Duyên khởi, chuỗi nhân quả sinh ra khổ đau
Bởi vì chuỗi nhân quả này – tiến trình duyên khởi – chúng ta rơi vào tình trạng hiện hữu như hiện nay và đối diện với khổ đau trong tương lai.
Nguyên nhân của sự bám chấp là gì? Sự bám chấp phát sinh như thế nào? Tự phân tích bản tánh của mình, vị Bồ Tát sắp thành Phật thấy rằng sự bám chấp phát triển vì phản ứng tinh thần ưa thích hay chán ghét xảy ra liên tục. Phản ứng chớp nhoáng và vô tình của tâm được lặp đi lặp lại và gia tăng cường độ trong từng giây phút, làm sự lôi cuốn và xô đẩy mọi sự bám chấp của chúng ta càng trở nên mãnh liệt. Sự bám chấp chỉ là dạng phát triển của phản ứng chớp nhoáng. Đó là nguyên nhân trực tiếp của khổ.
Cái gì tạo nên yêu và ghét? Nhìn vào sâu hơn, Ngài thấy yêu và ghét phát sinh vì cảm giác. Chúng ta cảm nhận một cảm giác dễ chịu và bắt đầu thích nó; hay chúng ta cảm nhận một cảm giác khó chịu và bắt đầu ghét nó.
Tại sao có những cảm giác này? Cái gì tạo ra chúng?
Quan sát nội tâm sâu xa hơn, Ngài thấy rằng chúng phát sinh vì sự xúc chạm: mắt tiếp xúc với cảnh, tai tiếp xúc với âm thanh, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với sự xúc chạm, tâm với ý nghĩ, xúc cảm, ý tưởng, tưởng tượng hay ký ức. Qua năm giác quan và tâm chúng ta trải nghiệm thế giới. Bất cứ lúc nào một sự vật hay hiện tượng tiếp xúc với một trong sáu giác quan này, một cảm giác phát sinh, hoặc dễ chịu hoặc khó chịu.
Nhưng tại sao sự xúc chạm lại xảy ra?
Ngài thấy rằng vì có sự hiện diện của sáu giác quan – năm giác quan và tâm ý – xúc chạm bắt buộc phải xảy ra. Thế giới đầy dẫy hiện tượng không thể kể hết: cảnh sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc cảm, những ý nghĩ và cảm xúc. Chừng nào sáu giác quan của chúng ta còn hoạt động bình thường thì sự tiếp xúc còn xảy ra.
Tại sao lại có sáu giác quan? Vì chúng là khía cạnh trọng yếu trong dòng luân lưu của tinh thần và vật chất.
Nhưng tại sao lại có dòng luân lưu của tinh thần và vật chất này? Cái gì đã sinh ra nó?
Ngài hiểu rằng tiến trình khởi sinh là vì thức, sự nhận thức đã chia tách thế giới thành “người quan sát” và “đối tượng quan sát”, chủ thể và đối tượng, “tôi” và “người khác”. Từ sự phân biệt chia tách này khởi sinh một thực thể, bắt đầu có “sinh ra”. Mỗi một khoảnh khắc thức lại nảy sinh với một hình thức tinh thần và vật chất cụ thể. Trong khoảnh khắc kế tiếp, thức lại có một hình thức hơi khác hơn. Cứ như vậy trong suốt một kiếp người, thức luân lưu và biến đổi.
Cuối cùng là cái chết, nhưng thức không dừng lại ở đây: không có một khoảng dừng nào, ngay trong khoảnh khắc kế tiếp, thức nhận lấy một dạng thức mới. Từ kiếp này sang kiếp khác, đời sống này sang đời sống tiếp theo, dòng chảy tâm thức luân lưu không ngừng nghỉ.
Vậy cái gì đã tạo ra dòng luân lưu của tâm thức?
Ngài thấy thức sinh ra do phản ứng. Tâm thường xuyên phản ứng, và mỗi phản ứng lại thúc đẩy dòng luân lưu của thức tiếp tục vào giây phút kế tiếp. Phản ứng càng mạnh thì sự thúc đẩy càng lớn. Phản ứng nhẹ của một giây phút chỉ duy trì dòng luân lưu của thức ở giây phút đó. Nhưng nếu phản ứng nhất thời thích hay không thích đó được tăng cường thành thèm muốn hay chán ghét thì nó được thêm sức mạnh và duy trì được dòng luân lưu của thức lâu hơn, trong nhiều khoảnh khắc, nhiều phút, nhiều giờ.
Và nếu những phản ứng thèm muốn hay chán ghét đó được gia tăng cường độ mạnh mẽ hơn nữa, nó sẽ duy trì dòng tâm thức trong nhiều ngày, nhiều tháng, có thể là nhiều năm. Và nếu trong suốt một đời người, ta cứ tiếp tục lặp lại, tăng cường một số phản ứng nào đó thì chúng sẽ phát triển đủ mạnh để duy trì dòng luân lưu của thức, không chỉ từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc kế tiếp, từ ngày này sang ngày khác, từ năm này sang năm khác, mà là cả từ kiếp sống này sang kiếp sống khác.
Nhưng cái gì đã tạo nên những phản ứng đó?
Quan sát ở tầng lớp thâm sâu nhất của thực tại, Ngài hiểu rằng có phản ứng là vì vô minh. Chúng ta không ý thức được sự kiện là chúng ta phản ứng, và chúng ta không biết được tính chất thật của cái mà ta phản ứng. Chúng ta không biết đến bản chất vô thường, vô ngã của sự hiện hữu của chúng ta, cũng như không biết rằng sự bám chấp vào chúng chỉ đem lại khổ đau. Không biết bản chất thật của mình, chúng ta phản ứng mù quáng.
Chúng ta không biết rằng mình đã phản ứng, nên chúng ta không những tiếp tục phản ứng mù quáng mà còn tăng cường chúng. Chúng ta bị giam hãm trong thói quen phản ứng, chung quy chỉ vì vô minh.
Đây là cách bánh xe khổ đau bắt đầu xoay vần:
Nếu vô minh khởi sinh, hành (sankhara – phản ứng) hiện hữu,
Hành khởi sinh, thức hiện hữu,
Thức khởi sinh, danh sắc (tâm và thân) hiện hữu,
Danh sắc khởi sinh, lục căn (sáu giác quan) hiện hữu,
Lục căn khởi sinh, xúc (sự xúc chạm) hiện hữu,
Xúc khởi sinh, thọ (cảm giác) hiện hữu,
Thọ khởi sinh, ái (tham muốn và chán ghét) hiện hữu,
Ái khởi sinh, thủ (sự bám chấp) hiện hữu,
Thủ khởi sinh, hữu (tiến trình trở thành) hiện hữu,
Hữu khởi sinh, sinh (sự sinh ra) hiện hữu,
Sinh khởi sinh, sự hủy hoại và già, chết hiện hữu cùng với buồn rầu, than khóc, khổ thân và khổ tâm, phiền não. Do đó toàn bộ khổ đau khởi sinh.
Bởi vì chuỗi nhân quả này – tiến trình duyên khởi – chúng ta rơi vào tình trạng hiện hữu như hiện nay và đối diện với khổ đau trong tương lai.
Cuối cùng, sự thật hiện ra rõ ràng đối với Ngài: Khổ đau bắt nguồn từ sự vô minh, không hiểu biết về thực tại bản tính thực sự của chúng ta, về hiện tượng được mang nhãn hiệu “cái tôi”. Và nguyên nhân kế tiếp của khổ là hành nghiệp (sankhara), thói quen phản ứng tinh thần. Mù quáng vì vô minh, chúng ta tạo nên những phản ứng bằng thèm muốn, chán ghét, phát triển thành sự bám chấp và dẫn đến mọi thứ khổ đau. Thói quen phản ứng là hành nghiệp (kamma), tạo thành tương lai chúng ta. Phản ứng sinh ra là do vô minh về bản tính thực sự của chúng ta. Thèm muốn, chán ghét và vô minh (tham, sân, si) là ba gốc rễ từ đó mọc lên tất cả những khổ đau trong đời.
Bài viết trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống – The Art Of Living – Thiền Sư S.N. Goenka & William Hart.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Lá tía tô nấu với gừng là bài thuốc trị bệnh gì?
Sống an vui 10:47 26/12/2024Lá tía tô kết hợp với gừng tươi có thể dùng để chữa nhiều bệnh thường gặp, ai cũng cần biết để chăm sóc sức khoẻ tốt nhất cho bản thân và gia đình.
Vì cùng sưởi ấm đời nhau...
Sống an vui 07:40 26/12/2024Trong một ngôi chùa cũ nát, chú tiểu nhỏ chán nản thất vọng nói với lão Hòa thượng: “Trong ngôi chùa nhỏ bé này chỉ có hai thầy trò chúng ta, lúc con đi xuống núi hóa duyên, mọi người đều là nói những lời ác ý về Sư phụ và con, còn thường xuyên gọi con là Hòa thượng hoang”.
Không ai và không điều gì thực sự có quyền khiến ta khổ
Sống an vui 20:00 25/12/2024Ta không khổ vì mất mát, mà vì ta chấp vào ý nghĩ rằng: Cái này là của tôi, tôi không được mất nó. Tham ái và chấp thủ chính là sợi dây vô hình buộc chặt ta vào vòng luân hồi của đau khổ.
Món quà quý nhất
Sống an vui 17:21 25/12/2024Món quà quý nhất mà người ta có thể dành cho nhau đó là thời gian và sự có mặt trọn vẹn. Tôi hay gọi đó là sự xa xỉ thầm lặng (quiet luxury).
Xem thêm