Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 06/09/2015, 16:26 PM

Duy Thức tam thập tụng, nội dung và ứng dụng

Duy Thức Tam Thập Tụng 唯識三十頌 sa.triṁśikā-vijñaptimātratāsiddhi-kārikā là 30 bài tụng hiển bày ý nghĩa duy thức. Ý nghĩa duy thức là muốn nói nền tảng của vũ trụ vạn vật là thức, thức cũng cũng tức là thông tin nên có thể nói vũ trụ vạn vật cũng là thông tin, là số (the universe is digital). 

Đây là một tác phẩm của Thế Thân 世親Vasubandhu (316-396CN), Tổ thứ 21 của Thiền tông Ấn Độ, sống vào thế kỷ thứ IV Công nguyên. Thế Thân không có chú giải tác phẩm này của mình, sau khi ông tịch, có nhiều người chú giải, trong số đó, đáng chú ý là chú giải của An Huệ 安慧 sa. Sthiramati (510-570CN) hiện vẫn còn bản Phạn ngữ. Duy Thức Tam Thập Tụng đã được đại sư Huyền Trang 玄奘 (602-664CN) biên dịch và đưa vào trong bộ Thành Duy Thức Luận 成唯識論. Trước Huyền Trang, Chân Đế 真諦 (Parāmartha 499 -569) cũng có dịch tác phẩm này ra Hán văn. Năm 1922 Sylvain Lévi tìm thấy bản tiếng Phạn tại Nepal. Chúng tôi sẽ liệt kê bản tiếng Phạn (Sanskrit) được Latin hóa cùng với bản dịch Hán văn của Huyền Trang.

Nội dung tác phẩm là luận vạn pháp là do thức biến hiện, chia thức năng biến và sở biến thành ba nhóm: dị thục (thức thứ tám), tư lượng (thức thứ bảy), liễu biệt cảnh (tiền ngũ thức và ý thức). Kế đó nói về nhị thủ tức cặp phạm trù mâu thuẫn, nêu một đại biểu là cặp thiện-ác (tốt-xấu) . Tiếp theo giải thích hoạt động của thức dựa vào ba tính chất : biến kế sở chấp (vọng tưởng), y tha khởi (dựa vào vật khác) và viên thành thật (tạo ra vật như thật), đó là cách mà thế giới xuất hiện. Cuối cùng trình bày mật ý của Phật rằng tất cả các pháp đều không có tự tính và đi đến kết luận rằng thức không phải chỉ là thuộc tính của chúng sinh, mà thực tế là thực trụ duy thức, nghĩa là thức chính là nền tảng của vũ trụ vạn vật, là chân như bất sinh bất diệt. Giác ngộ như thế sẽ đưa đến an lạc giải thoát, là đại mâu ni tức là đại tịch nhiên, cảnh giới vô lậu không thể nghĩ bàn, đó mới là chân thiện không còn đối đãi.

Tác phẩm này tuy ngắn nhưng trình bày cốt lõi của tư tưởng duy thức và rất có ảnh hưởng tới hậu thế bởi vì nó là một tác phẩm ngắn được nhiều người nghiến cứu và được nhiều tín đồ Phật giáo tụng đọc. Các bài tụng này có liên quan gì tới cuộc sống đời thường của chúng ta ? Nó có liên quan rất lớn, rất cơ bản, vì đó là một nhận thức nền tảng rất quan trọng, có thể giúp giải quyết tất cả mọi vấn đề của con người ngày nay như : tranh giành tài nguyên, lãnh thổ biển đảo, tình trạng độc đoán, áp bức, bất công, tham nhũng trong xã hội, bạo lực chiến tranh trên thế giới, tình trạng nghèo nàn cùng khổ, bệnh tật của con người, tâm lý bất an, tình trạng thất nghiệp tràn lan, cuộc sống gia đình bất hạnh, ly hôn…Tóm lại nó có khả năng giải quyết tất cả mọi vấn đề thiên tai, nhân họa, bệnh tật, bất hạnh của con người. Sau đây là nội dung 30 bài tụng và phần cuối sẽ nói công dụng vạn năng của nó.

Nội dung Duy Thức Tam Thập Tụng
ātmadharmopacāro hi vividho ya.h pravartate ।
vijñānapari.nāme ‘sau pari.nāma.h sa ca tridhā ॥ 1 ॥

01 由假說我法 有種種相轉 彼依識所變 此能變唯三

Do giả thuyết ngã pháp, hữu chủng chủng tướng chuyển, bỉ y thức sở biến, thử năng biến duy tam.

Cái ta và các pháp có nguồn gốc là giả, có vô số hình tướng chuyển hóa, cái này là sở biến của thức, cái kia là năng biến của thức gồm 3 thứ.

vipāko mananākhyaś ca vijñaptir vișayasya ca ।
tatrālayākhya.m vijñāna.m vipāka.h sarvabījakam ॥ 2 ॥

02 謂異熟思量 及了別境識 初阿賴耶識 異熟一切種

Vị Dị Thục, Tư Lượng cập Liễu Biệt Cảnh Thức, sơ A Lại Da Thức Dị Thục Nhất Thiết Chủng

Là: Dị Thục Thức, Tư Lượng Thức và Liễu Biệt Cảnh Thức. Thức đầu (Dị Thục Thức) tức là A Lại Da Thức (Alaya) chứa tất cả hạt giống và quả báo.

Dị Thục Vipāka xưa dịch là quả báo. Nhân hay hạt giống sẽ biến thành quả, có thể là cách một hay nhiều đời, có thể nhân biến thành quả ngay trong đời hiện tại, hình thức đa dạng. Tư Lượng Thức tức là Mạt-na thức là thức phân biệt, so sánh, chấp ngã. Liễu Biệt Cảnh Thức tức là Tiền ngũ thức và Ý thức.

asa.mviditakopādisthā navijñaptikañ ca tat ।
sadā sparśamanaskāravitsa.mjñācetanānvitam ॥ 3 ॥

03 不可知執受 處了常與觸 作意受想思 相應唯捨受

Bất khả tri chấp thọ, xử liễu thường dữ xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư, tương ứng duy xả thọ

Tiếp nhận mà không thể biết, Alaya thường cùng với xúc (chỉ tiền ngũ thức : thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc thân thể) và ý thức, mạt-na thức, tiếp nhận, tưởng tượng, suy nghĩ, (gọi chung là biến hành tâm sở 遍行心所) tương ứng với giữ, buông, cảm nhận (perception) .

Tóm lại bát thức hoạt động tương tác với nhau tạo ra ngã (cái ta) và pháp (thế giới) mà chúng sinh không hay biết.

upekșā vedanā tatrāniv.rtāvyāk.rtañ ca tat ।
tathā sparśādayas tac ca vartate srotasaughavat ॥ 4 ॥

04 是無覆無記 觸等亦如是 恒轉如暴流 阿羅漢位捨

Thị vô phú vô ký, xúc đẳng diệc như thị, hằng chuyển như bạo lưu, A La Hán vị xả

Alaya là trung tính, vô phú là chưa được gán ghép thuộc tính, vô ký là trung tính, nghĩa là nó không phải thiện cũng không phải ác, không phải tốt cũng không phải xấu, nó chưa phân hóa thành cặp phạm trù mâu thuẫn, không mang đặc trưng, không có thuộc tính (properties) gì hết. Xúc (tiền ngũ thức) cũng vậy. Nó luôn luôn biến chuyển mạnh mẽ như dòng nước cuồn cuộn chảy, tới quả vị A La Hán mới buông bỏ được.

tasya vyāv.rttir arhattve tad āśritya pravartate ।
tadālamba.m manonāma vijñāna.m mananātmakam ॥ 5 ॥

05 次第二能變 是識名末那 依彼轉緣彼 思量為性相

Thứ đệ nhị năng biến, thị thức danh Mạt-na (Manas), y bỉ chuyển duyên bỉ, tư lượng vi tính tướng

Cái năng biến thứ hai là Mạt-na thức (Manas), nó dựa vào Alaya, lấy thông tin từ Alaya để làm nhân duyên, so sánh đối chiếu (tư lượng) để phát sinh tính (thuộc tính- properties) và tướng (hiển thị- display).

Tóm lại Manas là thức phân biệt tạo ra chủ thể và đối tượng cùng mọi đặc tính của sự vật, các đặc tính này được hiển thị trong không gian và thời gian.

kleśaiś caturbhi.h sahita.m niv.rtāvyāk.rtai.h sadā ।
ātmad.rșțyātmamohātmamānātmasnehasa.mjñitai.h ॥ 6 ॥

06 四煩惱常俱 謂我癡我見 并我慢我愛 及餘觸等俱四煩惱常俱 

Tứ phiền não thường câu, vị ngã si ngã kiến, tịnh ngã mạn ngã ái, cập dư xúc đẳng câu

Bốn phiền não luôn gắn liền với Manas, còn gọi là tứ hoặc 四惑 bao gồm Ngã Si là sự mê muội, vô minh của ta; Ngã Kiến là cái thấy, cái cảm nhận (perceptions) của ta; Ngã Mạn tức thói chấp ngã coi mình là trên hết; Ngã Ái tức là cái thói quen tự ái, yêu thương quý trọng mình. Bốn phiền não đó gắn kết với tiền ngũ thức qua sự tổng hợp phân biệt của ý thức và sự vô minh chấp trước của Manas, là nền tảng của mọi phiền não của chúng sinh, của con người từ xưa đến nay, đó là nguồn gốc của sướng khổ.

yatrajas tanmayair anyai.h sparśādyaiś cārhato na tat ।
na nirodhasamāpattau mārge lokottare na ca ॥ 7 ॥

07 有覆無記攝 隨所生所繫 阿羅漢滅定 出世道無有

Hữu phú vô ký nhiếp, tùy sở sinh sở hệ, A La Hán diệt định, xuất thế đạo vô hữu

Mạt-na gán ghép thuộc tính, biến trung tính thành hữu tính (phân biệt tốt xấu, ưa ghét v.v…) tùy thuộc vào sự phát sinh và liên hệ của nó, đến quả vị A La Hán diệt tận định, xuất thế, quá trình này mới không còn nữa.

dvitīya.h pari.nāmo ‘yam t.rtīya.h șa.dvidhasya ya ।
vișayasyopalabdhi.h sā kuśalākuśalādvayā ॥ 8 ॥

08 次第三能變 差別有六種 了境為性相 善不善俱非

Thứ đệ tam năng biến, sai biệt hữu lục chủng, liễu cảnh vi tính tướng, thiện bất thiện câu phi

Cái năng biến thứ ba có sáu thứ khác nhau (thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm giác tiếp xúc thân thể và ý thức) nhận thức, phân biệt thành tính (thuộc tính- properties) và tướng (hiển thị- display). Thiện hay bất thiện (nói chung là mọi cặp phạm trù mâu thuẫn, kể cả trung tính) đều không đúng (không có thực chất).

Cần cho ví dụ để dễ hiểu. Chúng ta thấy một ly nước tinh khiết, mắt thấy trong suốt, ngửi không mùi, nếm thấy ngọt, sờ thấy ướt, ý thức cảm nhận đó là nước, một chất rất cần thiết cho sự sống. Đó là tính và tướng của nước. Những tính đó, dù thiện (tốt) hay bất thiện (xấu) hoặc trung tính đều không có thực chất, đó chỉ là vọng tưởng của bát thức. Nói theo khoa học, xét tới cùng thì nước chỉ là những hạt ảo, quark, proton, neutron, electron, hay những làn sóng phi vật chất không có gì là thật cả.

sarvatragair viniyatai.h kuśalaiś caitasair asau ।
sa.mprayuktā tathā kleśair upakleśais trivedanā ॥ 9 ॥

09 此心所遍行 別境善煩惱 隨煩惱不定 皆三受相應

Thử tâm sở biến hành, biệt cảnh thiện phiền não, tùy phiền não bất định, giai tam thọ tương ứng

Cái tâm sở biến hành này (biến hóa của tâm làm chủ thể -subject-) cùng với biệt cảnh, thiện (tốt) phiền não (xấu) là các pháp đối tượng (object) đi theo có phải là phiền não hay không thì chưa định mà do chủ thể cảm nhận và phân thành ba loại cảm thọ (perceptions) là thiện, bất thiện hay trung tính.

ādyā.h sparśādayaś chandādhimokșasm.rtaya.h saha ।
samādhidhībhyā.m niyatā.h śraddhātha hrīr apatrapā ॥ 10 ॥

10 初遍行觸等 次別境謂欲 勝解念定慧 所緣事不同

Sơ biến hành xúc đẳng, thứ biệt cảnh vị dục, thắng giải niệm định huệ, sở duyên sự bất đồng

Thứ nhất là cơ quan chức năng của các giác quan (căn), kế đó là đối tượng ham muốn gọi là dục (trần), giải thích một cách rốt ráo là niệm, định, huệ. Các đối tượng có rất nhiều thứ khác nhau. Căn và trần tiếp túc với nhau phát sinh ra thức tức là niệm (nhất niệm vô minh), trong đó tùy điều kiện hoàn cảnh khác nhau mà đối tượng được cho là tốt, xấu hoặc trung tính. Khi niệm dừng lại là định, định sinh huệ tức là trí vô phân biệt hay trí bát nhã, cũng tức là giác ngộ.

alobhāditraya.m vīrya.m praśrabdhi.h sāpramādikā ।
ahimsā kuśalā.h kleśā rāgapratighamū.dhaya.h ॥ 11 ॥

11 善謂信慚愧 無貪等三根 勤安不放逸 行捨及不害

Thiện vị tín, tàm quý, vô tham đẳng tam căn, cần an bất phóng dật, hành xả cập bất hại

Thiện là tin tưởng, biết hổ thẹn, không tham, là ba căn bản; siêng năng, sống an lành, không buông thả; thực hành xả chấp và không hại người vật khác.

mānad.rg vicikitsāś ca krodhapanahane puna.h ।
mrakșa.h pradāśa īrșyātha mātsarya.m saha māyayā ॥ 12 ॥

12 煩惱謂貪瞋 癡慢疑惡見 隨煩惱謂忿 恨覆惱嫉慳

Phiền não vị tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến; tùy phiền não vị phẫn, hận, phúc, não, tật, san

Phiền não là tham, sân (giận dữ), si mê, kiêu căng, nghi kỵ, thấy méo mó; đi theo phiền não là cáu kỉnh, oán hận, lật lọng, buồn bực, ghen ghét, keo kiệt.

śāțhya.m mado vihi.msāhrīr atrapā styānām uddhava.h ।
āśraddhyam atha kauśīdya.m pramādo mușitā sm.rti.h ॥ 13 ॥

13 誑諂與害憍 無慚及無愧 掉舉與惛沈 不信并懈怠

Cuống siểm dữ hại kiêu, vô tàm cập vô quý, trạo cử dữ hôn trầm, bất tín tịnh giải đãi

(Phiền não là) Lừa dối nịnh hót và xâm hại kiêu căng, không biết xấu hổ, không biết e thẹn, cử động lung tung và hôn trầm, không tin tưởng và lười biếng.

vikșepo ‘sa.mprajanyañ ca kauk.rtya.m middham eva ca ।
vitarkaś ca vicāraś cety upakleśā dvaye dvidhā ॥ 14 ॥

14 放逸及失念 散亂不正知 不定謂悔眠 尋伺二各二

Phóng dật dữ thất niệm, tán loạn bất chính tri, bất định vị hối miên, tầm tứ nhị các nhị

(Phiền não là) Buông thả và mất chính niệm, hoang mang không biết đâu là đúng, không ổn định ngủ gật, tìm kiếm truy xét theo lối phân kỳ, chi ly, càng lúc càng xa gốc.

pañcānā.m mūlavijñāne yathāpratyayam udbhava.h ।
vijñānānā.m saha na vā taraňgā.nā.m yathā jale ॥ 15 ॥

15 依止根本識 五識隨緣現 或俱或不俱 如濤波依水

Y chỉ căn bản thức, ngũ thức tùy duyên hiện, hoặc câu hoặc bất câu, như đào ba y thủy

Dựa theo căn bản thức, năm thức (thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc thân thể) tùy duyên mà hiện ra, hoặc xuất hiện cùng lúc hoặc xuất hiện riêng lẻ, giống như sóng nhờ có nước mà xuất hiện.

manovijñānasambhūti.h sarvadāsa.mjñikād .rte ।
samāpattidvayān middhān mūrcchanād apy acittakāt ॥ 16 ॥

16 意識常現起 除生無想天 及無心二定 睡眠與悶絕

Ý thức thường hiện khởi, trừ sinh vô tưởng thiên, cập vô tâm nhị định, thụy miên dữ muộn tuyệt

Ý thức luôn luôn hiện khởi trừ trường hợp sinh vào cõi trời vô tưởng, hoặc nhập vô tưởng định hay diệt tận định, hoặc ngủ sâu mà không mơ hoặc trạng thái chết giấc.

vijñānapari.nāmo ‘ya.m vikalpo yad vikalpyate ।
tena tan nāsti teneda.m sarva.m vijñaptimātrakam ॥ 17 ॥

17 是諸識轉變 分別所分別 由此彼皆無 故一切唯識

Thị chư thức chuyển biến, phân biệt sở phân biệt, do thử bỉ giai vô, cố nhất thiết duy thức

Đó là các thức chuyển biến thành chủ thể phân biệt và đối tượng phân biệt, cả hai thực chất là không có thật, nên nói nhất thiết duy thức, tức tất cả chỉ là thức (thức cũng tức là thông tin, là số- digital).

sarvabīja.m hi vijñāna.m pari.nāmas tathā tathā ।
yāty anyonyavaśād yena vikalpa.h sa sa jāyate ॥ 18 ॥

18 由一切種識 如是如是變 以展轉力故 彼彼分別生

Do nhất thiết chủng thức, như thị như thị biến, dĩ triển chuyển lực cố, bỉ bỉ phân biệt sinh

Do tất cả các loại thức cứ trùng trùng duyên khởi như thế mà biến hóa, ra sức khai triển nên sinh ra muôn vàn phân biệt.

Cần chú ý là lực dùng để triển khai sự biến hóa là tâm lực, khi hiển thị thành hình tướng vật chất thì thể hiện thành 4 lực cơ bản là : lực tương tác mạnh, lực tương tác yếu, lực điện từ và lực hấp dẫn.

karma.no vāsanā grāhadvayavāsanayā saha ।
kșīne pūrvavipāke ‘nya.m vipākañ janayanti tat ॥ 19 ॥

19 由諸業習氣 二取習氣俱 前異熟既盡 復生餘異熟

Do chư nghiệp tập khí, nhị thủ tập khí câu, tiền dị thục ký tận, phục sinh dư dị thục

Do tập khí (thói quen mê lầm) của các nghiệp, và thói quen nhị thủ (nhị thủ là tính hai mặt của pháp- duality- còn gọi là cặp phạm trù mâu thuẫn) quả báo trước đã hết thì quả báo còn lại tiếp tục sinh.

yena yena vikalpena yad yad vastu vikalpyate ।
parikalpita evāsau svabhāvo na sa vidyate ॥ 20 ॥

20 由彼彼遍計 遍計種種物 此遍計所執 自性無所有

Do bỉ bỉ biến kế, biến kế chủng chủng vật, thử biến kế sở chấp, tự tính vô sở hữu  

Do muôn vàn biến kế. (Biến kế -parikalpita- là vọng tưởng) tưởng tượng ra đủ thứ vật, cái tưởng tượng mà lại chấp là thật này, không có tự tính.

Nghĩa là vật, thí dụ hạt photon hay electron không có thuộc tính (properties) gì cả, các thuộc tính đều do người khảo sát đo đạc gán ghép cho nó. Thí nghiệm của Alain Aspect tại Paris năm 1982 về liên kết lượng tử (quantum entanglement) đã chứng tỏ điều đó, điều này khoa học gọi là phi hiện thực (non realism- không có thật). Thí nghiệm này chứng tỏ một sai lầm lớn của Einstein khi ông cho rằng hạt photon phải có sẵn những thuộc tính như vị trí, số spin, điện tích, khối lượng, trước khi đo đạc, nhưng mà kết quả khảo sát thực tế là nó không có, được chứng minh bằng toán học với bất đẳng thức của John Bell. Xin xem cuộc tranh luận giữa Niels Bohr và Einstein.

Tranh Luận Giữa Bohr Và Einstein Về Cơ Học Lượng Tử

Trong đoạn video này, John Clauser là người ủng hộ lập trường của Einstein, cho rằng vật phải có sẵn những thuộc tính, ông ta chế tạo chiếc máy có khả năng tạo ra các cặp photon liên kết để nghiên cứu nhằm xác định xem giữa Bohr và Einstein, ai đúng. Và tại Paris, Alain Aspect dùng chiếc máy của Clauser và dùng bất đẳng thức của Bell để kiểm chứng. Kết quả khiến cho Clauser thất vọng, vì nó chứng tỏ lập trường của Einstein sai.

paratantrasvabhāvas tu vikalpa.h pratyayodbhava.h ।
nișpannas tasya pūrve.na sadā rahitatā tu yā ॥ 21 ॥

21 依他起自性 分別緣所生 圓成實於彼 常遠離前性

Y tha khởi tự tính, phân biệt duyên sở sinh, viên thành thực ư bỉ, thường viễn ly tiền tính

Tính chất dựa vào vật khác mà hiện hữu, sinh ra do điều kiện phân biệt khác nhau, trở thành vật thật đầy đủ ở đây, thường khác xa tính chất trước kia của nó.

Cần cho một ví dụ để hiểu rõ ý nghĩa câu này, nước H2O phải dựa vào vật khác là hai chất khí, hydrogen và oxygen mới thành lập được. Tính chất của nước khác xa tính chất của khí. Điều kiện khác nhau thì sinh ra vật khác nhau, ví dụ nước nặng cũng là nước nhưng có khác nước thường một chút vì trong hạt nhân của nguyên tử hydro có thêm một neutron (gọi là deuterium) nên thành nước nặng, nếu nguyên tử hydro có thêm 2 neutron (gọi là tritium) thì thành nước siêu nặng. Deuterium và tritium gọi là các đồng vị của hydrogen.
 
 
Nước chỉ là một tiềm thể, nó chỉ hiện hữu khi có người, sinh vật hay thiết bị nhận thức, phân biệt nó, nếu không thì nước chỉ là những hạt ảo quark (proton, neutron) và electron, vì là ảo nên không có thật, Phật pháp gọi là tính không, không có gì cả, Huệ Năng nói là vô nhất vật. Nước là một sở duyên, tiềm thể, phải dựa vào sự phân biệt của chủ thể là người quan sát mới hiện hữu. Tính chất phải dựa vào vật khác mới hiện hữu gọi là y tha khởi tính.

ata eva sa naivānyo nānanya.h paratantrata.h ।
anityatādivad vācyo nād.rșțe ‘smin sa d.rśyate ॥ 22 ॥

22 故此與依他 非異非不異 如無常等性 非不見此彼

Cố thử dữ y tha, phi dị phi bất dị, như vô thường đẳng tính, phi bất kiến thử bỉ

Vậy cái này (viên thành thật tính) với y tha khởi tính, không phải khác cũng không phải không khác, giống như các tính chất vô thường, không phải không thấy đây khác kia nhưng thực ra không khác.

Tính chất vô thường tức là bất định (uncertainty). Viên thành thật là tính xác định của sự vật, còn y tha khởi là tính bất định của sự vật (do phải tùy thuộc vào vật khác). Hai tính chất này có vẻ mâu thuẫn nhưng bổ sung cho nhau, không đồng nhất nhưng cũng không phải khác biệt. Để diễn tả lý này Phật pháp gọi là vô sở trụ, còn cơ học lượng tử ngày nay gọi là bất định (uncertainty) hoặc bất định xứ (non locality). Hạt photon, hạt electron hay nguyên tử đều là như vậy. Các hạt có thể là sóng (phi vật chất, bất định) cũng có thể là hạt (vật chất, xác định). Khoa học có thí nghiệm hai khe hở (double slit experiment) để chứng tỏ điều đó. Mà các vật thể lớn cũng vậy. Thực nghiệm của các nhà đặc dị công năng cũng đã chứng tỏ. Thí dụ, theo viên thành thật tính, khoảng cách Sài Gòn – Hà Nội bằng 1146 km là xác định, còn theo y tha khởi tính, khoảng cách đó là bất định, không có thật, nên một hạt photon có thể xuất hiện đồng thời ở cả hai nơi. Thật tế mạng internet ngày nay cũng chứng tỏ rõ ràng là hình ảnh và tiếng nói của chúng ta có thể xuất hiện đồng thời ở nhiều nơi trên thế giới khi ta nói chuyện đồng thời với vài người bạn trên Skype.

trividhasya svabhāvasya trividhā.m ni.hsvabhāvatām ।
sandhāya sarvadharmā.nā.m deśitā ni.hsvabhāvatā ॥ 23 ॥

23 即依此三性 立彼三無性 故佛密意說 一切法無性

Tức y thử tam tính, lập bỉ tam vô tính, cố Phật mật ý thuyết, nhất thiết pháp vô tính

Tức dựa vào ba tính chất này (biến kế sở chấp, y tha khởi và viên thành thật) thì có thể nhận thức ba vô tính kia (tướng, tự nhiên, ngã và pháp, hay khái quát hóa là không gian vô tính, thời gian vô tính, số lượng vô tính, đó là 3 đại lượng cơ bản nhất của vũ trụ vạn vật) vì vậy mật ý của Phật nói rằng tất cả các pháp đều không có tự tính.

prathamo lakșa.nenaiva ni.hsvabhāvo ‘para.h puna.h ।
na svaya.mbhāva etasyety aparā nih.svabhāvatā ॥ 24 ॥

24 初即相無性 次無自然性 後由遠離前 所執我法性

Sơ tức tướng vô tính, thứ vô tự nhiên tính, hậu do viễn ly tiền, sở chấp ngã pháp tính

Đầu tiên các tướng (hiện tượng) không có tự tính, kế đó không có tự nhiên tính, nghĩa là vũ trụ vạn vật là do biến kế sở chấp (vọng tưởng) mà có, chứ không phải tự nhiên có sẵn, sau nữa do vậy mà phải xa lìa sự cố chấp trước đây về ngã và pháp vì ngã và pháp cũng là vô tính, không có thật.

dharmā.nā.m paramārthaś ca sa yatas tathatāpi sa.h ।
sarvakāla.m tathābhāvāt saiva vijñaptimātratā ॥ 25 ॥

25 此諸法勝義 亦即是真如 常如其性故 即唯識實性

Thử chư pháp thắng nghĩa, diệc tức thị chân như, thường như kỳ tính cố, tức duy thức thực tính

Đó là thắng nghĩa (nghĩa rốt ráo) của các pháp, cũng tức là chân như (đúng thực tế), tính của nó luôn là như vậy cũng là thực tính của duy thức.

Thực tính của duy thức là gì ? Chính thức là nền tảng của vũ trụ vạn vật. Mà thức tức là thông tin, nên có thể nói, vũ trụ vạn vật chỉ là thông tin, vũ trụ là số (digital). Năm 2012 các khoa học gia Đức và Anh thuộc nhóm GEO600 đã phát hiện ra tiếng ồn toàn ảnh (holographic noise), đó là một dấu hiệu thực tế cho thấy vũ trụ là một toàn ảnh khổng lồ, điều đó cũng chứng tỏ vũ trụ là số.

yāvad vijñaptimātratve vijñāna.m nāvatișțhate ।
grāhadvayasyānuśayas tāvan na vinivartate ॥ 26 ॥

26 乃至未起識 求住唯識性 於二取隨眠 猶未能伏滅

Nãi chí vị khởi thức cầu trụ duy thức tính, ư nhị thủ tùy miên, do vị năng phục diệt

Cho nên chưa khởi thức mà cầu trụ ở duy thức tính, là ngủ mê ở nơi nhị thủ (phân biệt nhị nguyên) do đó chưa thể âm thầm mà diệt được mê.

Thức không phải đợi khi chúng sinh khởi lên nhất niệm vô minh mới có duy thức tính, hay trong giấc ngủ chiêm bao, hoặc mở mắt chiêm bao giữa ban ngày của con người mới có thức, thức vốn là sẵn có, giống như chân như Phật tính, nó vốn bất sinh bất diệt. Nói cho rõ hơn nữa, thức tức là Phật, là Chính biến tri.

vijñaptimātram evedam ity api hy upalambhata.h ।
sthāpayann agrata.h kiñcit tanmātre nāvatișțhate ॥ 27 ॥

27 現前立少物 謂是唯識性 以有所得故 非實住唯識

Hiện tiền lập thiểu vật, vị thị duy thức tính, dĩ hữu sở đắc cố, phi thực trụ duy thức

Bây giờ chọn ra một số vật, gọi là chúng có tính duy thức, nếu cho là có như vậy, không phải là thực trụ duy thức.

Chữ trụ có ý nghĩa là nền tảng (base, basic) Thực trụ duy thức nghĩa là nền tảng thực sự của duy thức là vũ trụ vạn vật là duy thức, có tính thường hằng phổ quát, chứ không phải chỉ là một phần của vũ trụ thôi, không phải chỉ chúng sinh mới có thức.

yadā tv ālambana.m jñāna.m naivopalabhate tadā ।
sthita.m vijñaptimātratve grāhyābhāve tadagrahāt ॥ 28 ॥

28 若時於所緣 智都無所得 爾時住唯識 離二取相故

Nhược thời ư sở duyên, trí đô vô sở đắc, nhĩ thời trụ duy thức, ly nhị thủ tướng cố

Bây giờ tại sở duyên (điều kiện, trùng trùng duyên khởi) trí đều không thể có, lúc đó nền tảng duy thức là phải buông bỏ, xa lìa hình tướng nhị thủ.

Hình tướng nhị thủ ý nói tính hai mặt nhị nguyên tương đối (duality) tức là cặp phạm trù mâu thuẫn như năng sở, có không, thiện ác. Tại sao trí không thể có, bởi vì trí không thể tách rời khỏi ngu. Nền tảng duy thức là phải xa lìa nhị nguyên, nhị nguyên là hình tướng biểu hiện còn duy thức là bản chất, không thể chấp vào bất cứ hình tướng nào, dù đó là trí đi nữa.

acitto ‘nupalambho ‘sau jñāna.m lokottarañ ca tat ।
āśrayasya parāv.rttir dvidhādaușțhulyahānita.h ॥ 29 ॥

29 無得不思議 是出世間智 捨二麤重故 便證得轉依

Vô đắc bất tư nghị, thị xuất thế gian trí, xả nhị thô trọng cố, tiện chứng đắc chuyển y

Vô đắc là điều không thể nghĩ bàn, đó là trí huệ xuất thế gian, buông bỏ cặp mâu thuẫn nhị nguyên thô nặng thì chứng được sự chuyển đổi nền tảng.

Chuyển y ý nói thay đổi chỗ dựa, thay đổi nền tảng, không dựa vào hình tướng nhị nguyên, mà giác ngộ nền tảng của vũ trụ vạn vật là thức. Cái ý này, khoa học ngày nay diễn tả bằng mệnh đề vũ trụ là số (the universe is digital). Thức là thông tin, mà thông tin chính là số, hoàn toàn có thể số hóa.

sa evānāsravo dhātur acintya.h kuśalo dhruva.h ।
sukho vimuktikāyo ‘sau dharmākhyo ‘ya.m mahāmune.h ॥ 30 ॥

30 此即無漏界 不思議善常 安樂解脫身 大牟尼名法

Thử tức vô lậu giới, bất tư nghị thiện thường, an lạc giải thoát thân, đại mâu ni danh pháp

Đây là cảnh giới vô lậu, luôn luôn là thiện không thể nghĩ bàn, an lạc giải thoát thân tâm, là pháp có tên đại mâu ni.

Đại mâu ni (mahamune hoặc mahamuni) là chuyển âm tiếng Phạn, dịch nghĩa là đại tịch nhiên. Đại mâu ni nghĩa là hoàn toàn vắng lặng an tịnh, tức là cảnh giới giải thoát. Đó là tâm tịch nhiên, cho dù thân có ở giữa chợ, tâm vẫn an tịnh. Đó là cái thiện vô lậu, tuyệt đối, không còn chấp vào hình tướng tương đối nhị nguyên.

Ứng dụng của tư tưởng duy thức

Đã đọc xong nội dung của 30 bài tụng hiển bày ý nghĩa duy thức, bây giờ chúng ta xét xem nó có thể giúp ích gì cho con người hiện đại.

Trong cuộc sống đời thường của mình, con người luôn chấp ngã và chấp pháp, tức cho rằng cái tôi của mình là có thật, thế giới là có thật. Vì chấp ngã nên con người luôn luôn bị bất an vì sợ thua kém người, sợ bị người lấn át, sợ nghèo nàn bệnh tật, sợ đủ thứ. Người có tài thì lấy tài năng để tranh đua. Người bất tài ắt lấy âm mưu thủ đoạn đen tối để tranh đua, tìm cách lợi mình hại người. Mâu thuẫn giữa các cá nhân; mâu thuẫn giữa các tập thể công ty, xí nghiệp, hiệp hội, đoàn thể; mâu thuẫn giữa các quốc gia dân tộc, là luôn luôn hiện hữu. Tất cả những mâu thuẫn đó tạo ra thế giới đầy bất an, bạo lực, tranh giành, chiến tranh, mà chúng ta chứng kiến hàng ngày qua các phương tiện truyền thông. Còn đối với một cá nhân thì cũng có vô vàn những nỗi lo âu, sợ hãi, đau khổ như nghèo đói, thất nghiệp, bệnh tật, thất tình, thiên tai, nhân họa, người thân chia lìa, oan gia gặp nhau v.v…

Tất cả những nỗi khổ và bất an nêu trên đều dựa trên nhận thức sai lầm về thế giới. Nhận thức sai lầm đó khiến con người không thể làm chủ được số phận của mình. Tại sao tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó bất hạnh ? Tại sao tôi sinh ra trong một đất nước nhược tiểu, nghèo khổ, lạc hậu, chính quyền thì độc đoán, luôn bị các nước lớn chèn ép, tranh giành biển đảo ? Tại sao tôi không xinh đẹp, thông minh, tài giỏi như những diễn viên, ca sĩ, doanh nhân, giàu có thành công trong xã hội ? Tại sao tôi mắc phải những chứng bệnh nan y, khó trị ? Tại sao thiên tai nhân họa không ngừng giáng xuống đầu của tôi ? Trên thế giới này có bao nhiểu người từng than trời trách đất hoặc tự hỏi mình như vậy ? Rõ ràng tuyệt đại đa số con người không làm chủ được số phận của mình.

Họ có biết đâu rằng cuộc sống và suy nghĩ cũng như cảm nhận của họ là dựa trên căn bản mê lầm. Tác phẩm này vạch ra những chỗ mê lầm căn bản nhất của con người, kể cả những người thông minh tài giỏi nhất của nhân loại như Einstein cũng không tránh khỏi sai lầm.

Hiểu sâu tác phẩm này, một cá nhân có thể rút ra cách giải thoát cho mình. Hiểu ngã và pháp chỉ là ảo tưởng thì cuộc đời chỉ còn là một hí trường, mỗi người sẽ diễn vai trò của mình, thành công hay thất bại không còn quá quan trọng nữa. Con người vẫn sống như bình thường từ trước tới nay, chỉ có tâm lý, tâm thái thì có thay đổi, không còn quá cố chấp nữa. Tự mình giải thoát mọi khổ ách, ban đầu là tương đối, nghĩa là tâm lý phải siêu việt hoàn cảnh, dù có bị đối xử bất công, bệnh tật, tai nạn, gặp hoàn cảnh bất hạnh cũng không quá đau buồn. Tâm thức chuyển thì sớm muộn hoàn cảnh sẽ dần dần chuyển biến theo, ý thức cá nhân sẽ hợp nhất với Trời, thân và tâm sẽ được an lạc thật sự, khi cần tiền sẽ có tiền, hoàn cảnh thực tế chung quanh mình sẽ trở nên tốt đẹp một cách kỳ diệu như có trời giúp.

Các chính quyền và các nhà khoa học hiểu sâu tác phẩm này, sẽ hướng hoạt động theo những giá trị phổ quát, vượt khỏi chủ nghĩa ái quốc, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa bá quyền nước lớn, phục vụ tốt hơn cho nhân loại và cả những loài vật khác. Các quan chức sẽ giảm bớt tham nhũng, không còn quá chăm lo việc vinh thân phì gia, xã hội sẽ tốt hơn. Khoa học dần dần sẽ khai thác được những nguồn năng lượng vô tận như ánh sáng, gió, nước biển, đó là những nguồn năng lượng sạch. Dựa trên ý tưởng vũ trụ là số (digital), một ngày kia các nhà khoa học sẽ biết cách vận dụng các bit thông tin vũ trụ để tạo ra mọi thứ sản phẩm vật chất và tinh thần một cách vô hạn, phục vụ đáp ứng được tất cả mọi nhu cầu của tất cả mọi người. Con người không cần phải tranh giành chém giết nhau nữa, vì mọi nhu cầu sẽ được đáp ứng một cách đầy đủ.

Một vài dấu hiệu hiện có cũng khiến chúng ta lạc quan tin tưởng, chẳng hạn phương tiện để vào mạng internet hiện nay, một số nơi đã cung cấp miễn phí. Facebook đang lập kế hoạch cho máy bay không người lái sử dụng năng lượng mặt trời để phát sóng cho những vùng sâu vùng xa hẻo lánh trên thế giới cũng có phương tiện miễn phí để vào mạng internet.

Vấn đề của thế giới hiện nay, không phải là thiếu khả năng đáp ứng nhu cầu cho cả nhân loại, mà là nhận thức sai lầm về thế giới khiến lãng phí rất nhiều tài nguyên vào những cuộc chiến tranh vô bổ, phí phạm nhân lực và tài lực vào những cuộc tranh giành liên miên giữa các cá nhân, giữa các dân tộc, giữa các quốc gia. Nếu những nguồn tài nguyên đó được phân phối hợp lý, nhân loại không đến nỗi thiếu.

Mọi người hãy tin tưởng ở tương lai, những sự thật sâu kín của vũ trụ sẽ được phát hiện và ứng dụng đem lại an lạc cho xã hội nhân loại. Nhưng trước hết từng cá nhân phải nỗ lực học tập những triết lý sâu xa để tự giải thoát cho mình. Những người quản lý chính quyền càng phải nắm được những triết lý sâu xa đó để hướng dẫn quần chúng tới sự an lạc hạnh phúc đích thực.

Truyền Bình
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ý nghĩa Đại lễ Tam hợp Vesak, tưởng niệm đức Phật đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn

Nghiên cứu 12:00 11/05/2024

Ngày Đại lễ Tam Hợp Vesak mang những ý nghĩa rất sâu sắc, rộng lớn, biểu trưng cho các nguyên lý của Phật giáo, mang lại vô số lợi lạc cho chúng sinh. Cuộc đời của đức Phật và sự hình thành Phật giáo được công nhận là sự kiện quan trọng, mang lại một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại.

Tìm hiểu về khả tính thành Phật của nữ nhân

Nghiên cứu 15:00 07/05/2024

Chính từ sự kiện 'nữ nhân khả tính' một phần nhấn mạnh tầm quan trọng của bức thông điệp 'Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành', duy nhất, tuyệt vời chỉ có ở giáo Pháp của đức Phật, cũng là lời khẳng định về tính thống nhất toàn bộ tư tưởng Phật giáo.

Niềm tin và sự khủng hoảng của niềm tin trong lĩnh vực Phật giáo

Nghiên cứu 15:10 02/05/2024

Mục đích bài viết nhằm phân tích để thấy rõ niềm tin của con người và sự khủng hoảng về niềm tin Phật giáo hiện nay, để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và những giải pháp tốt hơn trong tương lai.

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Xem thêm