Đọc kinh Nguyên thủy có khó không?

Sư Lâm Đà Rô (tỉnh Bình Phước), thành viên Ban Hướng dẫn Phật tử Nam tông Khmer Trung ương cho biết, kinh tạng gồm năm bộ: 1- Trường bộ kinh, 2- Trung bộ kinh, 3- Tương ưng bộ kinh, 4- Tăng chi bộ kinh, 5- Tiểu bộ kinh.

Lời Ban Biên tập

Kinh Phật là một tạng trong Tam tạng Thánh điển, gồm kinh - luật - luận. Trong loạt bài "Sự diệu dụng của kinh Phật", khởi đăng từ ngày 1/1/2025, Ban Biên tập mong muốn giúp quý bạn đọc hiểu rõ hơn về hệ thống kinh tạng Bắc truyền, Nam truyền, những công năng, diệu dụng khi tụng đọc, ứng dụng vào đời sống; sự mầu nhiệm của tâm kinh, tụng kinh Pali/ Nguyên thủy khó không; ấn tống kinh sách và giá trị...

Kính mời quý vị cùng theo dõi loạt bài này và có chia sẻ, góp ý, lan tỏa nếu thấy lợi lạc cho tự thân cũng như người hữu duyên.

Theo Sư Lâm Đà Rô, với đồng bào Khmer, Phật tử có bộ kinh tiếng của dân tộc mình. Cụ thể, mỗi quyển kinh đều có một phần tiếng Pali, một bên tiếng Khmer. Để có thể hiểu kinh, Phật tử học tiếng Khmer để đọc được kinh, ngoài kinh tụng hằng ngày thì còn các bộ kinh kể trên cũng cần được tìm hiểu để ứng dụng tu học.

Sư Lâm Đà Rô

"Trong đó, mỗi bộ kinh được chia thành nhiều tập, mỗi tập bao gồm nhiều thiên, nhiều chương, nhiều kinh với nội dung và độ dài ngắn khác nhau. Trường bộ kinh chia thành hai tập, gồm 34 kinh. Trung bộ kinh chia thành ba tập, gồm 152 kinh. Tương ưng bộ kinh chia thành năm thiên, gồm: 1-Thiên Có kệ, 2-Thiên Nhân duyên, 3-Thiên Uẩn, 4-Thiên Sáu xứ, 5-Thiên Đại phẩm. Tăng chi bộ kinh chia thành 11 chương, từ chương Một pháp đến chương Mười một pháp", vị sư thành viên Ban Hướng dẫn Phật tử Nam tông Khmer nói với Phatgiao.org.vn.

Đặc biệt, Tiểu bộ kinh là một hợp tuyển gồm 15 tập theo thứ tự như sau: 1- Kinh Tiểu tụng, 2- Kinh Pháp cú, 3- Kinh Phật tự thuyết, 4- Kinh Phật thuyết như vậy, 5- Kinh Tập, 6- Chuyện Thiên cung, 7- Chuyện Ngạ quỷ, 8- Trưởng lão Tăng kệ, 9- Trưởng lão Ni kệ, 10- Bổn sanh hay Chuyện tiền thân Đức Phật, 11- Nghĩa tích, 12- Vô ngại giải đạo, 13- Thánh nhân ký sự (Sự nghiệp anh hùng), 14- Phật sử, 15- Sở hạnh tạng.

Ngoài kinh, sư Lâm Đà Rô cho biết thêm, Luật tạng, Luận tạng với những giá trị mà Đức Phật để lại cũng cần được tìm hiểu, nghiên cứu, ứng dụng. Nhưng trước tiên phải học kiến thức, biết chữ, học từ thấp tới cao, từng bước.

Các chú tiểu học ngôn ngữ Khmer để dễ dàng đọc, tụng kinh Nguyên thủy

"Luật tạng gồm năm bộ: 1- Phân tích giới Tỳ-khưu, 2- Phân tích giới Tỳ-khưu-ni, 3- Đại phẩm, 4- Tiểu phẩm, 5- Tập yếu. Luận tạng (Thắng pháp, Vi diệu pháp, A-tỳ-đàm) gồm bảy bộ: 1- Pháp tụ, 2- Phân tích (Phân biệt), 3- Chất ngữ (Giới thuyết), 4- Nhân chế định (Nhân thị thuyết), 5- Ngữ tông (Biện giải), 6- Song đối (Song luận), 7- Vị trí (Phát thú). Nếu quý vị tu học Phật, việc tìm hiểu kinh - luật - luật là vấn đề sống còn, để biết rõ, tu đúng, có an lạc, giải thoát", sư Lâm Đà Rô nói.

Trong khi đó, Đại đức Minh Giải (chùa Huyền Không, TP.Huế) cho biết, muốn đọc kinh Nguyên thủy cần phải có kiến thức Phật học cơ bản. "Khi đã có kiến thức nền, người học Phật dễ dàng thâm nhập kinh tạng hơn. Bên Nguyên thủy hay có các bộ toát yếu giúp người học dễ theo dõi và hiểu ý nghĩa kinh", sư Minh Giải chia sẻ.

Sư Minh Giải cho biết thêm, kinh Nguyên thủy (Pāli Nikāya) là một phần cốt lõi trong Phật giáo Theravāda, được ghi chép bằng tiếng Pāli - một ngôn ngữ cổ không còn sử dụng trong đời sống hàng ngày. Do đó, đọc kinh Nguyên thủy có thể gặp nhiều khó khăn đối với người mới bắt đầu hoặc chưa quen thuộc với ngôn ngữ Pāli và bối cảnh lịch sử của các bài kinh.

Đại đức Thích Minh Giải

Trả lời câu hỏi, làm sao để đọc và hiểu kinh Pāli dễ dàng hơn, sư Minh Giải gợi ý, thứ nhất là bắt đầu với các bản dịch đáng tin cậy. Các bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu (tiếng Việt) hoặc Bhikkhu Bodhi (tiếng Anh) là những tài liệu tốt để khởi đầu.

"Tiếp đến, quý vị có thể học các khái niệm và thuật ngữ cơ bản; học tiếng Pāli cơ bản (nếu có điều kiện); tham khảo các chú giải (Aṭṭhakathā). Ngoài ra, còn cần thảo luận với những người có kinh nghiệm, tham gia các nhóm học kinh hoặc các khóa tu tập để cùng nhau trao đổi và giải đáp thắc mắc. Học hỏi từ các giảng sư, Tăng, Ni hoặc học giả Phật học có chuyên môn", sư Minh Giải nói.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, theo nhà sư trẻ có lượng theo dõi nhiều trên các nền tảng mạng xã hội do các hoạt động cộng đồng, chia sẻ Phật pháp, góc nhìn của sư chính áp dụng vào thực hành lời Phật dạy, từng trang kinh.

Về một vài lưu ý cho việc học, hiểu kinh Nam truyền từ nguồn Pali, sư Minh Giải nói cần đọc từ dễ đến khó - bắt đầu từ các bài kinh ngắn và dễ hiểu trong Tương Ưng Bộ Kinh (Saṃyutta Nikāya) hoặc Pháp Cú (Dhammapada), sau đó tiến dần đến các bài kinh phức tạp hơn. Bên cạnh đó, người học cần tự ghi chú và phân tích.

Một điều quan trọng nữa là tâm thế khi đọc kinh. "Đọc kinh không chỉ là để hiểu lý thuyết mà còn để thực hành. Do đó, giữ tâm trạng an tĩnh, tập trung và không vội vàng khi đọc", sư Minh Giải nói.

Những lần kết tập kinh điển

Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy được kết tập và được chép thành văn bản là cả một nỗ lực của các thế hệ tăng già trong suốt chiều dài lịch sử từ khoảng ba tháng sau khi đức Phật nhập Vô dư Niết-bàn cho đến khoảng thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch.

Lần kết tập thứ nhất còn được gọi là kỳ kết tập Rajagaha (Vương Xá) được tổ chức tại Vương Xá sau khi đức Phật nhập Niết-bàn khoảng ba tháng, với 500 vị A-la-hán tham dự, dưới sự bảo trợ của vua Ajatasattu xứ Magadha vào năm thứ tám ông trị vì. Kỳ kết tập này đã kết tập được hai tạng là tạng Luật (Vinaya Pitaka) bởi ngài Upali và tạng Kinh (Sutta Pitaka) bởi ngài Ananda.

Sau khi biên tập lại giáo Pháp và giáo Luật bằng truyền khẩu, những bậc trưởng lão đã xếp đặt một cách có hệ thống, sao cho một số lượng Tỳ-kheo ở gần nhau trong một địa phương (hay xứ sở) được giao trách nhiệm ghi nhớ (bằng trí nhớ) một số phần nào đó của giáo Pháp và giáo Luật bằng tiếng Magadhi và nếu kết hợp tất cả những phần được giao cho những nhóm trong một địa phương, thì tăng đoàn ở địa phương đó sẽ có khả năng cùng nhau đọc tụng lại tất cả giáo Pháp và giáo Luật.

Lần kết tập thứ hai diễn ra khoảng một thế kỷ sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, với 700 vị A-la-hán tham dự ở Vesali. Hội đồng đã làm việc liên tục tám tháng để tụng đọc, trùng tuyên tất cả giáo Pháp và giáo Luật để đảm bảo chắc chắn là những giáo lý đích thực của đức Phật được bảo tồn và truyền bá cho những thế hệ tương lai.

Hội đồng kết tập lần thứ hai còn được gọi tên là Yasatthera Sangiti có nghĩa là Hội đồng Tăng-già của Trưởng lão Yasa. Sau kỳ kết tập này hình thành hai bộ phái là Thượng Tọa bộ (Theravada) và Đại Chúng bộ (Mahasanghika), sau đó từ hai bộ phái chính này tiếp tục phân thành nhiều bộ phái khác. Đại hội này không nói rõ Tam Tạng Kinh điển được kết tập như thế nào. Lịch sử chủ yếu đề cập đến mười điều phi pháp là nguyên nhân dẫn đến sự kết tập lần này.

Kết tập lần thứ ba được tổ chức vào năm thứ 236 kể từ thời điểm đức Phật nhập Niết-bàn, dưới sự bảo trợ của hoàng đế Aśoka do ngài Moggaliputta Tissa chủ trì, diễn ra tại Pataliputra với một ngàn vị A-la-hán tham dự, kéo dài trong chín tháng. Lần kết tập này được tổ chức với mục đích thanh lọc và củng cố tăng đoàn, đồng thời biên soạn lại tất cả kinh điển chính thống. Trong kỳ kết tập này, Tam tạng Pāli hình thành một cách tương đối đầy đủ gồm có Kinh, Luật, Luận.

Sau khi đại hội kết thúc, vua Aśoka đã phái các đoàn truyền giáo đi các nơi để truyền bá giáo pháp của đức Phật trên khắp Ấn Độ cũng như mở rộng ra các nước lân bang. Trong số các đoàn truyền giáo đó có đoàn do vị A-la-hán Mahinda, vốn là con trai của vua Aśoka đã mang Tam Tạng này truyền đến đảo quốc Tích Lan (Sri Lanka).

Tam Tạng tuy đã được kết tập tương đối hoàn chỉnh nhưng hình thức để giữ gìn và hoằng truyền Tam Tạng này cũng chỉ là khẩu truyền và bằng trí nhớ siêu việt của các trưởng lão Thánh Tăng.

Hội đồng kết tập lần thứ tư là hội đồng kết tập của Phật giáo Nguyên thủy, mặc dù ở Ấn Độ lúc đó cũng diễn ra một cuộc kết tập khác dưới sự bảo trợ của vua Kanishka của xứ Kushan vào khoảng năm thứ 100 sau công nguyên cũng được cho là kết tập Kinh điển Phật giáo lần thứ tư. Sau khi hội nghị diễn ra, tất cả Kinh điển, cùng với những luận giải đã được khắc bằng chữ viết trên những chiếc lá bối và tất cả những mẫu chữ viết đó đều được kiểm tra lại một cách cẩn thận đến từng chi tiết và chắc chắn về tính chất xác thực, chính xác của chúng. Đó là quá trình mà ba tạng Kinh Pitakas đã được bảo tồn cho đến ngày nay.

Đến thế kỷ thứ năm sau công nguyên, có Trưởng lão Budhaghosa người Ấn Độ sang Tích Lan, trú tại đại tự (Mahāvira) theo Trưởng lão Tăng Già Ba La (Sanghapāla Thera) nghiên cứu thánh điển tàng trữ tại chùa ấy rồi đem dịch sang tiếng Pāli. Ông đã đem giáo nghĩa của Thượng Tọa bộ ra soạn thuật thành một hệ thống hoàn chỉnh. Trong đó có thể nói Thanh Tịnh Đạo luận là một tác phẩm toát yếu toàn bộ Tam Tạng Kinh điển và Luận sớ. Ngài đã dịch bốn bộ Kinh Nikaya từ tiếng Sinha của Tích Lan sang tiếng Pāli. Buddhaghosa đã hoàn tất công việc dịch Kinh trong vòng ba tháng. Ngài cũng đã soạn các bộ chú giải về Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi bộ Kinh. Đến lúc này thì Tam Tạng Pāli mới cực kỳ hoàn bị. Sau khi hoàn tất công việc dịch thuật, ngài đã báo cho vị thiền viện trưởng. Ngài Sangharāja hết lòng khen ngợi và đã nổi lửa đốt hết những cuốn sách Mahinda đã viết bằng tiếng Sinha. Từ đó cho đến nay Văn tạng Pāli đã được bảo tồn, lưu giữ, tiếp tục phát triển và truyền bá rộng đến nhiều quốc gia khác.

Thích nữ Thuần Hiếu
(học viên Cao học khóa II - Học viện PGVN tại Huế)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Đọc kinh Nguyên thủy có khó không?

Xiển dương Đạo pháp 16:56 06/01/2025

Sư Lâm Đà Rô (tỉnh Bình Phước), thành viên Ban Hướng dẫn Phật tử Nam tông Khmer Trung ương cho biết, kinh tạng gồm năm bộ: 1- Trường bộ kinh, 2- Trung bộ kinh, 3- Tương ưng bộ kinh, 4- Tăng chi bộ kinh, 5- Tiểu bộ kinh.

Nhiệm mầu từng câu Kinh

Xiển dương Đạo pháp 08:08 05/01/2025

Tụng Kinh là để tăng trưởng trí tuệ. Đạo Phật là đạo trí tuệ. Tụng kinh là lặp lại để mỗi ngày thấm sâu vào tâm trí mình, để mình mỗi ngày một sáng ra.

Thực giải các kinh điển phổ biến trong đời sống tu học của người Việt

Xiển dương Đạo pháp 09:30 04/01/2025

Đức Phật thường dạy, tin ta mà không hiểu ta tức là phỉ báng ta. Người Phật tử đi chùa lễ Phật, tụng kinh mà không hiểu nghĩa lý kinh để ứng dụng vào cuộc sống hoặc hiểu sai ý kinh sẽ gây ra những hậu quả phiền lụy không nhỏ.

Hiểu rõ hơn về kinh Đại thừa, kinh Nguyên thủy

Xiển dương Đạo pháp 09:25 03/01/2025

Từ chiếc nôi Ấn Độ, Phật giáo truyền xuống phương Nam thì gọi là Nam truyền, truyền lên phương Bắc thì gọi là Bắc truyền. Hiện, trên thế giới có hai truyền thống Phật giáo lớn, đó là Phật giáo Nam tông (Nam truyền) và Phật giáo Bắc tông (Bắc truyền).

Xem thêm