Nhà sư Hàn Quốc dấn thân hỗ trợ người bị tổn thương về tâm lý
Haemin Sunim, một nhà sư Phật giáo, đã dành nhiều thời gian để hiến tặng các phương pháp trí tuệ của đạo Phật nhằm chữa lành bệnh cho người bị tổn thương tâm lý, hiện đang có lượng hơn 1 triệu người theo dõi trên tài khoản Twitter cá nhân.
Thầy HaeMin đã sáng lập, điều hành ngôi trường dành cho những người bị tổn thương về tâm lý được 4 năm tại trung tâm thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Lý do lập trường, theo vị thầy 45 tuổi này, là vì cảm thấy những lời khuyên của bản thân cũng như những người đệ tử xuất gia không đủ để chữa lành các vết thương nội tâm mà thân chủ gặp phải.
“Tôi đã và đang giảng dạy Phật pháp từ hơn 20 năm nay”, thầy chia sẻ. “Lúc đầu, tôi thường dạy ở các tu viện Phật giáo và gặp nhiều đối tượng khác nhau. Họ là những người có nhiều biểu hiện khổ đau, bất an khi đối diện với các khó khăn phát sinh từ cuộc sống. Trước những đối tượng này, các tu sĩ Phật giáo, khi kết thúc câu chuyện, thường khuyên họ nên cầu nguyện hoặc chuyên tâm thiền tập để chuyển hóa nỗi đau. Tuy nhiên, tôi nhận thấy giải pháp này không phải lúc nào cũng hoàn toàn hiệu quả”, thầy nói và cho biết rằng thầy mong muốn một giải pháp thiên về thực tập nhiều hơn.
Hiện tại Haemin là một trong những nhà sư có lượng người theo dõi tài khoản Twitter nhiều nhất thế giới sau khi thầy hoàn thành cuốn sách “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã”, được chính thức xuất bản và ra mắt bạn đọc vào cuối năm ngoái. Thầy cũng đang hoàn thiện để cho ra mắt quyển sách tiếp theo có tựa đề “Yêu điều không hoàn hảo – Làm sao chấp nhận chính mình giữa một thế giới biến động”.
“Bạn không nhất thiết phải hiểu hết mọi thứ rồi mới bắt đầu sinh tâm thương yêu một điều nào đó. Nhưng chắc chắn bạn phải thương điều không hoàn hảo của chính mình rồi mới có thể thương điều không hoàn hảo của người khác hay chấp nhận sự không như ý từ thế giới rộng lớn này”, thầy Haemin nhấn mạnh. “Thậm chí bạn có thể tìm một lý do nào đó để có thể mở lòng ra với tất cả”.
Là một công dân sinh trưởng tại Hàn Quốc, thầy Haemin từng đến Mỹ học về công nghiệp làm phim, nhưng sau đó tự thấy mình cần phải chuyển hóa, thực hành đời sống tâm linh Phật giáo. Thầy cũng theo học tại các trường đại học danh tiếng như UC Berkeley, Harvard và Princeton. Về Phật giáo, thầy Haemin được tu tập và đào tạo theo hình thức giáo dục tự viện khá chuẩn mực của Hàn Quốc, sau đó tham gia giảng dạy Phật học tại Trường Cao đẳng Hampshire ở Amherst, bang Massachusetts.
Với ngôi trường thực hiện sứ mệnh chữa lành những tổn thương về tâm lý, thầy Haemin khẳng định trường luôn hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận và mọi người trên khắp thế giới có thể tham gia để được hưởng lợi từ trường.
Nhà trường bao gồm nhiều phòng học khác nhau, nơi các học viên sẽ cùng thực tập với thầy Haemin và các giáo viên chuyên về thiền tập khác cùng các chuyên gia tâm lý học. Sứ mệnh của trường là cung cấp những sự kết nối, tư vấn, thực tập thiền định và chữa lành những tổn thương về mặt tâm lý.
Các lớp học của trường cũng hỗ trợ cho học viên bị trầm cảm, đang chiến đấu với bệnh tật thân thể, hoặc đang trong quá trình cần thời gian thử thách về phương diện tâm lý. Theo thầy Haemin, về cơ bản, bất cứ ai đang gặp những bất ổn về mặt tâm lý đều được chào đón tại trường và nhà trường sẽ đồng hành để tìm phương thức chữa trị phù hợp.
“Tôi muốn bắt đầu một ngôi trường mà ở đó người bệnh có cơ hội để nói thật các vấn đề của mình. Nếu bạn đang trong quá trình chuẩn bị ly hôn, nếu bạn mắc phải căn bệnh ung thư, hoặc giả bạn đang trải qua những cảm giác mà theo sự quan sát của nhà tâm lý học là cần có sự can thiệp…, thì chúng tôi có thể nỗ lực để hỗ trợ”, thầy Haemin khẳng định.
Ngôi trường đã trải qua 4 năm hoạt động theo mô thức hoàn toàn miễn phí đối với người bệnh. Trong một số trường hợp, người bệnh phải trả một phần chi phí nhỏ nào đó.
“Chúng tôi đưa ra nhiều phương thức điều trị mà ở đó người bệnh cảm nhận được mọi điều thoải mái để ngồi xuống, mở rộng lòng và chân thành để có thể trò chuyện trong một môi trường có sự hỗ trợ cần thiết. Chúng tôi sử dụng môn vẽ, môn nhảy, môn hát và những cách khác để người bệnh dễ dàng diễn đạt cảm xúc của họ. Phải luôn tạo ra khoảng không gian thật sự thân thiện và tự do là tiêu chí hàng đầu của trường”, thầy Haemin nói.
Vị thầy điều hành ngôi trường còn thông tin thêm, một trong những lớp học thành công nhất của trường là lớp dành cho những người mẹ đơn thân chăm sóc con bị khuyết tật.
“Trong môi trường của lớp học, các người mẹ này dễ dàng cung cấp những lời khuyên hữu ích cho nhau để chăm sóc con mình, bởi lẽ họ đã trải qua những vấn đề tương tự”, thầy Haemin nói. “Việc hỗ trợ các bệnh nhân chính là tâm nguyện của cá nhân và thông qua đó tôi tìm được ý nghĩa cuộc đời con người”.
Có một số trường hợp người bị tổn thương là người nước ngoài, do trở ngại về khoảng cách địa lý, thầy sẽ viết trên tài khoản cá nhân trang nhà Twitter bằng Anh ngữ để hướng dẫn họ.
Tôi hy vọng mọi người luôn có cơ hội để hiểu rằng họ mạnh mẽ hơn họ nghĩ và đủ hiểu biết hơn những gì đang có trong con người họ. Vì thế, dưới tuệ giác của đạo Phật, xin đừng bỏ cuộc một khi còn có thể cố gắng”, thầy Haemin khuyên.
(Nguồn: PGVN)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ni trưởng Diệu Không và một đời bát kỉnh thị y
Chân dung từ bi 16:39 23/10/2024Ni trưởng Thích nữ Diệu Không là một trong những bậc danh Ni thời hiện đại của Phật giáo Việt Nam. Tuy xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, nhưng Sư trưởng đã một lòng xả tục cầu chơn, xuất gia đầu Phật, hành Bồ-tát đạo.
Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn và sự nghiệp “trồng người”
Chân dung từ bi 09:20 23/10/2024Vốn là một bậc thầy mô phạm của nhiều thế hệ Ni lưu suốt những năm tháng dài tại thế, Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn (1919-2003) được biết đến như một ngôi sao sáng của Ni bộ Bắc Tông giữa thế kỷ XX.
Giáo sư Angraj Chaudhary: Ngài Thích Minh Châu mà tôi biết
Chân dung từ bi 10:45 22/10/2024Thư của Giáo sư Angraj Chaudhary được dịch và đọc tại Hội thảo về Trưởng lão HT. Thích Minh Châu (1918-2012) vào ngày 20/10/24 tại Pháp viện Minh Đăng Quang, nhân dịp Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989-2024) vào ngày 19-20/10/2024.
Nhớ về Hòa thượng Thích Minh Châu - Đường Tăng của Việt Nam
Chân dung từ bi 08:05 19/10/2024Những ngày này tôi dành trọn thời gian để đọc lại, tư duy, suy ngẫm, trải nghiệm một số bản Kinh trong Nikaya gồm Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ và Tiểu Bộ.
Xem thêm