Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 11/11/2023, 17:30 PM

Quả vị Phật

Những danh xưng, câu chuyện lịch sử, và hình tượng của Đức Phật Thích Ca hay của những vị Phật khác đã tạo nên tính chất khác biệt giữa vị Phật này với vị Phật khác trên cùng một cảnh giới - cảnh giới Phật.

Tuy nhiên, với những gì mà danh xưng Phật nêu ra, mọi truyền thống đều dựa trên nền tảng là quả vị Phật để xác lập bản chất tối hậu của tất cả những nhân vật mà truyền thống đó tôn vinh lên ngôi vị Phật. Ngay cả Thượng Tọa bộ, những nhà bảo thủ luôn dành vị trí tối thượng này cho đức Cồ Đàm, cũng xác nhận rằng ở cảnh giới tối hậu này tất cả sự khác biệt đều không dính dáng, không có chỗ lập cước. Sự xác nhận đó đã lặp lại trong những tư trào Phật giáo theo hướng di chuyển đối tượng trọng tâm của tín ngưỡng và việc hành trì từ Phật Thích Ca sang Phật A Di Đà hay Phật Đại Nhật Như Lai. Sự dị khẩu đồng âm về quả vị Phật được ghi lại trong Kinh Mi Tiên vấn đáp, một tác phẩm thuộc Tiểu thừa xuất hiện vào thế kỷ thứ nhất Tây lịch: “Không có sự khác biệt nào thuộc đạo đức, thiền định, trí tuệ và giải thoát giữa những vị Phật vì tất cả Phật đều có bản tính giống nhau.”

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Tuy có sự đồng nhất ban đầu đối với những phẩm tính chung nhất của chư Phật nhưng sau đó những bộ phái Phật giáo khác nhau đã có những miêu tả thực sự khác nhau rất xa về quả vị Phật. Ý nghĩa của quả vị Phật luôn luôn được bàn luận song song với những vấn đề liên quan đến bản chất của thực tại và cách phân tích thực tại. Những người theo Phật giáo trong thời kỳ đầu tin rằng đức Phật là vị nhận ra và trình bày tiến trình nhân quả (giáo lý duyên khởi). Đó là một tiến trình phủ trùm thế giới này. Bản thân Ngài và những người khác có thể sử dụng tiến trình này để chấm dứt dòng sanh tử luân hồi. Phật giáo Đại thừa trong thời kỳ đầu, cụ thể là nền văn học Bát-nhã-ba-la-mật, đã xem quả vị Phật có nội dung là nhận ra được tính vô tự thể của tất cả các pháp (sunyatà) và tuyên bố tính vô tự thể này là thực thể tối hậu (tathatà). Những bộ phái Đại thừa sau này như Duy Thức tông đã dựng lập nên một thế giới quan có tính cách lý tưởng cao xa hơn. Theo đó, quả vị Phật là sự phát hiện trở lại một cái tâm vốn xưa nay thanh tịnh, chưa bao giờ bị ô nhiễm. Hoa Nghiêm tông, một tông phái phát tích ở Đông Á với giáo lý dựa trên bộ kinh Hoa Nghiêm, lập nên một quan điểm về sự tương quan tương duyên vô cùng vô tận giữa tất cả các pháp, đồng thời truyền bá khái niệm rất ấn tượng về một vị Phật đại đồng trùm khắp pháp giới. Trong những mô hình nhận thức trên đây, bản thân quả vị Phật đã trở thành một phương thức nữa trong những phương thức được con người dùng để mô tả thực tại.

Giữa những quan niệm giống nhau về bản thân của tất cả chư Phật và sự dị biệt về cách diễn giải, có ít nhất hai cách nói có tính truyền thống được dùng để làm nền tảng tư duy và diễn đạt quả vị Phật. Cách nói thứ nhất là đồng nhất quả vị Phật với những phẩm chất đặc biệt của một vị Phật. Cách nói thứ hai là bàn luận về những Phật thân, nội dung cơ bản của quả vị Phật. Hai cụm khái niệm của hai cách nói này cho phép chúng ta nhận ra được mô thức của sự kết nối trong trùng trùng những cách nhận thức rất khác nhau về quả vị Phật.

Những nhà chuyên biên khảo về Phật giáo đã phát triển những bảng liệt kê về những thần lực và những phẩm tính đặc biệt của một vị Phật. Những bảng liệt kê này ghi nhận từ 6 đến 140 phẩm tính theo từng bản kinh, từng văn cảnh. Điều thú vị không phải ở chỗ chúng ta thấy thật là phong phú những phẩm tính và những thần lực của Phật mà ở chỗ chúng ta thấy những phẩm tính và thần lực này được xếp vào 4 nhóm lớn. Bốn nhóm này theo đề tựa là nhóm nói về hành trạng và nhóm nói về thể chứng - áp dụng cho việc đạt được quả vị Phật; nhóm nói về trí tuệ và nhóm nói về hoạt động - áp dụng cho việc thể hiện quả vị Phật.

Suốt dòng lịch sử của đạo Phật, bốn phương diện này của quả vị Phật đã được diễn giải theo những cách khác nhau. Thí dụ, những nhà Tiểu thừa có khuynh hướng nhấn mạnh những hành vi có mục đích, xem chúng là phương tiện để đạt đến quả vị Phật; trong khi đó, những nhà Đại thừa và những nhà Kim Cang thừa lại có khuynh hướng nhấn mạnh rằng quả vị Phật (thông thường trong dạng Phật tính) trong nhiều phương diện quan trọng vốn là tiền đề ắt phải có trước để thực hiện được những hành vi có mục đích như vậy. Tương tự, những nhà Tiểu thừa thường xác nhận rằng có một khoảng cách nào đó nằm giữa một bên là sự chứng đạt được trí tuệ và bên kia là sự dấn thân vào những hoạt động mang tính từ bi; trong khi đó, Đại thừa và Kim Cang thừa nhấn mạnh ở sự hòa nhập bất khả phân ly giữa trí tuệ và những biểu lộ của lòng từ ái. Tuy có sự khác biệt như vậy, nhưng bốn phạm vi căn bản này đều có mặt trong tất cả những cách nhận thức của Phật giáo về quả vị Phật.

Khi chúng ta quay lại cách miêu tả quả vị Phật qua việc nói về Phật thân thì chúng ta đang tìm kiếm sự tương quan nằm trong những dị biệt. Trong nền văn học Phật giáo thời kỳ đầu, cụ thể là Trường Bộ Kinh, tập 3 miêu tả Đức Phật có một thân do Pháp mà sinh ra, gọi là Pháp thân (dhammakàya).Trong thời kỳ này cũng như trong thời phát triển của Thượng Tọa bộ sau đó, những nhà luận giải xây dựng một ý niệm cho rằng đức Cồ Đàm có một Pháp thân. Việc xây dựng này hầu như có mục đích chủ yếu là đáp ứng cho nhu cầu cần phải có một ẩn dụ để xác lập mối kết nối liên tục giữa một bên là những gì mà Đức Phật đã chứng đạt và bên kia là chân lý hay là bản thân của thực tại. Trong một số truyền thống Tiểu thừa sau này, cụ thể như Nhất Thiết Hữu bộ và ngay cả truyền thống Đại thừa, ý nghĩa của quan niệm về Pháp thân đã phát triển càng lúc càng to lớn hơn. Quan niệm này được dùng làm phương tiện, dựa chủ yếu vào đó mà những quan niệm càng lúc càng siêu việt về quả vị Phật có thể che phủ được một sự thật không thể nào tránh: đức Cồ Đàm mệnh chung. Theo những bản kinh như Diệu Pháp Liên Hoa, Pháp thân mới chính là ý nghĩa đích thực của quả vị Phật; chư Phật như đức Cồ Đàm xuất hiện, giảng dạy, thị tịch nơi nhân gian chẳng qua chỉ là những biểu hiện mà thôi. Tuy vậy, ở những bản kinh Đại thừa thời kỳ đầu thì những khái niệm liên quan với quả vị Phật và Pháp thân vẫn còn bị điều kiện hóa, bị hạn chế bởi mối liên hệ dây mơ rễ má giữa chúng với những khái niệm triết học như Tánh không và Chân như.

Pháp thân mang một ý nghĩa thuộc nhận thức luận quan trọng hơn trong những bộ phái Đại thừa khác sau này, kể cả Kim Cang thừa. Trong đó, Pháp thân chỉ cho ‘nền tảng’ hay ‘ngọn nguồn’, là thực tại dựa trên đó tất cả những thực tại khác sinh khởi; điều này đã tạo nên cơ sở cho một cách hiểu mới về toàn bộ những thân Phật. Từ đó quả vị Phật về sau cần phải được giải thích trên cơ sở của một học thuyết về ba thân. Học thuyết ba thân (trikàya) bao gồm Pháp thân, thân đầu tiên, là ngọn nguồn của hai thân sau. Báo thân, một thân lưu xuất từ Pháp thân, là thân phúc lạc và vinh quang xuất hiện trong sự hiển thị, là thân thể vật lý với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp trong suốt 80 năm ở cõi ta-bà. Ứng hóa thân là thân thị hiện lưu xuất từ Báo thân trong các quốc độ để hóa độ chúng sanh.

Trong một số văn cảnh thuộc Đại thừa và Kim Cang thừa, quan niệm mang chiều kích nhận thức luận về quả vị Phật và Pháp thân cũng được nối kết với một quan niệm quan trọng: quan niệm cứu độ. Đó là quan niệm về bản chất của Phật, hay Như Lai thai tạng. Như Lai thai tạng chính là nguồn cội và nguyên nhân của sự giác ngộ, cũng là nguồn cội và nguyên nhân của những kết quả có ra từ sự giác ngộ. Trong những truyền thống này Phật tính hay Như Lai thai tạng được định nghĩa là Pháp thân nằm trong tình trạng bị phiền não uế nhiễm che ngăn. Vì vậy, sự giác ngộ và quả vị Phật có ra là do phục hồi lại trạng thái uyên nguyên vốn thanh tịnh này, một trạng thái được xem là đồng nhất với bản thân của thực tại tối hậu. Trong một số trường hợp khác thuộc Đại thừa và Kim Cang thừa, ngay cả sự nhị phân giữa thanh tịnh và uế nhiễm cũng được siêu vượt khi ở trong cảnh giới của quả vị Phật.

Tóm lại, khi bàn luận về danh xưng Đức Phật, chúng ta có thể phân biệt ba tầng nghĩa căn bản của danh xưng này: (1) Tầng nghĩa liên hệ đến Đức Phật Cồ Đàm; (2) tầng nghĩa liên hệ đến chư Phật trong mười phương ba đời; (3) tầng nghĩa liên hệ đến quả vị Phật. Tuy nhiên điều quan trọng là chúng ta ghi nhận được rằng những người Phật tử luôn luôn sử dụng ba tầng nghĩa này cùng một lúc và sử dụng một cách hòa nhập với nhau một cách tự nhiên, kết quả là mỗi một tầng nghĩa trong suốt chiều dài lịch sử liên tục tác động tới nội dung của hai tầng nghĩa còn lại. Do vậy, mặc dầu sự phân biệt giữa những tầng nghĩa khác nhau của từ Phật rất có ích cho việc nhận thức và lý giải, nhưng trong thực tế làm sao chúng ta có thể biện biệt một cách rạch ròi những tầng nghĩa mà tự bao giờ vốn đã hòa nhập với nhau.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Đi tìm lõi cây

Kiến thức 16:17 27/04/2024

Ngày nay, khi đạo Phật ngày càng phát triển thì việc học Phật được quan tâm và chú trọng đặc biệt.

Nguồn gốc An cư kiết hạ

Kiến thức 16:05 27/04/2024

Ba tháng an cư là để cho Tăng Ni không giẫm đạp các loài trùng kiến phạm tội sát sanh, nói lên lòng từ bi vô lượng của đức Phật. Kế đến, nhân mùa an cư, Tăng Ni tụ hội lại một nơi, thỉnh những vị đạo cao đức trọng nhắc nhở, dạy bảo tu hành.

Ý nghĩa, tính năng và các chủng loại Mandala

Kiến thức 15:00 27/04/2024

Mandala là tiếng Phạn, Hán ngữ phiên âm là Mạn đồ la, Mạn đà la, Mạn tra la và Hán ngữ dịch nghĩa là Đàn, Đàn tràng, Đạo tràng, Luân viên cụ túc, Tụ tập v.v…

Phấn chấn hơn lên

Kiến thức 09:00 27/04/2024

Làm thế nào, bằng phương pháp khả thi cụ thể nào giúp ta siêng năng, tinh tấn, phấn chấn hơn lên hướng về những mục tiêu tốt đẹp mà ta đã vạch ra là điều rất cần thiết cho tất cả mọi người, mọi giới kể cả các vị tu hành.

Xem thêm