Tinh xá, tu viện được hình thành từ khi nào?
Tăng-già, từ cuộc sống lang thang, từ trú xứ là một gốc cây, một tảng đá, một hang động tiến đến một túp lều, một căn nhà đến một tinh xá, một tu viện; tức là quá trình tiến đến cuộc sống định cư. Đây là một hình thức sinh hoạt đặc biệt của Tăng-già Phật giáo so với các Giáo đoàn khác đương thời.
Do lòng từ bi, đức Phật thay vì hưởng hạnh phúc Niết-bàn vô dư ngay sau khi chứng đạo, Ngài đã trở lại với thế gian, gửi bức thông điệp cứu khổ đến loài người. Ngài là vị Mâu-ni (Muni: tịch tĩnh), đã trở thành vị Đạo sư để dạy con người tiêu diệt vô minh. Ngài dạy Giáo đoàn của Ngài là Tăng-già Tỳ kheo của bốn phương (Catùdìsa Bikkhusangha), Ngài luôn căn dặn hàng đệ tử phải "vì lợi ích và hạnh phúc của số đông".
Từ đó, Phật giáo nhập thế. Tăng-già mang ý nghĩa cộng đồng tập thể, xã hội. Tổ chức, sinh hoạt Tăng-già đã mau chóng thoát ra khỏi ý nghĩa từ bỏ cuộc đời, sống lang thang, cô độc của các giáo phái đương thời để khoác lấy một hình thức khác, phù hợp với sứ mạng giải thoát cho cuộc đời.
Bây giờ, ta xét đến hình thức sinh hoạt của Tăng-già, từ cuộc sống lang thang, từ trú xứ là một gốc cây, một tảng đá, một hang động tiến đến một túp lều, một căn nhà đến một tinh xá, một tu viện; tức là quá trình tiến đến cuộc sống định cư. Đây là một hình thức sinh hoạt đặc biệt của Tăng-già Phật giáo so với các Giáo đoàn khác đương thời.
* * *
Phần trên đây của cuốn sách đã nói đến cuộc sống lang thang với hạnh khất thực, một sinh hoạt chung của các đoàn Sa-môn của tất cả các giáo phái thời bấy giờ. Hiển nhiên ta phải nhận định rằng việc khất thực của Sa-môn không phải là việc đi từng nhà, gặp từng người để xin miếng cơm bố thí do lòng thương hại đối với kẻ nghèo hèn bệnh tật, không bà con thân thích; lại càng không phải là một mưu sanh do lười biếng, bất tài không đủ sức lao động hiệu quả để nuôi sống mình.
Trái lại, khất thực ở đây là nhằm thực hiện một công hạnh có ý nghĩa đạo đức cao vời. Đấy là việc chấp nhận một cuộc sống nghèo nàn, không tư hữu, không ham muốn vật chất, khất thực là tạo điều kiện cho người khác thể hiện từ tâm, xả bỏ bớt tư hữu của mình để bố thí, chia xẻ vật chất cho kẻ khác, đó là chưa kể để thỏa mãn một tâm lý thiện hiền, tích cực, là tạo phương tiện cho người khất thực thực hiện mục đích cao đẹp của người ấy, tỏ sự đồng tình đối với những ai đang truy tìm, thực hiện chân lý.
Thời tiết ở Ấn Độ không cho phép các Sa-môn đi khất thực quanh năm. Mùa mưa thường bắt đầu giữa tháng sáu dương lịch và kéo dài suốt ba tháng. Cả bầu trời mù mịt, mưa đổ ào ạt, nước ngập cả đường sá, nước dâng lên cao, sông hồ trở nên rộng lớn. Rắn rết côn trùng bò lúc nhúc trên đường đi, bên lề đường, gốc cây, hiên nhà, hè phố... Việc trồng trọt, buôn bán cũng bị ngưng trệ.
Nói chung, mọi sinh hoạt bình thường đều bị trở ngại, chậm đi hoặc phải ngưng hẳn để chờ cho hết mùa mưa. Do đó, các tu sĩ lang thang khất thực cũng tạm ngưng việc đi lại để ẩn trú nơi nào đó. Việc ẩn trú chờ cho hết mùa mưa này, Bà-la-môn giáo gọi là Dhruvasìla, Kỳ-na giáo gọi là Pajjusama, và Phật giáo gọi là Vassa. Như thế, việc an cư mùa mưa đã là một thông lệ chung cho các giáo đoàn.
Nhưng Bà-la-môn giáo và Kỳ-na giáo không nói đến việc "cùng sống với nhau" trong suốt mùa mưa. Các kinh sách Bà-la-môn chỉ bảo là "sống ở một nơi" (Ekatra), hay "chỗ ở đã định" (Dhruvasìla). Kỳ-na giáo thì cho phép vị thầy (Acàryopadhijàna) sống chung với nhau. Trong những ngày khỏi sự thành lập Tăng - già cho đến khi như Kinh ghi là gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo, trước lần an cư mùa mưa đầu tiên ở Trúc Lâm (Veluvana) của vua Bimbisàra, Giáo đoàn Phật giáo vẫn sống lang thang như các giáo đoàn khác.
Các Tỳ-kheo đa số là các vị A-la-hán, vẫn sống riêng lẻ hoặc theo từng nhóm nhỏ trong rừng, trong động đá, trong các túp lều, đấy là các vị lâm cư (Arannakas).
Đến khi giáo đoàn trở nên đông hơn, một số giới luật phôi thai với hình thức "nên làm", "không nên làm..." thì thỉnh thoảng các Tỳ-kheo từ các nơi đến tụ tập quanh đức Phật để nghe Ngài giảng dạy và tuyên đọc giới luật. Và khi giáo đoàn đã quá đông thì sự tụ họp tại một nơi trở thành bất tiện vì đường sá xa xôi, vì chỗ họp không đủ sức chứa... nên đức Phật cho phép các Tỳ-kheo tùy theo từng vùng, tụ tập với nhau theo từng nhóm, có cương kỷ, lề luật để tụng đọc giới luật, học hỏi nhau... nhất là từ khi đức Phật ấn định mùa an cư là bắt buộc - do việc có nhiều Tỳ-kheo vẫn đi vào làng xóm, phố phường khất thực trong mùa mưa khi các đoàn tu sĩ của các giáo phái đều ẩn cư, gây dư luận không hay trong quần chúng - thì ý thức sống chung của các Tỳ-kheo đã trở nên mạnh mẽ, thể hiện rõ rệt trong mùa an cư.
Để chuẩn bị an cư, các Tỳ-kheo phải tự tay xây dựng lều làm trú xứ. Một tập hợp các lều ở gần nhau, có thể có phòng rộng để hội họp, có phòng xá hay lều riêng trong một khu đất. Tất cả được xây dựng bằng các vật liệu nhẹ, dễ kiếm như gỗ, tre, bùn, đất, lá... Các căn lều riêng có thể ghép lại với nhauthành từng dãy phòng, lại có thể dựng cao lên thành gác một hay hai tầng, loại trú xứ như vừa trình bày được gọi là Âvasa, ở vùng quê, trong rừng.
Một loại trú xứ gọi là Âràma là các cơ sở được thiết lập tại thành thị, rộng lớn, khang trang, tiện nghi, thường tọa lạc trong một vườn cây rộng, đẹp đẽ, do các cư sĩ trưởng giả dâng cúng trong một thời hạn hay vĩnh viễn. Các tinh xá lớn, nổi danh như Veluvana (Trúc Lâm), Jetavana (Kỳ Viên hoặc Thắng Lâm)... đều là những Âràma vậy.
Các Âvasa (trú xứ ở nông thôn) hay Âràma (trú xứ ở thành thị) đều là những trú xứ chưa có tính cách định cư mà chỉ là những trú xứ trong mùa mưa. Nhưng càng về sau, các trú xứ mùa mưa càng nhiều theo với số lượng Tỳ-kheo và được xây dựng chắc chắn, tiện nghi hơn. Các Tỳ-kheo sau ba tháng an cư, từ giã trú xứ để rồi năm sau lại trở về chỗ cũ an cư, nơi quý vị thấy thuận tiện, có bằng hữu thích hợp...
Mỗi Âvasa hay Âràma là một khu vực có phạm vi nhất định, được ấn định bởi các đường ranh gọi là cương giới (Sìmà). Theo quy định, khu vực của một trú xứ được tính theo hình vuông. Ta phân biệt hai loại ranh giới (cương giới): cương giới tự nhiên và cương giới ấn định.
Cương giới tự nhiên lấy mốc trong thiên nhiên như con sông, gốc cây lớn, tảng đá... rộng mỗi bề 1 km nếu khu vực ấy có nhà cửa dân chúng; hoặc rộng hơn, khoảng gần hai km nếu ở trong rừng; hoặc rút lại chưa tới một trăm mét nếu thuộc vùng nguy hiểm (như thú dữ).
Cương giới ấn định là cương giới hình thành qua thủ tục họp Tăng-già. Nếu trú xứ rộng rãi, gồm đủ giảng đường, phòng ốc... thì cương giới gồm hai lớp; vòng ngoài gọi là đại giới, mỗi bề gần hai mươi km, kể cả nhà cửa dân chúng (về trú xứ của Tỳ-kheo ni, đại giới chỉ khoảng hai km mỗi bề). Vòng trong bao gồm hội trường, phạm vi không nhất định tùy theo cơ sở rộng hay hẹp, nhưng đủ rộng để họp tối thiểu hai mươi mốt người ngồi dang hai cánh tay ra mà không đụng người ở hai bên.
Các trú xứ để an cư có thể lớn nhỏ khác nhau tùy theo các nhóm Tỳ-kheo chung sống (Âvàsika). Muốn trở thành một bộ phận Tăng-già có sinh hoạt, có quyền lợi, có kỷ cương... thì túc số tối thiểu là phải gồm bốn vị Tỳ-kheo và không hạn định tối đa, số lượng Tỳ-kheo có thể lên tới vài ngàn vị.
Các Tỳ-kheo sinh hoạt theo từng trứ xứ, riêng lẻ, tự quyết định như người ta thường gọi là Tăng-già Vương Xá, Tăng-già Phệ-xá-ly, Tăng-già Xá-vệ... Sở dĩ có nhiều đơn vị to, nhỏ, riêng lẻ như vậy là do số lượng Tỳ-kheo đã quá đông, lại có các vị Chiêu đề Tăng, đi các nơi để truyền bá giáo lý, phát triển Tăng-già ở vùng nào đi nữa, vẫn là Tăng-già của bốn phương, có tính cách nhất thống. Một Tỳ-kheo có thể từ đơn vị này sang đơn vị khác sinh hoạt, tụ tập và trên nguyên tắc, đơn vị mới phải lo sắp xếp, tạo điều kiện tốt cho Tỳ-kheo mới đến. Đây là sự việc rất thường xảy ra trong Giáo đoàn Phật giáo.
Ban đầu, một trú xứ chỉ cần trang bị những tiện nghi tối thiểu như chỗ ngồi, chỗ nằm, mái, vách... Do chủ trương bần hàn, sống khất thực nên trú xứ không có phòng chứa đồ đạc, không có bếp núc... Về sau, số lượng Tỳ-kheo đông hơn, có nhiều vị bị bệnh, cần có cư sĩ để nấu nướng, vật dụng cúng dường của các cư sĩ càng nhiều hơn nên phải có nơi để chứa đồ đạc. Cuộc sống ở mỗi trú xứ tương đối có tiện nghi hơn trước.
Các Âvasa (trú xứ ở vùng hẻo lánh), do tính chất không bền vững vì được dựng lên bằng vật liệu nhẹ, do các bàn tay không chuyên nghiệp (là các Tỳ-kheo), dù đòi hỏi nhiều công sức xây dựng, vẫn hay bị hư hỏng hay bị lấy trộm vật liệu khi không có người ở. Để khỏi mất công xây dựng lại chỗ ở, các Tỳ-kheo thường trở lại chỗ cũ vào mùa mưa năm sau. Muốn được bảo quản tốt chỗ ở, các vị phải thay phiên nhau ở lại trông coi; và do sự thuận tiện, một số vị đã ở lại trú xứ lâu dài sau mùa an cư. Từ đó nếp sống định cư đã có chiều hướng hình thành.
Các Âràma (trú xứ thành thị) do các cư sĩ trưởng giả cúng dường như thường rộng rãi, tiện nghi, kể cả một số ngươì giúp việc thì việc tụ tập các Tỳ-kheo ở các nơi càng lúc càng nhiều. Số Tỳ-kheo mới đến trong một lúc không phải là ít nên cần phải có sự sắp xếp, chuẩn bị trước và phải có sự điều động nhân sự, vật dụng, tổ chức sinh hoạt cho mùa an cư. Do đó, một số Tỳ-kheo đặc trách công việc này, hẳn nhiên phải sống tại đây có tính định cư trước và sau mùa an cư và có thể kéo dài từ năm này sang năm khác.
Đến đây, sinh hoạt của giáo đoàn đã có thay đổi trên mặt hình thức. Việc định cư đã hình thành tuy hạnh khất thực vẫn luôn được tôn trọng. Các Âràma ở khắp nơi. Có thể nhìn sơ qua quang cảnh tinh xá Trúc Lâm (Vekuvana) ở Vương Xá do vua Bimbisàra cúng dường thì rõ: Vua đã xin phép đức Phật và được chấp thuận cho nhiều người giúp việc (Âràmika) và Giám thị (Âràmika-pesaka) đến trông coi, lo việc cho tinh xá. Số người này đông đến nổi họp thành được một xã gọi là "Pilinda-gàma".
Người ta ghi nhận được bấy giờ có đến hàng chục tinh xá tổ chức theo quy mô lớn để cúng dường cho giáo đoàn Phật giáo: Veluvanàràma (Trúc Lâm) ở gần Ràjagaha (Vương Xá); Pubhàràma ở phía Đông Vương Xá; Jìvakàrama ở Ràjagaha; Ambapàli-Vana ở Vesali (Tỳ-xá-ly); Markathrada (Hậu Trạch) ở gần Vesali; Udambari-Kàràma (Ưu-đàm-bà-ly) hay còn gọi là Paribbàja Kàràma ở trên sông Sappini, Kukkutàràma; Chositàràma; Badaritàràma, Pàvàrikàniavana; Ghosavati-àràma đều ở Kosambi (Kiều-thướng-di), Jetavanàràma (Kỳ-hoàn) ở Sàvatthi (Xá-vệ), Nigrodhàràma (Ni-câu-đà) ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), Isipatana (Lộc Uyển) ở Baranàsi (Ba-la-nại)...
Trong số các tinh xá trên, ba tinh xá nổi danh được các nhà khảo cổ ghi lại được dấu tích, sưu tập được tài liệu là: Jivakàràma, Jetavanàràma và Ghositàràma. Còn các tinh xá khác thì chỉ tìm thấy tên gọi, một số khác chỉ còn lại nền đất cũ, đôi chút vết tích kiến trúc. Sau đây là một số sơ phác về ba tinh xá thời danh nói trên, dựa theo tài liệu của Sukumar Dutt (Buddhist Monks and Monasteries of India - G. Allen and Unwin LTD. London, 1962).
Jìvàkàràma (Tinh xá Kỳ-bạt)
Vốn là một vườn xoài ở ngoại ô thành Ràjagaha (Vương xá) cách chân núi Gradhrakuta không xa (đức Phật thường lui tới núi này khi Ngài tới Vương Xá). Người cúng dâng tinh xá này là Jìvaka, một nhà y học, giải phẩu lừng danh thời đức Phật. Nhiều chuyện kể về Jìvaka bằng tiếng Pàli trong các Kinh Thượng Tọa Bộ (Theravada) và bằng tiếng Sanskrit (Phạn ngữ) thuộc Nhất Thế Hữu Bộ (Sarvastivada). Mahavagga VIII (thuộc Nguyên Thủy) kể rằng Jìvaka vốn là con của một nhà quý tộc thành Vương Xátên là Sàlavati, bị vứt bỏ trong thùng rác, được hoàng tử Abhaya lượm đem về nuôi (Jìkava có nghĩa là "kẻ còn sống", có lẽ khi đứa bé được lượm thùng rác, Abhaya đã thốt lên như thế).
Jikàva được gửi đi học về ngành y tại Takkasilà, trung tâm của các học nghệ đương thời. Thàng tài Jìvaka trở về Vương Xá, rất nổi danh về nghề y, rất giàu có. Ông từng đến săn sóc sức khỏe cho đức Phật và rất kính mộ Ngài, ông cũng dạy y cho một số Tỳ-kheo đệ tử đức Phật.
Tặng phẩm của ông cho Giáo đoàn là tinh xá lớn này, được xây cất trong một vườn xoài rộng (Kinh điển của Hữu Bộ thì thuật của Jìvaka là con tư thông của vợ một thương gia với vua Bimbisàra. Khi sinh Jìvaka, người mẹ đặt đứa bé trong một cái giỏ, cài kín rồi gửi đến cho vua, vua giao lại cho hoàng tử Abhaya, cũng là con tư thông của vua, nuôi...).
Các nhà khảo cổ đã đào bới và đã tìm thấy nền đất của tinh xá này. Đấy là một khu vực rộng, trong đó có hai dãy nhà lớn hình bầu dục cách nhau bằng một cái sân rộng. Phía trước lại còn một dãy nhà hình bầu dục lớn nữa. Ngoài ra còn có những dãy phòng lớn nhỏ ở phía trước và hai bên, xếp theo chiều dọc và chiều ngang. Trước và sau đều có sân rộng. Chung quanh có tường vây bọc. Bên ngoài, ở gần tường, mé trái có hầm chứa đồ gốm. Người ta còn tìm thấy ở đây một số đinh sắt, gạch nung, tượng hình thú vật, đồ gốm bằng đất thô. Các bức tường có lẽ được xây bằng gạch đá trộn với bùn, và mái có lẽ được lợp bằng tranh.
Jetavanàràma (Tinh xá Kỳ hoàn)
Tinh xá được ghép với tên Anàthapindika (Cấp Cô Độc) là tinh xá lớn nhất, nổi danh nhất. Chính nơi đây, đức Phật đã trải qua mười chín mùa an cư (có tài liệu bảo là hai mươi lăm mùa an cư).
Người dân cúng tinh xá này là Anàthapindika vị trưởng giả tài chủ (Setthì) thành Sàvatthi (Xá-vệ), ông đã từng đến Ràjagaha có việc, nhằm vào năm đầu Phật đang hoằng hóa tại đây. Ông đến nhà người anh vợ, thấy nơi đây tấp nập sửa soạn nhà cửa, lo tiệc tùng, hỏi ra thì được biết gia đình đang chuẩn bị trai phạn cúng dường đức Phật và chư Tỳ-kheo, đệ tử Ngài.
Suốt đêm ấy, ông trằn trọc không ngủ được; sáng hôm sau, ông dậy thật sớm, khi trời chưa sáng ông đã vội đi đến chổ đức Phật. Lần đầu tiên, ông chiêm ngưỡng Thế Tôn, vào lúc ấy Ngài đã thức dậy và đang đi dạo trong buổi ban mai lạnh lẽo. Ông đến gần đảnh lễ Ngài, tự giới thiệu và thỉnh cầu đức Phật cùng chư đệ tử hôm sau đến chổ ông để độ trai, đức Phật nhận lời. Hôm sau, trong buổi cúng dường ngọ trai, ông lại thỉnh cầu đức Phật và chư Tỳ-kheo đến Sàvatthi (Xá-vệ), nơi ông đang ở, để an cư mùa mưa năm sau. Lời thỉnh cầu cũng được chấp nhận.
Trên đường về Sàvatthi, gặp ai Anàthapindika cũng kêu lên: "Này các vị, hãy chuẩn bị tinh xá, tu viện, hãy sẵn sàng phẩm vật. Một vị Phật đã xuất hiện ở thế gian. Tôi đã thỉnh Ngài và Ngài sẽ về đây" (Culla Vagga VI, 4,8 - Tiểu Phẩm).
Tại Sàvatthi, ông cứ mải tìm kiếm một nơi thích hợp để làm trú xứ cho đức Phật và đoàn Tỳ-kheo và cuối cùng nhận thấy vườn cảnh của thái tử Jeta (Kỳ-đà) là lý tưởng nhất, ông liền hỏi mua.
Chủ nhân khu vườn vốn đã quá giàu, không cần tiền bạc nhưng cũng đùa chơi mà nêu ra một giá quá sức cao. Anàthapindika thuận ngay và lo chuẩn bị để đáp ứng điều kiện giá. Nhưng thái tửJeta lại đổi ý, không chịu bán khu vườn. Sự việc phải đưa ra trước pháp quan và Anàthapindika được xử thuận cho việc mua khu vườn.
Ông chở từng xe tiền vàng đến rải đầy mặt đất như điều kiện giao ước, chỉ những chỗ có cây là không rải được, ông liền đến hỏi xem ý định của chủ nhân thế nào vì giao ước không có nêu ra điểm này. Cảm phục vì tấm lòng thành của vị trưởng giả, thái tử bỏ qua chi tiết trên, hiến luôn các cây cối (do đó mà trong Kinh thường ghi ở đầu Kinh, phần Duyên Khởi các cuộc thuyết pháp của đức Phật là (tại vườn của Cấp Cô Độc, cây của thái tử Kỳ - đà (Cấp Cô Độc viên, Kỳ-đà thọ hoặc Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên). Sau đó trưởng giả cho xây cất một tinh xá đồ sộ, đầy đủ tiện nghi: đủ các loại phòng ốc, các giảng đường, bếp, nhà kho, nhà vệ sinh, chỗ đi dạo, giếng lộ thiên, giếng có nắp, bãi tắm, phòng tắm, hồ..., mỗi thứ đều xây thành nhiều cái,... (các chi tiết này đều có ghi trong Mahà Vagga III, 5,6).
Jetavana vẫn là tinh xá kéo dài suốt mấy trăm năm. Đến thế kỷ thứ V sau Tây lịch, khi Pháp Hiển từ Trung Hoa sang Ấn Độ đến chiêm bái Jetavana thì nơi này vẫn còn là một tinh xá nhỏ, hẳn là xây cất trên nền cũ và pháp sư cũng có tiếp chuyện vơí các vị sư tu ở đây. Hai trăm năm sau, pháp sư Huyền Trang lại đến Jetavana, bấy giờ tất cả đã tàn rụi, chỉ còn hai trụ đá, mỗi trụ cao hai mươi lăm mét do vua Asoka (A-dục, trị vì từ 264 - 227 trước Tây lịch) xây cất ở cổng phía Đông của tinh xá.
Cũng nên ghi nhận thêm là khi nhắc đến Jetavana, người ta không quên một trú xứ ở gần đó của một nữ thí chủ nổi danh, người hộ trì rất tận tụy của giáo đoàn Phật giáo là Migàramàtà (Lộc Mẫu). Khi lưu trú tại Sàvatthi, đức Phật ở tại Jetavana và cả ở đây nữa.
Ghositàràma (Tinh xá Cù-sư-la)
Tinh xá này ở tại Kosambi (Kiều-thướng-di) do trưởng giả Ghosita xây cất. Ghosita cùng hai bạn đồng sự nữa là Kukkuta và Pàvàriya đều rất mến mộ các vị Sa-môn. Một hôm nghe đức Phật cùng Giáo đoàncủa Ngài đến Sàvatthi, cả ba vị không ngại đường sá xa xôi, vượt lên phía Bắc, đến Kosala, vào Sàvatthi đến yết kiến đức Phật và nghe Pháp. Họ trở thành đệ tử của đức Phật và trở về, mỗi người đều xây cất một tinh xá lớn để cúng dường cdho giáo đoàn Phật giáo, thỉnh mời đức Phật và đoàn Tỳ-kheo đến Kosambi thuyết giảng.
Có lẽ tinh xá do Ghosita xây cất lớn nhất, vững bền nhất. Nơi đây đức Phật đã thuyết giảng nhiều phần kinh quan trọng. Tinh xá này cũng là trú xứ liên tục của chư Tỳ-kheo tới hơn một ngàn năm sau mới bị phá hủy do quân Hung tràn vào xâm chiếm Kosambi.
Năm 1955-1956, Viện Đại học Allahabad cử G. R Sharma đứng đầu một đoàn khảo cổ do Viện tổ chức đã khai quật ở Kosambi (nay là quận Allahabad) và tìm được vết tích của tinh xá này.
* * *
Như đã nói, các Âvasa và Âràma đều là những trú xứ có tính cách tập thể, dù có thể là tập hợp của một nhóm Tỳ-kheo thân tình, bằng hữu, nhưng vẫn mang tính chất của Tăng-già bốn phương. Việc một Tỳ-kheo ở Avàsa hay Âràma nay sang đơn vị của Tăng-già khác để sinh hoạt là điều thông thường tự nhiên. Điều ấy hẳn nhiên có gây trở ngại cho việc sắp xếp, tổ chức. lại nữa, một khi đã có sự đồng ýchung sống, tổ chức thành một đơn vị Tăng-già thì các thành viên gắn bó chặt chẽ với nhau trong sinh hoạt, tụ tập, hiểu biết nhau, học hỏi, hướng dẫn nhau, từ đó việc tu tiến có cơ thuận lợi hơn và khi tiến sang hình thức định cư thì việc thên Tỳ-kheo vào đơn vị Tăng-già khó khăn hơn. Đấy là cơ sở hình thành của các Lena, tức tu viện hay học viện.
Trước hết, Lena có nghĩa là chỗ ở riêng, tiếng Sanskrit gọi là Layana, biến từ của động từ Lì, nghĩa là trú ẩn. Về sau thực khó mà phân biệt đặc điểm nội dung của các từ Âvara, Âràma, Lena là một số từ thuộc loại Lena như Vihàra, Addhaya, Pàsàda, Hammiya, Guhà ... Tất cả đều dùng để chỉ cho chỗ trú ẩn, đầu tiên là một lều lụp xụp bằng gỗ, tre, lá trong rừng để tránh gió mưa, nóng lạnh, thú dữ... trong mùa an cư của một Tỳ-kheo. Vihàra được dùng để chỉ toàn bộ những túp lều ở gần nhau của các Tỳ-kheo, một nhóm Tỳ-kheo, ý nghĩa không khác với từ Âvasa đã được bàn tới. Vihàra trong thời đức Phậtcó lẽ không lớn như các Âràma, vì trong bộ Culla Vagga IV có kể đến việc một trưởng giả ở Ràjagaha cho xây dựng xong sáu mươi Vihàra chỉ trong một ngày.
Một số từ khác được dùng để chỉ Lena đồng nghĩa với Vihàra như đã nói. Addhaya, Pàsàda, Hammiya, Gùha... thường chỉ khác nhau đôi chút về cách kiến trúc: Pàsàda chỉ một kiến trúc lớn, có lầu; Hammiya cũng như Pàsàda nhưng tầng trên cùng là một phòng xây như tầng cuối cùng của một cái tháp; Guhà là một kiến trúc bằng đá tảng lớn hay đá ong... mô phỏng theo các hang động thiên nhiên. Hai hình thứcđể phân biệt là những Vihàra xây bằng gạch phần lớn nằm ở phía Bắc Ấn và những Gùha xây bằng đá tảng lớn, đá ong ở miền Nam Ấn về sau này. Cả hai loại đều là những tu viện, học viện lớn.
Có thể nói, những danh từ dùng để chỉ trú xứ của các Tỳ-kheo nói trên còn nhiều nữa và ý nghĩa của từng danh từ đã theo thời gian mà biến đổi đi rất nhiều. Người ta thường không mấy lưu tâm phân biệt từng loại trú xứ của giáo đoàn Phật giáo, vì dù loại trú xứ nào đi nữa thì sự sinh hoạt, học hành tu tập, hoằng pháp vẫn gồm đủ.
* * *
Sự phát triển trên mặt hình thức, biểu hiện bằng sự thành lập rất nhiều trú xứ, gồm nhiều loại như trên thực ra không phải để cải thiện đời sống vật chất của các Tỳ-kheo, lại càng không phải nhằm phô trương Phật giáo, mặc dầu cả hai ý tưởng này không phải là không có trong tư tưởng của một số Phật tử do lòng kính mộ của một tôn giáo thiết thực, thích hợp với họ.
Đây chỉ là một tổ chức hình thành tự nhiên của một cộng đồng luôn luôn đầy sức trẻ trung, tươi mát. Còn cuộc sống của chư Tỳ-kheo trong Giáo đoàn thì luôn luôn thể hiện tinh thần đơn giản, đạm bạc, thanh cao, nghèo nàn. Điều ấy thất rõ trong pháp "Tứ y" mà vị Hòa thuợng căn dặn vị tân Tỳ-kheo trong lễ thọ Cụ túc giới: dùng y phục bằng phấn tảo, sống bằng khất thực, ngủ dưới gốc cây, dùng thuốc chữa bệnh trích từ thảo mộc.
Một Tỳ-kheo luôn luôn nhớ tới lời Phật cảnh cáo rằng tuy có thể được trú trong nhà có mái che nhưng việc cư trú như thế rất nguy hiểm, dễ gây thối thất cho bước đường tụ tập.
Trong trường hợp được cúng dường thì các Tỳ-kheo chỉ được phép nhận vừa đủ các thứ y áo, thức ăn, chỗ trọ, dược liệu... trong tinh thần tri túc, đạm bạc, tránh mọi tiện nghi xa hoa.
"... Như ta cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa. Các người cũng nên làm như thế, lìa bỏ tài sản, từ giã người thân, cạo râu tóc, mặc áo cà sa, rời gia đình mà sống cuộc đời không nhà." (Trung A-hàm 38, 49, 90)
Hàng đệ tử xuất gia của Phật đã biết bao kẻ từ giã nếp sống sang trọng mà sống đời nghèo nàn, thanh bạch: Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Da-xá, Nại-tra-hòa-la (Ratthapàla), La-hầu-la, Đại-ca-diếp, A-nan, v. v... . Biết bao nhiêu vị đã xin phép đức Phật được sống một mình trong rừng...
Chính nhờ sống cô đơn trong rừng mà các vị Tỳ-kheo cảm thấy lòng thanh thản chứng pháp Phật thật dễ dàng. Trong Trưởng lão Tăng Kệ (Theragàthà), ta thấy không biết bao nhiêu là những bài kệ ca ngợi cuộc sống gần gũi thiên nhiên. Sau đây là một số câu, trích theo Kimura taiken (Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận - dịch theo Hán bản của Âu Dương Bảo Tôn):
"Gió thổi đất mát, bầu trời sáng trong; loạn tâm đã dẹp, lòng ta lắng yên. Tàn cây tỏa bóng. Dòng suối uốn quanh, hươu vượn nhởn nhơ. "Trên đỉnh núi cao màu là non xanh biếc, lòng ta thấy vui.
"Một lối đường mòn đầm đìa những hạt mưa thu, nhìn lên bầu trời, chớp dật, sấm rền.
"Một vị Tỳ-kheo tiến vào động núi nhập định trầm tư. Tất cả thú vui thế gian không bằng niềm vui cô tịch này.
"Trong đêm khuya mưa rơi tầm tã, núi rừng âm u, mãnh thú gầm thét.
"Một vị Tỳ-kheo tiến vào động núi nhập định trầm tư. Tất cả thú vui của thế gian không bằng niềm vui tĩnh lẵng này.
"Ở trong rừng thẳm hoặc trong hang động, lòng ta bình thản, không sợ, không buồn. "Nhập định trầm tư - Thú vui thế gian không bằng niềm vui an tĩnh này.." (Theragathà)
Như vậy, cuộc sống định cư ở các tinh xá của các Tỳ-kheo là vì muốn nhập thế cứu độ, muốn tu học với thầy, với bạn, thuận theo hoàn cảnh phát triển của một tôn giáo có tổ chức. Nhưng hạnh khất thực, thanh bần là căn bản của một tu sĩ Phật giáo.
Do việc định cư, nhập thế, Phật giáo đã lớn mạnh, được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Các Tỳ-kheo đã đưa Pháp vào đời, nề nếp sinh hoạt và giảng dạy của Tăng-già bấy giờ có ảnh hưởng lớn đến xã hội. Phật giáo, do sinh hoạt của mình giữa lòng xã hội, đóng góp một số nét mới lạ cho văn minh, văn hóa Ấn Độ và cho cả loài người. Và, có thể nói Phật giáo đã hình thành một nền văn hóa mới.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần
Nghiên cứu 14:00 30/11/2024Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.
Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước
Nghiên cứu 08:45 25/11/2024Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Xem thêm