Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 01/05/2015, 16:19 PM

Sự dung hợp đạo đức Phật giáo với phong tục tập quán người Nam bộ ở Việt Nam

Phật giáo du nhập vào Nam Bộ đã được đón nhận một cách nồng nhiệt bởi sự tương đồng giữa giáo lý đạo đức của mình với lối sống, phong tục của người dân nơi đây. 

Sự tương đồng đó đã tạo nên sự dung hợp giữa giá trị đạo đức Phật giáo với phong tục tập quán Nam Bộ. Phật giáo đã được người dân nơi đây lựa chọn, tiếp nhận và bổ sung thêm những nội dung mới. Sự dung hợp giữa giá trị đạo đức Phật giáo và hệ thống tín ngưỡng bản địa đã làm cho Phật giáo có một sức sống vững bền trong cộng đồng dân cư Nam Bộ. Phật giáo cũng đã góp phần không nhỏ vào việc củng cố, duy trì phong tục tập quán của người Nam Bộ.

1. Đặt vấn đề

Phật giáo truyền vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Quá trình đó Phật giáo đã hòa quyện vào phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hóa, thế giới quan và nhân sinh quan của dân tộc Việt Nam nói chung và các vùng miền nói riêng. Nội dung đạo đức Phật giáo chứa đựng sự từ bi, hỹ xả và nhấn mạnh đến yếu tố hoàn thiện đạo đức của con người. Quan điểm này của Phật giáo phù hợp với phong tục tập quán của người Nam Bộ nên nó đã nhanh chóng tìm được chỗ đứng và có điều kiện bám rễ chắc chắn trên mảnh đất này. Việc nghiên cứu sự dung hợp của đạo đức Phật giáo với phong tục tập quán người Nam Bộ ở Việt Nam sẽ góp phần vào việc tìm hiểu quá trình phát triển của Phật giáo và văn hóa của người dân Nam Bộ. 

2. Khái quát đạo đức Phật giáo

Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ, người sáng lập tên là Tất Đạt Đa (Siddhartha) là thái tử của vua Tịnh Phạm, sinh ở kinh thành Kapilavastu khoảng 563 trước Công Nguyên. Thích Ca Mâu- ni (Sàkyamuni) là tên do học trò tôn xưng sau khi Người thành Phật. Trải qua nhiều lần tu tập, đến năm 35 tuổi ngài giác ngộ được con đường giải thoát. Từ đó ngài đi các nơi truyền bá đạo của mình. Sau khi Phật Thích Ca nhập diệt, Phật giáo dần dần chi thành nhiều tông phái. Trong đó nổi lên hai tông phái lớn đó là tiểu thừa (Hìna-yana) và đại thừa (Mahà-yàna). Phật giáo truyền vào Việt Nam khoảng đầu năm công nguyên và nó không mâu thuẫn với tín ngưỡng sẵn có của dân tộc. Bên cạnh đó Phật giáo còn mang tới cách giải thích hết sức mới mẻ về nỗi khổ đau của con người, về nguyên nhân khổ đau, về con đường giải thoát nổi khổ đồng thời nó kêu gọi lòng từ bi hỷ xả. Vào thế kỷ XVI ở Việt Nam gắn liền với  giai đoạn lịch sử Trịnh, Nguyễn phân tranh, sự biến đổi của chính trị đã tác động không nhỏ đến văn hóa- xã hội, tư duy, tôn giáo. Quá trình phân chia đất nước thành đừng trong và đằng ngoài đã tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển. Phật giáo du nhập vào Nam Bộ theo nhiều hướng khác nhau nhưng theo chúng tôi có thể khái quát thành 3 hướng tiêu biểu như; hướng thứ nhất là gắn liền với sự di dân và mở rộng lãnh thổ của miền Thuận Quảng; hướng thứ hai xuất phát từ các nhà sư người Trung Quốc đưa tới; hướng thứ ba là do truyền bá từ Campuchia. Nhưng dù hướng nào đi chăng nữa thì sự phù hợp giữa đạo đức Phật giáo và phong tục tập quán nơi đây đã tạo nên yếu tố quyết định cho Phật giáo tồn tại và phát triển mạnh mẽ.

Nguyên tắc căn bản của đạo đức Phật giáo là lòng từ bi, bình đẳng cho tất cả chúng sinh, tránh làm điều ác, tích cực hành thiện. Phật giáo đề cao “giới”, xem “giới” là những điều không được vi phạm, cần phải tránh để bảo vệ đạo đức và nhân phẩm của một con người. Xem “giới” là con đường đạo đức dành cho tất cả mọi căn cơ và trình độ. Giới có nhiều loại, tùy theo cấp độ tu hành khác nhau giữa đại thừa và tiểu thừa mà giới được phân thành nhiều loại, tuy vậy chúng ta có thể thấy có năm giới cơ bản sau; (1) không sát sanh; (2) không trộm cướp; (3) không tà dâm; (4) không nói lời không chân thật (giới về miệng); (5) không uống rượu. Năm giới căn bản là điều kiện đạo đức tối thiểu của một người Phật tử, cũng là những chuẩn mực đạo đức. Giới của Phật giáo khi hòa mình vào những phong tục tập quán đã góp phần làm sâu sắc thêm tinh thần yêu nước, ý chí tự cường của dân tộc Việt Nam.

Việc thực hành năm giới này, không chỉ hoàn thiện tư cách đạo đức cá nhân mà còn làm cho xã hội được yên bình, hạnh phúc. Vì vậy, năm giới là năm điều kiện sống không thể thiếu của một con người, là điều kiện cần và đủ để trở thành người có đạo đức. Để hướng đến hoàn thiện, con người cần phải có môi trường và xã hội tốt đẹp. Những chuẩn mực đạo đức của Phật giáo đòi hỏi cá nhân mỗi người phải tu luyện đạo đức. Khi tất cả những cá nhân trong xã hội rèn luyện và thực hành điều thiện tránh làm điều ác thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn. 
 
Ngoài việc xây dựng đạo đức cá nhân, Phật giáo còn cho rằng, phải xây dựng một chuẩn mực đạo đức xã hội. Mục đích của Phật giáo không chỉ dừng lại ở việc dạy đạo đức cho số ít người mà Phật giáo còn muốn trang bị đạo đức cho toàn xã hội. Để thực hiện điều đó Phật giáo chủ trương phải thực hành theo sáu pháp Hoà kính, gồm: (1) “Thân hòa cùng ở”. Là cùng nhau ở dưới một mái nhà, trong một phạm vi, một tổ chức, giúp đỡ nhau, cùng ăn, cùng ngủ, cùng học, cùng hành.  (2) “Khẩu hòa vô tranh”. Phật giáo chủ trương, mọi người không đánh đập nhau, không đối chọi nhau, khi ở bên cạnh nhau. Muốn làm được điều đó, thì lời nói phải giữ được ôn hòa nhã nhặn. Có người thân hòa mà khẩu không hòa, ăn thua nhau từng câu nói, tìm cách mỉa mai, châm chọc, hạch hỏi nhau từng tiếng một, dễ sinh ra mâu thuẫn. (3) “Ý hòa đồng duyệt”. Ý là quan trọng nhất, vì đây sẽ dẫn đến khẩu và thân. Cho nên, trong một gia đình, một đoàn thể, mỗi người cần giữ gìn ý cho trong sạch. Nếu ý tưởng hiền hòa, vui vẻ thì thân và lời nói sẽ giữ được hòa khí. Nếu không thì ngược lại. (4) “Giới hòa đồng tu”. Trong một tổ chức, đoàn thể cần có trật tự, kỉ luật qui định rõ ràng. Trong đạo Phật, mỗi Phật tử, tùy theo địa vị cấp bậc tu hành của mình, mà thọ lãnh ít hay nhiều giới luật. Như vậy, trong một đoàn thể, dù đạo hay đời, nếu không cùng nhau gìn giữ giới điều, kỉ luật, quy tắc, thì chúng ta không sống chung với nhau được. Phật tử, muốn hòa hợp cùng nhau để tu tập, thì mỗi người cần phải gìn giữ giới luật như nhau. (5) “Kiến hòa đồng giải”. Sống chung, mỗi người hiểu biết, khám phá được điều gì thì phải giải bày, chỉ bảo cho người khác hiểu. Như thế trình độ hiểu biết mới không chênh lệch, sự tu học mới tiến đều về tinh thần bình đẳng, mới dễ giữ vững giữa những người cùng ở một đoàn thể. (6) “Lợi hòa đồng quân”. Về tài lợi, vật thực, đồ dùng phải phân chia cho cân nhau hay cùng nhau thọ dụng, không được chiếm làm của riêng, hay giành phần nhiều về mình.  Với quan điểm này của Phật giáo đã góp phần làm phong phú cho đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định rằng chỉ có đoàn kết mới làm cho cách mạng thành công, do vậy đạo đức của người cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Như vậy, chứng tỏ rằng tinh thần từ bi, vô ngã, hòa hợp, đoàn kết vẫn có giá trị đối với cách mạng Việt Nam hiện nay.

Phật giáo cho rằng, trong xã hội sở dĩ có sự xung đột, phân chia giai cấp, cũng do vì thiếu sự "Lợi hòa đồng quân" dẫn đến phân biệt giàu nghèo. Do đó, không thể có hòa bình được vì con người luôn tìm cách tranh dành lẫn nhau. Muốn cho xã hội trở nên công bằng thì con người phải cư xửa với nhau có đạo đức.

Phật giáo cho rằng, cần phải thiết lập trật tự xã hội bằng sự công bằng. Chính vì thế, trong kinh phật còn dạy cách xử sự với nhau trong cuộc sống thường nhật như đạo làm cha mẹ, làm con, làm vợ, làm chồng, làm trò, làm thầy, làm bạn, bổn phận với kẻ ăn, người ở. Những lời dạy trong kinh phật về cách cư xử trong gia đình là khởi đầu cho quan hệ đạo đức trong xã hội. Điều này được thể hiện trong kinh Trường A hàm thông qua lời giảng của Phật với Thiện Sinh, gồm những nội dung sau:

(1) Con đối với cha mẹ, có bổn phận phụng dưỡng và cung cấp đầy đủ vật dụng cho cha mẹ. Muốn làm gì thưa cha mẹ biết. Không trái việc cha mẹ làm. Không trái điều cha mẹ dạy. Không ngăn đón việc làm lành của cha mẹ:“Ở đời được kính dưỡng mẹ hiền là vui, kính dưỡng thân phụ là vui, kính dưỡng Sa-môn là vui, kính dưỡng Thánh nhơn là vui” [3, tr. 69].

(2) Cha mẹ phải biết thương con; bậc làm cha mẹ, phải biết khuyên và ngăn cản, không để cho con làm điều ác. Nhắc nhở và dẫn dắt con đi trên đường thiện. Tạo cho con nghề sống chính đáng. Khi con khôn lớn, dựng vợ, gả chồng một cách xứng đáng. Kịp thời chia lại cho con phần tài sản của mình.

(3) Học trò đối với thầy có bổn phận; luôn luôn tỏ ra cung kính, trông nom săn sóc thầy. Chăm chỉ nghe lời thầy dạy. Khi thầy cần đến, hết lòng giúp đỡ. Kính cẩn nhận lời thầy dạy bảo.

(4) Thầy phải biết thương trò và có bổn phận; người thầy phải dạy dỗ trò biết tôn trọng kỷ luật, làm cho trò lĩnh hội được lời dạy. Dạy những môn kỹ thuật và khoa học thích hợp. Tiến dẫn trò vào giới thân cận của mình để trò giao thiệp với bạn bè thân thuộc mình. Đào tạo trò cho ra người hoàn hảo trên mọi phương diện.

(5) Chồng đối với vợ, có bổn phận; luôn luôn hòa nhã, ân cần. Không khi nào tỏ ý khinh rẻ. Luôn luôn chung thủy với vợ. Giao quyền hành cho vợ. Mua sắm cho vợ các đồ trang sức.

(6) Vợ phải biết thương chồng và có bổn phận; làm tròn phận sự trong nhà.Vui vẻ tử tế với quyến thuộc của chồng. Luôn luôn trung thành với chồng. Giữ gìn cẩn thận những đồ trang sức, thận trọng coi sóc của cải trong nhà. Luôn luôn siêng năng không khi nào thoái thác công việc.

(7) Đối với bạn bè thân thuộc có bổn phận; Quảng đại, khoan hồng. Ăn nói nhã nhặn, thanh tao. Sẵn sàng làm việc phải cho bạn bè thân thuộc. Thấy ai hữu sự liền ra tay giúp đỡ, không đợi cầu khẩn. Có tinh thần bình đẳng. Luôn luôn thành thật.

(8) Người bạn được đối xử như vậy, có bổn phận; bảo vệ bạn trong lúc cô đơn, cứu vớt bạn trong cơn sa ngã. Khi tài sản bạn không ai trông nom, hết lòng bảo vệ, không để cho bạn bị tổn hao. Nếu bạn lâm vào tình trạng khủng hoảng thì hết lòng đùm bọc và làm cho mình trở nên nơi nương tựa của bạn. Không nên bỏ bạn trong lúc nguy biến. Đối với gia đình bạn luôn luôn nhã nhặn, khiêm tốn.

(9) Đối với kẻ ăn người ở trong nhà, có bổn phận; không nên giao phó công việc làm quá sức, thù lao và cơm nuôi đầy đủ,  không bắt làm quá giờ.
(10) Người làm công phải thương chủ và có bổn phận; thức dậy trước chủ. Ngủ sau chủ. Chỉ lấy hoặc dùng những vật chi của chủ cho. Tận tình làm công việc trong nhà được vẹn toàn. Giữ gìn danh giá cho gia chủ, làm cho danh thơm của gia chủ được truyền ra xa rộng.

Những quan niệm trên đã khái quát những mối quan hệ cơ bản nhất từ trong gia đình đến ngoài xã hội, phật giáo chủ trương xây dựng nên mối quan hệ tốt đẹp nên có giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò, giữa chồng và vợ, giữa bạn bè với nhau, giữa gia chủ và người làm, giữa tu sĩ và dân chúng. Chuẩn mực lý tưởng trong quan hệ xã hội được Đức Phật khái quát có giá trị vượt thời gian, dù hoàn cảnh của mỗi quốc gia có khác nhau nhưng được sống bình đẳng, nhân ái giữa người với người vẫn là khát vọng, dù hoàn cảnh xã hội có thay đổi, các mối quan hệ xã hội có thêm bớt cho phù hợp với hoàn cảnh mới nhưng tinh thần bình đẳng, nhân ái và giá trị đạo đức vẫn còn tồn tại. Trong cuộc sống hàng ngày nếu chúng ta biết khoan dung, có lòng vị tha thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp.

3. Khái quát phong tục tập quán người nam bộ ở Việt Nam

Nam Bộ là vùng đất gồm; Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng Sông Cửu Long. Nam Bộ từ lâu đời đã là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc như người Việt, người Hoa, người Chăm, người Kh’mer, người Mạ, người Stiêng, v.v. Nơi đây cũng là nơi diễn ra sự giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa các cộng đồng tộc hết sức đậm nét tạo nên nét đặc trưng của người dân nơi đây như sự táo bạo, năng động, sáng tạo, thực tế, trọng nghĩa, phóng khoáng, bao dung.

Để hiểu rõ phong tục tập quán của người dân Nam Bộ có lễ chúng ta nên bắt đầu từ việc nghiên cứu quá trình chinh phục mảnh đất phía nam của người Việt. Năm 1698 chúa Nguyễn cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đi khâm lược phía Nam “lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, đặt xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long, dựng dinh Trấn Biên, v.v, xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn”[6, tr. 77]. Với khí hậu ôn hòa, đất đai trù phú đã làm thay đổi ít nhiều thói quen, phong tục tập quán, lối sống của những người di dân. Quá trình đó đã hình thành phong tục tập quán mới vừa mang sách thái chung của dân tộc Việt Nam vừa mang tính vùng miền riêng biệt. Quá trình định cư xen kẻ của các dân tộc tạo nên sự giao lưu văn hóa và tiếp biến văn hóa bên cạnh đó Nam Bộ còn là nơi giao lưu văn hóa với nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Sự tiếp biến nhiều luồng văn hóa làm cho người Nam Bộ có lối sống năng động, sáng tạo. Bên cạnh đó sự giao lưu văn hóa cũng làm cho phong tụp tập quán Nam Bộ tồn tại nhiều tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, các tín ngưỡng và tôn giáo ở đây không mang tính đối đầu như một số nước trên thế giới mà nó hòa trộn vào nhau bởi sự cởi mở, phóng khoáng sẵn sàng mở cửa tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa và tư tưởng tiến bộ trên thế giới nhằm tạo nên nét độc đáo riêng, phù hợp với điều kiện lịch sử Nam Bộ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Với tư duy và tính cách phóng khoáng, dễ hòa đồng của người dân Nam Bộ nên họ đễ dàng chấp nhận sự đa dạng, phong phú của các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Phật giáo là một trong những tôn giáo du nhập vào Nam Bộ theo bước chân của những người di cư. Tuy nhiên, Phật giáo sẽ không thể bám rể và trưởng thành ở đây nếu không có sự chuyễn mình. Trong suốt chiều dài lịch sử vùng đất Nam Bộ, Phật giáo đã cùng phong tục tập quán nơi đây song hành cùng nhau nhau, liên kết với nhau và hòa hợp với nhau tạo thành Phật giáo mang đậm tính dân gian. Sở dĩ phong tục tập quán Nam Bộ và giá trị đạo đức Phật giáo có thể dung hợp được với nhau là vì giá trị đạo đức Phật giáo có những nét tương đồng với phong tục tập quán Nam Bộ, và bên cạnh đó là sự  hiếu khách và sự cởi mở của người dân Nam Bộ. Đó chính là môi trường thuận lợi cho quá trình dung hợp. Nếu sự dung hợp chỉ có môi trường thôi thì chưa đủ mà còn phải đáp ứng nhu cầu thực tại của xã hội, đồng thời nó cũng đáp ứng được nhu cầu truyền bá của Phật giáo.

4. Sự dung hợp của giá trị đạo đức Phật giáo với phong tục tập quán Nam Bộ ở Việt Nam

Cũng giống như bất kỳ nơi nào trên thế giới khi chưa giải thích được các hiện tượng tự nhiên và bất lực trước thực tại, con người đều tìm đến sự giải thoát ở mặt tinh thần. Vùng đất Nam Bộ ở Việt nam cũng không nằm ngoài quy luật trên đúng như  C.Mác – Ph. Ănghen đã nhận xét “bên cạnh những lực lượng thiên nhiên còn có cả những lực lượng xã hội tác động – những lực lượng này đối lập với con người, một cách cũng xa lạ lúc đầu cũng không thể hiểu được đối với họ và cũng không thể thống trị họ với các vẻ tất yếu bề ngoài giống như bản thân những lực lượng tự nhiên vậy. Những nhân vật ảo tưởng, lúc đầu chỉ phản ánh những sức mạnh huyền bí của các lực lượng tự nhiên, thì nay lại vì thế có cả những thuộc tính xã hội và trở thành những đại biểu cho các lực lượng lịch sử”ơ2, tr. 437]. Như vậy sự dung hợp giữa phong tục tập quán người dân nam Bộ và giá trị đạo đức Phật giáo đầu tiên là để đáp ứng nhu cầu niềm tin của người dân nơi đây. Người dân Nam Bộ  cũng giống như bao nhiêu cộng đồng dân cư khác trong cuộc sống ngoài việc thỏa mãn giá trị vật chất thì còn phải thỏa mãn những giá trị tinh thần và tâm linh, “tâm linh là cái thiêng liêng cao cả trong cuộc sống đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo. Cái thiêng liêng cao cả, niềm tin thiêng liêng ấy được đọng lại ở những biểu tượng, hình ảnh, ý niệm”[5, tr. 14]. Việc thể hiện ở mặt tâm linh được người dân Nam Bộ thể hiện thông qua cách thờ cúng tổ tiên, thờ những người khai hoang lập ấp, những người anh hùng dân tộc, những vị thần hộ mệnh, v.v, đã góp phần hình thành nên phong tục tạp quán của người dân Nam Bộ. Phật giáo du nhập vào Nam Bộ ở Việt nam đã sớm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân nơi đây bởi triết thuyết đạo đức nhân sinh của mình, đặc biệt là thuyết luân hồi, nghiệp báo và quan niệm về giải thoát. Người dân Nam Bộ đã nhìn thấy được những giá trị đạo đức Phật giáo có thể giúp họ bảo lưu, duy trì và chuyển tải những giá trị tốt đẹp của vốn có của họ. Tuy nhiên, Phật giáo chỉ có thể truyền bá rộng rải ở Nam Bộ khi nó biết chuyễn mình theo hình thức thay đổi để phủ hợp với phong tục tạp quán nơi đây. Phong tục tập quán của người Nam Bộ được thể hiện qua đạo lý uống nước nhớ nguồn, truyền thống bao dung, nhân nghĩa, truyền thống yêu nước, phóng khoáng, đoàn kết, v.v, tất cả được dung nạp vào Phật giáo. Phật giáo hết sức gần gủi với người dân nơi đây, họ thờ phật trong nhà và chung với bàn thờ tổ tiên. Nếu như đức phật ở các nơi được người dân tôn thời với giáng vẻ uy nghi ngồi trên tòa sen thì ở Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung thì hình ảnh đức Phật là rất gần gủi với người dân. Bụt là Phật hóa thành lấy sự giác ngộ để giải thoát “Phật – tiếng Phạn là Buddha (âm Hán Việt là Phật Đà, gọi tắt là Phật) nghĩa là bậc giác ngộ viên mãn. Từ tiếng Phạn Buddha, người Việt Nam ngày xưa đọc là Bụt”[10, tr. 36]. “Trái lại cái tên Bụt, Tiên cũng là mượn của những thứ tôn giáo ngoại lai nhưng đã trở thành truyền thống, vì từ rất xưa, những tôn giáo này đã từng hoá thân vào đời sống dân tộc, chấp nhận những thứ thanh lọc gay gắt, trở thành tôn giáo chung chi phối tâm linh của cộng đồng”[1, tr. 50]. “Các nhân vật vốn là biểu tượng của tôn giáo như Bụt, Tiên, Ngọc Hoàng , v.v đều đã được cái nhìn thực tiễn của dân gian – dân tộc nhân cách hoá để trở thành lực lượng cứu tinh đối với mọi người dân cùng khổ”[1, tr. 1635]. 
 
Phật giáo ban đầu truyền bá vào Nam Bộ là đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, tuy nhiên quan điểm giải thoát của Phật giáo lại hòa quyện với chủ nghĩa yêu nước tạo nên một sắc thái mới cho phong tục tập quán nơi đây. Người dân Nam Bộ đã biến Phật giáo từ xuất thế trở thành nhập thế tích cực, mang dáng vẻ và tâm hồn của người Nam Bộ. Đến lượt mình Phật giáo cũng mang trong mình dáng vẻ, tinh thần và phong tục tập quán của người Nam Bộ. Quan điểm tứ ân của Phật giáo “Có nhiều thuyết . I. Theo kinh tâm địa quán, bố ơn gồm: 1. Ơn cha mẹ; 2. Ơn chúng sinh; 3. Ơn quốc vương; 4. Ơn tam bảo. II. Theo Thích thị yếu lãm thì bố ơn gồm: 1. Ơn cha mẹ; 2. Ơn sư trưởng; 3. Ơn quốc vương; 4. Ơn thí chủ”[8, tr. 1425]. Quan điểm này vừa có tính tương đồng với quan điểm của người Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng. Ơn cha mẹ, tổ tiên cha mẹ, ơn đất nước trong Phật giáo cũng chính là đạo lý hướng về cội nguồn chung của người dân Nam Bộ, về những vị anh hùng đã xả thân vì quê hương, đất nước. Để tri ân những người có công với đất nước, tưởng nhớ tổ tiên, hàng năm, người dân Nam Bộ đều tổ chức những ngày lễ, giỗ. Phong tục tập quán này của người Nam Bộ đã được Phật giáo duy trì, nuôi dưỡng và nâng lên thành một đạo lý bền vững trong dân gian. Quan điểm “tư bi” “thương yêu chúng sinh, mang lại cho họ niềm an lạc vui sướng gọi là Từ (maitrya, maitri). Đồng cảm nỗi khổ và thương xót chúng sinh, trừ bỏ nổi khổ cho họ gọi là Bi”[8, tr. 1421]. Quan điểm đó của Phật giáo đã gặp gỡ với tính trọng nghĩa, bao dung của người dân Nam Bộ, nên ngay từ buổi đầu mới du nhập, Phật giáo đã được người dân Nam Bộ đón nhận và phát huy. Như vậy, sự dung hợp của phong tục tập quán Nam Bộ và giá trị đạo đức Phật giáo còn góp phần vào việc giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp của phong tục tập quán nơi đây.

Sự dung hợp của tính táo bạo của phong tục tập quán của Nam Bộ và giá trị đạo đức Phật giáo thể hiện trong việc giải phóng. Trong quan điểm của Phạt giáo “giải thoát, có nghĩa là lìa bỏ mọi trói buộc mà được tự tại. Cởi bỏ sự trói buộc của hoặc nghiệp, thoát ra khỏi khổ quả của tam giới”[8, tr. 447]. Muốn giải thoát thì Phật giáo phải hướng con người giải thoát bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày. Sự giải thoát này trùng hợp với phong tục tập quán của người dân Nam Bộ. Quan điểm gải thoát vốn đã hằn sâu trong ý thức của người Nam Bộ, nó thể hiện ngày từ thời kỳ khai hoang mở cỏi. Những người đến đây lập nghiệp thường là những người bị dồn nén đến bước đường cùng, họ từ bỏ quê hương ra đi để tìm kiếm miền đất mới nhưng thực ra đó chính là sự giải phóng. Quan điểm giải phóng của người Nam Bộ được thể hiện trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm như sự kiên cường, gan dạ, dám xả thân vì tổ quốc. Sự dung hợp giữa tư tưởng giải thoát của Phật giáo và  tính táo bạo luôn mong muốn được giải phóng của người dân Nam Bộ đã góp một phần hun đúc thành những giá trị mang tính truyền thống trong suốt chiều dài lịch sử hình thành vùng đất Nam Bộ là: “Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, thương người, vì nghĩa”[9, tr. 50]. 

Dung hợp giữa  tính trọng nghĩa trong phong tục tập quán Nam bộ và sự hòa hợp trong giá trị đạo đức Phật giáo. Trong phong tục tạp quán của ngươi Nam Bộ tính trọng nghĩa được thể hiện trong các quan điểm như “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, “hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau”, v.v. Xét ở một góc độ nhất định thì người Nam Bộ mang tính trọng nghĩa, tính trọng nghĩa xuất phát từ nguyên nhân; nguyên nhân thứ nhất bắt nguồn từ tình cảm, việc di cư đã làm cho con người đến miền đất mới để sinh sống với nhiều người lạ. Như một lẽ tất yếu tình cảm con người cần phải có thời gian nhưng ở giai đâọn ngắn thì chưa có sự thích nghi. Trong lúc đó cuộc sống hàng ngày họ phải đối mặt với những khó khăn nhất định buộc họ phải nương tựa vào nhau; thứ hai bắt nguồn từ sự đoàn kết để chống thứ dữ và sự xâm lược của kẻ thù. Tuy đây là vùng đất mới nhưng lại tụ họp rất nhiều dân tộc khác nhau, ban đầu số lượng không đông nhưng mỗi dân tộc lại có một nét văn hóa riêng biệt, nếu không thể bỏ bớt cái tôi thì không thể đến với cái ta. Việc tách biệt với cộng đồng sẽ làm cơ hội cho thú dữ ăn thịt và kẻ địch đến tấn công cướp, phá do vậy họ phải nâng cao tính trọng nghĩa để cưu mang, đùm bọc nhau, kết thân với nhau bằng hình thức trao đổi nòi giống. Tính trọng nghĩa, tình, trọng sự hòa hợp là một đức tính quý báu của người Nam Bộ được kết tinh từ những bài học về lẽ sống, được thể hiện qua những phong tục tập quán của người dân. Ở phương diện này thì phong tục tập quán lại rất gần giủ vơi tư tưởng bình đẳng của Phật giáo. "Tạo hóa không sinh ra ai sang, ai hèn, ai thầy, ai tớ, ai vua, ai tôi cả. Tạo hóa sinh ra toàn những con người bình đẳng thôi"[11, tr. 106]. Chính tư tưởng bình đẳng này đã tạo ra sự hòa hợp rộng rãi ở mỗi nơi có dấu chân của Phật giáo, nó đã dễ dàng thấm vào tư tưởng và tinh thần vốn dễ dàng chấp nhận, dễ dàng hòa nhập của người dân Nam Bộ như nước thấm vào đất. Sự bình đẳng của Phật giáo được “Ví như này, Pàhàràda, phàm các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamurà, sông Aciravati, sông Mahì, các con sông ấy chảy đến biển, liền bỏ tên họ trước, trở thành biển lớn. Cũng vậy, này Pàhàràda, có bốn giai cấp: Sát đế lỵ, Bà la môn, Phệ xá, Thủ đà, sau khi từ bỏ gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố này, họ từ bỏ tên và họ của họ trước, họ trở thành những Sa môn Thích tử”[7, tr. 562]. Nếu như Phật giáo ở Ấn Độ thì sự hòa hợp mang tính ngoại giao, chung sống hòa bình, bình đẳng thì Phật giáo sau khi du nhập vào Nam Bộ có sự hòa hợp rộng lớn mang trong mình nó tính trọng nghĩa, tình và hòa hợp góp phần tạo nên phong tục tập quán tốt đẹp của con người Nam Bộ. Bên cạnh đó Phật giáo ở đây vừa chứ đựng trong mình nó sự hài hòa giữa Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo và có sự hòa trộn cả phương Đông lẫn phương Tây.

Sự dung hợp còn thể hiện giữa tinh thần nhân ái trong phong tục tập quán của người dân Nam Bộ và tư tưởng từ bi của Phật giáo. Tinh thần nhân ái xuất hiện từ khá sớm trong lịch sử nhân loại, tuy nhiên ở mỗi quốc gia, mỗi vùng miền lại mang những đặc trưng khác nhau. Lòng nhân ái của người dân Nam Bộ được thể hiện trong lối sống giản dị, trong các mối quan hệ từ gia đình đến ngoài xã hội. Có một số nghiên cứu cho rằng người dân Nam Bộ đề cao tình hơn lý trong cuộc sống. Tuy nhiên không phải họ sống theo cảm tính mà là trong mọi sự việc họ phải xét cái tình trước. Tinh thần nhân ái của người dân Nam Bộ rất gần gủi với tư tưởng từ bi của Phật giáo “thương yêu chúng sinh, mang lại cho họ niềm an lạc vui sướng gọi là Từ (maitrya, maitri). Đồng cảm với nỗi khổ và thương xót chúng sinh, trừ bỏ nổi khổ cho họ gọi là Bi”[8, tr 1421]. Quan điểm từ bi của Phật giáo đã cùng với tinh thần nhân ái của người dân Nam Bộ tạo nên một giá trị mới đó là tính trọng nghĩa. Lòng nhân ái là sự thể hiện yêu thương giữa người và người, đó là sợi dây ràng buộc con người với nhau. Lòng nhân ái sẽ giúp con người loại bỏ dần tính ích kỷ, từ bỏ lòng tham lam, sự mâu thuẫn, xung đột trong xã hội. Tinh thần nhân ái trong triết lý Phật giáo thể hiện ở tứ đại trọng ân phù hợp với thuần phong mỹ tục của con người Việt Nam nói chung và Nam bộ nói riêng, đó là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu đễ với ông bà cha mẹ, v.v. Như vậy, Phật giáo du nhập vào Nam Bộ đã tìm được sự dung hợp với phong tục tập quán của người dân nơi đây. Bởi vì  giá trị đạo đức Phật giáo có nhiều điểm tương đồng với phong tục tập quán của người Việt ở Nam Bộ, nên đã được người dân đón nhận và dung hợp với phong tục tập quán của mình, trở thành Phật giáo mang đậm màu sắc bản địa. Giữa tư tưởng từ bi của Phật giáo và tinh thần nhân ái trong phong tục tập quán Nam Bộ có sự kết hợp, dung hợp nhau để tạo thành một Phật giáo mang bản sắc Nam Bộ, góp phần làm phong phú phong tục tập quán và phát triển bản sắc văn hóa của người dân Nam Bộ. 

5. Kết luận

Phật giáo du nhập Việt Nam vào đầu Công nguyên, trải qua bao thăng trầm trong lịch sử nhưng Phật giáo vẫn tồn tại và phát triển. Khoảng thế kỷ XVII, Phật giáo đã du nhập vào Nam Bộ bằng nhiều con đường khác nhau và ăn sâu, bén rễ tại mãnh đất này. Quá trình du nhập của Phật giáo ở Nam Bộ đã có sự dung hợp giữa phong tục tập quán của người Nam Bộ bởi sự tương đồng giữa giá trị đạo đức Phật giáo và phong tục tập quán người Nam Bộ. Những nét tương đồng đó tạo nên sự tương tác giữa phong tục tạp quán Nam Bộ và giá trị đạo đức Phật giáo đã làm cho Phật giáo ở Nam Bộ trở thành Phật giáo bản địa. Khi Phật giáo du nhập vào Nam Bộ, bản thân nó ít nhiều đã bị ảnh hưởng bởi lối sống, văn hóa, phong tục tập quán của người dân nơi đây. Phật giáo đã in dấu ấn của mình vào phong tục tập quán Nam Bộ, nhưng bản thân nó cũng bị tác động bởi phong tục tập quán của bản địa. Văn hóa bản địa đã chế định các giá trị văn hóa đạo đức Phật giáo, tạo nên những đặc thù riêng của đạo đức Phật giáo Nam Bộ. Cùng với thời gian lịch sử, nhiều giá trị phong tục tập quán của cư dân người Việt ở Nam Bộ đã được chuyển tải vào trong Phật giáo. giá trị đạo đức của Phật giáo cũng có vai trògóp phần vào việc làm phong phú thêm phong tục tập quán và đạo đức của người dân Nam Bộ.  

Võ Văn Dũng
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 3/2015

-
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Đổng Chi  (2000), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập I, Nxb. Giáo dục.
2. C.Mác – Ph. Ănghen (1993), Toàn tập, t.8, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
3. Kinh pháp cú (1993), (Thích Thiện Siêu dịch), Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam.
4. Võ Văn Dũng (2012), Một số giá trị đạo đức Phật giáo và ý nghĩa của nó hiện nay, Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Tháp, Số 1.
5. Nguyễn Đăng Duy (1996), Văn hóa tâm linh, Nxb. Hà Nội.
6. Trịnh Hoài Đức, gia định thành thông chí, Nxb. Giáo dục.
7. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1996), Kinh Tăng Chi Bộ, tập III, bản dịch của Thích Minh Châu, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.
8. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phân viện nghiên cứu Phật học (2012), Tư điển Phật học Hán- Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
9. Trần Văn Giàu (1993), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.
10. Huệ Thiện (2003), Đức Phật qua thành ngữ và tục ngữ Việt Nam – Nguyệt san Giác ngộ (Phụ trương nguyên cứu của báo Giác Ngộ), Số 84.
11. Thanh Vân - Nguyên Duy Nhường (1993), Từ điển danh ngôn Đông Tây, Nxb. Văn Hóa, Hà Nội.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm