Thực hành hạnh Bồ tát dấn thân vào tuyến đầu chống dịch
Thế giới vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả vô cùng nặng nề từ Đại dịch Covid-19. Riêng tại Việt Nam, làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 (từ 27/4 đến nay) được đánh giá có ảnh hưởng nghiêm trọng hơn 3 đợt dịch trước.
Các nhà khoa học cho rằng: Sở dĩ dẫn tới tình hình như hiện nay là do biến thể virus mới có khả năng lây lan nhanh, mạnh và nguy hiểm hơn những biến chủng trước đó.
Sự khó khăn của Đại dịch Covid-19 đã tạo thành áp lực tới mọi tầng lớp Nhân dân tại Việt Nam. Nhất là hàng trăm chiến sĩ công an, quân đội, y bác sĩ, giáo viên, đoàn viên… đã không ngại khó, ngại khổ, luôn trong tư thế sẵn sàng đi vào tâm dịch. Bất kể ngày hay đêm, họ luôn luôn cơ động, nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ được phân công, san sẻ những vất vả cho nhau với chung một mục tiêu sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Sự thấu hiểu và yêu thương của Tu sĩ trẻ nơi tuyến đầu chống dịch
Thời gian qua, khi xảy ra các đợt dịch Covid-19, với sự cầu nguyện và việc làm thiết thực “hộ quốc an dân”, tại các địa phương, Tăng Ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước đã tích cực làm nhiều việc Phật sự hướng về vùng tâm dịch. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chia sẻ yêu thương, đóng góp nguồn lực cho “Quỹ phòng, chống dịch Covid-19”, mua sắm vật tư, thiết bị y tế ủng hộ các bệnh viện, kêu gọi Tình nguyện viên (TNV) Phật giáo xung phong vào tuyến đầu chống dịch.
Phật giáo đã có mặt tại Việt Nam hơn 20 thế kỷ, trong khoảng thời gian dài đó, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, chư Tăng cởi cà sa mặc chiến bào cùng đánh đuổi quân xâm lăng. Khi có thiên tai Tăng Ni, Phật tử khắp mọi miền tới những nơi bị ảnh hưởng để hỗ trợ người dân. Thời bình, Tăng Ni trao truyền giáo pháp của Đức Thế Tôn để người dân bớt khổ đau, cùng xây dựng Đất nước. Ngày nay dịch bệnh, Tăng lữ cởi cà sa, khoác áo blouse, cùng xông pha vào nơi tuyến đầu chống dịch. Điều đó được thể hiện thông qua việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát động phong trào “Cởi áo cà sa khoác áo blouse trắng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch. Đáp lại lời kêu gọi, đã có hàng trăm Tăng, Ni, Phật tử xung phong làm tình nguyện viên ra tuyến đầu chống dịch.Dù phải trải qua nhiều khó khăn vất vả, nhưng các TNV vẫn cố gắng nỗ lực để phụng sự tốt nhất có thể. Dẫu biết rằng nguy hiểm luôn rình rập vì phải đối mặt với sự lây nhiễm, nhưng tình yêu thương đối với các đồng nghiệp và bệnh nhân thì luôn hiện hữu. Đó là thực hành hạnh Bồ tát, cho đi sự yêu thương, đại từ, đại bi. Ở đâu có khổ đau, Bồ tát luôn xuất hiện ở đó, giúp mọi người vượt qua khó khăn. Vì vậy, trong ở văn hóa phương Đông, Bồ tát Quán Thế Âm được quan niệm là hình ảnh phụ nữ, được ví như người mẹ hiền luôn luôn lo lắng, yêu thương, giúp đỡ con cái của mình.
Chúng ta sẽ được gặp gỡ ba vị Tăng, Ni trẻ, những người đã, đang và sẽ ở tuyến đầu chống dịch để hiểu rõ hơn những việc làm giàu lòng Từ Bi ấy trên tuyến đầu chống dịch:Trước tiên là thầy Thích Tâm Quang, hiện đang là TNV tại Bệnh viện Ung Bướu, cơ sở 2 của Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM, Phường Tân Phú, TP. Thủ Đức. Thầy chia sẻ rằng: Trước đây đã được đào tạo trong ngành Y dược, nên khi thấy dịch bệnh đè nặng lên các y bác sĩ, thiếu nhân lực y tế nên đã phát tâm đăng ký tham gia làm TNV lên tuyến đầu chống dịch.
Trước khi trở thành một TNV, Thầy rất lo lắng bởi gửi đơn đăng ký đi nhiều nơi nhưng không có hồi âm. Với sự thành tâm, Thầy đã được gọi điện để chuẩn bị lên tuyến đầu chống dịch. Cảm giác khao khát được đi làm TNV để giúp đỡ người bệnh và đội ngũ y bác sĩ đã làm tan biến sự lo lắng với những điều quá mới lạ sẽ tới khi được tập huấn chuẩn bị thật kỹ các phương pháp an toàn trong quá trình tham gia tuyến đầu chống dịch và phải được tiêm vaccine trước ngày lên đường.
Bước chân vào Bệnh viện, mặc và đeo quanh người là những bộ đồ bảo hộ vô cùng chật chội và nóng nực, tuy nhiên Thầy không khước từ bất kỳ một công việc nào cả. Từ dọn rác, lau sàn nhà, thay bỉm, cho bệnh nhân ăn… Thầy đều hoàn thành với tấm lòng yêu thương. Khi các bác sĩ tại Bệnh viện nhận ra Thầy có chuyên môn trong lĩnh vực Y tế, đã chuyển Thầy tới Khoa Gây Mê Hồi Sức. Công việc ở đây của Thầy là gây mê cho những ca mổ. Thấy các bệnh nhân có chuyển biến xấu, Thầy đã rất lo lắng, buồn và thương cho bệnh nhân. Thầy động viên các bệnh nhân không được hoảng sợ, giữ tâm mạnh mẽ và kiên cường để vượt qua cơn bạo bệnh.Trong lúc làm việc, một bệnh nhân nam bị trật ven ở tay. Thầy tiến đến giường bệnh và lấy lại ven cho bệnh nhân đó. Bệnh nhân nam nói với Thầy: “Bác sĩ ơi hãy cứu tôi, đừng để tôi chết”. Thầy đã động viên rất nhiều cho bệnh nhân để bác ấy không hoảng sợ. Nhưng hai tiếng sau, bệnh nhân nam này có chuyển biến xấu. Các bác sĩ cấp cứu gấp cho bệnh nhân, đã tiêm hơn 100 mũi ADG mà không cứu được, bệnh nhân ấy đã mất. Sau đó có một đồng nghiệp nhờ Thầy rút ống thở ra khỏi bệnh nhân đã mất đó. Khi ấy Thầy bần thần và trầm ngâm, tiếc thương bệnh nhân và càng thấm thía hơn về sự vô thường mà Đức Phật dạy. Thi thể được bỏ vào bao tử thi, rồi Thầy lại tiếp tục đi lo cho các bệnh nhân khác.
Qua những ngày dài chăm sóc cho bệnh nhân, có nhiều bệnh nhân được khỏe mạnh trở lại. Đó là chất xúc tác, là món quà tinh thần cho đội ngũ y bác sĩ. Thành quả này làm giảm áp lực cho đội ngũ y bác sĩ khi nghe được lời cảm ơn, thấy được nụ cười của bệnh nhân xuất viện ra về.
Còn với Sc. Thích Nữ Nhuận Bình, hiện đang phục vụ tại tuyến đầu chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến Thu Dung số 12, Phường An Khánh, TP. Thủ Đức. Cô chia sẻ: “Trước đây có học các lớp đông y, làm việc ở phòng mạch nên có biết về y dược. Nhất là khi thấy sự vất vả của đội ngũ y bác sĩ và sự đau đớn của bệnh nhân. Chính vì lý do đó mà Cô đã xung phong lên tuyến đầu chống dịch”.
Cô nói những ngày đầu sợ lắm, đó là cảm giác lo lắng và bất an bởi ai cũng có thể bị nhiễm bệnh. Nhân viên y tế cũng có nhiều đồng nghiệp bị nhiễm bệnh dù đã được phòng bị và tiêm thuốc ngừa Covid-19. Ở trong Bệnh viện mới chứng kiến được sự vất vả của đội ngũ y bác sĩ, cảm thấy thương nhân viên và muốn giúp đỡ họ. Bởi họ cũng có gia đình, họ đã hy sinh tình cảm riêng tư rất lớn, nếu ai cũng sợ chiến trường thì bệnh nhân ai sẽ chữa trị đây? Còn đối với người bệnh, khi chưa làm TNV, Cô nghe tới F0 thì đã sợ rồi, nhìn thấy chốt canh cũng thấy sợ. Nhưng khi hiểu, dấn thân vào tuyến đầu rồi thì cô không còn sợ hãi nữa, và không hề có thái độ kỳ thị họ. Đã là bệnh nhân thì đều rất tội nghiệp, nên phải chăm sóc, động viên và dịu dàng từng phút giây với bệnh nhân. Lúc đầu khi mới tiếp xúc thì có thể xa lạ nhưng khi nhận được sự chăm sóc từ Sư cô, họ đã tâm sự và tâm lý cũng bớt sợ hãi. Khi khỏi bệnh, những bệnh nhân đã bày tỏ sự biết ơn đối với đội ngũ y bác sĩ. Họ nói nhớ bác sĩ, nhớ Sư cô nhưng không gặp lại ở Bệnh viện nữa. Mà sẽ gặp lại ở một nơi khác không có dịch bệnh.
Trong quá trình làm việc, có những bệnh nhân F0 không qua khỏi. Đọng lại trong ký ức là sự ám ảnh, và những nỗi buồn thương. Có khi buổi sáng họ còn vui vẻ, nhưng buổi chiều đã chuyển biến nặng và mất. Từ đó mới thấy rằng: Ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Cuộc đời đúng là chỉ gói gọn trong hơi thở.
Cô nhắn nhủ thêm: “Sống chánh niệm rất quan trọng, nếu không ý thức hiện tại thì sẽ nguy hiểm cho bản thân và xã hội. Ai cũng cần phải biết tự bảo về chính mình, ý thức của mỗi người là quan trọng nhất. Hãy thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Bảo vệ chính mình mới bảo về được gia đình và xã hội. Qua đó, lực lượng y tế tuyến đầu cũng sẽ giảm tải và nhẹ nhàng hơn”.
Khi có người khen ngợi Cô, Cô liền từ chối và nói: “Ở đâu cũng thực hành được hạnh Bồ tát, ở tiền tuyến hay hậu phương cũng thực hành được. Mọi Tăng Ni đang làm phụng sự đều đang thực hành hạnh Bồ tát. Trong cuộc chiến này, Tăng Ni dù phụng sự ở nơi đâu cũng đều là một chiến sĩ, đều có thể chống dịch, hậu phương vững chắc thì tiền tuyến mới vững vàng. Mỗi người làm tốt công việc của mình và giúp ích cho xã hội thì đều là Bồ tát”.
Người cuối cùng trong câu chuyện là Sc. Thích Nữ Hạnh Thảo. Cô vừa hoàn thành xong chương trình học cuối khóa tại Học viện Phật giáo Việt Nam – Tp. HCM, hay tin từ Hội đồng Điều hành phát động phong trào cho Tăng Ni sinh viên tình nguyện đi tuyến đầu chống dịch. Khi thấy những hình ảnh đội ngũ y bác sĩ, lực lượng dân quân, những TNV trẻ tuổi phải tạm xa gia đình, Sư cô cũng tạm xa rời người thân, tạm gác những kế hoạch cho tương lai để ngày đêm cùng bệnh nhân F0 gồng mình chống chọi nơi tuyến đầu.
Sư cô đã tự nhắc bản thân rằng: “Đăng kí nhanh để được phụng sự”, dù không có chuyên môn, nhưng chúng con muốn góp một phần nhỏ nhoi nào đó của mình chăm sóc cho bệnh nhân không may bị nhiễm để họ có thêm năng lượng vượt qua Đại dịch này. Thiết nghĩ khi bản thân còn đầy đủ sức khỏe là còn hạnh phúc hơn nhiều người, dẫu biết rằng: Sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách, nguy hiểm mà chúng con chưa từng trải qua. Chúng con hy vọng trong chuyến đi này những Tăng Ni, Phật tử TNV đều được trở về bình an.
Như vậy, sau khi hiểu rõ hơn về TNV Phật giáo đã, đang và sẽ lên tuyến đầu chống dịch, chúng ta mới thấu hiểu và cảm thương hơn nữa những gì mà Đất nước ta đang phải trải qua. Các TNV hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tại các Bệnh viện chính là đang thực hành các pháp tu, đem đức bi, trí, dũng đi vào cuộc đời, thiết thực động viên về mặt tinh thần cho các bệnh nhân và hỗ trợ, giúp đỡ giảm tải công việc cho các y bác sĩ. Ba vị Tăng Ni trên cùng với rất nhiều vị Tăng Ni, Phật tử khác vẫn đang ngày đêm không ngại hiểm nguy gian khổ để đẩy lùi dịch bệnh. Hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm vẫn đang được quý vị thực hành bằng cách dấn thân vào đời, thương yêu bệnh nhân và làm bệnh nhân bớt đau khổ. Chúng tôi xin dành sự tri ân đến tất cả đội ngũ đang tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 và tất cả TNV Phật giáo. Mong dịch bệnh sớm qua đi, mong quý vị luôn bình an và hạnh phúc!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm