Tiểu sử Ni trưởng Thích nữ Viên Minh
Ni trưởng thế danh Nguyễn Thị Khiêm Tốn, húy thượng Tâm hạ Huệ, tự Viên Minh, hiệu Trí Uyên, sinh năm Giáp Dần (1914) tại thôn Động Giả, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai, Hà Nội (tức tỉnh Hà Đông).
Sư trưởng Như Thanh và di sản bia tháp
Ni trưởng xuất thân trong gia đình quyền quý, ảnh hưởng Nho học và văn hóa Âu Tây. Thân phụ là Tham tá Lục Lộ Nguyễn Xuân Tuyển, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Nhạ, hai cụ sinh hạ được ba chị em, Ni trưởng là trưởng nữ. Do duyên cụ bà mất sớm, nên ba chị em Ni trưởng được sự bảo dưỡng của Di mẫu là cụ bà Công Tôn Nữ Thuyền Duyệt, pháp danh Trừng Thành (dòng dõi Hoàng phái, cháu nội cụ Tuy Lý Vương ở Vỹ Dạ, Huế). Sau này Ni trưởng có thêm năm người em nữa, gồm ba gái hai trai.
Nhờ túc duyên, từ nhỏ Ni trưởng đã có đạo tâm, càng lớn đạo tâm ấy càng hiển lộ rõ nét. Khi duyên lành đến nhờ đọc báo Viên Âm mới hiểu rõ các pháp hữu vi do duyên sinh nên chúng vô thường, biến đổi, vô ngã. Sau đó, lại được đọc kinh Lăng Nghiêm do Bác sĩ Lê Đình Thám dịch giải, tâm thức Ni trưởng bừng sáng, cảm thấy cửa giải thoát hé mở và từ đây Người nuôi chí xuất trần, tầm sư học đạo.
Năm 1937, nhân được Di mẫu dẫn vào Huế chữa bệnh, trú tại nhà bà ngoại; Ni trưởng ngỏ lời nhờ người bạn dẫn đến ngôi chùa nào trên núi xin xuất gia, nhưng bạn bảo chỉ biết chùa Từ Đàm. Thế là hôm sau, Người trốn mẹ và bà ngoại khăn gói lên chùa, đến nơi gặp cố Ni trưởng Diệu Không (hồi đó còn hình thức nữ cư sĩ) đang giảng về lý Nhân Duyên trong Cảnh Sách, Người vào dự thính rất chăm chú và thích thú. Sau đó, Người xin xuất gia với Sư cụ thượng Diệu hạ Hương trú trì Ni Viện Diệu Đức.
Khi hay tin Người xuất gia, Di mẫu của Ni trưởng đến chùa bắt ép phải về. Sau bao lần khuyên giải, thuyết phục không thành, gia đình đành bất lực trước sự kiên định của Ni trưởng nên thuận lòng để Người xuất gia.
Từ đó, Ni trưởng cảm nhận rằng, ngôi chùa chính là ngôi nhà thật sự đưa mình đi đến con đường giải thoát. Bước đầu tu tập tuy gặp nhiều chướng duyên nhưng Người đã vượt qua tất cả.
Hằng ngày, Ni trưởng tinh tấn tu hành, lo bồi công lập đức. Với đức tính ôn hòa nhã nhặn, biết kính trên nhường dưới, nên Ni trưởng luôn được mọi người trong chùa quý mến.
Hội đủ duyên lành, ngày 9 tháng 9 năm Đinh Sửu (1937) Ni trưởng được đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết, trú trì Tổ đình Tường Vân – Huế truyền thọ Sa Di Ni giới, Pháp tự Viên Minh, với sự hộ giới đông đủ của quý Thầy học Tăng Trung Học tại chùa.
Trong tinh thần cầu học, năm 1939 Ni trưởng xin phép Giáo Hội và Sư cụ Diệu Hương vào học lớp Gia giáo tại chùa Bà Ba Sàng và chùa Vạn An (Sa Đéc). Năm 1940, Ni trưởng trở về Ni viện Diệu Đức đảm trách chức tri sự. Cũng vào năm này, tuy còn Sa Di Ni nhưng Ni trưởng đã cùng cố Ni trưởng Thể Yến đảm nhiệm giảng dạy Quy Sơn Cảnh Sách và Di Đà Sớ Sao tại chùa Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội.
Mùa Thu năm 1944 (Giáp Thân) Ni trưởng thọ Tỳ Kheo Ni tại Đại giới đàn Thuyền Tôn do cố Hòa thượng Thích Giác Nhiên làm Đàn đầu, cố Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Yết ma. Năm 1947, Ni trưởng lên ở chùa Khải Ân – Châu Ê, Huế. Cũng trong năm đó, được sự chỉ dạy của cố Hòa thượng Già Lam, Ni trưởng cùng các pháp lữ đã mở cơ sở dệt vải để chăm lo đời sống cho Ni chúng bấy giờ.
Cố Ni trưởng Diệu Không vì đảm trách nhiều Phật sự, như trông coi nhà in Liên Hoa, giúp cố Sư cụ Diệu Hương và cố Ni trưởng Thể Yến chăm sóc học chúng Diệu Đức, đi thuyết giảng trong Nam ngoài Bắc… nên năm 1953 đã mời Ni trưởng đến Trú trì chùa Hồng Ân dìu dắt Ni chúng tu học.
Năm 1960 vâng lời cố Ni trưởng Diệu Không, Ni trưởng vào Phú Yên an cư và làm Phật sự tại Cô nhi viện Tuy Hòa.
Ni trưởng Tịnh Nguyện: Người đi gieo hạt Bồ Đề
Năm 1962 cố Hòa thượng Già Lam và quý Ni trưởng thành lập Ni viện Diệu Quang – Nha Trang để hoằng truyền Chánh pháp, đào tạo Ni tài. Năm 1963 Ni trưởng được mời vào làm Phó Giám viện Ni viện Diệu Quang để dẫn dắt Ni chúng, đồng thời làm Giám đốc Ký nhi viện Phước Điền – Nha Trang. Bước chân vào đường hóa đạo, Ni trưởng luôn là người xứng đáng với trọng trách mà quý Hòa thượng giao phó, xứng danh làm nơi quy ngưỡng cho nam nữ Phật tử các giới quy hướng.
Từ năm 1964 đến năm 2007, Ni trưởng lần lượt được cung thỉnh làm Giáo thọ, Yết ma A xà lê, Hòa thượng Đàn đầu ở các giới đàn được tổ chức tại Nha Trang, Phan Rang.
Năm 1972, Ni trưởng về thọ lễ tang Bổn sư – đức đệ nhất Tăng Thống Tường Vân, rồi lưu lại ở Huế làm Đặc ủy Xã hội và dạy Qui Sơn Cảnh Sách tại Ni viện Diệu Đức, Huế.
Sau ngày giải phóng, vì Ni viện Diệu Quang thiếu bậc niên cao lạp trưởng nên cố Hòa thượng Trí Nghiêm, cố Hòa thượng Đổng Minh mời Ni trưởng trở lại Nha Trang đảm nhận trọng trách Giám Viện Ni Viện Diệu Quang, tiếp tục sự nghiệp hoằng truyền chánh pháp và chăm lo đời sống tu hành cho Ni chúng tại đây.
Năm 1990 vâng lời cố Ni trưởng Diệu Không và quý Hòa thượng ở Huế, Ni trưởng trở về chùa Hồng Ân tiếp tục hành Như Lai sự, trùng tu Chánh Điện và các ngôi nhà khác đã xuống cấp. Mặc dầu niên hạt đã ngoài cửu thập nhưng hằng ngày Ni trưởng vẫn miệt mài thủ bất ly quyển, hễ buông sách thì Người lại niệm Phật miên mật.
Năm 1993, Ni trưởng được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu giới đàn phương trượng Diệu Đức; năm 2005 làm Hòa thượng Yết ma A-xà-lê giới đàn Giác Nhiên – Thuyền Tôn, năm 2010 làm Hòa thượng Đàn đầu giới đàn Minh Hoằng -Từ Đàm.
Đối với chư Tăng, Ni trưởng luôn một lòng cung kính, thường giữ Bát Kỉnh Pháp nghiêm cẩn. Với Ni chúng, Ni trưởng luôn khuyến khích, động viên, sách tấn chư Ni thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, vững bước trên con đường tu tập xứng đáng là con gái của dòng họ Thích. Với Phật tử thì Ni trưởng rất từ ái, bao dung và độ lượng.
Đức trí sáng ngời của Ni trưởng đã thôi thúc hàng đệ tử xuất gia quyết định tổ chức Lễ Bách Tuế vào ngày 13/03/ năm Quý Tỵ để tỏ lòng Tri ân và Tôn ngưỡng của Đại chúng đối với Ni trưởng. Chính trong dịp này, đã cho ra đời ấn phẩm “Cội Tùng Tỏa Bóng” để dâng lên Chư Tôn Thiền Đức Tăng-Ni cũng như các thiện nam tín nữ Phật tử khắp mọi miền đất nước. Tác phẩm này đã lưu bút tích những bài thơ được Ni trưởng cảm tác từ quá trình tu thân hành đạo của Ni trưởng trong suốt một thế kỷ tròn.
Mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng thần trí Ni trưởng rất minh mẫn, trước khi bệnh nặng vài tháng Ni trưởng vẫn còn ngồi đọc sách, đến đầu tháng giêng năm Giáp Ngọ sức khỏe yếu dần nhưng lúc nào trên môi Ni trưởng cũng nở nụ cười hoan hỷ, không quên tên bất cứ một người nào nên ai đến hầu thăm, diện kiến Ni trưởng cũng cảm thấy lòng mình ấm cúng.
Tiểu sử Ni Trưởng Tràng Liên – Đệ tứ Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam
Như trái cây đã chín muồi và cuộc hành trình đã đến đích, Ni trưởng như đã “Dự Tri Thời Chí”, Người biết trước mình sẽ quy Tây nên dặn dò chúng đệ tử Xuất gia cũng như tại gia tất cả những Phật sự cần yếu.
Vào lúc 5giờ 40 phút, rạng sáng ngày 30 tháng 6 năm Giáp Ngọ, Ni trưởng đã an nhiên thâu thần thị tịch. Trú thế 101 tuổi đời với 70 Hạ lạp.
Hôm nay, dẫu Ni trưởng duyên trần đã mãn nhưng tâm hạnh và sự nghiệp tu tập của Người mãi là kho tàng vô giá, là ngọn Hải đăng cho Ni chúng Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung đồng tôn ngưỡng hướng về.
Nam Mô Lâm Tế Tứ Thập Tam Thế Tường Vân Pháp Phái, Hồng Ân Ni Tự Trú Trì, Diệu Quang Ni Viện Viện Chủ húy thượng Tâm hạ Huệ, tự Viên Minh, hiệu Trí Uyên Đại Lão Hòa Thượng Ni Giác Linh thùy từ chứng giám.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hòa thượng Thích Thanh Từ: Người phục hưng thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thế kỷ 20 - 21 1
Chân dung từ bi 09:00 01/12/2024Thiền sư Thích Thanh Từ là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhà hoằng pháp lớn, dịch giả và tác gia nổi tiếng về Phật học, người có công dịch giải nhiều nhất về thiền tông, người phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp nổi bật cho Phật giáo của Lương Võ Đế
Chân dung từ bi 17:42 29/11/2024Tài liệu tu học Huynh trưởng Bậc Trì,do Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ biên soạn.
Đại Trưởng lão Hộ Tông (1893 -1981) - Sơ tổ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam
Chân dung từ bi 09:30 26/11/2024Trước khi thị tịch, Ngài rất trầm tĩnh sáng suốt, giảng giải cặn kẽ về thiền an-ban sổ tức cho hàng đệ tử, và nhắc lại lời Đức Phật: “An trú hơi thở là an trú của các bậc Thánh”, rồi Ngài trút hơi thở cuối cùng với một nụ cười điểm trên nét mặt bình an tươi tỉnh.
Chuyện về ngài Sivali, vị Thánh tăng có tài lộc đệ nhất
Chân dung từ bi 09:00 24/11/2024Đại Phật sử liệt kê bốn mươi vị Thánh đệ tử ở bên cánh tả của Đức Phật Thích-ca do ngài Mục-kiền-liên đứng đầu và bốn mươi vị Thánh đệ tử bên cánh hữu do ngài Xá-lợi-phất đứng đầu, trong đó có ngài Sivali.
Xem thêm