Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 27/06/2022, 15:20 PM

Lấy Phật làm lòng (Phần 1)

Chúng ta là con Phật, chúng ta chỉ cần một câu kinh, một bài kệ, học, suy nghĩ, hiểu một cách sâu sắc vững chắc rồi thực hành thì lợi ích vô cùng. Đức Phật dạy phải nhìn nhận, phải quan sát cuộc đời như vậy, phải nhìn thấy được như vậy thì cuộc đời chúng ta sẽ bớt khổ, dần đến hết khổ.

Trong Văn tế thập loại chúng sinh của Phật tử - Đại thi hào Nguyễn Du có câu rất hay và ý vị:

  “Ai ơi lấy Phật làm lòng,

Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi”

Người Việt Nam ta đa phần được biết rằng Đại thi hào Nguyễn Du là một nhà thơ lớn không chỉ có sức ảnh hưởng ở Việt Nam mà còn có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới. Hình như không nhiều người biết, ông không những là nhà thơ mà còn là một Phật tử, có lòng hướng Phật, tin Phật và am hiểu Phật pháp. Người nào có đọc truyện Kiều sâu sắc sẽ thấy được tư tưởng nhân văn, nhân quả, nhân duyên, thiện ác, báo ứng, từ bi…của đạo Phật bàn bạc khắp trong tác phẩm của ông. Có lẽ ông nghiên cứu Phật Pháp, học Phật từ nhỏ, ông có sự hiểu biết về Phật Pháp khá vững chắc.

Ông không chỉ có cái vĩ đại ở một nhà thơ lớn, ông còn lớn cả về tư tưởng và tấm lòng nhân đạo bao la. Trong lĩnh vực tư tưởng, Phật học, chúng tôi rất ấn tượng với cư sĩ Nguyễn Du qua một bài thơ chữ Hán viết về kinh Kim Cang trong Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài:

“Ngã độc Kim Cang thiên biến linh

Kỳ trung áo bí đa bất minh

Cập đáo phân kinh thạch đài hạ

Tài tri vô tự thị chân kinh”

Nghĩa là, tôi đọc kinh Kim Cang đã hàng ngàn lần rồi, vẫn chưa hiểu được ý nghĩa thâm sâu trong đó. Khi đến dưới trụ đá khắc kinh, thì mới bừng ngộ ra, vô tự mới là chân kinh. Chúng ta thấy một bậc đại thi hào như Nguyễn Du mà còn có lòng kính tin Tam bảo, tin Phật, thường xuyên đọc tụng kinh Kim Cang hàng ngày như thế.  Ngoài Truyện Kiều ra, trong số những bài thơ viết về Phật Pháp ra, ông còn viết Văn tế thập loại chúng sinh, trong Văn tế Thập loại chúng sinh thì có những câu nhẹ nhàng, thấm ý vị thiền:

“Ai ơi lấy Phật làm lòng

Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi”

Chúng tôi nghĩ rằng người Phật tử chỉ cần thuộc hai câu này thôi, là chúng ta cả đời sử dụng cũng không hết. Thật ra mỗi khi trong cuộc sống của mình, kể cả trong việc tu tập, học Phật, hoằng Pháp, có những lúc trái ý nghịch lòng, chướng duyên nghịch cảnh, thì mình ngâm hai câu thơ này. Lúc ấy phiền muộn lo âu sẽ tan biến trong hư vô.

Tâm của Phật – Nơi chứa tất cả những điều tuyệt đối của Từ bi và trí tuệ

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mục đích lớn nhất của chúng ta khi tu tập theo Phật pháp là muốn thoát khỏi mọi khổ đau trong sanh tử luân hồi. Ta từng bước, từng bước bớt dần thoát dần những sự khổ đau, những sự cố chấp trong đời sống hằng ngày và dần dần hướng tới giải thoát hoàn toàn ra khỏi khổ đau trong sanh tử luân hồi. Cho nên muốn thoát khỏi khổ đau sanh tử luân hồi có một Pháp rất đơn giản, đó chính là “Lấy Phật làm lòng”. Ai thật sự “Lấy Phật làm lòng” được thì chắc chắn sẽ thoát khỏi khổ đau trong sanh tử luân hồi, mà gần nhất đó chính là chúng ta được sự an vui tự tại, giải thoát ngay trong đời sống hiện tại của chúng ta đây. Thật ra, một đoạn tương đối đủ ý trong Văn tế thập loại chúng sanh là:

“ Kiếp phù sinh như hình bào ảnh

Có chữ rằng: vạn cảnh giai không

Ai ơi lấy Phật làm lòng

Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi”

Cư sĩ Nguyễn Du không chỉ giỏi về văn chương chữ nghĩa, mà còn am hiểu Phật Pháp một cách khá sâu, có thể là ông đã học, thực tập Phật Pháp đạt đến một trình độ nhất định. Quý vị nên nhớ mỗi khi mình gặp chuyện gì thì hãy nhớ đến hai câu này, khi mình bất ổn thì hãy nhớ quan sát sâu sắc thì chắc chắn rằng mình sẽ vững tâm đối diện được với khổ đau.

Câu đầu tiên là “ Kiếp phù sinh như hình bào ảnh” kiếp phù sinh là kiếp sống, đời sống phù du, huyễn ảo, cuộc sống chợt có chợt không, lúc có lúc không, có thể mới thấy đó nhưng cũng liền mất đó, người mình mới gặp buổi sáng thì buổi chiều đã ra đi mãi mãi. “ Kiếp phù sinh như hình bào ảnh”, “ bào ảnh” bào là bọt nước trên biển trên sông, mà bọt nước thì không lâu dài, bọt nước chỉ cần một làn gió thổi qua cũng sẽ làm cho bọt nước biến mất nhanh chóng, và kiếp sống của con người cũng như thế, nó cũng giả tạo, như bóng (ảnh) của chúng ta khi đi dưới nắng. Khi mà chúng ta quan sát như thế, hiểu thấu như thế thì sẽ vơi bớt nhiều khổ đau phiền muộn chấp trước.

Nhiều người vì không hiểu được như thật về quy luật vô thường của cuộc đời, không hiểu rõ tất cả mọi thứ trên cuộc đời này nó thay đổi nhanh chóng, nó chuyển biến nhanh chóng có rồi không, nếu biết quan sát như thế chúng ta sẽ bớt dính mắc cố chấp. Cuộc đời của chúng ta, càng chấp nhiều chừng nào thì khổ đau nhiều chừng đó, mà ai cũng muốn mình không cố chấp, cũng muốn mình không là người cố chấp, nguyên nhân của sự tu tập cái tâm cố chấp là ở chỗ không hiểu rõ quy luật cuộc đời, người mà hiểu rõ quy luật cuộc đời nền tảng của việc hít vào thở ra cũng giống như bọt biển, một làn gió thổi qua sẽ làm làn nước dập vùi đi những bọt nước ấy và không còn tồn tại nữa.

Và khi chúng ta quan sát kỹ lưỡng như thế, chúng ta sẽ bớt dần cố chấp cho đến không còn cố chấp. Người nào bớt dần cố chấp, không còn cố chấp thì chắc chắn đời sống người đó sẽ thấy an lạc hạnh phúc tuyệt vời, người đó sẽ cảm nhận được sự nhẹ nhàng thanh thản tự tại. Hình ảnh ví kiếp phù sinh như hình bào ảnh, thật ra trong kinh điển của Đức Phật chúng ta cũng đã được nghe nhiều, như bài kệ trong kinh Kim Cang cũng ví dụ cuộc đời, ví dụ các Pháp giống như bọt nước, giống như hình bóng. Bài kệ mà Đức Phật hay dạy cho các vị đệ tử:

“ Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn bào ảnh

Như lộ diệc như điển

Ưng tác như thị quán”

Nghĩa là :

Tất cả pháp hữu vi,

Như mộng ảo bọt bóng.

Như sương, như điện chớp,

Nên quán sâu như vậy.

Thế nào là Pháp hữu vi? Những Pháp nào mà chúng ta thấy được, nhìn thấy được, những Pháp mà có từ tính, những Pháp bị tư tưởng vô thường chi phối, những Pháp trải qua những trạng thái sinh trụ dị diệt, thành trụ hoại không, tất cả các Pháp như thế, tất cả mọi sự vật hiện tượng mà bị quy luật vô thường chi phối, đó là « nhất thiết hữu vi Pháp » như mộng huyễn bào ảnh, tất cả các Pháp như mộng, đã là mộng thì không có thật.

Ví như có người ban đêm nằm mộng thấy mình trúng số độc đắc, rồi xây được nhà lầu rất to, có được chiếc xe hơi rất đẹp, có được cô vợ vô cùng xinh đẹp, có con cái ngoan hiền, rồi tới lúc hai giờ sáng, giật mình tỉnh dậy đang ngồi ở ngôi nhà tranh vách lá, văng vẳng tiếng ếch kêu ngoài đồng, đó là mộng, chớp mắt là mọi thứ đã thay đổi. Tất cả sẽ thay đổi rất nhanh chóng, cực kỳ nhanh chóng, thậm chí nó thay đổi ngay giây phút, sát na hiện tại. Trong đời sống hiện tại, nếu là người có tâm tỉnh giác sáng suốt, có khả năng quan sát đời sống chúng ta thì chúng ta nhận thấy cuộc sống vô cùng bạc bẽo, chúng ta phải thấy ngay chớp mắt, cuộc đời như mộng, như huyễn, huyễn là giả là không thật.

Quả lành của việc niệm ân Đức Phật

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bởi vì chúng ta cố chấp mọi thứ là thật, như nhà cửa, tài sản, con cái, quyền hạn của ta, cái gì cũng là của ta, ta và của ta chấp vào cái ta, vì chấp vào cái ta, cái của ta nên chúng ta khổ não triền miên. Khi chấp vào cái của ta và cái của ta chúng ta không giữ tỉnh giác, thì khi cái khổ đến ta sẽ than trời trách đất làm sao mà mạng tôi khổ thế này, là bởi vì ta luôn chấp vào cái ta, nếu ta hài lòng thì thôi, còn nếu không hài lòng thì tâm sân si mình nổi lên. Tất cả mọi thứ vốn vô thường, Đức Phật dạy trong kinh Kim Cang, tất cả mọi thứ trên đời đều như mộng, như huyễn, như bào, như ảnh, như lộ, như điển. Lộ là giọt sương sớm khi thức dậy ta hay thấy trên lá cây.

Tất cả mọi thứ chúng ta đang có trên đời này nếu quan sát sâu sắc thì cũng dễ tan biến như sương, như sấm chớp, rồi sẽ tan biến vào hư vô. Ta nghe một tiếng sấm chớp thật lớn, giật mình một cái thì không còn nữa, như vậy thì cuộc đời của chúng ta cũng giống như thế. Chúng ta là con Phật, là người đệ tử Phật, chúng ta chỉ cần một câu kinh, một bài kệ, học, suy nghĩ, hiểu một cách sâu sắc vững chắc, chúng ta thực hành thì lợi ích vô cùng. Cho nên, Đức Phật dạy là phải nhìn nhận, phải quan sát cuộc đời như vậy, phải nhìn thấy được như vậy thì cuộc đời chúng ta sẽ bớt khổ, dần đến hết khổ. Nguyễn Du cũng vậy, ông đọc kinh Kim Cang ngàn lần nên đã thấm dần yếu nghĩa kinh Kim Cang.

Câu thứ hai : « Có câu rằng : vạn cảnh giai không », câu này thật sự rất sâu sắc, thế nào là vạn cảnh giai không ? Ai hiểu rõ « vạn cảnh giai không » thì chắc chắn cuộc đời sẽ rất an ổn tuyệt vời, người này sẽ vui nhiều hơn buồn, có khả năng san bằng nỗi đau và cuộc sống người này rất có giá trị. Thật ra vạn cảnh chính là vạn Pháp, tất cả mọi thứ đều là không, tức là sự thật về các Pháp, thực tính của các Pháp, bản chất của tất cả mọi sự vật, mọi hiện tượng, mọi thứ trên đời này là không. « Vạn cảnh giai không » làm cho không ít người hiểu nhầm, họ cho rằng đạo Phật là bi quan, là yếm thế, là chán đời. Nào là, của cải là phù du, cuộc đời là giả tạm, cuộc đời là biển khổ, tất cả mọi thứ đều là không, đều là hư vô,…Nhưng thật sự không phải như vậy, đó là do không hiểu đến nơi đến chốn, không hiểu đúng lời dạy của Đức Phật, cho nên họ mới cho rằng đạo Phật là bi quan. Ví dụ, người đạo Phật không phải nhìn cuộc đời là vô thường, thấy được sự khổ đau của cuộc đời mà bi quan, mà yếm thế mà chán đời để rồi buông xuôi mà phải biết đối diện, phải biết thừa nhận sự thật về khổ đau cuộc đời, khi thấy rõ như thế thì chúng ta phải nổ lực cố gắng làm thế nào để học lời dạy của Đức Phật có thể đoạn trừ khổ đau thành tựu trí tuệ hướng tới giải thoát Niết Bàn, không chỉ cho cá nhân mình mà còn hướng dẫn cho mọi người cùng nổ lực cố gắng, đối diện với khổ đau, tu tập các Pháp lành có thể đoạn trừ khổ đau và thành tựu hướng đến sự an lạc giải thoát, chứ không phải thấy sự đau khổ mà lại bi quan, yếm thế, chán đời. Cũng là đoạn trừ khổ đau mà thấy được sự thật của khổ đau để làm nhân duyên tu hành chứ không phải thấy được sự thật khổ đau mà than trời trách đất mà buông xuôi mà bi quan than khóc, quan niệm, cách nghĩ về «  vạn cảnh giai không » là như thế.

Cũng như quý Phật tử thường tụng kinh Bát Nhã thì tụng như thế nào ? Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát, khi đi sâu vào tuệ giác như thật thấy rằng năm uẩn là không, cho nên vượt thoát mọi sự khổ ách. Tức là khi chúng ta tỉnh tâm tỉnh giác sáng suốt, nương theo tuệ giác, thấy được năm uẩn là không có tự ngã thì có thể vượt thoát tất cả mọi sự khổ đau ràng buộc. Hai câu «  ngũ uẩn giai không » và «  vạn cảnh giai không » bản chất nó không khác nhau, «  vạn cảnh giai không » là vạn Pháp, tất cả sự vật hiện tượng trên đời thuộc tính của nó là không, còn «  ngũ uẩn giai không » thì nói cụ thể bản chất con người chúng ta. Chúng ta có muốn sống cuộc sống an vui, tự tại, thanh thản, tích cực hướng thiện và hướng đến giải thoát hay là ta muốn sống trong đời sống ưu tối, buồn phiền, khổ đau, bất an… và khổ đau bất tận ?

Chắc chắn rằng ai cũng muốn sống đời sống tích cực hướng thiện tích cực hướng đến an vui giải thoát cho mình và cho mọi người, chẳng có ai mà muốn sống khổ não, chẳng có ai mà muốn làm cho người khác khổ đau.

       

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm