Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 19/09/2020, 10:30 AM

Chuyện đời của một sư cô

Đạo và đời nương tựa bên nhau, như con thuyền trôi trên một dòng sông. Thiếu con sông, chiếc thuyền mất đi ý nghĩa. Vắng bóng thuyền, dòng sông không còn thi vị, hữu tình.

Hành trình không mệt mỏi nuôi nấng nhiều trẻ mồ côi ở Chùa Kỳ Quang 2

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mượn hình ảnh trên qua lời của một nhà sư, bài viết này xin mời người đọc ghé thăm một sư cô trên dòng đời bồng bềnh của muôn vạn kiếp người. Ðời của sư cô chứng nghiệm cuộc sống của một người đời bước vào con đường đạo.

(…) Tôi vẫn mong biết thêm về đời tu riêng tư của mỗi vị sư. Họ tu ra sao? Có khó không?

Lòng “tham” kiến thức của tôi hiếm khi được đáp ứng, vì không có nhà tu chân chính nào lại muốn nói về họ. Chỉ khi nào cần kể lại kinh nghiệm bản thân cho người nghe hiểu thêm về lời Phật dạy, các thầy hay cô mới nói về mình, mà có nói thì cũng rất khiêm tốn.

Một trong những người khiêm tốn đó là tỳ kheo ni Thích Nữ Huệ Hạnh, còn có tên là Sư Cô Như Thủy. Sư Cô khoảng 58 tuổi, chào đời tại Biên Hòa, đi tu từ năm 15 tuổi. Sư Cô đã giảng pháp trong hơn 20 năm. Mấy năm gần đây, do làm việc thiện trong nước, thỉnh thoảng Sư Cô đến California để thuyết pháp theo lời mời của Phật tử.

Sau đây là lời kể của Sư Cô được chắp nhặt từ buổi pháp thoại có thâu băng ngày 13, tháng tư, 2008.

Vừa làm ruộng, vừa dạy pháp

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vị Sư cô ở miền Tây nặng lòng với trẻ mồ côi

Sư cô chỉ là một tu sĩ bình thường. Năm 1975, cô được 25 tuổi. Lúc đó, những người trẻ tuổi không được ghi tu sĩ là một nghề, vì nghề là một cái gì sinh nhai, mà tu sĩ không là nghề sinh nhai. Cho nên cô ghi lý lịch của mình là làm ruộng, và theo lý lịch đó thì phải đi làm ruộng.

Trong 15 năm làm ruộng, cô còn chăn bò, làm rẫy, chằm nón … tức là làm tất cả những gì các thanh niên trẻ tuổi lúc đó đều làm. Vì những tu sĩ trẻ mới xuất gia đều phải đi đến các nông trường, Cô bị đôn lên làm giáo thọ vì là người đã học trước nên bắt buộc phải dạy người học sau. Nếu cô không làm thì không ai làm hết.

Buổi học đầu tiên của cô khai giảng năm 1976 tại thiền viện Viên Chiếu (huyện Long Khánh, tỉnh Ðồng Nai), dưới cội cây dầu. Thính chúng chỉ có ba em, nhỏ nhất 14 tuổi, lớn nhất 16. Học trò và cô giáo đều mặc y phục lao động, mang sẵn giày, để một bên một cái liềm, một cái cuốc cùng ấm nước. Học từ 1 đến 2 giờ trưa, không bảng đen, không phấn trắng, không tập vở, không kinh sách gì hết. Học theo trí nhớ. Cô chỉ kể vài câu chuyện để xách tấn các em, sau đó vội vã ra đồng làm việc. Thời đó, một ngày làm việc bảy tám tiếng, hoàn toàn không nghỉ, kể cả những ngày Rằm hay Bồ Tát.

Được vài tháng thì có các em nhỏ từ những vùng khác lục tục đến. Học vào giờ rất khắc nghiệt của Miền Nam là từ 1 tới 2 giờ trưa. Khắc nghiệt vì quí cô thức dậy từ 3 giờ sáng, ngồi thiền đến 5 giờ, 5 giờ rưỡi ăn cơm thì 6 giờ rưỡi phải ra đồng, 11 giờ đi vào rửa mặt, bắt đầu thọ trai (ăn uống), 12 giờ được nghỉ đến 1 giờ.

Sau 1 giờ, những vị không đi học thì phải ngồi vá đồ (vì tất cả quần áo đều rách hết). Những em được đi học thì học từ 1 đến 2 giờ. Các am cốc hoặc các tự viện ở gần đó muốn đến tham học, thì phải đi bộ từ 5 đến 10 cây số đường rừng.

Tinh thần cầu học của các em rất cao, cho nên lớp từ từ gia tăng. Khi số thính chúng lên đến 20-30 người, tu viện phải bàn là dành mỗi tuần một ngày cho các em học, nhưng giao trước là cho học chứ không cho ăn cơm, vì tu viện không có đủ lương thực.

Khi lớp học được ấn định vào ngày Chủ Nhật mỗi tuần, có những em đi xe đạp từ Sài Gòn, hai em một xe, vượt 150 cây số để lội ra học, rồi chiều đó đạp xe trở về.

Rừng hoang, chân người chết chĩa ra trên lối đi

Dĩ nhiên khi đó rất cực, ăn uống thiếu thốn, có khi hai tháng mới được cạo tóc một lần vì không tìm ra dao lam. Chỉ xài một dao lam mà có khi phải mài trở lại, và không có kem đánh răng. Cũng không xà-bông, chỉ tắm bằng khế và không giặt đồ với xà-bông, thành ra người nào cũng ghẻ.

Ban ngày làm việc rất nặng, tay cuốc mà chân thì phải đạp đất từ những nhát của mình cuốc, đạp cho nó lún xuống dưới bùn để thành ra ruộng sình, rồi mới cấy nước. Từ một người chưa biết gì hết, toàn là dân học trò chưa bao giờ làm ruộng, nay làm ruộng theo kiểu tài tử. May sao, năm đó được 300 giạ lúa. Mừng ơi là mừng.

Nơi đó là một cánh rừng hoang, được gọi là chiến khu Hắc Dịch ở Quán Chim. Có khi đang đi thì những chân người chôn vội vã còn chĩa bàn chân bên trên lối đi. Rất thường khi đào hố để trồng bầu, trồng bí thì thấy xương người, đồ cá nhân còn rất nhiều, xương những người rất trẻ. Dưới những bụi cây, cội cây là những hầm cá nhân, những hầm bí mật mà cuộc chiến để lại.

Còn rừng là rừng hoang hoàn toàn. Có chim phượng hoàng, một ít nai, cheo, heo rừng và rất nhiều khỉ. Trăn rắn thì vô số, nhưng lạ là chưa ai bị rắn cắn. Rất thường, khi ngủ dậy, thấy dưới lưng mình vài con chuột con bị chận giẹp lép. Còn rắn thì sau mỗi một nhát phảng (là con dao lớn phát cỏ) thường thấy rắn hay trăn bị đứt hai khúc. Chuyện rất bình thường.

Vắt và đỉa hút máu

Ni sư giả điên, tìm cách đưa trẻ bụi đời về chùa cưu mang

Quí cô sợ nhất là vắt (loại hút máu sống trên những lá tre, bụi cây mục). Khi xả thiền xong, rờ đâu trên cơ thể cũng thấy nó. Mà nó cắn thì máu chảy như bị đỉa cắn, máu chảy không cầm. Đi ra ruộng thì như ra ngoài vũ trụ, vì sợ vắt nên bao trùm kín hết, chỉ ló hai con mắt.

Khó khăn thì không sợ, sợ nhất là vắt và chuột con. Thì ráng liều mạng, ráng thắng cái sợ đó, chứ thật sự là sợ vô cùng.

Có nỗi kinh hoàng nữa là đỉa. Ra ruộng là đầy đỉa, đủ màu hết. Cứ gọi là đỉa hippie, “nó như sợi thun, có đủ màu hết”. Rất sợ, nhưng mà nói sợ thì rất mất mặt trước các em. Có một em, vừa thấy con đỉa là hét một tiếng. Và leo lên lưng cô, vừa ngồi, vừa khóc. Sau cô xin đổi qua băng rẫy. Chứ nếu thấy mình “chết giữa trận tiền” thì không em nào dám xuống làm ruộng với đỉa hết.

Lợp nhà cũng rất khờ khạo: Không biết lợp xuôi, mà lợp mái ngang, như trải chiếu. Thành ra sau cơn mưa đầu tiên, bao nhiêu nước trút vô nhà hết. Mấy người đùa: mấy cô ngang như cua nên mái nhà cũng ngang như cua.

Nhưng cái bóng mát tầm lăng và sự hăng say của tuổi trẻ đã làm cho quí cô lớn lên từ từ đến lúc nào không hay. Bây giờ, cô bùi ngùi nhớ lại thời mình bắt đầu tập tu, rất là khờ khạo, nhưng cũng rất chân thành.

Dịch kinh trong bóng tối

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sau một lúc, tự nhiên các huynh đệ đều nghĩ ra: Mình tu không chỉ để giải quyết vấn đề ăn uống, lương thực, mà có bổn phận truyền đăng tục viện. Nếu mà Phật pháp đến thế hệ của mình mà hết rồi, không tu học nữa thì coi như mình thiếu bổn phận với người sau. Thành ra không ai bảo ai, mỗi người tự tìm cho mình một lối đi riêng.

Ðó là những tháng ngày cơ cực nhưng rất vui khi đêm xuống. Tuy 9 giờ bắt đầu ngồi thiền, nhưng đến 1 giờ vẫn thấy có người ngồi “thiền phi thời”. Rồi 2 giờ, 3 giờ, lúc nào thức dậy cũng thấy có người ngồi trong tu viện như bức tượng thẳng tắp.

Có khi buổi thiền tối cũng phải bỏ, vì lúa rục ngoài đồng bắt buộc phải cắt. Ðậu phộng tới mùa phải thu hoạch, thành thử giờ tọa thiền biến thành giờ lặt đậu phộng. Vừa lặt đậu phộng, vừa cấy đậu phộng trở lại.

Các vị lớn tuổi cảm thấy áy náy khi bỏ những giờ ngồi thiền, nên lúc nào cũng có người ngồi “thiền phi thời”. Phần cô thì vừa vô mùng, đưa tay lên định bỏ mùng xuống, nhưng chưa kịp chạm đến cái mùng thì đã ngủ mất rồi. Thật sự cô thường khi “ngủ phi thời”, có nghĩa là trong khi ngồi thiền cô ngủ luôn. Quá mệt, ngủ đến nỗi không chiêm bao.

Bỏ qua những chuyện đó, nghĩ chuyện dịch kinh. Nếu đợi những chị lớn làm thì không biết bao giờ, cho nên tự phát. Bắt đầu dịch từ Hán tạng ra, cũng có một số từ tạng Anh ngữ. Mục đích chính là học cho mình, rút tỉa những bài học của người xưa khi người ta ở trong hoàn cảnh khó khăn, để chị em tự xách tấn lẫn nhau.

Mỗi tháng được mua một lít dầu hôi và vài hộp quẹt diêm. Ưu tiên cho Ðức Phật, nên Phật có được ngọn đèn, còn tất cả thì phải dè sẻn. Thiền viện có một bộ đại tạng thì mượn về. Chữ nhỏ như hột mè, mà soi bằng những cái đèn “hột vịt” nhỏ xíu, rồi lật tự điển.

Rồi vừa dịch vừa viết để dỗ các em, vì không có sách báo gì để coi. Viết cho các em đọc, và cũng tự dỗ mình. Những cuốn Hư Hư Lục, Hi Hi Lục, rồi những cuốn truyện ngắn, những bài kinh được dịch từ bóng tối của những ngọn đèn đó.

Phong trào học Phật thời đó rất sôi nổi. Không có viết, viết bằng ngòi lá tre, chấm mực. Tập vở khan hiếm. Quí em chép tay, cô dịch hay viết trang nào ra thì chép trang đó. Và nó truyền từ trong Nam ra tới ngoài Trung.

Không ngờ những bản kinh, bản dịch đó, bây giờ người ta in thành sách bán khắp các vỉa hè, tức là bán chui. Cô thấy những tác phẩm của mình bán mà không dám nhìn, vì đâu có xin phép mà in ấn. Không xin phép, mà lại nhận là của mình thì có nghĩa là lạy ông tui ở bụi này. Thành ra cô giả lờ luôn. “Thôi thì người ta được lợi, mình được danh”.

Niệm Phật giúp người

Chuyện về 'bà nội' của 26 đứa trẻ mồ côi ở miền Tây

Tuy chỉ niệm Phật, cô cũng từng giúp một em bé sinh thuần tử an. Em bé đó bị ung thư. Người mẹ thấy con nằm mà không chữa bệnh được thì đau đớn vô cùng. Bà đến nhờ cô coi ngày, nói: “bữa nào tốt ngày, sẽ cho em uống một muỗng thuốc rày để em đi cho nhẹ nhàng”. Người mẹ thì kiệt sức mà em bé sống lay lắt hoài.

Cô nghe sợ quá, không dám nói là nên làm hay không nên. Cô hoãn binh, bằng cách chiều đó đến tụng kinh cho em bé.

Em bé mới 9 tuổi thôi, bị ung thư xương, coi như thịt bị hoại thư rồi, mùi thúi lan ra khỏi ngôi nhà, không trị được nữa. Nhưng em bé biết, em nói:

“Cô ơi, cô dẫn con đi. Mẹ con tính tối nay giết con bằng cách cho uống thuốc chuột.”

Cô nói: “Không sao, có cô, mẹ không làm điều đó đâu. Cô sẽ tụng kinh. Cô xin với Phật, nếu con sống được thì cô sẽ đưa con đi trị bệnh. Giả sử cái thân này nó hư rồi, giống như cái xe mà hư hết không xài được, cô sẽ xin Phật cho con một cái thân khác. Ở đời sau, cô cũng tìm đến để đưa con về chùa. Con chịu không?” Nó nói: “Dạ chịu.”

Đầu tiên cô dạy nó sám hối. Cô hỏi: Con có lỗi gì mà con ray rứt trong lòng. Nó nói con ăn cắp tiền của mẹ. Nhà nghèo quá, sáng mẹ không cho ăn. Lâu lâu ăn cắp tiền của mẹ để mua bánh ăn. Cô mời mẹ nó đến để xin sám hối.

Nó nói theo cô:

“Con là bé N…, 9 tuổi. Khi mẹ sinh ra con, cơ thể con lành mạnh không có tì vết gì. Vì con không biết, con dùng tay con vào một chuyện không tốt, là ăn cắp tiền của mẹ. Xin mẹ tha thứ cho. Ðể, do sám hối này, đời đời kiếp kiếp con sinh ra tay chân lành lặn, sinh nơi nào cũng có cha mẹ đầy đủ, gặp thiện hữu tri thức dẫn dắt cho con tu.”

Cô nói tới đâu, em nói theo tới đó. Xong cô nói: Con sám hối được mẹ tha thứ rồi, Phật chứng minh rồi, tội con hết rồi. Bây giờ cô niệm Phật. Cô niệm “Nam Mô A Di Ðà Phật,” con nghe theo rồi niệm với cô.Cô niệm với nó chừng vài lần thì nó nói, “Cô ơi, chân con lạnh quá.” Niệm thêm một chút, nó nói, “Cô à, cái lạnh nó lan lên đầu gối.” Cô niệm một lát nó nói, “Cô ơi lạnh lên tới bụng.”

Cô nói con cứ niệm theo cô, bao giờ con không niệm được nữa thì cô niệm một mình, con nghe. Ðến chừng mười phút sau, nó nói, “Cô ơi, con nhắm mắt lại, cô niệm một mình, con nghe cô.”

Từ lúc cô đến dạy nó sám hối và niệm Phật thì 15 phút sau cô thấy nó bất động. Cô đưa tay lên bắt mạch thì không còn, đưa một ngọn đèn trước mũi cũng không còn, biết cháu đã ra đi.

Trong cảnh đau lòng này chỉ có dạy em bé sám hối, nương vào hồng danh của Ðức Di Ðà. Lúc đó cô vừa rời tu viện, bản thân cô cũng đau. Vì cái đau của mình, cô cảm nhận được cái sự bơ vơ của bệnh nhân trước ngưỡng cửa tử. Biết rằng người thân của mình sắp ra đi, rất bơ vơ, thì cô niệm chí thành như vậy. Thân tâm cung kính niệm, cô chỉ có thể làm tới đó thôi.

Không hoàn tục nhờ pháp vị Hòa thượng là một vị thầy đánh dấu một bước đời rất quan trọng của cô. Nếu cô không được gặp ngài thì cô đã hoàn tục năm 22 tuổi. Năm đó, khi học xong cử nhân, đi dạy trường Bồ Ðề, đâm ra cô chán tu, nghĩ sao tu không thấy gì hay hết.

Chỉ tụng kinh, cầu an, cầu siêu rồi đi xin đồ chay ngoài chợ về nhà nấu ăn thôi. Trong khi những bạn của mình, họ học ra làm bác sĩ, làm giáo sư, đóng góp rất nhiều cho xã hội, mình thì chỉ như một thầy cúng. Do đó cô có ý định hoàn tục, sống đời của một Phật tử tại gia, và đóng góp vào xã hội bằng khả năng của mình.

Chán như vậy nên cô không thèm tụng kinh, không thèm ngồi sám hối, thời đó chưa biết tu thiền. Thấy vậy, sư bà mới “dẫn độ” cô lên gặp hòa thượng. Cô nói với hòa thượng:

“Thưa thầy, mãnh lực giữ con lại trong đạo chỉ là lòng tự ái. Vì khi con đi tu, các bà bạn của mẹ con nói “con nhỏ này vô chùa bữa trước bữa sau, ba bảy hai mươi mốt ngày, nó chạy về nhà”. Và vì nhiều người cản cho nên con quyết tâm đi tu, bây giờ trở về mắc cỡ, chứ thật sự, con chán cái cuộc đời tu quá.”

Thầy nói:

“Người ta sống ở đời, phải có niềm vui. Niềm vui của thế gian là ngũ dục – tài, sắc, danh, lợi, ăn ngủ chẳng hạn. Khi đạt được những cái đó người ta cảm thấy đạt được một cái gì, một niềm vui của thế tục. Người tu thì không hưởng ngũ dục như người thế gian. Niềm vui của người tu là pháp vị.

Thầy không trách một người tu khi họ đòi hoàn tục, vì họ không thể sống ở đời mà không có niềm vui. Thành ra không thấy niềm vui trong đạo thì người ta sẽ trở về với thế tục”.

Cô hỏi pháp vị ở đâu. Thầy hỏi lại con có thể bỏ hết mọi việc để theo thầy học kinh không thì thầy sẽ chỉ cho con pháp vị, chứ làm sao thầy chỉ liền ngay bây giờ.

Khi đó cô mới thu xếp để lên theo thầy với lời hứa thầy sẽ chỉ cho pháp vị. Theo học không được bao lâu, xảy ra cuộc biến động năm 1975, thầy một nơi trò một ngả. Tuy ở xa, không gần đệ tử, thầy luôn luôn xách tấn. Chính nhờ thầy mà cô mới cố gắng cầm cự, gặm đất mà ăn để sống. Ðến bây giờ còn tu là nhờ lúc gặp thầy.

Pháp vị không chỉ một ngày một bữa. Chính thầy cho cô cái niềm tin rằng có người thực hành Phật pháp, có người ưu tư đến chuyện sống còn của Phật pháp.

Hoàng Mai Ðạt 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tuổi nào cho em

Góc nhìn Phật tử 13:43 22/11/2024

Tôi vác ba lô trên lưng trở về sau chuyến hành trình nơi đất khách, trong hành trang tôi mang vài thứ từ quê xa làm quà cho anh em. Vừa bước vào cổng chùa nghe hơi lạnh… thoáng mùi chia ly.

Đạo Phật là lối sống đẹp để hướng đến việc hoàn thiện bản thân

Góc nhìn Phật tử 10:24 22/11/2024

Trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, Đạo Phật xuất hiện như một ánh sáng soi đường, giúp con người thấu hiểu chính mình và hoàn thiện bản thân.

Để Sư nấu

Góc nhìn Phật tử 10:06 22/11/2024

Cách đây chừng sáu năm, ngày đó tôi đang là một sinh viên năm thứ ba, sống chung phòng trọ với bảy người bạn nữa ở khu Làng Đại Học Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chung trọ nhưng chẳng ai cùng quê với nhau cả, Bắc – Trung – Nam đều có.

Nói xấu người

Góc nhìn Phật tử 09:51 22/11/2024

Đã nhiều lần tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ nói xấu người khác, thế nhưng đâu cũng lại vào đó, cứ hễ tụm năm tụm ba là không nói chuyện của người này cũng nói người khác, hoặc khi ai đó nói về chuyện của người khác dù không nói ra nhưng vẫn có những ý nghĩ xấu, không tốt về họ.

Xem thêm