản năng do tham sân si chủ động. Lại có người biết đó là tham sân si nhưng không tự chủ, họ không thể nhận ra chính cái RÕ BIẾT được tham, sân, si là mình. Nhờ có tánh BIẾT này, khi tham sân si trỗi dậy mới BIẾT tham, BIẾT sân, BIẾT si. Bởi họ không nhận và sống với cái Rõ Biết mà lại đồng hóa mình là tham, sân, si, nên bị tham sân si ngự trị dẫn dắt làm những điều bất thiện trái với lương tâm. Còn người đã thấu rõ được cội nguồn của tâm tánh chính là cái RÕ BIẾT TRONG LẶNG, tức cái chân thật không lúc nào sanh diệt biến đổi, thì khi có tham, sân, si mống khởi liền RÕ BIẾT nên chúng bị ánh sáng trong lặng của cái Biết hóa giải mất, và khi không tham, sân, si vẫn hiện đang RÕ BIẾT trong lặng. Có tham, sân, si hay không tham, sân, si, đó là hai tướng trạng đối lập nên nói nó chợt có, chợt không, còn cái RÕ BIẾT được khi có tham, sân, si hay không tham, sân, si thì “Cái rõ biết” đó, luôn hằng hữu. Cái rõ biết hằng hiện diện nương nơi sáu căn phát ra diệu dụng; nào là đi đứng, nói năng, nhướng mày, chớp mắt v.v... trong mọi sinh hoạt. Nhưng khi phát ra diệu dụng ở sáu căn tiếp xúc với sáu trần, chúng ta lại bất giác vọng động, nên thức phát sanh, rồi dính mắc ái chấp trần cảnh mà quên đi cái nguồn gốc RÕ BIẾT RỖNG LẶNG này. Bởi bản chất của tham, sân, si từ nơi RỖNG LẶNG do bất giác chợt khởi lên, nên khi tỉnh giác nó liền trở về nơi bản vị RỖNG LẶNG. Vì vậy nói nó có như huyễn hóa không thật tánh, và nó chợt khởi, chợt lặng nên gọi là hư vọng. Bởi phàm phu quên cái rõ biết chân thật chỉ sống theo cái hư vọng, nếu không có cái chân thật thì “Ai” đang hiện thấy, nghe...? Do chấp cái hư vọng nên quên cái thật, chớ cái chân thật chẳng vắng mặt bao giờ.

Từ đây ta có thể nhìn qua các sắc tướng khác cũng vậy. Ví như trước khi có thân này là khoảng trống không thênh thang, khi hội đủ duyên thì kết thành thân, rồi dần dần mượn tứ đại bên ngoài (không khí, thức ăn, nước uống, hơi ấm từ các duyên tạo) để nuôi dưỡng mà dần dần tăng trưởng lên, quân bình khoảng 50 - 60 ký chiếm một phần nhỏ trong cái rỗng không thênh thang. Thiết thực hơn là trong sắc thân có một ít rỗng không trong ấy nên ta mới hít không khí vào được để máu lưu chuyển luôn và mới có thể cho thức ăn nước uống vào để duy trì sự sống; hơn nữa là sắc thân đang ở trong rỗng không thênh thang nên mới tới lui nói năng hoạt động được. Đến khi chết thân rã tan thì trả về lại rỗng không; cho thấy rằng thân xác này vốn không tự tánh. Nếu nó có tự tánh thì tự sanh ra khỏi phải đợi nhờ duyên khác hội hợp mới thành. Ta phải biết hễ cái gì là Chân thì luôn hằng hữu không thay đổi biến chuyển, không sanh diệt…, nhưng xét kỹ thân này thì nó không phải vậy mà thường biến chuyển sanh diệt luôn, thực tế là trong thân này mỗi tế bào từng giây từng phút hoại tử và được tế bào mới khác sanh ra thay vào. Còn phần tư tưởng hiểu biết mà tất cả chúng sinh cho là mình thì nó cũng thay đổi biến chuyển luôn, lúc nghĩ tưởng, khi tính toán đủ điều… chợt còn chợt mất (thọ, tưởng, hành, thức). Vây thì không lẽ mình là cái sanh sanh diệt diệt mãi như vậy sao? Vì lẽ đó kinh nói, phải thấy rõ tường tận năm uẩn (thân tâm) đều là không thì liền qua tất cả khổ ách, mà năm uẩn có chính là do có tham sân si. Khi đã biết lẽ thật ở năm uẩn rồi thì cũng rõ lẽ thật nơi vạn pháp, vì pháp tức là tâm, tâm tức là pháp, tâm pháp chẳng rời nhau; có tâm là có pháp, không tâm thì pháp cũng không. Do đó bản tánh của các pháp chính là trong lặng rỗng suốt nên nó mới dung nhiếp hết tất cả không vật gì ngoài nó. Nó luôn bất di bất dịch, không tăng không giảm. Còn thân tâm và muôn sự muôn vật thì luôn luôn sinh diệt biến hoại thảy đều là hư vọng, tuy có mà như huyễn ảo không thật.

tay-du-ky-3-1585403914-width614height420

Chúng ta nên biết rằng, hễ cái gì là chân lý, chân thật thì cái đó hằng hiện diện cả ba thời (quá, hiện, vị) đều như vậy chẳng thay đổi và hoại diệt bao giờ, còn cái chi không thực thì luôn biến đổi chợt có chợt không, sanh diệt chẳng dừng, chúng ta quán xét sẽ thấy sắc thân và tâm thức vọng động nơi chính ta luôn như thế. Còn cái Biết Rỗng Lặng thì luôn hằng hữu từ khi còn trong bụng mẹ (7 tháng tuổi đã đủ các giác quan nên nghe mọi âm thanh bên ngoài), cho đến già nua vẫn vậy. Nhưng khi chết cái Biết Rỗng Lặng tùy theo duyên nghiệp hiện đời tạo nhân lành hay dữ mà theo đó thác sanh nơi tốt đẹp an vui hoặc xấu, ác, đau, khổ, cho nên lúc mới sanh ra sau đó thì liền biết khóc do cảm nhận thời tiết đột ngột, bức xúc thấy khổ nhọc. Cái Biết Rỗng Lặng thì trước sau không thay đổi, nhưng do vô minh che án, bị sự vận hành của nghiệp mà phải lưu chuyển trong 3 cõi 6 đường. Còn trên mặt hiện tượng vật chất trong hư không vô tận này cũng đều biến chuyển thay đổi luôn chẳng dừng trụ, từ cỏ cây, đất nước… cho dến quả địa cầu chúng ta đang trú ngụ cũng thế, nhưng vì tuổi thọ của nó hơi dài so với tuổi thọ con người, nên chúng ta thấy như vĩnh cửu, chứ thật sự nó luôn thay đổi từng sát na (thời gian rất ngắn), rồi một ngày nào đó cũng sẽ bị hoại diệt theo chu kỳ “Thành, trụ, hoại, không”. Nhưng bầu hư không vốn rỗng lặng trong suốt chẳng phải hình tướng sắc chất nên hằng hữu không bao giờ hoại mà luôn hiện diện bao bọc mọi sắc tướng.

Bởi lẽ đó kinh Lăng Nghiêm nói: “Chân như bất thủ tự tánh, hốt nhiên nhất niệm vô minh khởi”, nghĩa là chân như chẳng giữ được tự tánh, bất chợt một niệm vô minh khởi. Phải biết rằng tánh giác (chân như) không sanh ra vô minh mà tại mê (quên) tánh giác nên vô minh dấy lên. Bởi tánh giác không sanh vô minh nên khi vô minh hết mà tánh giác vẫn hiện hữu. Rõ hơn hãy thử lấy tấm gương dẫn dụ thì dễ hiểu. Gương lúc nào cũng rỗng lặng sáng suốt chiếu soi nên mọi cảnh vật trước nó mới in hiện vào được, nhưng khi thấy những hình ảnh trên mặt gương rồi bám chấp cho những bóng ảnh ấy là thật có, theo đó mà lý lẽ cho là đẹp xấu, còn mất, có không v.v... thì liền quên mặt gương luôn rỗng lặng chiếu soi. Mà không ngờ rằng nhờ có mặt gương mới có những hình bóng trong gương, khi đã chấp nhận bóng là thật thì quên gương; trái lại rõ được gương thì không chấp bóng. Dù rằng khi có hình bóng biết nó không thực thể, nó chỉ tạm có một thời gian mà thôi. Hình bóng thì lúc có lúc không, khi bóng mất nhưng gương thì trước sau luôn hằng hữu chiếu soi không đến không đi. Vả lại, còn một dạng chấp nữa là, tuy đã biết những hình bóng trong gương không thật mà lại cố tình xua đuổi dẹp cái không thật đó thì có phải làm một việc trong mê mộng chăng? Làm như thế chẳng khác nào thấy cái bóng đó là thật rồi! (bởi thấy bóng thật có mới diệt trừ). Chỉ khéo biết hình bóng đó là hư vọng không thật đừng bám chấp thì khỏi diệt trừ chi cả.

Cũng vậy, thân tâm và trần cảnh đối với bản thể Chân tâm thì chẳng khác nào những hình bóng trên mặt gương vốn hư vọng không thật có. Nếu bám chấp thân tâm là thật mình, trần cảnh thật có thì sẽ quên lãng cái bản thể thường hằng rỗng lặng sáng suốt, tất nhiên đời đời sẽ bị trầm luân khổ hãi không thể tránh khỏi.

Tất cả tâm tham sân si là biểu trưng cho các chúng sinh tự tâm của mỗi người như đã nói ở trước. Thế nên đức Lục Tổ nói: “Nếu biết rõ về chúng sinh tức là thấy được Phật tánh (chân tâm, tánh giác, rõ biết rỗng lặng)” và “Hễ biết được chúng sinh ở tự tâm thì thấy được Phật tánh ở tự tâm”. Do đó chỉ cái RÕ BIẾT RỖNG LẶNG này (luôn hằng biết), nếu ai sống được thì mỗi hành động đều thuận theo Phật tánh gọi là Trí Giác, vì trong đó không còn bốn tướng (Ngã, Nhơn, Chúng sinh, Thọ giả) nên gọi là dụng của trí. Còn nếu nghịch lại Phật tánh thì cũng biết, nhưng mà biết theo vọng động tình thức gọi là Trí Thức (hiểu biết), do đó khi tham sân si tác khởi gọi là dụng của chúng sinh. Chúng ta là người học Phật phải nhận định rõ về hai trạng thái “BIẾT” này:

1- Luôn Luôn Biết, lúc nào cũng biết không thiếu vắng (khi ấy không có chủ thể và đối tượng).

2- Hiểu Biết. Cái hiểu biết này có sinh ra chớ nó không hằng hữu, bởi do huân tập học hỏi từ người xưa để lại, là cái vay mượn bên ngoài đem vào ký ức mới có sanh ra hiểu biết rồi chấp giữ thành thói quen, nên khi tiếp xúc duyên hoạt động thì theo bản năng thói quen mà ứng xử; còn lúc không đối duyên thì chẳng thấy, thành thử nó khi có khi không. Tóm lại, hiểu biết là do có đối tượng (cảnh) làm chỗ để duyên thì mới có. Hễ cái gì có sinh ra ắt phải hoại diệt. Có sinh có diệt tức là hư vọng. Nếu nó thật có thì luôn luôn hiện diện không lúc nào vắng, nhưng thực chất khi đủ duyên nó liền có, khi hết duyên nó liền không. Chợt có, chợt không tức chẳng phải mình. Xét cho cùng thì cũng từ nơi bổn tâm mà ra, nhưng do không giữ được tự tánh tỉnh liền bất giác vọng động theo duyên chấp âm thanh sắc tướng thành sai khác.

Trong lúc còn mê lầm tâm vọng động làm theo bản năng vì không rõ đâu là thiện, là ác, đâu là chánh là tà nên dễ bị đọa lạc. Sau khi giác ngộ định tâm thấy rõ lẽ thật các pháp, tà ác dẹp, chánh thiện làm để lợi ích nhân sinh, nên nói là dụng của trí tuệ. Ngài Văn Thù tượng trưng cho trí tuệ, còn con Sư tử Ngài cưỡi là ám chỉ cho sức mạnh (dụng) trí tuệ. Sư tử là loài thú rất mạnh mà người đời thường gọi là chúa sơn lâm, tiếng rống của nó làm cho các cầm thú khác phải kinh sợ. Thế nên khi cần làm lợi ích thì dùng nó, lúc không cần thì để nó an định đừng khởi động.

y-nghia-phim-tay-du-ky

Con Sư tử thành yêu tinh là vì không có Ngài Văn Thù bên cạnh. Cũng vậy khi không có trí tuệ hiện diện thì mọi hành vi thân, khẩu, ý biến thành cái dụng hư vọng do tham sân si ngự trị sai khiến ứng xử tà vạy. Khi tâm đã an định, trí tuệ hiện hữu thì mọi hành động trong cuộc sống đều là diệu dụng Chân tâm lưu xuất chứ không phải do tâm vọng thức miên man hành động theo bản năng. Vì thế ngài Văn Thù nói với Tôn Hành Giả là yêu tinh do Phật chỉ sai chớ nó không có trốn. Thế nên mọi động dụng đều phát xuất từ tâm, nếu biết dùng đúng chỗ thì đó là diệu dụng bổn tâm. Ông Bàng Uẫn có làm bài kệ nói ý này:

Hằng ngày không việc khác

Chỉ tôi tự biết hay

Vật vật chẳng bỏ lấy

Chỗ chỗ nào trái bày

Đỏ tía gì làm hiệu

Núi gò bặt trần ai

Thần thông cùng diệu dụng

Gánh nước bửa củi tài.

Tóm lại, nếu tất cả mọi hành vi thân, khẩu, ý trong cuộc sống mà có ái nhiễm chấp mắc trong đó tức là theo bản năng vọng thức (nghiệp) chứ không phải từ Tâm chân thật.

Chân và vọng là hai danh từ đối lập do người xưa tạm lập phương tiện để dẫn dắt chúng sinh. Bởi chúng sinh chưa sống được với cái sáng suốt an định hằng hiện thực nơi sáu căn là do bất giác vọng động. Nghĩa là mê quên đi chân giác, từ đó vọng niệm sanh khởi tiếp nối gọi là vọng giác (cái biết hư vọng). Nhưng vọng giác vốn không thực thể (chợt khởi, chợt mất) nên nó chẳng rời chân giác, giống như người chạy xe trên đường lầm phương hướng, bởi do có con đường mới có lầm, nếu không có con đường thì chắc chẳng lầm vậy. Cũng thế, phàm phu vì có mê nên nói có giác, nếu không mê thì danh từ giác cũng chẳng lập.

Song, chúng sinh nhờ có tâm bất giác vọng động này nên mới phân biệt danh từ và nghĩa lý của các pháp. Cũng nhờ thế mà Phật, Tổ mới vì chúng sinh đời sau nói ra chỗ bất giác đó có cái chân giác đã sẵn ở mỗi người. Nếu lìa bất giác vọng động thì không thể nào chỉ ra chân giác được. Cũng như sóng và nước trên mặt biển chẳng phải hai, rời nước thì không thể có sóng, rời sóng thì không thể biết được nước. Đó là nói khi ý thức đã chuyển hướng về tâm sở thiện hay năm tâm sở biệt cảnh hầu mong đạt đến giác ngộ giải thoát.

Lúc mê lầm thì toàn chân tức vọng, khi giác ngộ thì toàn vọng tức chân, giống như vàng ròng làm ra những món đồ trang sức, do vì trẻ con (phàm phu) vô trí chỉ thấy xấu đẹp trên mẫu mã mà quên đi tính chất quí của vàng, rồi từ đó sanh ra chọn lựa, giả thật chẳng rõ, phát khởi đối lập trên nhị nguyên tương đãi. Song, đối với người lớn (Phật, Bồ Tát) thì sáng suốt rõ biết những đồ trang sức đó dù đẹp hay xấu cũng chẳng ngoài vàng mà có, thành thử không chấp nê trên mẫu mã. Cho nên hãy ngay nơi vọng mà thể nhận chân. Nhưng khi đã rõ được thật tướng toàn chân thì chẳng còn thấy có chân, có vọng, vì vốn không một vật. Nếu còn thấy có chân thì chẳng phải thật chân vậy. Bởi vì nếu còn thấy thật có chân thì vẫn là vọng, vì chân hay vọng gì cũng là huyễn tướng chẳng phải thật tướng. Muôn pháp đều nằm trong nhị nguyên tương đãi là hư vọng huyễn ảo. Nếu thấy đây là chân kia là vọng tức chẳng thoát khỏi pháp chấp thì vẫn chưa đến cứu cánh rốt ráo. Tóm lại, nếu theo tục đế thì thấy có, thấy không, thấy chân, thấy vọng; nhưng theo chân đế thì chân hay vọng cũng không thể nói có, nói không được. Thấy có chân có vọng là đối với người mê chớ không phải đối với người giác, chẳng khác nào như hoa đốm trong hư không chỉ có đối với người bệnh mắt, chớ nó không có đối với người mắt sáng. Thành thử chân, vọng chẳng qua là hai trạng thái của nhất tâm mà thôi. Từ đây ta có thể suy ra sắc và không, mê và ngộ v.v... cũng thế.

(Theo sách Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật).

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Trái tim bất tử - Kỳ 1: Đêm trước tự thiêu

Tư liệu 08:16 27/04/2024

Hơn nửa thế kỷ trước, ngày 11-6-1963 (20-4-Quý Mão), ngọn lửa vị pháp thiêu thân của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã bùng lên. Ngọn lửa thiêng đó còn soi đường chính nghĩa cho những ai yêu chuộng công lý và hòa bình.

Chuyện kể về thần chú

Tư liệu 07:04 26/04/2024

Chuyện kể răng thuở xưa có một bà lão nghèo sống đơn độc trên một đỉnh núi ở Tây Tạng suốt ngày, ngồi dùng cơm ra, bà lão luôn lẩm nhẩm câu thần chú Lục tự đại minh của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Quỷ thần cây tì bà cũng vãng sanh

Tư liệu 16:00 25/04/2024

Muốn xây nhà mới thì cần phải đốn bỏ cây tì bà cổ thụ, nếu không xe không vào được, có bốn cây cổ thụ cần phải đốn bỏ. Chúng tôi y theo qui luật, trước đó ba ngày thì đọc Kinh, niệm Chú, cúng dường, đề nghị họ dọn đi.

Thiện thần bảo vệ người giữ giới

Tư liệu 14:30 24/04/2024

Ngày xửa ngày xưa, ở một nước kia, nhà vua bắt buộc nhân dân phải giữ năm giới. Một người bạn ở nước khác về chơi, vô tình đem một chai rượu biểu Lam Xoa. Lam Xoa nể bạn, cùng nhau ăn uống. Tại vách mạch rừng đem chuyện đến vua. Lam Xoa bị trục xuất ra khỏi nước.

Xem thêm