Thứ, 30/01/2023, 21:02 PM

Phật dạy tôi về lòng từ

Thay vì cả ngày nhìn đời bằng ánh mắt gai góc, đêm về lại ôm nỗi đau riêng mình, chi bằng, chúng ta hãy dành ra mỗi tối 30 phút trước lúc ngủ để nghe kinh Phật và tọa thiền, để học cách thương lấy đời và yêu lấy mình nhiều hơn ngày hôm qua một chút.

Nhà tôi gần chùa Hà. Ai cũng bảo chùa này cầu duyên, cầu tài lộc thiêng lắm. Bởi thế mới thấy, cứ vào mùng Một, ngày Rằm, lễ Tết là dọc con phố chật kín người và xe cộ. Mâm cúng đề huề, bước chân rộn ràng vào chùa sắp lễ đặt lên các ban điện. Tiếp đến là tiếng khấn cầu bình an, phát tài phát lộc, buôn may bán đắt. Thiết nghĩ, ai năng đi chùa, mâm cao cỗ đầy, cúng bái thành tâm thì được trời Phật thương có đúng không? Nếu ai cầu cũng được thì ai là người mất?

Vốn dĩ, xã hội có những người bước chân vào cổng chùa vì mê tín nhiều hơn những người hiểu về tâm linh, về Đạo Phật. Đạo Phật là Thiện, là chân lý sống đẹp, là đạo đức. Phật dạy con người sống hướng thiện, để thoát khỏi hệ lụy của tham - sân - si, những thứ khiến con người đau khổ và phiền não chứ không phải những thứ vì cầu mà có được. 

Ảnh tác giả cung cấp.

Ảnh tác giả cung cấp.

Nếu chúng ta làm đồ tể, mỗi ngày giết hại hàng chục con vật để tiêu thụ tới các cửa hàng thực phẩm để làm thức ăn, nếu chúng ta trộm cắp, lừa đảo người khác để chuộc lợi cho bản thân mình, nếu chúng ta ham chơi, lười làm, chỉ nằm há miệng chờ sung thì không thể cứ bước chân qua ngưỡng cửa nhà chùa với một mâm lễ đầy đặn là có thể gột sạch tội lỗi, được hưởng thụ an nhàn, vinh hoa phú quý cùng niềm an yên trong sâu thẳm bên trong tâm hồn.  

Đạo lý nhân quả cũng là một nền tảng đạo đức căn bản của giáo lý Đạo Phật giúp mỗi con người chúng ta hiểu được giá trị của nếp sống nhân từ, ăn hiền ở lành, gieo nhân tốt hưởng quả tốt, gieo gió gặp bão,.. 

Ngày nay, cơ hội được tiếp xúc và học tập Phật pháp từ báo chí, sách vở, các khóa tu ngắn,.. đã giúp cho chúng sinh hiểu sâu và thực hành nếp sống lương thiện, tích cực và hoàn thiện mình hơn. Cũng nhờ sự hiểu biết nhiều hơn về lời dạy của Đức Phật mà con người biết nhìn nhân tình thế thái bằng ánh mắt nhân từ, biết nghĩ về mọi thứ xung quanh bằng cái tâm bình thản, biết chánh niệm để tận thụ thực tại thay vì hồi tưởng về quá khứ, lo xa về tương lai chưa đến.

Sau khi hữu duyên được dự hai khóa tu ngắn ngày, tôi đã tìm được sự an lạc trong cuộc đời. Trước đây, tôi nghĩ về những kẻ phản bội, nói xấu sau lưng, phỉnh nịnh, lừa đảo,.. đều đáng khinh, đáng ghét, không xứng được được tha thứ thì lúc này, tôi đã có cách nhìn nhận tích cực hơn. 

Hóa ra, không có người nào đáng ghét, cũng không có sự việc nào đáng khinh, chỉ có lòng người không bao dung.

Nếu chúng ta biết nhân nhượng, cái tâm ôn hòa bên trong sẽ thắng thế lòng hiếu chiến.

Nếu chúng ta biết thứ tha, đời sẽ bớt đi những kẻ thù ghét nhau.

Trong cuộc đời, kẻ nào tâm vương nhiều nỗi lo toan thì kẻ đó dễ ưu phiền và sinh ra bệnh hoạn. Chi bằng, cứ để mọi thứ cuốn đi như gió trời, như mây bay, như sóng nước,...

Chúng ta ai cũng muốn được người ta cư xử ôn tồn, nhưng ít người sẵn sàng trao đi sự dịu dàng trước. Ngẫm lại để thấy, tâm bất an chẳng qua cũng vì chúng ta ham muốn, đòi hỏi quá nhiều. Nếu biết chia sẻ và bố trí lòng từ bi, thì sau này, ở thời khắc chúng ta khó khăn nhất, sẽ có những người sẵn lòng dang tay giúp đỡ chúng ta như cách chúng ta trước đây từng cứu giúp những kẻ hoạn nạn.

Đức Phật dạy rằng, người nào không rung động trước nỗi đau của con người, không xót thương động vật, không nâng niu hoa cỏ,... đều bởi thiếu lòng từ. Con người đau đớn một phần vì những nỗi đau thể xác, nhưng sự vô cảm, lời nói cay nghiệt, sự lừa lọc thì sát thương họ rất nhiều, rất ám ảnh. Tất cả bởi chúng ta thiếu lòng từ.

Thay vì cả ngày nhìn đời bằng ánh mắt gai góc, đêm về lại ôm nỗi đau riêng mình, chi bằng, chúng ta hãy dành ra mỗi tối 30 phút trước lúc ngủ để nghe kinh Phật và tọa thiền, để học cách thương lấy đời và yêu lấy mình nhiều hơn ngày hôm qua một chút.

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Chu Thị Trang; địa chỉ: số 70 ngõ 260 Cầu Giấy, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT-TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thần lực của lời di chúc

Đạo Phật trong trái tim tôi 12:15 20/12/2024

Đời người trăm năm, không gì ngoài sinh tử. Sinh thì lo sinh kế, Tử thì lo hậu sự lúc ra đi.

Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai

Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024

Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?

Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…

Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024

Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.

Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy

Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024

Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.

Xem thêm