Chỉ số chất Phật trong con người
Để nhìn vào cuộc sống thực tế và đi tìm “chỉ số” cho căn cơ ấy, tôi muốn trình bày cùng quý vị những mẫu chuyện suy ngẫm mà tôi đã thu lượm được; và từ đó ta sẽ định được cái “chất Phật” hay “Tính Giác Ngộ” của cái “Phật tính” mà mình đang mang trong người!
Trong Đạo Phật người ta thường hay dùng đến chữ “Căn cơ” hay là “căn duyên” để nói đến những người có duyên tìm đến đạo. Lúc đầu tôi không hiểu cho lắm, mà cứ nghĩ là ai muốn tìm hiểu hay theo thì người ta theo, chứ sao lại là căn cơ hoặc là căn duyên? Nhưng đến khi mình bị bệnh hoạn, buồn bã với nhiều suy nghĩ, ưu tư thì bỗng nhiên, trong thời gian cố ổn định tinh thần, lại có những điều, hiện tượng xảy ra khiến mình không hiểu nỗi, để rồi phải đi tìm hiểu ở các tôn giáo xem có các sự kiện ấy không? Đến khi tìm vào kinh điển Phật giáo mới thấy sự giải đáp được dần hé lộ. Thế là mình lại lần mò thêm vào kinh điển nhiều hơn nữa! Sự lần mò ấy tạo nên thích thú càng sâu đậm! Sau cùng, tôi quyết định ghi lại thành các bài trong kiến thức hạn hẹp của mình để chia sẻ cùng với những người khác, ngoài cái mong ước trình bày cái mình “có được” trong lúc ổn định tinh thần bằng sự “e dè” và cẩn trọng!
Rồi lại đến một lúc đang chuyện trò với bạn bè về chuyện “Đi Chùa” có người thích, có người không? Thì bỗng dưng, tôi lại nhớ đến cảnh tượng thực tế ở các ngôi chùa! Ngôi Chùa và các Sư Thầy, Sư Cô là biểu tượng, cùng với sự hành trì giáo lý của Đạo Phật! Đối với ngôi chùa có nhiều người đi ngang qua: Có người đến cổng chùa người ta quay sang hướng khác, đó là những người mà họ không thích, không ưa dù họ chưa biết gì về Đạo Phật.
Có người dửng dưng khi qua, chứng tỏ họ chẳng hề quan tâm ngoài cuộc sống của đời thường. Có người đứng lại nhìn cổng chùa xem coi lạ lẫm về kiến trúc hoặc hình dáng. Có người nhìn sâu vào ngôi chùa để xem cảnh chùa ra sao? Có người bước qua cổng vào sân chùa ngấm nghía. Có người bước lên thềm chùa mà không vào. Có người vào nhưng không lễ Phật. Có người vào lễ và tụng kinh. Rồi có người tìm hiểu sâu vào đời tu hành và kinh điển. Có người hội nhập và hành trì. Tất cả những sự khác nhau đó khiến tôi phải nghĩ đến hai chữ “Căn cơ”. Căn cơ của mỗi người khác nhau, tất thái độ hành xử cũng như vị trí của họ đối với Đạo Phật sẽ khác nhau.
Quả thực, người đến với Đạo Phật là tùy theo “Duyên” và gắn bó như thế nào là do “Căn cơ”, vì Đạo Phật không giống với nhiều tôn giáo khác là bắt buộc phải theo truyền thống gia đình, hay những luật lệ nào do giáo hội qui định, hoặc có tham vọng để thống trị thế gian. Do đó, người theo Đạo Phật được thoải mái, tự do trong đức tin của mình, không hề bị một thứ gì o ép.
Để nhìn vào cuộc sống thực tế và đi tìm “chỉ số” cho căn cơ ấy, tôi muốn trình bày cùng Quý Vị những mẫu chuyện suy ngẫm mà tôi đã thu lượm được; và từ đó ta sẽ định được cái “Chất Phật” hay “Tính Giác Ngộ” của cái “Phật tính” mà mình đang mang trong người!
Cũng như lần trước, khi về đến Việt Nam tôi và vợ tôi vẫn phải theo thủ tục thông lệ, là bỏ thì giờ đi thăm bà con bốn họ: Nội ngoại bên vợ, nội ngoại của tôi mặc dù thời gian lưu lại rất là ngắn ngủi, chỉ một tuần lễ. Chúng tôi tranh thủ, gấp rút để còn về lo công việc làm ăn của mình. Các cô bác, chú cậu, dì dượng trở nên già hết rồi. So với lần trước mới cách hai năm mà bây giờ đã khác quá xa. Có một số mất đi, số còn lại ở hàng 70 thì sức khoẻ tương đối, số ở hàng 80 thì yếu lắm! Người càng yếu thì sự mong mỏi được chết đối với họ lại càng mãnh liệt. Cuộc sống sinh bệnh lão tử quả là vấn đề lớn! Nhưng khi còn vào lứa tuổi thanh niên và trung niên người ta ít ai hề nghĩ đến. Có người thì bảo: “Lần sau, tụi bây về chắc không còn gặp tao”; Lại có người “Người ta chết đông chết tây quá chừng, mà sao tao với bả không chết”? Có cô tôi thoải mái thôi “Chết mà sướng à mầy, à mà chừng nào chết thì chết”! Thế nhưng, có một câu nói làm tôi hồi tưởng về một ý niệm: Số là bà 10 (em bà nội) của tôi, có lẽ còn nhỏ tuổi hơn cô tôi nhưng cũng ở vào hàng 80, khi tôi đến thăm hỏi bà khỏe không? Bà bảo không khoẻ lắm, nhưng mà ngủ không được! Tôi ngạc nhiên hỏi lý do, Bà bảo: “Không biết tại sao mà bà cứ nhớ lại mọi chuyện hồi xưa con à, cứ nhắm mắt lại là nhớ, nên bà ngủ không được”! Từ lâu, tôi đã có mang máng về ý nghĩ ấy, thế mà hôm nay Bà lại xác định cho tôi. Bây giờ nhớ lại viết thành bài để tôi bạn cùng trao đổi lý, sự của cuộc đời và tìm sâu vào đạo Phật.
Lúc nhỏ, khi còn ở chung với ông nội tôi, cứ mỗi buổi sáng vào khoảng 3, 4 giờ thì ông đã thức, rồi nấu nước pha trà ngồi uống một mình. Chừng lát sau, thì ông 7 nhà kế bên, và ông hai tôi bên kia đường thấy ánh đèn cùng nhau hợp lại, có khi thêm ông dượng hai, hoặc ông sáu kế nhà ông hai. Các ông ấy kể chuyện đời, chuyện hồi xưa, chuyện thế sự...Không biết lúc đó trong đầu óc các ông có giống như một cuồn phim chiếu bóng không? Chứ tôi nghe mà tưởng tượng các lớp lang xếp đặt như trong một tuồng hát. Về sau, lớn lên có dịp đi xa, thỉnh thoảng nghe các người già cũng nói nhau: Họ ngủ không nhiều, sáng thức sớm ngồi uống nước trà trầm ngâm ôn lại chuyện đời và nhắc đến những lúc làm các điều đúng, điều sai...Tôi lấy làm lạ tự hỏi “Tại sao con người lại như vậy? Cứ vào khoảng ngoài 50 trở đi, họ lại thường có một diễn tiến tâm lý như nhau”? Và đến khi tôi nhận thức được chút ít về giáo lý đạo Phật, thì điều ấy không còn là lạ nữa: Vì đó là cái tâm thức, cái Phật tính bắt đầu hoạt động trở lại, sau khi thân xác đến giai đoạn từ từ yên nghỉ. Lúc còn nhỏ thì trí óc chưa phát triển. Khi trưởng thành lớn lên thì thể xác đòi hỏi những nhu cầu, người ta lo làm, vật lộn với cuộc sống để đáp ứng cho thân xác, hệ quả của nó là gia đình và đại gia đình.
Trường hợp ấy giống như các Dục Ái luôn thúc đẩy con người hoạt động, gây sóng gió nên mặt nước không thể yên lặng được. Tới thời gian con cái đã lớn, sự nghiệp tạm ổn thì thân xác vào tuổi yên tịnh, tâm thức mới lộ ra mà xét lại chuyện đời. Cuồn phim cuộc sống được trả trở lại, chiếu từ từ lên màn ảnh tri thức: Bao nhiêu điều Thiện, bao nhiêu điều Ác được đúc kết để con người sám hối lần lần trong tâm thức. Tại sao ta nói là “lần lần trong tâm thức”, vì thực ra, mỗi con người ai cũng có tự ái và ái ngại nên ít khi thổ lộ với người ngoài. Đó là lý do tại sao người ta về già hay đề cập đến Tu Hành. Ấy là một sự bình thường của những người bình thường. Còn đối với những người có “căn cơ” thì lại khác.
Nếu bạn từ trong một hoàn cảnh khổ đau, thiếu thốn bất hạnh, bạn hay sống về nội tâm, bạn thường tự hỏi về hoàn cảnh, số phận; bạn thường kiểm điểm từng ngày, từng thời gian cho nên bạn không xao lãng, theo dõi hành động của mình. Vì vậy, bạn có thể biết được khi nào bạn làm điều đúng, khi nào bạn làm điều sai; khi nào ý thiện bắt đầu, khi nào ý ác khởi sanh. Còn nếu bạn là người giàu có, hay bạn chạy theo nhu cầu vật dục để thoả mãn đòi hỏi, bạn có thể làm bất cứ điều gì để đạt được thành quả mong muốn, thì bạn sẽ bị “mờ mắt” hay mắt, trí não, phật tính bị màn u minh che khuất, bạn không ý thức rõ được giữa thiện và ác!
Nếu hiểu chữ “Phật” là Giác Ngộ thì bạn có thể biết được trong con người của bạn có bao nhiêu phần trăm “chất Phật”. Giả sử như bạn làm 100 điều sai cả mà bạn nghĩ là bạn làm đúng, có nhiều người chỉ cho bạn, bạn coi họ là nói bậy, thì chất Phật của bạn là 0 % (bạn là kẻ u mê hoàn toàn). Nếu bạn làm 100 việc bạn biết rất rõ 50 việc là đúng hoặc sai, còn 50 việc bạn còn “u mê”, thì “sự giác ngộ” của bạn là 50%. Và nếu bạn biết rõ 100 việc bạn làm chỉ có 30 việc là đúng, và 70 việc kia là sai thì chất Phật của bạn là 100%; vì bạn biết rõ hoàn toàn những việc làm của bạn đúng hay sai. Nhưng bạn chưa phải là “Bậc Giác Ngộ” vì bạn cần phải “tu” tức là sửa sai 70 việc kia. Đến khi bạn “hiểu rõ, rất rõ ràng những điều mình suy nghĩ, nói ra, hành động đều đúng 100%” thì bạn là Bậc Giác Ngộ, là Phật. Đó mới chỉ là Phật thôi! Và nếu bạn phát triển được tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả tức Tứ Vô Lượng Tâm đem độ cho mọi chúng sanh thì bạn mới đạt đến đạo “Vô Thượng Bồ Đề”. Đó là lý do tại sao trong Kinh các vị Bồ Tát, Phật thường có những đại nguyện rất là lớn lao. Tại vì con đường đi là như vậy! Khi bạn còn nhỏ, bạn chưa biết đi, người ta chỉ cho bạn, dìu dắt bạn đi. Khi bạn đi vững vàng, bạn đi thong thả, nhanh nhẹn, gọn gàng; đến khi bạn chạy không bị vấp ngã thì bạn nhìn lại thấy những người khác đi lướng vướng, ngã lên ngã xuống thì bạn thấy thương muốn giúp họ, chỉ là vậy thôi! Các vị Phật, Bồ Tát không khác.
Thói thường trong đời, do căn nguyên, nghiệp quả có nhiều người cứ mãi nói “Cần gì phải Tu, mình làm những gì đúng với lương tâm của mình là đủ rồi, Tu để làm gì”? Thực ra, họ không hiểu rõ đó thôi! Tu không phải là cái gì xa lạ, Tu là “Sửa” là “Trau giồi”, là “Chỉnh đốn” lại những cái sai, cái xấu trở thành được tốt, đem ích lợi đến cho mình, cho mọi người, cho tất cả chúng sanh. Còn về lương tâm thì họ lại tự đánh lừa lương tâm của họ: Bạn cứ nghĩ lương tâm của một thầy tu khi “lỡ làm chết một con kiến” có khác với lương tâm của một tên cướp khi “quyết giết một con kiến” hay không? Sự ăn năn sẽ khác nhau thì lương tâm của họ cũng khác nhau. Tên tướng cướp sẽ dửng dưng khi giết con kiến mà thầy tu thì hối hận vô ngần khi lỡ làm con kiến chết. Bạn thấy thế nào? Tôi viết có bậy lắm không?
Viết một cách tổng quát thì như thế đó để bạn có một ý niệm đo lường về “Chất Phật” trong con người của bạn. Từ đó bạn có thể hiểu được “đẳng cấp” trong không gian trên đường về “Xứ Phật” của mình; và bạn cũng không ngạc nhiên cùng có thể hiểu được ở những kiếp trước mình đã có Tu hay chưa? Và đường tu của mình có còn bao xa..!
Trở lại phần “Ôn lại cuối đời”, mỗi con người sinh ra gần như gắn liền với một Định số (Định số là những nghiệp quả, định nghiệp mình phải trả hoặc nhận được trong kiếp hiện tại, chứ không phải là số mệnh hay ý trời trong thuyết “Thiên mệnh” của Khổng Giáo, hoặc do “Ý Chúa muốn”. Đời người giống như một vai trò trong tuồng hát, đến giai đoạn nào phải diễn tiến, diễn xuất như vậy thì phải làm như vậy. Và đến khi nào chấm dứt thì chấm dứt (chết). Cũng giống như người kịch sĩ trước khi nhận vai trò trong một vở tuồng nào đó, thì đã hiểu vai trò đó phải diễn ra sao rồi: Vì vậy con người trước khi sinh ra đời đã chọn một định số sẵn sàng do “nghiệp” các kiếp trước mình tạo ra; Hay nói theo cách của Duy Thức Học là thời điểm sắp tới là lúc các “chủng tử chín mùi”, đủ diều kiện sẽ nẩy mầm để tạo nên số phận của mình! Còn việc trong khi “miễn cưỡng” diễn trò mà tâm hồn chán nãn, thì người ta vừa “diễn trả nợ” lại vừa thối lui...tìm con đường tu để không gây nhân nữa mà chỉ lo trả nợ cũ thôi. Khi hết nợ, họ sẽ ung dung tự tại, đứng ngoài lề cuộc chơi, rời khỏi dòng nước lôi cuốn của luân hồi.
Hiện tượng nằm hay ngồi trầm tư, suy nghĩ lại “diễn tiến trong đời” của con người là một sự tất yếu; giống như mọi người hay một tổ chức khi hoàn tất một công việc, công tác gì đó thì rút kinh nghiệm đúng sai, hoặc hay dở để hoàn thiện cho những lần sau. Còn con người thì tách ra điều thiện, điều ác để xem mình làm được những gì tốt, những gì xấu để rồi Tự ăn năn, tự sám hối, tu tịnh để giải bớt hành trang “Nhân kiếp sau”. Và kết quả “Các nghiệp còn lại” ấy gọi là “Cận tử nghiệp” mà các đời sau phải giải quyết. Sự thương, ghét, luyến lưu hay mơ ước còn “được có” là ý nguyện muốn trở lại luân hồi.
Nếu trút bỏ được tất cả để tâm thức thanh thản ra đi, rời cái thân xác ô uế, vô thường thì sẽ được về nơi tự tại, cõi cực lạc và thản nhiên.
Nhưng thói thường, con người muốn vậy không nhiều, vì đa số hãy còn mang nặng Tham, Ái, Dục, còn thích chơi trong cõi đời nầy; họ còn chưa trả thù người kia được, họ còn tiếc nuối không cưới được người yêu xưa,...Thân xác sắp ra đi mà lòng vương vấn con còn bé nhỏ, cần họ săn sóc...Vì vậy, tâm thức họ lìa xác mà không nở đi xa, “họ lẩn quẩn” ở lại, làm cho người thân phải sợ sệt.
Thế thì bạn có nghĩ rằng “Bạn sẽ làm gì?” trong giai đoạn cuối cùng, để cho tâm hồn an lạc và lên được bến bờ. Con đường Đức Phật đã chỉ rõ cho bạn rồi! Đi hay không là do chính bạn: “Hãy tự thấp đuốc lên mà đi”!...
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm