Khái quát văn học Phật giáo Việt Nam thời Lê Nguyễn (2)
Văn học Phật giáo Việt Nam thời Lê Nguyễn là một bộ phận văn học không nhỏ. Riêng về những tác gia thuần túy Phật giáo, vẫn còn rất nhiều điều cần nghiên cứu. Thời kỳ này, các tác giả sáng tác bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, cả hai loại chữ này ngày càng hiếm người thông thạo.
3. Các tác gia Lê Nguyễn có tác phẩm thể hiện tư tưởng Phật giáo
Trong số các tác giả nêu ở phần 1, không ít người có tác phẩm thể hiện tư tưởng Phật giáo, ở đây giới thiệu một vài tác giả và tác phẩm nổi bật.
Nguyễn Trãi (1380-1442) với Quốc âm Thi tập
Nguyễn Trãi là con trai của Nguyễn Phi Khanh, cháu ngoại của Trần Nguyên Đán, thi đỗ Thái Học Sinh khóa thi tổ chức ngay đầu đời nhà Hồ. Khi quân Minh xâm lược, ông chủ động tìm vào Thanh Hóa đưa sách lược bình Ngô cho Lê Lợi, chủ trương chiến lược tâm công. Khi thắng quân minh, ông thay mặt Lê Thái Tổ viết bài Bình Ngô Đại Cáo. Ông làm quan dưới triều Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông. Do những tranh chấp chính trị trong triều, ông xin trí sĩ sớm nhưng vẫn không thoát khỏi sự cương tỏa của quyền lực. Ông bị bắt và bị giết cùng với người than thuộc 3 họ trong vụ án gọi là Lệ Chi viên. Trước tác của ông nhiều quyển mất vĩnh viễn, chỉ còn một số ít trong đó có Quốc âm Thi tập bằng chữ Nôm. Ở đây chỉ giới thiệu một bài trong mục Hoa mộc môn của Quốc âm Thi tập:
Cây mộc cận (Hoa bông bụt)
Ánh nước hoa in một đoá hồng,
Vẩn nhơ chẳng bén, bụt làm lòng.
Chiều mai nở, chiều hôm rụng,
Sự lạ cho hay thuyết sắc không.
Bài thơ ngắn, đơn giản nhưng nói lên ý bụt làm lòng, tiếp nối tông chỉ Phật tại tâm của dòng thiền Trúc Lâm. Nhà thơ quán sát kỹ lý vô thường, huyễn thực, sắc không theo tinh thần Bát nhã, thấu rõ bản chất của vạn vật, thức tính của vạn pháp.
Khái quát văn học Phật giáo Việt Nam thời Lê Nguyễn (1)
Nguyễn Du (1766-1820) với Bắc hành Tạp lục
Nguyễn Du xuất thân vọng tộc, sinh ra ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, sống trong thời Lê mạt, Nguyễn sơ, tuy thuộc thành phần cực kỳ quyền quý nhưng có cuộc đời đầy gió bụi. Ngoài 20 tuổi, ông từng có ba năm đi khắp những nơi danh thắng ở miền nam Trung Hoa và có lúc là nhà sư mang pháp hiệu Chí Hiên, gặp được tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân nói về cuộc đời Từ Hải và có ý định diễn Nôm truyện này từ bấy giờ. Nguyễn Du là người có học vấn uyên bác, rất giỏi về quốc ngữ (tức chữ Nôm) và nhiều cảm xúc nên thơ văn của ông đầy điển tích khéo dùng và thấm đẫm tình cảm. Ngoài Đoạn trường tân thanh hay còn gọi là Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm, ông để lại ba tập thơ chữ Hán là Thanh Hiên tiền hậu tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục, không kể một số bài viết bằng chữ Nôm khác như Văn tế thập loại chúng sinh gồm 184 câu theo thể song thất lục bát, Thác lời trai phường nón, 48 câu viết bằng thể lục bát, Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ, 98 câu, viết theo lối văn tế.
Tác phẩm Đoạn trường Tân thanh của Nguyễn Du đã được đánh giá là kiệt tác văn học thế giới, tư tưởng Phật giáo trong đó cũng bàng bạc nhưng vẫn có quan điểm chẳng qua Nguyễn Du dung hình tượng Phật giáo để đề cao thuyết Thiên mệnh của Nho gia. Tuy nhiên, trong Văn tế thập loại chúng sinh thì rõ ràng tư tưởng Phật giáo đã nổi bật. Phải đến gần đây khi có xác chứng rằng Nguyễn Du từng là nhà sư Chí Hiên trong lúc “ngao du” Trung Hoa suốt ba năm thì câu thơ, “Ngã độc Kim cương thiên biến linh” mới được nhìn nhận là nhà thơ nói rất chân thực. Ở đây, xin giới thiệu một đoạn trong bài Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài lấy từ tập thơ chữ Hán Bắc hành tạp lục để hiểu rõ sở đắc Thiền học của Nguyễn Du:
Chữ Hán:
梁昭明太子分經石臺
梁朝昭明太子分經處,
石臺猶記分經字。
臺基蕪沒雨花中,
百草驚寒盡枯死。
不見遺經在何所,
往事空傳梁太子。
太子年少溺菸文,
強作解事徒紛紛。
佛本是空不著物,
何有乎經安用分。
靈文不在言語科,
孰為金剛為法華。
色空境界茫不悟,
癡心歸佛佛生魔。
一門父子多膠蔽,
一念之中魔自至。
山陵不涌蓮花臺,
白馬朝渡長江水。
楚林禍木池殃魚,
經卷燒灰臺亦圯。
空留無益萬千言,
後世愚僧徒聒耳。
吾聞世尊在靈山,
說法渡人如恆河沙數。
人了此心人自渡,
靈山只在汝心頭。
明鏡亦臺,
菩提本無樹。
我讀金剛千遍零,
其中奧旨多不明。
及到分經石臺下,
終知無字是眞經。
Âm:
Lương triều Chiêu Minh thái tử phân kinh xứ
Thạch đài do ký “Phân kinh” tự
Đài cơ vu một vũ hoa trung
Bách thảo kinh hàn tận khô tử
Bất kiến di kinh tại hà sở
Vãng sự không truyền Lương thái tử
Thái tử niên thiếu nịch ư văn
Cưỡng tác giải sự đồ phân phân
Phật bản thị không bất trước vật
Hà hữu hồ kinh an dụng phân
Linh văn bất tại ngôn ngữ khoa
Thục vi Kim Cương vi Pháp Hoa
Sắc không cảnh giới mang bất ngộ
Si tâm quy Phật Phật sinh ma
Nhất môn phụ tử đa giao tế
Nhất niệm chi trung ma tự chí
Sơn lăng bất dũng liên hoa đài
Bạch mã triêu độ Trường Giang thuỷ
Sở lâm hoạ mộc trì ương ngư
Kinh quyển thiêu hôi đài diệc dĩ
Không lưu vô ích vạn thiên ngôn
Hậu thế ngu tăng đồ quát nhĩ
Ngô văn Thế Tôn tại Linh Sơn
Thuyết pháp độ nhân như Hằng Hà sa số
Nhân liễu thử tâm nhân tự độ Linh
Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu
Minh kính diệc phi đài
Bồ Đề bản vô thụ Ngã độc
Kim Cương thiên biến linh
Kì trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo Phân kinh thạch đài hạ
Chung tri vô tự thị chân kinh
Dịch nghĩa:
Nơi Chiêu Minh thái tử triều Lương chia kinh
Đài đá còn ghi chữ “Chia kinh”
Nền đài gai góc lấp trong mưa bụi
Trăm loài cỏ sợ lạnh đều chết khô hết
Không thấy kinh còn lại nơi đâu
Chỉ nghe kể chuyện thời xưa
Lương thái tử thời niên thiếu say mê văn chương
Gượng bày đặt phân tách chi ly rắc rối
Phật vốn là không, chẳng vướng vào vật
Có gì tuỳ thuộc vào kinh mà chia với phân?
Văn thiêng không phải nhờ khoa ngôn ngữ
Cái gì là kinh Kim Cương, cái chi là kinh Pháp Hoa?
Cảnh giới Sắc Không mờ mịt không hiểu
U mê mà theo Phật thì Phật sinh ra ma
Cha con một nhà cùng mù quáng hết
Chỉ trong một niệm, ma tự đến
Ở nơi lăng núi không có đài sen nổi lên
Một sớm ngựa trắng vượt sông Trường Giang
Rừng nước Sở cháy, cây gặp tai hoạ, cá trong ao bị vạ
Kinh cháy ra tro, đài cũng đổ
Muôn nghìn lời để lại đều vô ích
Chỉ để cho đám sư ngu dốt đời sau tụng đọc điếc tai
Ta nghe nói đức Thế Tôn tại Linh Sơn
Thuyết Pháp cứu người nhiều như cát sông Hằng
Người hiểu tâm này, người tự độ
Linh Sơn chính ở tại lòng ta
Gương sáng không có đài Bồ đề vốn không cây
Ta đọc Kinh Kim cương hơn nghìn lần
Nhiều yếu chỉ sâu sắc trong đó ta không rõ
Đến nay, dưới đài đá “Chia kinh”
Mới hiểu kinh “không chữ” mới thật là chân kinh
Nhiều người nghĩ rằng bài thơ này Nguyễn Du làm trong lúc đi sứ năm 1813 nhưng nhà nghiên cứu Phạm Trọng Chánh đã lần lại lộ trình của Nguyễn Du trên đất Trung Hoa và cho rằng ông viết bài thơ này trong khoảng 1788-1799, không phải do cơ quan ngoại giao Trung Hoa hướng dẫn mà chính ông tự tìm tới, cho thấy ông hiểu rõ lịch sử Phật giáo thế nào.
Lương Chiêu Minh là con lớn của Lương Võ Đế (164-549), người đã hỏi Thiền sư Bồ Đề Đạt Ma rằng việc xây dựng chùa chiền mà nhà vua đã làm có công đức gì không, được Thiền sư trả lời là không có công đức. Vì thế, Lương Võ Đế không trọng Bồ Đề Đạt Ma. Bài thơ này Nguyễn Du sử dụng kinh Kim Cương để bác việc Lương Chiêu Minh chia kinh theo truyền thuyết rồi được ghi vào lịch sử.
Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858)
Nguyễn Công Trứ, tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hi Văn, là nhà chính trị, nhà quân sự và nhà thơ Đại Nam thời nhà Nguyễn. Ông làm quan qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Ông nổi bật về việc khai hoang, mộ dân ở trung châu miền Bắc Việt Nam. Về văn học, ông nổi tiếng với nhiều giai thoại vui. Là một nhà nho, nhưng ông hiểu sâu sắc về đạo Phật, bài Vịnh Phật sau đây chứng minh điều đó.
Vịnh Phật
Mưỡu:
Thuyền từ một lá vơi vơi,
Bể trần chở biết bao người trầm luân.
Nói: Thiên thượng thiên hạ vô như Phật,
Nhỏ không trong mà lớn cũng không ngoài.
Chiếc thuyền từ một lá vơi vơi,
Vớt chìm đắm đưa người lên cõi tĩnh.
Chữ kiến tính cũng là xuất tính,
Trong ống dòm đổ tiếng hư vô.
Kẻ muốn đem nhân kỳ nhân, hoả kỳ thư, lư kỳ cư,
Song đạo thống hỏi rành rành công cứ.
Bạng y thiên lý hành tương khứ,
Đô tự nhân tâm tố xuất lai.
Bát khang trang chẳng chút chông gai,
Cùng nghiêng ngả một dòng Hà Lạc
Trong nhật dụng sao rằng đạo khác
Cái luân hồi chẳng ở đâu xa.
Nghiệp duyên vốn tại mình ra,
Nơi vuông tấc đủ thiên đường địa ngục.
Vì chưa thoát lòng trần mắt tục,
Nên mơ màng một bước một khơi.
Khiến cho phiền muộn Như Lai.
Trong bài hát nói này, Nguyễn Công Trứ cho thấy Phật vừa là cái nhỏ nhất, lại cũng là cái lớn nhất. Cho nên, Phật là tất cả và đủ để cứu vớt người chìm đắm lên cõi tĩnh. Kế đó, nhà thơ nhìn nhận rằng Phật và Nho cũng cùng một giải pháp về tính người, một bên kiến tính, một bên suất tính, hàm ý chê Hàn Dũ đời nhà Đường bên Trung Hoa chẳng biết gì về Phật nên mới đòi bắt Tăng Ni hoàn tục, đốt kinh, lấy chùa cho dân ở.
Nhà thơ cũng nhìn nhận rằng điều dựa theo lẽ trời mà có thì cũng từ lòng người mà biểu hiện, thế thì bình bát của nhà Phật cũng đủ sức chứa được nước ở nơi tìm thấy đồ hình và chữ viết của kinh Dịch. Nhà thơ xác định việc sướng hay khổ là dẫn xuất từ tâm của con người chứ chẳng có gì phải làm phiền đến Như Lai. Bài thơ này cho thấy nhà nho Nguyễn Công Trú thật sự đã hiểu rõ về đạo Phật và tuy không xưng mình là Phật tử, vẫn sống lối sống của người Phật tử theo chính ông hiểu.
Chu Mạnh Trinh (1862-1905)
Chu Mạnh Trinh là một danh sĩ thời Nguyễn, tác giả nhiều bài hát nói nổi tiếng, trong đó có bài Hương Sơn phong cảnh ca, viết về chùa Hương. Theo các tài liệu nhân vật chí của tỉnh Hưng Yên, ông cũng là người đã vẽ kiểu và đóng góp vào việc trùng tu chùa Thiên Trù là ngôi chùa ngoài thuộc quần thể các hang động chùa Hương Tích.
Mưỡu: Đàn thông phách suối vang lừng,
Cá khe lắng kệ, chim rừng nghe kinh.
Hát nói:
Bầu trời, cảnh bụt,
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.
Kìa non non, nước nước, mây mây,
Đệ nhất động hỏi là đây có phải?
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh.
Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng,
Này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh.
Nhác trông lên, ai khéo vẽ hình:
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt.
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,
Chập chờn mấy lối uốn thang mây.
Chừng giang sơn còn đợi ai đây,
Hay tạo hoá khéo ra tay xếp đặt?
Lần tràng hạt niệm “Nam vô Phật”,
Cửa từ bi công đức biết là bao.
Càng trông phong cảnh càng yêu!
IV.Tạm kết
Văn học Phật giáo Việt Nam thời Lê Nguyễn là một bộ phận văn học không nhỏ. Riêng về những tác gia thuần túy Phật giáo, vẫn còn rất nhiều điều cần nghiên cứu. Thời kỳ này, các tác giả sáng tác bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, cả hai loại chữ này ngày càng hiếm người thông thạo. Chưa kể việc sư tầm các tài liệu bằng chữ Hán và chữ Nôm cũng vẫn chưa phát hiện hết những tài liệu có liên quan đến văn học Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ này. Với những tài liệu đã được phiên âm (trường hợp chữ Nôm) hay dịch ra tiếng Việt (trường hợp chữ Hán), không hẳn người đọc đã dễ dàng hiểu được ý cổ nhân. Văn xuôi của Minh Châu Hương Hải đã vượt ra ngoài văn phong dịch thuật để chuyển tiếp tiếp qua giai đoạn văn phong sáng tác. Nhất là người trước tác nhiều khi vẫn cần giấu ý của mình bằng những ngôn ngữ ẩn dụ. Kỳ vọng của việc đưa ra những dữ liệu khái quát này là có được sự đồng cảm của những người có quan tâm đến tâm tư tình cảm của người xưa trong lĩnh vực tu tập giải thoát để cùng nhau khai thác túi khôn của các thế hệ đi trước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cristoforo Borr (2021), Xứ Đàng Trong, Thanh Thư dịch, NXB Hà Nội, Hà Nội.
2. Thích Đồng Bổn (chủ biên - 2014), Phật giáo thời Hậu Lê, NXB Tôn Giáo, Hà Nội.
3. Khâm Định (1998), Việt sử thông giám cương mục, Tập 2. NXB Giáo dục, Hà Nội.
4. Lê Quý Đôn (1962), Kiến văn tiểu lục, Lê Xuân Giáo dịch, NXB Sử Học, Hà Nội.
5. Lê Quý Đôn toàn tập (1978), Đại Việt Thông Sử, Tập 1, Ngô Thế Long dịch, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
6. Trần Viết Ngạc (2020), Góp Nhặt, NXB Hội nhà văn, Hà Nội.
7. Nguyễn Lang (2019), Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Hồng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
8. Thích Không Nhiên (2022), Tổng quan tư liệu Hán Nôm chùa Thiền Tôn, Tạp chí Liễu Quán, NXB Thuận Hóa, Huế.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
Nghiên cứu 09:45 19/10/2024Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.
Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội
Nghiên cứu 09:30 06/10/2024Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.
Vài suy nghĩ về quyền động vật trong kinh, luật Phật giáo
Nghiên cứu 19:05 21/09/2024Cảnh giới trí tuệ của chư Phật đã thấy và biết như thật rằng “tất cả mọi loài chúng sanh đều có tính Phật”, do đó, họ cần phải được tôn trọng, bảo tồn và thương yêu bình đẳng. Nói cách khác, từ tuệ giác của Đức Phật, Ngài đã thừa nhận “quyền động vật” nói riêng và muôn loài chúng sanh nói chung.
Từ nhân vật Đề Bà Đạt Đa nhận diện “thiện tri thức” trong Kinh Pháp Hoa
Nghiên cứu 16:00 02/09/2024Thiện tri thức trong Kinh Pháp Hoa không còn bị bó buộc bởi hình tướng Phật, Bồ tát, chư thiên hay những vị ủng hộ đạo pháp mà đến ngay như hình tượng Đề-bà Đạt-đa, chuyên chống phá Phật cũng được nâng lên tầm cao mới trong kiến giải là “thiện tri thức”.
Xem thêm