Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Nhà báo Phan Cát Tường và tập san Hương Thiền

Hương Thiền số đầu tiên nhằm đón ngày rằm Hạ Ngươn (rằm tháng Mười âm lịch), được ra mắt vào ngày 10/10/2007 do giấy phép của Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn.

Audio
Những nhân tố đầu tiên

Những nhân tố đầu tiên

Từ tiếng nói tâm linh bên trong…

Khoảng thời gian những năm 2005-2006, chúng tôi đang là những phóng viên, cộng tác viên báo Giác Ngộ (cơ quan ngôn luận của Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh). Do duyên lành có dịp lui tới Quan Âm tu viện (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) để thực hiện những phóng sự về sinh hoạt tu học của Liên tông Tịnh độ Non bồng, một chi nhánh của Tịnh độ tông Việt Nam. Sơ tổ khai sơn Liên tông là Hòa thượng Thiện Phước - Nhựt Ý, đệ tử Đức Sư Ông Bửu Đức, ngài vốn là đệ tử chân truyền của đức Bổn sư Núi Tượng, thuộc giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương.

Mặc dù đã thọ giới qui y với Thầy Tổ là Hòa thượng Thích Từ Đức (ông Tư Bồ Đề), đệ tử của Hòa thượng Thiện Phước - Nhựt Ý từ năm 1968, nhưng lần trở lại tổ đình tông phong lần này với tư cách là một nhà báo, cũng là đệ tử con cháu trong tông phong, tôi vẫn cảm nhận được nhiều điều mới lạ từ lời dạy của đức Tôn sư Thiện Phước - Nhựt Ý, mà trong tông phong vẫn quen gọi ngài với cái tên tôn kính và thân mật là Đức Mẫu Trầu.

Lúc còn bé khi cùng với thầy tôi là Hòa thượng Thích Từ Đức lên vấn an Mẫu Trầu, ngài thường xoa đầu bọn trẻ chúng tôi và có lời khuyên: “Các con gắng ăn chay, niệm Phật thì mỗi tật mỗi lành”! Nghe lời dạy của ngài, chúng tôi bắt đầu thực hành ăn chay - niệm Phật, tuy chưa được công phu sâu dày, nhưng đã cảm nhận được niềm an lạc đang bắt nguồn trong tâm hồn như dòng nước của con suối mát đang thấm dần vào lòng đất. Lời dạy ngài đơn giản, pháp tu ngài cũng giản đơn nhưng để thực hành cho viên mãn thì mất hàng chục năm, đến bây giờ có người trong số chúng tôi vẫn chưa hành được.

Và rồi, vào khoảng mùa Hè năm 2007, một đêm nghỉ lại Quan Âm tu viện trong chuyến đi công tác ở Biên Hòa, chúng tôi như được ơn trên nhắc nhở hãy theo bước chân Thầy Tổ, góp phần công phu công quả với các Tăng Ni, Phật tử trong tông phong, thực hành hạnh lành ăn chay - niệm Phật, khuyến tấn các đồng tu trong và ngoài tông phong cùng nhau theo lời dạy của Tổ tu học, chuyển hóa thân tâm, tinh tấn trên con đường giải thoát…

Và ý tưởng sử dụng văn thơ để chuyển tải lời dạy của Thầy Tổ, đại ý của Phật pháp được nhen nhúm từ đó. Rồi sự ra đời trong tương lai của ấn phẩm Hương Thiền là một ý tưởng manh nha lúc ấy, được anh chị em trong thân hữu huynh đệ chọn lựa là giải pháp khả thi để mọi người có thể cùng nhau chung tay làm Phật sự.

Để chuẩn bị cho ngày khai sinh ấn phẩm Hương Thiền, anh chị em trong bút nhóm đã đến vấn an, đảnh lễ và lắng nghe lời khai thị của các bậc trưởng thượng: Ni trưởng Thích nữ Huệ Giác - đương kim Tông trưởng Liên tông Tịnh độ Non bồng, Hòa thượng Thích Giác Quang - phó trụ trì Quan Âm tu viện, Hòa thượng Thích Hiển Pháp - Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Nhựt Quang - viện chủ thiền viện Thường Chiếu, Ni trưởng Thích nữ Như Đức - viện chủ thiền viện Viên Chiếu, Thượng tọa Thích Thiện Tài - trụ trì chùa Linh Bửu (Q.8) và nhiều bậc Tăng Ni tôn đức nữa mà chúng tôi không thể kể hết ở đây.

Từ những khai thị và định hướng của chư tôn thiền đức, ấn phẩm Hương Thiền số 1 với chủ đề “Thiền trong đời sống hằng ngày”, trong đó nội dung “ăn chay” và “ăn trong chánh niệm” được nhấn mạnh. Hương Thiền số đầu tiên nhằm đón ngày rằm Hạ Ngươn (rằm tháng Mười âm lịch), được ra mắt vào ngày 10/10/2007 do giấy phép của Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn. Ấn phẩm khổ 14x20cm, dày 72 trang, bìa in offset 4 màu, ruột trắng đen.

Theo kế hoạch của Ban Biên tập lúc đó (gồm Thượng tọa Thích Thiện Tài, nhà thơ Phạm Thiên Thư, nhà văn Nhật Chiêu, nhà báo Nguyễn Đức Tố, nhà báo Phan Cát Tường) thì ấn phẩm sẽ phát hành mỗi năm 4 kỳ, rơi vào 4 ngày lễ lớn trong Phật giáo là: Vía Bồ-tát Di Lặc (cũng là tết Nguyên đán), Đại lễ Phật đản (từ mùng 8 đến rằm tháng Tư), Đại lễ Vu lan (rằm tháng Bảy) và Vía Đức Phật A Di Đà (ngày 17/11 âm lịch).

Hương Thiền đến với bạn đọc

Hương Thiền đến với bạn đọc

Sống còn trong khăn khó

Những số đầu tiên trong các năm 2007- 2008, mỗi kỳ ấn phẩm chỉ phát hành 500 bản 72 trang, giá bìa 12.500 đồng. Sau này do nhu cầu của độc giả và hướng phát triển của tạp chí, số trang tăng từ 72 trang lên 100 trang, rồi 164 trang và hiện nay là 196 trang. Do tăng trang, giá giấy cùng công in ấn đều tăng cao nên giá bìa tăng dần lên hiện nay (Hương Thiền số 57) là 50.000 đồng. Tuy vậy, với giá bìa này, Tòa soạn nếu phát hành hết số lượng 1.000 bản cũng chỉ gần mức hoàn vốn, chứ chưa thể có lãi trong thị trường sách báo hiện nay.

Do Tòa soạn không có kinh phí thuê văn phòng nên bước đầu đã làm việc tại quán cà phê Tượng Đá (khu vực Hàng Xanh, Q.Bình Thạnh) của nhà điêu khắc Trụ Công Vũ. Quán cà phê sau đó được sang nhượng, Tòa soạn phải tạm thời làm việc ở các quán cà phê vỉa hè ở khu vực Hồ Con Rùa, khu vực Nguyễn Công Trứ, khu vực Tú Xương hoặc dưới mái hiên của những ngôi chùa quen thuộc…

Ấn phẩm được phát hành tại các chùa, tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường, các phòng phát hành kinh sách Phật giáo, các đạo tràng, hội quán, thiền đường, vãng sanh đường,… Ngân khoản thu được từ phát hành số trước sẽ được sử dụng để làm Hương Thiền số sau, Hương Thiền không lập quỹ xuất bản và cũng không lên kế hoạch xin tài trợ từ doanh nghiệp, nên cũng gặp khá nhiều khó khăn trong công tác vận hành xuất bản, phát hành.

Cái khó bắt đầu lộ diện thực sự khi Tòa soạn không có kinh phí để tổ chức mạng lưới phát hành và số tiền thu được của số trước không đủ để trang trải cho số sau. Để tháo gỡ vướng mắc này, đích thân các cộng tác viên là các nhà văn, nhà thơ, nhà báo,… tự nguyện mua báo và bán báo giúp Tòa soạn. Và đương nhiên họ trở các thành thành viên trong mạng lưới phát hành của Hương Thiền.

Tuy cộng tác không lương, không bồi dưỡng, không được ai khen thưởng nhưng niềm vui vẫn lộ rõ trên gương mặt của từng người: Nhà thơ Lư Châu, nhà thơ Nguyễn Hải Thảo, nhà thơ Thái Thanh Nguyên, nhà thơ Nhuận Tâm, nhà thơ Nhuận Thạnh, nhà văn Chu Bích Hoa, nhà báo Nguyễn Đức Tố, nhà báo Vân Thanh, nhà thư pháp Hiếu Tín, điêu khắc gia Trụ Công Vũ, họa sĩ Đắc Thức, họa sĩ Mai Tuấn, nhạc sĩ Trần Huệ Hiền,… Tất cả đã cùng siết chặt tay, không một chút tính toán riêng tư để Hương Thiền các số 1, số 2, rồi số 3, số 4… lần lượt được phát hành đúng kỳ hạn, đủ số lượng và trở thành món ăn tinh thần mới mẻ của giới Phật tử tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An,…

Tuy hết sức chật vật về tài chính, nhưng dần dần Hương Thiền cũng phát triển được lên khu vực Tây Nguyên như: Buôn Ma Thuột, Pleiku, KonTum,… và ra đến Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Huế,… Số lượng phát hành cũng tăng dần từ 500 bản/kỳ lên 700, 900, 1.000, 1.500, 2.000,… trước đại dịch Covid-19.

Cũng như bao nhiêu ấn phẩm khác tại TP.Hồ Chí Minh, Hương Thiền phải tạm đình bản trong suốt hai năm đại dịch Covid-19. Trong thời gian đại dịch, Hương Thiền đau đớn tiễn đưa nhiều bậc tôn túc đang giữ vài trò cố vấn cho ấn phẩm, như: Ni trưởng Thích nữ Huệ Giác, Hòa thượng Thích Giác Quang, Hòa thượng Thích Thiện Tài, nhà văn Trần Tam Bảo, nhà báo Nguyễn Đức Tố, nhà thơ Bạch Hạc, nhà thơ Nam Chu…

Đến nay (2023) Hương Thiền đã trải qua 16 năm xuất bản với 57 kỳ phát hành, xuất xưởng hơn 60 ngàn bản in phục vụ cho gần 10 ngàn độc giả trên toàn quốc.

Họp mặt ra mắt Hương Thiền số 56, do nhà văn Nhật Chiêu chủ biên

Họp mặt ra mắt Hương Thiền số 56, do nhà văn Nhật Chiêu chủ biên

16 năm ân tình

Hương Thiền đứng vững được trong 16 năm qua trước hết là nhờ hồng ân Tam Bảo gia hộ, công ơn Thầy Tổ gia trì từ khi ấn phẩm còn trong trứng nước; kế đến phải kể đến chư vị tôn sư chứng minh: Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Hòa thượng Thích Giác Quang, Hòa thượng Thích Nhật Quang, Ni trưởng Thích nữ Huệ Giác; các vị trong Ban Chủ biên: Hòa thượng Thích Thiện Tài, nhà thơ Phạm Thiên Thư, nhà văn Nhật Chiêu, nhà báo Nguyễn Đức Tố; các vị Bút trưởng: nhà thơ Nguyễn Hải Thảo, nhà thơ Nam Chu, nhà văn Trần Bảo Định, nhà văn Nguyễn Hoàng Đông, nhà báo Minh Mẫn, nhạc sĩ Trần Đức Tâm, nhạc sĩ Giác An, họa sĩ Nguyễn Thịnh, bác sĩ Lê Hành,…

Cũng không quên những mái chùa đã từng cưu mang huệ mạng Hương Thiền như: Quan Âm tu viện (Biên Hòa), thiền viện Thường Chiếu, Linh Chiếu, Viên Chiếu, Phật Tích Tòng Lâm (Long Thành, Đồng Nai), thiền viện Chơn Không, chùa Quán Thế Âm (Vũng Tàu), chùa Hưng Phước (Q.3), chùa Linh Sơn (Q.1), chùa Huê Lâm (Q.6), chùa Dược Sư, tịnh xá Ngọc Phương, chùa Phổ Minh (Gò Vấp), chùa Long Hoa, chùa Liên Hoa và đặc biệt là mái chùa Linh Bửu (Q.8), nơi đã cưu mang Hương Thiền trong một thời gian dài, là chốn trở về của bút nhóm Hương Thiền sau mỗi đợt phát hành trong năm để các cộng tác viên cùng gặp gỡ, gieo duyên Tam bảo, đảnh lễ Phật Tổ, vấn an chư Tăng đồng thời thọ nhận chút lộc Phật do Hòa thượng Thích Thiền Tài gửi tặng.

Cũng không quên các quán cà phê thân hữu của Hương Thiền như: Sỏi Đá, Ký Ức, Chiều Tím, Hồ Con Rùa, Nhà Việt, Hoài, Bông Sao, 3K, KuBo, Xưa & Nay… cùng các quán cơm chay: Giác Ngộ, Hoa Sen, Pháp Hoa, Thiện Duyên,… đã từng là địa chỉ “trồng cây si” của Ban Biên tập và các Trưởng ban trong suốt những ngày gian khổ! 

Cho đến bây giờ, có lẽ Hương Thiền là tờ tạp chí duy nhất không có vị trí cố định đặt Tòa soạn, không có tài khoản ngân hàng và không có khả năng trả nhuận bút cho đội ngũ cộng tác viên. Tờ tạp chí “Ba Không” này, tuy vậy, trong 16 năm qua (2007-2023) vẫn là nơi “hò hẹn lý tưởng” của hơn 100 cộng tác viên là các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, những cây bút chuyên nghiệp lẫn không chuyên,… Tất cả đều yêu thương sự “nghèo khó” và giản đơn của Hương Thiền, tất cả đều xem Hương Thiền là ngôi nhà để có thể chung sống, là nơi có thể viết lên và giải bày những điều sâu kín nhất của mình, là nơi cùng san sẻ những trăn trở suy tư với bạn bè, đồng nghiệp và những độc giả gần xa.

Cũng không quên những bác tài xe ôm, xe ba gác máy: Năm Hồng, Tư Mập, Bảy Tráng, Út Tâm,… đã có mặt trên từng cây số, không hề ngại ngùng “đường xa ướt mưa” để giao báo đúng nơi, đúng lúc cho các khách hàng gần xa mà không đòi hỏi chi phí bồi dưỡng nào ngoài chút tiền chỉ đủ đổ xăng.

Cũng không quên tất cả những những cụ già, em bé, người khuyết tật, chị bán vé số, anh đạp xích lô,… đã thành kính đặt vào thùng Tam bảo phước điền trên chánh điện ở những ngôi chùa tham gia phát hành Hương Thiền những đồng bạc ít ỏi cuối cùng trong túi của mình khi sung sướng cầm trên tay ấn phẩm Hương Thiền do thầy trụ trì trao tặng Phật tử vào những ngày đại lễ. Nói làm sao hết những gian truân và biết bao tấm lòng vàng đã đến với Hương Thiền trong suốt chặng đường gian khó đã qua…

Lời cuối cùng của Ban Biên tập là lòng tri ân lớn lao đối với những ân nhân đã và đang đồng hành cùng với Hương Thiền trong cơn gian khó, dù biết rằng ấn phẩm này chỉ là một đóng góp còn khiêm tốn trong nền văn hóa Phật giáo đương đại.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Thư gửi Thế Tôn: “Dù thế nào, con vẫn vững bước đi trên đường này”

Xiển dương Đạo pháp 16:16 28/04/2024

Con biết là “một cánh hoa đào rơi không làm cho sự có mặt của cây hoa đào suy giảm”, “sự biểu hiện hay ẩn tàng của hình tướng con sóng không làm suy giảm sự có mặt của đại dương”.

Thượng tọa Thích Thiện Thuận: "Hát karaoke thành ma câm, không biết kinh nào nói nữa"

Xiển dương Đạo pháp 10:53 17/04/2024

Theo đó, Thượng tọa Thích Thiện Thuận trong một video đang lan truyền trên mạng xã hội, có lượt tương tác cao, đã khẳng định như vậy. Thầy nhấn mạnh, "hát karaoke thành con ma câm, sư phụ cũng không biết kinh nào nói như vậy nữa".

Trùng phùng Phật pháp

Xiển dương Đạo pháp 17:08 20/03/2024

Đôi lần được rong ruổi khắp Trung và Bắc Ấn Độ, để tìm lại những vết tích xưa dù đã hoang phế nhưng niềm tin vẫn đong đầy và xúc cảm luôn dâng trào.

Tăng Ni làm tổn thất niềm tin của tín đồ đối với Phật giáo thì đó là phá hoại Đạo pháp

Xiển dương Đạo pháp 08:54 16/03/2024

Với trường hợp này, Đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh cho biết, Ban Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh sẽ phải xử lý.

Xem thêm