Những giá trị tích cực của Phật giáo trong đời sống hiện nay
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tín ngưỡng, tôn giáo. Dù đường hướng và phương châm hoạt động của các tôn giáo khác nhau, nhưng nhìn chung đều hướng thiện và có giá trị đạo đức tích cực.
Trong khuôn khổ bài viết, tôi xin đề cập hai khía cạnh:
Thứ nhất: Phật giáo đồng hành với dân tộc Việt Nam và tìm được điểm gặp gỡ chung đó là “Dân tộc, Đạo pháp”.
Một trong những tôn giáo đồng hành cùng với dân tộc qua chiều dài lịch sử và có những đóng góp lớn cho sự nghiệp giải phóng đất nước đó là Phật giáo. Trải qua gần hai nghìn năm du nhập vào nước ta, Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo có truyền thống yêu nước với tinh thần “hộ quốc an dân", phương châm hoạt động là: “Đạo pháp Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”, đã sớm gắn bó với vận mệnh của đất nước, cùng trải qua bao thăng trầm và luôn đồng hành cùng dân tộc trong suốt quá trình truyền bá tư tưởng giáo lý Phật giáo.
Lịch sử Việt Nam đã chứng minh những giai đoạn hiểm nghèo của đất nước trước họa xâm lăng; nhiều vị thiền sư Phật giáo, đồng bào Phật tử đã chung lưng đấu cật với dân tộc, chống giặc, bảo vệ non sông, tranh đấu cho công bằng và tự do. Đó là gương sáng của thiền sư Khuông Việt thiền sư Vạn Hạnh. Vị vua anh minh Trần Nhân Tông có công lớn lãnh đạo nhân dân chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Khi đất nước thái bình, Người nhường ngôi, từ bỏ giàu sang, quyền quý, tìm nơi non cao Yên Tử để học Phật, tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm - một dòng thiền riêng của Việt Nam tồn tại mãi tới ngày nay. Đặc biệt tôi ấn tượng mạnh tiếng chuông thức tỉnh của Hòa thượng Thích Quảng Đức vẫn còn vang vọng đâu đây.
Thực tế cho thấy, lịch sử Việt Nam đã chứng minh từ khi du nhập vào nước ta, Phật giáo đã có những đóng góp to lớn trong quá trình dựng nước và giữ nước, đồng thời gắn bó mật thiết với dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử “Phật giáo và dân tộc như hình với bóng, như lời nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khẳng định: “Nối tiếp dòng chảy và truyền thống gần 2000 năm qua, Phật giáo Việt Nam hôm nay đã làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời, ,... Những việc làm cao cả ấy ngày càng rõ nét và đạt thành quả lớn lao, khẳng định Phật giáo luôn gắn Đạo với Đời, là một tôn giáo có truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc…” và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại lễ khai mạc Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, vào ngày 13/12/2007 tại Hà Nội: "Những đóng góp thiết thực của Phật giáo Việt Nam vào sự nghiệp đổi mới đất nước chứng tỏ Phật giáo hoàn toàn là tôn giáo nhập thế, luôn đồng hành cùng dân tộc’’.
Ngày nay khi đất nước hòa bình, Phật giáo lại cùng toàn dân tích cực tham gia xây dựng cuộc sống thông qua hoạt động thường xuyên răn dạy tín đồ, Phật tử phát huy truyền thống yêu nước thương nòi, trau dồi đạo đức, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và làm tất cả vì cuộc sống an lành, ấm no và hạnh phúc của mọi người.
Thứ hai: Giá trị của Phật giáo là góp phần duy trì đạo đức xã hội, hoàn thiện nhân cách cá nhân, hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ.
Việt Nam đã nhận định tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, trong tôn giáo có những giá trị tốt đẹp về đạo đức, văn hóa rất hữu ích cho việc xây dựng nền đạo đức mới và nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Vì đạo đức tôn giáo hướng con người đến những giá trị nhân bản, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện đạo đức con người. Năm điều cấm giới của Phật giáo nói rõ: Không được giết hại, không được trộm cướp, không được tà dâm, không được nói dối, không được uống rượu. 5 điều cấm giới này chẳng phải phù hợp với những điều nghiêm cấm trong luật pháp Việt Nam hay sao? và nó góp phần bảo đảm trật tự an ninh xã hội, đem lại sự bình yên cho mọi người. Tôi nhớ có một vị tu sĩ đã chia sẻ với tôi rằng “nếu không có giá trị đạo đức tích cực của tôn giáo thì nhà nước phải tốn nhiều quân đội, cảnh sát”.
PGS.TS Nguyễn Hồng Dương - Viện trưởng viện nghiên cứu tôn giáo cũng khẳng định trong một cuốn sách chuyên khảo về tôn giáo: “Tôn giáo nào cũng khuyên con người- tín đồ, làm lành, lánh dữ, tích đức hành thiện, yêu người, cho người đói ăn, cho kẻ khát uống. Tôn giáo dạy con người tu thân, tề gia, đưa ra những chuẩn mực trong quan hệ vua- tôi, cha – con, vợ - chồng, thầy – trò. Hầu hết các nội dung trên là những lời răn dạy của các đấng sáng lập tôn giáo (Chúa Trời, Phật, Thánh Ala…), trở thành quy chuẩn, mô phạm điều chỉnh những hành vi của con người, tín đồ” (1).
Đặc biệt Phật giáo ngày nay vẫn lưu giữ những giá trị tích cực có thể góp phần xây dựng đạo đức lối sống cho con người Việt Nam, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, bác ái. Giáo lý nhà Phật khuyên con người luôn nhớ đến “đạo hiếu”, lấy chữ hiếu làm đầu: “hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật”, “muôn việc ở thế gian không gì hơn công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ”. Vì vậy hằng năm rằm tháng 7 nhà Phật có Lễ Vu Lan (mùa báo hiếu) đối với bậc sinh thành dưỡng dục. Điều này rất phù hợp với truyền thống, tính cách con người Việt Nam luôn hiếu kính cha mẹ, niềm tri ân và báo ơn ấy đã trở thành bản tính tự nhiên, ăn sâu vào tâm khảm của người dân Việt và được thể hiện sinh động qua ca dao dân ca:
Tu đâu mà bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu
Hoặc đi về lập miếu thờ vua
Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha.
Thêm vào đó, những không gian chùa chiền, nhà thờ luôn thu hút con người tìm về chốn tĩnh tâm, nơi chiêm nghiệm và cảm nhận…. Tất cả những điều đó là những giá trị tích cực, thiết thực góp phần giáo hóa con người, giúp cho thế hệ trẻ vững bước trước những cám dỗ của cuộc đời, khích lệ họ quan tâm đến số phận của cộng đồng, sống lương thiện, coi trọng tính nhân bản, coi trọng thiên nhiên. Hoặc những ngày lễ của Phật giáo như Lễ Phật đản, Lễ Vu Lan không còn là ngày lễ riêng của tôn giáo đó nữa mà trở thành ngày hội của dân tộc, đem lại không gian văn hóa tinh thần thoải mái, vui tươi, an lạc.
Mặt khác tính hướng thiện của Phật giáo là một trong những nguồn gốc của chủ nghĩa nhân đạo; tư tưởng bình đẳng, hoà bình của Phật giáo phù hợp với xu hướng hòa đồng liên kết giữa các dân tộc trên thế giới trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay. Vì vậy Liên Hiệp Quốc tôn vinh đạo Phật là đạo của trí tuệ, tình thương và hòa bình. Do ảnh hưởng triết lý của đạo phật thuyết “Nhân –Quả” mà người Việt Nam thường nhắn nhủ nhau chớ có vì danh lợi phù hoa, làm ác hại người để rồi chuốc lấy đau khổ. Hãy ăn ở cho lương thiện rồi thế nào cũng gặp điều tốt lành, may mắn và hạnh phúc:
“Ai ơi hãy ở cho lành
Kiếp này chẳng gặp đề dành kiếp sau”, hoặc “ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”.
Vì sao tôn giáo lại có tính hướng thiện? GS Trần Quốc Vượng lý giải: “Ở trong mỗi tôn giáo lớn đều có hạt nhân triết học, đều có chủ nghĩa nhân đạo là thành tựu văn hoá lớn nhất của loài người. Cái từ bi của Phật, cái bác ái của Chúa Kitô, cái nhân nghĩa của Khổng Nho là những hạt ngọc văn hoá đó” (2) .
Lòng từ bi, bác ái của đạo Phật góp phần cứu giúp người hoạn nạn, giữ vững tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, triết lý vô thường, vô ngã giúp con người giảm bớt cái tôi vị kỷ…. Những giá trị tích cực đó của Phật giáo càng được nhân lên với những hành động cụ thể, như kẻ đói được cho ăn, kẻ rách được cho mặc, người ốm đau bệnh tật được chăm sóc,….Điều này rất phù hợp với tính nhân văn của người Việt Nam “thương người như thể thương thân”.
Thực tế đã chứng minh, Phật giáo đã có những đóng góp vào các lĩnh vực văn hóa, xã hội, từ thiện, chia sẻ gánh nặng cùng đất nước. Đó là việc các khám chữa bệnh từ thiện, mở phòng thuốc chẩn trị y học dân tộc, nhà dưỡng lão, trường dạy nghề miễn phí, nuôi dạy trẻ bán trú, lớp học tình thương, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, trẻ em tàn tật, người nhiễm chất độc da cam. Khi bão lụt xảy ra, giáo hội Phật giáo chủ động quyên góp tiền của để ủng hộ đồng bào bị nạn. Hoặc trong năm 2021-2022, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành đồng hành với Mặt trận nhân dân các cấp, đóng góp ủng hộ giúp đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Có thể nói hiện nay sự xuống cấp về đạo đức đang trở thành một vấn nạn của toàn xã hội. Trước yêu cầu phát triển của đất nước, sự cần thiết phải xây dựng một nền tảng đạo đức mới cho xã hội, thì những giá trị tích cực của Phật giáo là góp phần duy trì đạo đức xã hội, hoàn thiện nhân cách cá nhân, hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ.
Chú thích:
(1): Tôn giáo trong mối quan hệ văn hoá và phát triển ở VN, Nxb KHXH 2004, trang 43
(2): Tôn giáo là và văn hoá, Báo NCGVN Xuân Kỷ Tỵ 1989.
*Bài viết được gửi từ tác gỉa: Hoàng Hữu Hóa; địa chỉ: Trung tâm y tế thị xã Quảng Trị - số 9 Đoàn Thị Điểm - thị xã Quảng Trị - Quảng Trị.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Thiền sư Nhất Hạnh kể chuyện “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”
Đạo Phật trong trái tim tôi 11:09 16/10/2024Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi.
Cuộc đời màu nhiệm của cô gái 9x Hà thành
Đạo Phật trong trái tim tôi 12:00 05/10/2024Tôi biết tác giả Thanh Cầm qua một nhóm những người yêu văn chương và rất ấn tượng với những truyện ngắn em viết cho thiếu nhi. Ngôn từ đẹp, cách xây dựng nhân vật gần gũi và nội dung luôn mang những thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn.
Xem thêm