Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 25/12/2023, 08:49 AM

Thức ấm ma

Trong kinh Pháp hoa, Phật dạy rằng chân lý chỉ có một, nhưng phương tiện có nhiều vô số. Vì tùy theo nghiệp của từng người, từng loài, từng nơi, từng lúc khác nhau mà Phật nói các pháp tương ưng khác nhau.

Vì vậy, người học Phật thấy giáo lý Phật dạy mình trong các pháp phương tiện đó, pháp nào thích hợp thì sử dụng, nhằm mục tiêu duy nhất là được giải thoát; vì Phật nói pháp Phật chỉ có một vị giải thoát.

Người không biết, chấp pháp phương tiện, sẽ không hết phiền não, không được giải thoát, nghiệp chướng của mình lại tăng; kinh Pháp hoa gọi đó là uống lầm thuốc, thuốc trở thành độc. Uống đúng thuốc thì độc cũng trở thành tốt. Ngài Long Thọ nói thầy thuốc giỏi sẽ chuyển độc thành thuốc. Thí dụ nọc rắn hổ mang rất độc hại, nhưng có thể chế biến thành thuốc.

Tôi mong Tăng Ni, Phật tử chọn pháp thích hợp với mình để tu, không chấp chặt pháp mà tự ràng buộc mình. Thí dụ Phật thành đạo, giữa Phật và chư Phật mười phương thông nhau thành một thế giới là thế giới của tâm, thường gọi là Tịch Quang chơn cảnh, hay Thường Tịch Quang tịnh độ, hay Niết-bàn của chư Phật.

Nhìn con người, nhưng điều quan trọng mà người học Phật, thấy Phật là thấy con người bên trong tiềm ẩn trong hình tướng bên ngoài.

Nhìn con người, nhưng điều quan trọng mà người học Phật, thấy Phật là thấy con người bên trong tiềm ẩn trong hình tướng bên ngoài.

Thế giới này không có ngăn cách, nhưng bức tường ngăn cách đầu tiên do thức sanh ra. Mà thức duyên khởi từ vô minh và vô minh sanh hành. Vì vậy, nếu chúng ta dẹp bỏ được vô minh và hành uẩn, duyên khởi trong sinh tử được cắt đứt. Điểm quan trọng ở cốt lõi này, nhưng tất cả mọi người không thể đi vào con đường này được; cho nên lúc đó, Phật muốn vào Niết-bàn.

Tuy nhiên, vì thế giới Phật thông thành một cõi, nên mười phương Phật hiện ra và Trời Đại Phạm thỉnh Phật thuyết pháp. Trong thời gian này, chúng ta nói là 21 ngày Phật ngồi thiền dưới cội bồ-đề. Bên ngoài thấy Phật ngồi lặng yên, không nói, đó là cái thấy của người kẹt thức, nói rộng ra là kẹt ngũ uẩn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Vì kẹt ngũ uẩn, mọi người không thông được thế giới Phật, tức không thấy thế giới Phật, tất nhiên không tham dự được, nên không biết. Vì vậy, nói rằng Phật thuyết pháp trong Thiền định và đỉnh cao của Phật giáo là Thiền, nhưng phải hiểu rằng từ định mới có Thiền. Định là tập trung và Thiền là quán chiếu, thấy thật tướng các pháp, gọi là đắc đạo. Nội dung mà Phật muốn dạy là điểm này và cốt lõi Pháp hoa cũng nhằm chỉ điều này. Nhưng mọi người không nắm bắt được nội dung đó, vì tất cả các loài đều kẹt ngũ uẩn, kể cả chư Thiên cũng còn kẹt ngũ uẩn, nhưng họ khác với loài người chúng ta là họ có thân ngũ uẩn vi tế mà chúng ta không thấy bằng mắt được.

Chư Thiên còn kẹt vào thân ngũ uẩn của chư Thiên, cho đến chư Thiên ở Ngũ Tịnh Cư thiên tận cùng Sắc giới cũng kẹt ngũ uẩn. Và qua đến cõi Trời Tứ Không thiên, tuy không kẹt sắc, nhưng còn kẹt thức uẩn.

Khi tìm đạo, Thái tử Sĩ Đạt Ta học với ông Kamala. Ông này đã chứng được cảnh giới Tứ thiền thiên và chỉ cho thái tử con đường tu để đi đến cảnh giới này.

Thái tử Sĩ Đạt Ta tu rất nhanh, vì kinh Pháp hoa nói rằng Ngài là Phật hiện lại. Trong phẩm Như Lai thọ lượng, thứ 16, Đức Phật cũng khẳng định điều này rằng trời, người, A-tu-la ở trong sáu đường sinh tử nghĩ Ta là Sĩ Đạt Ta xuất thân dòng họ Thích mới đi tu và ngồi dưới cội bồ-đề gần thành Già Da mà thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nhưng sự thật từ Ta thành Phật đến nay đã trải qua vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp. Nghĩa là Phật hiện thân lại, ví như ông trưởng giả giàu có nhất, nhưng vì muốn gần cùng tử, ông phải cởi đồ trang sức, mặc đồ thô rách chỉ cho thân tứ đại ngũ uẩn.

Cũng vậy, bề ngoài Đức Phật mang tướng phàm phu, nhưng bên trong Ngài là Phật, như phẩm Như Lai thọ lượng đã nói rõ. Tuy nhiên, dù là Phật hay Bồ-tát mang thân tứ đại cũng phải chịu sự chi phối của ngũ uẩn.

Tôi nhớ Hòa thượng Thanh Từ nói Bồ-tát còn mê khi cách ấm, tức Bồ-tát mang thân phàm phu vô cũng là phàm  phu. Muốn trở về vị trí Phật, Bồ-tát, A-la-hán của mình phải có quá trình tu, cởi bỏ những gì của phàm phu. Vì vậy, có người tu nhanh, người tu chậm.

 Người tu nhanh, vì đã có quá trình tu đời trước. Điển hình là Hòa thượng Thanh Từ trông thấy Hòa thượng Thiện Hoa ở Trà Ôn, liền khởi tâm buông bỏ tất cả để đi tu. Người có căn lành đời trước đã tu, nên đời này xuất gia, tiến nhanh và tiến xa hơn người; nếu căn lành đời trước không có thì đời này không được như vậy. Hòa thượng Thanh Từ là giảng sư, nhưng khác các giảng sư khác, nên tôi nói Ngài là Thiền sư sanh lại. Cốt lõi bên trong là Thiền sư, nên Ngài rất thích thiền.

Người tu bắt chước, cũng ngồi thiền, nhưng không đạt kết quả, hay chỉ mới phát tâm thôi. Kinh Pháp hoa gọi là kết duyên, thấy người thiền, tụng kinh, niệm Phật, mình cũng làm như vậy, nhưng mình chỉ bắt chước được hình dáng ngồi thôi, còn thế giới thiền mình không vô được. Trở thành Thiền sư đúng nghĩa, mấy ai làm được.

Người có căn tánh thông lợi, hay cao hơn, là Thiền sư tái sanh, hoặc Thánh Tăng hiện lại thì khác. Thí dụ Đức Phật mang thân Thái tử Sĩ Đạt Ta, cũng là thân người, nhưng Ngài có ngũ nhãn, lục thông, tức đạo lực vượt trội mà hàng phàm phu không thể có.

Trong khi tất cả mọi người thấy thái tử là hài nhi và chúc mừng vua Tịnh Phạn sanh được thái tử nối ngôi, nhưng Tiên A Tư Đà sụp lạy, khóc. Vì vậy, kinh Pháp hoa nói có người thấy Phật, người không thấy Phật. Vì Phật mang thân ngũ uẩn, nên mọi người nói Ngài là người bình thường như bao người khác. Chỉ có Tiên A Tư Đà biết Ngài là Phật hiện lại. Người ta mới hỏi ông có điềm gì xấu mà ông khóc. Ông nói mình có nỗi buồn vì đã 120 tuổi, nhưng Phật mới hiện ra đời. Và 30 năm sau, Ngài thuyết pháp, ông không còn trên cuộc đời, nên ông khóc, nhưng ông mừng cho vua đã sanh được quý tử.

Nhìn con người, nhưng điều quan trọng mà người học Phật, thấy Phật là thấy con người bên trong tiềm ẩn trong hình tướng bên ngoài. Phật dạy rằng cái chân thật có từ bên trong mà hiện ra bên ngoài, gọi là phi trung, phi ngoại.

Thực tế cho thấy người có căn tánh thanh tịnh sẽ hiện tướng giải thoát bên ngoài. Người giả tu thì không thể làm được. Lúc Hòa thượng Thanh Từ  là giảng sư, nhưng tôi thấy Ngài là Thiền sư, vì thấy cách nói, cách đi đứng của Ngài khác người thường, vì tánh bên trong, tâm bên trong thanh tịnh mới hiện được tướng bên ngoài giải thoát.

Chúng ta không thấy được Phật bên trong, đương nhiên chúng ta không thấy được mười phương Phật. Vì vậy, Thái tử Sĩ Đạt Ta tu thành Phật, mọi người thấy Ngài mới thành Phật, giáo hóa chúng sanh và chấp đó là Phật. Bấy giờ kinh Pháp hoa bảo rằng Đức Phật không phải diệt độ, nhưng Ngài hiện diệt độ, Đức Phật không phải Niết-bàn, nhưng Ngài hiện Niết-bàn; vì Phật không sanh diệt, nhưng hiện sanh thì có thân sanh phải có diệt. Trí Giả đại sư thể hiện cốt lõi này bằng tam cú nghĩa: “Vị liên cố hoa. Hoa khai liên hiện. Hoa lạc liên thành”.

Từ cốt lõi là Phật, nhưng Ngài hiện tướng phàm phu. Tuy nhiên, Phật có cấu trúc cơ thể rất đặc biệt, là Ngài có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, có sức khỏe kỳ diệu, sức thông minh tuyệt vời. Vì bên trong là Phật mới hiện được tướng phước lành bên ngoài toàn hảo, gọi là “Hoa khai liên hiện”.

Có Phật bên trong đã thành tựu quả vị Toàn giác từ vô lượng kiếp, nên hiện đời, Ngài ngồi Bồ Đề Đạo Tràng mới thành Phật được. Không có Phật bên trong, có ngồi cùng kiếp cũng không thành Phật, vì ngồi nghĩ đến ma chắc chắn phải thành ma.

“Hoa khai liên hiện”, nghĩa là nhờ ngồi Bồ Đề Đạo Tràng, tâm lắng yên, Phật hiện ra, hay thành Phật; nhưng sợ mọi người chấp vào Phật sanh diệt này, nên Phật vào Niết-bàn.

Tuy Phật Niết-bàn, nhưng người đắc đạo vẫn thấy Ngài không nhập diệt. Thật vậy, dù chúng ta cách Phật xa hàng ngàn năm, nhưng người có căn lành sâu dày như Trí Giả đại sư tụng kinh Pháp hoa, Ngài thâm nhập thế giới Thường Tịch Quang, thấy Phật vẫn đang hiện hữu, không nhập diệt.

Hiện thân trên cuộc đời hóa độ chúng sanh, Phật nói tất cả pháp môn hành trì nhằm đối trị với căn tánh, hành nghiệp vô cùng của chúng sanh trong sáu đường sinh tử. Chúng ta biết lấy pháp môn thích hợp với mình để thực tập sẽ gặt hái được kết quả tốt đẹp.

Riêng tôi thể nghiệm pháp Phật, tôi thực tập Thiền Tứ niệm xứ trước, vì khi Đức Phật chuyển pháp luân lần đầu, Ngài đã nói pháp này mà kinh Pháp hoa gọi là dọn quét phân nhơ. Thân và tâm chúng ta nhơ nhớp, nên phải dọn quét cho sạch, kinh diễn tả là gã cùng tử phải trải qua suốt 20 năm để dọn sạch phân nhơ.

Thiền Tứ niệm xứ là pháp căn bản mà Phật dạy năm anh em Kiều Trần Như và Kiều Trần Như là người đầu tiên chứng quả A-la-hán. Thiết nghĩ trên bước đường tu, phải chứng Ly sanh hỷ lạc, để chúng ta không lệ thuộc thân tứ đại, không lệ thuộc xã hội và thiên nhiên, gọi là quả Dự lưu. Hòa thượng Thanh Từ gọi đó là vào cửa chùa. Chùa này là tâm, tức vào cửa tâm, Thiền Tứ niệm xứ gọi là cửa Không.

Tôi diễn tả ý này là không buồn, không giận, không lo, không sợ. Trong cuộc sống, chúng ta thường kẹt vào bốn thứ này, cứ hết lo cái này đến lo cái khác, nhưng nghĩ nhiều, lo nhiều thì được gì. Tham thiền, chúng ta cắt sạch bốn thứ phiền toái này. Tôi có cảm giác bỏ được phần nào, công đức liền sanh ra. Nghiệp thân chúng ta thanh tịnh và nghiệp tâm chúng ta được giải thoát.

Đời sống người tu đơn giản, nhưng an lạc, do quét hết phiền não mà tham, sân, si là gốc của phiền não. Nhờ vậy, gặp việc đáng buồn, đáng giận, ta không buồn giận. Có người bạn nói rằng chết tới nơi mà không lo. Tôi nói lo sợ cũng chết, không lo cũng chết. Nhưng nghe lời Phật, không lo mà chết thì ta về với Phật. Còn không nghe Phật, lo thì ta tái sanh theo cái lo đó.

Hai lần tôi đã chứng kiến điều này. Năm 1963, ông Diệm sẵn sàng tấn công chùa, những người lo bỏ chùa chạy ra ngoài, rồi bị bắt cũng chết. Và năm 1975, người ta cũng nói chết tới nơi, nhưng tôi thấy những người lo thì chết trước. Nhờ không lo, ít bệnh và sống được.

Tôi rút kinh nghiệm này, đầu tiên, tôi tập tánh không lo. Có người nói rằng lãnh nhiều chức vụ, không lo sao được. Tôi nói không lo mới được. Vì nhờ Phật lo giùm tốt hơn, mình lo chẳng đi tới đâu.

Lo nhiều chết sớm, không biết về đâu. Tôi nhờ không lo, nên sống đến gần 80 tuổi, muốn chia sẻ với quý vị rằng chúng ta phải sống theo Phật dạy. Mình càng lo càng rối, càng lo càng tối, vì bị vô minh bao phủ chúng ta.

Chấm dứt buồn, giận, lo, sợ, tâm bắt đầu sáng ra. Theo Phật dạy là vào cửa thiền, chứng Ly sanh hỷ lạc. Không lo chuyện đời, cho đến không lo việc ăn uống, không lo chăm sóc thân tứ đại này, không lo chuyện thành hay  bại… tự nhiên tâm trí lắng yên là vào Thiền định rồi, dù không ngồi thiền.

Thầy Thông Lạc ngồi thiền một tuần. Tôi hỏi trong một tuần, thầy nhập định, có thấy Phật không. Ngồi thiền một tuần mà trống không thì nguy hiểm, vì tôi đã vào thế giới thiền theo kiểu này rồi.

Khi quý vị nhập định, thế giới hiện ra. Nếu chúng ta rơi vào biển thức thì chúng ta nghĩ gì, cái đó hiện ra trong thức. Ban đầu tôi thấy không có mình và cũng không có gì. Từ trống không này, không có gì, nhưng vì túc nghiệp mình còn, nên nghiệp hiện ra. Ngài Trí Giả gọi đó là tất cả chúng ma hiện ra, mà trong bốn ma, quan trọng nhất là ngũ ấm ma. Nói cách khác, chúng ta chấp lầm ma là ta, hay chúng ta thành ma. Vì ngũ ấm ma, nhưng ngũ ấm là ta, thân này là ta, suy nghĩ này là ta, xúc chạm là ta, vui buồn vinh nhục là ta…

Phật nhắc chúng ta ngũ ấm là ma. Vì vậy, nhận lầm ma là Phật, tu như vậy rất nguy hiểm. Có người nhập định, thấy tất cả trống không, quên mất có mình, nhưng bấy giờ thức ấm chúng ta còn, mà “thức” thuộc ma gọi là ma thức ấm. Ma này chứa đựng tất cả cái biết của ta và tích lũy hiểu biết của ta trong nhiều đời. Thí dụ tôi ngồi thiền, thấy chùa Tổng Trì ở Nhật, đây là thức ấm ma hiện ra, vì tôi từng tu ở đây, nên hình ảnh chùa này còn lưu giữ trong tiềm thức của tôi. Và từ A-lại-da-thức tôi hiện ra ngôi chùa Tổng Trì.

Từ nghiệp thức hiện ra chùa, hoặc hiện ra các Thánh Tăng, dù sao vẫn tốt hơn là nghiệp thức chứa nhiều chuyện vui buồn vinh nhục mà nó hiện ra. Thực tế có những vị cao tăng suốt đời tu, nhưng lúc sắp mất, túc nghiệp hiện ra.

Vì vậy, tôi rút kinh nghiệm này, lấy phương châm tu cho mình là không buồn giận, lo sợ. Vì nếu tu hành mà tích lũy nghiệp này, lúc chết, ma này hiện ra dẫn dắt thần thức chúng ta đi thì nguy hại vô cùng.

Tu hành, ngồi thiền, thấy chúng ta được rồi, coi chừng lạc vô thức ấm ma. Chúng ta ngồi thiền, quên ăn, quên đói, tưởng mình đắc thiền. Tôi hỏi Hòa thượng Thanh Từ, nhịn đói một tuần có đắc thiền không. Ngài nói đắc thiền, nhưng lọt vô thức ấm ma là thiền của ngoại đạo; nói cách khác, mình thiền mà kẹt vô thức ấm ma. Vì vào đó, tất cả hiện tượng đều do thức biến, mình nghĩ hết việc này đến việc khác. Vào đó, mình quên thân này, nhưng vào thiền mà còn thấy đau chân, phải biết còn cách xa thế giới thiền.

Trước nhất, nhập thiền, quên sắc thân. Quên thân một giờ là được hỷ lạc một giờ, tức phá được sắc uẩn là dễ phá nhất. Tôi ngồi thiền quên sắc thân, nhưng xả thiền đứng dậy không được. Chân không còn cảm giác, vì mình ráng chịu đau nhức đến mất cảm giác. Có người nói ngồi thêm một giờ nữa sẽ quên đau. Tôi làm vậy cũng quên đau, nhưng không đứng được.

Ngồi thiền lâu quên đau chân, nhưng đứng không té mới được; nếu té thì không nên ngồi lâu như vậy. Có người ngồi thiền một tuần, xả thiền vẫn đi được là tốt.

Thật vậy, khi sắc uẩn bắt đầu ngưng hoạt động, không tiếp xúc, không đụng chạm, sáu giác quan không sinh hoạt, thì không còn thọ uẩn. Quy Sơn cảnh sách diễn tả là “Tức ý vong duyên, bất dữ chư trần tác đối. Tâm không cảnh tịch, chỉ vị cửu trệ bất thông”. Nghĩa là căn và trần cách ly thì thọ uẩn không có, vì còn tiếp xúc mới còn thọ uẩn.

Thọ uẩn cắt, thì vô thiền, chúng ta không còn cảm giác, không biết, ai đụng vô thân chúng ta, chúng ta cũng không thấy đau. Tôi đã thực tập pháp này. Nhiều vị đốt hương trên thân, tôi hỏi nóng không. Họ trả lời nếu thấy nóng thì đừng đốt. Đó cũng là cách thực tập Thiền quán, đốt thân không còn cảm giác.

Người thể hiện được pháp này ở mức độ cao là cố Hòa thượng Quảng Đức. Ngài đốt cháy toàn thân mà vẫn ngồi an nhiên bất động trong lửa, chứng tỏ Ngài đã đắc thiền. Cảm nhận yếu lý này, tôi nói “Liễu ngộ Pháp hoa, chứng đạo Thiền”.

Hòa thượng Quảng Đức ngộ Pháp hoa khác với người tụng kinh văn Pháp hoa. Liễu ngộ Pháp hoa, chúng ta thấy Ngài không tụng kinh, nhưng Ngài cất chùa và giáo hóa từ miền Trung cho đến Campuchia, Lào. Đó là người thật tu, nếu nhìn bề ngoài mà phê phán Ngài không tu là phạm sai lầm lớn.

Hôm nay tôi có duyên thăm thiền viện, xin chia sẻ với quý Tăng Ni kinh nghiệm tu của tôi. Mong quý vị suy nghĩ và áp dụng cho được kết quả tốt. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Pháp tu soi gương

Kiến thức 15:52 05/11/2024

Pháp thoại này Thế Tôn dạy Tôn giả La-vân (La-hầu-la) quán chiếu về thân nghiệp giống như đang soi gương thấy rõ mặt mình dơ hay sạch. Nếu không soi gương, chúng ta sẽ không biết mặt mình như thế nào.

Ác nghiệp đã trót gieo, phải làm sao để ác báo không trổ ra?

Kiến thức 10:35 05/11/2024

Mỗi ngày chúng ta đều gieo trồng những nhân thiện, ác lẫn lộn. Những nhân này tuyệt đối không hề mất đi, nó được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta. Quá trình từ nhân đi đến quả đều cần phải có duyên. Vậy làm sao để tránh được duyên ác?

Đi về phía an lạc hạnh phúc

Kiến thức 09:20 05/11/2024

Kinh Trường bộ ghi: Đường này đến an lạc giải thoát Niết bàn, chấm dứt khổ đau; Đường kia đến ưu phiền não loạn khổ đau trong sinh tử luân hồi, các người muốn đi đường nào?

Muốn mau lành bệnh

Kiến thức 07:03 05/11/2024

Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.

Xem thêm