Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 09/02/2013, 11:32 AM

Trường Sa, vẳng tiếng chuông chùa

Một ngày của nhà tu hành tưởng nhẹ nhàng nhưng hóa ra không phải. Từ 5g đến 7g sáng, Đại đức cùng vị phó trụ trì của mình đã vào thời khóa lễ Phật, rồi lạy bộ kinh Pháp Hoa mỗi chữ một lạy, và lạy đủ 300 lạy.

Trường Sa, trong trái tim mỗi người Việt yêu đất nước, là cương vực quốc gia, là danh dự và chủ quyền Tổ quốc, là hồn non nước cha ông nghìn năm…

Hồn non nước thiêng liêng ấy giờ ngày ngày hòa quyện trong vẳng tiếng chuông chùa được Đại đức Thích Giác Nghĩa thỉnh lên mỗi sớm mỗi chiều…

Đại đức Thích Giác Nghĩa cùng các em nhỏ trên đảo Trường Sa
   Đại đức Thích Giác Nghĩa cùng các em nhỏ trên đảo Trường Sa.

Đại nhân duyên…

Chỉ vài hôm trước ngày khai mạc Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ 3, tại Hà Nội, tôi được diện kiến Đại đức Thích Giác Nghĩa – một trong số 5 nhà tu hành - thu hút nhiều sự chú ý của công luận từ nửa năm trước khi phát nguyện bước chân lên tàu, ra Trường Sa tu hành, trụ trì các ngôi chùa trên quần đảo này.

Dẫu đã tiếp xúc nhiều với các vị sư, tôi vẫn ngỡ ngàng khi bước vào cửa và nhìn thấy Đại đức Thích Giác Nghĩa. Ông ngồi đó, an nhiên và tĩnh tại trong một dáng vẻ hiền lành, chân chất giống một người thôn quê.

Cùng với ánh nhìn ấm áp, gần gũi, thì duy có nước da sạm màu nắng và gió biển là “dấu xác nhận” đại đức đã có 6 tháng trải nắng gội mưa nơi biển đảo Trường Sa.

“Thầy vừa ra đến Hà Nội, vẫn còn lâng lâng cảm giác say sóng…”- chắp tay trước ngực, nhẹ nhàng niệm “A di Đà Phật” thay cho lời chào, đại đức thung dung ngồi tiếp chuyện những người mới gặp mà như đã thân quen từ lâu.

“Nhân duyên của thầy là từng có dịp 3 lần ra quần đảo Trường Sa, làm lễ cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ và đồng bào mình đã ngã xuống nơi đây, gìn giữ cho biển, trời của Tổ quốc”- Ðại đức nhẹ nhàng mở đầu câu chuyện khi được hỏi, từ đâu mà có đại nguyện được ra tu hành và trụ trì giữa nơi biển khơi vô cùng khó khăn, gian khổ ấy.

Theo Đại đức Thích Giác Nghĩa "Mỗi người con dân đất Việt chúng ta, dẫu nắm giữ chức vị nào, có theo hay không theo tôn giáo nào thì vẫn chung một niềm mong mỏi cho nước được thái bình, dân được an lạc, quốc gia toàn vẹn, dân tộc trường tồn... "

“Tri ân công đức to lớn của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cũng như thương tưởng anh linh, hương hồn của họ, cá nhân tôi cùng các thầy cùng nhau phát nguyện ra quần đảo Trường Sa tu hành Phật pháp, hướng tâm lên Tam Bảo để cầu nguyện cho đồng chí, đồng bào mình đã bỏ mình trên biển Đông được nhẹ nhàng, siêu thoát. Đó cũng là tiếng nói, hành động tri ân những người đã hy sinh đời mình cho đất nước, cho dân tộc”.

Đại nguyện tâm thành của một nhà tu hành cuối cùng đã kết thành đại nhân duyên. Tháng 5-2012, một chuyến tàu hải quân đưa Ðại đức Thích Giác Nghĩa cùng 5 nhà sư khác cưỡi sóng, vượt biển ra với quần đảo thân yêu của Tổ quốc.

Tụ linh khí nước non

Giản dị trong chiếc áo cà sa, bàn tay thong thả lần tràng hạt nhỏ, Ðại đức Giác Nghĩa kể cho nghe những ngày tu hành ở Trường Sa chỉ với một giọng nhẹ nhàng rất đặc trưng của người xứ Huế.

Nhưng, để ý thật kỹ, sẽ thấy ánh mắt đại đức bừng sáng ấm áp mỗi khi nhắc đến tình cảm của quân và dân nơi hải đảo tiền tiêu mà giờ đây, ông cũng đã là một thành viên.

Một ngày của nhà tu hành tưởng nhẹ nhàng nhưng hóa ra không phải. Từ 5g đến 7g sáng, Đại đức cùng vị phó trụ trì của mình đã vào thời khóa lễ Phật, rồi lạy bộ kinh Pháp Hoa mỗi chữ một lạy, và lạy đủ 300 lạy.

Thời khóa thứ hai, từ 9g-11g, lạy 300 lạy cho bộ kinh Pháp Hoa. Thời khóa thứ ba, từ 15g-17g chiều, lạy 300 lạy nữa cho bộ kinh Pháp Hoa.

Thời gian còn lại, các nhà sư hướng dẫn bộ đội, nhân dân trên đảo tập thiền, giảng dạy cho họ nghe Phật pháp hay đi đến tận các chốt thăm hỏi bộ đội, chia sẻ tâm tư, tình cảm, giúp cán bộ, chiến sĩ vơi nỗi nhớ nhà v.v…

Phát nguyện lạy bộ kinh Pháp Hoa - một bộ kinh đồ sộ, nổi tiếng của Phật giáo với khoảng 80.000 chữ- mỗi chữ một lạy, cuối cùng đã được chư tăng chùa Trường Sa Lớn trong đó có Ðại đức Thích Giác Nghĩa hoàn tất chỉ trong vòng hơn 6 tháng có mặt trên đảo.

Kiên nhẫn hành trì, cung kính trong từng động tác lạy, cung kính từng ngày từng ngày như vậy của chư tăng và thầy Giác Nghĩa đã làm đổi màu cả đá xanh lát trước ban thờ Phật.

“Tôi đã dành sự tâm thành với năng lượng rất lớn để lạy hoàn tất bộ kinh Pháp Hoa. Nhờ đó mà tâm linh của mình cũng nhanh chóng lớn mạnh, góp phần hội tụ linh khí, tâm linh cho quốc gia trấn giữ ở nơi bờ cõi quan trọng này, đồng thời cũng tạo linh khí rất lớn cho chùa Trường Sa Lớn”.

Thầy Giác Nghĩa nhoẻn cười, gương mặt sạm nắng gió lại bừng sáng như chưa hề qua những ngày nắng gắt, những trận gió cuồng, những cơn bão biển mặn chát muối.

Với những ai có chút hiểu biết về đạo Phật, hẳn cũng ít nhiều hình dung được công đức tu hành bằng cách niệm một chữ trong bộ kinh Pháp Hoa lại cúi lạy một lần như các nhà sư chùa Trường Sa Lớn đã hành trì. Bởi, trong một lần niệm, một lần cúi lạy ấy chứa đựng toàn bộ tâm thành của người trì tụng, mà có tâm thành tất có cảm ứng.

Vậy thì Ðại đức Thích Giác Nghĩa đã gặp chưa những sự linh ứng nơi biển trời mênh mông kia? “Một lần chúng tôi ra đảo Song Tử Tây làm lễ cầu siêu. Nơi đây đã hơn 7 tháng trời không có một hạt nước mưa, ấy thế mà ngay khi đặt chân lên đảo, dường như có sự cảm ứng kỳ lạ mà trời nổi giông gió rồi mưa một trận lớn, người dân trên đảo hứng được 2,7 khối nước… và còn bao sự linh diệu khác nữa chưa tiện kể ra.

Tháng 5-2012, một chuyến tàu hải quân đưa Ðại đức Thích Giác Nghĩa cùng 5 nhà sư khác cưỡi sóng, vượt biển ra với quần đảo thân yêu của Tổ quốc              Ảnh do Đại đức cung cấp
Tháng 5-2012, một chuyến tàu hải quân đưa Ðại đức Thích Giác Nghĩa cùng 5 nhà sư khác cưỡi sóng, vượt biển ra với quần đảo thân yêu của Tổ quốc.  Ảnh do Đại đức cung cấp.

Ngộ từ tâm thành, nguyện thiết 

Từ khi có các nhà sư ra tu hành, đời sống tinh thần, tâm linh của quân và dân quần đảo Trường Sa bừng lên một sinh khí mới. Mỗi sớm, mỗi chiều, tiếng chuông chùa thong thả ngân vang trên sóng nước dường như làm mỗi con sóng bớt hung hãn hơn, để biển Đông dường như êm ả hơn.

Người dân, người lính trên đảo giờ đây coi ngôi chùa như chốn đi về gần gũi, thân thương. Mỗi khi có tâm sự, có chuyện vướng mắc, họ lại tìm đến thầy Giác Nghĩa mà thổ lộ, chia sẻ để rồi nhận được từ thầy những lời khuyên đậm nhân văn của Đức Như Lai, để thêm trưởng dưỡng đạo tâm, thêm nội lực và niềm tin vượt qua khó khăn, vất vả.

Thế đại đức có những cảm ngộ như thế nào về Phật pháp, về Tổ quốc và về chính mình khi tu hành trong một môi trường đặc biệt như Trường Sa? “Ấy, chính sự khắc nghiệt của Trường Sa lại thực sự là môi trường trong lành, thanh tịnh rất quý báu cho người tu hành chúng tôi.

Nhờ thế mà chúng tôi được toàn tâm toàn ý hướng đến chân lý giải thoát của Đức Phật. Tu hành nơi đất liền tuy ít khó khăn nhưng tâm lại dễ xao động, chịu nhiều ảnh hưởng từ ngoại cảnh.

Với người thường, ở Trường Sa nghĩa là xa xôi, cách trở, thiếu thốn đủ thứ chứ với người tu hành, lại là điều kiện ngắn nhất, gần nhất để thấu triệt Phật pháp, đáng quý lắm chứ”.

Tâm chí thành, nguyện chí thiết vốn là những tiêu chí đầu tiên mà mỗi người con Phật như Đại đức Thích Giác Nghĩa phải giữ cho được. Ông bảo: “Tôi cảm nhận ngày càng rõ trách nhiệm của mình với quốc gia, dân tộc, quyết ý đồng hành cùng nhân dân bảo vệ chủ quyền dân tộc, giữ bình yên quốc gia. Sự có mặt của chư tăng - trong đó có tôi - nơi Trường Sa là một sự khẳng định chủ quyền rất chắc thật rằng đó là mảnh đất thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, được nhiều đời cha ông hy sinh, tốn xương máu giữ gìn.

Lại nhẹ nhàng chắp tay trước ngực cùng lời niệm Phật hiệu thong thả mà đĩnh đạc “Nam mô A di Đà Phật”, nhà sư trụ trì chùa Trường Sa Lớn thân thiết nói lời chia tay mà như một sự trải lòng: “Mọi người ở Hà Nội hay ở nơi đâu trên đất liền mà cùng hướng tâm về Trường Sa thì cũng như là cùng chúng tôi niệm Phật ở Trường Sa vậy. Xin hẹn ngày khác có duyên chúng ta tái ngộ”.

Nghe như văng vẳng tiếng chuông chùa từ Trường Sa vọng về! Nghe như hồn non nước đang dấy lên trong tim! Tâm thành, nguyện thiết, chư Phật như cảm ứng mà ẩn hiện đâu đây! Trường Sa vụt gần, thân thuộc! Thật sự không có khoảng cách giữa trái tim những người yêu nước, yêu dân tộc mình. Nam mô A Di Đà Phật!

Tác giả: Chí Công/Nguồn: www.tienphong.vn

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phật Hoàng Trần Nhân Tông - Nhân vật văn hóa và nhà nhân văn chủ nghĩa vĩ đại của mọi thời đại

Nhịp cầu Phật giáo 10:38 07/12/2018

PGVN xin trân trọng giới thiệu toàn bộ diễn văn khai mạc hội thảo khoa học “Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm - đặc sắc tư tưởng và văn hóa” của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm – xã Thượng Yên Công – thành phố Uông Bí – tỉnh Quảng Ninh, sáng ngày 6 tháng 12 năm 2018, tức ngày 30 tháng 10 năm Mậu Tuất.

Trời đất bao la nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế

Nhịp cầu Phật giáo 09:15 16/11/2018

Lòng tham chính là thuốc độc giết chết nhân cách của con người, có những lúc chỉ vì sân si những lợi ích nhỏ mà chúng ta đánh mất những thứ quý giá và quan trọng, đến khi nhìn lại mới thấy thật sai lầm.

Sự ngộ đạo trong thế giới Kim Dung

Nhịp cầu Phật giáo 16:08 05/11/2018

Tóm lại, từ bi chính là cái gốc của võ công Phật gia trong thế giới võ hiệp Kim Dung. Chỉ có dùng tâm từ bi để hóa giải nó mới có thể đẩy lui trường năng lượng xấu, bảo toàn thân thể. Nói cách khác, song song với việc học võ, phải rèn luyện tâm tính bằng cách đọc và thực hành các kinh Phật cho nhiều mới không sinh ra bệnh tật. Thần tăng vô danh chính là một minh chứng.

Sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc

Nhịp cầu Phật giáo 11:28 01/11/2018

Trên cơ sở nghiên cứu tình hình tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (chủ yếu là Phật giáo, Công giáo và Tin lành), bài viết chỉ ra những tác động của các tôn giáo để tìm giải pháp vừa phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các các âm mưu, hành động lợi dụng những vấn đề về tôn giáo, dân tộc để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự ổn định xã hội, phát triển kinh tế bền vững; vừa bảo đảm thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn trọng, bảo đảm tự do tôn giáo của nhân dân, x&

Xem thêm