Cuộc đời đức Phật và môi trường
Đức Phật đã thấy rõ quy luật tương sanh tương diệt nên đã sống bảo vệ thiên nhiên môi trường. Từ nhân bảo vệ môi trường dẫn đến kết quả môi trường trong sạch lành mạnh. Môi trường tốt ấy giúp cho đời sống của Tăng đoàn thanh thoát, nhẹ nhàng, an lạc từ thể chất đến tinh thần.
Khi nói đến môi trường, hầu như ai cũng biết và than phiền về tình trạng ô nhiễm của nó mà phần lớn do con người gây ra. Sự ô nhiễm môi trường có liên quan đến sự thay đổi lạ thường của thời tiết, khí hậu và ảnh hưởng xấu trực tiếp đến đời sống con người. Ý thức được sự tác hại nguy hiểm khi môi trường bị ô nhiễm, năm 1972 Liên Hiệp Quốc đã thành lập Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc để đưa ra những giải pháp và chương trình hành động nhằm hạn chế tối đa vấn đề trên và nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ đó đến nay, Liên Hiệp Quốc đã mở nhiều Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu để bàn giải pháp cắt giảm lượng khí thải nhằm giảm nhiệt độ của trái đất.
Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2007.Sự ô nhiễm biển ở các tỉnh miền Trung năm 2016 là sự ô nhiễm tồi tệ nhất do con người gây ralàm ảnh hưởng xấu đến hàng triệu người dân Việt Nam. Do đó, vấn đề bảo vệ môi trường luôn là đề tài nóng.
Trong khi vấn đề môi trường chỉ được con người quan tâm và tìm cách đối phó khi sự ô nhiễmđược báo động vào khoảng nửa thế kỷ qua, Đức Phật đã thực nghiệm và hướng dẫn cách sống bảo vệ môi trường cách đây hơn 25 thế kỷ. Có thể nói Đức Phật là vị giáo chủ vĩ đại có đời sống gần gũi thiên nhiên nhiều nhất và cũng là người có những lời dạy thiết thực nhất nhằm bảo vệ thiên nhiên môi trường. Bài viết sẽ trình bày những dẫn chứng để bảo vệ quan điểm vừa nêu.
Đối sách giải quyết vấn đề môi trường
Cuộc đời Đức Phật gắn liền với môi trường thiên nhiên
Trước hết, những sự kiện quan trọng trong cuộc đời Đức Phật diễn ra ngoài trời trực tiếp với thiên nhiên. Khi ra đời, vì ngẫu nhiên trùng hợp hay có chủ đích, Đức Phật đản sinh dưới cây Vô Ưu (Saraca indica) tại vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini). Đây là một sự kiện lịch sử dù cho nó được giảng giải theo cách huyền sử hay chính sử. Trước khi thành đạo, Đức Phật cũng được xác nhận là đã dành khoảng thời gian ngồi thiền định dưới cây được gọi tên là Bồ-đề (peepal/Bodhi). Sống dưới gốc cây và tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên là trải nghiệm thực tế sâu sắc của Đức Phật với môi trường. Có lẽ vì thế mà Đấng Giác ngộ có kinh nghiệm về môi trường hơn bất cứ đấng giáo chủ nào khác.Giáo lý Duyên khởiđược Đức Phật giảng dạy có thể xem là một minh chứng thuyết phục. Sau khi thành đạo, Đức Phật chủ đích thuyết pháp mà danh từ thuật ngữ gọi là chuyển pháp luân tại vườn Nai (Sanarth). Lại một lần nữa Đức Phật chọn vị trí thiên nhiên để khởi đầu sự nghiệp của mình. Tại sao Đức Phật không chọn địa điểm “khởi nghiệp” của mình tại một nơi có đông hội chúng mà lại là nơi vườn Nai? Với trí tuệ siêu việt sau khi chứng tam minh,có thể nói rằng Đức Phật sẽ thành công bất cứ nơi nào nếu Ngài đến thuyết pháp.
Tuy nhiên, Đức Phật lại chọn nơi thiên nhiên. Về vấn đề này, chúng ta chỉ có thể suy luậnrằng việc chọn vườn Nai là chủ đích của Đức Phật khi Ngài quán chiếu thấy rõ trình tự thuyết pháp độ sanh thích hợp. Cuối cùng, khi Niết-bàn tịch diệt Đức Phật tiếp tục chọn địa điểm ngoài trời chứ không phải trong tịnh thất hay tinh xá. Địa điểm ấy là rừng cây Sala tại xứ Kushinagar. Một sự ra đi tự nhiên nhưng rất trang nghiêm nơi rừng cây xanh ngát. Bốn địa điểm này được ghi trong kinh Đại bát Niết-bàn thuộc kinh Trường bộ là bốn Thánh tích cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính bởi các đệ tử và tín chúng. Đức Phật cũng nói với Ananda rằng “Những ai, trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên”.
Nhân quả tốt lành của việc bảo vệ môi trường
Ngoài bốn sự kiện quan trọng trên, cuộc đời Đức Phật từ khi xuất gia tìm đạo cho đến khi Niết-bàn vô dư hầu như gần gũi với môi trường thiên nhiên. Sử liệu chép rằng, thái tử Sĩ-đạt-đa (Siddhartha) bắt đầu hành trình tìm đạo của mình tại dòng sông A-nô-ma. Sau đó, Ngài trải qua khoảng thời gian được cho là sáu năm, tu tập theo phương pháp “khổ hạnh ép xác” tại một địa điểm có tên là Khổ Hạnh Lâm. Sáu năm sống trong rừng để tu theo phương pháp ‘khổ hạnh’ nhằm tìm ra chân lý giác ngộ là sự trải nghiệm với thiên nhiên khó quên của Đức Phật. Sau khi thành đạo và du hành thuyết pháp, Đức Phật tiếp tục sống và sinh hoạt ở những nơi gần gũi với thiên nhiên.
Theo ngài Narada trong quyển Đức Phật và Phật pháp (The Buddha and His Teachings), Đức Phật trải qua 45 mùa an cư tại nhiều nơi khác nhau. Trong đó, Phật đã an cư 6 mùa mưa tại các khu vườn/rừng, 25 mùa mưa tại tinh xá Kỳ Viên, 6 mùa mưa tại tinh xá Trúc Lâm và 8 mùa mưa ở những nơi khác cận thành thị. Hai tinh xá Kỳ Viên và Trúc Lâm là nơi gần gũi thiên nhiên vì bao quanh các tịnh thất là những cây to bóng mát hay rừng trúc.Ngoài ra, theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy, hằng ngàyĐức Phật cùng Tăng đoàn khất thực ở các thôn làng và trở về nơi yên tịnh để thọ thực và giáo hóa đệ tử. Như vậy,cả cuộc đờiĐức Phật sống gần với thiên nhiên nơi môi trường thanh tịnh và yên tĩnh.
Bài học bảo vệ môi trường qua cuộc đời Đức Phật
Cuộc đời của Đức Phật gần gũi với thiên nhiên và những lời dạy của Ngài được ghi trong kinh điển là bài học quý giá về bảo vệ môi trường.
Sống hòa với thiên nhiên:
Như trên đã đề cập, giáo lý Duyên khởi là một phát minh quan trọng của Đức Phật có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường. Kinh ghi “Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu; do cái này sanh, cái kia sanh…”Từ đó cũng có thể hiểu là do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt, do cái này diệt nên cái kia diệt…Nói một cách dễ hiểu, mọi sự vật hiện tượng không bao giờ có thể tồn tại độc lập. Chúng luôn luôn có sự liên kết với nhau hoặc trực tiếp hay gián tiếp, gần hay xa. Cùng với giáo lý Duyên khởi, Đức Phật cũng dạy giáo lý nghiệp và nhân quả. Các giáo lý này bổ sung cho nhau giúp cho người học có thể hiểu được bản chất sự vật hiện tượng đang tồn tại bao gồm các loài vô tình và hữu tình.
Từ nguồn giáo lý quan trọng trên, chúng ta có thể khẳng định là Đức Phật đã thấy rõ quy luật tương sanh tương diệt nên đã sống bảo vệ thiên nhiên môi trường. Từ nhân bảo vệ môi trường dẫn đến kết quả môi trường trong sạch lành mạnh. Môi trường tốt ấy giúp cho đời sống của Tăng đoàn thanh thoát, nhẹ nhàng, an lạc từ thể chất đến tinh thần.
Đức Phật từng khuyến khích các đệ tử chọn nơi thanh vắng trong lành mà cụ thể là các khu rừng cây mát mẻ để tu tập bởi vì nơi ấy giúp hành giả dễ đạt được chánh niệm, chánh định, giải thoát; các phiền não dễ đoạn trừ và dễ chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng. Khu rừng cây mát mẻ trong lành thì ở đó cây cối phải phủ kín, xanh tươi và không bị chặt phá vô tổ chức.
Tham dục làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Trong một bài kinh khác, Đức Phật dạy các đệ tử không được đổ những vật dư thừa lên cây cỏ hay nước vì làm như thế sẽ hại cây cỏ và làm ô nhiễm môi trường. Nói rộng ra, đổ rác bừa bãi làm mất vệ sinh nơi công cộng, xả chất thải chưa qua xử lý vào các sông biển…đều bị cấm theo điều dạy này. Như vậy, không những Đức Phật sống và dạy đệ tử không hủy hoại môi trường mà còn phải bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ.
Để cụ thể việc bảo vệ môi trường, Đức Phật chế định các giới hay các điều đạo đức cho các đệ tử thực hành. Giới thứ nhất và giới thứ năm trong năm giới của người Phật tử diễn đạt rõ quan điểm của Đức Phật. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã diễn giải theo ngôn ngữ hiện đại rất cụ thể rõ ràng. Giới thứ nhất là bảo vệ sự sống bao gồm môi sinh: “Ý thức được những khổ đau do sự giết hại gây ra, con nguyện thực tập nuôi dưỡng tuệ giác Tương tức và lòng Từ bi, để có thể bảo vệ sự sống của mọi người, của mọi loài và môi trường sống…” Giới thứ năm là giảm thiểu khổ đau do tiêu thụ quá nhiều gây ra. Tiêu thụ nhiều tất nhiên góp phần làm cạn kiệt và ô nhiễm môi trường. Giới ghi: “Ý thức được những khổ đau do sự tiêu thụ thiếu chánh niệm gây nên…con nguyện nhìn sâu vào tự tính tương quan, tương duyên của vạn vật để học tiêu thụ như thế nào mà duy trì được an vui trong thân tâm con, trong xã hội và trong môi trường sống.” Không giết hại, không tàn phá môi sinh và biết tiêu thụ chánh niệm có điều độ là nền tảng đóng góp thiết thực vào việc bảo vệ môi trường. Ngoài ra, khi thực hành các giới này cũng nên hiểu theo hướng tạo phước là phải biết nuôi dưỡng sự sống như phóng sanh, trồng cây xanh, chia sẻ bớt tài vật cho người bất hạnh thay vì tiêu thụ hoang phí…Sự thực hành ấy cũng đồng nghĩa với bảo vệ môi trường.
Ngược lại, ngày nay môi trường bị ô nhiễm trầm trọng do phần lớn con người tạo nhân phá hoại. Sự khai thác nguồn thiên nhiên quá mức để phục vụ nhu cầu hưởng thụ của con người làm cho môi trường bị hủy hoại. Từ khai thác năng lượng, chất đốt, chặt cây phá rừng cho đến việc thải ra các nguồn hóa chất ô nhiễm độc hại gây tàn phá hệ thực và động vật bao gồm con người. Môi trường bị tàn diệt nên khí hậu thay đổi theo chiều hướng bất thường, sức khỏe con người bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu. Hiện tượng bão lụt, nắng nóng bất thường, cá chết hàng loạt cũng là quả báo bất thiện của các nhân không bảo vệ môi trường mà ra. Kết quả ấy là do thái độ nhận thức yếu kém hay ích kỷ đối với môi trường và lối sống hưởng thụ của con người gây nên.
Phật giáo quan niệm về môi trường sinh thái
Hạnh thiểu dục tri túc, giản dị:
Nguyên tắc sống và cũng là lời dạy của Đức Phật đối với chúng đệ tử để có được đời sống an lạc là thiểu dục tri túc giản dị (muốn ít biết đủ). Không kể những năm tháng tu khổ hạnh sử dụng quá ít phẩm vật, Đức Phật luôn luôn sống điều độ mà thuật ngữ Phật giáo gọi là trung đạo. Một ngày Đức Phật và chư Tăng chỉ ăn một bữa sau khi khất thực, y phục chỉ đủ che thân cho ấm khi mùa lạnh, chỗ ở thì đơn sơ không cố định. Đời sống giản dị, sống điều độ, không bị tham dục chi phối và hài lòng với những gì đang có làm cho Đức Phật và Tăng đoàn luôn an lạc và thảnh thơi. Sử ghi rằng: vào mùa hạ thứ 12 tại Veranja, vì nạn đói nên Phật và chư Tăng phải dùng thức ăn cho ngựa do một người tín chủ cúng dường. Một Đức Thế Tôn cao quý cùng chia sẻ sự khó khăn với dân chúng là bài học quý giá cho mọi người về cách sống giản dị, tiêu thụ điều độ và thích hợp với hoàn cảnh của Đức Phật.
Ngày nay, đời sống vật chất rất đầy đủ nhưng con người chưa bao giờ thấy thỏa mãn. Nhằm đáp ứng nhu cầu tham dục, con người không ngừng khai thác và tàn phá thiên nhiên. Khi tiêu thụ nhiều đồng nghĩa xả thải cũng nhiều. Môi trường chịu đựng cách đối xử ngược đãi hai chiều lâu ngày thành ra bất kham. Hậu quả là sự báo động về ô nhiễm môi trường khắp nơi trên thế giới. Giáo lý “do cái này sanh, cái kia sanh” đã hiện hữu trước mắt mọi người nhưng không phải ai cũng ý thức để hiểu và thực hành. Một khi lòng tham vẫn hiện hữu, lối sống tiêu thụ xa hoa phung phí vẫn không giảm và hạt giống từ bi thương đồng loại rộng ra cho đến mọi loài chưa được nảy mầm phát triển trong mỗi con người thì những lời kêu gọi của một số cá nhân hay tổ chức vẫn còn là tiếng kêu lạc lõng. Những lời dạy của Đức Phật về bảo vệ môi trường vẫn còn nguyên giá trị nhưng sự thực hành giáo lý ấy vẫn còn xa vời với thế giới hưởng thụ ngày nay!? Mong rằng lời dạy của Đức Thế Tôn được nhiều người biết đến và cùng thực hành để môi trường được cải thiện tốt hơn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đức Phật là người Thầy giáo vĩ đại
Đức Phật 12:00 20/11/2024Bản chất của đạo Phật là một nền giáo dục trí tuệ nhân văn vĩ đại, đức Phật là người thầy giáo vĩ đại của nhân loại.
Đức Phật lịch sử
Đức Phật 08:45 20/11/2024Đức Phật là bậc đạo sư của Phật giáo, tuy nhiên, không giống những vị giáo chủ các tôn giáo khác gắn liền phần tiểu sử của mình với những huyền ảo bí ẩn, cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có cả phần huyền sử và phần lịch sử.
Đức Phật đến với chúng ta
Đức Phật 09:12 05/11/2024Chúng sinh hay hữu tình là những loài bị trói, không phải bởi một giây phiền não, mà cả trăm giây phiền não, cả ngàn giây phiền não, cả vô số vô biên giây phiền não.
Đức Phật: Nơi quy ngưỡng của tâm thức nhân loại
Đức Phật 11:05 28/10/2024Trong muôn vàn những phát biểu trang trọng mà nhân loại trên hành tinh đã dành để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với Đức Phật, có hai nhận định quan trọng nói về cuộc đời giác ngộ của Ngài, có thể giúp chúng ta hiểu lý do vì sao Liên Hiệp Quốc quyết định chọn Vesak làm ngày kỷ niệm và tôn vinh Ngài.
Xem thêm