Có nên trốn bỏ chồng con để vào chùa tu?
Cứ ngỡ lấy chồng rồi tôi sẽ yên phận với chồng con nhưng không ngờ ý nguyện đi tu vẫn cứ thôi thúc mãi và ngày càng mãnh liệt hơn. Bây giờ tôi không biết phải làm sao? Tôi thực sự rất khổ tâm, không dám nói ra sự thật này với chồng và gia đình anh ấy.
Hỏi:
Tôi muốn xuất gia theo Phật từ hồi còn con gái. Chỉ tiếc là nghe nói muốn đi tu phải có bằng Tú tài mà tôi vì hoàn cảnh nên không được học nhiều. Vì vậy mỗi lần ý muốn xuất gia trỗi dậy thì ngại ít học nên thôi. Nhưng mong mỏi xuất gia vẫn cứ âm ỉ trong lòng. Thời gian sau thì tôi lập gia đình. Hiện tại tôi sống với chồng cùng gia đình chồng, tất cả đều rất tốt và thương yêu tôi.
Cứ ngỡ lấy chồng rồi tôi sẽ yên phận với chồng con nhưng không ngờ ý nguyện đi tu vẫn cứ thôi thúc mãi và ngày càng mãnh liệt hơn. Bây giờ tôi không biết phải làm sao? Tôi thực sự rất khổ tâm, không dám nói ra sự thật này với chồng và gia đình anh ấy. Tôi có thể thầm lặng bỏ nhà ra đi được không? Làm như vậy nhà chùa có chấp nhận và có trở ngại gì cho việc tu hành không?
Đáp:
Người Á Đông thường quan niệm rằng muốn thành công trong bất cứ việc gì thì phải “thiên thời, địa lợi và nhân hòa”. Trong đạo Phật, mọi chuyện ở đời đều tùy thuộc vào nhân duyên. Đủ nhân duyên thì việc khó cũng dễ thành, thiếu nhân duyên thì việc dễ thành cũng trở nên khó.
Bạn có ý muốn xuất gia từ khi mới lớn, đó là duyên lành với Phật pháp của bạn đã gieo trồng trong quá khứ. Người không am tường lý nhân-duyên-quả sẽ không thể hiểu và cảm thông trước tâm nguyện xuất gia mãnh liệt của những người tuổi trẻ đầu xanh, trong đó có không ít người có hoàn cảnh sống rất lý tưởng và tương lai xán lạn. Nhân-duyên-quả của mỗi người khi đã chín muồi thì sẽ thôi thúc họ hành động, hoặc thiện hoặc ác, khó có thể cưỡng lại được.
Tuy bạn có nhân tốt về hạnh nguyện xuất gia nhưng bạn còn nhiều chướng duyên. Lúc chưa vướng bận gia đình, nếu bạn cố gắng và mạnh dạn đến chùa tìm hiểu thì có thể được như nguyện. Bởi lẽ không nhất thiết phải có bằng Tú tài mới được xuất gia, nhất là đối với người trẻ tuổi. Khá nhiều người sau khi đi tu rồi mới nỗ lực học thêm cho đến tú tài hoặc cao hơn nữa. Nhưng đó là quá khứ, chuyện đã rồi.
Bây giờ bạn đã có gia đình, lại là một gia đình tốt, mọi người đều yêu thương bạn. Trong bối cảnh hôn nhân với nhiều bất đồng, nguy cơ tan vỡ cao như hiện nay, bạn phải bình tâm để thấy rằng bạn đang có nhiều yếu tố hạnh phúc, đây là điều may mắn không phải ai cũng có được. Chuyện gia đình và chồng con, theo đạo Phật, cũng là duyên nghiệp của mình. Dấu ấn duyên nghiệp trong quá khứ góp phần không nhỏ để hình thành nên tình trạng hôn nhân trong hiện tại.
Nếu như bạn không có hạnh phúc trong hôn nhân thì mong muốn xuất gia ngày xưa trỗi dậy không phải là điều khó hiểu. Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó, bạn vẫn hài lòng và hạnh phúc trong đời sống hôn nhân hiện tại. Vậy thì những ý niệm xuất gia đang thôi thúc trong lòng bạn chính là sự “quẫy đạp” của những hạt giống tâm thức. Bạn phải thấy rằng những ý niệm đó không xấu nhưng không thích hợp trong hoàn cảnh của bạn hiện nay.
Điều này cũng giống như một người có tâm nguyện làm thật nhiều việc tốt cho cuộc đời nhưng vì hoàn cảnh đương tại của họ chưa thể làm được. Và họ luôn bị dằn vặt, khổ tâm về điều ấy. Nếu là người thông minh, thì họ không đợi đến lúc đủ điều kiện như giàu có, dư dả và thảnh thơi mới làm điều tốt. Họ vẫn có thể chia sẻ với mọi người rất nhiều vấn đề trong khả năng có thể.
Cũng vậy, bạn mong muốn đi tu để thiết lập một đời sống an lạc và làm lợi ích cho mọi người, điều này cũng tốt. Tu tập trong ý nghĩa đơn giản nhất là sự sửa mình. Những điều gì chưa tốt thì khắc phục, kiện toàn để tốt hơn. Đó mới chính là sự tu hành thiết thực nhất. Bạn hẳn đã nghe câu: “Thứ nhất tu nhà, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Tu chùa chỉ được xếp vào hàng thứ ba, tu nhà mới quan trọng bậc nhất.
Tu là sửa, mỗi khi ý niệm đi tu khởi lên, bạn cần quán niệm rằng Phật Tổ đang răn nhắc mình nên sửa đổi các điều sai trái, chưa hoàn thiện để trở thành người tốt. Bạn đang là người vợ, con dâu trong gia đình chồng thì cần phải sống xứng đáng là người vợ hiền, con dâu thảo thì đó chính là tu, không cần vào chùa bạn vẫn có thể tu được.
Bạn phải từ bỏ ngay ý niệm trốn nhà đi tu, vì như thế sẽ bất nghĩa, bất hiếu và gây ra nhiều khổ đau cho bản thân và người khác. Mặt khác, giới luật nhà chùa không chấp nhận xuất gia thọ giới cho bất cứ người nào có gia đình mà chưa ly dị, không được thân nhân cho phép. Đó là chưa kể đến việc đi tu mà để lại sau lưng vô vàn ngổn ngang của cuộc sống thì khác nào một cuộc chạy trốn và chắc chắn khó mà thanh thản được.
Vì vậy, bạn không nên nghĩ ngợi mông lung nữa. Hãy an trú vào hiện tại với hạnh phúc gia đình. Khi ý niệm đi tu khởi lên, bạn quán chiếu rằng tu là sửa và tự sửa mình. Tu chính là sửa tâm ý, lời nói và hành động của mình đúng đắn hơn. Mặt khác, bạn có thể chia sẻ những băn khoăn thầm kín trong lòng cùng chồng để anh ấy hiểu và giúp bạn tháo gỡ những vướng mắc trong lòng. Bạn đã có duyên với Phật pháp nên phát tâm tham dự những khóa lễ dành cho Phật tử, các khóa tu Bát quan trai, niệm Phật và công quả trong các Phật sự ở chùa nơi gần nhà. Sống tốt đời, đẹp đạo, chu toàn bổn phận và trách nhiệm cũng là một cách tu.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cầu an có phải là pháp của đạo Phật?
Hỏi - Đáp 15:05 22/11/2024Hỏi: Tôi là người theo đạo Phật và muốn hiểu rõ hơn về giáo pháp. Tôi muốn hỏi là cầu an có phải là pháp của đạo Phật? Nếu có thì xin vui lòng chỉ giúp Đức Phật dạy trong những kinh nào?
Đã được truyền thọ Tam Quy và Ngũ giới, vậy có phải ăn chay không?
Hỏi - Đáp 12:55 20/11/2024Hỏi: Tôi đã được truyền thọ Tam Quy và Năm giới, vậy tôi có phải ăn chay hay không?
Cúng vong linh, cúng cô hồn có phải là pháp của đạo Phật?
Hỏi - Đáp 10:18 19/11/2024Tôi là người theo đạo Phật và muốn hiểu rõ hơn về giáo pháp. Tôi có câu hỏi xin quý Báo trả lời giúp: Cúng vong linh, cúng cô hồn có phải là pháp của đạo Phật? Nếu có, xin vui lòng chỉ giúp Đức Phật dạy các điều ấy trong những kinh nào?
Tượng Phật có từ bao giờ?
Hỏi - Đáp 10:31 18/11/2024Hỏi: Tôi là một Phật tử chuyên hỷ cúng tượng Phật cho các chùa, nhưng chưa hiểu rõ lắm về nguyên nhân do đâu mà có tượng Phật. Vậy tượng Phật có từ bao giờ? Ai là người đầu tiên tạo tượng Phật? Xin cho biết sơ lược về việc tạo tượng Phật vào lúc đó.
Xem thêm