Mẹ và Tết
Tết Kỷ Hợi đã qua, mùa xuân đang dần qua nhưng những dư âm của nó dường như còn nguyên vẹn. Viết những dòng này, lòng tôi bồi hồi như chạm vào một miền hoài niệm yêu thương. Tết, là có mẹ, là quê hương!
Cái Tết có trong tôi, ăn sâu vào tiềm thức, để từ đó có ý niệm về Tết là từ mẹ, vì nó được hấp thụ lúc còn ấu thơ.
Để biết được Tết, đầu tiên là biết đòi quà Tết. Nhà tôi, ông bà có 6 anh em chúng tôi, nên để thỏa mãn được quà Tết là điều rất khó. Thích được mặc đẹp. Đó là ý thức về làm mới, về cái đẹp, về Tết hình thành.
Tết, cái gì cũng được làm mới... cái đẹp có mặt.
Cuối Đông vào Xuân, ở quê tôi là vào vụ Đông - Xuân. Từ cuối Thu đầu Đông là chống đỡ cái mưa đem bão lũ về, mấy tháng liền như vậy, rồi đến chống đỡ cái rét đem theo mưa thâm gió bấc tràn vào. "Cơ hàn" - đói rét, cái từ rất thấm thía này hình thành từ hàng ngàn năm trong đời sống người dân Việt, đeo đẳng cho đến hôm nay.
Lần rồi mấy tháng trời đi điền dã tìm hiểu về Thánh tổ Không Lộ, đến chùa Đĩnh La (Keo ngoài) thấy câu "cơ hàn" được ghi trong gia phả về cuộc sống một gia đình họ Vũ gần 1000 năm trước.
Tôi đọc mà thấy xúc động và nghĩ đến người dân quê mình, nhớ thủa ông cha vào đây lập nghiệp.
Dân quê tôi gọi tháng giêng là tháng giáp hạt, dân vùng quê tôi đều đói vào giai đoạn này.
Vì vậy, hai tháng cuối Đông, tôi thấy ba mẹ tất bật cho việc vừa ngoài đồng đất ruộng chuẩn bị cho việc gieo mạ và xuống đồng; vừa phải làm đất, tìm giống cho đất hoa màu. Đất hoa màu là cách gọi của người quê tôi gọi cây ăn ngắn ngày cứu đói ngoài lúa. Đất hoa màu, nhà nào ngoài đất vườn ra cũng có một vài sào đất hoa màu được chia để trồng khoai, bắp và các loại rau.
Gần như đây là mùa người dân quê tôi tất bật nhất. Tôi thấy mẹ tôi đúng là, "rửa tay" ăn Tết, nghĩa là gần như 100% theo với đất ruộng, đất vườn cũng được chu tất đâu vào đấy. Làm vậy mới ra Xuân trời đẹp, chỉ làm cỏ đợt đầu cho hoa màu và vào nhẹ phân bón vun gốc cho cây để tháng hai là có bắp (ngô) ăn. Và đến tháng ba có khoai ăn.
Và thế là để đợi tháng 4 đến, đến mùa lúa mới có hạt gạo, đợi... như vậy nên dân đa phần đói. Vì vụ Hè - Thu, từ lúc "treo vằng" (vằng là loại gần như liềm, dùng để cắt lúa) đến tháng 4 quá dài, nên trồng hoa màu là để cứu đói.
Chạy đua với thời gian là vì thời tiết. Dân canh chừng được tiết Xuân là lúc thích hợp cho các loại cây hoa màu sinh trưởng, đem lại hiệu quả cho miếng ăn nhanh.
Vì thế, cái đẹp, cái niềm vui Xuân của mẹ tôi, của người dân quê tôi ngày Tết còn là được thấy một màu xanh mơn mởn phơi phới của lúa non, của bắp khoai dưới sương Xuân mà họ nhìn thấy hai bên đường đi lại thăm Tết. Họ đi giữa màu xanh sự sống, sự tin tưởng không "thất bát".
Tôi lớn lên giữa quê nên rất hiểu cái từ này khi nghe người lớn than "thôi, thế là năm nay xem ra thất bát". Có nỗi sợ, có nỗi lo cho con, cho gia đình trong câu kia của những người làm cha làm mẹ quê tôi. Thất bát, là mất bát cơm, mất miếng ăn của con người. Thay vì có, do đã bỏ công ra cày cấy, nhưng nay bỏ công mà đi toi, mất mùa, do ông trời không giúp đỡ.
Tôi kể dài dòng là để quý vị hiểu thêm cái Tết, cái ý vị Xuân của người dân quê. Để nhắc nhớ mình, Tết là từ ý niệm về mẹ, Tết là sửa soạn để làm mới, (sau này đi tu, tôi càng thấm thía tâm đắc câu nói: “Năm mới, ta cũng mới” là bởi vậy.) Tết, là lắng lại nghỉ ngơi, có mặt bên nhau và cùng chung niềm hy vọng vào ngày mai an lành, no ấm. Tết, là dịp để biểu hiện tròn đầy những ân nghĩa đến nguồn cội tổ tông. Lòng biết ơn bắt nguồn từ những chiếc bánh chưng xanh, từ sự chăm chút cái lá gói bánh, lau dọn lại ban thờ..
Để mẹ "rảnh tay", đi tìm những chiếc lá chuối non trong vườn, là cái Tết đã rất gần, chỉ còn khoảng dăm hôm. Nhưng, muốn có lá chuối tốt và đẹp, đó là năm "trời thương", cơn bão cuối cùng xa Tết. Có những năm nhìn vườn chuối xác xơ, mẹ than, thế là khó tìm ra lá gói bánh Tết rồi. Không để dành được lá chuối vườn thì phải... mua. Nghĩ đến, phải mua cả lá chuối làm mẹ không dám nghĩ. Vì còn phải áo Tết cho con và bao thứ phải sắm.
Nếu không mưa bão làm vườn chuối xác sơ, tôi nhớ mẹ tôi bắt đầu dặn bác tôi và ba tôi, cũng như anh chị tôi và anh em tôi, nhớ không chặt lá chuối, còn để dành lấy lá gói bánh. Nhà tôi có vườn rộng, nên tôi hay cho người hàng xóm đến xin lá chuối về gói bánh.
Cây chuối tốt, nó khỏe mới vươn cao, và cho thân to mới có lá đẹp. Chiếc bánh chưng đẹp còn một phần phụ thuộc vào lá chuối. Mẹ tôi nói, tàu lá dài bè ngang lá chuối rộng mới chia được lá. Có những tàu lá, chia ra lấy được có 2 miếng lá. Biết gói bánh, mới biết chọn lá. Và biết chọn lá mới chia được lá cho đủ rộng lá dễ gói và chiếc bánh sẽ đẹp.
Tôi hay chạy theo lượm lá mỗi khi bà ra vườn tìm lá gói bánh. Có những lá to chặt được nguyên cả tàu, có những lá chỉ được róc lá để lấy mà không được phép chặt cả tàu lá. Mẹ tôi bảo, con biết không, cây chuối này chưa ra buồng, lấy lá sao cho nó còn đến mùa ra buồng.
Cả đạo lý sống quanh việc tìm và chọn lá chuối. "Ăn hiền", mẹ luôn sống như vậy để chắt chiu và tô bồi cho gia đình. Nâng niu từng chiếc lá. Có những tàu lá dài, sợ gấp là gãy, mẹ bảo tôi đưa tay mẹ đặt lá chuối nằm vắt qua tay tôi. Tôi hí hửng và hạnh phúc như vậy dưới các gốc chuối theo bên mẹ tìm từ đầu vườn đến cuối vườn.
Chúng tôi lớn lên ở quê thủa ấy làm gì có lịch và có đồng hồ. Nhìn mẹ, anh em chúng tôi "biết Tết". Tết đến gần độ nào rồi là do quan sát những việc mẹ làm. Xa hơn trước đó là khoảng chừng tháng chạp, là lúc mẹ tôi bắt đầu bước chuẩn bị cho việc làm dưa món.
Dưa món là thứ không thể thiếu nơi mâm cổ ngày Tết quê tôi. Dưa món được làm bằng đu đủ, cà rốt, ớt, đậu phộng (lạc) và củ kiệu. Đu đủ và cà rốt được sắt mỏng độ 2 ly, phơi tiu tiu mà không cần khô hẳn. Sắt mỏng quá, phơi khô sẽ dai và mất dòn. Thường tôi thấy mẹ tôi phơi trong bóng râm. Hôm đầu cắt ra, có nắng thì phơi dưới nắng. Nắng của những tháng cuối năm rất khan hiếm, nên nắng không gắt, phơi nắng đầu không sợ quá khô. Mấy hôm sau chỉ cần phơi dưới bóng râm là được.
Khó nhọc nhất là gặp những năm trời miền Trung triền miên dưới mưa dầm gió bấc và rét. Những tháng như thế, bà phải cho đu đủ vào hong than. Hong than là khi không đủ khô qua thời gian để giàn rang, bóc vỏ. Ba thứ này bỏ vào lọ sau cùng.
Với chừng đấy công việc đồng áng, vườn tược, là việc đói no, đời sống cả nhà, mẹ tôi còn chu tất cho Tết. Cái hay là chưa bao giờ tôi thấy mẹ than thở vì việc làm và việc Tết sắm sanh đủ loại.
Còn một thứ bánh nữa mà nguyên liệu cũng từ vườn, đó là bánh ít lá gai. Sát mép phía đầu hè, chỗ hầm tránh bom, nơi ba tôi thờ Phật, từ bé tôi đã thấy cây gai mọc um tùm. Nhỏ tôi cứ thắc mắc, sao cây không ăn được mà cứ để mọc. Cây lá gai chặt đi là vài hôm sau đã đâm chồi non nhanh. Tết đến, khi anh em chúng tôi tranh nhau ăn bánh ít lá mới hiểu mẹ lấy lá từ đó.
Đó là thứ từ cây cỏ, từ vườn ruộng. Còn loại nữa, cái vị và hình ảnh vần theo tôi lớn lên, thấy ngon và thích thú, đó là bánh thuẫn mẹ tôi làm. Bột nếp và trứng là nguyên liệu làm ra loại bánh này. Nếu có thời gian, thường mẹ tôi làm loại bánh này từ sớm. Bánh làm sớm thì để trong túi ni long, treo lên gần bếp đợi Tết đem ra đơm cúng.
Khuôn làm bánh này tôi thấy cả xóm mượn chuyền nhau một bộ khuôn. Khuôn bánh làm bằng gang. Chỉ là để có đồ cúng tổ tiên ngày Tết, chứ bánh này ít khi làm được đẹp. Loại bánh này, tôi thấy bà chú ý đến ngon hơn là đẹp.
Tết và Mẹ, là cả một trời quê hương làm nên nỗi nhớ cho con dù muôn trùng cũng muốn tìm về để tắm mình trong đó.
Tết Kỷ Hợi đã qua, mùa xuân đang dần qua nhưng những dư âm của nó dường như còn nguyên vẹn. Viết những dòng này, lòng tôi bồi hồi như chạm vào một miền hoài niệm yêu thương. Tết, là có mẹ, là quê hương!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thiền và tập tạ
Góc nhìn Phật tử 09:30 23/11/2024Nếu ai thực tập 2 môn này cùng một lúc chắc chắn sẽ cảm nhận được rất nhiều điểm tương đồng.
Tuổi nào cho em
Góc nhìn Phật tử 13:43 22/11/2024Tôi vác ba lô trên lưng trở về sau chuyến hành trình nơi đất khách, trong hành trang tôi mang vài thứ từ quê xa làm quà cho anh em. Vừa bước vào cổng chùa nghe hơi lạnh… thoáng mùi chia ly.
Đạo Phật là lối sống đẹp để hướng đến việc hoàn thiện bản thân
Góc nhìn Phật tử 10:24 22/11/2024Trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, Đạo Phật xuất hiện như một ánh sáng soi đường, giúp con người thấu hiểu chính mình và hoàn thiện bản thân.
Để Sư nấu
Góc nhìn Phật tử 10:06 22/11/2024Cách đây chừng sáu năm, ngày đó tôi đang là một sinh viên năm thứ ba, sống chung phòng trọ với bảy người bạn nữa ở khu Làng Đại Học Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chung trọ nhưng chẳng ai cùng quê với nhau cả, Bắc – Trung – Nam đều có.
Xem thêm