Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 10/03/2021, 07:33 AM

Xây dựng một xã hội lý tưởng trên nền tảng giáo lý đức Phật

Phật giáo tồn tại giữa xã hội phải mang lại các giá trị hạnh phúc và vững chãi về nội tâm, như chính lời tuyên bố của đức Phật, “Như Lai ra đời vì hạnh phúc của số đông, vì lợi ích của số đông; vì hạnh phúc, vì lợi ích của chư thiên và loài người.”

Là người con Phật, nhu cầu đạt được hạnh phúc phải là mục đích chính yếu của cuộc sống. Hạnh phúc là một sự thực tập, không phải thông qua trao đổi mà có được. Sự cầu nguyện bằng tuệ giác Phật sẽ mang lại giá trị của bình an; tuy nhiên, một số thường nghĩ đến những lợi ích nhỏ mà đến với Phật để cầu nguyện như một sự trao đổi. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua mỗi kì cầu an tại các chùa. Về mặt tình cảm, Phật tử đến chùa đã là một sự nỗ lực đáng được khích lệ, nhưng nếu nhìn vào nội dung cầu nguyện, chúng ta vẫn thấy nhiều người cầu về công danh sự nghiệp hơn. Rõ ràng, mong ước có địa vị trong xã hội hay sở hữu nhiều của cải vật chất vẫn là khao khát cháy bỏng của con người. Nhưng một thực tế rằng, khổ đau, bất an và căng thẳng vẫn đeo đuổi và bám chặt chúng ta dù chúng ta có đầy đủ về công danh sự nghiệp. Bởi vì, hạnh phúc không phân biệt giàu nghèo sang hèn, không phân biệt giai cấp hay giống nòi, mà hạnh phúc là nội hàm của sự thực tập và chuyển hoá bằng năng lượng của tự thân.

Không phải là không có, nhưng là rất hiếm những người đến chùa để cầu nguyện từ bỏ thói ích kỉ, đố kị và tham lam, bởi vì những tâm hành này phải được xem là nguyên nhân đưa đến sự bất an và khủng hoảng của con người, dẫn đến thiếu năng lượng cho việc thiết lập một cuộc sống thành công về cả vật chất lẫn tinh thần.

Phật giáo tồn tại giữa xã hội phải mang lại các giá trị hạnh phúc và vững chãi về nội tâm, như chính lời tuyên bố của đức Phật, “Như Lai ra đời vì hạnh phúc của số đông, vì lợi ích của số đông; vì hạnh phúc, vì lợi ích của chư thiên và loài người.”(1) Rõ ràng, xây dựng đời sống hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc, xã hội hạnh phúc, quốc gia hạnh phúc là ý nghĩa quan trọng của một xã hội lý tưởng mà những người con Phật mong muốn hướng đến trong sự nghiệp Hoằng pháp lợi sanh.

Cuộc đời đức Phật chính là biểu tượng của đời sống vị tha.

Cuộc đời đức Phật chính là biểu tượng của đời sống vị tha.

Thế nào là một xã hội lý tưởng

Xã hội lý tưởng, theo tinh thần Phật giáo thì phải là một xã hội mà tất cả người dân sống dựa trên tinh thần của đạo đức, lấy đạo đức làm gốc rễ của mọi khía cạnh đời sống. Đức Phật đã từng thể hiện tư tưởng của mình về một xã hội lý tưởng mà Ngài mong muốn được tạo ra. Trong Kinh Trường Bộ, nhân chuyện vua nước Magadha là Ajatasattu muốn xâm lược nước Vajjì, nên cho đại thần Vassakara đến hỏi Phật. Đức Phật đưa ra 7 điều và hỏi Ananda trước mặt Vassakara, nội dung như sau:

“1) Ngày nào mà dân chúng thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau.

2) Ngày nào mà dân chúng thường hay tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết.

3) Ngày nào mà không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống đã được ban hành thuở xưa.

4) Ngày nào mà dân chúng tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão.

5)Ngày nào mà dân chúng không cướp bóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ.

6) Ngày nào mà dân chúng còn tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các miếu tự ở trong và ngoài tỉnh thành, không bỏ lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp.

7) Ngày nào mà dân chúng bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp với các vị A-la- hán ở tại nơi mình, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến sẽ sống an lạc.

Này Vassakara, khi nào bảy pháp bất thối được duy trì giữa dân Vajjì, khi nào dân chúng Vajjì được giảng dạy bảy pháp bất thối này, thời dân Vajjì sẽ cường thịnh, không bị suy giảm”.(2)

Các giáo lý như Ngũ giới, Thập giới, Nhân quả, Nghiệp báo, Bát Chánh đạo, Tứ Điệu đế.v.v. đều nhằm nhắc nhở chúng đệ tử về sự nguy hiểm của tham ái và chấp thủ, đồng thời hướng đến một đời sống thanh tịnh và giải thoát.

Các giáo lý như Ngũ giới, Thập giới, Nhân quả, Nghiệp báo, Bát Chánh đạo, Tứ Điệu đế.v.v. đều nhằm nhắc nhở chúng đệ tử về sự nguy hiểm của tham ái và chấp thủ, đồng thời hướng đến một đời sống thanh tịnh và giải thoát.

Kinh tế học Phật giáo: Hướng tới một xã hội hạnh phúc hơn

Bảy Pháp này được đức Phật dạy nhằm áp dụng trong việc xây dựng một quốc gia lý tưởng, thịnh vượng và hùng cường. Liên hệ với vấn đề Tăng đoàn, bảy Pháp này cũng là kim chỉ nam để xây dựng một Tăng đoàn thanh tịnh và hoà hợp. Người Phật tử yêu chuộng hoà bình, ghét xung đột chiến tranh, mà những giá trị đó đã thu hút đức vua Ashoka tìm đến với Phật giáo như là chân lý soi sáng đức vua trong sự nghiệp lãnh đạo quốc gia và phát triển đất nước. Và cũng có thể nói rằng, dưới thời đức vua Ashoka, đất nước Ấn độ cổ đại được xem là một đất nước hưng thịnh, yên bình và thịnh vượng, được đức vua lãnh đạo dựa trên nền tảng đạo đức của Phật giáo.

Ngày nay, nhiều học giả cũng đã đưa ra các mô hình của một xã hội lý tưởng, mà những mô hình đó phù hợp với từng bối cảnh xã hội cụ thể. Thượng toạ Buddhasana đưa ra mô hình Chủ nghĩa xã hội chánh Pháp (Dhammic socialism) trong giai đoạn đấu tranh về hệ tư tưởng chính trị với nhiều hình thức như chủ nghĩa xã hội, xã hội dân chủ và chủ nghĩa cầm quyền ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, do sự tăng dần ảnh hưởng của chủ nghĩa vật chất (materialism), chủ nghĩa tiêu thụ (consumerism), chủ nghĩa tư bản (capitalism) đã tác động sâu sắc vào hệ thống kinh tế và văn hoá. Điều này càng nhấn mạnh hơn nữa đến vai trò của hình thức về xã hội chánh pháp (Dhammic socialism). Thượng toạ Buddhadasa đã kết hợp ba tư tưởng chính trị trên cùng với đạo đức Phật giáo thành một hệ thống Dân chủ xã hội Đạo đức Phật giáo (Dhammic socialist democracy) với cách quản lý lấy đạo đức Phật giáo thực hiện chức năng như là nền tảng, dân chủ như là phương tiện và xã hội chủ nghĩa là lợi ích lợi của nhân dân.(3)

Thượng tọa P.A. Payutto, một Tăng sĩ Thái Lan, cũng đã đưa ra một mô hình khác về một xã hội lý tưởng, mà nó là xã hội của thiện hữu, hay còn gọi là xã hội của các thiện tri thức (Kalyanamittata society). Xã hội lý tưởng này được dựa trên sự ảnh hưởng của những người bạn tốt, hay những người thiện hữu, nhằm xã hội hoá, hay các cá nhân có giáo dục cùng với quan điểm chân chánh (Sammādiṭṭhi) và hệ thống giáo dục chính là một phần của các hệ thống xã hội là sự liên hệ chính theo quan điểm của Thượng toạ P.A. Payutto. Thượng toạ cũng nhấn mạnh đến sự phụ thuộc lẫn nhau trong nhiều cấp độ từ con người, hệ thống tự nhiên và hệ thống xã hội như là phép ẩn dụ đối với sự kính ngưỡng ba ngôi Tam bảo Phật, Pháp và Tăng.(4)

Tinh thần vị tha liên hệ đến nguyên tắt sống và hành động vì lợi ích của người khác hơn chính bản thân mình.

Tinh thần vị tha liên hệ đến nguyên tắt sống và hành động vì lợi ích của người khác hơn chính bản thân mình.

Các đặc tính của một xã hội lý tưởng

Để xây dựng một xã hội lý tưởng, Tiến sĩ S.N. Sharma đã đưa ra một số các đặc tính, giúp chúng ta có thể hình dung rõ ràng một xã hội mà đức Phật mong muốn xây dựng thông qua giáo pháp của Ngài, đó là:(5)

1. Một xã hội dựa trên lý trí: Giáo pháp của đức Phật là đến để thấy chứ không không phải đến để tin (Ehipassika).(6) Đến để thấy nghĩa là bằng sự học hỏi, suy xét của chính mình để thấy rõ được ý nghĩa và giá trị của giáo lý mà áp dụng vào đời sống tu tập, chứ không phải tin một cách mù quáng để tôn thờ Ngài như một đấng thần linh. Trong Phật giáo, không có gì là bí mật về mặt thực tập, không thể bằng cầu nguyện mà thấy được chân lý và không có gì là huyền thoại xa vời; mà ở đây chỉ có chân lý và con đường để thể nhập được chân lý đó”.(7) Đức Phật dạy rằng, như người thông minh thử vàng bằng cách đốt nóng, hoặt cắt ra, hoặc cọ sát miếng vàng, cũng vậy các ông chỉ nên chấp nhận lời dạy của ta sau khi đã suy xét những lời dạy đó mà không phải chỉ vì tôn kính ta”.(8) Đức Phật từng khuyên các thầy Tỳ kheo không nên tức giận hay vui mừng khi có người xem thường hoặc tán thưởng Như Lai, bởi vì những lời tán thưởng hay khinh thường đó không thể nào đánh giá được chân lý của đức Thế Tôn.(9) Như vậy, một xã hội dựa trên lý trí đòi hỏi tất cả phải tỉnh táo trước mọi vấn đề, để không bị dẫn dắt một cách mù quáng dẫn đến khổ đau cho chính mình và mọi người.

2. Một xã hội bình đẳng: Đức Phật ghi nhận tất cả mọi người đều bình đẳng về mặt xã hội. Ngài đánh giá một con người theo chiều sâu tâm linh và giá trị đức hạnh mà không phải bằng các nền tảng khác như giai cấp, màu da, giống nòi, vùng miền hay ngôn ngữ.v.v. Chính điều này mà Ngài đã từng chấp nhận nhiều người có giai cấp thấp trong xã hội Ấn độ vào Tăng đoàn như người thợ hớt tóc Upāli, về sau đã trở thành bậc A-la-hán tinh thông Luật tạng hàng đầu trong giáo đoàn đức Thế Tôn. Đức Phật đã đưa ra một truyền thống dân chủ thuần tuý trong việc quản lý Tăng già. Ngài tin vào nhân cách của một con người, trong lời dạy cuối cùng, Thế Tôn khích lệ “Này các Tỳ- kheo, hãy tự nỗ lực để được giải thoát mọi sự trói buộc”,(10) điều đó biểu thị tầm quan trọng của những nỗ lực của tự thân nhằm vượt qua mọi số phận trong cuộc sống, và tất cả đều bình đẳng trước mọi số phận của cuộc đời.

3. Một xã hội cân bằng: Đức Phật từng khuyên các Tỳ kheo tránh xa hai thái cực trong cuộc sống, đó là khổ hạnh ép xác và hưởng thụ cuộc sống xa hoa; để hướng đến con đường Trung đạo, là trạng thái cân bằng trong cuộc sống.(11) Chủ nghĩa cực đoan là dấu hiệu của sự căng thẳng, lo âu, stress, ức chế về mặt tinh thần mà đức Phật khuyên các chúng đệ tử cần phải tránh. Thậm chí trong trường hợp về đức tin tôn giáo, việc cố chấp về quan điểm cực đoan và cuồng tín cũng có thể đưa đến sự xung đột và chiến tranh, mà nhiều cuộc đụng độ tôn giáo đã xảy ra trên thế giới trong những năm gần đây cũng vì sự cuồng tín này.

Hạnh phúc phải là thước đo để đánh giá một xã hội lý tưởng.

Hạnh phúc phải là thước đo để đánh giá một xã hội lý tưởng.

Phật giáo và truyền thống phúc lợi xã hội, nhập thế giúp đời

4. Một xã hội đạo đức: Đạo đức chính là nền tảng của hệ thống giáo lý đức Thế Tôn. Các giáo lý như Ngũ giới, Thập giới, Nhân quả, Nghiệp báo, Bát Chánh đạo, Tứ Điệu đế.v.v. đều nhằm nhắc nhở chúng đệ tử về sự nguy hiểm của tham ái và chấp thủ, đồng thời hướng đến một đời sống thanh tịnh và giải thoát. Trong giáo lý Phật giáo, đạo đức được xem như là bản chất của hoà bình, thịnh vượng, phát triển đối với cá nhân, xã hội và quốc gia. “Ở đâu có sự hiện hữu của Phật giáo, thì ở đó đạo đức được hiện hành và phát triển”.(12)

5. Một xã hội không ngừng vận động phát triển: Thông qua giáo lý Vô ngã (anattā) và Vô thường (anicca), đức Phật từng tuyên bố rõ ràng rằng, tất cả các Pháp đều chịu sự chi phối bởi vô thường; nghĩa là mọi sự vật hiện tượng luôn vận động, thay đổi liên tục không ngừng. Chính sự thay đổi không ngừng này mà con người có cơ hội để thay đổi chính bản thân mình, xã hội có cơ hội để thay đổi; ở đây là nỗ lực thay đổi hướng tới cái tốt đẹp hơn, thịnh vượng hơn chứ không phải thay đổi để tồi tệ hơn hay nghèo nàn hơn. Để đảm bảo được sự thay đổi hướng đến những điều tốt đẹp hơn trong xã hội, chúng ta cần phải gìn giữ và thực hành giáo lý của đức Thế Tôn. Giới luật mà đức Phật dạy nhằm kiểm soát mọi hành vi, và nó cũng là tinh tuý về sự phát triển nhân cách của một con người. Tổ chức Tăng đoàn được xem là một hệ thống xã hội tinh thần lý tưởng do đức Phật sáng lập, mà xã hội đó hoàn toàn dựa trên nền tảng của các nguyên tắt đạo đức, lấy Giới pháp làm thầy như đức Phật chỉ dạy(13), điều này phù hợp với tư tưởng xã hội pháp quyền của dân chủ hiện đại.

6. Một xã hội vị tha: Tinh thần vị tha liên hệ đến nguyên tắt sống và hành động vì lợi ích của người khác hơn chính bản thân mình. Có thể xem cuộc đời đức Phật chính là biểu tượng của đời sống vị tha. Ngài từng là một vị đương kim thái tử, từ bỏ cuộc sống vương giả để sống đời lang thang, thậm chí là khổ hạnh ép xác; tất cả chỉ vì hạnh phúc và giải thoát cho tất cả mọi loài. Sau khi đạt được giải thoát giác ngộ, Ngài cũng không giữ lại bất cứ một bí mật nào cho riêng mình. Suốt bốn mươi lăm năm, Ngài đi khắp hang cùng ngõ hẻm để hoá độ chúng sanh, tất cả vì lợi ích và hạnh phúc của chư thiên và loài người. Giáo lý của Ngài tất cả đều hướng đến xây dựng một xã hội an lạc, hoà bình và thịnh vượng. Thông điệp về lòng từ bi mà đức Thế Tôn chỉ dạy chính là việc cảm thông nỗi khổ niềm đau của tất cả chúng sanh, để luôn giúp đỡ và phụng sự cuộc đời bằng tất cả sự nỗ lực của tự thân.

Thông điệp về lòng từ bi mà đức Thế Tôn chỉ dạy chính là việc cảm thông nỗi khổ niềm đau của tất cả chúng sanh, để luôn giúp đỡ và phụng sự cuộc đời bằng tất cả sự nỗ lực của tự thân.

Thông điệp về lòng từ bi mà đức Thế Tôn chỉ dạy chính là việc cảm thông nỗi khổ niềm đau của tất cả chúng sanh, để luôn giúp đỡ và phụng sự cuộc đời bằng tất cả sự nỗ lực của tự thân.

Pháp (Dharma) là biểu hiện sức mạnh về chính trị xã hội

Từ thế kỷ thứ 19, nhân loại đã từng tạo nên một sự phát triển ấn tượng trong việc làm chủ công nghệ khoa học. Tuy nhiên, giống như tổ tiên chúng ta, con người hầu như không thể kiểm soát được hoàn cảnh trong đó chúng ta đang sống. Lý do thật đơn giản, con người hoàn toàn thất bại trong việc kiểm soát chính bản thân mình. Làn sóng bạo lực xung đột và chiến tranh lan rộng toàn cầu do sự xói mòn về các giá trị đạo đức và không kiểm soát được mọi hành vi. Vì thế, nếu chúng ta muốn giải quyết dứt điểm mọi vấn đề khủng hoảng của xã hội hiện đại, rõ ràng cần thiết quay lại để hiểu một cách đúng đắn rằng, Giáo pháp chính là biểu hiện của sức mạnh về chính trị xã hội.

Khái niệm về Pháp (Dharma) trong sự liên hệ đối với vấn đề chính trị xã hội đó là việc áp dụng đạo đức Phật giáo vào vấn đề quản lý nhà nước. Nguyên tắt của các quốc vương xưa trong việc xây dựng đất nước trở thành một vương quốc vĩ đại, thì phải duy trì cùng lúc hai nhiệm vụ đó là phát triển của cải vật chất quốc gia và duy trì nền tảng đạo đức trong đời sống xã hội. Nếu một trong hai nhiệm vụ đó thất bại, quốc gia đó sẽ bị yếu dần và suy tàn bởi sự xâm lăng của các quốc gia khác. Vì thế trách nhiệm của quốc vương là phải ngăn chặn được đói nghèo, vì đó là nguồn gốc của mọi tội phạm trong xã hội. Quốc vương phải quan tâm đến lợi ích của dân chúng từ nông thôn cho đến thành thị. Người nông dân phải được cung cấp các loại hạt giống và mở mang nông nghiệp, hoặc cung cấp các loại con giống nếu họ làm nghề chăn nuôi. Vì thế, nền kinh tế của quốc gia được mở rộng bởi quốc vương, đồng thời tăng năng suất lao động cho quốc gia. Các loại hình công nghiệp, nông nhiệp khác cũng phải được mở rộng bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các thương dân, cũng như gián tiếp khích lệ người dân mở rộng giao thương để gặt hái được thành công về kinh tế, nuôi sống gia đình và xã hội. Việc thực thi chính sách kinh tế nêu trên được cho là sẽ mang lại một cảm giác an toàn và hân hoan đối với tất cả dân chúng.(14)

Việc ứng dụng đạo đức mang tính phổ quát của Phật giáo trong việc quản lý nhà nước đã được đưa ra trong các câu chuyện của Jātakas, trong việc mô tả về một vị vua đức hạnh. Những câu chuyện của Jātakas đều ghi nhận các đức vua cai trị vương quốc của mình bằng đạo đức Phật giáo, họ thường xa lánh bốn nguyên nhân đưa đến những sai lầm (agatigamana), cụ thể là: sự kích động, ác tâm, ngu si và sợ hại; đồng thời thực hành mười trách nhiệm của một quốc vương (dasarajadharma), cụ thể: Phải rộng rãi và không ích kỷ, trau dồi phẩm hạnh đạo đức cao, sẵn sàng hy sinh niềm vui của mình cho hạnh phúc của thần dân, trung thực và liêm chính tuyệt đối, tử tế và nhẹ nhàng, sống đơn giản cho thần dân noi theo, giữ tâm không sân hận trong bất kỳ trường hợp nào, thực hành sự bất hại, luôn nhẫn nại, tôn trọng ý kiến cộng đồng để thúc đẩy hòa bình và hòa hợp.(15) Như vậy, bằng việc thực tập và áp dụng đạo đức Phật giáo vào đời sống tinh thần cũng như quản lý nhà nước, các quốc vương xưa đã từng làm hưng thịnh và an lạc, trở thành những vương quốc lý tưởng mà đức Phật đã từng khen ngợi như vương quốc Vaishali của dân chúng Lichavis.

Những đóng góp của Phật giáo vào việc đảm bảo an sinh xã hội

Đối với xã hội tinh thần lý tưởng, đức Phật được xem là nhà lãnh đạo tinh thần lý tưởng như thế.

Đối với xã hội tinh thần lý tưởng, đức Phật được xem là nhà lãnh đạo tinh thần lý tưởng như thế.

Khái niệm Phật giáo về một vị Chuyển luân thánh vương (Cakravartin) được liên hệ mật thiết với một sự điều hành quốc gia bằng lý tưởng Phật giáo, trong đó đạo đức và đức hạnh được xem là nền tảng cơ bản của một vị Chuyển luân thánh vương. Một vị Cakravartin phải kiểm soát chính bản thân mình và mọi hành vi đều phải liên hệ với chánh pháp (Dharma), cung cấp quyền lợi cho mọi tầng lớp nhân dân và đảm bảo an ninh cho quốc gia, an toàn cho đời sống người dân, đồng thời ngăn chặn mọi điều xấu ác và sai lầm.

Đối với xã hội lý tưởng, một vị chuyển luân thánh vương (Cakravartin) được xem là nhà lãnh đạo lý tưởng. Đối với xã hội tinh thần lý tưởng, đức Phật được xem là nhà lãnh đạo tinh thần lý tưởng như thế. Cả đức Phật và Chuyển luân thánh vương đều có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, đó đều là dấu hiệu của bậc đại nhân, với công đức thù thắng trong việc mang Chánh pháp (Dharma) để cứu giúp muôn nhân, mà vai trò của Cakravartin là cai trị quốc gia còn đức Phật là nhà lãnh đạo tâm linh. Lịch sử ghi nhận đức vua Ashoka được xem như một bậc Chuyển luân thánh vương (Cakravartin), người đã từng cai quản và trị vị một quốc gia Ấn Độ cổ đại rộng lớn từ đông sang tây, thống lãnh các quốc gia bé nhỏ khác không phải bằng đao kiếm hay xâm lăng mà bằng Chánh pháp (Dharma), bằng những triết lý đạo đức và đức hạnh của đức Phật Gautama.(16)

Sự bình an của nội tâm vượt ngoài của cải vật chất

Tiến sĩ Joseph Stieglitz, người từng đạt giải Noble kinh tế, phát biểu rằng “những khủng hoảng tài chính trong những năm gần đây có nguyên nhân sâu xa là do lòng tham của con người”.(17) Phát biểu này của một nhà kinh tế học rõ ràng ông đã thấy được bản chất của mọi vấn đề, không riêng gì khía cạnh kinh tế mà còn bao hàm các khía cạnh khác của cuộc sống. Để đáp ứng các nhu cầu về vật chất, con người tạo ra vô số sản phẩm nhằm phục vụ các nhu cầu của cuộc sống. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức các tài nguyên thiên nhiên cũng như các loài động vật đã đẩy chúng đến cạn kiệt và tuyệt chủng. Lòng tham đã khiến con người ngày càng trở nên dung tục và thấp hèn. Một xã hội được coi là phát triển thì xã hội đó phải văn minh cả về đời sống tâm linh và tiêu thụ của cải vật chất. Giới hạn của lòng tham là vô tận, thế nên tinh thần sẽ không bao giờ được giải phóng khi mà lòng tham vẫn còn ngự trị, như chính đức Phật đã dạy nguyên nhân của khổ chính là dục tham (tanha).(18)

Của cải vật chất mang lại cho con người những cảm giác dễ chịu, giúp con người đạt được những cảm giác thoả mãn các giác quan và cảm xúc. Rõ ràng rằng, “dục (tanha) luôn có vị ngọt”, như viên thuốc bọc đường, nếu không thấy sự nguy hiểm của việc tiêu thụ vật chất quá đà, nghĩa là không thấy được sự nguy hiểm của dục tham, chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội xa rời nó được (sự xuất ly).(19) Bằng con đường tâm linh, con người có thể cứu lấy cuộc đời từ những sai lầm trong việc tiêu thụ của cải vật chất, chỉ có chuyển hoá nội tâm, hướng đến lối sống vô tham thì mới giải phóng con người khỏi khổ đau, căng thẳng và bế tắc.

Của cải vật chất mang lại cho con người những cảm giác dễ chịu, giúp con người đạt được những cảm giác thoả mãn các giác quan và cảm xúc.

Của cải vật chất mang lại cho con người những cảm giác dễ chịu, giúp con người đạt được những cảm giác thoả mãn các giác quan và cảm xúc.

Khái niệm Phật giáo ghi nhận có hai loại dục, đó là tanha và chanda. Nếu tanha đưa đến dục tham, khát ái, thoả mãn các nhu cầu khoái lạc của các giác quan thì chanda hướng đến dục tinh tấn, là mong muốn mang lại các phúc lợi cho xã hội và quốc gia, đó là nội dung “Như Lai ra đời chỉ vì hạnh phúc và lợi ích của chư thiên và loài người”. Cả hai, chanda và tanha nhằm đắp ứng sự bằng lòng của nội tâm, nhưng chanda là sự nỗ lực và hành động dựa trên tình thương, trí tuệ và vô ngã, vô tham; ngược lại, tanha hướng đến việc làm giàu một cách mù quáng, bị dẫn dắt bởi vô minh và khát ái. Như vậy, Phật giáo hướng đến lìa bỏ dục tham (tanha) để xây dựng chanda, là nỗ lực vì lợi ích của tha nhân mà phụng sự. Được dẫn dắt bởi chanda, việc tạo ra của cải vật chất dĩ nhiên luôn mang tính bền vững, đó là phải đảm bảo được các yếu tố về bảo vệ môi trường, chất lượng sản phẩm và đóng góp phúc lợi xã hội; ngược lại, được dẫn dắt bởi tanha, của cải vật chất tạo ra chỉ phục vụ riêng cho cá nhân, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia xã hội, phá hoại môi trường, gây ra nhiều thiệt hại cho tự thân cũng như tha nhân.

Như vậy của cải vật chất hoàn toàn chỉ là phương tiện, trong khi đó sự bình an của nội tâm phải là mục đích cứu cánh để xây dựng một xã hội lý tưởng. Của cải vật chất, ở góc độ nào đó, là phương tiện giúp con người thoả mãn các nhu cầu trong cuộc sống, nhưng sự bình an nội tâm chỉ có được bằng tuệ giác Phật, đó là sự chuyển hoá, áp dụng các phương pháp thực tập được đức Thế Tôn chỉ dạy thông qua giáo pháp (Dharma) của Ngài. Khái niệm về chỉ số tăng trưởng hạnh phúc quốc gia (GNH) lần đầu được đưa ra và đã áp dụng bởi đức vua Jigme Singye Wangchuck của Bhutan năm 1972, nhằm thay thế chỉ số tăng trưởng sản phẩm quốc gia (GDP). Với sự theo đuổi lý tưởng này, đất nước Bhutan được đánh giá là đất nước hạnh phúc nhất thế giới, mặc dù kinh tế quốc gia thì không có gì đáng kể. Với kết quả đó, chúng ta có đủ bằng chứng để minh hoạ một xã hội lý tưởng, mà ở đó, tất cả đều sống dưới sự tôn trọng tính uy nghiêm của đạo đức và chân lý (Dharma).

Ban Từ thiện xã hội Trung ương GHPGVN làm từ thiện gần 2,4 nghìn tỷ đồng

Bằng con đường tâm linh, con người có thể cứu lấy cuộc đời từ những sai lầm trong việc tiêu thụ của cải vật chất, chỉ có chuyển hoá nội tâm, hướng đến lối sống vô tham thì mới giải phóng con người khỏi khổ đau, căng thẳng và bế tắc.

Bằng con đường tâm linh, con người có thể cứu lấy cuộc đời từ những sai lầm trong việc tiêu thụ của cải vật chất, chỉ có chuyển hoá nội tâm, hướng đến lối sống vô tham thì mới giải phóng con người khỏi khổ đau, căng thẳng và bế tắc.

Kết luận

Với những phân tích ở trên, có thể thấy rằng, hạnh phúc phải là thước đo để đánh giá một xã hội lý tưởng. Chúng ta không thể kết luận Phật giáo phát triển trong một xã hội nào đó, khi mà ở đó, nạn ma tuý vẫn tràn lan, bạo lực học đường, xâm hại tình dục và sự bất bình đẳng vẫn diễn ra hằng ngày. Thế thì hạnh phúc ở đâu ra trong một xã hội tồn tại các thực tế như vậy, đặc biệt là hạnh phúc dưới góc nhìn của Phật giáo. Phật giáo nỗ lực đóng góp các khía cạnh đạo đức tâm linh để xây dựng một xã hội vững chãi, làm nền tảng cơ bản, từ đó các khía cạnh kinh tế, chính trị xã hội sẽ được vận hành trên phương diện vì lợi ích chung, đảm bảo phúc lợi xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia và đảm bảo các giá trị thặng dư.

Sức mạnh của Pháp (Dharma) giúp điều chỉnh các hành vi của các thành viên chính phủ cũng như người dân, để tất cả cùng hướng đến một xã hội thanh bình, thịnh vượng, tránh được sự độc tài và chuyên chế có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Sức mạnh của bình an bên trong tâm hồn giúp xã hội dồi dào năng lượng trong việc phát triển kinh tế, để của cải vật chất không phải là ông chủ, và con người không phải là kẻ nô lệ trong việc tiêu thụ chúng. Tất cả những gì con người mong muốn vẫn là một sự tự do hoàn toàn, mọi sự trói buộc, trong đó trói buộc về tiêu thụ vật chất và trói buộc về dục vọng chính là nguyên nhân làm con người trở nên dụng tục và thấp hèn. Người con Phật phải văn minh hơn thế trong đời sống xã hội này, đó chính là lý tưởng cao quý cần phải nuôi dưỡng và thực hành.

Chú thích:

  1. Tăng Chi Bộ kinh: Chương 1, phẩm Một người, phần Như Lai, HT. Thích Minh Châu dịch
  2. Trường Bộ kinh: Mahaparinibbāna sutta, HT. Thích Minh Châu dịch
  3. Buddhadasa, Dhammic Socialism, tr. 80.
  4. Phra Warakorn Chayakaro (Poolsawat), Analytical Study of Ideal Society in the Light of Phra Dhammapitaka (P.A. Payutto), Graduate School: Mahachulalongkorn Universoty, 2001.
  5. S.N. Sharma, Buddhist Social and Moral Education, tr. 68-70.
  6. Mahavastu (Đại sử), Chương XX - The Mahāgovindīya-sūtra
  7. Shanti Bhikshu Shastri, Buddhist Ethics and Social Ideas, tr. 53.
  8. Shanti Bhikshu Shastri, sđd., tr. 54.
  9. Trường Bộ kinh: Brahmajāla sutta, HT. Thích Minh Châu dịch
  10. Trường Bộ kinh: Mahaparinibbāna sutta, HT. Thích Minh Châu dịch
  11. Tương Ưng Bộ kinh: Dhammacakkapavattana sutta, HT. Thích Minh Châu dịch
  12. S.N. Sharma, sđd., tr. 69.
  13. Kinh Di giáo, HT. Thích Trí Quang dịch.
  14. Trường Bộ kinh: Kinh Khởi Thế Nhân Bổn, HT. Thích Minh Châu dịch
  15. Nandiyamiga Jataka số 385.
  16. Prof. F. Chenet, The Buddhist Ideal of the King of Dharrma as a Social Force, trg. 20.
  17. Prof. F. Chenet, sđd., trg. 14
  18. Tương Ưng Bộ kinh: Dhammacakkapavattana sutta, HT. Thích Minh Châu dịch
  19. Trung Bộ kinh: Mahàdukkhakkhanda sutta, HT. Thích Minh Châu dịc

Tài liệu tham khảo:

  1. Đại tạng kinh Việt Nam: Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Chi, Tương Ưng,
  2. HT. Thích Minh Châu dịch, Viện NCPHVN ấn hành, PL. 2535 – DL. 1991
  3. Sharma, S.N, Buddhist Social and Moral Education, Delhi: Parimal Publications; 2011
  4. Buddhadasa, Dhammic Socialism, Bangkok: Prayoonwong Printing, 1999
  5. Chenet, F (Prof), The Buddhist Ideal of the King of Dharrma as a Social Force: Their Contemporary Relevance, ICDV Conference Volume, The 8th International Buddhist Conference on the UNDV Celebrations, Bangkok, Thailand, 2011

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo

Nghiên cứu 09:45 19/10/2024

Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.

Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội

Nghiên cứu 09:30 06/10/2024

Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.

Vài suy nghĩ về quyền động vật trong kinh, luật Phật giáo

Nghiên cứu 19:05 21/09/2024

Cảnh giới trí tuệ của chư Phật đã thấy và biết như thật rằng “tất cả mọi loài chúng sanh đều có tính Phật”, do đó, họ cần phải được tôn trọng, bảo tồn và thương yêu bình đẳng. Nói cách khác, từ tuệ giác của Đức Phật, Ngài đã thừa nhận “quyền động vật” nói riêng và muôn loài chúng sanh nói chung.

Xem thêm