Để trở thành người Phật tử, chúng ta cần gì?
Là người Phật tử, chúng ta sẽ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn về giáo lý của Đức Phật để hoàn thiện bản thân và biết cách gieo trồng phúc báu đúng Chánh Pháp. Vậy làm thế nào để trở thành Phật tử?
>>Những giáo lý Phật giáo nên đọc
Bước 1: Tìm hiểu các khái niệm Phật giáo cơ bản
Hiểu những thuật ngữ cơ bản trong đạo Phật
Việc này sẽ giúp ta dễ dàng hiểu được những ý trong các bài kinh hay sách Phật giáo mà ta sẽ đọc qua trong quá trình tu học. Bởi thuật ngữ trong Phật giáo rất khó hiểu theo nghĩa thông thường nên nếu không học, bạn sẽ khó tìm hiểu sâu về đạo Phật.
Chẳng hạn:
La Hán: Là người đã đạt tới cảnh giới Niết Bàn
Bồ Tát : Người đang tu hành trên con đường hướng đến sự giác ngộ
Phật Đà: Người đã đạt tới cảnh giới giác ngộ
Pháp : Là những lời dạy của đức Phật thể hiện trong kinh điển
Niết Bàn: an lạc tinh thần, là mục tiêu cuối cùng của đạo Phật
Kinh: Là những văn bản Phật giáo thiêng liêng
Tăng: Là những người xuất gia và mặc những chiếc áo cà sa.
Nắm rõ về các trường phái Phật giáo và pháp môn tu tập
Hiện nay Phật giáo được chia ra thành hai tôn phái: Một là Phật giáo Đại Thừa, hai là Phật giáo Nguyên Thủy. Mỗi trường phái đều có những chủ trương tu tập riêng, nhưng điểm giống nhau là đạt đến quả vị giải thoát, giác ngộ.
Về pháp môn tu tập cũng khá đa dạng như: thiền tông, tịnh độ tông, mật tông,… mỗi pháp môn là cách tu tập khác nhau theo dựa vào lời dạy của Đức Phật.
Sở dĩ có sự phân chia này là do pháp Phật có vô số pháp môn, mỗi pháp môn sẽ ứng với căn cơ của tùy người. Vì thế, khi ta đã hiểu được điều này nên chọn cho mình trường phái và pháp môn tu tập phù hợp với khả năng, điều kiện sống để tiến bộ hơn. Và cũng nên hiểu rõ, các trường phái và pháp môn này không có sự hơn nhau ở cấp độ gì cả, bởi nếu tu tập thành công vẫn đạt được một sự an lạc. Như nước của nhiều con sông đều chảy ra cùng một biển.
Tìm hiểu về cuộc đời của Đức Phật
Nếu ta theo đạo Phật thì ta không thể không hiểu về vị giáo chủ của Phật giáo. Ta nên tìm đọc những quyển sách Phật giáo chính thống và uy tín để hiểu đúng đắn hơn về Đức Phật bởi hiện nay có không ít những sách viết về Đức Phật sai lệch. Cơ bản là xuất thân của Đức Phật là một vị thái tử tại Ấn Độ. Nhưng vì thương xót sự khổ đau của chúng sinh trên đường sinh tử nên đã quyết định bỏ hết địa vị, rời xa gia đình để tìm đạo giải thoát.
Đức Phật là con người của lịch sử, có nguồn gốc rõ ràng đã được khoa học chứng minh. Vì thế Đức Phật không phải là con người sinh ra trong truyền thuyết, tưởng tượng.
Học về Tứ Diệu Đế
Tứ Diệu Đế chính là bài Pháp đầu tiên Phật giảng sau khi đắc đạo dưới cội bồ đề. Đây được xem là bài pháp cơ bản nhất trong Phật giáo nói về sự thật của cuộc đời này. Theo đó, Tứ Diệu Pháp gồm: Khổ, Tập, Diệt, Đạo, nghĩa là: sự thật về tất cả những cái khổ chúng sanh đang chịu, nguyên nhân các khổ, giới thiệu về cõi Niết Bàn và con đường đi đến cõi Niết Bàn ấy để có được sự an vui vĩnh hằng.
Nắm được Tứ Diệu Đế, chúng ta mới nhìn nhận đúng về cuộc đời và lý do vì sao phải tìm cầu con đường giải thoát. Đó là động lực để thúc đẩy sự tu tập và định hướng cho con đường tu tập của chúng ta.
Học về sự luân hồi và Niết Bàn
Là người Phật tử, chúng ta phải tin sâu vào luật luân hồi, nghĩa là sự tái sinh sau sinh mất đi vào một cuộc sống mới và vòng luân hồi sinh tử này chỉ kết thúc khi chúng sinh đạt đến cảnh giới Niết Bàn, không còn sinh tử nữa. Đây là quy luật tự nhiên của vũ trụ không phải do Đức Phật tạo ra mà chính là do Ngài thấy được bằng cái nhìn của một bậc Thánh. Vòng luân hồi này có 6 nẻo, có là: trời, người, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, tùy vào nghiệp thiện xấu quyết định.
Hiểu về Nghiệp
Nghiệp chính là những hành động, thói quen tạo tác của chúng ta. Nghiệp có ba dạng: Nghiệp thiện là kết quả của hành động tốt mà chúng ta đã gây tạo từ quá khứ hay ở hiện tại; Nghiệp xấu kết quả của hành động ác mà chúng ta đã gây tạo từ quá khứ hay ở hiện tại; Nghiệp trung lập là kết quả của những hành động không có ảnh hưởng tốt và xấu đến người khác.
Nghiệp ảnh hưởng đời sống hạnh phúc hay đau khổ ở hiện tại, quyết định đến quá trình luân hồi và giải thoát đạt đến Niết Bàn của chúng ta.
Bước 2: Quy y Tam bảo
Tìm một ngôi chùa tham gia
Hãy chọn một ngôi chùa gần nhà hay ngôi chùa mà ta cảm thấy yêu thích. Thường xuyên lui tới chùa để tìm hiểu các hoạt động Phật sự, cách sinh hoạt, pháp môn tu hành xem có phù hợp với sở thích của mình hay không?
Việc tìm hiểu này có thể thông qua vị trụ trì của chùa, các tu sĩ hay những Phật tử thuần hành tại đây để bạn nắm rõ hoạt động của chùa hơn.
Tham gia các hoạt động tại chùa
Ta nên mạnh dạn tham gia các hoạt động Phật sự cùng với quý thầy và Phật tử tại ngôi chùa mà ta đang tìm hiểu. Các hoạt động đó như là từ thiện, học giáo lý, phóng sinh, đọc tụng kinh,…vừa để hiểu hơn về chùa vừa để giao lưu làm quen với mọi người nơi đây.
Có thể bước đầu ta sẽ cảm thấy chưa quen hay ngại ngùng. Nhưng không sao cả, đó là tâm lý chung của nhiều người. Và cảm giác này của ta sẽ nhanh chóng mất bởi sự hòa đồng và thân thiện của mọi Phật tử tại chùa.
Hỏi về quy y Tam Bảo
Sau một thời gian tìm hiểu về pháp môn tu tập cũng như các hoạt tại chùa, nếu phù hợp ta hãy trình bày tâm nguyện quy y Tam Bảo lên sư thầy trụ trì.
Quy y Tam Bảo chính là quay về nương tựa với Phật, Pháp, Tăng, nương tựa vào giáo lý của Đức Phật để sống và hành thiện.
Và ta phải nguyện giữ được 5 giới như: Không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu ( Không bắt buộc ta giữ hết 5 giới, cố gắng giữ được giới nào thì phát nguyện giữ giới đó).
Lễ quy y Tam Bảo được diễn ra tại Chánh Điện trước sự chứng minh của Tam Bảo.
Cho nên ta cần phải phát tâm mong muốn quy y, chứ không vì quy vì một áp lực nào cả. Sau khi quy y ta sẽ chính thức trở thành người Phật tử tại gia.
Bước 3: Tu học hằng ngày
Nên thường xuyên đến chùa
Hãy dành thời gian rảnh đến chùa để cùng mọi người đọc kinh hay sinh hoạt các hoạt động Phật sự để duy trì mối quan hệ đạo hữu và được sư thầy hướng dẫn tu tập, giải quyết những vướng mắc trong quá trình tu học để không đi lệch hướng. Ta nên khuyến khích người thân cùng tham gia. Đặc biệt, mỗi chúng ta khi đến chùa cần phải giữ gìn những phép tắc, những oai nghi của người Phật tử, thể hiện sự trang nghiêm chốn thiền môn.
Học giáo pháp thường xuyên
Kinh điển của đạo Phật nhiều vô kể, lời dạy của Đức Phật đa dạng và thâm sâu. Người đời hay gọi là Thiên kinh vạn quyển. Vì thế nên thường xuyên tìm hiểu thông qua những bộ kinh, băng đĩa, bài giảng để hiểu nhiều hơn về đạo cũng như có cách tu học ngày càng tiến bộ hơn.
Hoặc ta nên đăng ký tham gia các lớp giáo lý để trực tiếp nghe các sư thầy giảng đạo và giải quyết những khúc mắc khó hiểu trong quá trình tu hành của mình.
Luôn giữ năm giới
Điều cơ bản nhất của người Phật tử đó chính là giữ gìn năm giới, nghĩa là hạn chế phạm vào những giới cấm đó nhằm tăng phúc báu, kéo dài tuổi thọ, hạnh phúc, an lạc,… Và mỗi tháng vào ngày 14 và 29 Âm Lịch ta nên đến chùa đọc kinh Sám Hối để giảm bớt đi tội nghiệp ở quá khứ và tránh bớt làm những điều xấu ở tương lai.
Tu tập theo con đường trung đạo
Nghĩa là ta không quá khắt khe, ép thân trong việc tu cũng như không hưởng thụ đời sống xa xỉ, sung sướng mà phải biết cân bằng cuộc sống, điều hòa nhu cầu của bản thân ở mức độ nhất định. Đó là điều kiện tốt để ta tu hành có kết quả. Ngoài ra, ta cũng cần tu tập nương theo Bát Chánh Đạo, đó là 8 yếu tố cơ bản rất quan trọng để đạt đến sự giải thoát. Cụ thể là: Chánh kiến; Chánh tư duy; Chánh ngữ; Chánh nghiệp; Chánh mạng; Chánh tinh tấn; Chánh niệm; Chánh định.
Ngày nay, Phật giáo ngày càng trở lên phổ biến trên thế giới, không còn mang ý nghĩa là tôn giáo mà giáo lý của Phật giáo còn được xem là triết lý sống mang tính hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại. Cho nên trở thành một người Phật tử hiểu đạo, thuần hành, chân chính sẽ góp phần rạng danh Phật giáo, mang ánh sáng của Đức Như Lai đi khắp muôn nơi để vô vàn chúng sinh được chứng đắc Bồ Đề tâm, giác ngộ và giải thoát.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cách sám hối ngắn gọn súc tích Phật tử nên biết
Kiến thức 13:30 04/11/2024Phương pháp đọc các bài sám hối, để gọi là đọc đúng, đó là không quá chú trọng việc đọc, mà tập trung vào việc hiểu. Đọc chậm cũng được, đọc vấp cũng được, đọc đi đọc lại một câu, một đoạn cũng được....cốt yếu là để hiểu thật kĩ nghĩa của những lời sám hối đó.
Thực hành thiền Phật giáo
Kiến thức 11:40 04/11/2024Mục đích tối hậu của thiền là giúp tâm ta định và sáng, có thể thấy biết đúng như thật về thật tính của vạn pháp, bản chất của mọi sự vật hiện tượng, cả những hiện tượng vi tế nhất.
“Phàm làm việc gì, trước phải xét kết quả của nó về sau”
Kiến thức 10:00 04/11/2024Những người không nghĩ đến quả mà cứ gieo nhân bừa bãi, thì thế nào cũng gặt nhiều tai họa, gây tạo cho mình những điều phiền phức, có khi làm ung độc cả cuộc đời, cả sự sống. Chỉ có những người nông nỗi, liều lĩnh mới không nghĩ đến ngày mai, mới sống qua ngày.
Ý nghĩa của việc tụng Kinh, trì Chú và niệm Phật
Kiến thức 08:54 04/11/2024Trong suốt cuộc đời hoằng pháp, đức Phật không hề viết sách. Tất cả kim ngôn hay lời dạy của Ngài được truyền thừa lại nhờ vào truyền thống tụng đọc thuộc lòng, của các vị đệ tử của Ngài truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Xem thêm