Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 06/09/2023, 22:39 PM

Phương pháp thiền của Thiền sư Viên Minh giảng dạy ở Việt Nam hiện nay

Thiền sư Viên Minh là một trong những thiền sư Vipassana ở Việt Nam hiện nay. Với phương pháp thiền có đặc điểm mở rộng, không theo kĩ thuật hay nói cách khác là “thiền không phương pháp”, đã và đang được nhiều cộng đồng thiền sinh thực hành trong đời sống hàng ngày.

Thiền Vipassana hay thiền quán là phương pháp thực hành cốt yếu trong đạo Phật, được hiện diện trong nhiều kinh điển có thể kể đến như Kinh Đại Niệm Xứ, Kinh Người biết sống một mình...Có nguyên lý là quán sát Thân, Thọ, Tâm, Pháp trọn vẹn ngay trong giờ phút thực tại. Qua thời gian hơn 2500 năm kể từ ngày đức Phật nhập niết bàn, thiền quán vẫn được duy trì thực hành cho đến hiện tại. Ở Việt Nam ngày nay có rất nhiều các vị thiền sư giảng dạy về thiền quán, trong đó phương pháp thiền được thiền sư Viên Minh thực hành và giảng dạy có những đặc trưng mang màu sắc khác biệt. 

Thiền sư Viên Minh sinh năm 1944 ở Quảng Trị, xuất gia và thọ giới Sa di năm 1964. Từ đó Thiền sư tu học theo Hòa thượng Giới Nghiêm (1921-1984) thuộc Phật giáo Nam truyền. Trong quá trình hành đạo, Thiền sư Viên Minh theo học trường Đại học Vạn Hạnh (1965-1971) và nghiên cứu các Tông phái trong Phật giáo, các tư tưởng của tôn giáo và Triết học đông tây. Tại đây Thiền sư được đào tạo học chữ Hán, có thể đọc hiểu Tam tạng bằng chữ Hán của truyền thống Phật giáo Bắc truyền (trong đó có Thiền Đông Độ). Cùng với sự hiểu biết tổng quát về tư tưởng của các dòng phái Phật giáo và Triết học đông tây, cho nên khi đến với thiền Vipassana, Thiền sư đã có nền tảng kiến thức rộng rãi và sâu sắc. Vì thế, sự lựa chọn thực hành và giảng dạy nguyên lý thiền sau này đã được thực hiện trên nền tảng cơ sở hiểu biết đó. Đến năm 1998, Thiền sư Viên Minh sáng lập rừng thiền Viên Không núi Dinh Bà Rịa Vũng Tàu để Tăng Ni, Phật tử có chỗ hành thiền. 

Nhờ đó, các thiền sinh tu học theo phương pháp thiền sư Viên Minh dạy ngày càng đông đảo. Năm 2007, Thiền sư Viên Minh xây dựng bảo tháp Gotama tại ngôi chùa Tổ, đồng thời mở trang website Trungtonghotong.org để truyền bá Thiền Vipassana và thực hiện các công tác từ thiện xã hội.

Từ tiền đề những hiểu biết, nghiên cứu, quá trình tu học và thực chứng, Thiền sư Viên Minh giảng dạy “thiền không phương pháp”. Trong đó là sự kết hợp giữa diễn giải Lý (pháp học) và Sự (pháp hành). Về Lý, Thiền sư cho rằng việc học kinh điển có tác dụng chỉ dẫn cho người tu học, nhưng chỉ khi thật sự thực hành thì cái thấy chân thật về thực tại trọn vẹn mới có mặt. Học kinh điển mang giá trị bổ trợ và làm kim chỉ nam, còn cốt yếu là sự tự thực hành và thực chứng: “Chúng ta học đạo, trong tinh thần phát hiện cái thực thì chúng ta sẽ không lệ thuộc Phật giáo Nguyên Thủy, Đại Thừa, Tiểu Thừa hay Thiền Tông”. Với tinh thần tự do trên, Thiền sư Viên Minh khi nghiên cứu và giảng dạy thiền trên phương diện kinh điển, đã đưa ra một số cách nhìn nhận. Trong đó là tầm quan trọng của Tứ Diệu Đế, đây là nội dung trong bài pháp đầu tiên được Phật thuyết cho nhóm tôn giả Kiều Trần Như ở vườn Lộc Uyển. Theo Thiền sư, Tứ Diệu Đế là pháp học cốt lõi, gói gọn toàn bộ phương pháp Thiền Vipassana được Phật thuyết giảng trong 45 năm đến khi Phật nhập Niết Bàn. Hiểu rõ và thực chứng được Tứ Diệu Đế cùng với sự trợ giúp của thuyết Thập nhị nhân duyên và Bát chánh đạo, người tu học sẽ có đời sống an lạc hạnh phúc do trí tuệ sâu sắc có mặt ngay giờ phút thực tại. Thập nhị nhân duyên có giá trị giải đáp những nguyên nhân của khổ (Tập Đế), còn Bát chánh đạo là con đường để người thực hành Thiền đi đến giác ngộ. Bát chánh đạo hay còn được đặt trong Tam vô lậu học tức Giới Định Tuệ có vai trò đặc biệt quan trọng để cái thấy thực tại với Chánh niệm có mặt. Thực hành giữ giới sẽ phát triển định và tuệ, hay có định thì tuệ và giữ giới chắc chắn có mặt, có tuệ thì cũng thúc đẩy sự phát triển của việc giữ giới và định lực...Điều này nói đến tính chất tương tức trong đạo Phật nói chung. 

Cùng với Lý, Thiền sư Viên Minh kết hợp diễn giải về Sự (pháp hành) và chủ yếu trong phương pháp thiền Vipassana, ông chú trọng giảng về pháp hành. Điều này được thấy ở các sách và pháp thoại của Thiền sư như: Sống trong thực tại [Viên Minh, 2011], Vi tiếu [Viên Minh, 2015], Con đường hạnh phúc [Viên Minh, 1998], Thiền không phương pháp [Viên Minh, 2022], Pháp cốt lõi là tánh biết [Viên Minh, 2022]....Trong đó, thiền không phương pháp là tính chất cốt tủy của thực hành theo Thiền sư Viên Minh, bởi thiền là “tự học cuốn kinh của chính mình”. Mỗi người sẽ tự nhìn nhận và tìm ra kỹ thuật phù hợp với bản thân mình khi hiểu thấu tinh thần “tùy duyên thuận pháp”. Chỉ khi thuận theo tự nhiên của bản thân và các sự vật hiện tượng khách quan, thì người thực hành mới có đời sống tỉnh thức trọn vẹn với thực tại. Với tinh thần đó, người thực hành sẽ tự hiểu thấu được bên trong mình khi lần lượt đi qua các kinh nghiệm của cảm thọ khổ, lạc, không khổ không lạc. Đây là tinh yếu của thực hành thiền Vipassana được Thiền sư Viên Minh giảng dạy, hay có thể gói gọn trong cụm từ “trở về thực tại”. Trở về thực tại cũng là nguyên lý chung của thực hành thiền Vipassana. Cụ thể, người thực hành trước hết tạm rời xa việc quay lại quá khứ và hướng đến tương lai trong tâm trí, mà trở lại với hiện tại đang diễn ra. Hiện tại là thân thể hay cảm giác của người thực hành ngay giây phút thực tại. Với sự giảng dạy của mình, Thiền sư Viên Minh còn nhắc đến “trọn vẹn từng sát na thực tại”. Sát na thực tại khá khó để cảm nhận được nếu người thực hành chưa có nhiều Chánh niệm. Bởi như chúng ta đã biết, sát na là một đơn vị thời gian rất ngắn, ước chừng chỉ là một khoảnh khắc của một trạng thái tâm khởi lên và mất đi nhanh chóng. Một sát na đang ở thực tại gần như lập tức chuyển thành quá khứ, một sát na tiếp theo ở thì tương lai lại rất nhanh trở thành thực tại.

Vì vậy, để Chánh niệm trọn vẹn trên từng sát na sẽ là kết quả của quá trình thực hành lâu dài, và nó nói lên được sự hạnh phúc chân thật với thực tại nơi người thực hành có bao nhiêu sâu sắc. Cùng với đó, người thực hành cần để mình sinh khởi một số tinh thần cần thiết để trở về trọn vẹn với thực tại. Điều này có thể thấy rõ trong tác phẩm “Sống trong thực tại” được Thiền sư Viên Minh đặt làm tác phẩm chính về Sự trong giảng dạy thực hành thiền Vipassana. Trước hết, trong thực hành thiền Vipassana cần sự quán sát cả bên trong lẫn bên ngoài. Và để thực hiện được điều đó, cái thấy của Chánh niệm cần vững vàng để nhìn nó đúng như nó đang là, tức “thấy biết trong sáng, suy nghĩ chân thực”. Cùng với đó là các tinh thần cần thiết như: nhiệt tâm cần mẫn, bình thản đón nhận, hành xử tinh tế, nội tâm tĩnh lặng...Những thái độ được diễn giải ra tuy nhiều nhưng nội dung cốt lõi là thấy biết như thực tại đang là. Và thái độ được có mặt để sự thực hành diễn ra thuận lợi cũng tùy thuộc vào quá trình thực hành tăng trưởng giới - định - tuệ của mỗi người. Thiền sư Viên Minh mang tinh thần tùy duyên thuận pháp, vì vậy đề cao sự tự thực hành, tự thực chứng.

Tóm lại ta có thể thấy rằng, thiền sư Viên Minh giảng dạy và thực hành thiền Vipassana có đặc điểm là không đề cao kỹ thuật, khuôn mẫu nhất định mà quan trọng sự tự do, tự thực hành. Cho nên, đây là phương pháp không chỉ dành cho giới tu sĩ, mà còn dễ dàng để mọi người thực hành không bị giới hạn bởi văn hóa, tuổi tác, giới tính, tôn giáo. Vì chỉ cần buông xuống những tham, sân do chạy đuổi theo quá khứ và tương lai, bờ giác ngộ liền xuất hiện ngay trong thực tại.

Chú thích: 

1. Viên Minh (2004), Thực tại hiện tiền, Bát Nhã Thiền Viện Ấn Tống.

2. Viên Minh (2023), Pháp thoại “Tự học cuốn kinh của chính mình”, Phật pháp vấn đáp, truy cập từ https://youtu.be/YmDF7gRk6RU  Truy cập ngày 20/4/2023.

3. Viên Minh (2011), Sống trong thực tại, Nxb. Phương Đông, thành phố Hồ Chí Minh.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Nhất tâm niệm Phật

Góc nhìn Phật tử 10:07 21/11/2024

Trong giáo lý của đạo Phật, pháp môn niệm Phật được xem là con đường dễ hành trì, nhưng lại mang đến lợi ích lớn lao cho những ai chí tâm tu tập.

Nhớ về một người Thầy

Góc nhìn Phật tử 09:12 21/11/2024

Trong cuộc sống, ắt hẳn rằng mỗi người ai trong chúng ta cũng mong muốn có một cuộc sống thật tốt đẹp và hạnh phúc nhưng đối với tôi một cuộc sống hạnh phúc đã không còn tồn tại vào năm tôi lên ba tuổi khi thần chết đã cướp đi người mẹ mà tôi yêu quý và người cha mà tôi luôn kính trọng.

Những người Thầy khả kính

Góc nhìn Phật tử 21:55 20/11/2024

Sự thật thì làm cha mẹ, ai cũng muốn con của mình được sống hạnh phúc, thành công. Họ chấp nhận hy sinh mọi thứ để đánh đổi cuộc đời cho những đứa con thơ, bởi lẽ không có cha mẹ nào mà chẳng thương núm ruột của mình dứt ra.

Đồng tiền có thể tạo ra sự tham lam và sự bất mãn vô tận

Góc nhìn Phật tử 18:30 20/11/2024

Trong xã hội hiện đại, đồng tiền đã trở thành một yếu tố quan trọng quyết định đến cuộc sống của chúng ta. Không thể phủ nhận rằng tiền bạc mang lại sự tiện ích và tiến bộ, nhưng khi ta bị chi phối quá mức bởi nó, tiền bạc có thể trở thành cơn ác mộng và làm chúng ta trở thành nô lệ.

Xem thêm