Robot và góc nhìn đa chiều từ Phật pháp
Hiện nay các cường quốc công nghệ đang ganh đua quyết liệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo viết tắt theo tiếng Anh là AI (Artificial Intelligence). Sophia là một robot hình dạng giống con người được phát triển bởi công ty Hanson Robotics ở Hồng Kông. Sophia được kích hoạt 19/4 /2015. Cùng tìm hiểu vấn đề này qua lăng kính Phật pháp.
Sophia được lấy cảm hứng từ minh tinh Audrey Hepburn với vẻ đẹp cổ điển bao gồm “làn da trắng sứ, sống mũi thon gọn, gò má cao, nụ cười hấp dẫn và đôi mắt biểu cảm thay đổi màu sắc theo ánh sáng”. Sophia được thiết kế cử động giống con người và có trí tuệ thông minh nhân tạo. Mục đích chế tạo Sophia là phát minh ra một robot có ý thức, có sự sáng tạo và có khả năng như bất kỳ con người nào để giúp con người trong các vấn đề cuộc sống thường ngày như để phục vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị, giáo dục và các ứng dụng dịch vụ khách hàng. Ngày 25 tháng 10 năm 2017, Sophia là Robot đầu tiên được Ả Rập Saudi cấp quyền công dân như con người.
Phát biểu của robot Sophia tại Hà Nội
Mới đây TQ đã đưa ra hình ảnh robot phóng viên có tên là Xiao Nan小南 (Tiểu Nam). Robot này chỉ mất có 1 giây để hoàn thành bản tin dài 300 chữ nói về tình trạng về quê ăn Tết của người Trung Quốc trong năm 2018. Bài viết này của robot được đăng trên Nam Phương Đô Thị Báo (南方都市报Southern Metropolis Daily) tại Quảng Châu.
Một robot khác của Alibaba cũng có khả năng tạo 20.000 quảng cáo trong một giây. Dù công cụ AI này đã vượt qua bài kiểm tra Turing – đánh giá khả năng hành động như con người của máy tính, Christina Lu, người đứng đầu bộ phận tiếp thị Alimama của Alibaba, cho biết: “Những nội dung được AI viết ra là kết quả của quá trình tự học sâu. Nó dựa vào khối lượng lớn những nội dung chất lượng cao do con người tạo ra. Chính vì thế, AI sẽ không thể thay thế hoàn toàn con người trong công việc vốn đòi hỏi nhiều sự sáng tạo này”.
Người sáng lập Alibaba, Jack Ma từng nói rằng ông cảm thấy quan ngại khi các công ty buộc phải thích ứng với một thế giới được hỗ trợ với AI và ông muốn máy móc trở thành “đối tác của con người” chứ không phải đối thủ.
Theo ông Wan Xiaojun (万小军 Vạn Tiểu Quân), giáo sư tại trường Đại học Bắc Kinh, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu và phát triển robot phóng viên, Xiao Nan có khả năng viết cả tin ngắn lẫn các bài viết dài. “Khi so sánh với các phóng viên thực thụ, Xiao Nan có khả năng phân tích dữ liệu mạnh hơn và viết bài nhanh hơn. Nhưng điều này không có nghĩa là robot thông minh có khả năng thay thế hoàn toàn các nhà báo”
Hiện tại, ông Xiaojun nói robot không có khả năng tiến hành các cuộc phỏng vấn trực tiếp, không thể trả lời theo trực giác những câu hỏi tiếp theo cũng như không thể lựa chọn các chi tiết của tin tức theo một quan điểm nào đó từ một cuộc phỏng vấn hay trò chuyện. “Tuy nhiên, robot có thể được sử dụng như một trợ lý, giúp đỡ các tờ báo, phương tiện truyền thông cũng như biên tập viên và phóng viên”
Gần đây nhất Tân Hoa Xã đã lần đầu tiên trên thế giới đưa ra robot phát thanh viên.
Robot phát thanh viên bằng hai thứ tiếng Anh, Hoa
Như vậy bây giờ trên truyền hình của Tân Hoa Xã có hai Trương Chiêu, một là Trương Chiêu thật bằng xương bằng thịt và một là Trương Chiêu ảo giống hệt Trương Chiêu thật. Người ảo này có thể làm việc suốt ngày đêm không bao giờ mệt mỏi, cũng không cần nghỉ ngơi ăn uống hay ngủ, năng suất làm việc rất cao mà không cần trả lương, do đó tiết kiệm ngân sách rất nhiều. Bản chất của người ảo này chỉ là thông tin về âm thanh, hình ảnh và trí tuệ phân tích tổng hợp. Nó cũng không phải là người máy hay con robot, nó cũng không cần một cơ thể vật chất, nó đơn thuần chỉ là thông tin có thể xuất hiện bằng hình ảnh và bằng tiếng nói của một phát thanh viên thật và điều quan trọng là nó có thể đối thoại với người thật.
Nhưng vấn đề tôi muốn nêu ra là con người ảo đó có sự tương đồng nào với con người thật bằng xương bằng thịt không. Các bạn hãy xem lại video clip một lần nữa, người mà bạn nhìn thấy trên màn hình, từ hình ảnh cho tới tiếng nói có nguồn gốc là người dẫn chương trình Trương Chiêu, nhưng không phải quay phim và thu âm trực tiếp tiếng nói của anh ta, mà hình ảnh và tiếng nói được trí tuệ nhân tạo chế tạo lại từ sự mô phỏng hình ảnh bộ điệu và âm sắc tiếng nói của anh ta. Do đó trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra những hành vi hành động mà người thật không hề làm, hoặc nói những câu mà người thật không hề nói. Thế nhưng cử chỉ và tiếng nói của người ảo thì rất giống với người thật.
Sự việc này có thể dẫn đến kết quả rất kỳ lạ. Người ảo có thể xuất hiện đồng thời ở nhiều địa điểm khác nhau và các người ảo này đều độc lập với nhau. Người ảo đã hoàn toàn tách rời khỏi người thật. Mỗi người ảo giống như một cá thể riêng biệt, nó chỉ tùy thuộc vào bộ máy đang vận hành nó chứ không còn tùy thuộc vào người thật mà nó mô phỏng nữa.
Bộ máy vận hành nó là một con chip AI giúp nó có thể hoạt động và suy nghĩ như một con người, và một ổ đĩa chứa dữ liệu rất lớn, cùng với những thiết bị cảm ứng để tương tác, tương tự như các giác quan của con người. Nó có những khả năng mà con người thật không sánh kịp, nhất là về tốc độ. Chẳng hạn phần trên đã nói, robot Xiao Nan có thể làm xong một bản tin dài 300 chữ mà chỉ cần có một giây đồng hồ, hoặc robot của Alibaba có thể tạo ra 20.000 quảng cáo trong 1 giây.
Nhìn lại vào thế giới đời thường
Thế giới đời thường là cái vũ trụ vạn vật, cái cõi thế gian mà chúng ta đang sống trong đó. Nó cũng có những cấu tạo cực kỳ tinh vi. Thế giới robot và trí tuệ nhân tạo cũng là sự mô phỏng của con người từ thế giới đời thường. Chẳng hạn con người có 5 giác quan gọi chung là tiền ngũ thức (mắt, mũi, tai, lưỡi, thân thể) và một giác quan tổng hợp là bộ não tiếp nhận và xử lý thông tin từ tiền ngũ thức. Sáu cơ quan đó là lục căn tiếp xúc với các đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp gọi chung là lục trần.
Sự tiếp xúc của lục căn và lục trần phát sinh ra lục thức : thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm giác thân thể, ý thức. Tất cả mọi thông tin được chứa trong bộ não. Thông tin được chứa và vận dụng ở ba tầng khác nhau. Ý thức là phần thường xuyên hoạt động và xử lý thông tin hiện hành. Mạt-na là nơi chứa thông tin của cá thể hình thành nên bản ngã của cá nhân. A-lại-da là nơi chứa thông tin của tất cả các pháp và tất cả chúng sinh.
Con người mô phỏng cấu trúc của thế giới đời thường đó để tạo ra chiếc máy vi tính cũng có những bộ phận tương ứng mặc dù không đầy đủ và tinh vi bằng, chẳng hạn chưa có các thiết bị tương ứng với khứu giác, vị giác và xúc giác. Nhưng máy tính có video card tương ứng với mắt, sound card tương ứng với tai, bộ vi xử lý (processor) tương ứng với bộ não. Bộ nhớ RAM tương ứng với ý thức. Ổ đĩa cứng tương ứng với mạt-na. Internet tương ứng với a-lại-da. Bây giờ con người tăng cường tính năng của bộ vi xử lý giúp nó có thể hoạt động độc lập, tức là AI (trí tuệ nhân tạo).
Đến một ngày nào đó AI đủ tinh vi, nó sẽ tạo ra khả năng giúp con robot hoạt động độc lập, tự mình lấy quyết định, phản ứng tương tác với môi trường, không cần đợi lệnh của con người. Đó chính là xe hơi tự lái đang bắt đầu được thử nghiệm. Còn các UAV (Unmanned Aerial Vehicle = máy bay không người lái) hiện nay còn do con người điều khiển từ xa nhưng đến khi trí tuệ nhân tạo phát triển thì sẽ tiến tới chỗ tự điều khiển. Trong tương lai, có thể cả xe, máy bay và tàu bè đều có thể điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo.
Từ sự phát triển của khoa học kỹ thuật, bây giờ xem lại thế giới đời thường, tôi tự hỏi phải chăng con người và các sinh vật cũng là robot sinh học ? Robot sinh học hiệu quả hơn robot cơ khí ở chỗ nó không sử dụng sắt thép hay các vật liệu cứng nhắc mà sử dụng chất sống để tạo ra sinh vật, nó sinh sôi nhanh chóng và dễ dàng hơn robot cơ khí.
Chất sống tạo ra sinh vật theo một cơ chế hoàn toàn tự động, cơ chế sinh trưởng từ nhỏ tới lớn, cuối cùng nó tạo ra được muôn loài trong đó con người là sinh vật vô cùng tinh vi, vô cùng phức tạp. Con người đang nghiên cứu về gen, đang tìm cách nắm được thông tin di truyền (genetic information). Làm chủ được thông tin di truyền, con người có thể tạo ra các loại vật nuôi, cây trồng có những đặc điểm phù hợp với mong muốn của mình. Đi xa hơn nữa, con người có khả năng cải tạo giống nòi của các dân tộc.
Vậy ai đã tạo ra vũ trụ vạn vật, tạo ra sinh vật và con người?
Đây là một câu hỏi đã có từ thời xa xưa và các tôn giáo đều tìm cách trả lời.
Nho giáo trả lời bằng thuyết Tam Tài trong sách Chu Dịch 周易 mà sách Tam Thiên Tự có ghi lại để cho học trò học tập “三才者,天地人” (tam tài giả, thiên địa nhân) Ba năng lực cơ bản là Trời Đất và Người. Trời tạo ra vũ trụ, mặt trời, mặt trăng, các vì sao. Đất tạo ra sông núi cảnh vật trên đời. Con người tạo ra xã hội văn minh. Nhưng năng lực cao nhất, cơ bản nhất, quyền lực quyết định nhất là Trời. Trời tạo ra vũ trụ vạn vật và con người. Vậy con người là do Trời tạo hay nói theo ngôn ngữ tin học hiện đại con người là một loại robot sinh học do Trời tạo ra.
Còn Đạo giáo của Lão Tử thì nói: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật” 道生一,一生二,二生三,三生万物” Đại khái ta có thể hiểu câu này như sau, Đạo là vô hình vô thể, sinh ra hữu thể đầu tiên là năng lượng (nhất) với đơn vị là lượng tử, lượng tử phân cực thành hai hình thái âm và dương (nhị) cụ thể là hạt và phản hạt, ví dụ electron mang điện tích âm, còn positron mang điện tích dương, khi chúng gặp nhau thì sẽ biến mất trở lại thành năng lượng vô hình. Bất cứ hạt cơ bản nào cũng có hai hình thái đối lập đó cả. Nói tóm lại các hạt cơ bản như electron đều đồng thời có hai hình thái : sóng (vô hình) và hạt (hữu hình).
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử nói: “Hốt hề, hoảng hề, kỳ trung hữu tượng, hoảng hề, hốt hề, kỳ trung hữu vật” 忽兮恍兮,其中有像;怳兮忽兮,其中有物 (trong hốt hoảng có hiện tượng, trong hoảng hốt có vật chất). Khi một hạt quark và phản quark gặp nhau chúng tạo thành hạt meson chỉ tồn tại khoảng một phần nghìn tỉ giây, đó chính là hiện tượng mà Lão Tử mô tả bằng câu “Hốt hề hoảng hề kỳ trung hữu tượng”
Khi một hạt electron đụng phải phản hạt của nó là positron, cả hai biến mất tạo ra 2 tia gamma, đó là vật chất dạng sóng. Chúng ta có thể hiểu Đạo là tiềm năng vô hình tạo ra sóng năng lượng rồi tạo ra các hạt hữu hình như quark và electron, từ đó sinh ra nguyên tử vật chất (tam), và rồi nguyên tử sinh ra vạn vật. Vậy con người do Đạo sinh ra, nói cách khác con người là một loại robot sinh học do Đạo tạo ra.
Còn Phật giáo nói thế nào ? Có một điểm mà Lão Tử chưa nhận ra là chỉ khi có người quan sát thì sóng vô hình mới biến thành hạt vật chất, cụ thể là hạt electron. Nghĩa là vật chất chỉ là ảo không có thật do con người tưởng tượng ra. Điều này chỉ có Đức Phật nhận ra và diễn tả trong câu Nhất thiết duy tâm tạo (一切唯心造 Kinh Hoa Nghiêm). Tất cả đều là do Tâm tạo. Như vậy con người là do tâm tạo ra hay nói cách khác con người là một loại robot sinh học do Tâm tưởng tượng ra chứ không phải có thật. Tâm là bất nhị nhưng con người thì vô số lượng, mỗi người dù là do tâm tạo ra nhưng cá nhân mỗi người có sự độc lập nhất định, nó có ý thức có ý chí riêng, có cuộc sống và lịch sử riêng.
Tâm là giác ngộ, là chánh biến tri nhưng con người thì không thế, nó có dục vọng riêng, có sự mê lầm vô minh do cái ta giả của nó (mạt-na thức) đưa đẩy. Con robot người này phản ứng với môi trường hoàn cảnh của nó và tích lũy nhận thức của nó trong mạt-na thức từ đó hình thành nên nghiệp riêng (biệt nghiệp) của nó.
Từ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo chúng ta có thể hiểu hơn về cơ chế hoạt động này. Từ dữ liệu cơ bản của người thật là Trương Chiêu, người ta có thể tạo ra nhiều robot sử dụng dữ liệu cơ bản của Trương Chiêu, mỗi robot được phát triển hoàn toàn độc lập với người thật, nó khác rất nhiều với người thật vì tương tác trong một môi trường khác, chỉ có hình dáng và giọng nói là giống thôi, còn thì nó đã là một cá thể khác có số phận khác, đi theo một con đường khác. Đó cũng chính là cách mà thiên nhiên biến một thành nhiều. Từ một tâm giác ngộ biến thành con người mê muội vô minh. Vô minh là điều kiện cần thiết để thế giới xuất hiện, bởi vì nếu không có vô minh thì chỉ có tánh không mà thôi, không có gì nữa cả. Nghĩa là thế giới chỉ xuất hiện trong nhất niệm vô minh của chúng sinh mà thôi chứ không có ở đâu khác.
Mỗi con người trên thế gian tuy đều xuất phát từ tâm giác ngộ, tâm bát nhã nhưng lại có số phận riêng, nghiệp riêng và cứ mãi trôi lăn trong lục đạo luân hồi là do một một cơ chế tương tự như trí tuệ nhân tạo. Mỗi người được tâm phú cho một khả năng nhận thức, suy nghĩ độc lập để cuối cùng tạo ra một biệt nghiệp một quá trình lịch sử riêng. Và con người bị trói buộc trong sáu nẻo luân hồi tưởng tượng của mình. Các nhà làm phim đôi khi dựng phim phỏng theo thân phận trói buộc của con người này, và tạo ra câu chuyện con người đi tới giác ngộ.
Năm 1999, anh em Wachowski cho ra đời phim The Matrix để mô tả thế gian như là một ma trận một thế giới ảo tưởng mà con người bị trói buộc trong đó. Phim thuộc thể loại khoa học giả tưởng hành động ly kỳ. The Matrix có ba vai chính là Neo – một thảo trình viên điện toán — do nam tài tử Keanu Reeves thủ vai, Morpheus – thủ lãnh nhóm phản kháng chống lại gông cùm ảo ảnh của bộ máy siêu tính Matrix được dựng lên bởi những người máy mà trớ trêu thay lại do loài người đã tạo ra vào thế kỷ thứ 21 – do nam tài tử Laurence Fishburne thủ vai, và Trinity – một người trong nhóm phản kháng, do nữ tài tử Carrie-Anne Moss thủ vai. Phim The Matrix nói về cuộc hành trình của Neo để khám phá ra sự thật về bản chất của Matrix.
Cái thế giới đời thường mà chúng ta đang sống và cái ma trận do siêu máy tính tạo ra cũng có những tính chất tương đồng như:
1.Thế giới vật chất và tâm lý của cả hai thế giới đó đều chỉ là tưởng tượng, bản chất của tất cả mọi hiện tượng chỉ là thông tin, là dữ liệu (data) nhưng nó trói buộc thân phận con người.
2.Vật thể, không gian, thời gian, sự chuyển động, số lượng đều không có thực chất.
Trong phim có đoạn :
Chú tiểu cầm một chiếc thìa thẳng lên tay, ngắm nhìn nó, và làm cho nó trở nên cong queo rồi giãn thẳng ra trở lại như cũ. Neo lấy làm lạ, ngồi xuống, lấy hai tay cầm chiếc thìa đó lên quan sát. Chú tiểu nhìn Neo nói:
Chú tiểu: Đừng có (dùng tay) bẻ cong chiếc thìa. Không thể làm được. Hay hơn là chỉ nên cố nhận ra được sự thật.
Neo: Sự thật gì?
Chú tiểu: Không có chiếc thìa.
Neo: Không có chiếc thìa?
Chú tiểu: Lúc đó anh sẽ thấy là không phải chiếc thìa nó cong queo. Mà nó chỉ là cái bản ngã (thói quen tâm thức) của anh.
Đoạn này của phim Matrix có lẽ họ mô phỏng biểu diễn làm xoắn hai cái muỗng inox của Trương Bảo Thắng vào năm 1995.
Trương Bảo Thắng xoắn hai muỗng inox vào nhau
Ở cuối phim Neo đã tỉnh ngộ nhận ra bản chất không thật của thế giới và làm chủ được nó, những viện đạn của kẻ địch bắn vào anh không đi tới đích, anh có thể khống chế được chúng.
Ba người Sentients nhìn thấy Neo đứng dậy, họ chỉa súng bắn nhiều viên đạn về hướng chàng. Neo nhìn về phía nhóm Sentients và la lớn lên: “Không!”. Cùng lúc chàng giơ bàn tay trái mở rộng ra như là để chặn lại những viên đạn đang bay tới. Tự nhiên tất cả những viên đạn đều dừng lại trên không ngay trước mặt chàng như là có một bức tường vô hình chặn chúng lại. Neo giơ tay ra và nắm lấy một viên đạn rồi thả cho nó rơi xuống đất. Những viên đạn còn lại trên không cũng đồng loạt rơi xuống đất hết.
Đoạn này có lẽ những người làm phim mô phỏng một biểu diễn của Hầu Hi Quý.
Tháng 7-1985 vào buổi xế trưa, hôm đó, Hầu Hi Quý trở về Hán Thọ, lúc đó người ở Hán Thọ đã biết tạp chí Bằng Hữu có viết bài rất dài kể về công phu thần bí của Hầu Hi Quý, trong ý nghĩ và mắt nhìn của họ, Hầu Hi Quý đã là nửa thần nửa tiên, ông đến thì các quan viên của huyện phủ tiếp đón long trọng, ông đi thì họ cho đội xe đưa tiễn. Tại huyện Hán Thọ lớn như thế, Hầu Hi Quý chỉ cần muốn đi đâu một chút, lập tức có người tiền hô hậu ủng, mọi người đều lấy việc nhìn thấy con người của ông là đủ hạnh phúc. Lần đó trở về, huyện trưởng là Khâu Đức Đỉnh, phó huyện trưởng Lý Vận Nam và một ông bí thư đảng ủy xã đến tận nhà nghỉ nơi ông ở để tiễn. Không ngờ khi hai vị lãnh đạo huyện vừa mới đến, người trong huyện Hán Thọ hay tin lũ lượt kéo đến không dứt, không bao lâu hàng hàng lớp lớp vây quanh nơi ở của Hầu Hi Quý, thấy tình hình như thế thì không còn khả năng nói chuyện trời trăng mây nước gì nữa, Khâu huyện trưởng bí quá bèn cùng với vài vị đồng liêu bèn kéo Hầu Hi Quý vào một căn phòng, nói rõ với ông về lý do họ đến.
“Ông xem coi tôi có đau bịnh gì không ?” Ông ta nói.
“Ông dám để cho tôi bắn ông một phát không ? Ông có một vấn đề nhỏ, nhưng cũng không cần phải lo lắng quá, bắn một phát là tốt ngay.” Hầu Hi Quý chớp chớp mắt, nửa thật nửa đùa cười trả lời.
Khâu huyện trưởng đang tính hỏi tiếp, Hầu Hi Quý thuận tay rút khẩu súng K54 của một nhân viên công an đi theo huyện trưởng, kế đó hướng về viên công an yêu cầu 5 viên đạn, rồi tự mình cúi đầu ấn từng viên từng viên vào băng đạn.
“Bắn một phát, sợ không ?” Hầu Hi Quý hỏi Khâu huyện trưởng, đồng thời lắp băng đạn vào súng, mở chốt an toàn, chĩa vào đầu Khâu huyện trưởng.
“Đừng đùa dai chứ, đừng có giỡn à nghe.” Bọn tay chân của huyện trưởng không biết nên làm sao.
“Muốn hết bịnh không ? Nếu muốn thì để tôi bắn một phát.” Hầu Hi Quý trịnh trọng hỏi lại, “Ông sợ à ?”
Khâu huyện trưởng không muốn tỏ ra nhát gan trước đám thủ hạ, tâm lý phân vân nhưng miệng lại nói “Không sợ”.
Phó huyện trưởng Lý thấy cây súng có vẻ không thể không bắn, trước tình hình khẩn cấp lại có ý hay, muốn đề nghị một giải pháp lưỡng toàn, ông đề nghị không bắn vào đầu mà bắn vào bàn tay, Hầu Hi Quý nhướng mày nghĩ ngợi rồi đồng ý, ông di chuyển họng súng khỏi đầu của Khâu huyện trưởng.
“Vậy thì bắn vào lòng bàn tay trái vậy.” Ông nói.
Khâu huyện trưởng bằng lòng đưa tay trái ra, để cho Hầu Hi Quý chĩa súng vào lòng bàn tay, hai mắt kinh sợ nhìn vào cây súng đen ngòm. Mọi người thấy muốn bắn thật bèn lùi ra phía sau. Bỗng nhiên nghe một tiếng “đoành”, mọi người kinh khiếp hoảng loạn.
Khâu huyện trưởng toàn thân run rẩy, nhưng lại không thấy đau ở tay, ông nghĩ, hay là nó bị tê cóng, vội đưa bàn tay lên coi, vẫn y nguyên không hề tổn hại. Ông lại ngạc nhiên : rõ ràng có tiếng súng nổ, mà sao không làm bị thương da thịt ?
Mọi người định thần lại, đều đến kiểm tra băng đạn, rõ ràng là 5 viên đạn thiếu mất một viên, lại tìm kiếm kỹ lưỡng, dưới đất còn rơi một vỏ đạn.
“Đầu đạn ở đâu ? Khâu huyện trưởng suy nghĩ trăm chiều cũng không thấy lời giải.
Hầu Hi Quý xòe hai bàn tay ra cười. “Tôi không có ! Nó ở trong túi áo trong của ông, không tin ông tìm thử coi ?”
Khâu huyện trưởng mặc bộ đồ Trung Sơn, nghe Hầu Hi Quý nói vậy, bán tín bán nghi. Họng súng nhắm vào lòng bàn tay, viên đạn không làm bị thương da thịt đã là điều kỳ lạ thứ nhất, lại nói nó nằm trong túi áo mà còn chui vào túi áo trong đang mặc trên người, chẳng phải là điều kỳ quái lạ lùng sao ? ông thật không tin nổi, chỉ còn cách cởi nút áo ngoài, đưa tay mò túi áo trong trước ngực. Mò một cái, các cơ mặt của Khâu huyện trưởng căng cứng, có vẻ kinh dị, cười gượng, rồi từ từ rút tay ra, ba đầu ngón tay kẹp một đầu đạn, đưa lên mắt nhìn.
Mọi người càng hiếu kỳ, truyền nhau xem cái đầu đạn bóng loáng, coi đồ giả hay thật, đối với Hầu Hi Quý lại phát sinh thêm vài phần kính sợ.
Lần này thì viên đạn có bay ra, nhưng nó cũng không tới đích, mà tùy tiện bay vào túi áo của người bị bắn. Thật ra thì nói viên đạn bay ra và bay vào túi áo ông huyện trưởng là một cách diễn tả không chính xác. Các nhà khoa học đã nghiên cứu trong trường hợp Trương Bảo Thắng với các máy móc tối tân nhất của thời đó, khi anh làm cho quả trứng trên tay biến mất và chui vào hộc tủ khóa kín cách đó vài mét. Họ không bao giờ phát hiện được đường đi của quả trứng.
Trong trường hợp này cũng vậy. Không bao giờ thấy được quỹ đạo của viên đạn. Vì đầu đạn không hề di chuyển đúng y như lý luận của Zénon, nó chỉ đơn giản biến mất khỏi cái vỏ đạn khi viên đạn bị kích nổ và xuất hiện trong túi áo của ông Khâu Đức Đỉnh mà không hề di chuyển nên không có quỹ đạo. Chính vì nó không hề đi qua bàn tay của ông ta, nên ông không hề bị thương, nó cũng không hề đi xuyên qua hai lớp áo, nên áo không hề bị rách.
Như vậy chúng ta thấy rằng viên đạn bắn ra chỉ là một ảo giác, đúng như triết học của Zénon diễn đạt, và Hầu Hi Quý có thể dùng tâm niệm điều khiển nó muốn xuất hiện ở đâu tùy ý. Hầu Hi Quý có khả năng dùng tâm niệm khống chế viên đạn, khống chế cả sự tưởng tượng của những người chung quanh thoát khỏi cảm giác thường nghiệm, mục kích một cảm giác siêu nghiệm, cảm giác siêu nghiệm này Zénon đã dùng lý luận toán học để nhận thức cách nay 25 thế kỷ.
Sự kiện này hoàn toàn tương đồng với hiện tượng rối, vướng víu lượng tử (quantum entanglement) mà năm 2008 Nicolas Gisin và các đồng sự tại Đại học Geneva Thụy Sĩ đã tiến hành thí nghiệm. Tín hiệu không hề di chuyển giữa hai photon vướng víu (entangled) và cách nhau 18km. Nó tức khắc xuất hiện ở photon kia khi photon này bị tác động mà không hề có sự truyền tín hiệu, bởi vì nếu có truyền thì tốc độ truyền phải gấp hơn 10 triệu lần tốc độ ánh sáng, trái với định đề của Einstein nói rằng tốc độ của ánh sáng là cao nhất trong vũ trụ.
Các nhà khoa học hiện nay chưa hiểu rằng không phải chỉ có lượng tử mới có những tính chất kỳ lạ như thế mà cả vật thể vật chất đời thường cũng có những tính chất giống như lượng tử mà Hầu Hi Quý đã chứng tỏ trong các thực nghiệm trên.
Điều chúng ta cần chú ý là tất cả mọi hình tướng vật chất và tâm lý đều không phải là nền tảng cơ bản của vũ trụ. Vật chất từ các hạt cơ bản như quark, electron, photon cho tới thiên hà, các ngôi sao và hành tinh, địa cầu, sông núi, vạn vật, con người…đều chỉ là sự biến hóa, tưởng tượng của tâm con người. Tinh thần, tâm lý như tư tưởng, nhận thức, tình cảm vui buồn, triết học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật…đều chỉ là sự diễn tả, sự cảm nhận của ý thức con người chứ không phải chân lý, không có thật, không phải là cái gì thiêng liêng bất biến.
Phật giáo nói nền tảng của tam giới cũng tức là của vũ trụ vạn vật là tâm bất nhị, đó là tánh giác ngộ hay còn gọi là chánh biến tri. Nhưng thực thể của những danh xưng này là gì thì trí óc hay ý thức của con người không thể nắm bắt được, không thực sự biết được nó là gì. Các bậc giác ngộ kiến tánh khám phá thể nhập được với nó nhưng cũng không biết không thể xác định được nó là gì và cũng không thể diễn tả được, bởi vì tánh giác không có bất cứ một đặc điểm nào cả nên không thể diễn tả chính xác nhưng nó lại bao hàm tất cả mọi đặc điểm.
Kết luận
Tất cả những vật thể trong vũ trụ, vạn vật, con người, tất cả những tư tưởng, lý luận, học thuyết, quy luật, tôn giáo, triết học, nghệ thuật…đều chỉ là vọng tưởng, do con người tưởng tượng ra. Tất cả những cái hữu vi (có tạo tác) do nhân duyên giả lập ảo hóa đều không có thật. Nhưng tại sao chúng ta lại cảm nhận rất thật? Đó là do tập quán (thói quen tâm lý) nhiều đời nhiều kiếp đã hình thành nên mà Phật giáo gọi là tập khí (習氣 Vāsanā). Tập khí tạo ra thế giới vật chất và tâm lý tưởng tượng mà thuật ngữ gọi là thế lưu bố tưởng 世流布想
Tập khí của cá nhân cũng chính là nghiệp của người đó, nó sẽ dắt dẫn y tới những cảnh giới lành dữ theo cái nghiệp chứa chấp trong mạt-na thức của y. Vì bản chất của vũ trụ là không có thật nên Phật giáo nói rằng Ngũ uẩn giai không五蘊皆空
Thí nghiệm hai khe hở đã xác nhận chính tập khí nhất niệm vô minh của người quan sát đã tạo ra hạt electron, hạt photon, nếu không có ai nhìn thì chúng chỉ là sóng vô hình, không phải vật chất.
Trí tuệ nhân tạo ngày nay có thể tạo ra những con người ảo bằng những dữ liệu thông tin của người thật, cung cấp cho nó một con chip hoạt động độc lập, phân tích, tổng hợp, xử lý thông tin, tương tác chặt chẽ với môi trường chung quanh, tạo cho nó một thói quen phản ứng cũng chính là hình thành một tập khí khiến nó trở nên giống với một con người thật.
Còn con người thật trong xã hội hiện đại bản chất là gì được hình thành như thế nào ? Về nguyên tắc, con người bằng xương bằng thịt xuất hiện trên thế gian tuy cũng có chỗ khác với robot ảo và robot cơ điện do con người chế tạo, tuy nhiên cũng có chỗ giống, đó là nền tảng thông tin biểu hiện dưới dạng số.
Bản chất của người thật và robot đều là số (thông tin hay còn gọi là thức, chánh biến tri). Con số chính là nền tảng cơ bản của toàn bộ vũ trụ, toàn bộ tam giới được hiển thị, đàng sau con số là tâm giác ngộ, là tánh không. Con số mặc dù lập ra để biểu đạt số lượng, thế nhưng số lượng không phải là phần quan trọng nhất của con số.
Thời trước 1975, nhà thơ Trúc Thiên Nguyễn Đức Tiếu, người thường hay đến chùa Xá Lợi tại Sài Gòn để giảng kinh, thuyết pháp. Ông cho rằng con số có thể làm nên ông kỹ sư và các công trình kiến trúc hoành tráng nguy nga, nhưng may mắn là con số không tạo ra được một nhà thơ, một ông thánh.
Nhận thức này có lẽ nhầm, con số chẳng những tạo ra được một nhà thơ, nhạc sĩ, một ông thánh, mà con số còn tạo ra được cả vũ trụ vạn vật. Bởi vì vũ trụ có bản chất là thông tin, con số có thể biểu diễn được mọi thông tin nên không có gì nó không tạo ra được ở thế giới ảo hóa này. Chỉ có chân như tánh không là con số không biểu diễn được bởi vì chân như không có bất cứ đặc điểm gì để biểu diễn. Chân như giống như một ổ đĩa cứng vô hạn chưa có bất cứ dữ liệu gì, thế nhưng nó có khả năng biểu diễn vô cùng tận, hình thành cả tam giới.
Con số có thể biểu đạt cả vật chất, không gian, thời gian, tư tưởng, tình cảm, tất cả các pháp. Nói tóm lại toàn bộ ngũ uẩn đều có thể biểu đạt bằng con số từ sự ứng dụng của nguyên lý thay thế.
Tất cả mọi tính chất, đặc điểm, hình ảnh, âm thanh, sự chuyển động, sự biến đổi gì của vũ trụ cũng đều có thể biến thành con số để lưu trữ. Đây chính là ý nghĩa của số hóa (digital). Và từ vô lượng con số được lưu trữ trong bộ nhớ đó, mọi hình ảnh, âm thanh, mùi hương, vị giác, cảm giác cơ thể, đặc điểm, vật chất…đều có thể xuất hiện trở lại trong không gian 2 chiều (màn hình) hoặc không gian 3 chiều (thế gian) theo nguyên lý thay thế. Nếu cộng thêm chiều kích thời gian thì màn hình là thời không 3 chiều, thế gian là thời không 4 chiều.
Động cơ của robot cơ điện là con chip vi xử lý có tích hợp trí tuệ nhân tạo. Còn động cơ của con người thật là bộ não, nó điều khiển mọi hoạt động của cơ thể. Phía sau của robot là con người thật bằng xương bằng thịt và mạng internet khổng lồ. Còn phía sau của con người là nghiệp của nó, phía sau của nghiệp lại là tâm giác ngộ. Nghiệp nằm trong mạt-na thức và mạt-na thức nằm trong a-lại-da thức.
Như vậy chúng ta thấy A-lại-da thức tức là Tâm đã tạo ra vũ trụ vạn vật trong đó có con người. Rồi con người tạo ra robot. Robot đóng vai trò của con người ảo, con người nối dài, tng thêm sức mạnh và hiệu quả hoạt động của con người thật. Chẳng hạn để hoàn thành một bản tin dài 300 chữ (khoảng một trang giấy) biên tập viên mất cả tiếng đồng hồ hay ít nhất cũng vài chục phút, trong khi robot Xiao Nan chỉ mất có một giây, hiệu quả hơn rất nhiều.
Robot ngày càng thông minh và có nhiều khả năng hơn, nó có thể thay thế cho con người ở nhiều lĩnh vực. Đó cũng là một nguy cơ vì robot có thể khiến cho con người thất nghiệp. Ngoài ra robot còn có thể chiếm quyền điều khiển của con người.
Do đó các nhà khoa học phát triển robot cũng phải dè chừng. Robot có thể là một người giúp việc tốt nhưng đừng để nó trở thành người chủ tồi, bắt con người phải phục vụ ngược lại cho nó.
Xã hội hiện đại là sự kết hợp của thế giới con người do Tâm tạo và thế giới robot thông minh có trí tuệ nhân tạo do con người chế tạo. Robot phục vụ cho con người, làm thay cho con người trong những công việc khó khăn, nặng nhọc. IoT (Internet of Things- internet kết nối vạn vật) là một biểu hiện mới của thế giới hiện đại.
Bất cứ con người ở đâu cũng có thể liên lạc dễ dàng với người khác ở khắp mọi nơi trên thế giới và có thể nhìn thấy ngôi nhà của mình, cả bên ngoài và bên trong, điều khiển được các thiết bị trong nhà như tủ lạnh, máy điều hòa, quạt máy, bếp gaz, tivi… Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm không phải chỉ là một khái niệm vô dụng trong kinh sách mà nay được ứng dụng trong đời sống hàng ngày.
Cư sĩ Truyền Bình
Anh Nhy (BT)
———-
Ghi chú : Trong bài có tích hợp bài viết của bạn Hoàng Kim về Matrix.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Phật giáo thường thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Nghi thức tụng Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 6 (Phát đại thệ nguyện)
Phật giáo thường thức 21:13 22/12/2024Theo Hòa Thượng - Pháp Sư Tịnh Không, đối với những Phật tử bận rộn, không có nhiều thời gian để tụng trọn bộ Kinh Vô Lượng Thọ quá dài trên 2 giờ thì có thể phân ra thời khóa buổi sáng tụng Phẩm thứ 6 (Phát đại thệ nguyện) và buổi tối tụng từ phẩm thứ 32 (Thọ lạc không cùng tận) đến phẩm thứ 37.
Kinh Nhất Thừa là gì?
Phật giáo thường thức 15:45 22/12/2024Pháp môn nào có thể chứng đắc Phật quả rốt ráo trong một đời sẽ gọi là Nhất Thừa, pháp môn ấy cũng là pháp môn Nhất Thừa, kinh ấy cũng là kinh Nhất Thừa.
Cõi đời phiền não hay là mình phiền não cõi đời?
Phật giáo thường thức 15:12 22/12/2024Nên biết tất cả sự trói buộc gốc từ mình mà ra, nên bỏ cũng từ mình chớ không phải ở bên ngoài. Cho nên Phật bảo “buông” là buông cảnh, đừng dính với nó. Ta cứ đổ thừa cảnh dính mình, không ngờ mình dính cảnh.
Xem thêm