STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
Từ nhỏ, tôi đã biết đến chùa. Đó là ngôi chùa nhỏ nằm giữa cánh đồng có tên là "Viên Minh tự". Ngôi chùa này là chốn về bình an của người dân ở một vùng quê miền Trung, đa số khó nghèo.
Hồi nhỏ, tôi và má vẫn hay đi chùa vào mùng 1 và rằm. Mỗi tháng hai lần, đều đặn, người dân và Phật tử quê vẫn hay gọi là đi sám hối.
Theo sinh hoạt thiền môn, cố định, ngày 14 và 29 hoặc 30 âm lịch sẽ là thời kinh sám hối - ngày để mỗi người soi xét lại mình nhiều hơn, nghĩ về những lỗi lầm đã tạo để có thể ăn năn, phát nguyện chừa bỏ thói tật do tham - sân - si thúc đẩy, để bước đi trên con đường sáng đẹp, chân chính. Ở quê tôi chọn rằm và mùng 1 có lẽ cho dễ nhớ, và cũng là dịp để Phật tử về chùa ăn chay, nghe giảng.
Giáo lý căn bản của đạo Phật là nhân quả, cũng rất gần gũi với quan niệm của người dân Việt: gieo gió gặt bão, ở hiền gặp lành. Có lẽ vì thế mà Phật giáo đi vào Việt Nam, trở thành tôn giáo "đồng hành cùng dân tộc", cùng sống trong lòng người dân như một nền tảng đạo đức quan trọng mỗi khi nghĩ, nói, làm một việc gì đó.
"Đừng sống ác vậy, chuyện gì cũng có nhân quả hết nghen". "Đừng nghĩ điều xấu đó, mang tội chết". "Nói chi ác mồm ác miệng rứa, khẩu nghiệp đó". Đi đâu cũng có thể nghe được lời răn nhắc ấy. Người Việt sống thiện lành lên từ những nhắc nhở gần gũi đó.
Đạo Phật cũng dạy về việc thờ cúng ông bà, tổ tiên - hướng vọng đến người khuất và tri ân người còn - như một lẽ sống quan trọng. "Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật" trở thành "thần chú" để người Phật tử và mến Phật nhớ, ngẫm và không xa rời hiếu đạo.
"Cha mẹ tại thế là Phật", một sự "suy tôn" vị Phật tại thế - là cha mẹ - mà mỗi người nếu có niềm kính tín Tam bảo đều nằm lòng. Người không biết gì về Phật pháp thấy cũng dễ thực hành. Chỉ cần có hiếu đã là sống có đạo rồi.
Chính vì sự tương đồng trong nếp nghĩ, cách sống ấy, mỗi dịp lễ lớn của Phật giáo, tôi gặp nhiều người dân chưa phải là Phật tử cũng đến chùa. Đầu năm, rằm tháng Giêng đi chùa cầu an; rằm tháng Bảy, lễ Vu lan đến chùa cầu siêu cho cha mẹ, tổ tiên quá cố và phụng hành hiếu đạo với cha mẹ còn sống…
Tóm lại, đến chùa là để trở về với những gì tốt đẹp nhất trên cả hai phương diện: làm lành và lánh dữ. Người dân Việt nhất tâm như thế.
Có lần, tôi nghe một vị giảng sư dặn dò Phật tử: tu hành nói lớn cũng lớn lắm mà nói nhỏ cũng nhỏ nhiệm. Đó là điều chỉnh lối sống, suy nghĩ, lời nói hằng ngày, trong tất cả việc, tất cả mối quan hệ.
"Không làm việc ác (không giết hại, không nói dối hay nói điều sai quấy, không trộm cắp, chấm dứt tà dâm, dừng say sưa nghiện ngập). Đồng thời, năng làm việc thiện (phóng sanh, cứu vật cứu người, nói điều chân thật, bố thí sẻ chia, gìn giữ tiết hạnh của mình và người, hay thủy chung trong đạo vợ chồng, sống tiết chế trong ăn uống để giữ tinh thần mẫn tiệp). Đó chính là cách rèn luyện để có thể trở thành một người chân chánh hơn", vị thầy ân cần.
Nếu hiểu ý nghĩa đi chùa như thế, phải chăng con người ta sẽ không còn nghĩ rằng có thể tới chùa để xin đủ thứ vì… thích đủ thứ tốt đẹp mà không cần phải làm bất cứ thứ gì (tốt đẹp).
Tôi từng nghe Lan, một Phật tử ở Lâm Đồng chia sẻ trong một khóa tu ở Bảo Lộc: "Mình từng tin mù quáng vào thần Phật nên chỉ biết cúng kiếng, cầu xin. Cứ nghĩ cúng nhiều thì trời Phật thương mình sẽ cho mình nhiều thứ, đạt được nhiều ước nguyện". Lan khóc khi gặp "đạo Phật nguyên chất", hướng con người tin vào nội lực, thấy Phật tánh vốn là gốc rễ của mỗi người. Chỉ cần mình tử tế với mình và người, có hiểu và thương sâu sắc thì sẽ vén được màn vô minh, tà kiến.
Năm mới, có rất nhiều lễ hội mà ở đó con người bị thúc đẩy phải làm theo một tín ngưỡng, tập tục vì đó là việc "xưa bày nay bắt chước". Chẳng hạn như rải tiền lẻ trên tay Phật để mong may mắn, bình an, thành đạt là những quan niệm không đúng, nếu không muốn nói là phi lý.
Mấy hôm trước, tôi trò chuyện với một vị thầy trong Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thầy nói, đi chùa đầu năm là nét đẹp của người Việt. Nhưng nó cũng có nhiều biến tướng do người đi chùa không hiểu giá trị của việc trở về chùa, thắp nén nhang cầu nguyện là để điềm tĩnh, lắng đọng lòng mình, dừng bon chen, hơn thua để bắt đầu một năm mới thiện lành.
Gieo hạt giống bình an ngay khi cắm nén nhang xuống bằng cách nguyện cầu những điều tích cực cho tự thân và đất nước, rộng hơn là thế giới, muôn loài. Theo thầy, mỗi ý niệm chúng ta đều mang năng lượng và có tác động không chỉ tới mình, người xung quanh mà còn cả thế giới. Khi lòng mình thực sự an lành thì thế giới đã khác, vì có thêm một nhân tố bình an, và ngược lại.
"Đóng góp cho hòa bình vì thế bắt đầu từ tâm ta. Có câu nói tâm bình thế giới bình là vậy", vị thầy giải thích.
Trở lại với việc đi chùa hồi nhỏ của tôi. Người quê nghèo nên có gì cúng nấy. Có người mang nải chuối, người cầm mớ bông phượng cúng vàng tươi dâng Phật. Có người chẳng mang gì. Nhưng dù có mang gì hay không thì khi đứng trước Phật, ngài vẫn mỉm cười và quan trọng là lòng ai bình an, nhẹ nhàng, tâm ai lành lặn mới có thể thấy Phật. Còn ai mang nặng lòng tham thì đứng trước Phật cũng chỉ toàn tính toán, nghĩ về những của cải, địa vị sẽ có.
Vị thầy trụ trì lớn tuổi ở Viên Minh tự (nay đã viên tịch) dạy tôi, khi mình không có gì cúng Phật mà lòng mình tùy hỉ công đức với người cúng, tức vui với việc lành của người đó thì phước báu của mình cũng ngang họ. Phước ấy sinh ra từ tâm không đố kỵ, biết vui với việc lành người làm, thành công người có.
Nói tu khó mà cũng thật dễ là như thế. Người giàu hay người nghèo cũng có thể có cơ hội để tạo phước, theo cách riêng.
Năm mới, nếu đi chùa, tôi sẽ đi như hồi trẻ thơ. Đến thắp một nén nhang, hoặc không, nhưng sẽ không để lòng rộn ràng với quá nhiều gạch đầu dòng "cho con" mà thư thả để bỏ bớt những thói tật của bản thân bằng sám hối, buông bớt cố chấp, não phiền và tùy duyên hơn trong mọi sự.
Tôi vẫn thích ngồi ở ghế đá sân chùa, nghe vẳng tiếng tụng của thầy: "Con xưa đã tạo bao ác nghiệp/ Đều bởi vô thỉ tham-sân-si/ Từ thân, miệng, ý mà sinh ra/ Tất cả con nay xin sám hối". Rồi mỉm cười, đơn giản vậy thôi!
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
Cộng đồng xót xa hay tin, cúi mình tiễn biệt những người chết oan khuất trong trận hỏa hoạn ở Hà Nội.
Một quốc gia sẽ không thể có cảnh an dưỡng thực sự khi chung quanh toàn là cánh rừng chết, sông suối ao hồ ô nhiễm và những ngôi nhà chỉ biết sống cho riêng mình.
Nhiều vụ tai nạn giao thông đến từ nguyên do này, đặc biệt vào dịp cuối năm, tiệc tùng, liên hoan liên tục.
Trong dân gian có so sánh như vậy: “Cứu một mạng người, còn hơn xây bảy tòa tháp”.
Dù đã 12 năm trôi qua nhưng mỗi lần nhớ lại khoảnh khắc va chạm giao thông vào ngày 11/11/2022 tôi vẫn rùng mình…
Suy cho cùng thì cái chết của nữ văn sĩ Quỳnh Dao cũng là sự lựa chọn của bà ấy.
Đã rất nhiều người hỏi tôi câu hỏi ấy trong những buổi tôi nói chuyện, chia sẻ tại các khóa tu ở các chùa.