Nạn giả sư và nỗi lòng tăng ni trẻ
Nếu không kịp thời lên tiếng và ngăn chặn thì đến một ngày, hình ảnh của những người xuất gia trẻ dấn thân vào đời sẽ bị mọi người hiểu lầm, ám thị rằng đấy cũng là hình ảnh của sự đi xin tiền, xấu xí mà ai cũng dè chừng, tránh né chứ không phải thiêng liêng như vốn dĩ...
> Campuchia: 5 đối tượng giả sư bị bắt
Hiện tượng giả dạng tu sĩ Phật giáo đi khất thực, xin ăn, kéo theo đó là các dịch vụ mê tín, bán bùa chú, xin xăm bói quẻ hiện nay tập trung tại các đền, chùa,… trong dịp lễ hội, ngày rằm để xin tiền bố thí của khách hành hương đã trở thành một vấn nạn nhức nhối, gây tổn thương đối với những người xuất gia chân chính - xuất phát bởi những lý tưởng cao đẹp!
Tâm tình của “người trong cuộc”
Có dịp đi ra đường tôi đều đắp y theo truyền thống hệ phái Khất sĩ và nhiều lần đi bộ ngang qua những con đường mà ngày nào cũng xuất hiện người giả sư khất thực, tôi lại “đón nhận” ánh mắt dè chừng, thiếu thiện cảm của mọi người chung quanh (như chính mình là người đang ăn xin và sẽ làm phiền đến họ).
Phần lớn những người dân chưa hiểu nhiều về đạo Phật hay chưa có dịp đi chùa để hiểu biết đúng về người xuất gia, thì người giả sư sẽ vô tình tạo nên cho số đông những khái niệm không tốt về người tu. Tất nhiên, không thể trách người dân bởi thông qua những hình ảnh mà họ bắt gặp thường ngày từ những người giả dạng “đầu tròn áo vuông” để xin tiền, bán nhang, xem bói toán,... trên những cung đường hay tại các đình đền, chợ búa.
Có lần tôi hướng dẫn một nhóm Phật tử trẻ đi chùa lễ Phật vào ngày rằm đầu năm, nhưng khi bước vào gần tới cổng đã thấy một nhóm “nhà sư” đắp y giống mình đứng xin tiền. Khi ấy tôi vội nhanh chân bước vào trong sự ngượng ngùng, e dè và chợt thấy thương kính vô cùng chiếc y của Phật mà mình đang mặc trên người, trong đó còn có sự tổn thương tự đáy lòng khi nghĩ về những người mượn y Phật để làm xấu hình ảnh người tu ngoài kia.
Đi vào bên trong chùa lễ Phật xong, tôi bước ra sân trước để đứng chờ mọi người ra về thì có hai mẹ con đi ngang qua, đứa bé vô tình chỉ tay vào tôi rồi kêu mẹ cho tiền ông sư, thấy thế người mẹ vội lấy ít tiền lẻ ra và đưa cho tôi như một sự bố thí theo lời yêu cầu của đứa con.
Khi ấy, tôi cảm thấy áy náy vô cùng nhưng cũng kịp nhẹ nhàng từ chối, hướng dẫn vị đó là nên đem vào chùa để bỏ thùng công đức. Tất nhiên, tôi biết trong tâm thức của đứa bé lúc này đang hình dung tôi như những người giả sư đắp y ăn xin phía trước cổng mà bé thường được mẹ hướng dẫn cho tiền khi có dịp đi chùa.
Nỗi lòng Tăng Ni trẻ
Trò chuyện với các thầy, các sư cô trẻ có cùng chung nỗi ưu tư về vấn đề này thì biết, các vị ấy, mỗi người một câu chuyện cũng “dở khóc dở cười” như tôi, nhưng đáng để suy ngẫm trên bước đường tu học thường ngày dưới sự tương tác giữa mình với xã hội hiện nay.
Như thầy Thích Thanh Đạo (du học Tăng tại Thái Lan) kể lại - vào Tết Nguyên đán cách đây vài năm, thầy Đạo có dịp về thăm gia đình sau những năm tu học ở tu viện. “Khi đang dùng bữa cơm chay thân mật với gia đình thì bỗng xuất hiện một “sư thầy” đang mang trên người bộ đồ nâu, đầu cạo láng. Thấy thế, mọi người trong gia đình không mấy vui khi bị làm phiền về việc “vị thầy” mời mọc mua nhang ủng hộ và xin tiền lì xì”, thầy Thanh Đạo nhớ lại.
Khi vị khách đó vừa đi, người thân quay sang thầy Đạo hỏi: “Ủa, ở chùa cực khổ đến mức phải đi xin như vậy à?”.
“Lúc ấy, tôi cảm thấy nghẹn lòng và buồn vô cùng khi có những thành phần không tốt đã lợi dụng “chiếc áo xuất sĩ” để trục lợi cá nhân, với mục đích phục vụ nhu cầu cá nhân nhưng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cái nhìn của những người xung quanh, ngay cả với người thân tôi - có người xuất gia như tôi”, thầy Thích Thanh Đạo chia sẻ.
Hay câu chuyện cũng của một Tăng sinh đang học tại Thái Lan là thầy Thích Chúc Tâm. “Khi còn là một Tăng sĩ trẻ tại Đà Lạt, được thầy bổn sư gửi lên Sài Gòn để theo học tại trường Phật học, trong những ngày đầu còn bỡ ngỡ nơi đất khách và khí hậu nóng gắt khó chịu, tôi và vị sư cùng phòng quyết định đi kiếm mua cây quạt. Sau một hồi tìm kiếm, chúng tôi dừng lại ở trước tiệm bán đồ điện tử, chủ tiệm lúc ấy đang ở trong nhà xem truyền hình, tôi với gọi từ bên ngoài - Chú ơi - như ý để hỏi thăm giá cả”, ĐĐ.Chúc Tâm kể.
Thầy Tâm hồi tưởng tiếp - người bán đồ nhìn ra với ánh mắt và thái độ không vui, kèm theo đó là cử chỉ vẫy tay bảo rằng “đi đi, ở đây không có gì cả, không mua gì cả” và họ vẫn cứ tiếp tục xem truyền hình, không thèm để ý gì.
“Khi ấy, tôi khựng lại, quay qua nhìn sư bạn mà khá ngỡ ngàng với sự “phản hồi” từ chủ tiệm như thế. Thấy sư bạn ngại quá nên bảo tôi đi sang tiệm khác, nhưng tôi muốn đính chính lại, nên gọi thêm lần nữa - Chú ơi! Thầy muốn mua quạt - thì họ mới ra tiếp đón, tôi cũng nhẹ nhàng giải thích cho họ hiểu được thật-giả trong xã hội hiện nay mà chú đã nhiều lần bị làm phiền rồi “ám ảnh” nghĩ ai trong hình tướng tu sĩ cũng chỉ tới để quyên góp xây chùa hoặc bán nhang, thực chất là người giả sư đi “hành nghề”.
Từ vài ví dụ rất nhỏ trên trong bức tranh người giả sư vẫn hoạt động hàng ngày cũng như đang rộ lên trong mỗi mùa lễ hội - có thể kết luận, đây là vấn nạn chứ không còn là vấn đề bình thường, có thể cho qua, vì kéo theo đó là các hệ lụy ảnh hưởng trầm trọng đến tâm tư và sự mặc cảm cá nhân của tu sĩ trẻ khi vô tình bị đối xử, bị nhìn nhận thiếu thiện cảm mà nguyên nhân là từ các thành phần bất hảo, giả danh.
Thiết nghĩ, nếu không kịp thời lên tiếng và ngăn chặn thì đến một ngày, hình ảnh của những người xuất gia trẻ dấn thân vào đời sẽ bị mọi người hiểu lầm, ám thị rằng đấy cũng là hình ảnh của sự đi xin tiền, xấu xí mà ai cũng dè chừng, tránh né chứ không phải thiêng liêng như vốn dĩ...
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm