100 ngày mất Nhạc sĩ Phú Quang: “Với người sáng tạo, hạnh phúc lớn nhất là sự cảm thông”
Nhạc sĩ Phú Quang vẫn luôn tâm niệm rằng: “Với người sáng tạo, hạnh phúc lớn nhất là sự cảm thông. Chính những sự cảm thông đơn sơ ấy đã cho tôi sự bình tĩnh trước vòng quay nhố nhăng của cuộc đời này”.
Những ngày tháng 3, hơi thở mùa xuân còn vương vất đâu đó. Mùi hoa bưởi trắng từ vườn bên cạnh làm tôi bâng khuâng. Mở ô cửa sổ cho hương tràn vào, bất giác gặp thoáng qua một giai điệu vẳng đến: “Dường như ai đi ngang cửa/ Gió mùa đông bắc se lòng/ Chút lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi…”
Không khó để nhận ra ca khúc quen thuộc ấy của người nhạc sĩ tài hoa Phú Quang mà mỗi dịp đông về, mọi người chọn nghe như một cách đằm lại với những hoài niệm đã qua. Sự thấu cảm tuyệt vời trong âm nhạc của Phú Quang đã làm cho một ca khúc về mùa Đông không chỉ đóng khung với dấu thời gian thực của nó, mà có thể được nghe, được hát lên ở bất kỳ mùa nào trong năm - khi con người ta muốn nói thay những gì còn luyến lưu và ấm áp.
Giai điệu ấy làm tôi nhớ về nhạc sĩ Phú Quang, về những lần có duyên gặp gỡ cùng chú. Nhớ, và bâng khuâng nhận ra giữa tháng 3 này là tròn 100 ngày chú đã từ tạ trần gian - sau hành trình 72 năm đến giữa cuộc đời, rút lòng nhả tơ cho nền âm nhạc Việt Nam
Người làm tình yêu Hà Nội trong tôi cháy sáng hơn
Tôi vẫn cho rằng cuộc sống là một hành trình ít nhiều đều có những sự an bài, sắp đặt nhất định. Và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không nghĩ một ngày cuộc sống lại đưa tôi đến gần hơn với người nhạc sĩ tài hoa của những tình khúc đã trở nên gắn bó máu thịt với mình chỉ bằng những video rất đỗi bình thường, bằng một email nhận được trong một sáng tháng Tám Hà Nội chơm chớm bước sang thu:
“Chào cháu!
Hôm nay chú mới xem cháu làm video bài “Hà Nội ngày trở về” trên trang Phú Quang Music. Chú rất cảm động khi xem những hình ảnh của cháu. Tháng 9 này chú có 3 đêm nhạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chú muốn hỏi xin cháu một vài hình ảnh để dùng trong đêm nhạc của chú, khi ca sĩ hát bài “Hà Nội ngày trở về”. Nếu cháu đồng ý thì phiền cháu gọi điện cho chú theo số máy 0903812xxx, chú cháu mình sẽ trao đổi thêm. Rất mong tin của cháu!
Chú Phú Quang”
Ngỡ ngàng trong giây lát trước email của một người nổi tiếng gửi đến, rồi tôi điện lại cho chú Quang. Và một buổi café gặp mặt được sắp xếp vào năm 2011…
Hà Nội một một ngày đỏng đảnh chợt nắng chợt mưa, tôi ghé quán café bình yên nép mình trên phố Nam Ngư. Vẫn cách trò chuyện cuốn hút, dễ gần như trong lần gặp đầu tiên, Phú Quang nói với tôi: “Chú thích những video cháu làm vì sự giản dị, không cầu kỳ, hoa mỹ trong đó, những hình ảnh rất gần gũi và hợp với câu, với tình trong nhạc của chú, nhất là video “Hà Nội ngày trở về”.”
Thực ra những video ca nhạc hay radio tôi làm, đơn giản chỉ vì sự say mê và tình yêu tôi dành cho ca khúc ấy, để tặng cho chính mình, và cho những người có chung sở thích, đồng cảm cùng tôi. Tôi không nghĩ một ngày người thắp lên trong tôi những tình yêu và đam mê đích thực với âm nhạc ấy lại xem được và hẹn gặp café.
“Hà Nội ngày trở về” với tôi có lẽ là tình khúc hay nhất về Hà Nội của Phú Quang mà bất kỳ ai sinh ra và lớn lên trên đất Hà thành này (hoặc chỉ làm mây lãng du ghé thăm trong một vài khoảnh khắc mà lòng luôn khắc khoải hoài niệm) khi soi vào trong ca từ, giai điệu của ông đều bắt gặp tình yêu và tiếng vọng từ sâu thẳm lòng mình đối với bà mẹ đang soi bóng tuổi nghìn năm. Hà Nội đẹp hơn trong nhạc của Phú Quang. Và nhạc của Phú Quang lại bồi đắp, làm tình yêu Hà Nội trong tôi mỗi ngày thêm cháy sáng.
18 tuổi tôi đến với Hà Nội - khi khoác lên mình cái mác của một tân sinh viên giữa chốn Hà thành. Hà Nội trong trái tim của một gã trai tỉnh lẻ ngày ấy là cả một niềm háo hức. Như dòng sông nhỏ chảy về biển lớn, bàn chân không mỏi trên chiếc xe đạp lang thang qua không biết bao nhiêu ngõ nhỏ phố nhỏ để kiếm tìm, khám phá những nét cổ kính thăng trầm, những giá trị thầm kín thiêng liêng của Hà Nội, cho thỏa khát khao thuở còn thơ bé.
Rồi từng ngày, từng ngày trên nhịp đập bình yên như sóng sông Hồng mơn man mang phù sa bồi đắp ấy, trôi qua tôi là những nụ cười, những cảnh đời, những tình người với nhiều được - mất, đúng - sai, trộn hòa cùng vui buồn, tiếc nuối, đam mê. Cả những phút yếu mềm lòng chênh vênh vấp ngã để rồi sau đó lại tự học cách gượng dậy mà bước đi. Hà Nội thành bà mẹ mang trong mình nhiều trải nghiệm, thầm lặng dạy cho các chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi những bài học cần thiết trước ngưỡng cửa vào đời. Bởi vậy mà trong sự “bồi hồi chạm bóng cửa ô” ngày trở về, Phú Quang liên tưởng đến hình ảnh “chạm vai gầy áo mẹ”…
Tôi còn nhớ trong lần offline với Nhạc sỹ Phú Quang (1.10.2010), trước khi ông hát bài Mẹ- một ca khúc mới nhất của ông. Ông chia sẻ: “Trong lần trở lại Hà Nội dịp kỷ niệm 1000 năm này, người ta cứ hỏi tôi có viết được bài nào về Hà Nội không. Tôi chỉ mỉm cười – tôi có bài Mẹ. Bởi tôi yêu Hà Nội như Mẹ, và chỉ cần như thế là đủ. Hà Nội mà được ai đó yêu như Mẹ thì đã là một niềm hạnh phúc rồi, vì chẳng có tình cảm nào lớn hơn tình mẹ nữa. Các bạn cứ để ý mà xem, trong một phiên tòa khi đứa con bị kết án tử hình – thì những người khác có thể hả hê, mãn nguyện – chỉ duy nhất người mẹ là bật khóc. Bởi trong lòng mẹ thì đứa con ấy dù có xấu đến đâu thì vẫn mãi chỉ là một đứa trẻ. Mỗi chúng ta dù lớn như thế nào thi cũng sẽ vẫn chỉ là một đứa trẻ trong mắt mẹ mà thôi. Chỉ khi mẹ mất đi rồi, chúng ta mới thực sự trưởng thành, thực sự là một người lớn…”
Tôi không nhớ chính xác từng câu từng lời của Phú Quang – nhưng ý diễn đạt lại thì là như vậy....
Hà Nội như mẹ, Hà Nội là mẹ - mẹ của những người con được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất rồng thiêng này, mẹ của cả hàng trăm hàng nghìn những người con xa xôi tìm về để học bài học làm người, để vững vàng hơn, trưởng thành hơn, và lòng cũng nhiều yêu thương hơn từ đôi tay mẹ Hà Nội bao dung…
Một Phú Quang gần gũi giữa đời thường và cô đơn trước cuộc đời
Tôi vẫn luôn nghĩ Phú Quang sống ở trong Sài Gòn, thi thoảng mới có mặt ở Hà Nội để làm chương trình, nhưng ngồi café trò chuyện mới biết nhà chú ở ngay gần ngõ tôi ở. Và chú nói chú rảnh vào các buổi chiều - nên tôi có thể qua nhà chú chơi vào thời gian đó.
Một chiều cuối tháng Tám năm 2011, tôi rủ cậu em cùng công ty qua thăm nhà nhạc sĩ Phú Quang và mang tặng chú ít ảnh về Hà Nội tôi chụp, ảnh tôi chụp chú trong hai lần gặp mặt trước cùng những video về nhạc của chú mà tôi đã làm. Vừa đến cổng, đã nghe có tiếng kèn vọng ra. Hóa ra ban nhạc có mặt ở nhà chú tập cho đêm diễn suốt từ sáng, vừa mới xong và đang ngồi nhậu vui vẻ cùng nhau. Anh Quyền Thiện Đắc đang cao hứng thổi luôn mấy tình khúc của chú Quang tặng mọi người. Tôi và cậu em ngồi vào bàn, uống chút bia với chú và ban nhạc, rồi chủ động xin rút lui trước. Chú Quang ghé tai tôi thì thầm: “Chú đang ngồi vui cùng anh em nên không trò chuyện được với cháu nhiều. Khoảng 20 giờ tối nay cháu qua nhé, chú cho xem vài trang hồi ký của chú!”.
Tôi không biết mình có phải là người đầu tiên trong số những người yêu nhạc của Phú Quang được đọc những trang hồi ký ngổn ngang vui buồn về cuộc đời của ông hay không, nhưng tôi thực sự vui, thấy lòng có nhiều hứng khởi (pha chút tò mò) với điều này.
Vậy là trong căn phòng khách trên tầng 2 của con ngõ nhỏ nằm giữa gió sông Hồng và gió hồ Tây đưa tới, nhạc sĩ Phú Quang ngồi xem những video tôi làm, còn tôi cặm cụi ngồi nhâm nhi những trang hồi ký của ông. Những mảnh ký ức buồn nhiều hơn vui, mang theo chiêm nghiệm trước cuộc đời của một chàng trai Hà thành mang tên Phú Quang cho tôi thêm hiểu, thêm yêu và trân trọng nhiều hơn về một thanh âm vẫn luôn trong trẻo và ấm tình; về “một con người với tất cả những lầm lỗi, những vinh quang, những khổ đau, những hạnh phúc như bao người - nhưng có một điều hắn không bao giờ phải hổ thẹn bởi bao giờ hắn cũng làm những điều mà không phải ân hận với lương tâm” (Trích - Hồi ký Phú Quang)
Ít tai biết được rằng, con đường đến với âm nhạc của Phú Quang lại bắt nguồn từ 15 đồng, một cân thịt, một cân đường, hai hộp sữa: “Hồi 6 - 8 tuổi, tôi được anh trai lớn của tôi dẫn đi thi vào trường múa. Tôi phản đối nhưng không được. Tôi bị anh tôi đưa đi tuyển với gương mặt rầu rĩ. Cũng may là tôi không được nhận vào trường múa (có thể là vì chân tôi đầu gối quá to, cũng có thể là tôi mang trên mình một cái đầu quá khổ…). Tuy nhiên tôi mừng vô cùng vì sự thất bại của anh tôi.
Không thành với việc biến tôi thành một chàng diễn viên múa, anh tôi quyết định cho tôi thi vào trường Âm nhạc (mãi sau này tôi mới biết lý do sâu xa của việc anh tôi quyết tâm đẩy tôi đến với nghệ thuật: Hồi đó cả đất nước sống nghèo khổ trong chế độ tem phiếu. Mỗi tháng một người chỉ được cung cấp một lạng thịt và một lạng đường - nhưng một học sinh nghệ thuật thì được học bổng 15 đồng, một cân thịt, một cân đường, hai hộp sữa). Tuy nhiên lần này thì tôi hài lòng, nhất là sau khi anh tôi cho tôi đi xem phim “Chú bé nhạc sĩ” - một bộ phim của Nga - và xem buổi biểu diễn của hệ sơ cấp trường Âm nhạc Việt Nam.
Tôi được vào học Âm nhạc khoa sơ cấp trong sự đánh giá cao về năng khiếu âm nhạc và được chọn vào môn kèn Corno. Ông thầy dạy tôi thời đầu tiên là một nghệ sỹ hạng hai của dàn nhạc giao hưởng Quốc gia. Ông rất thích tôi và rất khen ngợi khả năng âm nhạc của tôi, chỉ có điều ông rất hay ngủ gật (sau này tôi mới biết đó là bệnh của ông, có lần ông còn ngủ gật ngay trong khi dàn nhạc đang biểu diễn). Những lúc như thế tôi lại len lén lẻn ra chiếc vườn nhỏ đầy lá mục và mải mê nhặt những chiếc lá đã rữa hết chỉ còn lại những đường gân lá. Không biết tại sao thuở ấy tôi mê những chiếc lá ấy vô cùng. Có một cái gì đó thật quyến rũ và hớp hồn tôi từ trong sự tàn rữa… Những ngày học âm nhạc sơ cấp ấy là những ngày tràn đầy hạnh phúc của tuổi thơ tôi!” (Trích Hồi ký Phú Quang)
Cậu bé Phú Quang mang một tâm hồn đẹp như thế đi giữa cuộc đời, và hy vọng về những niềm tin - “tin vào lẽ phải, tin vào tất cả những gì mà tôi được người ta dạy dỗ ở nhà trường. Tôi tin rằng với sự thông minh của mình, với sự lao động miệt mài của mình, với những tình cảm chân thành mình dâng hiến cho cuộc đời và cho mọi người, hạnh phúc nhất định sẽ đến”. Nhưng rồi cuộc đời đã lạnh lùng đưa tay bóp vỡ những niềm tin trong trẻo ấy, và tất cả được Phú Quang dồn lại trong một truyện ngắn, rất ngắn mang tên “Mặt nạ” của mình (mà ông ngồi đối diện và đọc từ đầu đến cuối câu chuyện cho tôi nghe không cần nhìn bản thảo), để rồi năm 17 tuổi, tác phẩm đầu tay mang tên “Niềm tin” của ông ra đời.
Tôi thấy mình bị cuốn đi trước những biến cố, những sự kiện trong đời của Phú Quang, đặc biệt là trước cách kể mộc mạc, giản dị nhưng vẫn đầy lôi cuốn (tựa như những tình khúc của ông), để nhận ra có một Phú Quang lúc nào cũng trăn trở, day dứt với những tin yêu trước cuộc đời, một Phú Quang luôn cảm thấy lẻ loi trước đám đông. Và một Phú Quang cô đơn - nỗi cô đơn ấy được giấu dưới một vẻ mặt viên mãn, hả hê, chỉ còn biết tìm đến với âm nhạc, trút bầu tâm sự vào trong từng thanh âm, giai điệu để vơi nhẹ cõi lòng.
Hạnh phúc là sự cảm thông
Nhạc sĩ Phú Quang vẫn luôn tâm niệm rằng: “Với người sáng tạo, hạnh phúc lớn nhất là sự cảm thông. Chính những sự cảm thông đơn sơ ấy đã cho tôi sự bình tĩnh trước vòng quay nhố nhăng của cuộc đời này”.
Và tôi luôn cho rằng dù cuộc đời có những yêu ghét, đúng sai, dù mang nhiều gương mặt với những hình hài khác nhau qua mỗi chiếc “mặt nạ”, thì Phú Quang vẫn luôn là một người nghệ sĩ hạnh phúc khi cái tình trong đời sống, trong âm nhạc.
Âm nhạc của ông đã tỏa lan và mênh mông như một dòng sông - để những người yêu nhạc trôi trên dòng sông ấy giữa nhịp ngày ồn ào hối hả đua chen mà tìm đến một nơi chốn bình yên thực sự cho hồn mình nương náu…
Và tôi đã viết những dòng thơ này, với cảm hứng từ tên các bài hát của ông:
Em đừng hát "Khúc mùa thu”
Trong cơn mưa "Im lặng đêm Hà Nội"
"Chiều không em" tan dần vào tiếc nuối
Mãi xa rồi - "Thương lắm tóc dài ơi"!
Mưa tìm về "Phố cũ của tôi"
"Dương cầm lạnh" "Mơ về nơi xa lắm"
"Giọt thu buồn" "Heo may" "Gửi đôi mắt"
"Ngọn nến" tàn "Cho một người tình xa"
Hờn trách hoài, “Đâu phải bởi mùa thu"
"Tình khúc 24" "Trong miền ký ức"
"Lời tình muộn" trôi về "Hoàng hôn dốc"
Như "Chuyện bình thường cuối cùng" cho "Một dại khờ, một tôi"
Em đừng hát "Dịu dàng ơi"
"Thành phố đêm" thêm dài "Nỗi nhớ"
"Phía tối tâm hồn tôi" - "Nỗi khát khao mặt trời" rực đỏ
"Mùa thu giấu em" rồi - "Hư ảo" một "Lời rêu"
"Mây xưa" còn hồng như "Những ngày ta yêu nhau"?
"Nỗi nhớ mùa đông" thêm vò nhàu hoài niệm…
"Nếu như em đừng nhìn anh" "Trong ánh chớp số phận"
(Đừng "Nói với anh" về những điều Được - Mất)
Có lẽ tình mình đã ấm một "Ngày mai"…
"Dòng sông không trở lại "vì mùa đã phôi phai
Nơi "Quán thời gian"ru muộn màng tình nhớ
Ta đánh rơi những "Điều giản dị"
"Nỗi buồn" nào vương "Tình khúc mong manh"...
"Sẽ có một ngày" lặng lẽ "Sinh nhật đen"
Xin hãy hát bản "Rock buồn" trong sáng
Đắm lại một lần - dù chỉ là "Khoảnh khắc"
"Cho em và cũng là cho anh".
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm