Thứ năm, 22/12/2022, 08:34 AM

Xin lỗi Ông! Giá như con biết Phật pháp sớm hơn!

Giờ đây, con đã biết tụng Kinh, sám hối, ăn chay trường, tham gia các việc thiện nguyện giúp người giúp đời hướng về lối sống thiện lành, chắc Ông sẽ tự hào và hạnh phúc lắm khi biết ngã rẽ đúng đắn nhất mà đó giờ con làm đó chính là bước chân vào Chánh Pháp.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Ông Ngoại mất ngày 1-8-2016. 

Đã 6 năm trôi qua... 

Gửi Ông kính thương!

Hai tiếng: “Ông ơi!” bây giờ sao xa vời với con quá vì đã lâu lắm rồi con chưa được kêu lên như thế! 

Không còn thấy bóng dáng Ông lom khom dưới bếp với tay lấy chiếc bình thuỷ, khói bốc lên nghi ngút, Ông tự tay chế gói mì cho con ăn sáng.

Không còn mỗi sáng được ngồi sau chiếc xe đạp cũ kỹ cọc cạch, Ông đạp đều bánh đưa con cắp sách đến trường. Những làn gió khẽ chợt qua vai Ông rồi đến nơi tóc con, len lỏi trong những ánh nắng ấm áp của một sớm bình minh, khung cảnh ấy giản dị bình yên quá đỗi lạ thường! 

Giọng hát Pháp trang nghiêm, cái chân phải nhịp nhịp mỗi khi chiều tà của Ông làm cho con cháu trong nhà đều dừng việc mình đang làm lại để thưởng thức giai điệu ấy, Ông còn thể hiện những ca khúc ấy rất mãnh liệt chạm đến những xúc cảm của người nghe, đã lâu lắm rồi không ai trong nhà còn có thể được nghe những âm vang ấy.. 

Không còn thấy bóng dáng Ông ủi phẳng phiu chiếc áo sơ mi màu trắng ngà và cái quần tây đen của mình cả tiếng đồng hồ mỗi khi có sự kiện quan trọng… và vô vàn những thứ nay lại có tên gọi là: “Không còn”.

Tất cả chỉ còn là những hoài niệm, Ông nhỉ? 

Bởi vô thường và quy luật tự nhiên của sanh lão bệnh tử đã mang Ông của con đi… để lại cho con một khoảng trống quá lớn thế này! 

Tiếng nhịp tim của con vẫn đập rất mạnh, tràn ngập cảm xúc hụt hẫng như tiếng máy đo nhịp thở của Ông lúc Ông ngừng đi sự sống ấy… Sự sinh tử, tử sinh đó… chỉ cách nhau qua một tấm kính chắn trong suốt của bệnh viện. Khoảnh khắc đó những giọt nước mắt của các thành viên trong gia đình khiến con có cảm giác lại mặn hơn cả nước biển khắp nơi đổ về. Vậy thì, nỗi lòng xót xa của những người ở lại sao có thể nguôi ngoai phải không Ông?.... Bà Ngoại, người mà đã đồng hành cùng Ông suốt khoảng trời thanh xuân đến khi bạc màu trên mái đầu, nỗi niềm thương đau ấy sẽ gấp bội lần hơn, trong đôi mắt Bà Ngoại luôn vương vấn nhớ về người bạn đời của mình mà không có bất cứ từ ngữ nào để miêu tả được sự lẻ bóng đơn côi của tuổi về già đó…Một kiếp người hoá ra lại ngắn ngủi đến thế!

Thoáng đã 6 năm trôi qua, đây là lần đầu tiên con nhìn thẳng vào nội tâm và mở lòng về sự ra đi của Ông. Sự mất mát của gia đình sau ngần ấy năm thì bằng một mối lương duyên với Phật Pháp có lẽ là từ nhiều kiếp trước, nay duyên ấy đã chín muồi dẫn lối con đến với Đạo Phật. Từ đây từng nút thắt ẩn giấu trong tâm tư con dần được tháo gỡ và Phật Pháp đã giúp xoa dịu tâm hồn đời sống con rất nhiều. 

Dù có vẻ muộn màng với con ở thời điểm Ông mất vì con chẳng biết phải làm gì hay tạo một mảy may công đức nào để hồi hướng cho Ông, nhưng sau khi học và hiểu chút ít về lời Kinh tiếng Kệ thì con biết được rằng vẫn chưa quá muộn để con dành thời gian quán chiếu và tu tập suốt khoảng đời còn lại để hồi hướng đến Ông.” 

“Cuộc hồng trần xoay vần quá ngán 

Kiếp phù sanh tụ tán mấy lăm hồi? 

Người đời có biết chăng ôi!

Thân người tuy có, có rồi hoàn không 

Chiêm bao khéo khuấy lạ lùng

Mơ màng trong một giấc nồng mà chi

Làm cho buồn bã thế ni

Hôm qua còn đó, bữa nay đâu rồi”. (1)

Chương đầu bài học của con mở ra từ đây, sự vô thường mong manh trong từng hơi thở, con biết học cách trân trọng một đời người hơn là chạy theo dòng suy nghĩ hơn thua được mất. Giữa kẹt trong những quá khứ và vọng tưởng tương lai thì con đang học cách an trú vào hiện tai vì giây phút nào mình được sống hạnh phúc an lạc, mang lại lợi ích cho đời và cho người thì đó đã là giây phút đẹp nhất cuộc đời. 

Chứng kiến sự ra đi của những người xung quanh dù không phải là thân thuộc với con nhưng con vẫn rõ biết nỗi khổ, buồn đau hiện diện chất chứa nơi họ. Hỡi thế gian ơi! Những ai đang còn gia đình, người thân hãy trân trọng nhau dù chỉ là những hỏi thăm quan tâm nhỏ nhặt vì biết đâu đó là phút giây cuối cùng ta còn ở bên cạnh nhau! 

Hãy đặt câu hỏi cho bản thân rằng, liệu khi đứng trước cánh cửa tử thần mình sẽ chọn tha thứ bao dung cho đối phương hay vẫn chấp nhặt những điều không vừa lòng mà họ đã từng làm với mình, chính thực điều gì mới là quan trọng? Hãy tập tha thứ, hãy để tình thương nhiệm màu cho ta và người khi còn có thể..

Phật Pháp đã dạy cho con biết yêu thương, tha thứ, trân trọng, bao dung và sửa chữa lỗi lầm là gì và con cũng muốn lan toả những điều đó đến với những ai đang cứ mải mê đi tìm kiếm những điều xa vời mà quên đi thực tại, quên đi hạnh phúc bình an vốn dĩ sẵn có nơi mình.

Bài học vô thường luôn diễn ra hằng ngày, giúp con có cái nhìn sâu sắc, nhìn thấu vào bản chất của cuộc đời và tập chấp nhận mọi sự đến đi đều do nhân duyên.

Nếu không có những bài học này thì con mãi mãi sẽ không học được điều con cần phải học và cứ mãi vô minh rong ruổi theo những dòng cảm xúc, tư tưởng hỷ nộ ái ố quá đỗi tiêu cực của con người. 

Phật Pháp giúp con cẩn trọng sống tỉnh thức trong từng phút giây chứ không phải là khi vấp ngã mới nửa tỉnh nửa thức, mơ màng hỗn độn trong tâm niệm phức tạp của con người mà không còn chỗ để bình tâm nhìn ra chính mình.

Giờ đây, con đã biết tụng Kinh, sám hối, ăn chay trường, tham gia các việc thiện nguyện giúp người giúp đời hướng về lối sống thiện lành, chắc Ông sẽ tự hào và hạnh phúc lắm khi biết ngã rẽ đúng đắn nhất mà đó giờ con làm đó chính là bước chân vào Chánh Pháp. Con biết rằng trong cơ thể này của con có sự hợp nhất và gắn kết giữa Ông Bà, Cha Mẹ, Anh Chị Em, con xin trân trọng thân người khó được này và dành khoảng đời từ nay về sau để nỗ lực tu tập hồi hướng đến Ông cũng như tất cả mối nhân duyên con có được trên cuộc đời này. 

Cuộc đời đã không bằng phẳng thì sao không cố gắng giữ thăng bằng cho chính mình. Cảm ơn bài học cuộc đời để con thấy được chân tâm Phật tánh. 

Ông Ngoại ơi, con thương Ông lắm! Lá thư muộn con xin gửi Ông.  

Chú thích: (1) Trích dẫn bài Sám Tống Táng trong Kinh Nhật Tụng – Tiếng Việt. Ban Nghi Lễ Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh. Nhà Xuất Bản Hồng Đức.

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Lê Ngọc Phương Trang; Địa chỉ: 33 Nguyễn Hữu Thọ, phường Tân Hưng, Quận 7 – TP. HCM.

Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT - TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thần lực của lời di chúc

Đạo Phật trong trái tim tôi 12:15 20/12/2024

Đời người trăm năm, không gì ngoài sinh tử. Sinh thì lo sinh kế, Tử thì lo hậu sự lúc ra đi.

Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai

Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024

Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?

Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…

Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024

Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.

Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy

Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024

Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.

Xem thêm