Đức Phật (bài 1)
Giới thiệu cuốn sách bán chạy nhất "A New York Times bestseler" của Karen Armstrong, do Trần Quang Nghĩa dịch.
DẪN NHẬP
Một số Phật tử có thể cho rằng việc viết tiểu sử của Tất-Đạt-Đa Cồ Đàm là một việc rất phi Phật giáo. Theo quan điểm của họ, không nên tôn thờ bất kì thẩm quyền nào, dù cho có uy nghi đến mấy: Phật tử phải tự lực tu tập và dựa vào nỗ lực của chính mình, không dựa vào một lãnh tụ lôi cuốn nào. Một thiền sư thế kỷ thứ chín, người thành lập dòng Lâm Tế của Thiền tông, thậm chí còn đi xa đến mức ra lệnh cho các đệ tử của mình, “Nếu gặp Phật. Hãy giết Phật!” để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tính độc lập này với các chức sắc tôn giáo có thẩm quyền. Cồ Đàm ắt hẳn đã không chấp nhận hình thức bạo lực của thứ quan điểm này, nhưng trong suốt cuộc đời mình, Ngài đã chiến đấu chống lại tục sùng bái cá nhân, và không ngừng nhắc nhở các môn đệ đừng quá chú ý đến bản thân Ngài. Không phải cuộc sống và cá tính của ngài mà là những lời dạy của ngài mới là quan trọng. Ngài tin tưởng rằng mình đã tỉnh thức trước một chân lý được ghi khắc trong cấu trúc sâu xa nhất của sự tồn tại. Đó là dhamma; tức là Pháp. Từ này có một loạt các ý nghĩa nhưng vì nguồn gốc nó biểu thị một quy luật sống nền tảng cho các vị thần, con người và cũng như muông thú.
Bằng cách khám phá ra chân lý này, Ngài đã giác ngộ và đã trải qua một sự biến đổi nội tâm sâu sắc; ngài đã chinh phục được sự an lạc và miễn nhiễm giữa bể khổ của cuộc đời. Cồ Đàm đã trở thành Phật, một đấng giác ngộ hoặc tỉnh thức.
Bất kỳ một đệ tử nào của Ngài cũng có thể đạt được giác ngộ tương tự nếu người đó theo phương pháp này. Nhưng nếu mọi người bắt đầu sùng kính Cồ Đàm, họ sẽ tự sao nhãng nhiệm vụ tu tập của mình và giáo phái có thể trở thành chỗ nương tựa khiến họ trở thành một người hoàn toàn lệ thuộc không xứng đáng, có thể cản trở bước đường tiến bộ tâm linh.
Kinh điển Phật giáo trung thành với tinh thần này dường như cho chúng ta biết rất ít chi tiết về cuộc sống và cá tính của Cồ Đàm. Vì vậy, rõ ràng là rất khó để viết một tiểu sử về Đức Phật đáp ứng được các tiêu chí hiện đại của sử học, bởi vì chúng ta có rất ít thông tin có thể được coi là lịch sử có cơ sở. Bằng chứng bề ngoài đầu tiên về sự tồn tại của một tôn giáo gọi là Phật giáo đến từ những bản khắc đá của vua Asoka (Vua A Dục), người cai trị đế chế Maurya ở Bắc Ấn Độ từ khoảng 269 đến 232 TCN. Ông vua này sống khoảng hai trăm năm sau Đức Phật. Do sự hiếm hoi của thực tế đáng tin cậy này, một số học giả phương Tây vào thế kỷ 19 nghi ngờ rằng Cồ Đàm là một nhân vật lịch sử có thật. Họ tuyên bố rằng Ông chỉ đơn giản là hiện thân của triết lý Samkhya (một trường phái tối cổ của Ấn Độ) thịnh hành lúc đó hoặc một biểu tượng của tín ngưỡng sùng bái mặt trời. Tuy nhiên, học thuật hiện đại đã từ bỏ quan điểm hoài nghi này và lập luận rằng mặc dù trong kinh điển Phật giáo chứa rất ít những gì phổ biến được gọi là “sự thật phúc âm", chúng ta vẫn có thể tự tin một cách hợp lý rằng Tất-Đạt-Đa Cồ Đàm đã thực sự tồn tại và các đệ tử của Ngài đã lưu giữ ký ức về cuộc đời và giáo lý tốt như có thể của Ngài.
Khi cố gắng tìm hiểu về Đức Phật, chúng ta phụ thuộc vào số lượng kinh điển Phật giáo đồ sộ, được viết bằng nhiều ngôn ngữ châu Á khác nhau và chiếm vài kệ sách trong thư viện. Không có gì đáng ngạc nhiên, quá trình biên soạn một khối lượng lớn các văn bản này rất phức tạp và tình trạng tồn tại nhiều phần khác nhau gây tranh luận. Người ta thường đồng ý rằng các văn bản nguyên gốc nhất là những văn bản được viết bằng tiếng Pali, một phương ngữ Bắc Ấn Độ có nguồn gốc không chắc chắn, dường như gần gũi với tiếng Magadhan, ngôn ngữ mà chính Đức Phật có thể đã sử dụng. Những bản kinh này đã được các Phật tử lưu giữ ở Sri Lanka. Miến Điện và Thái Lan thuộc trường phái Theravada. Nhưng chữ viết không phổ biến ở Ấn Độ cho đến thời Asoka, và Kinh điển Pali được bảo tồn bằng lối truyền khẩu và có lẽ chỉ được viết ra cho đến thế kỷ thứ nhất TCN. Các thánh thư này được sáng tác như thế nào?
Dường như quá trình bảo tồn các truyền thống về cuộc đời và giáo lý của Đức Phật bắt đầu ngay sau khi Ngài qua đời vào 483 TCN. Các nhà sư vào thời kỳ này sống cuộc sống rày đây mai đó: Họ lang thang khắp các thành phố và thị trấn của đồng bằng sông Hằng và giảng dạy cho dân chúng giáo lý về sự giác ngộ và giải thoát khỏi đau khổ.
Trong mùa mưa, họ buộc phải ra ngừng đi chuyến và an cư trong các khu tịnh xá và trong thời gian an cư kiết hạ các nhà sư thảo luận về giáo lý và thực hành thiền định. Ít lâu sau Đức Phật nhập diệt. Các văn bản Pali cho chúng ta biết rằng tăng đoàn đã tổ chức một Đại hội Kết tập Kinh điển để đánh giá các kinh điển và cách tu tập khác nhau còn tồn tại. Dường như khoảng năm mươi năm sau, một số nhà sư các vùng phía đông ở miền Bắc Ấn Độ vẫn còn có thể nhớ rõ về bậc thầy vĩ đại của mình và những người khác bắt đầu thu thập các bằng chứng của họ theo một hình thức chính thức hơn. Họ chưa thể viết ra kinh điển ghi nhớ, nhưng nhờ luyện tập du già (yoga) nhiều người trong số họ có được một trí nhớ phi thường, vì vậy họ đã phát triển các cách ghi nhớ những bài thuyết giảng của Đức Phật và những giới luật chi tiết của Tăng đoàn. Ắt hẳn như chính Đức Phật cũng đã từng làm, họ đặt một số lời giáo huấn của ngài thành những khổ thơ và thậm chí đã tụng theo chúng: họ cũng phát triển một phong cách có tính công thức và lặp đi lặp lại (vẫn còn hiện diện trong văn bản) để giúp các nhà sư có thể học thuộc lòng những bài kinh. Họ phân chia các bài giảng và các quy định thành các bộ phận tài liệu chồng lắp nhau, và một số tu sĩ được giao nhiệm vụ học thuộc lòng các tuyển tập này và truyền lại cho thế hệ sau.
Khoảng một trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt một Đại hội Kết tập Kinh điển thứ hai được tổ chức, và vào thời kỳ này có vẻ như các văn bản đã đạt đến hình thức của kinh điển Pali hiện nay. Toàn bộ kinh điển được gọi là Tam Tạng Kinh (Ba giỏ kinh), bởi vì sau này khi kinh điển được ghi chép thành văn, chúng được đựng trong ba giỏ riêng biệt: Tạng Kinh, Tạng Luật, và Tạng Luận. Mỗi tạng này lại được chia nhỏ như sau:
(1] Tạng Kinh bao gồm năm bộ gồm các của bài thuyết pháp của Đức Phật:
[i] Trường Bộ Kinh, một tuyển tập ba mươi bốn bài thuyết giảng pháp dài nhất, tập trung vào việc rèn luyện tâm linh của các nhà sư, về bổn phận các cư sĩ và về các khía cạnh khác nhau của đời sống tôn giáo ở Ấn Độ trong thế kỷ 5 TCN. Nhưng cũng có một tường thuật về những phẩm chất của Đức Phật (Kinh Niệm Xứ) và về những ngày cuối cùng của cuộc đời ngài (Kinh Đại Bát-niết-bàn).
(ii] Trung Bộ Kinh. một tuyển tập gồm 52 bài kinh có độ dài trung bình. Chúng bao gồm một số lượng lớn các câu chuyện về Đức Phật, cuộc đấu tranh của ngài để đạt được giác ngộ và hoằng pháp sớm của mình, cũng như một số những giáo lí cốt lõi.
[iii] Tương ưng Bộ Kinh: tuyển tập năm bộ kinh. được chia theo các chủ đề, như Bát chánh đạo và cấu tạo nhân cách con người.
[iv] Tăng chi Bộ Kinh gồm mười một bộ kinh, hầu hết trong số đó có mặt trong các phần khác của kinh điển.
[ v] Tiểu Bộ Kinh, tuyển tập các tác phẩm nhỏ trong đó bao gồm các bản kinh phổ biến như Kinh Pháp cú, một tuyển tập các châm ngôn và bài thơ ngắn của Đức Phật, Kinh Phật Tự Thuyết, bộ sưu tập một số châm ngôn của Đức Phật, được sáng tác chủ yếu bằng thơ, cho biết mỗi người đã được sinh ra như thế nào; Kinh Tập, một tuyển tập các khổ thơ khác kể về một số truyền thuyết về cuộc đời Đức Phật: và Kinh Bổn sinh kể về các tiền kiếp của Đức Phật và đại đệ tử của Ngài, nhằm minh họa nghiệp báo (“hành động“) của một người có hậu quả như thế nào trong các kiếp sau của họ.
(2] Tạng Luật, bộ sách về Giới luật, ấn định các quy định của giáo phái. Kinh Luật được chia thành ba phần:
[i] Các quy định dành cho Tỳ kheo, gồm 227 giới luật phải tuân theo;
[ii] Các quy định dành cho Tỳ kheo ni, gồm 311 giới luật;
[iii] Các quy định trong đời sống hàng ngày như ăn uống, trang phục …
(3) Tạng Luận đề cập đến các phân tích triết học và giáo lý và ít được người viết tiểu sử quan tâm đến.
Sau Đại hội Kết tập Kinh điển lần thứ hai xảy ra sự rạn nứt trong phong trào Phật giáo, kết quả là phân chia một số trường phái. Mỗi trường phái cũng sử dụng những kinh điển cũ này nhưng sắp xếp lại để phù hợp với việc hoằng pháp của họ. Nói chung, có vẻ như không có kinh điển nào bị loại bỏ, mặc dù có bổ sung và hiệu chỉnh. Rõ ràng kinh điển Pali, kinh của trường phái Theravada không phải là phiên bản duy nhất nhưng nó là phiên bản duy nhất còn tồn tại nguyên vẹn. Tuy nhiên, một số kinh Ấn Độ đã thất lạc có thể được tìm thấy trong các bản dịch sang tiếng Hoa sau này hoặc trong kinh điển Tây Tạng, vốn cho chúng ta bộ sưu tập cổ nhất các văn bản tiếng Phạn. Mặc dù các bản dịch này được soạn ra vào thế kỷ thứ 5 hoặc 6 CN, tức một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập diệt, một số bộ phận vẫn như cũ, và chứng thực cho Kinh điển Pali.
Từ lời tường thuật ngắn gọn này, một số điểm nổi lên sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta tiếp cận tài liệu thiêng liêng này. Đầu tiên, các văn bản chỉ có mục đích tập họp những lời Phật dạy, không có đóng góp trứ tác nào từ các nhà sư. Phương thức truyền khẩu này ngăn cản quyền tác giả theo chủ nghĩa cá nhân; những kinh điển này không phải là tác phẩm Phật giáo tương đương với các phúc âm của các nhà truyền giáo như Matthew, Mark, Luke và John, trong đó mỗi người đều đưa ra quan điểm riêng của mình về Tin Mừng. Chúng ta không biết gì về các nhà sư đã biên soạn và chỉnh sửa tất cả các văn bản này, cũng như về bộ phận ghi chép, những người sau này được giao nhiệm vụ viết thành văn. Thứ hai, Kinh điển Pali nhất định phản ánh quan điểm của trường phái Theravada, và có thể nghiêng về bản gốc vì mục đích luận chiến. Thứ ba, mặc dù trí nhớ được rèn luyện bằng yoga của các nhà sư rất xuất sắc, phương thức truyền tải này chắc chắn vẫn còn thiếu sót. Nhiều kinh thư có lẽ đã bị mất, một số bị hiểu sai, và những quan điểm riêng sau này của các nhà sư chắc chắn đã được gán cho Đức Phật. Chúng ta không có phương tiện nào để phân biệt những câu chuyện và bài kinh nào là xác thực và đâu là hư cấu. Kinh điển không cung cấp cho chúng ta thông tin đáp ứng các tiêu chí của lịch sử khoa học hiện đại. Chúng chỉ khẳng định là một truyền thuyết về sự tồn tại của nhân vật Cồ Đàm khoảng ba thế hệ sau khi Ngài viên tịch, khi kinh điển Pali đã có được hình thức xác định. Kinh điển Tây Tạng và Trung Quốc sau này chắc chắn có chứa văn bản cổ xưa, nhưng chúng cũng đại diện cho sự phát triển còn muộn hơn của truyền thuyết. Ngoài ra còn có một thực tế nghiêm túc là bản viết tay cổ nhất bằng tiếng Pali còn tồn tại chỉ khoảng 500 năm tuổi.
Nhưng chúng ta không nên thất vọng. Các văn bản có chứa sử liệu mà dường như là rất đáng tin cậy. Qua kinh điển này chúng ta biết được rất nhiều về miền Bắc Ấn Độ vào thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, và điều này phù hợp với kinh sách của Kỳ Na giáo, tôn giáo cùng thời với Đức Phật. Các văn bản có chứa các tài liệu tham khảo chính xác về tôn giáo của kinh Veda, điều mà những Phật gia và những người soạn thảo kinh sách và bình luận sau này phần lớn không biết gì; chúng ta biết được về các nhân vật lịch sử, chẳng hạn như Vua Bimbisara (Tân-bà-sa-la) của xứ Magadha (Ma-kiệt-đà), về sự xuất hiện của cuộc sống đô thị, và về các thể chế chính trị, kinh tế và tôn giáo của thời kỳ phù hợp với những khám phá của các nhà khảo cổ, ngữ văn và sử học. Các học giả ngày nay tin chắc rằng một số kho kinh điển này có lẽ đã có từ thời Phật giáo sơ khai nhất. Ngày nay cũng khó chấp nhận quan điểm của thế kỷ 19 cho rằng Đức Phật chỉ đơn giản là phát minh của những người theo đạo Phật. Tất cả các giáo lý này đều có tính nhất quán và mạch lạc hướng đến một trí huệ nguyên thủy duy nhất, và khó có thể coi chúng là một sáng tác tập thể. Không thể nghi ngờ một số lời dạy này đã được chính Đức Phật thốt ra, mặc dù chúng ta không thể chắc chắn những lời nào.
Một sự thật quan trọng khác nổi lên từ sự mô tả này của Kinh điển Pali: Nó không chứa đựng sự tường thuật liên tục về cuộc đời Đức Phật. Các giai thoại được xen kẽ với việc giảng dạy và chỉ giới thiệu một học thuyết hoặc một quy tắc. Đôi khi trong các bài giảng của mình, Đức Phật kể cho các tu sĩ nghe về cuộc đời trước đây của Ngài hoặc sự giác ngộ của Ngài. Nhưng không có gì giống như những câu chuyện được phát triển theo trình tự thời gian về cuộc đời của Môi-se hay Giê-su trong kinh sách của người Do Thái và Cơ đốc giáo. Về sau, các Phật tử đã liên tiếp viết nhiều tiểu sử của Đức Phật. Chúng ta có kinh Lalita-Vistara của Tây Tạng (thế kỷ thứ ba CN) và kinh Pali Nidana Katha (thế kỷ thứ năm CN), dưới hình thức bình luận về các câu chuyện Tiền thân. Các bình luận về Kinh điển bằng tiếng Pali, được học giả phái Nguyên thủy Buddhaghosa đúc kết thành hình thức sau rốt vào thế kỷ thứ năm sau Công nguyên, cũng giúp người đọc sắp xếp các sự kiện lẻ tẻ và không liên tục được kể lại trong Kinh điển theo một trình tự thời gian nào đó. Nhưng ngay cả những câu chuyện mở rộng này cũng có những chỗ thiếu sót, chúng hầu như không chứa chi tiết nào về 45 năm hoằng pháp của Đức Phật, sau khi Ngài giác ngộ. Lalita-Vistara kết thúc với bài pháp đầu tiên của Đức Phật, và Nidana Katha kết thúc với việc thành lập khu tịnh xá Phật giáo đầu tiên ở Savatthi (Xá Vệ), thủ đô của Kosala, vào giai đoạn mở đầu sự nghiệp hoằng pháp của Đức Phật. Có hai mươi năm sứ mệnh của Đức Phật mà chúng ta không có thông tin nào cả.
Tất cả những điều này dường như chỉ ra việc một số Phật tử cho rằng câu chuyện về nhân vật Cồ Đàm lịch sử là không thích hợp là đúng. Cũng đúng là người dân Bắc Ấn Độ không quan tâm đến lịch sử theo suy nghĩ của chúng ta: họ quan tâm nhiều hơn đến ý nghĩa của các sự kiện lịch sử. Kết quả là kinh điển cung cấp rất ít thông tin về những vấn đề mà hầu hết người phương Tây hiện đại cho là không thể thiếu. Chúng ta thậm chí không thể chắc chắn Đức Phật sống ở thế kỷ nào.
Theo truyền thống, người ta cho rằng Ngài đã nhập diệt vào khoảng năm 483 TCN, nhưng các nguồn tài liệu của Trung Quốc cho rằng Ngài có thể đã nhập diệt nhất là vào năm 368 TCN. Tại sao người ta phải bận tâm đến tiểu sử của Cồ Đàm, nếu chính các Phật tử còn không quan tâm đến cuộc đời của Ngài như vậy?
Nhưng không hẳn là như vậy. Các học giả ngày nay tin rằng các tiểu sử mở rộng sau này được dựa trên bản tường thuật ban đầu về cuộc đời của Cồ Đàm, được viết vào thời kỳ Đại hội Kết tập lần thứ hai, hiện đã bị thất lạc. Hơn nữa, kinh điển cho thấy rằng những Phật tử đầu tiên đã suy nghĩ sâu sắc về một số thời điểm quan trọng trong tiểu sử của Cồ Đàm: Sự ra đời của Ngài, sự từ bỏ cuộc sống gia đình bình thường, sự giác ngộ của Ngài, sự bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp của Ngài và sự viên tịch của Ngài. Đây là những sự cố có tầm quan trọng lớn. Chúng ta có thể mù tịt về một số khía cạnh trong tiểu sử của Cồ Đàm, nhưng chúng ta có thể tin tưởng rằng những sự kiện chính được mô tả này phải đúng.
Đức Phật luôn khẳng định rằng lời dạy của Ngài hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm của chính mình. Ngài không nghiên cứu quan điểm của người khác hoặc phát triển một học thuyết trừu tượng. Ngài đã rút ra kết luận từ chính trải nghiệm cuộc đời mình. Ngài dạy các đệ tử của mình rằng nếu họ muốn đạt được giác ngộ, họ phải từ bỏ gia đình, trở thành các nhà sư khất thực và tu tập các kỷ luật tâm linh, như Ngài đã làm. Cuộc đời và sự giáo huấn của Ngài gắn bó chặt chẽ với nhau. ề cơ bản, triết lý của Ngài là một triết lý tự truyện, và những nét chính về cuộc đời Ngài được mô tả trong kinh điển và bình luận như một hình mẫu và nguồn cảm hứng cho những Phật tử khác. Như Ngài nói: “Ai thấy ta là thấy pháp (giáo lý), và ai thấy pháp là thấy ta.”
Có một cảm nhận rằng điều này đúng với bất kỳ nhân vật tôn giáo lớn nào. Học thuật Tân Ước hiện đại đã chỉ ra rằng chúng ta biết về nhân vật Giêsu lịch sử ít hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ. “Sự thật Phúc âm” không chặt chẽ như chúng ta tưởng. Nhưng điều này đã không ngăn cản hàng triệu người noi theo cuộc sống của Giê-su và nhìn thấy con đường bác ái và thống khổ của Ngài dẫn đến một lối sống mới. Giê-su chắc chắn đã tồn tại, nhưng câu chuyện về Ngài đã được trình bày trong các sách Phúc âm như một mô hình. Các tín đồ Cơ đốc đã nhìn lại vào Ngài khi đào sâu vào cốt lõi vấn đề của chính họ. Thật vậy, chỉ có thể hiểu đầy đủ về Giêsu nếu ta đã từng trải qua sự chuyển biến bản thân theo một nghĩa nào đó. Điều này cũng đúng với Đức Phật, người mà cho đến thế kỷ 21, vẫn là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Giáo lý của Ngài phát triển mạnh mẽ ở Ấn Độ trong 1.500 năm, sau đó lan truyền sang Tây Tạng, Trung Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Sri Lanka và Đông Nam Á. Đối với hàng triệu con người, Ngài là nhân vật tiêu biểu cho cảnh ngộ nhân loại.
Theo đó, sự hiểu biết về cuộc đời Đức Phật, ở một mức độ nào đó được kết hợp với lời dạy của Ngài, có thể giúp tất cả chúng ta thấu hiểu được tình cảnh khốn khổ của con người. Nhưng đây không thể là loại tiểu sử thường được viết trong thế kỷ hai mươi mốt; ta không thể truy nguyên những gì đã thực sự xảy ra hoặc khám phá ra những sự kiện mới gây tranh cãi về cuộc đời Đức Phật, vì không có một sự kiện nào trong kinh điển mà chúng ta có thể thành thật khẳng định là có thật về mặt lịch sử. Những gì mang tính lịch sử là sự thật của truyền thuyết, và chúng ta phải hiểu toàn bộ truyền thuyết đó, vì nó đã phát triển vào thời điểm mà các bản văn Pali hình thành rõ nét khoảng một trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt.
Ngày nay, nhiều độc giả sẽ thấy những khía cạnh của truyền thuyết này thật khó tin: những câu chuyện về các vị thần và phép lạ được xen kẽ với những sự kiện phàm trần và có thể xảy ra trong lịch sử cuộc đời Cồ Đàm. Trong chủ nghĩa phê phán lịch sử hiện đại, thông thường người ta thường coi nhẹ các sự kiện thần kỳ được cho là bồi đắp sau này. Nhưng nếu chúng ta làm điều này với kinh điển Pali, chúng ta sẽ bóp méo truyền thuyết. Chúng ta không thể chắc chắn rằng những sự cố bình thường hơn có nguyên bản hơn trong truyền thuyết hay không so với những cái gọi là dấu hiệu và điều kỳ diệu. Các nhà sư phát triển Kinh điển chắc chắn đã tin vào sự tồn tại của các vị thần, mặc dù họ coi các vị ấy là những sinh vật có quyền lực giới hạn và, như chúng ta sẽ thấy, bắt đầu coi họ là những phóng chiếu của trạng thái tâm lý con người. Họ cũng tin rằng việc thực hành yoga thâm sâu đã mang lại cho hành giả yoga những năng lực “kỳ diệu” (iddhi) phi thường. Các bài tập yoga đã rèn luyện tâm trí để nó có thể thực hiện những kỳ tích phi thường, giống như thể chất phát triển của vận động viên Olympic mang lại cho anh ta những sức mạnh mà người bình thường không thể có được. Mọi người cho rằng một yogin lão luyện có thể bay lên, đọc được suy nghĩ của người khác và đến thăm các thế giới khác.
Các nhà sư biên soạn Kinh điển đã mong đợi Đức Phật có thể làm được những điều này, mặc dù bản thân Ngài có một quan điểm thức thời về iddhi và cho rằng nên tránh xa những phép thần thông ấy. (Có lần các môn đệ của Ngài kể cho Ngài rằng họ nghe nói có một thuật sĩ yoga, sau 30 năm khổ luyện, có thể đi bộ được qua sông. Nhận thấy họ dường như cũng khao khát thụ đắc phép thần thông đó, Ngài bèn đưa cho họ một đồng xu, và bảo rằng, “Còn ta chỉ cần trao một đồng xu cho người lái đò thì cũng có thể qua sông được, không cần mất đến 30 năm.”) Như chúng ta sẽ thấy, “những câu chuyện thần kỳ” thường là những câu chuyện mang tính cảnh báo, được thiết kế để chỉ ra sự vô nghĩa của chủ nghĩa phô trương tâm linh.
Nhiều câu chuyện được ghi lại trong kinh điển Pàli có ý nghĩa ẩn dụ hoặc tượng trưng. Những Phật tử đầu tiên tìm kiếm ý nghĩa, thay vì chi tiết chính xác về mặt lịch sử, trong kinh điển của mình. Chúng ta cũng sẽ thấy rằng các tiểu sử sau này, như tiểu sử được tìm thấy trong Nidana Katha, đưa ra những tường thuật thay thế và phức tạp về những sự kiện như quyết định rời bỏ gia đình, hoặc quá trình giác ngộ của Cồ Đàm, hơn là những tường thuật thưa thớt và kỹ thuật hơn trong tiểu sử ghi trong kinh tạng Pali. Những câu chuyện sau này thậm chí còn giàu yếu tố thần thoại hơn cả Kinh điển: các vị thần xuất hiện, trái đất rung chuyển, những cánh cổng mở ra một cách thần kỳ. Một lần nữa, sẽ là sai lầm nếu tưởng tượng rằng những chi tiết kỳ diệu này đã được thêm vào truyền thuyết ban đầu. Những tiểu sử liên tiếp sau này có lẽ dựa trên văn bản tường thuật đã thất lạc về cuộc đời Đức Phật được sáng tác khoảng một thế kỷ sau khi Ngài qua đời, cùng thời điểm mà Kinh điển hình thành. Những Phật tử sơ khai sẽ không lo lắng rằng những câu chuyện thần thoại phổ biến này khác với những câu chuyện trong Kinh điển. Chúng chỉ đơn giản là một cách giải thích khác về các sự kiện này, làm nổi bật ý nghĩa tâm linh và tâm lý của chúng.
Nhưng những huyền thoại và phép lạ này cho thấy rằng ngay cả các nhà sư Theravada, vốn tin rằng Đức Phật chỉ nên được xem như một bậc thầy hướng dẫn và một tấm gương, đã bắt đầu xem Ngài như một siêu nhân. Trường phái Đại thừa phổ biến hơn hầu như thần thánh hóa Cồ Đàm. Người ta từng nghĩ rằng Theravada đại diện cho một hình thức thuần túy hơn của Phật giáo, còn Đại thừa đã sửa đổi làm sai lạc, nhưng một lần nữa, các học giả hiện đại coi cả hai đều xác thực. Theravada tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tu tập và tôn vinh những nhà sư đã trở thành A-la-hán, “những bậc thành tựu”, giống như Đức Phật, đã đạt được giác ngộ. Nhưng người Đại thừa, những người tôn kính Đức Phật như một sự hiện diện vĩnh cửu trong cuộc sống dân chúng và như một đối tượng thờ cúng, đã bảo tồn những giá trị khác được nhấn mạnh như trong kinh điển Pali, đặc biệt là tầm quan trọng của lòng từ bi.
Họ cảm thấy rằng Phật giáo Nguyên thủy quá độc quyền và các vị A-la-hán ôm lấy sự giác ngộ một cách ích kỷ cho riêng mình. \Họ thích tôn kính hình tượng của các vị Bồ-tát, những người đàn ông hoặc phụ nữ quyết trở thành Phật nhưng đã trì hoãn sự giác ngộ để mang thông điệp giải thoát đến cho “số đông”. Điều này, chúng ta sẽ thấy, tương tự như nhận thức của chính Cồ Đàm về vai trò các tăng đoàn của Ngài. Cả hai trường phái đã nắm bắt được những đức tính quan trọng; cả hai, có lẽ, cũng đã mất một cái gì đó.
Cồ Đàm không muốn sùng bái cá nhân, nhưng những cá nhân kiểu mẫu như Ngài, Socrates, Khổng Tử và Giê-su có xu hướng được tôn sùng như thần thánh hoặc siêu nhân. Ngay cả Nhà tiên tri Muhammad, người luôn khăng khăng rằng mình là một con người bình thường, cũng được người Hồi giáo tôn kính là Con người Hoàn hảo, một nguyên mẫu của hành động hoàn toàn tuân phục (ý nghĩa của từ Islam, tức Hồi giáo) trước Chúa. Sự bao la của bản thể và thành tựu trong những nhân vật này dường như bất chấp các phạm trù thông thường. Truyền thuyết về Đức Phật trong kinh điển Pali cho thấy rằng điều này đã xảy ra với Cồ Đàm, và mặc dù những câu chuyện thần kỳ này không thể đúng theo nghĩa đen, nhưng chúng cho chúng ta biết một điều quan trọng về cách con người hoạt động. Giống như Giê-su, Muhammad và Socrates, Đức Phật đã dạy đàn ông và phụ nữ cách đi qua thế gian đầy khổ đau, cách vượt qua những nhỏ nhen và toan tính của con người và khám phá một chân giá trị tuyệt đối. Tất cả đều nhằm dạy cho nhân loại ý thức hơn về bản thân và đánh thức họ hãy phát huy hết tiềm năng của mình. Tiểu sử của một nhân vật đã được sùng bái theo cách này không thể đáp ứng các tiêu chuẩn của lịch sử khoa học hiện đại, nhưng khi nghiên cứu nhân vật nguyên mẫu được trình bày trong kinh điển Pali và các văn bản liên quan, chúng ta biết được thêm về khát vọng của con người và thụ đắc được cái nhìn sâu sắc mới mẻ về bản chất của nhiệm vụ con người. Câu chuyện điển hình này mô tả một loại sự thật khác về thân phận con người trong một thế giới đầy khiếm khuyết và khổ đau.
Nhưng tiểu sử của Đức Phật đưa ra những thách thức khác. Chẳng hạn, các sách Phúc âm trình bày Giê-su như một nhân cách khác biệt với những đặc điểm riêng; những cách diễn đạt đặc biệt, những khoảnh khắc của cảm xúc và đấu tranh sâu sắc, các cơn nóng nảy và khiếp đảm vẫn được giữ nguyên. Điều này khác với Đức Phật, vốn được mô tả như một mẫu người hơn là một cá nhân. Trong các bài thuyết giảng của Ngài chúng ta không tìm thấy bất kỳ lời châm biếm, công kích và dí dỏm nào khiến chúng ta thích thú như trong các bài rao giảng của Giê-su hay Socrates. Ngài nói như truyền thống triết học Ấn Độ đòi hỏi: trang trọng, đường bệ và an nhiên. Sau khi Ngài đã giác ngộ, chúng ta không còn biết gì về những điều Ngài ưa ghét, những niềm hy vọng và nỗi sợ hãi, những khoảnh khắc tuyệt vọng, phấn khích hay phấn đấu mãnh liệt của Ngài. Những gì còn lại chỉ là một ấn tượng về một sự thanh tịnh siêu phàm, sự tự chủ, và lòng cao thượng vượt ra ngoài mọi nhãn hiệu hời hợt vị kỷ và một sự an lạc sâu sắc. Đức Phật thường được so sánh với bản thể không phải con người—với động vật, cây cối hay thực vật—không phải vì Ngài thấp kém hay chai đá, mà bởi vì Ngài đã hoàn toàn vượt qua tính vị kỷ mà hầu hết chúng ta coi là không thể tách rời khỏi cảnh ngộ của chúng ta. Đức Phật đã nỗ lực tìm ra một phương cách làm người mới. Ở phương Tây, chúng ta đánh giá cao chủ nghĩa cá nhân và sự thể hiện bản thân, nhưng điều này có thể dễ dàng thoái hóa thành việc tự đề cao đơn thuần. Những gì chúng ta tìm thấy ở Cồ Đàm là một hành động buông bỏ hoàn toàn và ngoạn mục. Ngài ắt không ngạc nhiên khi biết rằng kinh điển không thể hiện mình là một “nhân cách” toàn diện, nhưng hẳn sẽ nói rằng quan niệm về nhân cách của chúng ta là một ảo tưởng nguy hiểm. Ngài hẳn sẽ nói rằng không có gì độc đáo về cuộc sống của mình. Trước Ngài đã có những vị Phật khác, mỗi vị đều rao giảng cùng một giáo pháp và có những trải nghiệm y hệt như vậy.
Truyền thống Phật giáo tuyên bố rằng đã có 25 bậc giác ngộ như vậy và sau thời đại lịch sử hiện tại, khi kiến thức về chân lý thiết yếu này đã phai nhạt, một vị Phật mới, được gọi là Phật Di Lặc, sẽ đến thế gian và trải qua vòng đời tương tự. Nhận thức nguyên mẫu này về Đức Phật mạnh mẽ đến mức có lẽ câu chuyện nổi tiếng nhất về Ngài trong Nidana Katha, chuyện Ngài “xuất gia” từ ngôi nhà thân phụ, được Kinh điển Pali cho là đã xảy ra với một trong những tiền thân của Cồ Đàm, Đức Phật Vipassi (Ty-bà-thi). Kinh sách không quan tâm đến việc truy tìm những thành tựu cá nhân, độc đáo của Cồ Đàm mà quan tâm đến việc Ngài vạch ra con đường mà tất cả chư Phật, tất cả con người phải bước đi khi tìm kiếm sự giác ngộ.
Câu chuyện Cồ Đàm có liên quan đặc biệt đến thời đại của chúng ta. Chúng ta cũng đang sống trong thời kỳ chuyển tiếp và thay đổi, giống như miền Bắc Ấn Độ trong thế kỷ thứ sáu và thứ năm TCN. Giống như người dân Bắc Ấn Độ, chúng ta nhận thấy rằng những phương cách truyền thống để trải nghiệm điều thiêng liêng và khám phá ý nghĩa tối thượng trong cuộc sống chúng ta là khó khăn hoặc không thể thực hiện được. Kết quả là một sự trống rỗng đã trở thành một phần thiết yếu của trải nghiệm hiện đại. Giống như Cồ Đàm, chúng ta đang sống trong thời đại bạo lực chính trị và đã sợ hãi chứng kiến tính vô nhân đạo của người đối với người. Trong xã hội chúng ta cũng có tình trạng bất ổn lan rộng, tuyệt vọng và băng hoại trong đời sống đô thị, và đôi khi chúng ta sợ hãi trước trật tự thế giới mới đang xuất hiện.
Nhiều khía cạnh trong cuộc tìm kiếm vĩ đại của Đức Phật sẽ lôi cuốn đối với nền đạo lí hiện đại. Chủ nghĩa thực nghiệm nghiêm cẩn của Ngài đặc biệt phù hợp với tinh thần thực dụng của nền văn hóa phương Tây chúng ta, cùng với yêu cầu của Ngài về tính độc lập trí tuệ và cá nhân. Những người mãi vô vọng đi tìm một đấng Thượng đế siêu nhiên ngoài hành tinh cũng sẽ ấm lòng trước việc Đức Phật từ chối khẳng định có một Đấng Tối cao. Ngài giới hạn các tìm kiếm của mình trong phạm trù bản chất con người của chính mình và luôn nhấn mạnh rằng những trải nghiệm của Ngài – ngay cả chân lý tối cao của Niết bàn – là hoàn toàn tự nhiên đối với mọi người. Ai đã từng trở nên chán chường trước tính bất dung của một số loại hình tôn giáo nặng tính thể chế cũng sẽ ngưỡng mộ Đức Phật về tính từ bi và lòng nhân ái vô điều kiện.
Nhưng Đức Phật cũng là một thách thức, bởi vì Ngài cấp tiến hơn hầu hết chúng ta. Có một trào lưu chính thống mới đang len lỏi trong xã hội hiện đại đôi khi được gọi là “tư duy tích cực”. Ở mức tồi tệ nhất, thói lạc quan năng nổ này sẽ xô đẩy chúng ta vùi đầu vào cát, phủ nhận nỗi khổ đau bàng bạc ở bản thân cũng như ở người khác, đồng thời tự cầm tù vào trạng thái vô tâm có chủ ý nhằm đảm bảo sự tồn tại về mặt cảm xúc của chúng ta. Đức Phật dành rất ít thời gian cho việc này.
Theo quan điểm của Ngài, đời sống tinh thần không thể bắt đầu cho đến khi con người cho phép mình đắm chìm trong thực tế khổ đau, nhận ra rằng khổ đau thấm nhuần toàn bộ trải nghiệm của chúng ta như thế nào và cảm nhận được nỗi đau của mọi chúng sinh, ngay cả những người mà chúng ta không hợp tính. Cũng đúng là hầu hết chúng ta đều không sẵn sàng cho mức độ xả ly của Đức Phật. Chúng ta biết rằng tự cao tự đại là một điều xấu; chúng ta biết rằng tất cả các truyền thống vĩ đại trên thế giới—không chỉ Phật giáo—đều thúc đẩy chúng ta vượt qua sự vị kỷ của mình. Nhưng khi chúng ta tìm kiếm sự giải thoát—dù dưới vỏ bọc tôn giáo hay thế tục—chúng ta thực sự muốn đề cao bản ngã của chính mình. Phần lớn những gì được coi là tôn giáo thường được thiết kế để chống đỡ và tán thành cái tôi mà những vị sáng lập đức tin đã khuyên bảo chúng ta từ bỏ.
Tuy nhiên, điều đó dường như không đúng với Đức Phật. Ngài có thể là người vô tư, nhưng trạng thái mà Ngài đạt đến đã truyền cảm hứng phi thường cho tất cả những ai gặp Ngài. Mức độ thường hằng, như nhất của tính dịu dàng, công bằng, thanh tịnh, vô tư và an lạc mà Đức Phật thụ đắc đã chạm đến một hợp âm và cộng hưởng với một số khao khát sâu xa nhất của chúng ta. Không ai tránh né sự điềm tĩnh vô tư của Ngài, không ai nản lòng trước sự đối xử công bằng của Ngài không thiên vị người này hơn người khác. Thay vào đó, họ bị thu hút trước đại hạnh của Đức Phật và đổ xô đến với Ngài.
Bất kì ai nguyện thực hiện phương pháp tu tập mà Ngài đề ra cho nhân loại khổ đau, họ nói rằng họ đã “quy y” với Đức Phật. Ngài là nơi ẩn náu của hòa bình trong một thế giới đầy bạo lực của chủ nghĩa vị kỷ sát phạt.
Một câu chuyện xúc động trong kinh tạng Pali kể rằng, một ngày nọ, một vị vua đang trong tâm trạng trầm cảm sầu não đánh xe ngựa qua một công viên rậm rạp những thân cổ thụ nhiệt đới khổng lồ. Ông xuống xe ngựa và bước đi giữa những bộ rễ cây to lớn cao đến đầu người, và cảm nhận được “niềm hứng khởi cho hy vọng và lòng tự tin” mà chúng truyền đến ông. “Chúng im lặng; không mối lao xao bất hòa nào làm xáo trộn sự an bình của chúng; chúng mang lại cảm giác tách biệt với thế gian tầm thường, một nơi chốn mà con người có thể ẩn náu khỏi đồng loại” và tìm thấy một lối thoát ra khỏi sự tàn khốc của cuộc sống. Nhìn những thân cổ thụ tuyệt vời này, nhà vua lập tức nhớ đến Đức Phật, và ông liền nhảy lên xe ngựa và lái xe hàng dặm đến nơi Đức Phật đang cư ngụ. Việc tìm kiếm một nơi riêng lẻ, tách biệt khỏi thế giới nhưng vẫn tuyệt vời ở bên trong nó, một nơi không thiên vị, hoàn toàn công bằng, bình lặng khiến chúng ta tràn đầy niềm tin rằng, bất chấp mọi cảnh ngộ, vẫn còn có giá trị trong cuộc đời chúng ta, là điều mà nhiều người tìm kiếm trong thực tại mà chúng ta gọi là “Chúa Trời”. Nơi chính Đức Phật, người đã vượt ra khỏi những hạn chế và thiên vị của bản ngã, nhiều người dường như tìm thấy điều đó ở trong một con người.
Cuộc đời của Đức Phật thách thức một số xác tín mạnh mẽ nhất của chúng ta, nhưng cuộc đời đó cũng có thể là một ngọn hải đăng. Cho dù chúng ta có thể không thực hành được toàn bộ phương pháp mà Ngài đã chỉ định, nhưng tấm gương của ngài soi sáng một số phương hướng mà nhờ đó chúng ta có thể đạt đến một tình nhân loại được thăng hoa và đầy lòng trắc ẩn chân thực nhất.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Nguyễn Du - Tiếng lòng thiên thu
Nghiên cứu 23:14 20/12/2024Thơ và thiền là đôi cánh đại bàng tung bay trên bầu trời Đông phương và Tây phương suốt từ nghìn xưa cho đến ngày nay.
Nguyện giải thoát ngay hiện tiền
Nghiên cứu 13:41 18/12/2024Trong nhà Phật, lời nguyện có thể gặp ở bất kỳ kinh sách nào. Hầu hết các lời nguyện đều lớn vô cùng và trải dài vô cùng tận. Trong các chùa Thiền tông, chúng ta thường nghe tới Tứ hoằng thệ nguyện, nơi câu đầu “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” (Nguyện giải thoát vô số chúng sinh) đã mang tâm lượng vô biên, vô cùng tận.
Đời tu của tôi
Nghiên cứu 09:32 18/12/2024Đời tu của tôi có những cái dễ nhưng cũng gặp những cái khó. Trong cái khó thật ra tôi không tính toán cũng không suy nghĩ phải làm sao, tôi chỉ âm thầm xin Tam Bảo gia hộ. Ai làm gì nói gì, tôi cứ lặng thinh mà chịu chờ Tam Bảo gia hộ, rồi cái tốt đẹp sẽ đến, tôi không có phản ứng để chống chọi gì hết.
Tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích ở Bắc Ninh
Nghiên cứu 11:12 17/12/2024Ngôi cổ tự Phật Tích (tên gọi khác là chùa Vạn Phúc) toạ lạc trên núi Phượng Hoàng, Tiên Du, Bắc Ninh là nơi lưu lại dấu ấn truyền bá Phật giáo ở vùng Bắc bộ hơn nghìn năm. Chùa Phật Tích còn được biết đến là nơi lưu giữ 2 bảo vật quốc gia: Tượng Phật A-Di-Đà và bộ tượng 10 linh thú đá.
Xem thêm