Đạo đức Phật giáo qua Tứ Vô Lượng Tâm
Đạo đức Phật giáo là một nếp sống đem lại hạnh phúc cho con người, đề cao giá trị con người, một nếp sống trong sạch thanh tịnh, lành mạnh, loại bỏ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện pháp; một nếp sống đi đôi với lạc, không đi đôi với khổ; giải thoát các triền phược, các dục trưởng dưỡng...
Khái niệm về Đạo đức
Thứ nhất về Nho – Lão, Khổng Tử cho rằng quan hệ vua – tôi, cha – con, chồng – vợ, anh em, bạn bè(1) gọi là đạo. Đức chính là những phẩm chất cá nhân để thực hiện các mối quan hệ đó, như tam đức(2) của Khổng Tử, tứ đức(3) của Mạnh Tử, ngũ thường(4) của Đỗng Trọng Thư. Theo Lão giáo quan niệm rằng: “Đạo có thể quan niệm dưới hai phương diện: Vô (無) và Hữu (有). Vô, thì Đạo là nguyên lý của trời đất, nguyên lý của vô hình. Hữu, thì Đạo là nguyên lý hữu hình, là mẹ sinh ra vạn vật.”(5) Đức thì sinh ra vạn vật trong thế gian, mang tính siêu hình.
Thứ hai theo các triết gia phương Tây, D. Keown cho rằng có ba hình thức đạo đức học phương Tây tiêu biểu, đó chính là nghĩa vụ luận (dentology), thuyết vị lợi (utilitarianism), đạo đức học đức hạnh (virtue ethics)(6). Tiêu biểu như I. Kant (1724 – 1804) là triết gia tiên phong về “đạo đức học nghĩa vụ” cho rằng những quy tắc đã đề ra rồi thì phải tuân thủ thực hiện; nhưng với J. Bentham (1784 – 1832) và S. Mill (1806-1873) chủ trương “thuyết vị lợi” hướng đến một kết quả tốt đẹp trong tương lai qua việc suy xét việc cần làm. Không rơi vào khuynh hướng quá khứ hay tương lai, đó chính là “đạo đức học đức hạnh”, tiêu biểu là Aristole (382 – 322 TCN) đề xướng con người hoàn thiện dần những chuẩn mực ứng xử tạo thành khuôn mẫu lý tưởng (vị thầy, thánh nhân), sống hạnh phúc ngay trong cuộc sống này.
Đạo đức Phật giáo trong kinh A Hàm
Thứ ba về Phật giáo, Hòa thượng Minh Châu từng nói rằng: “Đạo đức Phật giáo là một nếp sống đem lại hạnh phúc cho con người, đề cao giá trị con người, một nếp sống trong sạch thanh tịnh, lành mạnh, loại bỏ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện pháp; một nếp sống đi đôi với lạc, không đi đôi với khổ; giải thoát các triền phược, các dục trưởng dưỡng; một nếp sống trong ấy trí tuệ đóng vai then chốt, sống hài hòa với thiên nhiên, với con người, một nếp sống vô ngã vị tha.”(7) Sau khi thành đạo dưới cội Bồ đề và hóa độ năm anh Kiều Trần Như, Ngài khuyên rằng: “Này các Tỳ kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.”(8)
Từ những góc nhìn của các triết gia phương Đông và phương Tây, đạo đức được xem là một trong những nhân tố thiết yếu hoàn thiện nhân cách tự thân, xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội phát triển và thế giới hòa bình. Triết gia Socrate từng nhận định rằng: “Một nền đạo đức không thể căn cứ vào giáo lý mơ hồ, ta có thể tạo dựng một nền luân lý hoàn toàn không lệ thuộc vào thần học, hoàn toàn thích hợp với những người có tôn giáo cũng như không có tôn giáo mới ổn định.”(9) Đức Phật khuyên đệ tử tu tập theo con đường Trung đạo, thực hành Bát chính đạo, trải tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ và tâm Xả biến mãn khắp muôn phương, hướng con người: “Không làm mọi điều ác. Thành tựu các hạnh lành. Tâm ý giữ trong sạch. Chính lời chư Phật dạy.”(10)
Triết lý Duyên khởi xây dựng đạo đức Phật giáo trong kinh doanh
Đạo Đức Phật giáo qua Tứ vô lượng tâm
Theo Từ Điển Phật Học Huệ Quang: “Tứ vô lượng (S. Catvāry apramānāni; P. Catasso appamaññāyo; C. 四無量), còn gọi là Tứ vô lượng tâm, Tứ đẳng tâm, Tứ đẳng, Tứ tâm.”(11) Tứ vô lượng tâm là bốn trạng thái tâm bao trùm không gian lẫn thời gian, trải khắp đến vô lượng chúng sinh. Đây là bốn pháp hành thiết yếu trong việc phát triển nội tâm, chứng thành Phật đạo. Bốn tâm vô lượng, đó là: 1/ Tâm từ; 2/ Tâm bi; 3/ Tâm hỷ; 4/ Tâm xả, được diễn tả trong kinh Ví dụ tấm vải của Trung Bộ Kinh như sau: “Vị ấy an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với bi … (như trên) … với tâm câu hữu với hỷ … (như trên) … biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại vô biên, không hận, không sân.”(12)
Tâm Từ (S. Maitri, P. Mettà): tình thương bao la với tất cả chúng sinh, như mặt trời chiếu sáng khắp vạn vật vũ trụ, như trận mưa thấm nhuần các cây cao, vừa và thấp.(13) Tâm Bi (S. Karuna; P. Karunā): thấy chúng sinh khổ (lũ lụt cuốn trôi, người nghèo, bạo lực học đường, chấp chặt năm uẩn,…) nên lòng mình đau xót, giúp người thoát khổ (từ thiện, hoằng pháp) và an vui. Trong Sơ Đẳng Phật học giáo khoa thư có ghi: “Từ năng dữ nhất thiết chúng sinh chi lạc, Bi năng bạt nhất thiết chúng sinh chi khổ” (Từ là đem niềm vui đến tất cả chúng sinh. Bi là nhổ sạch khổ đau cho tất cả chúng sinh). Tâm Hỷ (S. Muditā, P. Muditā): trải qua các giai đoạn tu tập thiền định(14), hành giả vui khi thấy người khác được hạnh phúc, và thanh công trong công việc. Tâm Xả (S. Upeksā, P. Upekkhā): suy xét một cách đúng đắn đối với một trạng thái của tâm tỉnh thức thanh khiết mà Phạm Kim Khánh đã diễn tả rằng: “Nhận định chân chính, hoặc suy luận vô tư, tức không luyến ái cũng không ghét bỏ, không ưa thích cũng không bất mãn, không tham cũng không sân.”(15)
Mục tiêu của giáo dục Phật giáo
Giáo lý Tứ vô lượng tâm được đề cập rất nhiều trong kinh tạng Pāli(16). Tiêu biểu như trong Kinh Trung Bộ như kinh số 7, kinh số 21, kinh số 40, kinh số 120,… Trong Kinh Trường Bộ có kinh số 13, kinh số 26, kinh số 33,… Trong Kinh Tương Ưng Bộ có kinh Cây lao, kinh Gia đình, kinh Từ, kinh Bộ xương,… Trong Kinh Tăng Chi Bộ có kinh Từ, kinh An ổn trú, kinh Cần phải ghi nhớ, kinh Từ bi, kinh Tham ái,… Trong Kinh Tiểu Bộ có kinh Lòng từ, kinh Từ bi,… Không chỉ có trong kinh tạng Pāli, mà giáo lý tứ vô lượng tâm còn được trình bày trong một số bản kinh của Phật giáo Đại thừa như Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa (phẩm Phổ Môn), Kinh Đạo Bảo Tích,…
Về tu tập tự thân, trong kinh Pháp cú, bài kệ số 166 dạy rằng: “Dầu lợi người bao nhiêu. Chớ quên phần tư lợi. Nhờ thắng tri tư lợi. Hãy chuyên tâm lợi mình”(17). Trước tiên, hành giả hãy trải tình thương giống như tình mẫu tử: “Như tấm lòng người mẹ. Ðối với con của mình. Trọn đời lo che chở. Con độc nhất mình sinh. Cũng vậy, đối tất cả. Các hữu tình chúng sinh. Hãy tu tập tâm ý. Không hạn lượng rộng lớn.”(18) Tình thương của tâm từ không phiền muộn, vượt trên tình thương luyến ái (mẹ và con) và yêu đương trai gái, vợ chồng. Tình thương bình đẳng, không còn sân giận oán thù, bởi vì: “Với hận diệt hận thù. Đời này không có được. Không hận diệt hận thù. Là định luật ngàn thu.”(19) Còn trong kinh tạng Đại thừa, hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm trong phẩm Phổ Môn củakinh Pháp Hoa với tâm từ vô lượng: “Mắt lành trông chúng sinh. Biển phước lớn khôn lường.”(20) Tâm Từ luôn đi đôi với tâm Bi. Tâm từ vô lượng, vậy tâm Bi như thế nào?
Tiêu biểu như thuở nhỏ lúc bảy tuổi, thái tử Tất Đạt Đa theo vua cha dự lễ hạ điền, lòng buồn trước cảnh con người và sinh vật sát hại lẫn nhau. Lần đó, dạo quanh bốn cửa thành, chứng kiến cảnh người già đi đứng khó khăn, người bệnh nằm rên la, thây chết vứt bên đường khiến cho thái tử lòng đau quặn xiết nên quyết tâm vượt thành xuất gia tìm đạo, cứu độ nhân sinh thoát khỏi khổ đau. Khi thực tập thiền định dưới cội Bồ đề, thái tử thệ rằng: “Nếu ta không thành đạo, thì dù thịt nát xương tan, ta cũng quyết không đứng dậy khỏi chỗ này.”(21) Cuối cùng, thái tử đã chứng đạt quả Phật, đem giáo pháp chỉ cho chúng sinh tu tập an lạc. Trong Phật giáo Đại thừa, hình ảnh Địa Tạng Bồ tát cứu độ chúng sinh ở Ta bà trong kinh Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện, ông trưởng giả cứu các con thơ dại trong nhà lửa tam giới trong kinh Pháp Hoa,… Chính vì thế, trong kinh Hoa Nghiêm dạy rằng chúng sinh phát khởi tâm đại Bi tu tập, hướng đến thành tựu Bồ đề, chứng thành Phật quả.
Giáo dục Phật giáo cho thế hệ trẻ hiện nay
Chính năng lượng từ bi lan tỏa khiến cho tự thân và mọi người được an lạc, hỷ tâm. Cái vui vô lượng không mang lại khổ đau mà chính là vui trong sự tu tập thiền định “định sinh hỷ lạc”. Đem niềm vui cứu khổ chúng sinh mà còn chấp trước thì đó chưa phải tinh thần Phật giáo. Đối với đạo Phật thì phải thực hành tâm Xả vô lượng như bố thí (phát cơm miễn phí, từ thiện miền Trung ngập lụt, giúp gia đình nghèo), cúng dường (xây chùa, đúc chuông,…), xả bỏ những lỗi lầm người khác gây tạo,… Như trong kinh Trung Bộ, đức Phật dạy rằng: “Cũng vậy, này chư Tỳ kheo, Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt đưa qua, không phải để nắm giữ lấy.”(22)
Về đạo đức giải thoát, trong kinh Từ 1 của Kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật dạy rằng một hành giả thực hành trải tâm từ rộng khắp sẽ đạt được lợi ích: “Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy, ái luyến Thiền ấy, do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với Thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sinh cộng trú với chư Thiên ở cõi Phạm chúng Thiên. Một kiếp, này các Tỳ kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ở cõi Phạm chúng Thiên.”(23) Nếu là kẻ phàm phu thì khi tuổi thọ đã hết, sẽ đọa vào ba đường dữ; nhưng đối với chúng đệ tử Phật thì nhập Niết-bàn ngay sau đó, sở dĩ như thế là vì: “Này các Tỳ kheo, đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sinh thú.”(24)
Vị đó cũng thực tập tâm Bi, tâm Hỷ, tâm Xả cùng khắp hết thảy thì khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về các cõi trời Quang Âm (một kiếp), Biến Tịnh (hai kiếp), Quảng Quả (bốn và năm kiếp), Tịnh cư (tu Tứ vô lượng tâm và quán Năm uẩn), khi hết tuổi thọ thì nhập Niết bàn. Trong Kinh Tăng Chi Bộ, chương Mười một pháp, phẩm Tùy niệm, tôn giả Ananda cũng khuyên vị đó nên tập trung quán chiếu: “Từ tâm giải thoát này thuộc tăng thượng tác thành, thuộc tăng thượng tâm.”(25) Tương tự quán chiếu tâm Bi, tâm Hỷ, tâm Xả cũng như vậy. Thiết nghĩ “hoa thơm nhờ nhụy, người có giá trị nhờ vào đạo đức”, vậy hành giả Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa ứng dụng Tứ vô lượng tâm vào đời sống tu học cũng như hoằng pháp ra sao?
Ứng dụng đạo đức Phật giáo vào đời sống tâm lý con người
Ứng dụng Tứ vô lượng Tâm vào trong đời sống thực tiễn
Để dấn thân nhập thế hóa độ nhân sinh, trước tiên bản thân mình phải hạ thủ công phu tu tập, trau dồi đức hạnh tự thân, tôi luyện định niệm trong việc trải tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ và tâm Xả đến khắp tất cả vạn vật. Hòa thượng Minh Châu dạy rằng: “Trong thế giới đầy hận thù này, chúng ta hãy sống không hận thù, hãy nêu gương sáng của cuộc sống đầy tình thương. Trong thế giới đầy bóng tối này, bóng tối của đe dọa chiến tranh, và nếp sống phi đạo đức, chúng ta hãy thắp lên ngọn đèn của trí tuệ, của hiểu biết và thông cảm.”(26)
Nếu buông mình trong các bất thiện pháp (nói dối, uống rượu bia, hoang dâm vô độ,…) thì đạo đức suy giảm, chính pháp suy vong. Nếu như hành giả biết khép mình vào tu tập giới, định, tuệ trong việc thực hành bốn tâm vô lượng đến với vạn vật thì sẽ dứt trừ ái dục, sống đạo đức trong sạch, và chứng đắc giải thoát trong mai sau.
Nhờ tu tập tứ vô lượng tâm, hành giả thực hiện hạnh nguyện lợi tha đi vào cuộc đời cảm hóa lòng người bằng pháp môn Tứ nhiếp mà trong kinh Tăng Chi Bộ, chương Bốn pháp, phẩm Bánh xe, đức Phật dạy rằng: “Bố thí và ái ngữ. Lợi hành và đồng sự. Hỡi các vị Tỳ kheo. Đây là bốn nhiếp pháp.”(27) Về bố thí, hành giả có thể tham gia hiến máu nhân đạo, sẻ chia phần cơm của mình cho đứa trẻ đang đói, vận động người giàu làm phước, người hiền trí giúp đỡ kẻ ngu si,… hướng tới xây dựng một tập thể, một xã hội tiến bộ. Bố thí không mưu cầu danh lợi, không trụ tướng, và trong đó pháp thí là hơn hết: “Pháp thí thắng mọi thí. Pháp vị thắng mọi vị. Pháp hỷ thắng mọi hỷ. Ái diệt thắng mọi khổ.”(28) Về ái ngữ, tức là tự thân luôn trau nhiếp lời nói của chính mình, thận trọng trong khi nói, nhằm tránh đau thương và chiến tranh. Hãy nói đúng sự thật, đúng chính pháp như hình ảnh đức Phật nói lời từ ái hóa độ kẻ sát nhân Angulimala. Về lợi hành, lời nói luôn đi đôi với hành động (tri hành hợp nhất) thể hiện qua việc xây cầu, xây nhà tình thương,… hoặc học hạnh của Tôn giả Phú Lâu Na hóa độ dân xứ Du Lô Na. Đây là những hành động lợi tha an trú trong thiện pháp. Bên cạnh đó, hành giả thể hiện tinh thần hòa hợp với mọi người (đồng sự), sống chan hòa tình thương với nhau như nước hòa với sữa, như hình ảnh đức Phật cùng với tăng đoàn đi khất thực, thuyết pháp,… Như trong kinh Pháp Hoa, phẩm Tín giải, hình ảnh ông trưởng giả cải trang làm người hốt phân để hóa độ cùng tử. Tứ nhiếp pháp thể hiện tinh thần vô ngã vị tha của những con người mang trong mình hạnh nguyện hoằng pháp, giáo dục con người sống đạo đức hướng thiện, xa lìa tham, sân, si và ái dục, tìm sự an lạc ngay trong kiếp sống này.
Sáu điều cần biết về đạo đức Phật giáo Việt Nam
Kết luận
Nhà giáo dục Phật giáo luôn khuyên mọi người an trú trong thiện pháp (Tứ vô lượng tâm, Bát chính đạo,…), ý niệm về bình đẳng và dân chủ, tác hại của ái dục đem đến các khủng hoảng trong xã hội. Qua đó, xây dựng đạo đức tự thân, hạnh phúc gia đình, tập thể hòa hợp, xã hội phát triển và thế giới hòa bình trong hiện tại. Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ. Vì thế, những sứ giả Như Lai và hộ trì chính pháp hãy thắp lên trong mình ngọn lửa từ bi, trải tâm vô lượng Từ – Bi – Hỷ – Xả đến khắp chúng sinh, phá tan băng giá phiền muộn, đem lại hòa bình và phát triển cho nhân loại.
CHÚ THÍCH:
(1) Mạnh Tử gọi năm mối quan hệ này là ngũ luân, nhưng theo Khổng Tử thì gọi là nhân luân. Ba mối quan hệ đầu gọi là tam cương.
(2) Tam đức (đạo của người quân tử): nhân (không lo âu), trí (không ngờ vực), dũng (không sợ hãi).
(3) Tứ đức: Tứ đức: nhân, trí, lễ, nghĩa.
(4) Ngũ thường: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.
(5) Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Lão Tử Tinh Hoa, Nxb. Trẻ, 2014, tr. 35.
(6) D. Keown, Dẫn Luận Về Đạo Đức Phật Giáo, Thái An (dịch), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2016, tr. 44.
(7) Thích Minh Châu, Đạo đức Phật giáo & hạnh phúc con người, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2002, tr. 23.
(8) ĐTKVNNT, kinh Tương Ưng Bộ, tập 1, Chương Tương ưng với ác ma, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2018, tr. 178.
(9) Nhiều tác giả, Phật giáo Nguyên thủy từ truyền thống đến hiện đại, “Đạo đức và đạo đức Phật giáo trong bối cảnh hội nhập và phát triển” của Thích Viên Trí, Nxb. Hồng Đức, HN, 2014, tr.305.
(10) ĐTKVNNT, kinh Tiểu Bộ, tập 1, kinh Pháp cú, kệ số 183, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2018, tr. 68.
(11) Thích Minh Cảnh (chủ biên), Từ Điển Phật Học Huệ Quang, tập 5, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016, tr. 4897.
(12) ĐTKVNNT, kinh Trung Bộ, tập 1, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2017, tr. 63.
(13) Tham khảo Narada, Đức Phật và Phật pháp, Phạm Kim Khánh (dịch): “Nghĩa trắng của Mettā là cái gì làm cho lòng ta êm dịu.
Mettā là tâm trạng của người bạn tốt. Mettā là lòng thành thật ước mong rằng tất cả chúng sinh đều được sống an lành hạnh phúc”, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr. 423.
(14) Tứ thiền gồm có: 1/ Sơ thiền (ly sinh hỷ lạc), 2/ Nhị thiền (định sinh hỷ lạc), 3/ Tam thiền (ly hỷ diệu lạc), 4/ Tứ thiền (xả niệm thanh tịnh).
(15) Narada (2019), Đức Phật và Phật pháp, Sđd, tr. 436.
(16) Năm bộ Nikāya (Pañca Nikāya) gồm 1/ Trung Bộ (Majjhima Nikāya); 2/ Kinh Trường Bộ (Dīgha Nikāya); 3/ Kinh Tương Ưng Bộ (Saṁyutta Nikāya); 4/ Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikāya); 5/ Kinh Tiểu Bộ (Khudhaka Nikāya).
(17) ĐTKVNNT, kinh Tiểu Bộ, tập 1, kinh Pháp cú, kệ số 166, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2018, tr. 65.
(18) ĐTKVNNT, Kinh Tiểu Bộ, tập 1, kinh Tập, phẩm Rắn Uragavagga, kinh Từ bi, kệ số 149, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2018, tr. 358.
(19) ĐTKVNNT, kinh Tiểu Bộ, tập 1, kinh Pháp cú, kệ số 5, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2018, tr. 42.
(20) Thích Trí Tịnh (dịch), kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2017, tr. 550.
(21) Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông, quyển một, Nxb. Tôn giáo, HN, 2015, tr. 15.
(22) ĐTKVNNT, kinh Trung Bộ, tập 1, kinh Ví dụ con rắn, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2017, tr. 179.
(23) ĐTKVNNT, kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, chương Tám pháp, phẩm Từ, kinh Từ 1, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2018, tr. 474.
(24) Sđd, tr. 474 – 475.
(25) ĐTKVNNT, kinh Trung Bộ, tập 2, kinh Dasama Gia Chủ, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2017, tr. 431.
(26) Thích Minh Châu, Hiểu và hành chính pháp, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2008, tr. 309.
(27) ĐTKVNNT, kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, chương Bốn pháp, phẩm Bánh xe, Kinh Nhiếp pháp, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2018, tr. 369.
(28) Kinh Tiểu Bộ (2018), tập 1, kinh Pháp cú, kệ số 354, Sđd, tr. 92.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. ĐTKVNNT, Kinh Tăng Chi Bộ, Thích Minh Châu (dịch), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2018.
2. ĐTKVNNT, Kinh Tiểu Bộ, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2018.
3. ĐTKVNNT, kinh Trung Bộ, Thích Minh Châu (dịch), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2017.
4. ĐTKVNNT, kinh Tương Ưng Bộ, Thích Minh Châu (dịch), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2018.
5. Thích Minh Cảnh (chủ biên), Từ Điển Phật Học Huệ Quang, tập 5, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016.
6. Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Lão Tử Tinh Hoa, Nxb Trẻ, 2014.
7. Thích Minh Châu, Hiểu và hành chính pháp, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2008.
8. Thích Minh Châu, Đạo đức Phật giáo & hạnh phúc con người, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2002.
9. Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông, quyển 1, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2015.
10. Narada, Đức Phật và Phật pháp, Phạm Kim Khánh (dịch), Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019.
11. D. Keown, Dẫn Luận Về Đạo Đức Phật Giáo, Thái An (dịch), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2016.
12. Thích Trí Tịnh (dịch), kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2017.
13. Viên Trí, Phật giáo qua lăng kính xã hội, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2014.
14. Thích Nhật Từ và nhiều tác giả, Phật giáo và các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2014.
15. Nhiều tác giả, Phật giáo Nguyên thủy từ truyền thống đến hiện đại, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2014.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần
Nghiên cứu 14:00 30/11/2024Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.
Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước
Nghiên cứu 08:45 25/11/2024Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Xem thêm