Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 06/02/2018, 10:19 AM

Pháo đất ngày xuân

Đã nhiều năm, trong những dịp Tết đến, xuân về hay trong đám cưới, đám hỏi… mọi người, mọi nhà không còn đốt hay sử dụng pháo nổ nữa. Những thương hiệu như pháo Bình Đà, Đồng Kỵ… chỉ còn là những hình ảnh, hoài niệm của ký ức xưa. Pháo nổ là mặt hàng quốc cấm, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí và nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người. Thế nhưng, hiện nay vẫn còn một loại pháo được người dân yêu thích và gọi bằng một cái tên rất dễ thương, đó là “pháo đất”.

Pháo đất là trò chơi dân gian vô cùng đặc sắc của không ít miền quê Việt Nam. Trước kia, những cuộc đấu pháo giữa các làng thường được tổ chức ở sân đình, sân kho, sân nhà văn hóa vào các ngày Rằm và mùng 1 hàng tháng. Còn nay, pháo đất thường được chơi vào dịp đầu xuân và trở thành niềm tự hào của người dân một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như: Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định… Ấn tượng khi xem pháo, ta không bị giật mình bởi tiếng nổ đùng, đoàng, không bị khói xám làm cay mắt, không có xác pháo làm bẩn đường xóm, phố… Chỉ kêu vang tiếng “pụp” đầy hơi, kèm theo một diềm pháo (vành pháo) nằm vắt trên thân pháo mềm mại, đẹp mắt.

Nguồn gốc pháo đất

Theo tương truyền, pháo đất có từ thời nhà Trần, gắn với trận chiến đấu trên sông Bạch Đằng đánh đuổi quân Mông - Nguyên. Trong trận chiến, khi voi của Trần Hưng Đạo đuổi giặc, không may sa chân xuống hố đất. Voi càng vùng vẫy tìm cách thoát lên bao nhiêu thì sức nặng của voi càng làm voi lún sâu xuống hố bấy nhiêu. Thương voi, Tướng Trần đã chỉ đạo binh lính đào đất lấp hố cứu voi. Đất từ trên cao được ném xuống hố sâu, đất đập tạo nên âm thanh “bộp bộp” vang xa. Nghe tiếng động lạ, giặc không biết là âm thanh gì, chỉ thấy một vòng quây tròn rộng lớn. Hoảng sợ, giặc đã bỏ chạy “tướng một nơi, quân một nẻo”. Được đà, quân ta dồn lên tấn công và chiến thắng dễ dàng. Không những thắng giặc mà voi cũng được cứu sống. 

Cũng từ đấy, mỗi lúc nhàn nghỉ sau những giờ tập luyện, binh lính lại lấy đất vui chơi. Qua những lần chơi, binh lính đã sáng tạo, nặn ra pháo. Dần dần, trò chơi pháo đất được phổ biến và gắn bó lâu đời với nhân dân một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Theo một truyền thuyết khác, pháo đất có từ thời cha ông xa xưa. Để chống lại lũ lụt, thiên tai, nhân dân đã dùng đất đắp thành những con đê ngăn lũ, dẫn thủy… Trong quá trình lao động đắp đất, tiếng đất chạm vào nhau tạo âm thanh. Những âm thanh ấy như tiếng nhạc giúp mọi người quên đi mệt nhọc, làm việc tích cực hơn. Cũng từ đó, người dân lấy đất nặn pháo vui chơi sau những vụ mùa bội thu, những lúc nông nhàn.

Công phu chọn đất

Đất chọn làm pháo phải là loại đất sét gan gà, có độ quánh, dẻo, mịn và kết dính cao. Địa điểm chọn để lấy loại đất đó cũng không phải dễ dàng, chỉ những người già, giàu kinh nghiệm của làng mới biết chỗ. Sau khi chọn lấy được đất, người thợ sẽ phân đất thành những ụ nhỏ và gói bọc trong lá cây để giữ ẩm và tránh khô nước. Gần ngày thi pháo, người thợ lại tiếp tục cắt đất theo những lớp mỏng nhằm loại bỏ những tạp chất bám trong đất và phơi đất trong sương đêm. Hôm sau, đất lại được người thợ dùng chân dẫm, quyện kỹ càng cho đến khi đất dẻo mềm, cầm trên tay không bị dính.
 Pháo nổ tung trời giữa lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Ảnh: Internet)
Hình pháo và cách chơi

Pháo dạng phiên mỏng, hình bầu dục (giống hình khoang thuyền có diềm), thành pháo dày hơn lòng pháo, cao từ 2 – 3 cm. Lòng pháo được gia cố bởi hai thanh tre mỏng đan chéo bọc trong đất. Toàn bộ trọng lượng của pháo tùy thuộc vào kích cỡ to hay nhỏ của pháo, cái nhỏ 10kg đến cái lớn 40kg. 

Thường thì luật quy định ba lần tung, ba lần úp. Khi tung pháo đòi hỏi mọi động tác nâng, đỡ pháo phải chuẩn xác, khéo léo, kinh nghiệm. Nếu không pháo rơi xuống đất sẽ không nổ, phá bung được diềm. Vị trí khi tung pháo ngang tầm trước ngực, tránh pháo chạm vào người. 

Người tung pháo sẽ xoay người sang bên trái, chân trái vuông góc với chân phải (chân trụ) một góc 45 độ, sau đó hơi gập lưng và văng tay đỡ pháo để pháo tung đều xuống đất. Pháo rơi xuống đất, miệng pháo, lòng pháo rỗng nén khí tạo ra tiếng nổ và văng bật diềm pháo ra khỏi thân pháo. Đối với phần thi úp, người thợ sẽ dùng hai tay nâng mặt ngoài đế pháo, khéo léo đưa lên cao đập úp ra phía trước mặt. Cách tính đội pháo thắng là đội có tổng diềm ở ba lần pháo tung, úp lớn nhất. Kết thúc hội thi, đội thắng nhất, nhì, ba và giải khuyến khích sẽ nhận được cờ, hoa hay những bài thơ xuân, câu chúc Tết… 

Ngày hội pháo đất

Hiện ở Hải Dương, nhiều làng vẫn bảo tồn được di sản văn hóa đặc sắc này như huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Gia Lộc. Những năm gần đây, ngoài việc duy trì hội thi giữa các huyện hoặc liên vùng, tỉnh Hải Dương đã đưa hội thi pháo đất toàn tỉnh vào lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước. 

Năm 2017, Hải Dương tổ chức liên hoan pháo đất cấp tỉnh với sự tham gia của các xã: Ninh Hòa, An Đức, Quang Hưng... Việc tổ chức này làm phong phú thêm các giá trị di sản văn hóa đặc sắc trong lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc. Đồng thời khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, rèn luyện sức khỏe cho cộng đồng dân cư, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của từng địa phương. Tất cả những điều này đã tạo nên ngày hội mừng xuân vui tươi, tràn đầy sức sống; mọi người hân hoan đón chào một năm mới hạnh phúc, bình an.

Xuân sang rạo rực cười như pháo
Tết về phấn khởi đẹp tựa hoa

Tuệ An (tổng hợp)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chuyện kỳ bí từ một cây sao

Phong tục tập quán 21:37 06/10/2018

Hướng dẫn chúng tôi đến tận gốc cây sao to lớn đang ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền hoặc, tâm linh, ông Lý Thum, ngụ ấp Đại Thọ nói khẽ: “Cây sao này nghe nói đã trên 700 năm rồi mà vẫn tươi tốt quanh năm. Nhiều người tới đây thắp nhang cầu nguyện lắm vì cây rất “thiêng”. Đã có những câu chuyện tâm linh xảy ra với người đã dám cưa cây để lấy gỗ. Từ đó ban đêm không ai dám bén mảng đến đây”.

Rộn ràng làng nghề làm lồng đèn giấy

Phong tục tập quán 09:20 23/09/2018

Điều đáng phấn khởi là công việc này rất đơn giản, dễ làm, không cần vốn, người cao tuổi lẫn trẻ em đều có thể thực hiện do không phụ thuộc thời gian, sức khỏe, trình độ học vấn.

Trung thu sắp về nơi xóm nhỏ…

Phong tục tập quán 14:03 14/09/2018

Ánh trăng vằng vặc ngày rằm chia sẻ niềm vui trong trẻo, hạnh phúc cho con trẻ mọi nhà dù nơi giàu có, hay còn nghèo khó như ở xóm  Ao Đình ngày nay... Trăng Trung Thu sẽ rất tuyệt vời! Muôn đời vẫn vậy…

Hương cốm gọi thu về

Phong tục tập quán 12:07 13/09/2018

Cứ mỗi độ gió heo may về, giăng giăng ngập tràn lối phố thì cũng là thời khắc báo hiệu một mùa thu bắt đầu tới! Mùa thu ở mỗi vùng miền lại mang đến cho con người ở đó những khoảng khắc, nét thi vị riêng biệt mà khi đi xa người ta thường không dễ gì quên được. Với thủ đô Hà Nội, mùa thu được mọi người biết tới không chỉ có cái hanh hao của nắng vàng, chút gió heo may se se lạnh, lá vàng rụng rơi ngập phố, mà ở đó còn có còn có mùi hương hoa sữa nồng nàn, những trái sấu chín vàng rụng hoài trên ngõ vắng, và mùi của hương cốm…

Xem thêm