Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 11/11/2023, 07:07 AM

Mẹ tôi khi cận tử nghiệp

Thấm thoát đã hai mùa Vu Lan tôi phải cài hoa trắng, đã hai mùa tháng bảy tôi không còn cái diễm phúc được dìu Mẹ tôi qua tịnh xá đảnh lễ chư Tăng Ni nhân mùa tự tứ Tăng.

Bây giờ ngồi đây, xin được tĩnh tâm hồi hướng về Mẹ, trước là cảm niệm sau là chân thành sám hối đến Mẹ, bởi kinh nghiệm “Báo hiếu cho Cha Mẹ già lúc cận tử nghiệp” đối với phận làm con không thể thực hiện được nhiều lần, hay nói khác hơn là cơ hội để rút kinh nghiệm ta không thể có!

Mẹ tôi sống rất thọ, cụ tại thế được 91 tuổi – Cụ rất tín tâm với Tam Bảo, bởi nhân duyên đến với Phật pháp của bà hết sức gian truân, nên đương thời bà rất trân trọng là luôn tâm niệm không bỏ qua bất cứ một cơ hội làm Phật sự, hay phụng sự Tam Bảo nào trên cả tinh thần “Của ít, lòng nhiều – không có của thì cũng có công”. Thời gian gắn bó của bà với Tam Bảo không phải là ít – ( gần 50 năm, xuyên suốt cho đến cuối đời ).

Mẹ tôi sinh ra vào thời loạn ly, phong kiến, vừa kịp lớn lên vừa phải làm dâu “một cổ hai tròng” làm bé cho gia đình địa chủ: bên là Mẹ chồng - bên là vợ cả! – Đồng thời gia đình mình gồm Mẹ (Mẹ ghẻ) và 7 đứa em thơ phải đối mặt với nạn đói năm 1945 tại miền Bắc. Với ý tưởng thoát ly, cứu khổ nên bà mạnh dạn xin phép gia đình chồng cho về nhà thu xếp chuyện gia đình, nhưng thật sự là khuyên Mẹ ghẻ nên bán nhà vào Nam tránh đói, tuy chưa rành đường đi nước bước nhưng bà vẫn mạnh dạn dẫn đường đưa gia đình hội nhập cùng đoàn dân ly hương (gần 50 người) mua vé tầu thủy vào Nam Định, chờ theo tầu hỏa để xuôi vào Nam – Bà không quên giao ước cho chồng giữ hộ hai đứa con gái (bé đầu lòng lên ba, bé kế tiếp chưa đầy một tuổi) – Dự tính khi nào xong nhiệm vụ với Mẹ và các em thì bà sẽ trở ra đón chồng và các con vào Nam - Nhưng thời buổi loạn ly, ai mà biết được việc gì sẽ xẩy ra… nào ngờ!... bà phải xa cách vĩnh viễn các con của mình, do vậy mỗi khi nhắc lại bà thường nói: “Đau thắt cả ruột, buồn đến bạc đầu”.

Đến Nam Định còn được ít tiền lộ phí, nhưng vì thời gian chờ tầu khá lâu, nên đã gần cạn, khi tầu hỏa đến bà quyết định “nhẩy tầu”. – Thật không thể tưởng tượng với 9 con người, (bé nhất là cậu út của tôi chưa đầy 7 tuổi người gầy yếu, hay bệnh vặt, do đó khi vừa đặt chân vào Sài Gòn là cậu bị sốt thương hàn rất nặng, rồi mất… do không có tiền chạy chữa thuốc thang!). Vì là nhẩy tầu nên mỗi chặng đường chỉ quá giang được một vài ga, khi nhân viên soát vé phát hiện được là bị đuổi xuống tầu, chờ vài hôm mới có tầu khác mà đi!

Là chị cả trong gia đình nên Mẹ tôi rất tháo vát, cứ đến ga nào là Mẹ tôi tức tốc vào chợ quê tìm mua bánh đa và bánh chưng và phân công cho cả nhà cùng kiếm sống. Mẹ ghẻ thì nướng bánh đa, các em thì chia nhau đi bán. Mẹ tôi thì ôm giỏ bánh chưng đi bán rao cho khách lỡ đường, do vậy gia đình cứ sống lây lất mà sống qua ngày, bán đắt thì có vốn cho chuyến sau, bán ế thì cả nhà cùng ăn thay cơm…Cuộc vạn lý trường chinh qua 45 ngày đêm vô cùng gian khổ, có lúc phải đi vào rừng cả tuần để tránh sự khủng bố của bọn phát xít Nhật, của bọn lính Lê Dương da đen, các cô gái trẻ phải nghi trang bôi nhọ mặt mày lem luốc, ăn mặc rách rưới hôi hám mới thoát khỏi tay những con quỷ đói.

Đường xa vạn dặm, đói khổ, rét mướt, cái sống cái chết gần kề, Mẹ tôi kể rằng: “Những lúc ấy thì tình ruột thịt, nghĩa đồng bào thật là sâu đậm ”, bà con trong đoàn nhường cơm sẻ áo cho nhau, đến các địa phương tuy quê mùa, nghèo nàn, nhưng họ vẫn sẵn sàng chia nhau từng hộ gia đình để cưu mang đoàn vài ba hôm. Mẹ tôi nhắc đáng nhớ nhất là có lần đoàn ghé theo vào một đỉnh làng thuộc tỉnh Quảng Nam, thấy các bạn trẻ nam nữ mặc áo đoàn thể của chùa (tức tổ chức từ thiện Gia đình Phật tử ngày nay), họ ân cần chăm sóc, thuốc thang, nấu cháo gạo cho người bệnh ăn, luộc khoai cho người mạnh ăn, khi đoàn từ giã các hộ gia đình không quên sớt bớt phần khoai khô dự trữ cho đoàn đem theo ăn dọc đường. Cũng từ đây Mẹ tôi tiếp cận với đạo lý nhà Phật do các cụ gìa khuyên bảo rất đơn giản nhưng hết sức chí tình với các lời khuyên: “Các bác hãy cố lên nhé! Ở hiền gặp lành – cứ tin tưởng Trời Phật sẽ gia hộ cho mọi người tai qua nạn khỏi! ”. Bởi thế cho đến ngày nầy khi khuyên bảo con cháu bà thường nói đúng là Trời Phật phù hộ gia đình mình mới vào được trong Nam, nên con cháu nhà ta phải cố gắng ăn ở hiền lành để đền ơn Trời Phật!

Khi vào đến Sài Gòn thì gia đình phải chia nhau kiếm sống, Mẹ tôi phải lưu lạc sang Cam Bốt (Cam pu chia) theo đoàn người Việt đi làm mướn đánh cá thuê ở Biền Hồ, ngày ngày dành dụm tiền gởi về nuôi Mẹ và các em… dự định trở về Bắc đưa chồng và các con hầu như ngày càng xa, bởi làm sao có đủ tiền mua vé tầu mà về, đồng thời những chuyến tầu hỏa Đông Dương - Bắc Nam chỉ để phục vụ cho quân sự mà thôi! Cuộc đời cứ thế trôi lăn… vì còn trẻ nên Mẹ tôi phải bước đi bước nữa để ổn định cuộc sống, cùng cha tôi làm lụng kiếm tiền gởi về nuôi em. Thêm một lần nữa Mẹ tôi lại tiếp cận với Phật pháp qua các hình ảnh các vị Tăng đoàn Nam Tông đi khất thực mỗi ngày, hằng ngày từ lúc nghèo đến lúc khá giả ngày nào đi chợ Mẹ tôi không quên mua thức ăn về chế biến để sáng ra trước sân nhà chờ Tăng đoàn khất thực đi qua để cùng kính, chỉ với tâm niệm “Trả ơn Trời Phật cứu mình khi đói khổ ”. Sau đó theo ý kiến của Ba tôi vì muốn các con mình về Việt Nam học tiếng Việt nên Mẹ đưa các con về trước, hai năm sau Ba tôi mới về Sài Gòn để sum họp gia đình, do thiếu bàn tay khéo vén của phụ nữ nên trong vòng hai năm Ba tôi bị Casino ở NamVang phá hết tiền của, với hai bàn tay trắng Ba Mẹ tôi phải làm lại từ đầu, nhưng lần này lại vất vả không kém bởi gia đình đã có thêm 5 đứa con đang tuổi ăn học, vì túng thiếu, nên Ba Mẹ tôi cứ “đấu khẩu” mỗi ngày…

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

May mắn thay nhà tôi ở gần chùa Giác Ngộ, vì buồn bã, chán nản cho cuộc đời cay đắng thăng trầm, nên Mẹ tôi đêm đêm sau buổi cơm tối là kéo các con qua chùa tụng kinh, ban đầu Ba tôi phản đối kịch liệt, nhất là những lúc Mẹ tôi cung kính Tam Bảo hay làm từ thiện, nhưng Mẹ tôi giải thích “ Người ăn thì còn, con ăn thì hết ”, vả lại Mẹ tôi chứng minh bà chỉ tham gia bằng công sức nhiều hơn tiền của (vận động bà con đi chùa, đi hộ niệm cho bà con hàng xóm khi ốm đau hay tang chế…). Rồi từ từ kinh tế gia đình tôi khá dần, thì khoản tiền Mẹ tôi tiết kiệm từ tiền chợ (do khéo tính toán) để cúng dường Tam Bảo, Ba tôi không còn rầy rà nữa! Lâu dần tuy không ủng hộ ra mặt, nhưng Ba tôi vẫn ngầm công nhận việc làm của Mẹ tôi kết hợp tín ngưỡng chùa chiền với lợi ích dân sinh chòm xóm là việc tốt. Thêm vào đó nhờ tín tâm ngày ngày Mẹ tôi siêng đưa chúng tôi đi tụng kinh, nên các anh chị em chúng tôi rất ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành, cả xóm đều khen Mẹ tôi nhờ đi chùa tạo công đức cho chồng con, còn bọn trẻ nhờ đi chùa nên rất thông minh, sáng láng, thi đâu đậu đó… Ba tôi cũng hãnh diện chứ!

Khi các con vừa kịp khôn lớn thì Ba tôi mất, Mẹ tôi được các con phụng dưỡng chu đáo, tuy không giầu có nhưng lúc nào Mẹ tôi cũng được các con các cháu ủng hộ tiền bạc cho bà đi chùa và làm từ thiện với tâm nguyện của bà là không nên bỏ qua cơ hội phụng sự Tam Bảo và chia sẻ với người nghèo khó khăn. Là Phật tử quy y nôi chùa Giác Ngộ và thuần thành với chùa Hoằng Pháp, nhưng Mẹ tôi lại có nhân duyên gắn bó mật thiết với các vị Tăng Ni Khất Sĩ, có lẽ do ở chủng tử khi ở Nam Vang Mẹ tôi hay cúng dường cho đoàn Nam Tông khất thực hóa duyên, nên trong tâm tưởng bà rất có cảm tình với mầu áo khất sĩ, đồng thời khi tiếp xúc lâu năm với các vị Trưởng Thượng của hệ phái (như Pháp sư Giác Nhiên, Thượng tọa Giác Huệ, Hòa thượng Giác Bạch, Hòa thượng Giác Nhu…) Mẹ tôi thường khuyên bảo: “Hạnh của người tu khất sĩ rất là nghiêm trang, nhưng rất bình dân và cởi mở, chiếc y vàng khất sĩ là y áo của Phật ngày xưa… các con phải kính trọng”! Do vậy trong công tác Phật sự, không bao giờ bà có ý tưởng phân biệt hệ phái nào cả, bà luôn nói đâu cũng là Phật, Tăng đoàn là người thay Phật hành đạo ta nên cúng kính!

Kể từ khi Ba mất, để ý tôi thấy Mẹ không bỏ buổi công phu sáng tối để niệm Phật cầu vãng sanh nào cả, đều đặn buổi tối trước khi ngủ và sáng từ 4 – 5 giờ đến khi mặt trời lên mới thôi. Ngay đến năm bà bước sang tuổi 90, sức khỏe rất yếu, giấc ngủ không ngon, bà tranh thủ thức niệm Phật từ 12 giờ khuya đến sáng, chỉ một tâm niệm A Di Đà Phật – hết chuỗi 108 hột bà dừng lại cầu nguyện cho bá tánh rồi mới đến con cháu và cuối cùng là tâm nguyện cho mình được vãng sanh! Đặc biệt với Mẹ tôi, tuy thuộc thế hệ cao niên, quê mùa ít học, nhưng Mẹ tôi không mang tín ngưỡng mê tín lẫn lộn với tín ngưỡng Phật pháp bao giờ, bà thường dậy chúng tôi khi đọc kinh, hay đứng trước bàn thờ, chánh điện thắp hương cầu nguyện: “Trước tiên phải cầu nguyện cho bá tánh và hương linh trong 10 phương cõi, kế đến là những người thân “có vấn đề ”, sau đó mới đến bản thân mình, bởi bà nói rằng “Lòng tham con người là không đáy! – cầu khẩn nhiều quá Trời Phật nào giải quyết nổi!”, đồng thời bà lý giải cầu nguyện như thế thì tâm mình mới mở mang hơn, rộng rãi hơn, để tự mình ý thức ngày từng ngày sẽ sống tốt hơn!

Có lẽ, do ngày ngày chịu khó công phu niệm Phật, nên tâm trí Mẹ tôi rất minh mẫn, 90 tuổi mà bà không hề lẫn lộn, ăn nói, đi đứng rất tinh tường, nhất là kể chuyện Phật pháp cho con cháu thì thật là tuyệt vời! Biết ý, khi có dịp con cháu quây quần bên bà tôi luôn gợi ý cho bà kể chuyện “ Sự tích Đức Phật Thích Ca, chuyện Hòa thượng Cua ở miền Bắc… ”, bà say sưa và sung sướng kể (cho dù chúng tôi đã nghe hằng trăm lần từ thửơ bé đến lớn). Qua đó tôi hiểu thêm hạnh lắng nghe đã đem đến biết bao hạnh phúc cho Mẹ tôi!

Vào những năm cuối đời, Mẹ có tâm nguyện chay trường, nhưng do sự hiếu thảo của các con sợ Mẹ mình thiếu chất, thêm vào đó ý kiến bác sĩ khuyên bà nên ăn mặn để chữa bệnh, Mẹ tôi cũng buồn, không dám nói ra, bà thường tâm sự với tôi: “ Lúc sống Mẹ không được ăn chay, ước gì khi chết Mẹ đi đúng ngày chay để các con phải cúng chay cho Mẹ !’’. Lời ước nguyện này đã thành sự thật, nên Mẹ tôi đã ra đi vào đúng chiều mùng một tết năm Mậu Tý (2008). Bây giờ ngồi nghĩ lại chúng tôi thấy không phải với Mẹ mình, ý bà muốn chay trường để cho nhẹ nghiệp, ấy thế mà mình lại làm trái ý bà! – Thật ra, nếu biết sớm cứ cho bà ăn chay, mà ăn đúng cách thì đâu thiếu chất, phần bà thì được nhẹ nghiệp hơn. Đúng là vô minh nên chúng tôi đã tạo nghiệp cho bà! – Bây giờ hiểu ra sám hối thì cũng muộn rồi!

Trước khi mất gần nửa tháng Mẹ tôi ốm nặng bà biết ngay mình sắp ra đi, nên bảo chị dâu tôi: “Thân xác Mẹ đã chết rồi, Mẹ muốn nghe kinh, con qua Tịnh Xá mời Sư Cô sang cho Mẹ hồi hướng’’. Tuy chưa đi được tức thời, nhưng Mẹ tôi im lặng, không rên la, vật vã để chờ thân tứ đại tan rã dần  các cơ quan chức năng tự nghỉ làm việc: ban đầu bỏ đi, bỏ đứng, bỏ nói, dần dần bỏ ăn, bỏ nuốt…) . Tôi biết Mẹ đau đớn lắm! chúng tôi không thể chia sẻ được! – Chẳng biết làm gì hơn chúng tôi đành thỉnh các đoàn Chư Tăng Ni về tụng cầu an cho bà ba hôm. Thật tội nghiệp! Đến ngày thứ ba trước lúc chia tay, sau lời vấn an, giáo huấn của Thượng Tọa Giác Thịnh, Mẹ tôi ra dấu cho bà ngồi dậy, bà khóc và thò tay vào túi móc ra đồng bạc cuối cùng để cúng dường Chư Tăng Ni mà bà kính mến!. Hình ảnh này là một bài học giáo huấn cho con cháu “Phải biết tri ơn và cúng kính với Tam Bảo, chớ xem thường và lãng quên! ”

Đây là thời khắc quyết định, nếu tất cả con cháu đều hiểu biết đồng lòng niệm Phật bên cạnh bà, người thân tín đến bên bà nói lời xác tín cho bà yên lòng vãng sanh thì hay biết mấy! Đằng này, do thiếu bình tĩnh, con cháu muốn thể hiện tình cảm luyến tiếc đối với bà nên quên mất lời dặn dò của qúy Chư Tăng, thế là thông báo cho con cháu đến thăm hỏi quấy rầy, nói năng kể lể lung tung, phần bà chỉ nghe mà không nói được cho nên khi trái ý bà nhăn mặt rất là khổ sở, thật là phiền não! Chưa hết ña phaàn con cháu trong nhà chọn phương pháp trị liệu “còn nước còn tát” nên đã mời bác sĩ về túc trực truyền nước biển, thở ôxy, nhất là những khi lấy máu xét nghiệm bà đau đớn giẫy dụa tôi không thể nào cầm được nước mắt, hằng ngày còn làm thức ăn bất tịnh như nấu cháo lươn, gà, thịt bò, thịt heo ép ăn… nhưng cơ thể bà nào có tiếp thu nên bụng bị chướng, mà da thịt vẫn ngày càng khô héo! Nếu bình tĩnh hơn thì con cháu chỉ cần đổ sữa, nước cam, nước trắng cho bà để không bị mất nước và yên tĩnh cho bà nghe kinh, nghe tiếng niệm Phật có lẽ Mẹ tôi sẽ vãng sanh nhanh chóng hơn.

Giải thích theo kinh Địa Tạng: Là Mẹ tôi trong lúc chuẩn bị hành trang nghiệp thức để ra đi thì con cháu không biết hộ trì cho bà xả bỏ, trái lại còn níu kéo kể lể trần thế để cho bà thêm đau khổ! Còn về thân xác lại còn tạo thêm nghiệp sát sinh (ép bà ăn cháo gà, lươn, heo, bò…) khiến bà phải mang vác thêm nhiều gánh nặng nên bà lại càng khó ra đi!

Điều đau khổ nhất cho tôi là giải thích như trên vào thời điểm bấy giờ thì anh em trong gia đình cho là tôi mê tín! – Đúng là Pháp Phật và Pháp thế gian mâu thuẫn nhau kinh khủng – để hóa giải tình trạng này tôi được Thượng Tọa Giác Thịnh (tịnh xá Lộc Uyển) góp ý cho tôi rằng là hãy bình tâm đem hết lòng thành của con người bằng tâm nguyện hiếu thảo của mình hãy dốc tâm tụng kinh Địa Tạng hồi hướng cho bà sớm vãng sanh. Do vậy ban ngày tôi tạm lui bước cho anh chị em trong nhà chăm sóc bà theo pháp thế gian, ban đêm tôi tình nguyện thức sáng đêm tụng kinh Địa Tạng cho bà, khai kinh vào 12 giờ khuya, tụng hết 3 quyển, chậm rãi, bình tĩnh, chuông mõ thành kính, cứ hết một quyển tôi xin một chum nước cúng Phật đến cho bà uống và hồi hướng bên tai bà với lời nhắn nhủ: “ Mẹ ơi, Mẹ đã vất vả nuôi con cháu khôn lớn rồi, nay thân tứ đại tan rã, Mẹ hãy yên lòng theo Phật, đừng luyến tiếc gì nữa nghe Mẹ! ” – Những lần như thế khi nghe được tôi nói, tôi thấy Mẹ ứa nước mắt và gật đầu hoan hỷ, có lúc bà còn nghe tiếng chuông mà cố chắp tay lên ngực, miệng lắp bắp niệm Phật theo.

Tình trạng này kéo dài đến 9 đêm, tôi hiểu: bởi lẽ, một mình tôi chí nguyện dẫn dắt Mẹ mỗi đêm theo Phật được hai bước thì ban ngày anh chị em tôi tạo nghiệp kéo bà lui ba bước… Đêm thứ 9, sau khi tụng xong ba quyển kinh Địa Tạng, tôi đốt thêm một tuần nhang quyết tâm đứng lên qùy xuống nín thở niệm hồng danh Phật A Di Đà, với tâm thành sám hối thay cho Mẹ, để xin cho Mẹ con được yên lòng vãng sanh.

Nhiệm mầu thay! Qua sáng hôm sau Mẹ tôi sốt cao, trong người xuất ra các thứ uế trược và thân thể cứng dần… và điều sai lầm kế tiếp của các con khi thấy bà như thế đã hoảng hốt đem bà đi cấp cứu, vào bệnh viện và tiếp tục truyền ôxy , truyền dịch, truyền ống cao su ép ăn súp loãng… nhưng tất cả đều vô vọng, bởi cơ thể bà cứ lạnh dần, cuối cùng người con trai thứ ba của Mẹ tôi ( là người trực tiếp nuôi dưỡng bà ) đến bên tai bà nói nhỏ: “ Mẹ ơi! Con đưa Mẹ về nhà nghe Mẹ! ” – Lạ lùng thay bà gật đầu một cách hoan hỷ và lấy hơi lên ba tiếng nấc! Chúng tôi vội vã yêu cầu bác sĩ rút ống và đưa ngay bà về nhà. Theo y học thì bà đã chết lâm sàng! Nhưng theo lời dậy của kinh Phật là bà đã chuyển sang thân trung ấm, thần thức có thể vẫn tồn tại khoaûng hai mươi phút. Tôi tức tốc về nhà chuẩn bị bàn Phật để bên tay phải nơi đỉnh đầu bà nằm giữa nhà, yêu cầu con cháu không được khóc, hãy ngồi và quỳ xung quanh giường bà mà niệm Phật. Riêng tôi, bình tĩnh trang nghiêm đứng trước bàn Phật khói hương nghi ngút, tôi đọc thật to hồng danh tam thế Phật thêm lời khẩn cầu tiếp dẫn hương linh cho Mẹ được vãng sanh Tịnh Độ. Thời gian trôi qua ñöôïc gần một tiềng đồng hồ cả nhà đều mừng vui vì thấy thần sắc của Mẹ tôi hết sức hồng hào, gương mặt Mẹ tôi đầy đặn tươi tắn hơn trước kia rất nhiều (bởi bỏ ăn hơn nửa tháng nên thần sắc má hóp, da nhăn) – Nhìn bà thanh thản như người nằm ngủ yên lành, chưa hết cả nhà còn ngửi thấy mùi hương thơm thoang thoảng với mùi hương trầm trên bàn Phật đã thắp từ trước!, theo dõi con cháu thấy điểm ấm cuối cùng của bà là trên trán. Kịp thời khi qúy Sư, Thầy đến hộ niệm, các Ngài nói rằng bà đã vãng sanh! – Con cháu hãy tiếp tục hồi hướng cho bà, cúng chay cho hương linh và cả nhà nên phát nguyện ăn chay từ đây cho đến 49 ngày sau, con cháu hãy thay phiên nhau tụng kinh Địa Tạng mỗi ngày (các con y giáo phụng hành). Đồng thời chúng tôi không quên làm theo lời di chúc của bà, nên sử dụng tiền phúng điếu làm từ thiện cho các phòng thuốc của chùa, các cô nhi viện, viện dưỡng lão và đương nhiên quên không cúng dường Tam Bảo.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Nhất tâm niệm Phật

Góc nhìn Phật tử 10:07 21/11/2024

Trong giáo lý của đạo Phật, pháp môn niệm Phật được xem là con đường dễ hành trì, nhưng lại mang đến lợi ích lớn lao cho những ai chí tâm tu tập.

Nhớ về một người Thầy

Góc nhìn Phật tử 09:12 21/11/2024

Trong cuộc sống, ắt hẳn rằng mỗi người ai trong chúng ta cũng mong muốn có một cuộc sống thật tốt đẹp và hạnh phúc nhưng đối với tôi một cuộc sống hạnh phúc đã không còn tồn tại vào năm tôi lên ba tuổi khi thần chết đã cướp đi người mẹ mà tôi yêu quý và người cha mà tôi luôn kính trọng.

Những người Thầy khả kính

Góc nhìn Phật tử 21:55 20/11/2024

Sự thật thì làm cha mẹ, ai cũng muốn con của mình được sống hạnh phúc, thành công. Họ chấp nhận hy sinh mọi thứ để đánh đổi cuộc đời cho những đứa con thơ, bởi lẽ không có cha mẹ nào mà chẳng thương núm ruột của mình dứt ra.

Đồng tiền có thể tạo ra sự tham lam và sự bất mãn vô tận

Góc nhìn Phật tử 18:30 20/11/2024

Trong xã hội hiện đại, đồng tiền đã trở thành một yếu tố quan trọng quyết định đến cuộc sống của chúng ta. Không thể phủ nhận rằng tiền bạc mang lại sự tiện ích và tiến bộ, nhưng khi ta bị chi phối quá mức bởi nó, tiền bạc có thể trở thành cơn ác mộng và làm chúng ta trở thành nô lệ.

Xem thêm