Ngay cả Đức Phật cũng phải chịu đựng mọi thử thách
Trong suốt 45 năm thuyết giảng và hướng dẫn Tăng Đoàn, Đức Phật đã từng gặp phải không biết bao nhiêu khó khăn. Dù đã hoàn toàn giác ngộ, thế nhưng Ngài vẫn phải gánh chịu hậu quả
Lời giới thiệu của người dịch
Ajahn Sundara là một ni sư người Pháp, sinh năm 1946. Khi còn trẻ bà học vũ cổ điển và hiện đại, và đã trở thành một vũ công nổi tiếng, đồng thời cũng là giáo sư vũ hiện đại. Thế nhưng bà luôn suy tư và khắc khoải về những gì khác sâu xa hơn. Năm 1978 sau khi tham dự một buổi nói chuyện của nhà sư Ajahn Sumedho về cuộc sống của một nhà sư dưới chiếc áo cà sa, bà đã xúc động mạnh, và cảm thấy dường như một con đường mới vừa mở ra cho mình.
Không lâu sau đó bà xin xuất gia trong ngôi chùa Cittaviveka do chính nhà sư Ajahn Sumedho thiết lập ở miền nam nước Anh. Bà là một trong số bốn ni sư đầu tiên xuất gia trong ngôi chùa này. Năm 1990 bà sang Thái Lan học thêm về thiền định hai năm liền tại một ngôi chùa thuộc truyền thống "Tu trong rừng" của Phật giáo Theravada. Trong vòng hai mươi năm sau khi trở về lại Anh quốc bà đã thường xuyên thuyết giảng và chủ trì các khóa ẩn cư và thiền định khắp Âu Châu và Bắc Mỹ.
Chắc hẳn quý vị đều nghĩ rằng sau khi đạt được Giác Ngộ thì Đức Phật nhất định phải có một cuộc sống thật thoải mái, có đúng thế hay chăng? Có phải vì vậy mà tất cả chúng ta cũng đều hy vọng đạt được một chút "giác ngộ nho nhỏ" nào đó, hầu mang lại cho mình một cuộc sống thoải mái hơn hay chăng?
Trong suốt 45 năm thuyết giảng và hướng dẫn Tăng Đoàn, Đức Phật đã từng gặp phải không biết bao nhiêu khó khăn. Dù đã hoàn toàn giác ngộ, thế nhưng Ngài vẫn phải gánh chịu hậu quả từ những nghiệp quá khứ của mình (theo quan điểm của Phật giáo Theravada thì Đức Phật gồm có ba thể dạng thân xác (trikaya/tam thân) như sau: thứ nhất là thân xác mang hình tướng con người (caturmahabhutikaya) - gồm bốn thành phần là đất, nước, lửa, khí - tức là phần thân xác sẽ bị hủy hoại; thứ hai là thân xác tâm thần (manomayakaya) trong lúc Ngài còn tại thế, với thân xác này Ngài có thể du hành trong khắp các cõi thiêng liêng; thứ ba là thân xác Đạo Pháp (Dhammakaya), có nghĩa là "thân xác" giáo lý, thân xác này không phải là một thể loại "thân xác" nào cả mà chỉ là "Đạo Pháp" mà Ngài đã lưu lại cho chúng ta ngày nay. Tóm lại duy nhất chỉ có "thân xác hình tướng gồm bốn thành phần" (tứ đại) của kiếp nhân sinh cuối cùng của Ngài là hậu quả phát sinh từ nghiệp trong quá khứ của Ngài mà thôi, và Đức Phật cũng chỉ phải gánh chịu những sự khó khăn xuyên qua thân xác ấy khi thân xác này tiếp xúc với các cơ duyên và điều kiện phát sinh từ bối cảnh chung quanh trong cuộc sống nhân sinh cuối cùng của Ngài. "Thân xác tâm thần" và "Thân xác Đạo Pháp" của Ngài đã vượt thoát khỏi mọi hình thức của nghiệp và trở thành một thể dạng trí tuệ đơn thuần hoàn toàn tinh khiết).
Những người tu hành khổ hạnh đã tìm đến Đức Phật để chất vấn và kết tội Ngài đã nêu lên các quan điểm lệch lạc và đã đưa ra một giáo lý sai lầm; các môn đệ của Ngài thì gây ra đủ mọi thứ khó khăn trong suốt cuộc sống của Ngài. Một vài đệ tử lại còn thách thức với Ngài khi họ chủ trương thả lỏng tối đa giác cảm, và ngược lại thì một số khác lại cho rằng cần phải siết chặt các giới luật hơn nữa, chẳng hạn như phải tuyệt đối ăn chay. Người em họ của Ngài là Đề-bà Đạt-đa (Devadatta) đã nhiều lần tìm cách ám hại Ngài, cho voi điên dày xéo lên Ngài và đồng thời tìm cách chia rẽ Tăng Đoàn. Ngoài ra một số những người tu khổ hạnh vì ganh tị với Đức Phật đã xúi dục một phụ nữ hô hoán lên rằng Ngài là cha của đứa bé mà mình đang mang thai(giữa đám đông trong lúc Ngài đang thuyết giảng, và đã bị lật tẩy tức thời sau đó vì những vật độn trong bụng bà ta bất thần bị rơi xuống đất). Tóm lại chúng ta ngày nay còn may mắn hơn cả Đức Phật!
Chỉ cần suy tư vài hôm cũng đủ để hiểu rằng mục đích của việc tu tập không phải là giúp mình tránh khỏi tình trạng bấp bênh của sự hiện hữu dưới thể dạng con người, hoặc là để loại bỏ các trở ngại trong cuộc sống, mà đúng hơn là để tìm hiểu tâm thức mình hầu giải thoát nó ra khỏi tình trạng vô minh chi phối nó. Vô minh hàm chứa một sức mạnh đáng nể, do đó nếu khinh thường nó thì nó sẽ xô mình xuống địa ngục một cách dễ dàng. Có khi nào quý vị ý thức được sức tác động của lòng quyết tâm, sự giận dữ, cứng đầu và tính hay bài bác của mình mãnh liệt đến dường nào hay không? Nếu không chủ động được sự bất an (mal-être/malaise, unhappiness, discomfort) của mình, thì chúng ta sẽ tìm mọi cách lấp đầy tâm thức mình với đủ mọi thứ nhằm đánh lạc hướng nó (nghe nhạc, xem phim, đọc chuyện nhảm nhí, tô điểm thân xác, nghiện ngập, chạy theo những thúc dục bản năng sơ đẳng nhất... là cách giúp mình tạo ra một tình trạng xao lãng tâm thần, che lấp những sự lo sợ, hoang mang và bất an của mình); thế nhưng nào có phải vì thế mà những sự cảm nhận bất an ấy sẽ biến mất đâu? Chúng ta không thể nào chủ động được tâm thức mình bằng các phương cách đó.
Một trong những khía cạnh tích cực nhất trong giáo huấn của Đức Phật là giúp chúng ta thấu triệt được sự vận hành của tâm thức mình: đấy là những lời chỉ dạy của Ngài đã nêu lên nguyên nhân mang lại khổ đau cho mình. Hầu hết trong chúng ta chỉ biết nhìn vào các nguyên nhân của khổ đau thuộc bối cảnh bên ngoài. Thật thế, tuy rằng có rất nhiều yếu tố bên ngoài mang đến cho mình sự bất an, các cảnh huống bất toại nguyên, v.v… thế nhưng Đức Phật thì lại cho biết nguyên nhân đích thật của khổ đau chính là tanha: tức là sự thèm khát (tanha là tiếng Pa-li và tiếng Phạn, là một thuật ngữ vô cùng quan trọng trong giáo lý Phật giáo. Nguyên nghĩa của chữ này là sự thèm khát/thirst, có thể hiểu như là một sự bám víu/craving hay tham lam, khát khao, dục vọng/desire. Rộng hơn nữa thì chữ này có nghĩa là mong muốn thực hiện được những cảm nhận thích thú, sự hài lòng/pleasurable experiences, nhằm tránh khỏi những thứ đớn đau, không thích thú/painful, unpleasant. Tanha/sự thèm khát, bám víu không những là nguyên nhân mang lại tất cả mọi thứ khổ đau mà còn là động lực trói buộc con người trong cõi luân hồi. Trong khi đó kinh sách gốc Hán ngữ thì lại dịch chữ tanha là "ái", quả thật là một cách dịch không thích nghi, không nói lên được ý nghĩa của chữ tanha/thèm khát. Quyển Hán Việt Tự Đìển của Đào Duy Anh chẳng hạn giải thích chữ "Ái" - 爱 - là: "Thương, yêu, tiếc", và đưa ra nhiều từ ghép, trong số này có: "Ái hà": là ái tình lai láng như nước sông; "Ái hoa": yêu hoa, v.v., không có từ nào nói lên ý nghĩa của chữ thèm khát/tanha trong tiếng Pa-li và tiếng Phạn).
Một tâm thức thiếu sự cảnh giác sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng bám víu, kể cả đối với những thứ thật nhỏ nhặt, chẳng hạn như chiếc tọa cụ (cái gối dùng để ngồi thiền) của mình, hoặc khi bị lọt ra sau lúc xếp hàng vào phòng ăn. Những chuyện lặt vặt như thế cũng có thể là nguyên nhân mang lại cho mình những khổ đau to lớn hơn. Sáng sớm chỉ cần một người nào đó gây ra cho mình một chút khó chịu thì cũng đủ khiến mình bực bội suốt ngày hôm ấy (một sự bực bội hay bám víu dù thật nhỏ nhoi cũng đủ để trói buộc mình trong thế giới luân hồi này). Thông thường chúng ta không ý thức được các thói quen liên quan đến các sự cảm nhận của mình. Quý vị có khi nào nhận thấy những người dễ nổi nóng nhưng họ lại không hề ý thức được tính khí ấy của mình hay không? Trước đây chính tôi cũng đã từng mất rất nhiều thì giờ suy tư mới nhận ra được một cách thành thật là trong nhiều cảnh huống xảy ra hoặc trong khi giao tiếp với một vài người nào đó, thì tôi luôn cảm thấy bực dọc (có nghĩa là gặp các trường hợp nghịch ý hoặc phải giao tiếp với những người mà mình không thích).. Thế nhưng sau khi đã ý thức được điều ấy thật minh bạch và sâu xa thì tôi cũng cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm.
Hầu hết chúng ta đều mong cầu tìm được hạnh phúc cho mình nhưng lại không hề ý thức được là mình đang hạnh phúc. Dầu sao trước khi có thể cảm biết được hạnh phúc thì mình cũng phải trải qua giai đoạn dukkha tức là khổ đau. Đối với một số người, dù có vượt qua được giai đoạn đó thì cũng khó tránh khỏi ít nhiều kinh sợ. Họ nghĩ rằng: "Nếu tôi cảm thấy mình không sao tìm được hạnh phúc thì tôi sẽ phải tìm cách giải quyết ngay tình trạng đó, tôi sẽ từ bỏ người bạn đời của tôi, gian nhà của tôi, công ăn việc làm của tôi". Họ nghĩ rằng rút ra khỏi một cảnh huống đớn đau là cách giúp mình giải quyết các khó khăn. Thế nhưng đấy không hề là con đường mang lại sự chấm dứt khổ đau. Đức Phật có nói dù mình có chạy trốn ở một nơi tận cùng của thế giới, thì mình vẫn cứ mang theo cái tâm thức của chính mình (khổ đau ở bên trong tâm thức mình, không phải là ở bên ngoài để mà mình có thể chạy trốn nó)!
Cuộc sống nơi chùa chiền sẽ tạo cơ hội cho người tu hành hiểu được nhanh chóng thế nào là khổ đau, bởi vì trong môi trường đó quý vị sẽ có thể cảm nhận được khổ đau trong từng ngày một mà không bị xao lãng. Khi phải sống chung với tăng đoàn, tức là với những người mà mình không có quyền chọn lựa, thì tất quý vị sẽ khó tránh khỏi rơi vào những cảnh huống mà mình không sao kiểm soát được. Một môi trường như thế thường dồn quý vị vào thế phải tự che chở lấy mình. Và cũng chỉ có một phương cách duy nhất có thể cứu giúp mình là hướng sự chú tâm vào khoảnh khắc của hiện tại. Khi đã phát huy được sự chú tâm đó thì chúng ta sẽ có thể chủ động được các xung năng của mình, giúp mình phát huy sự nhẫn nhục. Nói một cách khác là không mạt sát kẻ khác với những gì sinh sôi nẩy nở bên trong tâm thức mình!
Tôi còn nhớ trước đây trong thời gian còn tu học ở ngôi chùa Chithurst, tôi phải nấu ăn cho một vị sư cả đau yếu đã từ nhiều năm. Tôi tự nguyện chăm lo việc ăn uống cho vị sư này bởi vì trước khi xuất gia tôi cũng đã có dịp học hỏi về các thực phẩm dưỡng sinh.
Thế nhưng một hôm mọi sự đều khiến tôi bực dọc. Tôi vừa nấu ăn cho vị ấy vừa nghĩ rằng: "Những sự rúng động phát sinh từ sự giận dữ của tôi chẳng phải là một điều tốt đẹp gì, vậy nào nó có giúp ích được gì cho kẻ khác đâu?" Vì thế tôi bèn tìm vị Thầy của tôi và thổ lộ: "Có lẽ tôi phải ngưng mọi việc bếp núc. Lắm khi tôi cảm thấy quá bực tức, cứ như là mình sắp cho thuốc độc vào thức ăn của ông ta vậy". Thầy tôi trả lời như sau: "Vậy thì hãy cứ hướng sự chú tâm vào sự nóng giận của mình, đấy là cách giúp mình không đầu độc ông ta. Sự nóng giận của mình sẽ không thể nào làm cho thức ăn bị nhiễm độc được, bởi vì mình đã kềm giữ nó ở bên trong con người mình"
Trong một dịp khác khi tôi đang thuyết giảng cho một nhóm khoảng 45 người, thì tôi chợt mất hết bình tĩnh, việc duy nhất mà tôi có thể làm được trong lúc ấy là bước ngay ra khỏi giảng đường hầu hóa giải chất adrenalin trong người tôi (adrenalin là một chất hormon do cơ thể tiết ra khi bị căng thẳng). Thế nhưng nhờ tôi yên lặng giữ sự nhẫn nhục và ý thức rằng nếu mình cứ tiếp tục giảng thì tất tình trạng này rồi cũng sẽ phải biến đổi. Thật hết sức kỳ diệu! Trong lúc tôi đang bị chấn động mãnh liệt thì có một ni cô ngồi bên cạnh tôi và vị ni cô này sau đó đã hỏi tôi rằng tại sao lúc ấy tôi lại có thể tỏ ra bình tĩnh và an nhiên đến mức độ ấy được! (Ni sư Sundara không nêu lên lý do tại sao mình không còn thích nấu ăn cho vị sư cả trong chùa, cũng không nói lên nguyên nhân nào đã khiến mình bực dọc trong khi đang thuyết giảng cho 45 người ngồi nghe, mà chỉ cho biết các cảm nhận bất toại nguyện phát sinh trong tâm thức mình và các cách hóa giải chúng. Đó là cách mà người tu hành không tìm nguyên nhân của sự bất an từ bên ngoài - vì đấy chỉ là cơ duyên - mà chỉ nhìn vào bên trong nội tâm mình để nhận thấy nguồn gốc sâu kín của nó, tức là nghiệp của chính mình).
Vậy thì nếu sáng mai quý vị phải đến văn phòng làm việc, nhưng lại không thể nào chịu đựng được người xếp của mình, hoặc không còn một chút kiên nhẫn nào nữa, thì quý vị cũng chỉ cần đơn giản chú tâm vào chính sự cảm nhận ấy của mình, thì nhất định người xếp của quý vị cũng sẽ không hề hay biết gì cả (người xếp chỉ là cơ duyên, sự khổ đau, bực dọc, cũng như những sự bất toại nguyên trong lòng mình là do nghiệp của mình mang lại cho mình, kể cả hoàn cảnh và công ăn việc làm của mình cũng là do nghiệp của mình đưa đẩy mình).
Sự chú tâm sẽ bảo vệ chúng ta một cách hữu hiệu, và quý vị có biết không, khi nào phát huy được sự chú tâm thì quý vị sẽ không còn cần đến sự đè nén hay chờ đợi một sự bùng nổ nào cả để mà biểu lộ tâm trạng mình. Đấy là cách mà quý vị phải làm, dù là đối với người bạn đời của mình, bạn hữu mình hay là con chó của mình. Thật hết sức đơn giản, mỗi sáng khi thức dậy thì mình cũng nên tự nhắc nhở mình về những gì thật sự quan trọng trong cuộc sống của mình. Trong thế giới Tây Phương, chúng ta thừa hưởng quá nhiều điều kiện thuận lợi, được ưu đãi quá mức. Ngay cả trong các trung tâm ẩn cư chu toàn nhất người ta cũng cứ chê bai thức ăn không ngon, hoặc than phiền hết chuyện này đến chuyện nọ. Hãy nhìn lại xem, chẳng phải trước mặt mình là cả một thiên đường hay sao? Thật hết sức dễ cho chúng ta rơi vào những ý nghĩ tiêu cực. Thế nhưng đôi khi đấy cũng là cách mang lại cho mình thêm nhiều nghị lực.
Thay vì cứ để mình rơi vào tình trạng tiêu cực ấy, thì phải chăng chúng ta cũng nên phát huy một thứ gì đó phong phú hơn, thay vì chỉ biết nhìn vào những sự bất mãn và không hài lòng? Các khoa học gia cho biết là chúng ta chỉ sử dụng 10% khả năng tâm thần của mình, thế nhưng ngay cả đối với cái phần khiêm tốn đó chúng ta cũng không khai thác hết, bởi vì chúng ta cũng chỉ biết hướng nó vào những gì vô ích, chẳng hạn như những sự ngờ vực, lo âu, sợ hãi, tham lam, thèm muốn, v.v…
Trong thế giới Tây Phương những tấm gương nêu cao các phẩm tính trí tuệ và lòng từ bi quả thật nghèo nàn (một người Tây Phương đánh giá các xã hội của họ như thế, vậy với tư cách một người Đông Phương thì chúng ta có nên nhân đó để mà kiêu hãnh về các xã hội tràn đầy trí tuệ và từ bi của mình hay chăng?). Các vị anh hùng của thế giới tân tiến ngày nay không nhất thiết là những vị yêu chuộng hòa bình, cũng không thấm nhuần trí tuệ. Trong các xã hội vật chất đó, chúng ta thường cảm thấy mình là những kẻ mồ côi trên phương diện tâm linh, thiếu hẳn những lời chỉ dạy của các bậc hiền nhân thấm đậm từ bi. May mắn thay những lời giáo huấn của Đức Phật đã giúp chúng ta luôn biết tìm về với vị thầy bên trong nội tâm mình. Tại nơi này và trong giây phút này, chúng ta nên lắng nghe và nuôi dưỡng trí tuệ bên trong tâm thức mình, thay vì chỉ biết đày đọa mình và làm hạ phẩm giá mình. Thật hết sức quan trọng là phải xem các khó khăn xảy ra trong cuộc sống cũng có thể là những dịp thuận lợi giúp mang lại sự biến cải và giác ngộ cho chính mình.
Ngay cả trường hợp bám víu vào điều tốt như là một thứ cứu cánh đi nữa, thì đấy cũng chỉ là một cách mang lại khổ đau cho mình mà thôi. Cố gắng "không muốn mình nổi giận" hay cố gắng "muốn mình trở nên hoàn hảo hơn" cũng là những hình thức dukkha/khổ đau. Đức Phật cho biết chỉ có duy nhất một thứ bám víu lành mạnh: ấy là sự mong muốn đạt được sự giải thoát cho mình. Vì thế, hãy phát huy trong thâm tâm mình bằng cách an trú trong sự chú tâm của mình, lòng quyết tâm giải thoát cho con tim mình khỏi mọi thứ khổ đau và tất cả những gì cản trở nó, không cho phép nó xóa bỏ tấm màn vô minh che khuất nó.
Khi nào chúng ta đã nếm thấy được hương vị của cuộc sống và trút bỏ được gánh nặng của sự thèm khát và bám víu, thì tất cả mọi sự cũng sẽ trở nên thật dễ dàng. Sức mạnh đó trong con tim mình sẽ che chở cho mình: đấy là sức mạnh của sự nhẫn nhục, sự chú tâm, của tình thương yêu, lòng nhân từ và sự bình an.
Vài lời ghi chú của người dịch
Điểm đáng lưu ý thứ nhất trong bài thuyết giảng này là ni sư Ajahn Sundara đã thuật lại một vài khó khăn mà mình đã gặp phải ngay bên trong sự sinh hoạt của tăng đoàn, và cả các phương cách đã giúp mình vượt lên trên các khó khăn ấy. Thật vậy, một tâm thức lành mạnh, nhẫn nhục và thương yêu của người xuất gia không những là một yếu tố mang lại sự đoàn kết và sức mạnh cho tăng đoàn mà xa hơn nữa còn là sự tồn vong của Đạo Pháp.
Điểm đáng lưu ý thứ hai là cách thức phải đối đầu như thế nào với các sự giận dữ và bất an trong tâm thức mình. Các ngành Tâm lý học và Phân tâm học hiện đại của Tây Phương chủ trương là phải giải tỏa sự giận dữ và bất an bằng cách làm cho chúng phải thoát ra bên ngoài, mà không được ức chế hay đè nén chúng. Thế nhưng đối với Phật giáo thì phải làm ngược lại, tức là phải chủ động những sự giận dữ và bất an của mình, chận đứng và hóa giải chúng ngay từ bên trong nội tâm mình và bên trong con tim mình, không được phép để cho chúng bùng lên để tàn phá mình và cả những người chung quanh, bởi vì đấy là những gì phát sinh từ nghiệp của chính mình. Và đó cũng là những gì mà ni sư Ajahn Sundara đã khuyên chúng ta qua một vài kinh nghiệm cụ thể của chính bà dưới chiếc áo cà sa của một tu sĩ, và nếu nói một cách bao quát hơn thì đấy cũng là những gì mà chúng ta cần mang ra để áp dụng trong cuộc sống thường nhật của mình.
Bures-Sur-Yvette, 23.10.15
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?
Tư liệu 15:36 02/11/2024Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?
Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng
Tư liệu 15:06 02/11/2024Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.
Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm
Tư liệu 08:10 01/11/2024Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.
Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa
Tư liệu 13:20 29/10/2024Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.
Xem thêm