Thứ bảy, 30/07/2022, 10:43 AM

Hoà thượng Tịnh Không: Pháp Luân Công chắc chắn không phải là Phật giáo

Pháp Luân Công chắc chắn không phải Phật giáo, cái đạo lý này nhất định phải hiểu. Tông phái Phật giáo rất nhiều, vậy có thể dựng nên một tông phái mới không? Đương nhiên có thể, nhưng tông phái Phật giáo chắc chắn phải tuân thủ một nguyên tắc là phải dựa vào kinh luận Phật giáo mà tu học.

Tôi lần này tại Úc Châu, có mấy vị đồng tu ở Houston đến Úc Châu tham vấn, mấy ngày trước họ nói với tôi rằng, Pháp Luân Công bên đó cũng đã mua một đạo tràng ở lầu phía trên Tịnh Tông Học Hội của họ.

Tịnh Tông Học Hội ở lầu một, Pháp Luân Công mua ở lầu hai nên các vị đồng tu này vô cùng sốt ruột đến hỏi tôi phải làm thế nào? Chúng ta có nên chuyển đi hay không? Có một số người đề nghị phải chuyển đi, không nên ở chung với họ; có một số người nói chúng ta ở đây đã nhiều năm rồi, họ vừa mới đến việc gì chúng ta phải chuyển đi? [Họ] bàn tán xôn xao và đến hỏi tôi.

Tôi cũng đặc biệt bỏ ra hai giờ đồng hồ nói với họ một chuyên đề là “Thỉnh Chuyển Pháp Luân, Thỉnh Phật Trụ Thế”, nói rõ trong Phật giáo pháp luân rốt cuộc có ý nghĩa là gì. Mọi người hiểu rõ ràng, sáng tỏ rồi thì tự nhiên sẽ vạch rõ giới tuyến với pháp Luân Công thôi!

Pháp Luân Công chắc chắn không phải Phật giáo, cái đạo lý này nhất định phải hiểu. Tông phái Phật giáo rất nhiều, vậy có thể dựng nên một tông phái mới không? Đương nhiên có thể, nhưng tông phái Phật giáo chắc chắn phải tuân thủ một nguyên tắc là phải dựa vào kinh luận Phật giáo mà tu học, điều này bất kỳ tông phái nào cũng phải tuân theo. Pháp Luân Công tu học theo bộ kinh nào của kinh luận Phật giáo vậy? Không có.

Phép màu nào giúp tôi thoát khỏi Pháp Luân Công

Đại Lão Hoà Thượng Tịnh Không.

Đại Lão Hoà Thượng Tịnh Không.

Cho nên nó không thuộc vào Phật giáo, nếu thuộc Phật giáo thì nhất định dựa theo Kinh luận Phật giáo, nhất định dựa theo tổng cương lĩnh tu học của Phật giáo, điều này không thể vi phạm. Tổng cương lĩnh Phật pháp là tam học Giới, Định, Tuệ; nếu như không dựa theo cương lĩnh này thì đây không phải Phật giáo. Họ tự xưng Phật giáo, đó là phạm pháp, đó là điều không được phép.

Tịnh Độ tông đã thành lập ở Trung Quốc là dựa vào Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Kinh Phật thuyết A Di Đà, ngoài ba bộ kinh này còn có một luận là luận vãng sanh của Bồ Tát Thiên Thân, nên tông tịnh độ được thành lập có căn cứ.

Chúng ta dựa theo cảnh giới, phương pháp, lý luận của mấy bộ kinh này mà tu học, đây là Phật giáo chính quy. Tổ sư đại đức đời sau lại bổ sung thêm hai bộ kinh, cho nên hiện nay Tịnh Độ tông có ngũ kinh nhất luận. Kinh bổ sung thứ nhất là Phẩm Hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền. Cư sĩ Ngụy Mặc Thâm là người thời Hàm Phong đời Thanh đã đem Phẩm Hạnh nguyện Phổ Hiền thêm vào phần sau tam kinh, vào thời đó gọi là bốn kinh một luận.

Cho nên chúng ta xem bản khắc gỗ Tịnh Độ Tứ Kinh của thời xưa, bạn mới hiểu được bốn kinh này vì sao mà có. Đến năm đầu Dân Quốc, Ấn Quang Đại Sư đem chương Đại Thế Chí Bồ Tát niệm Phật Viên Thông, ở trong 25 viên thông của kinh Lăng Nghiêm tiết lục ra phụ lục vào phần sau bốn kinh gọi là Tịnh Độ Năm Kinh. Đây là kinh điển chính quy, không phải do người nào bịa ra, điều này trong Đại Tạng Kinh vẫn có, chúng ta cần phải hiểu rõ, phải làm sáng tỏ.

Pháp luân thời Phật Thích Ca Mâu Ni là xây dựng nên xã hội giáo dục đa nguyên văn hóa, dùng cái này làm tiêu chí. Ý nghĩa của hình tròn là để khi người ta nhìn thấy phù hiệu này, tiêu chí này liền có thể giác ngộ. Tiêu chí Phật pháp thường hay dùng có ba loại dùng phổ biến nhất: thứ nhất là luân, pháp luân; thứ hai là hoa sen; thứ ba là chữ Vạn.

Chữ Vạn thường tương đối ít dùng, chữ Vạn là đại biểu cho Kiết Tường, tu học Phật pháp thì kiết tường như ý, tự tại vô ngại, là có ý này. Nhưng ở trong đây ý nghĩa thật sự viên mãn nhất là Luân. Luân đại biểu cho điều gì vậy? Không và có không hai, không và có nhất như, bạn thấy luân là hình tròn, tâm hình tròn là không, chu vi là có, chu vi là động. Ngoài ra Luân còn đại biểu cho động và tĩnh không hai, tâm là tĩnh, tâm là không.

Các bạn thử nghĩ ở trong cái gì có thể thấy được động tĩnh là một, không và có là một? Chỉ có hình tròn. Cho nên Phật dùng cái này làm tiêu chí. Đại biểu cho điều gì vậy? Đại biểu cho việc giáo dục trong đời này của Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật dạy cho chúng ta điều gì vậy? Là dạy cho chúng ta phải hiểu không và có là một, động và tĩnh là một.

Ứng dụng đối với chúng ta, tu thân nhất định phải hiểu là tâm phải thanh tịnh, tâm không được động, trong tâm không thể có một vọng niệm; nhưng thân phải động, thân là chu vi, thân phải vận động, cho nên chúng ta thường nói [thân phải] hoạt động. Bạn thấy động là sống, nếu như bất động thì sao? Bất động là chết, là không thể sống.

Đã có bao nhiêu người chết vì u mê theo tà đạo Pháp Luân Công?

Thân động mà tâm không động, đây là bí quyết tu thân dưỡng tánh trong nhà Phật. Tôi thường hay ra nước ngoài, đi rất nhiều nơi, rất nhiều các bạn đạo đồng tu nhìn thấy tôi, câu đầu tiên họ hỏi tôi là: Pháp sư à! Sức khỏe của thầy sao mà tốt như vậy, Thầy chăm sóc giữ gìn như thế nào? Tôi liền bảo với họ, tâm phải thanh tịnh, không có phiền não, không có buồn rầu, không có lo nghĩ, không có vọng tưởng, giống như cái tâm vòng tròn kia. Tâm là khái niệm trừu tượng, không có, tìm không thấy, tâm có thật, nhưng tâm không có dấu vết.

Lục tổ nói trong Đàn Kinh là: “Xưa nay không một vật”, xưa nay không một vật là tâm. Chu vi là thân, thân phải động. Người học Phật chúng ta dùng cái gì để vận động vậy? Vận động của chúng ta là kinh hành. Hiện nay người bình thường gọi là đi bộ, chúng ta đi bộ là niệm Phật, tôi thì niệm bốn chữ A Di Đà Phật, mỗi chữ bước một bước.

Tôi mỗi ngày sáng sớm ít nhất cũng đi [kinh hành] nửa giờ, khi không có việc gì, khi không có ai đến tìm tôi thì tôi đi [kinh hành] khoảng một giờ, đây là vận động của tôi. Năm xưa khi tôi còn trẻ, tôi dùng lạy Phật, lạy Phật là vận động, trước khi tôi chưa xuất gia, cùng ở lều tranh với pháp sư Sám Vân, mỗi ngày tôi lạy 800 lạy, sáng sớm thức dậy lạy 300 lạy, buổi trưa sau khi ăn cơm trưa xong thì lạy 200 lạy, buổi tối lạy 300 lạy, ngày nào cũng vậy. Tôi ở lều tranh của ông năm tháng rưỡi, đã lạy mười mấy vạn lạy.

Sau này rời khỏi pháp sư Sám Vân, đến Đài Trung để học giáo với cư sĩ Lý Bỉnh Nam, lúc đó tôi đảm nhiệm chức vụ quản lý thư viện, ngoài ra còn phải học kinh giáo, cho nên tôi bèn giảm bớt việc lạy Phật từ 800 lạy xuống còn 300 lạy, duy trì rất nhiều năm, mỗi ngày lạy 300 lạy. Hiện nay tuổi tác đã cao rồi, đi hoằng pháp khắp nơi cũng tương đối tất bật, quen biết cũng nhiều người, khách khứa nhiều rồi, cho nên hiện nay rất ít lạy Phật, nhưng kinh hành. Tâm là định, tâm là tĩnh, thân hoạt động thì khỏe mạnh trường thọ.

Muốn tâm thanh tịnh thì nhất định phải buông xả mọi duyên, dứt khoát không nên lưu lại thứ gì trên tâm, lưu lại thì bạn sẽ thiệt thòi lớn, mọi thứ không được lưu lại trên tâm, có cũng rất tốt, không có cũng rất tốt.

Thường luôn nghĩ rằng, khi sinh ra và chết đi đều tay không, ta đến thế gian này cũng chẳng mang theo gì, tương lai khi ta ra đi cũng vậy, cho nên mọi thứ bày ra trước mắt, ta chẳng động tâm.

Có cũng rất tốt, không có cũng rất tốt thì bạn mới được tự tại. Tất cả mọi thứ của thế gian bạn đều so đo, mọi thứ bạn đều chấp trước thì bạn liền bị khổ thôi. Cổ nhân Trung Quốc thường nói: “Lo khiến người ta già”. Sao bạn bị già vậy? Là do lo lắng quá nhiều, phiền não quá nhiều. Tôi không có lo lắng, không có phiền não, vô ngã, không có ngã sở, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần đều chẳng liên quan gì với tôi, tôi không lưu vào trong tâm. Ở tuổi về chiều, việc duy nhất của tôi là giảng kinh. Giảng kinh ở đâu vậy? Giảng [kinh] trong phòng thu hình, hy vọng để lại những băng hình này cho người có duyên sau này làm tham khảo, vậy là tôi vui rồi, ngoài việc này ra tôi không còn chuyện gì cả.

Báo Mỹ nói gì về Pháp Luân Công

Hằng ngày rất đông khách đến tìm tôi, rất nhiều đạo tràng đến tìm tôi, tôi thường hay nói với họ, tôi là người bận nhưng vô sự, vô sự mà bận. Thân tâm tu dưỡng, không bị bất kỳ điều gì quấy nhiễu, cũng chính là không nên lưu lại điều gì trong tâm. Thường luôn nhớ điều trong Kinh Kim Cang đã nói: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng, Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán” là bạn liền tự tại thôi, bạn liền được giải thoát. Trí tuệ được sinh ra từ đây, phước báo cũng từ đây mà có.

Cho nên thỉnh chuyển pháp luân thì phải hiểu ý nghĩa của pháp luân, phải hiểu rõ ý nghĩa danh từ. Chuyển là chuyển động, nếu dùng cách nói hiện nay để giải thích thì chuyển động này chính là thúc đẩy, pháp luân là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, chúng ta phải thúc đẩy giáo dục đa nguyên văn hóa, đây chính là chuyển pháp luân, đây là đại biểu cho nền giáo dục Phật Đà.

Nội dung của nền giáo dục Phật Đà là chân tướng của vũ trụ nhân sinh, chân tướng của vũ trụ nhân sinh là không và có không hai, động và tĩnh nhất như, đây là đạo lý lớn, dùng cái này làm biểu pháp.

Hoa sen đại biểu cho thanh tịnh vô nhiễm, cái này trong Phật giáo thường dùng, mọi người thường hay thấy. Cho nên tôi thường hay nghe người ta nói, người luyện pháp Luân Công thì phải luyện đến khi trong bụng hiện pháp luân, thật sự có cái luân chuyển động ở đó. Đây là bệnh, cái này không tưởng tượng nổi!

Cái này rất nguy hiểm, thật quá đỗi sai lầm rồi. Có phải thực sự sẽ có cái luân trên người hay không vậy? Theo tôi nghĩ là có thể. Tại sao vậy? Về mặt lý luận có thể nói trôi chảy, là “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, bạn ngày nào cũng khởi vọng tưởng, trong tâm bạn ngày nào cũng nghĩ có cái luân thì dần dần suy nghĩ của bạn sẽ thành tựu. Đó là gì vậy? Đó là bệnh của bạn. Phật dạy chúng ta quán tưởng là quán tưởng mọi thứ đều là không, đâu có bảo là [chúng ta] nghĩ ra một cái gì.

Thật không tưởng tượng nổi! Cái đó là sai rồi! 600 quyển đại Bát Nhã là giáo trình dạy học chủ yếu nhất của Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, giáo trình này ngài đã giảng 22 năm, chúng ta hiểu được Thế Tôn thuyết pháp 49 năm, đã dùng hết 22 năm, gần như là chiếm 1 nửa thời gian [để giảng Kinh Bát Nhã], đây là đề tài trung tâm trong việc dạy học của ngài. Bộ kinh này là bộ kinh lớn nhất dịch ra tiếng Trung Quốc, đến 600 quyển.

600 quyển kinh, nếu chúng ta đem nó tổng kết lại, thực tế mà nói, thì chỉ có 3 câu: “tất cả pháp thế xuất thế gian là Vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc”, đây chính là tổng kết của 600 quyển đại Bát Nhã. Sao bạn có thể có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chứ?

Hiện nay người luyện pháp Luân Công, đừng nói gì khác, họ có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước hay không? Có. Có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì không phải Phật pháp. Phật pháp là lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

Bạn không chấp trước với tất cả pháp thế xuất thế gian, chấp trước không còn nữa, thì chứng quả A La Hán; Phân biệt dứt hết rồi thì chứng quả Bích Chi Phật; Người tu đại thừa chính là Bồ Tát quyền giáo, vọng tưởng dứt hết rồi thì chứng quả vị pháp thân Bồ Tát. Tại sao có thể nói luyện thành một cái gì ở trên người, đó là chuyện lạ đời rồi! Đó chắc chắn không phải khỏe mạnh, cơ thể khỏe mạnh nhất định phải thuận theo tự nhiên, thuận theo tự nhiên là khỏe mạnh nhất. Trên cơ thể tự nhiên này của bạn đặt thêm một cái gì đó, vậy là không khỏe rồi, điều này nhất định phải hiểu.

Cho nên nếu như đích thực họ luyện đến cuối cùng mà có cái pháp luân ở trong bụng thì đó là tà giáo rồi. Ngay chánh giáo đã không khế hợp, nên hoàn toàn không thể gọi là một tôn giáo, [đây] là tà thuật, tà pháp, là một loại pháp thuật, chúng ta phải nhận cho rõ ràng, cho sáng tỏ.

Cho nên tôi nói không cần chuyển đi, tại sao vậy? Tôi biết trong những người học pháp Luân Công đó có nhiều người rất tốt, họ thiết tha cầu đạo, lỡ vào đường tà, không gặp được chánh pháp.

Ở Mỹ, tôi có rất nhiều bạn đồng tu từ pháp Luân Công chuyển qua, rời khỏi pháp Luân Công đến học Tịnh Độ, họ nghe được đĩa giảng kinh của tôi, nhìn thấy chúng tôi có những cuốn sách nhỏ như: “Nhận thức Phật giáo”, “Truyền thọ tam quy”, họ xem được rồi thì bỗng nhiên đại ngộ, họ liền có năng lực biện biệt. Cho nên tôi nói đây là việc tốt, họ đến mua đạo tràng phía trên lầu các bạn là việc tốt.

Bước vào cửa, các bạn độ họ, khỏi dùng gì khác, bạn đem những kinh điển Phật giáo chân chính này, như “Nhận thức Phật giáo”, “Kinh A Nan hỏi Phật việc kiết hung”, “Kinh thập thiện nghiệp đạo” bày ra bên ngoài tặng nhiều cho họ, họ sau này sau khi xem xong, đều hiểu rõ hết, đều chuyển qua hết, rời khỏi pháp Luân Công, đều đến niệm Phật cả, tôi thấy chúng ta không nên di chuyển họ sẽ nhanh chóng dọn đi thôi, đây là điều chắc chắn.

Ngạn ngữ thường nói: “Đừng sợ người không biết, chỉ sợ hàng mình không tốt”, hàng thật hàng giả đem so sánh sẽ rõ thôi, khi không so sánh thì không biết, đem so sánh thì sẽ rõ. Chúng ta hoàn toàn không đi lôi kéo tín đồ của họ, mà rất tự nhiên [họ sẽ qua tu học pháp môn của chúng ta].

Ơ trong nước Trung Quốc cũng có không ít người của pháp Luân Công đã đọc những kinh sách này, đặc biệt là “Nhận thức Phật giáo”, tôi nghe nói rất nhiều người quay đầu nhờ những cuốn sách nhỏ này, nhiều lắm!

(Trích từ bài giảng về Mười Hạnh Nguyện Của Bồ Tát Phổ Hiền – Hòa Thượng Tịnh Không giảng tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông năm 2002).

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo

Kiến thức 22:01 22/12/2024

Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.

Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết

Kiến thức 15:00 22/12/2024

Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…

Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn

Kiến thức 10:57 12/12/2024

Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?

Kiến thức 09:11 11/12/2024

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.

Xem thêm