Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Vì sao bố mẹ tôi "sợ" mời nhà sư về nhà

Tôi sinh ra và lớn lên trên một vùng quê nghèo của tỉnh Vĩnh Phúc, một tỉnh trung du phía Bắc. Người dân quê tôi chủ yếu là làm ruộng nên cuộc sống cũng còn nhiều khó khăn, chưa có nhân duyên để tìm hiểu về đạo Phật, chỉ tập trung lo làm ăn, kiếm sống.

Trong những năm gần đây, hòa chung trong không khí đổi mới của đất nước, quê tôi cũng có nhiều đổi mới, cuộc sống của người dân cũng ngày càng được cải thiện nên cũng có điều kiện để quan tâm, tìm hiểu về đạo Phật!

Ngôi chùa nhỏ ở quê tôi cũng đã có sư thầy về trụ trì, mở mang xây dựng nên ngày càng khang trang hơn, trở thành nơi hành hương, tu tập của Phật tử ở nhiều nơi. Điều đó làm cho những người con xa quê như tôi cũng cảm thấy thật an vui vì cuộc sống tâm linh của người dân quê tôi được chăm lo nhiều hơn.

Tôi và gia đình tuy chưa là phật tử nhưng có sự kính ngưỡng Phật. Tôi rất khâm phục các vị tăng sĩ vì họ là những nhà tu hành, những con người đã từ bỏ được ba cái tầm thường “Tham, Sân, Si” của giới phàm tục, quyết định xa gia đình, dứt bỏ phú quý, danh vọng để tự nguyện trở thành kẻ phục vụ chúng sinh, lấy tinh thần từ bi hỷ xả làm lý tưởng để lo cho đời sống tâm linh con người, đồng thời chấp nhận làm kẻ thấp hèn trong xã hội cũng như quên mình để hiến dâng cho lý tưởng!

Hơn nữa, văn hóa truyền thống dạy cho người Việt chúng ta kính trọng các bậc tu hành, vì những vị tu hành là những người đã dứt khoát khỏi trần tục, từ bỏ giàu sang, danh vọng, phú quý để tìm con đường tu thân, từ đó, dẫn dắt người đời đến một cuộc sống thánh thiện, chân thiện mỹ.

Do bận công tác xã hội cũng như lo cho cuộc sống gia đình nên tôi cũng ít có thời gian về quê. Mấy ngày gần đây, nhân ở quê có việc nên tôi cùng với một vị Thượng tọa quen biết về thăm quê để giúp cho một phần công việc tâm linh và cũng nhờ thầy chia sẻ Phật pháp với bà con họ hàng, chòm xóm.

Tôi rất vui vì khi ngỏ ý mời thầy cùng về quê tôi thì thầy rất hoan hỷ nhận lời. Tuy nhiên, khi tôi gọi điện thông báo với bố mẹ là sẽ về cùng với một vị tu sĩ, ban đầu bố mẹ tôi rất vui nhưng sau đó lại tỏ ra rất băn khoăn và hỏi tôi là “Có thể không mời thầy về được không con?”.
 
Tôi hơi ngạc nhiên nhưng gặng hỏi mãi thì tôi mới biết lý do mà bố mẹ tôi băn khoăn, đó là vì trên quê tôi, mỗi khi mời thầy về làm lễ hoặc giúp việc gì đó cho gia đình thì thường phải trả công cho thầy rất cao, mà nhà tôi vẫn còn khó khăn và cũng không biết phải đối đãi như thế nào với thầy cho phù hợp. Nghe xong, tôi cũng giật mình vì trước giờ mình quen nhiều thầy, có thấy thầy nào như vậy đâu!

Tôi đã hỏi kỹ thì được bố mẹ tôi chia sẻ, vừa qua, nhà ông chú tôi có sinh thêm một em bé, vì lo sợ khó nuôi nên thông qua một số họ hàng tư vấn, gia đình chú tôi đã mời thầy trụ trì chùa lên “làm lễ xoa đầu em bé” (với mong muốn là được thầy xoa đầu thì sẽ dễ nuôi). Đáp ứng mong muốn của gia đình, thầy đã sắp xếp công việc để lên “xoa đầu em bé” và đã được trả công là 1,5 triệu đồng (một số tiền tương đối lớn với gia đình nghèo như nhà chú của tôi). Chưa hết, trong dịp lễ Vu Lan năm nay (2016), dân làng tôi có nguyện vọng muốn nhờ thầy lên làm lễ cầu siêu cho các vong linh trong làng và được thầy “báo giá” là 10 triệu đồng! Tuy nhiên, khi thầy làm lễ xong, dân làng gom góp được khoảng 9 triệu đồng đưa cho thầy thì thầy quát lên “Sao lại chỉ có 9 triệu, đã bảo phải 10 triệu cơ mà! Cả làng này mà không có đủ 10 triệu hay sao?”. Chính những sự việc này đã tác động đến tâm lý của bố mẹ tôi, làm cho bố mẹ tôi băn khoăn.

Sau khi tôi đưa thầy về làm lễ giúp gia đình, được thầy chia sẻ nhiều điều về Phật pháp nên cũng làm vơi đi nhiều mặc cảm cho bố mẹ và những người thân trong gia đình của tôi! Thật cảm ơn thầy rất nhiều! Tuy nhiên, qua đợt này, tôi thấy có nhiều điều phải suy ngẫm:

Thứ nhất,
do trình độ hiểu biết về Phật pháp của người dân quê tôi chưa được nhiều, chưa được các thầy hướng dẫn nên cơ bản việc người dân đến chùa vẫn là để cúng lễ, cầu xin tài lộc và danh vọng mà không phải là để thực hành giáo pháp của đức Phật. Qua tiếp xúc thì phần lớn phật tử đều khen thầy trụ trì là người rất giỏi, có rất nhiều tiền và có nhiều phật tử giàu có ở khắp nơi, thầy đi xe sang, xài điện thoại xịn, đắt tiền... mà chưa thấy ai khen thầy giảng giải Phật pháp như thế nào. Hơn nữa, họ còn đồn là gặp thầy và nhờ thầy làm lễ rất khó, phải có tiền thì thầy mới đi làm lễ tận nhà! Ôi thật là đau lòng quá!

Thứ hai, qua sự việc trên cho thấy hình ảnh người tu sỹ Phật giáo đối với người dân quê tôi đã bị méo mó đi rất nhiều, không còn là hình ảnh người tu sĩ Phật giáo giản dị, tự nguyện phục vụ chúng sinh mà thay vào đó là hình ảnh một “bề trên”, có quyền ban phát ơn huệ cho phật tử, hoặc quyền sinh sát ơn huệ như ở các tôn giáo khác!

Đức Phật đã dạy hàng phật tử phải quy Phật, quy Pháp, quy Tăng! Vậy với những người như vậy thì thử hỏi người phật tử biết nương vào đâu?

Chỉ là những sự việc nhỏ xảy ra tại vùng quê nghèo của tôi nhưng thực sự là những điều đáng suy ngẫm! Với những người có tâm với đạo Pháp với Phật giáo Việt Nam thì thấy rằng, những hình ảnh, việc làm đó không chỉ làm cho hình ảnh, uy tín của người tu sĩ Phật giáo bị hiểu một cách méo mó mà còn làm cho uy tín, ảnh hưởng của GHPGVN bị ảnh hưởng.

Thiết nghĩ truyền thông Phật giáo nên truyền thông mạnh mẽ cách để phật tử biết tin theo chính pháp, và có sức đề kháng, đủ dũng khí vạch mặt những vị sư mặc áo nhà Phật mà sống đời phàm tục, thậm chí trục lợi trên sự sùng kính quá mức hoặc mê tín của người dân.

Thành Toàn 

Ghi chú: Bài viết thể hiện cách hành văn, góc nhìn của một người có kính ngưỡng đạo Phật, hiện đang sinh sống tại Hà Nội
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Trường sinh bất tử qua cái nhìn của nhà Phật

Phật pháp và cuộc sống 21:39 25/04/2024

Từ ngàn xưa, con người đã hằng nung nấu, ôm ấp ước mơ được trường sinh bất tử. Tuy nhiên, sự bất tử trường sinh dường như chỉ thấy có được trong những câu chuyện thần thoại hoang đường, hay truyền thuyết mơ hồ viễn vông.

Lành thay nếu được là học trò của Đức Phật

Phật pháp và cuộc sống 14:37 25/04/2024

Giả như có một lần úp mặt vào lòng bàn tay suy ngẫm, ta sẽ thấy con người ngay từ lúc thoát thai đã chịu bất công: người rạng ngời tướng tốt ủ yên trong gấm vóc lụa là, kẻ đui què câm điếc lại còn sinh trong gia đình bần tiện.

Tu hành là sự chọn lựa sống một cách có ý nghĩa

Phật pháp và cuộc sống 11:40 25/04/2024

Tu hành không chỉ là việc thực hành các pháp môn và nghi lễ tôn giáo, mà còn là một hành trình tâm linh, làm thay đổi bản thân và cách nhìn nhận cuộc sống. Mỗi khi chúng ta bước chân vào con đường tu tập, chính là lúc chúng ta chọn ngược lại với nhịp sống bình thường của xã hội.

Tôi và Sư cô Huệ Hải: Tu hành có bạn

Phật pháp và cuộc sống 11:27 25/04/2024

“Tu học là mãi mãi, pháp lữ là thiên thu!” - Đó là câu nói của chúng tôi trên bước đường tu nhân học Phật, phụng sự đạo pháp.

Xem thêm