Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 10/11/2017, 13:18 PM

TT.Thích Chân Quang thuyết giảng chủ đề: Nguồn gốc của hành động

Chiều ngày 22/10/2017, như thường lệ, TT.Thích Chân Quang - Phó Ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã quang lâm thuyết giảng về chủ đề “Nguồn gốc của hành động”, với sự tham dự của hơn 4000 phật tử tại pháp hội chùa Tương Mai (Trương Định, Hà Nội). Nhờ đó, các phật tử biết suy xét, nhìn nhận và có thái độ đúng đắn trước mọi hành động của bản thân. Từ đây, mọi người tự xây dựng hình ảnh đẹp cũng như tích lũy phước lớn cho mình.

Khác với những pháp hội trước, lần này Thượng tọa rất vui mừng khi mời được TT.Thích Phước Hạnh - Phó Ban TT BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long cùng tham dự chuyến đi hoằng pháp với mình. 

Theo lời giới thiệu của TT.Thích Chân Quang, TT.Thích Phước Hạnh đã đi tu từ nhỏ, giờ là một vị kinh sư ứng phú nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ. Mặc dù tu pháp môn Tịnh độ, nhưng nhận thấy chỉ có thiền mới giúp con người trở nên trí tuệ, vì thế Thượng tọa quyết định mở khóa tu thiền hàng tháng cho tăng ni phật tử tu tập tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi - một ngôi chùa đẹp và lớn nhất tại Vĩnh Long. Đây là một quyết định hết sức sáng suốt của Người, đã góp phần khuyến khích, mở mang thiền học cho Phật giáo miền Tây.

Không chỉ tán thán công đức của TT.Thích Phước Hạnh đối với sự phát triển của Phật giáo, Người còn hết lời khen ngợi khí chất khẳng khái, lúc nào cũng sống nặng tình nặng nghĩa với huynh đệ của Thượng tọa. Dịp này, Người mời TT.Thích Phước Hạnh ban đạo từ, xướng niệm Phật cho các phật tử được nghe, chiêm ngưỡng và hiểu thêm về khoa nghi lễ Phật giáo, để thấy pháp sự của đạo Phật cái gì cũng có ý nghĩa.
 
Trước khi ban bố đạo từ, TT.Thích Phước Hạnh tán thán đạo tâm của quý phật tử miền Bắc. Theo Người, tham dự buổi pháp thoại tại chùa Tương Mai, nhìn hàng hàng lớp lớp nghìn người ngồi trang nghiêm nghe psháp, tức thấy được đạo tâm của mọi người, khiến Thượng tọa thực sự xúc động.

Trích câu nói của đức Phật: “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”, với ý nghĩa đó, Thượng tọa chia sẻ: Sau bao năm tu Tịnh độ, niệm Phật, đặc biệt là pháp môn ứng phú đạo tràng ở miền Tây, Người nghiền ngẫm và hiểu rằng chỉ có thiền mới giúp mọi người khai mở trí tuệ, đạt được mục đích giác ngộ giải thoát. Vậy nên, không chỉ bản thân mình, Người còn xoay chiều cho hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia. Bởi càng rốt ráo tu tập thiền định thì càng nhanh đạt được mục đích cứu cánh, giải thoát.

Điều rất hoan hỷ là trước việc chuyển hướng tu tập của mình lại nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ hết lòng của TT.Thích Chân Quang, góp phần khơi dậy dòng thiền cho tăng ni, phật tử Vĩnh Long. Tương lai, Thượng tọa sẽ cùng các huynh đệ của mình quyết tâm thành lập Trung tâm Thiền định tại cầu Mỹ Thuận.

Thượng tọa khẳng định, Phật giáo đã xuất hiện trên 2500 năm nay. Chúng ta tin, chúng ta kính và đến với Phật bằng nhiều con đường, nhiều phương tiện nhưng lại hoàn toàn chưa hiểu lời kinh, ý Phật. Thế nên, TT.Thích Chân Quang đã rốt ráo, diễn giảng khắp các đạo tràng trên cả nước để chỉ dạy, hướng dẫn tường tận cho phật tử. Có như vậy, chúng ta mới được giải thoát, được thành Phật.

Thượng tọa tâm niệm: “Muốn thành Phật thì phải tu thiền định. Người có thiền định thì phải thành Phật. Chắc chắn là như thế”. Vậy nên, trong cuộc đời cũng như trong bước đường tu tập, chúng ta tuyệt đối tuân theo lí nhân quả. 

Nhìn pháp hội, Người khẳng định pháp hội thuyết giảng của TT.Thích Chân Quang lúc nào cũng rất đông thính chúng tham dự, đây là phước báu của Viện chủ Pháp sư Phật Quang. Thật là một cái duyên hết sức cao cả đã kết với nhau nhiều đời, nhiều kiếp trước…Để được như Thượng tọa, đi đến đâu là có muôn nghìn, muôn vạn người theo đó, Người khuyên các phật tử kiếp này phải cố gắng bố thí, cúng dường, phụng sự, gieo duyên với chúng sinh thật nhiều. 

Trước những lời chia sẻ của TT.Thích Phước Hạnh, Thượng tọa Giảng sư rất xúc động. Với Người, TT.Thích Phước Hạnh không chỉ là một người sư huynh đáng ngưỡng mộ, học tập mà còn là một người bạn luôn đồng hành trên con đường tu tập. Cho nên, có dùng lời lẽ gì dù cao thượng thuần túy nhất cũng không diễn đạt hết tình cảm yêu kính của Thượng tọa Giảng sư dành cho TT.Thích Phước Hạnh.
 
Đi vào nội dung bài pháp thoại, Thượng tọa Giảng sư nhấn mạnh: Trong cuộc đời này, chúng ta gặp gỡ bao nhiêu người, bao nhiêu duyên đều phải ứng xử, bởi chúng ta phải sống, làm việc và giao tiếp với cuộc đời. Nghĩa là chúng ta phải làm gì đó. Tuy nhiên, dù làm hay không thì đều tác động vào cuộc sống, đều tạo thành nghiệp. Dù là nghiệp thiện hay nghiệp ác đều có quả báu về sau. Nếu nghiệp thiện, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho con người thì ta có phước. Nếu nghiệp ác, gây đau khổ cho mọi người thì ta có tội. Nguyên tắc căn bản này ai cũng biết.

Người khẳng định, tâm chính là nơi khởi đầu, dẫn dắt để ta tạo ra vô số việc làm trong cuộc đời. Tâm của ta như thế nào thì ta chọn hành vi đó. Nó bao gồm ba nguồn, thúc đẩy ra thành hành vi bên ngoài. Đó là: bản năng, thói quen và đạo đức.

Nói về cái nguồn đầu tiên, Người giải thích “bản năng” là những khuynh hướng của tâm thức được lập trình sẵn, không cần được ai dạy cả. Ví dụ tham sống sợ chết, hưởng thụ, ích kỷ, ái dục… đều là bản năng tự nhiên của chúng sinh. Mà hầu hết bản năng đều xấu, và chúng sinh vì bị bản năng thôi thúc mà cứ tạo nghiệp, trôi lăn mãi trong luân hồi sinh tử. Nếu buông ra đừng giáo dục, tất cả chúng ta sẽ thành súc sinh, rồi loài súc sinh đó lại tạo nghiệp tiếp, đọa luôn thành giun dế. Chỉ những xã hội có tính lý trí, có văn hóa cao thì con người nơi đó mới khuyên dạy nhau kiềm chế tính dục mà thôi. Ta chỉ kiềm chế thôi chứ không diệt nổi nó.

Trong đạo Nho có câu: “Nam nữ thụ thụ bất thân”, vì biết khuynh hướng ái dục rất mạnh, hễ có cơ hội là nó lại bùng lên. Cho nên, người ta luôn giữ khoảng cách, có những phương pháp ngăn ngừa, kiềm chế bớt cái dục. Đây là xã hội có văn hóa, có đạo đức. Ngược lại, xã hội không có đạo đức thì họ buông tuồng, ăn mặc hở hang, phản cảm, treo những áp phích quảng cáo in hình kích dục, làm các chương trình hướng dẫn nam nữ quan hệ tình dục, v.v…Hệ quả là sinh ra mọi tội lỗi cho xã hội, khiến xã hội ngày một trở nên rối ren và bất an.

Theo Thượng tọa, vì là khuynh hướng tự nhiên nên dứt được nó rồi, chết ta không ở cõi này mà lên cõi cao hơn. Nếu phải chứng đến tam quả A Na Hàm mới không còn sinh lại cõi dục chịu sinh tử. Người kiểm soát được tình dục thì có khuynh hướng thành bậc Thánh cao siêu. Dứt hẳn được tình dục thì thành Thánh. Nếu buông lung, chiều chuộng nó thì đi về phía súc sinh. 

Thật sự, chúng ta kiểm soát được hay bị bản năng chi phối đều là do nhân quả. Bản năng là cái tự nhiên, không cần học mà tự có, và hầu hết là bản năng xấu. Vì bị bản năng thôi thúc mà chúng sinh cứ mãi tạo ác nghiệp, trôi nổi trong luân hồi, sinh tử. Nếu buông ra, không có sự giáo dục thì tất cả chúng ta sẽ thành súc sinh. Súc sinh rồi mà vẫn tạo nghiệp tiếp thì lại thành giun, dế luôn.

Tuy nhiên, chúng ta may mắn là nơi cõi người này thì Thánh, phàm lẫn lộn. Nghĩa là vẫn có những bậc hiền triết giữa cuộc đời. Họ giống như các bậc Thánh, đem những giáo lí cao cả dạy chúng ta, giúp chúng ta tự chiến đấu với bản năng đó. Thay vì đầu hàng, bị nó chi phối, ta có thể kiểm soát, hạn chế và chống lại nó. Ví dụ tham sống sợ chết cũng là bản năng mãnh liệt, nhưng tại sao có những chiến sĩ băng băng giữa làn tên mũi đạn, chấp nhận hi sinh thân mạng mình vì Tổ quốc? Vì họ đã được giáo dục một tình cảm rất lớn lao là tình yêu đất nước, yêu đồng bào. Khi những tình cảm này được khơi dậy đúng mức thì nó chống lại luôn khuynh hướng sợ chết. Nhân đây, Thượng tọa tán dương, ca ngợi những người đã và đang cầm súng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, cũng có những tâm lí mà đè nén bản năng tham sống sợ chết, đó là tâm lí đặt hết niềm tin, niềm hy vọng vào một tình yêu. Nhưng khi tình yêu đó hoàn toàn tan biến, khiến con người rơi vào sự đau khổ tột cùng, cái đau khổ đó sẽ lấn át luôn cả bản năng ham sống sợ chết.

Như thế, dù bản năng luôn đứng đằng sau thôi thúc, chi phối tất cả chúng ta, nhưng luôn có những đạo lý giúp ta thắng bản năng, có những tâm lý lấn lướt cả bản năng. Vì vậy mà chúng sinh còn tu hành được. Khi ta có tu tập, có sự thúc liễm, kiềm chế, có ước nguyện thì ta vẫn có thể thắng bản năng, dù vẫn vô cùng vất vả.

Nguồn thứ hai thúc đẩy hành động là “thói quen”. Thói quen thì có cả thói quen tốt, thói quen xấu, và cũng có tốt xấu lẫn lộn. Để minh chứng điều này, Người đưa ra hàng loạt ví dụ về các thói quen cơ bản của chúng sinh. Đặc biệt, Người đề cập đến một thói quen đang rất phổ biến trong giới trẻ, đó là phượt.

Phượt là thú vui có tính phiêu lưu, mạo hiểm, mục đích là đi khắp nơi để khám phá, tìm hiểu văn hóa, con người, vùng miền. Thói quen này xuất phát từ sở thích cá nhân, không vi phạm pháp luật, nên nhiều khi ta nghĩ không có gì là xấu. Tuy không xấu nhưng cũng đừng nghĩ nó tốt, bởi trên đường đi ta vẫn phải chi tiêu, hao tốn tiền bạc mà chưa chắc đã làm ra phước. Quả báu của việc đi chơi vô bổ, phí phạm là bị bệnh liệt, nằm một chỗ. Ngược lại, người biết tận dụng chiếc xe mình có để làm việc phước thì nhất định sau này phước báu sẽ đem lại cho họ nhiều may mắn. 

Nguồn thứ ba thúc đẩy ta hành động, cư xử với cuộc đời là đạo đức. Để có đạo đức, ta phải tu dưỡng nhiều kiếp. Ví dụ như sự khiêm tốn. Ta thấy, bản năng của con người thường là tự cao, lúc nào cũng muốn mình hơn người khác. Bản năng này không sửa đổi, chữa trị thì nó thành thói quen. Nhưng nếu tu dưỡng nhiều kiếp thì có thể diệt bản năng kiêu mạn, lật ngược nó lại để trở nên khiêm tốn. Cái khiêm tốn, tôn trọng người khác này là do đạo đức, do tu dưỡng, giáo dục mà thành.

Hay cái siêng năng, tận tụy cũng vậy. Bản năng của chúng ta là lười biếng. Vậy nên khi thấy ai lười biếng, chúng ta hãy cảm thông vì họ đang sống đúng bản năng. Tuy nhiên, việc sống đúng bản năng này không chỉ làm xấu đi hình ảnh của họ mà còn làm ảnh hưởng đến cả cộng đồng, xã hội và những người xung quanh. Ngay như việc chúng ta để những túi rác trước cửa nhà mình, nó vừa làm ô nhiễm môi trường, phá hủy mỹ quan đô thị, vừa làm xấu đi hình ảnh của ngôi nhà. Thêm nữa, khi người khác, nhất là người nước ngoài nhìn vào, họ sẽ nghĩ người Việt Nam không có ý niệm gì về mỹ thuật, về môi trường xanh-sạch- đẹp. Từ đó, họ coi thường chúng ta. Thói quen mà ai cũng thấy bình thường ấy ngờ đâu lại là một điều hết sức tệ hại, phá hoại hết cảnh quan và hình ảnh con người Việt Nam.

Hay nói đến sự trung thành. Trung thành cũng chính là một loại đạo đức, không có sẵn trên cuộc đời. Ngay cả con chó, loài vật mà chúng ta nghĩ là trung thành nhất thực ra cũng chỉ là một chương trình được cài sẵn trong nó. Chúng ta khi nhìn vào lại nhầm tưởng là sự trung thành. Nên người nào lúc sống mà phản bội, nhất định sau này sẽ đọa làm chó để học tính trung thành của loài vật này.

Với chúng ta, bản năng tự nhiên là phản bội. Chúng ta phản bội vì thấy chỗ khác có lợi hơn, trong khi đó trung thành lại vất vả, thiệt thòi, buộc ta phải hy sinh. Ví dụ, người đệ tử trung thành với thầy mình, mà người thầy không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có khi còn bị công kích, chống phá, thậm chí còn phạm sai lầm mà không biết. Tuy nhiên, người đệ tử trung thành dù chịu thiệt thòi vẫn bất chấp tất cả để theo thầy, kể cả lúc khó khăn. Vậy mới nói sự trung thành có hao tổn, thiệt thòi. Người không có đạo đức, không chấp nhận cái thiệt thòi thì thường phản bội. Không những phản bội thầy, phản bội chủ tướng mà còn phản bội cả quê hương.

Người trung thành luôn giữ vững lập trường, trong tâm họ lúc nào cũng chỉ có quê hương, đất nước, mọi cái khác không quan trọng. Kể cả cái mênh mông của thế giới hay sự giàu có của các quốc gia khác cũng không làm xiêu lạc được lòng trung thành của họ. Dù quê hương còn nghèo khó, họ vẫn từng ngày dựng xây chứ không chối bỏ quê hương. Sự trung thành này cũng do giáo dục, do đạo đức mà có. 
 
Đến đây, Thượng tọa nhắc lại: Chúng ta đã nói rằng có ba nguồn tạo nên hành vi: Một là bản năng, hai là thói quen, ba là đạo đức. Ta làm điều gì đó có thể do một nguồn, cũng có thể do lẫn cả hai, ba nguồn. Ví dụ: Có người thích giúp đỡ bố thí, ban đầu là đạo đức, sau rồi thành thói quen, mỗi khi thấy ai họ đều quan sát xem người kia đang cần gì, mình có thể giúp đỡ, hỗ trợ, khuyên bảo được gì không. Thói quen này rất tốt.

Cũng có những thói quen tai hại. Ví dụ khi đói ta muốn ăn, đó vừa là bản năng, vừa là thói quen và có hại không? Thông thường ta cho rằng đói là đường huyết đang hạ nên lật đật tìm thức ăn, nhưng có khi thiên nhiên đã lừa ta. Với người lớn tuổi, cảm giác đói xuất hiện không phải vì đường huyết đang hạ mà là đang tăng cao, lạ lùng như vậy. Nếu sống thuận theo bản năng, theo thói quen, tức là hễ đói thì ăn – lâu ngày sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường. Vì vậy trong một số trường hợp, ta phải cưỡng lại cảm giác đói, tức là cưỡng lại bản năng và thói quen.  

Hoặc như đứa trẻ mê chơi game, đó vừa là thói quen vừa là bản năng thích hưởng thụ, gây ra bao hệ lụy. Khắp thế giới đều báo động về tình trạng này. Do đó, hãy xét lại cái muốn của mình, đừng nuông chiều, chạy theo nó. Tóm lại, mỗi khi muốn làm điều gì hãy nhớ hai bước:

+ Đầu tiên, hãy xét lại cái muốn của mình bắt nguồn từ đâu. 

Nếu là bản năng - hãy gắng khắc phục. 
Nếu là thói quen  - hãy đánh giá là tốt hay xấu. 
Nếu là đạo đức – thì ta yên tâm. 

+ Thứ hai, hãy đối chiếu thêm với những kiến thức về khoa học, xã hội, luật pháp, nhân quả tâm linh, v.v…

Tại sao phải có thêm bước thứ hai này? Vì có những việc ta thấy là thói quen, là đạo đức đấy nhưng lại không hợp lý. Ví như có người tổ chức những chuyến cứu trợ cho đồng bào vùng khó khăn, nhưng không muốn hợp tác với chính quyền địa phương, có thái độ bực dọc bức xúc khi được nhắc nhở. Đó là người có thói quen làm việc thiện, nhưng chưa đủ kiến thức về luật pháp, làm cho việc thiện cũng không được trọn vẹn, trở thành sự phiền toái rắc rối không hay.

Cho nên từ đây hãy nhớ cảnh giác với cái muốn, với ý thích của mình: hãy xem chúng bắt nguồn từ đâu; và đừng quên đối chiếu với kiến thức về khoa học, xã hội, luật pháp, nhân quả.

Thông thường khi ta muốn điều gì rồi ta chấp vào đó, bất chấp tất cả để thực hiện bằng được cái muốn của mình. Hiếm ai có thể dừng lại để nghi ngờ chính mình. Vậy điều gì làm nên sự khác biệt giữa người muốn là làm bằng được, và người biết kiềm chế, nghi ngờ cái muốn của mình? 

Đây là đạo lý ở tầm cao, không phải ai nghe rồi cũng thực hành theo được. Phải là người siêng tạo phước, thường lễ kính Phật, biết kính lễ các bậc Tôn túc, thường ca ngợi những anh hùng đất nước, vĩ nhân của thế giới thì mới có cái phước giúp họ biết kiềm giữ cái muốn của mình lại. Và chắc chắn đó cũng là người đã dày công tu tập, vì có tu thì chấp ngã mới nhẹ - khi đó bản năng, tập khí, thói quen xấu mới rơi rụng theo, và đạo đức sáng lên khiến họ bình tĩnh, biết xét lại, nghi ngờ ý muốn của chính mình. 

Và kết quả cuối cùng là nụ cười, cười chính mình. Chúng ta tu hành làm sao cho đến ngày mà ta bình tĩnh nhìn lại những cái muốn trong tâm mình, thanh thản buông bỏ những cái muốn sai lầm đi. Nụ cười chính mình rất nhẹ nhàng, thi vị giữa cuộc đời này, nhưng đó là nụ cười của một người đã giác ngộ đạo lý “nhìn cái muốn của mình như trò trẻ con của một tâm hồn nông cạn”. Ta cười với chính mình, cười với mỗi ý muốn bí mật khởi lên trong tâm. 

Lời cuối, Thượng tọa nhắc nhở: Từ đây ta đừng tin vào tâm mình, đừng tin vào ý thích của mình, đừng bỏ mặc tâm tình của những người có liên quan có ân nghĩa. Hãy nghi ngờ chính mình, hãy cân nhắc khi quyết định, hãy kiềm chế cái tôi, hãy hi sinh sở thích để đi tìm hạnh phúc cho mọi người. Cuộc sống vậy mà có ý nghĩa hơn, dễ tu hơn. 

Nói chung, bằng nhiều câu chuyện và ví dụ hết sức giản dị, đời thường, Thượng tọa đã đơn giản hóa các đạo lí của Phật giáo để nó dễ dàng đi vào tiềm thức của người nghe. Nhờ đó, việc học giáo lí của mọi người trở nên dễ dàng hơn. Việc luyện tập và áp dụng nó cũng được hiện thực hóa, chứ không để nó mãi là lí thuyết trên sách vở nữa.

Đó là lý do mà mỗi bài pháp thoại của Thượng tọa luôn để lại ấn tượng và truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Cho nên, không riêng gì chư tôn đức tăng ni, phật tử, mà ngay cả những vị lãnh đạo trong bộ máy chính quyền Nhà nước, dù bận bịu với công việc, nhưng mỗi khi có buổi thuyết pháp của Người, các vị vẫn cố gắng thu xếp công việc để tham gia.

Tóm lại, bài pháp hôm nay đã chỉ ra nguồn gốc sâu xa, hình thành nên những hành động của con người. Nhờ đó, mọi người có cơ sở để xem xét, suy nghĩ và điều chỉnh từng hành vi của mình cho đúng đắn, vừa tránh gây nghiệp, lại vừa xây dựng phước báu cho bản thân.

Nên nhớ một hành động khi phát ra là do một trong ba nguồn: bản năng, thói quen, đạo đức. Nếu là trước đây, khi không để ý thì ta không biết hành động của ta xuất phát từ yếu tố nào. Nhưng sau bài học này thì ta phải để ý, phải phân biệt để xem từng hành vi của mình là hành vi gì. Đừng bỏ mặc để nó muốn làm gì thì làm. Ví dụ nói về ý muốn. Nếu không phân biệt rõ thì ta muốn gì là làm nấy, rất dễ dẫn đến làm bậy.

Thêm nữa, bài pháp thoại trên mang một thông điệp rất ý nghĩa, bức thiết dành cho tất cả mọi người, nhất là giới trẻ. Đó là hãy sống và làm chủ cuộc sống của mình để làm sao bản thân trở nên có ý nghĩa giữa cuộc đời. Đừng trở thành nô lệ cho bản năng hay những cái muốn tầm thường để rồi đánh mất bản thân lúc nào không hay. Cuộc đời ngắn lắm, không ai nói trước điều gì, nên chúng ta hãy sống trọn vẹn nhất từng ngày có thể.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm