Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 03/04/2023, 12:51 PM

Một khắc Tịnh Độ nhân gian ở Xóm Chợ

Chuyện về bài học hạnh bố thí của những người lao động nghèo xóm chợ nhỏ.

Kế bên bệnh viện Da Liễu Cần Thơ là hẻm chợ tự phát. Người ở khu lao động nghèo tất bật mưu sinh kiếm cái ăn từng bữa. Từ sáng sớm tiếng lao xao huyên náo đậm chất cơm áo gạo tiền bủa vây cái xóm cho mãi tận đêm khuya. Dưới mắt người đời, những khu vực này được định danh là khu phức tạp, xóm lao động nhiều thành phần bất hảo, nhiều mảnh đời, ngược xuôi bôn ba rồi mắc lại khu xóm chợ này mà bươn chải. 

Dẫu vậy, những người dân nghèo nơi đây nương tựa và đùm bọc nhau trong cái tình làng nghĩa xóm chân chất mộc mạc mà thấm sâu như phù sa Mekong. Dưới cái vỏ xù xì cứng cỏi để đối chọi với đời là những tâm hồn thuần lương chất phát và hướng thiện. Những ngày rằm mùng 1, mọi người rủ nhau ăn chay, dẹp hàng sớm để rồng rắn kéo nhau đi chùa. Ai bán cá thì ngày đó không lấy hàng, ai bán cơm bán bún thì ngày đó cũng chỉ sương sương dăm ba tô đủ tiền đóng mặt bằng là nghỉ. 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Có một chuyện người viết tình cờ được chứng kiến, in đậm mãi trong ấn tượng về những con người nơi đây. 

Hôm đó ở uỷ ban phường có chương trình phát gạo từ thiện. Thông tin đã làm cả xóm xôn xao hổm rày, dì Đèo bán cơm ở xóm là người nhanh chân đi xin trước mấy phiếu thông tin, về để ở quán cafe bà Hai, rồi thông báo cho khách cơm của mình – cũng là những người lao động chân tay nghèo, “nhớ ghé bà Hai lấy phiếu, mấy kí gạo cũng đủ cho cha con mày được tháng”. 

Phần bà Hai, ai bà rành gia cảnh đi ngang quán, bà cũng kêu, lần này k rủ uống cafe mà giúi vào tay người ta, “Cái này chế để cho cưng, đi ra uỷ ban lấy nhen, về cho sắp nhỏ ăn.” “Cái này phiếu bên dân phòng cho chế, mà tao ở có 1 mình, ăn bao nhiêu, mày đem về cho con Phượng, nhà nó có 3 mẹ con tội nó!”. 

Rồi những tiếng trả lời đầy khiêm nhường có phần rụt rè: “Thôi Hai ơi, đó giờ sống khổ quá không có từ thiện được đồng nào, không cho ai được cái gì, sao dám lấy của người là ta, để cho mấy ngừoi khó hơn người ta lấy.”; “ Em xin 1 phiếu chia với nhà con Phượng được rồi, để cho mấy người khổ hơn người ta có thêm 1 xuất nữa đi chế.” “Còn bà Bảy bán vé số, mấy nay bệnh nằm nhà không ra chợ được, chắc để cho bả 1 phần.” 

Cứ thế, những con người cơ cực nhường nhau vài kí gạo, nhắc nhau chia cho những người họ nghĩ cần hơn mình một cách vô tư không nghĩ ngợi, không tính toán. Vô tình nghe những mẩu đối thoại, người viết bỗng nghĩ về hạnh từ bi và bố thí mà Phật dạy. 

Đâu cứ phải có điều kiện hay tài sản mới có thể thực hành bố thí, chỉ cần sẵn sàng nhịn 1 chút, để dành cho người khác, ngay chính sát na khởi lên tâm ý thiện lành một cách thuần khiết đó, cũng đủ làm bừng nở 1 bông sen bát nhã trong lòng người. So với những kẻ lắm tiền nhiều của nhưng lấy tài vật ra so kè mặc cả với Phật – “Con cúng dường nhiêu đây nhiêu đây cho Phật, Phật độ cho con lấy được mối làm ăn này lãi lớn.” – thì 1 ý niệm nhường nhịn, chia sẻ cho người khổ hơn, trong khi mình cũng khổ, lại càng là bông hoa ngát hương đức hạnh giữa vũng bùn cám dỗ cuộc đời. 

Những con người mưu sinh xóm chợ, ghé lại hàng cơm quầy cafe nghỉ ngơi giữa cuộc chạy đua kiếm sống, nói với nhau dăm ba câu tình thiệt, rồi lại rong ruổi trên con đường đời, có khi chính họ cũng không nhớ tới những câu nói thể hiện ý lòng mình hôm ấy, bởi lo nghĩ suy  tối nay cơm nước gì cho tụi nhỏ, ngày mai phải đóng tiền trọ, hay là xin tới cuối tuần có lương rồi trả…Nhưng làm cho kẻ lạ như người viết bài, giờ đây nhìn họ dẫu mặt vẫn đầy khắc khổ, tâm lại bừng sáng như sen và nghĩ về bài học từ bi họ dạy; bỗng nhiên thấy xóm chợ lem luốt giờ đây như hồ liên trì đầy những búp sen chớm mọc, chờ ngày đủ duyên hội tụ về phương Tây. 

Và người viết lại học được rằng, những lời dạy của Phật đâu chỉ có ở trang sách hay sân chùa, mà hiện hữu ở mọi ngóc ngách nhỏ, ở những hình thái khác nhau, cách thức khác nhau, qua những hoá thân của Bồ Tát, La Hán biến thành mọi giai tầng của xã hội. Chỉ cần tâm khiêm hạ và rộng mở, ta có thể học được rất nhiều nghĩa lí nhiệm mầu ẩn trong những tình huống đời thường.

Lại nói bà Hai cafe, nghe dì Đèo kể trưa hôm sau bà Hai chạy xe chở mấy bịch gạo cũng không biết, đi kiếm từng nhà những người bán vé số với phụ hồ trong xóm, giọng vẫn lanh lảnh: “Trời ơi tao kêu đi lấy gạo cũng không chịu lấy, rồi giờ nằm bệnh vầy không làm ăn gì được mấy bữa rồi tiền đâu ra??? Thôi con Bé lấy gạo nấu cháo đỡ cho má mầy đi con…”. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tình mẹ - Bến bờ bình yên cho con

Góc nhìn Phật tử 20:21 04/11/2024

Tình yêu thương của người mẹ dành cho con là tình cảm sâu sắc, thiêng liêng và bền bỉ nhất trên đời.

Kích hoạt sự giàu có của bạn trong đời

Góc nhìn Phật tử 13:30 03/11/2024

Bạn nhận ra được những giá trị nơi bản thân và có thể trao tặng những giá trị này đến cuộc đời, cuộc đời sẽ tặng bạn lại sự thịnh vượng và giàu có. Lúc bấy giờ giàu có là hệ quả tất yếu của hành động trao giá trị.

Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi

Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024

Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...

Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây

Góc nhìn Phật tử 08:30 02/11/2024

Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.

Xem thêm