Thứ tư, 06/03/2024, 15:00 PM

Câu hỏi thứ 10: Tại sao "Niết bàn vắng lặng"?

Tại sao “Niết bàn vắng lặng” mãi vẫn không thấy bóng dáng một ai, hay ta đang xem hiện tượng ùn ùn kéo đến Chơn Như vào ngày vía Trưởng Lão 1/1 hàng năm đó là Niết bàn chăng?

Định nghĩa Niết bàn vẫn còn là một đề tài để các học giả tranh luận vì giá trị nội hàm khái niệm khác với giá trị thực tiễn xác chứng cho một bậc đạo quả. “..Niết-bàn (sa.nirvāṇa) trong Phật giáo và Ấn Độ giáo, là mục đích chính và cuối cùng của các nhà tu hành. Tuy nhiên, Phật giáo lại nhìn nhận Niết bàn là trạng thái diệt tận được tham ái, sân hận và si mê để đạt đến trạng thái bình lặng tuyệt đối…”. 

“Ai lậu hoặc đoạn sạch,

Ăn uống không tham đắm,

Tự tại trong hành xứ,

“Không, vô tướng giải thoát.”

Như chim giữa hư không,

Dấu chân thật khó tìm. ”

(Kinh Pháp cú)

Để tránh những luận giải dài dòng và mơ hồ “Niết bàn” ở đây xin được gói gọn trong nội hàm xác chứng cho một bậc đạo quả mà con đường Giới-Định-Tuệ (sơ thiền - nhị, tam thiền - tứ thiền) đã đưa ra tức toàn bộ 3 bậc chứng đắc là không gian của Niết bàn, thế giới mà ai lậu hoặc đoạn sạch, “Không, vô tướng giải thoát.”

Câu hỏi thứ 9: Tại sao Tứ niệm xứ vào cuộc nâng cao lại rơi vào bế tắc?

01

Trạng thái bình lặng tuyệt đối mà Nguyên thuỷ vẫn dùng như một khẩu lệnh “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Tất nhiên đi sâu vào 3 bậc chứng đắc sẽ có những trạng thái cao thấp khác nhau. Như bậc tuệ với trạng thái xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh, diệt sạch hỷ ưu. Khi mà hành giả đạt được tứ thiền với thân tâm nhất như thân định trên tâm, tâm định trên thân. Thân và tâm hoàn toàn là một, là sự trùng khít của hai hình vuông có cạnh bằng nhau, hai hình tròn có cùng bán kính. Và khi ấy tự động các hành tịnh chỉ, hơi thở dừng lại, dừng hoàn toàn, dừng bặt như “ngủ đông”. Còn ở bậc Giới chính nó cũng có những chỉ dấu rõ ràng mà định nghĩa sơ thiền có nói đến trong ba bậc giải thoát khỏi những dính mắc buộc ràng GIỚI: sanh y (sơ thiền), Định: lão, bệnh (nhị, tam thiền), Tuệ: tử làm chủ cả cái chết (tứ thiền) tịnh chỉ hoàn toàn hơi thở, điều mà Trưởng lão đã làm được.

Giới làm chủ sanh y, Định làm chủ bệnh tật, già yếu, dứt sạch phiền não. Tuệ làm chủ cả sống chết, có thể chủ động chọn thời điểm để ra đi hoặc kéo dài thêm thọ mạng vì chưa hoàn thành gánh nặng thiện pháp nào đó. Cho đến hiện nay, chúng ta vẫn nghe truyền tai nhau hướng tâm làm chủ sinh già bệnh chết. Cách nói thuận miệng có vẻ như không có gì nhưng chính bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm lây lan như sự nhiễm độc ngôn từ như thế. Hướng tâm là có thể làm chủ như thế. Đức tin của con người luôn được nuôi trong dễ dãi, phấn khích đến mù quáng và vì vậy mê tín, thần quyền mới có chỗ len vào đời sống chúng sinh. Cuộc chiến thị phần bắt đầu như thế.

Riêng sanh y thôi - nghe qua có vẻ mơ hồ, khó nhận biết, điều mà kinh thánh cầu có nói đến

“…Này các Tỷ-kheo, có hai loại tầm cầu này: Thánh cầu và phi Thánh cầu. Chư Tỷ-kheo, và thế nào là phi Thánh cầu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu... tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm.

…, vợ con là bị sanh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sanh; dê và cừu là bị sanh; gà và heo là bị sanh; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị sanh; vàng và bạc là bị sanh. Này các tỉ kheo những chấp thủ ấy là bị già, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già.

… vợ con là bị già; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị già; dê và cừu là bị già; gà và heo là bị già; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị già; vàng và bạc là bị già.

…vợ con là bị bệnh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bi bệnh; dê và cừu là bị bệnh; gà và heo là bị bệnh; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị bệnh.

…vợ con là bi chết; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị chết; dê và cừu là bị chết; gà và heo là bị chết; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị chết.

… vợ con là bị sầu; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sầu; dê và cừu là bị sầu, gà và heo là bị sầu; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị sầu.

… vợ con là bị ô nhiễm; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị ô nhiễm; dê và cừu la bị ô nhiễm; gà và heo là bị ô nhiễm; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị ô nhiễm; vàng và bạc là bị ô nhiễm.

... Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là phi Thánh cầu.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh cầu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh...cái không bệnh...tự mình bị chết...cái bất tử... tự mình bị sầu...cái không sầu...tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, như vậy, gọi là Thánh cầu…”

Kinh thánh cầu miêu tả tất cả các bậc chứng đắc trong tam vô lậu học. Bậc đầu tiên: dứt bỏ hết sự ràng buộc, cột chặt cuộc đời vào đời sống thế tục như câu danh ngôn “Nhu cầu là lập luận của tên bạo chúa và là tín điều của kẻ nô lệ”. Con người luôn là một trong hai: hoặc là tên bạo chúa, hoặc là kẻ nô lệ.

Mổ xẻ từng câu từng chữ trong kinh tạng, bài bác sự chêm chẻ, thêm thắt của ngoại đạo như Trưởng lão đã làm thực sự không thừa. Nhưng nếu dành thời gian cho việc mổ xẻ, phân tích sự diệu dụng, sự hoàn hảo của chánh pháp có lẽ thật cần thiết, không bao giờ là thừa cả. Bạn có thể đọc thêm “Vị đạo sĩ chữa mọi thứ bệnh” để hiểu rằng khi có được một thể trạng khoẻ mạnh, dứt được tất cả bệnh tật, phiền não, ưu bi theo các pháp hành của Đức Phật mà bài “Xác định các pháp tu tập” của Trưởng lão đã nêu (đáng tiếc Trưởng lão đã bỏ quên chiếc chìa khoá nhất tâm này). Khi mà thân tâm của bạn đã gom về một mối. Nhất tâm chính là giai đoạn an trú sơ thiền “sung mãn” mà Trưởng lão đã nói.

Hoàn thành giai đoạn với 3 pháp Nhất tâm - Tứ niệm xứ - Tứ chánh cần, bạn có đủ tầm-tứ-hỷ-lạc và nhất tâm, để đối trị được 5 triền cái tham, sân, si, mạn, nghi, an trú trong sơ thiền. Thì đó là Niết bàn chứ phải đâu xa. Trạng thái sơ thiền được truyền đạt hiện tại thật mông lung, mơ hồ, huyễn hoặc bằng nhiếp tâm diệt vọng tưởng, diệt tạp niệm khiến không biết bao nhiêu tín đồ u u, minh minh đem sự ám thị vào niềm tin, sự tác ý ngày đêm vào tâm thức.

Điều thân, diệt tất cả ác Pháp trên thân, bệnh tật trên thân bằng Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, bằng tất cả tri kiến (pháp đầu tiên trong 7 pháp đoạn trừ lậu hoăc), bằng những kiến thức y học bổ sung, y học thực dụng, bằng cả…đánh gió. Đừng cười bạn ạ. Tây y đã diệt được phương pháp này hàng vài chục năm nay rồi. Điều thân cho đến khi trở về số không đó là điều phải làm cho dù bạn không muốn tu, bạn vẫn còn yêu cõi đời ô trược này bạn điều thân bằng mọi phương pháp để không phụ thuộc các loại độc dược. 

Điều tâm cũng vậy, nó không phải chăm chú nhiếp tâm đuổi bệnh, không phải nhiếp tâm diệt những vọng niệm, vọng tưởng mà bạn chỉ cần cho tâm bạn đời sống thoải mái, an lạc, nhẹ nhàng. Cái không gian tuy chưa phải Niết bàn nhưng ít ra sự chan hoà, thân ái đó chính là xả tâm chứ không phải cứ cúi gằm mặt mà đi chẳng ai nói với ai lời nào.  

Lời Phật dạy: 

“Hãy cầu vui Niết bàn

bỏ dục không nhiễm uế

Kẻ trí tự rửa sạch

Mọi cấu uế nội tâm”.

(Pháp Cú Kinh, 88)

Tất cả các pháp trên thế gian đều vô thường, mà pháp vô thường là pháp khổ. Pháp khổ từ dục sinh ra. Dục là uế nhiễm, bất tịnh. Do đó, chúng ta cần phải bỏ tất cả dục; dục hết là tâm bất động; dục hết là hết khổ, là tâm an vui.

Trên thế gian không có pháp nào mang đến cho chúng ta chân hạnh phúc trọn vẹn, chỉ vì điên đảo mà chúng ta chạy theo các pháp vô thường tìm hạnh phúc trong đó, cũng giống như chúng ta tìm lông rùa, sừng thỏ, có nghĩa là tìm hạnh phúc trong các pháp vô thường thì không bao giờ có được.

Vì thế, đức Phật dạy: “Hãy cầu vui Niết bàn”. Vậy Niết bàn là cảnh giới gì đây? Sao đức Phật lại bảo chúng ta hãy cầu vui Niết bàn?

Thưa các bạn! Niết bàn không phải là một cảnh giới, cũng không phải là một thế giới siêu hình, cũng không phải cõi thiên đàng, Cực lạc hay bất cứ một cõi trời nào, cũng không phải bản thể vũ trụ, Phật tánh.

Niết bàn là một trạng thái tâm hết tham, sân, si. Cho nên, trong bốn chân lý của đạo Phật gọi nó là “Diệt Ðế”. Diệt đế là một trạng thái tâm không còn dục, không còn ác pháp; tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ; tâm thanh thản an, lạc và vô sự. Trong tâm bất động như vậy, nó có một niềm vui an lạc mà không có dục. Vì nó mang cho mọi người một chân hạnh phúc như vậy nên đức Phật dạy: “Hãy cầu vui Niết bàn”. Nhưng muốn cầu vui Niết bàn thì phải làm sao?

Thưa các bạn! Muốn cầu vui Niết bàn thì đây là một con đường mà mọi người đều phải bước đi bằng trí óc và đôi chân của mình, chứ không có người nào đi thay cho mình được. Ðó là con đường Bát Chánh đạo. Con đường Bát Chánh đạo chia ra làm ba cấp tu tập:

- Cấp I thuộc về Giới Luật.

- Cấp II thuộc về Thiền Ðịnh.

- Cấp III thuộc về Trí Tuệ.

Mỗi cấp đều có pháp học và pháp hành.

Sau khi học và hành đúng, có nghĩa là phải trải qua ba cấp và tám lớp học, thì tâm người ấy mới vô lậu hoàn toàn, chứng quả A La Hán.

Sự tu học của Phật giáo cũng giống như chương trình học thức ngoài đời gồm có ba cấp:

1. Tiểu học

2. Trung học

3. Ðại học

Mỗi cấp đều có nhiều lớp học, cuối năm học mỗi lớp đều có thi chuyển lớp. Cuối mỗi cấp đều có thi chuyển cấp hay thi tốt nghiệp của cấp đó. Ví như: Tiểu học có bằng Tiểu học; Trung học có bằng Trung học; Ðại học có bằng Ðại học. Trong các cấp tu hành của Phật giáo cũng vậy:

- Cấp I Giới Luật. Khi học hết cấp này trọn vẹn thì được “cấp bằng” Nhập Lưu (Tu Ðà Hoàn), còn chưa học hết cấp thì tùy ở sự hiểu biết, tu tập và giữ gìn giới luật được nhiều hay ít, ít thì Hướng Lưu; nhiều thì Dự Lưu.

- Cấp II Tứ Thánh Ðịnh. Tu học hết cấp này trọn vẹn thì mới được “cấp bằng” Bất Lai, còn chưa trọn vẹn thì chỉ có “chứng chỉ” Thất Lai (Tư Ðà Hàm) cao hơn một chút nữa thì có “chứng chỉ” Nhất Lai (A Na Hàm).

- Cấp III Trí Tuệ Tam Minh. Tu học hết cấp này thì tâm vô lậu hoàn toàn được “cấp bằng” Niết bàn (A La Hán).

“Cấp bằng” cao nhất trong đạo Phật là Niết bàn. Vì thế, đức Phật dạy: “Hãy cầu vui Niết bàn”. Xem thế, chúng ta thấy rất rõ con đường tu theo Phật giáo, tu tới đâu có kết quả tới đó. Kết quả là sự giải thoát đúng như thật trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Tu ít kết quả ít, tu nhiều kết quả nhiều, nhưng phải tu tập đúng pháp, đúng cách, cũng giống như chương trình học ngoài đời vậy, học tới đâu biết tới đó, học ít biết ít, học nhiều biết nhiều.

Muốn đạt được Niết bàn theo như lời Phật dạy:

“Bỏ dục không nhiễm uế

Kẻ trí tự rửa sạch

Mọi cấu uế nội tâm”

Thưa các bạn! Ðọc ba câu kệ trên đây, chúng ta xét thấy pháp môn tu hành của đạo Phật rất đơn giản và cũng không khó hiểu. Phải không các bạn? Nhưng làm được việc này là một kỳ công. Vậy bỏ dục không nhiễm uế phải làm sao?

Muốn bỏ dục không nhiễm uế, hay tự rửa sạch mọi cấu uế nội tâm thì các bạn cần phải tu tập Tứ chánh cần, Tứ niệm xứ và Thân hành niệm, tức là hằng ngày phải ngăn ác diệt ác pháp, ly dục ly bất thiện pháp. Ðó là những phương pháp rửa sạch mọi cấu uế ở nội tâm. Tuy lời nói trong kinh Pháp Cú đơn giản nhưng tu hành phải tận lực, nếu không tận lực tu tập thì khó đạt được kết quả như ý mong ước.

Ðiều mà các bạn cần nên lưu ý: đó là tu tập Tứ chánh cần, Tứ niệm xứ, Thân hành niệm, các bạn không thiện xảo là bị ức chế tâm. Và ức chế tâm là các bạn không xả tâm. Không xả tâm thì dục không bao giờ hết. Cho nên phải lưu ý và quan tâm khi hành pháp.

Tôi giữ nguyên nội dung bài viết của Trưởng lão để tham khảo. Bài viết mà theo tôi Trưởng lão chỉ làm một loáng là xong. Tôi thực sự ái ngại, cân nhắc thận trọng khi đặt bút viết bài này vì nó liên quan đến chủ trương cải cách giáo dục của Trưởng lão, nó thực sự tác dụng đến một loạt câu hỏi (gồm 9 bài, 9 câu hỏi đã tải).

Động lực khiến tôi quyết định phải viết đó là suy nghĩ đến 33 năm miệt mài của thầy không đem lại kết quả cụ thể, không có một học trò nào “nhận bằng Niết bàn-la-hán” để nối tiếp con đường hoằng dương chánh Pháp. Tam vô lậu học chỉ rõ: Giới sanh định - Định sanh Tuệ. Và cũng từ kiến thức cơ bản này, thầy cho Định vào gọn trong cấp II, còn cấp I và III thì chèn các pháp xả tâm, ly dục, ly ác pháp (nhập sơ thiền- cấp I) hướng tâm với các công cụ tứ chánh cần, Tứ niệm xứ, thân hành niệm (và nhiều lần thầy nhấn mạnh về tứ thần túc, thất giác chi) để vào tam minh, để lây bằng Niết bàn. Như vậy, chúng ta chưa có Niết bàn vì chưa có ai đi đến tam minh. Các bạn đã nhận ra vấn đề ở đây chưa? Niết bàn mà Trưởng lão sử dụng chỉ cụ thể bậc tu chứng đó là tam minh. Điều này có chút nhầm lẫn với khái niệm niết bàn của Đức Phật là toàn bộ…3 bậc là không gian của niết bàn, thế giới mà Ai lậu hoặc đoạn sạch, “Không, vô tướng giải thoát.” Trạng thái bình lặng tuyệt đối mà Nguyên thuỷ vẫn dùng như một khẩu lệnh “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Nhầm lẫn này tương tự như cách thầy dùng khái niệm thiểu dục và ly dục.

Sự thiếu thận trọng từ ngữ (hay cố tình trộn lẫn?) dễ đưa đến nhập nhằng vàng thau lẫn lộn dễ bị nhiễm độc ngôn từ đó chính là khiếm khuyết lớn nhất của Nguyên thuỷ. Tất cả mọi người xem “ăn chay ngày một bữa” là “mục đích thiêng liêng nào đó” chứ không xem là “phương tiện quyết định” thay đổi căn bản về sinh lý.

Trước khi ăn chay ngày một bữa, tôi xem chuyện ăn uống là điều tiết sức khoẻ. Từng cố bổ sung tình trạng khí thực huyết hư, nhiệt (Khí Công Y Đạo) bằng thịt đỏ, bằng bún huế và phở mỗi sáng. Khoảng 1 năm không thay đổi, vẫn can vị bất hoà. Chỉ đến khi ăn chay ngày một bữa đã cho tôi kết quả không ngờ. Sau một năm, đợt phong toả covid tiêm ngừa, tôi được đo lại Ha vì thuộc hàng cao tuổi thì mới hay mọi thứ vào chỉ số chuẩn 141/85/80- con số mà trước đó tôi đã nhắm mắt nạp vào toàn thịt đỏ mà chẳng ra sao, đã ao ước và đã từng vất tất cả thiết bị đo đường, Ha, súng nhiệt kế, máy khí dung vì đã không bao giờ đạt chỉ số…Thử nghĩ xem một bên là pháp thọ dụng để thay đổi cả “sinh lý” “tâm lý” đó là “ăn chay ngày một bữa” với một bên là pháp tác ý, pháp ám thị chỉ có giá trị trên tâm. Cái ăn may nhờ phương pháp “ăn chay” này chưa bao giờ được đúc kết để hoạch định đường lối đúng đắn, dứt khoát. Thắng lợi thị phần đã làm cho mờ nhoè gánh nặng thiện Pháp. Người ta cứ vô tư, không màng đến sự nhiễm độc ngày càng nặng của đàn na.

Sự khác nhau giữa Đức Phật và Trưởng lão tôi đã phân tích. Chính vì Trưởng lão may mắn, vào đạo khá suông sẻ nên đã thiếu những “kinh nghiệm xương máu” nhầm lẫn nhất tâm và đưa đến bao nhiêu sai lầm khác sau này như đưa Định (Tứ thánh định) lọt thỏm vào cấp II, lại thêm lên cấp III mới cấp bằng A-la-hán còn tứ thiền, đạt bất lai vẫn chưa…Nên nhớ, con đường của Đức Phật là thiền định (tứ thánh) kể cả Tứ vô lượng tâm (kinh Bát Thành) cũng theo pháp để vào sơ thiền mà thôi. Nếu muốn đi tiếp phải đi sang thiền định. Các bạn đang tao sự nhầm lẫn dây chuyền rằng tứ vô lượng tâm cũng chiến thắng sanh-già-bệnh-chết. Tứ vô lượng tâm có tịnh chỉ các hành được không các bạn? Các bạn có thể vào đọc 10 bài về thiền đã được đăng tải. 

Tôi viết mà luôn nghĩ đến sự công kích của các môn đồ “tử vì đạo”. Có thể họ sẽ xúm vào mà ném đá, chửi rủa kẻ hậu bối này. Nhưng tôi xin nhẫn nhục, chấp tay mà xá các vị. Đời sống lục hoà không có nghĩa rằng không tu tập, sửa chữa những khiếm khuyết, những cái sai hàng ngày đi qua con mắt của bạn. Tôi vẫn dành cho thầy sự kính trọng nguyên vẹn. Toàn bộ các bộ sách “ Đường về xứ Phật”, “Những lời gốc Phật dạy” vẫn là sách gối đầu nằm của tôi. Nhưng trên đường tìm đến 4 chân lý, các bạn có thể né tránh chướng ngại, các vật sắc nhọn, những rác rưởi còn tôi thì không. Ở Trường Sinh Học tôi cũng từng làm thế, từng xắn tay vào dọn quang ngay khi không còn ở đấy. Hãy vì con đường chánh Pháp. Công kích đả phá không phải là mục đích của tôi các bạn ạ. 

“…Công kích, đả phá sự u mê, sự lợi dụng lòng tin của đàn na dù hằn hộc mạnh mẽ tới đâu cũng không làm cho thay đổi pháp giới, không làm biến chuyển cái trật tự tôn giáo đã có mà chỉ có thể tạo nên sự xung đột tôn giáo, sư kỳ thị hệ phái. Mặc khác, đã vô hình chung làm biến dịch, thay đổi từ trường thiện lành, khả dĩ chuyển dịch thay đổi hành trình gieo duyên nhân quả cho hội nhóm, cho tổ chức, cá nhân mà thôi. Nghĩ tưởng đến một sự thay đổi cả thế giới khi dựng lại chánh pháp đó là sai lầm mà cả Đức Phật cũng không mơ như thế…”

Toàn bộ con đường Tự lực là con đường mà Đức Phật đã dày công khám phá và đã truyền đạt lại chúng sinh trên địa cầu này. Nhưng để gieo duyên cho chúng sinh, truyền đạt lại con đường tự do đó, Đức Phật cũng không mong tất cả mọi chúng sinh đều có thể nghe, đều có thể hiểu đều có thể hành. Tất cả đều tuỳ duyên mà hoá độ.

Vì vậy Đức Phật chẳng đau đáu những trăn trở vì sự vô minh của đám học trò cứ lén lút phá hạnh độc cư, lén lút ăn phi thời lén lút ngồi thiền ức chế tâm…Không tuyên thuyết dựng lên một tôn giáo, Đức Phật lại tạo nên một tôn giáo rộng khắp hành tinh. Trưởng lão thì ngược lại: Muốn dựng lại chánh Pháp, phục hưng lại Đạo Phật đã bị “ Bà-la-môn dìm chết hơn 2500” lại kiến tạo những sai lầm khó sửa chữa và cuộc chiến thị phần. Hành trình nhân quả luôn được định đoạt bởi câu châm ngôn “gieo hành vi, gặt tính cách, gieo tính cách, gặt số phận”. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà

Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024

Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.

Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn

Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024

Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.

Tôi tin nhân quả

Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024

Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.

Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…

Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024

Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.

Xem thêm