Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 22/09/2022, 16:18 PM

Làm thế nào để phân biệt kinh Phật và kinh ngụy tạo?

Vấn: Làm thế nào để biết đâu là kinh do Phật thuyết và đâu là kinh ngụy tạo? Nếu vô tình tụng kinh ngụy tạo nhưng con tưởng là kinh Phật thì có bị mang tội không? Tại sao lại có kinh ngụy tạo? Con xin tri ân Sư rất nhiều

Bàn đến kinh Phật, chúng ta phải biết ý nghĩa của kinh, kinh do ai thuyết, tác dụng của kinh, khởi đầu và kết thúc như thế nào mới đúng nghĩa, để không lầm kinh do Phật thuyết hay kinh do ngụy tạo.

Trước nhất chúng ta thử tìm hiểu về “kinh”, phạm vi lời Phật thuyết giáo trong cõi ta bà suốt 49 năm, có thuyết nói 45 năm. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Phạm Hạnh, thứ 20 do Ngài Đàm Vô Sấm (265-316), đời Tây Tấn dịch từ văn Phạn ra văn Hán, Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014) dịch từ văn Hán ra văn Việt, Luận Đại Trí Độ, nguyên tác Bồ tát Long Thọ, Ngài Cưu Ma La Thập dịch từ văn Phạn ra văn Hán, Ngài Hòa Thượng Thích Thiện Siêu (1921-2001) dịch từ văn Hán ra văn Việt, Ngài HT Thích Thiền Tâm (1924-1992) biên soạn Kinh Điển Đạo Phật.

kinh-phat

Ngoài ra trong Phật học từ điển của Cụ Đoàn Trung Còn (1908-1988), một học giả trứ danh của Phật giáo miền Nam, để lại một kho tàng kinh sách Phật, trong đó có bộ Từ điển Phật học, các vị đã nghiên cứu trích giảng 12 phần giáo như sau:

1. Thứ nhất Tu Đa La (Khế kinh)

Ngôn ngữ, những phần kinh do Đức Phật Bổn sư Thích Ca thuyết pháp cho chư đệ tử. Kinh được chia ra làm 2 phần: Thông giáo và biệt giáo

Tu đa la là tên chung của thánh điển, Đức Phật có thuyết ra các bài kinh. Sau khi Ngài nhập Niết bàn, Tôn giả A Nan đọc lại tại đại hội kiết tập lần thứ nhất trong hang Thất La Phiệt. Kết tập Bồ tát tạng ngoài hang Thất La Phiệt. Sau đại hội gom lại kêu là Tu Đa La, Trung Hoa dịch là Khế kinh. Kinh là một trong tam tạng thánh điển: Kinh (Tu Đa La), Luật (Tỳ Nai Da), Luận (A Tỳ Đạt Ma).

Tu Đa La còn là một thể văn Trường hàng (tản văn, dài), nói thẳng pháp nghĩa trong Khế kinh, Trung hoa dịch là Pháp Bổn. Đức Phật tùy nghi thuyết pháp cho đệ tử, khi thì dùng văn thường, khi thì dùng ca kệ. Ban đầu Ngài giảng về Tiểu thừa, lần lượt thuyết chín bộ (Cửu bộ kinh). Đến chứng muốn đưa đệ tử vào đại thừa, Phật thừa, Nhứt thừa, Phật mới nói thêm ba thuyết nữa kêu chung là Thập nhị bộ kinh. Thập nhị bộ kinh là các thể lọai thuyết pháp của Phật, gọi là tam tạng thánh điển. Kinh là phần quan trọng trong Cửu bộ pháp. Mỗi phần kinh đều khởi bằng mấy chữ: "Ta nghe như vầy” và kết luận phần kinh bằng chữ: "hoan hỷ phụng hành”

Nhân nói đến phần kinh, các Bạn Phật tử cần hiểu về ý nghĩa của Kinh, gọi đủ là Khế kinh. Bao nhiêu những bộ thánh điển mà Đức Phật thuyết, Tôn giả A Nan nhớ hết và mỗi khi nghe thì tin chịu, chớ không hề nghi ngờ. Cho đến khi Đức Phật Niết Bàn, Đại hội kết tập cử Tôn giả A Nan lên pháp tòa, diễn giảng lại các khế kinh.. Khế kinh còn có nghĩa là hợp kinh, hợp với căn cơ trình độ của các hạng chúng sanh. Dù hạng cao, hạng vừa hay hạng thấp. Hạng đã tu lâu hay hạng mới tu tập, ai nghe kinh coi kinh cũng đều được lợi ích tất cả.

Bao nhiêu khế kinh do tôn giả A Nan giảng thuật, hiệp lại làm thành Kinh tạng, một bộ trong Tam Tạng (Kinh Luật Luận). Tất cả những bài khế kinh hiệp thành một thể trong 12 thể thuyết pháp của Phật, không khác với đạo lý giải thoát của Phật, nên gọi là khế lý (Từ điển Phật học Đoàn Trung Còn)

2. Thứ hai Trùng Tụng (Kỳ Dạ)

Là một thể thuyết pháp của Phật và lập đi lập lại nhiều lần bằng kệ tụng, nên gọi là Trùng tụng. Trùng Tụng cũng gọi là Ứng Tụng.

Thường trong các thời thuyết giảng kinh của Phật bằng tản văn, dài quá làm cho các môn đệ khó nhớ, hoặc những người ở xa đến nghe pháp không kịp, hoặc để tóm một bài giảng, Đức Phật thường lập đi lập lại bằng những bài kệ, giúp cho mọi người dễ nhớ, giúp cho người nghe pháp không nhàm chán, hoặc giúp cho những ở xa mới đến được nghe lời Phật giảng bằng bài kệ tụng.

3. Thứ ba Thọ ký

Thọ là nhận lấy, ký là ghi nhớ, ghi chứng. Đọc trọn thành ngữ là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề ký, viết tắt là Thọ ký. Thọ ký cũng có nghĩa là trao cho, sự ký chứng. Cũng gọi là Thọ biệt, khi một Đức Phật phán trước rằng về sau một vị tu hành nào đó sẽ thành Phật, hiệu là...đó kêu là Thọ ký. Như tiền thân Đức Phật Thích Ca, được Đức Nhiên Đăng cổ Phật thọ ký cho thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni thế tôn vậy.

4. Thứ tư Kệ Đà (Kệ)

Có nghĩa là phúng tụng trì tụng Phật ngôn, kệ là những bài thi ca thường hiệp lại thành 4 câu (tứ cú kệ), tức 4 hàng, để ca tụng công đức Phật, Bồ tát. Cũng nhằm để gom lại ý của một bài kinh, của một cuộc thuyết pháp, hoặc để phô diễn lòng cảm mến, lòng tin tưởng Tam bảo.

Kệ còn là những bài trường thi, hiệp lại là cả trăm câu, để trùng tuyên giải thêm cho rộng nghĩa một bài thuyết pháp, như các bài kệ tụng trong phầm Thí dụ Kinh Pháp Hoa.

5. Thứ năm Tự Thuyết

Cũng gọi vô vấn tự thuyết, trong đời thuyết giáo của Phật có nhiều thời giảng, không do ai hỏi mà Đức Phật tùy cảm ứng mà thuyết. Cho nên kinh vô vấn tự thuyết Udàna còn gọi là Kinh Cảm Ứng. Theo tự điển Phật học của Cụ Đoàn Trung Còn, thì kinh mà Phật tự nhiên diễn giảng, chẳng có ai khải thỉnh, chẳng có ai thưa hỏi, gọi là Udàna

Thường thì có vị Thanh Văn hay vị Bồ tát khải thỉnh, hoặc hỏi vì ý nghĩ của mình, thì Phật mới thuyết pháp. Nhưng có khi chẳng đợi ai hỏi, Phật tự nhiên giảng giải đó gọi là tự thuyết kinh. Ví dụ như kinh A Di Đà, thuộc về kinh vô vấn tự thuyết.

6. Thứ sáu Nhân Duyên

Ni Đà Na danh từ nầy, Trung-Hoa dịch là Nhân Duyên. Đây là những kinh nhân có người thỉnh, hay nhân có duyên chi Phật mới nói ra, hoặc nói về nhân duyên gặp Phật nghe pháp, những chỗ có nhân duyên hóa độ, hay nói về duyên khởi của vũ trụ và nhân lọai.

7. Thứ bảy Thí dụ

A Ba Đà Na, tức là Kinh Thí Dụ. Pháp của Phật nói ra rất mầu nhiệm, người độn căn khó mà hiểu thấu. Vì thế, khi giảng dạy Ðức Như-Lai phải dùng những thí dụ cho thính chúng dễ hiểu. Đại khái như những lời thí dụ trong các Kinh điển

Là những tích xưa có thật (sử), hoặc đặt ra (ngụ ngôn) cùng là một thể so sánh do Đức Phật thuật lại để giúp cho moi người thấu hiểu đạo lý cao siêu, hoặc để cho người mới tu tập tỉnh ngộ.

8. Thứ tám Bản Sự kinh (Như thị Pháp Hiện)

Là những kinh văn Phật nói chỗ tu nhân của các vị Bồ-Tát, đệ tử về đời quá khứ, hoặc những ngôn giáo, sự nghĩa liên quan với đời trước. Thí dụ như đoạn: “Nầy các Tỷ-kheo! Pháp của ta nói hôm nay gọi là Giới kinh, đời Phật Câu Lưu Tôn gọi là Cam Lồ Cổ, đời Phật Câu Na Hàm Mâu Ni gọi là Pháp Cảnh, đời Phật Ca Diếp gọi là Biệt Không”. Kinh Bản Sự là một thể lọai trong 9 thể lọai kinh của Tiểu Thừa, một trong 12 thể lọai của Đại thừa.

Kinh có 7 quyển do Ngài Huyền Trang dịch vào năm 650 được xếp vào Đại chánh tạng, tập 17.

Kinh Bản Sự có nội dung rất gần giống với những kinh thuộc thể lọai như thị ngữ trong tạng Pali hiện còn. Trong tạng Pali nầy gồm có 4 thiên và 112 kinh thuộc thể lọai như thị ngữ, ít hơn 26 kinh do với kinh Bản Sự. Phần nhiều các học giả hiện đại đều suy đoán Kinh Bản Sự và những kinh thuộc thể lọai như thị ngữ trong tạng Pali đều có cùng một nguồn gốc. Riêng nội dung kinh Bản Sự do Ngài Huyền Trang dịch đều lấy thể lọai như thị ngữ xuyên suốt từ đầu đến cuối mỗi kinh mà không bao gồm một câu truyện Bản Sanh nào (Phật học từ điển Huệ Quang, trang 296-297)

9. Thứ chín Bản Sanh kinh:

Là phần lớn nhất của Tiểu bộ kinh, gồm 547 bài. Kinh này kể lại sự tích, các tiền kiếp của Phật Thích Ca, nói về các đệ tử và những người chống đối Phật và chỉ rõ các nghiệp đời trước đóng vai trò thế nào trong đời này.

Bản sanh là 1 trong 9 thể lọai kinh (phân theo hệ tiều thừa) và 12 thể lọai kinh (phân theo hệ đại thừa), kinh thứ 10 trong 15 kinh của Tiểu bộ Kinh, thuộc hệ kinh tạng Pali. Trong đó kinh thứ 10 gom chép sự tích bản sanh, thuật lại việc Phật Thích Ca thị hiện thân như Quốc Vương, Thầy Bà La Môn, lái buôn và thân các lòai động vật như: voi, khỉ, nai, gấu.v.v..hoặc để cứu độ chúng sanh, hoặc vì cầu pháp mà tinh tấn làm các công đức thiện nghiệp. Toàn bô viết bằng văn xuôi hoặc văn vần. Kinh nầy chia làm 22 tập, 547 bài tùy theo độ ngắn dài của các thiên hoặc số kệ nhiều hay ít các bài, trong đó từ tập 1 đến tập 8 có lập tên phẩm riêng.

Trong kinh nầy có nhiều truyện tinh thần hy sinh của thánh hiền, tiền thân Phật. Phải chăng giáo nghĩa lợi tha của Phật giáo đại thừa đã bắt nguồn từ đây và 6 pháp ba la mật cũng do những câu truyện bản sanh nầy phân lọai mà tổ chức thành những hạnh Bồ tát lợi tha.

Kinh Bản sanh bằng tiếng Pali có lẽ được chép thành sách vào khỏang thế kỷ III trước tây lịch, không rõ tên tác giả. Có thuyết cho rằng, người thời ấy lấy những tích đương thời làm nền tảng, rồi dung nhập với màu sắc Phật giáo mà chép thành (trích Phật học từ điển Huệ Quang, trang 294)

10. Thứ mười Phương Quảng

Tỳ Phật Lược, danh từ nầy, Trung Hoa dịch là Phương Quảng. Đây là những kinh Đại thừa Phương Đẳng, nội dung hàm nghĩa lý cao siêu, hạnh tu bình đẳng, nghĩa lý sâu mầu, rộng rãi như mười phương hư không. Phương là chữ nghĩa, ngôn ngữ chơn chánh, Quảng là nghĩa lý rộng rãi vô biên; như Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Đại Tập, Kinh Bảo Tích, Kinh Đại Bát Niết Bàn, Kinh Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội, Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân (tự điển Phật học Đoàn Trung Còn)

11. Thứ mười một Hy pháp

A Tỳ Đạt Ma, danh từ nầy, Trung-Hoa dịch là Vị Tằng Hữu hoặc Hy pháp, tức là pháp hiếm có, ít nói ra cho đại chúng nghe. Đây là kinh văn nói về những thần lực, những nghiệp duyên, những công đức tối thắng, lạ lùng, ít có, mà trí phàm phu khó tin hiểu. Như kinh Đại Niết Bàn nói: “Thế nào là pháp Vị Tằng Hữu? Như Bồ Tát khi mới sanh ra, không người nâng đỡ mà tự đi bảy bước, phóng đại quang minh, nhìn khắp mười phương. Như con vượn tay bưng bát mật cúng dường Như Lai. Như con chó cổ trắng theo bên Phật nghe thuyết pháp. Như Thiên ma Ba Tuần biến làm con thanh ngưu đi trên những bát bằng sành, khiến cho các bát va chạm nhau mà không sứt bể. Và cũng như Bồ Tát khi mới sanh được đưa vào miếu thờ thiên thần, các thiên tượng đều đứng lên lễ kỉnh”.

12. Thứ mười hai Luận nghị

Ưu Bà Đề Xá danh từ nầy có nghĩa Luận nghị. Đây là lối kinh văn có tính cách vấn đáp biện luận, hoặc phân biệt các tướng mạo, các lẽ chánh tà. Luận Du Già nói: “Thế nào là Luận Nghị? Đây là tất cả đối pháp luận, nghiên cứu nghĩa rộng sâu của Tô Đát Lãm, tuyên dương tông yếu của các kinh”. (Kinh điển Đạo Phật của HT Thích Thiền Tâm)

Vì sao kinh chia thành 12 phần giáo?

Mười hai phần giáo như trên gọp chung lại gọi là “Kinh”, trong đó phần giáo thứ 12 còn gọi là luận nghị. Luận là nói, đàm luận lời dạy của Phật, nói với nhau qua những ý nghĩ sâu mầu, uyên bác. Chư vị Tổ sư là những người đắc đạo, là những nhà hoc Phật uyên thâm, thường gặp nhau trong chốn thâm sơn cùng cốc luận đàm kinh Phật cho ra nghĩa lý sâu mầu mà truyền giáo cho chúng sanh học hỏi. Các Ngài cũng thường gặp nhau trên văn đàn, trao đổi những kiến thức những kinh nghiệm trải qua các thời giáo hóa của Phật, các bậc tiên đức và bản thân mà suy luận thành những bài luận đặc sắc sâu mầu vi diệu để giáo hóa chúng sanh cho phù hợp, như Thắng Pháp Yếu Luận, Đại Trí Độ Luận, Trung Quán Luận, Thành Thật Luận, Câu Xá Luận...

Trong đời thuyết giáo Đức Phật tại quê hương rộng lớn và huyền bí của Ngài có nhiều thành phần đệ tử quy y: trí thức như Xá Lợi Phất, Phú Lâu Na, giàu có như Da Xá, Cấp Cô Độc, người tôn giáo khác như Ca Diếp, ít học như Ưu Ba Ly, Châu Lợi Bàn Đặc, trẻ như La Hầu La, Nan Đà, nghèo hèn như Ưu Đà Di, người ác như Ương Quật Ma La, nhẫn đến trong giáo đoàn của Ngài còn thu phục nhiều thành phần, ngọai đạo, chúng sanh ở thế giới khác, chúng sanh hai hình, không hình, nhơn phi nhơn... nên trong mỗi thời thuyết giáo lúc nào Ngài cũng đem đến cho chúng sanh một bức thông điệp mới lạ, ý thức mới, luôn có sự vươn lên tầm cao, nhằm để cho các vị để tử dễ dàng tiếp thu, giác ngộ tu hành giải thoát sanh tử luân hồi. Từ đó có nơi Phật nói pháp bằng thi kệ, có nơi Phật nói thành một tản văn lớn thành kinh bộ, có nơi chỉ nói 4 câu kệ, một bài kinh ngắn...đại chúng nghe liền giác ngộ tu hành không thối đạo tâm.

Như trên đã nói, Pháp âm của Phật rất mầu nhiệm, nhưng tam tạng thánh điển mới chỉ được tuyên lưu trong hành tinh địa cầu, trong khi phạm vi giáo hóa của Phật là thế giới ta bà, tức là còn có nhiều chủng lọai chúng sanh trong hằng hà sa số hành tinh khác nữa trong thế giới ta bà. Như vậy tiếng pháp âm luôn luôn được thay đổi thành vô lượng nghĩa để diễn dương vi diệu pháp trong khắp mười phương ba đời.

Mười hai (12) thời giáo Phật khẩu tuyên

Đại thừa phương tiện thuở sanh tiền

Chín (9) giáo đưa người về bến giác

Giữ gìn chơn lý bổn thủy nguyên

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Điều kiện để được công nhận là tu sĩ Phật giáo

Hỏi - Đáp 13:02 19/05/2024

Mấy ngày gần đây, nhiều bạn đọc, Phật tử liên tục gửi câu hỏi về Cổng thông tin PGVN đề nghị giải đáp về những điều kiện để được công nhận là tu sĩ Phật giáo, hay 'tu sĩ Phật giáo' là gì. Đây cũng là câu hỏi có lượng tìm kiếm rất lớn trên Google.

Ý nghĩa của tuyên ngôn “Duy ngã độc tôn”

Hỏi - Đáp 09:30 19/05/2024

Hỏi: Nhân mùa Phật đản, chúng tôi đến các chùa chiêm bái lễ đài đều gặp câu “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” nhưng khi hỏi về ý nghiã thì được các Thầy và Phật tử trả lời khác nhau. Vậy xin cho biết nguồn gốc và ý nghĩa của lời dạy trên?

Tam tịnh nhục và quan niệm chay tịnh

Hỏi - Đáp 14:00 18/05/2024

Hỏi: Xin cho biết về quan niệm chay tịnh trong thời Thế Tôn và những vấn đề liên quan đến thọ dụng tam tịnh nhục trong truyền thống Phật giáo Nam tông.

Tùy duyên và bất biến nên hiểu, ứng dụng như thế nào?

Hỏi - Đáp 11:00 18/05/2024

Hỏi: Tôi nghe giảng thường gặp câu “Tùy duyên mà bất biến, bất biến mà tùy duyên”. Xin cho biết ý nghĩa của câu này. Ứng dụng tinh thần này vào cuộc sống của hàng cư sĩ thế nào? Hai chữ “tùy duyên” này có giống với tùy duyên mà người ta thường nói không?

Xem thêm